mardi 24 mai 2016

Nhật ký facebook về chuyến viếng thăm của Obama (ngày 23-5-2016)...

Nếu chỉ đơn thuần gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng và bất chấp nhân quyền, thì đây có thể là thông điệp mạnh của Obama gởi đến TQ.
Mặc dầu rào trước đón sau, Obama nói là bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng không nhắm vào TQ, nhưng Bắc Kinh có thể xem đây là một tín hiệu xấu nhắm vào mình.
Phải chăng đây là cách của Mỹ trả lời Bắc Kinh, khi nước này tuyên bố không tuân thủ phán quyết của Tòa CPA, theo dự tính sẽ ra phán quyết chung cuộc trong những ngày sắp tới?
Trật tự pháp lý, được Mỹ dựng lên từ Thế chiến II (Pax Americana) sẽ được các nước trong khu vực, như VN, dùng vũ lực để bảo vệ, buộc TQ tuân thủ, hay là nó thay thế bằng trật tự mới do TQ áp đặt ?
Tương lai sẽ trả lời.
Trước mắt dĩ nhiên lãnh đao CSVN vui mừng, nhưng sự kín đáo thể hiện bởi việc kín kẽ của báo chí. Cái bóng của Bắc Kinh vẫn còn phủ trùm trên Ba Đình.
Những nhà tranh đấu cho nhân quyền thì cảm thấy bị hụt hẫng, bị xúc phạm. Ta cảm thấy nền tảng xây dựng lên nước Mỹ bị Obama phản bội. Nhưng đấu tranh là luôn lạc quan hướng tới. Cần ý thức rằng bất kể trở lực nào cũng sẽ có cách gỡ được.
Theo tôi, gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thuơng có thể chấp nhận được. Nhưng khi Obama hứa hẹn tư bản Mỹ sẽ đầu tư lên hàng đầu ở VN, mà không có điều kiện nhân quyền kèm theo, chắc chắn Mỹ muốn VN trở thành "công xưởng" mới, kiểu TQ khoảng 2 thập niên trước.
Đây mới là điều bất hạnh cho dân tộc VN. Sự phát triển theo mô hình đó chỉ có một thiểu số nhỏ hưởng lợi. Dân tộc VN trở thành những kẻ làm công trên đất nước của mình.
Kinh tế đi kèm với nhân quyền, phát triển sẽ theo mô hình của Nhật, Đức sau 1945; hay của Đại Hàn, Đài loan thập niên 80.
Mô hình nào là phát triển bền vững, câu trả lời đã hiển nhiên trên thực tế.
Điều càng bất hạnh, là không mấy ai trí thức VN ý thức được nguy cơ này. Họ vẫn dửng dưng, quay lưng với vấn đề "nhân quyền", làm như đó không phải là trách nhiệm của mình, giao nó cho người khác lo lắng.


BBC 23-5

Obama vừa tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương có điều kiện đối với Việt Nam. Nhiều người VN tỏ vẻ vui mừng. Nhưng theo tôi, sự việc chỉ thay đổi về cách nói, cách diễn đạt, mà thực chất vẫn không đổi: Mỹ chỉ bán vũ khí cho VN nếu VN tỏ thiện chí tôn trọng nhân quyền.

Chuyến thăm viếng của Obama thể hiện nhiều điều miễn cưỡng.

Obama tới Hà Nội lúc "phố đã lên đèn". Tiếp đón ông nổi bật là cô gái áo vàng với bó hoa trao tặng. Theo tập quán Tây phương, hình thức, màu sắc bó hoa thể hiện phần nào tâm trạng của chủ nhà. Tấm hình không chụp rõ, chỉ thấy thiên hạ phê bình bó hoa lá nhiều hơn bông.

Nhưng vấn đề là không ai đến thăm nhà bạn ban đêm, lúc mọi người sắp ngủ.

Obama ghé thăm VN một công hai chuyện, mà chuyện chính là tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật. Việt Nam không phải là cái đích.

Cách VN tiếp đón vì vậy cũng "đúng tầm". Bó hoa lá nhiều hơn bông đã nói lên nhiều thứ. Nghi lễ vắn tắt, không tương xứng, hai bên Việt-Mỹ có quyền lợi kinh tế và tầm nhìn chiến lược tương đồng.

Hình chụp trước phủ chủ tịch, một Obama tươi cười bên cạnh Trần Đại Quang ảm đạm, cũng nói lên nhiều điều.

Dầu vậy, nghi lễ đôi khi là chuyện rất phụ, so với những gì sẽ được hai bên sẽ ký kết.

Nhưng mọi mặt VN đều ở “thế kém”, cần Mỹ hơn Mỹ cần VN.

Về kinh tế, VN đang mong tài phiệt Mỹ đầu tư. Nhưng trở ngại là vấn đề “pháp lý”. Tư bản Mỹ đầu tư vào VN vẫn khiêm nhường, so với Đài loan Singapour, Nam Hàn, TQ… Bởi vì tài phiệt Mỹ có lối làm ăn minh bạch, trọng luật… không quen lối làm ăn chụp giựt, hối lộ, đi đêm... ở VN (như các tài phiệt gốc Hoa).

Về quốc phòng, lộ liễu hơn cả, VN cần mua vũ khí tối tân của Mỹ để bổ túc cho hệ thống phòng thủ biển của mình.

Từ khi hai bên thiết lập bang giao, 21 năm, lòng dân VN đã thay đổi lớn lao. Khuynh hướng thân Mỹ (và bài Hoa) lên cao trong dân chúng. Tình bạn của nhân dân hai bên chắc chắn đã thắt chặt và bền vững.

Trở ngại duy nhứt để hai bên Việt-Mỹ tiến tới hợp tác “đồng minh” vẫn là là chế độ chính trị.

Cho dầu Mỹ đã tỏ thái độ “nhìn nhận và tôn trọng chế độ chính trị của VN” nhưng chính điều này đã ngăn cản tầm nhìn về tương lai của hai bên.  

VN không phải là “vua dầu hỏa” Ả Rập, hay làm chủ những hải lộ cực kỳ quan trọng Malacca hay Suez… để treo giá làm cao.
Mỹ có thế "chống" TQ với những đồng minh truyền thống của họ. Điều Mỹ mong muốn là VN không đứng về TQ để chống lại Mỹ. Việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương (có điều kiện) cho phép Mỹ gạt bỏ lo ngại này.

VN cũng có thể dùng vũ khí của Mỹ, bằng phương cách của mình, để bảo vệ lợi ích của mình ở biển Đông.

Điều chắc chắn là Mỹ sẽ thắng và VN sẽ thua.

Nếu lường được hệ quả (của việc thua trận), lãnh đạo VN cần phải biết mình phải làm gì bây giờ.


23-5

Quyền lợi kinh tế và tầm nhìn chiến lược tương đồng, nhưng chế độ chính trị lại là vật cản đã khiến cho quan hệ Mỹ-Việt từ hai thập niên qua vẫn không hoàn toàn cởi mở, theo lối lẩy kiều của phó TT Biden lúc đón Nguyễn Phú Trọng năm ngoái : "sương tan đầu ngõ, vén mây giữa trời".

Nhìn thái độ của Trần Đại Quang qua tấm hình lúc bắt tay với Obama trước cửa phủ chủ tịch. Ta thấy một Obama quen thuộc với nụ cười tươi tắn, bộ điệu cởi mở, trái ngược với gương mặt hắc ám của Trần Đại Quang. Một buổi lễ tiếp đón "quốc khách", không thể đơn sơ vài điệu kèn "đám ma", với gương mặt đưa đám của chủ nhà như vậy. Ta có cảm tưởng mây đen đang vần vũ trong quan hệ hai bên.

So với kỳ tiếp đón Tập Cận Bình, đại bác bắn 21 cú, tiếp theo là nghi thức duyệt hàng binh danh dự, cuối cùng đọc diễn văn ở quốc hội, biểu tượng tính quan trọng tối thượng của vị quốc khách. Ta thấy bên nào thân, bên nào sơ rõ rệt.

Obama tới Hà Nội lúc "phố đã lên đèn". Tiếp đón ông lèo tèo vài công chức hạng xoàng. Nổi bật là cô gái áo vàng với bó hoa tặng Obama. Theo tập quán Tây phương, hình thức, màu sắc bó hoa thể hiện phần nào tâm trạng của chủ nhà. Tấm hình không chụp rõ, chỉ thấy thiên hạ phê bình bó hoa lá nhiều hơn bông.

Nhưng vấn đề là không ai đến thăm nhà bạn ban đêm. Obama hẵn phải có chủ ý ghé Hà Nội lúc mọi người sắp ngủ. Bởi vì theo dự tính ban đầu, Obama sẽ đến sớm (mà đến Sài Gòn trước). Như đã viết trong một status trước, tôi cho rằng Obama ghé thăm VN một công hai chuyện, mà chuyện chính là tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật. Obama đã đi công du trên 50 quốc gia trong các nhiệm kỳ của ông. Nhà Trắng có cả một bộ sậu chuyên về nghi thức ngoại giao. Không hề có chuyện sơ suất từ phía Mỹ.

Cách VN tiếp đón vì vậy cũng "đúng tầm". Bó hoa lá nhiều hơn bông đã nói lên nhiều thứ. Nghi lễ vắn tắt, không có đại bác đón chào, không có hàng quân danh dự đúng nghĩa như thường lệ để hai nguyên thủ đi duyệt binh.

Bởi vì chuyến đi của Obama không phải là chuyến đi "chính thức", theo nghĩa ngoại giao là "công du". Việt Nam không phải là cái đích.

Thái độ chủ nhà, biểu lộ qua gương mặt hãm tài của Trần Đại Quang, ta thấy rõ có gì đó một sự bất bình.

VN muốn tiếp đón Obama như là "quốc khách", với những nghi lễ phải có, mà Obama không đồng ý. Bởi vì Obama không muốn "bảo kê" cho bộ sậu "chính phủ lâm thời", lên nắm quyền qua một thủ tục vi hiến.  

VN có thể quan trọng trong bàn cờ chiến lược của Mỹ, nhưng nguyên tắc là nguyên tắc. Obama không thể phá vỡ những nguyên tắc, những thứ đã tạo nên nước Mỹ cũng như cái "trật tự" gọi là "Pax Americana", thiết lập từ sau Thế chiến thứ II.   

Dầu vậy, nghi lễ đôi khi là chuyện rất phụ, so với những gì sẽ được hai bên ký kết.

Nhưng mọi mặt VN đều ở “thế kém”, cần Mỹ hơn Mỹ cần VN.

Về kinh tế, VN đang cầu khẩn để tài phiệt Mỹ đầu tư. Nhưng trở ngại là vấn đề “pháp lý”. Mỹ đang hối thúc VN thông qua TPP để nước này thay đổi hệ thống pháp lý cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tư bản Mỹ đầu tư vào VN vẫn khiêm nhường, so với Đài loan Singapour, Nam Hàn, TQ… Bởi vì tài phiệt Mỹ có lối làm ăn minh bạch, trọng luật… không quen lối làm ăn chụp giựt, hối lộ, đi đêm... ở VN (như các tài phiệt gốc Hoa). Mà muốn thay đổi hệ thống pháp lý thì phải thay đổi hệ thống chính trị.

Về quốc phòng, lộ liễu hơn cả, VN cần mua vũ khí tối tân của Mỹ để bổ túc cho hệ thống phòng thủ biển của mình. Khó khăn là VN vẫn là một nước độc tài đảng trị, có ý thức hệ rập khuôn với TQ, là đối thủ (đang cạnh tranh) chiến lược với Hoa Kỳ. Muốn mua được vũ khí của Mỹ, VN phải thay đổi chế độ, một cách nói khác của việc “tôn trọng nhân quyền”.

Mỹ không cần VN là đồng minh của mình để đối phó với TQ ở Châu Á. Với những đồng minh truyền thống Nhật, Nam Hàn, Phi… cùng với các nước cạnh tranh chiến lược với TQ như Ấn Độ, Indonesia… Mỹ thừa sức kềm chân, thậm chí “phân liệt” TQ. Điều Mỹ không muốn là VN đứng trong hàng ngũ của TQ.

Từ sau khi hai bên thiết lập bang giao, 21 năm, lòng dân VN đã thay đổi lớn lao. Không có thống kê chính thức nào để khẳng định (hay phủ định) nhưng khuynh hướng thân Mỹ (và bài Hoa) đã lên cao trong dân chúng. Tình bạn của nhân dân hai bên chắc chắn đã thắt chặt và bền vững.

Trở ngại duy nhứt để hai bên Việt-Mỹ tiến tới hợp tác “đồng minh” là chế độ độc tài đảng trị. Cho dầu Mỹ đã tỏ thái độ “nhìn nhận và tôn trọng chế độ chính trị của VN” nhưng chính điều này đã ngăn cản tầm nhìn về tương lai của hai bên.  

Bộ sậu mới lên lãnh đạo VN (vi hiến) càng làm cho tình hình thêm “bi đát”. VN không phải là “vua dầu hỏa” Ả Rập, hay làm chủ những hải lộ cực kỳ quan trọng Malacca hay Suez… để treo giá làm cao.

Người ta có thể mong chờ gì đối tác “đồng minh” Việt-Mỹ ? Sẽ là ảo tưởng nếu chế độ chính trị không thay đổi.

Mỹ sẽ chống TQ với những đồng minh truyền thống của họ. Còn VN cũng có thể chống TQ bằng phương cách của mình để bảo vệ lợi ích của mình ở biển Đông. Điều chắc chắn là Mỹ sẽ thắng TQ nhưng VN chắc chắn sẽ thua TQ.

Nếu lường được hê quả của việc thua TQ, lãnh đạo VN cần phải biết mình phải làm gì bây giờ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.