Trước những hành vi thể hiện quyền
chủ quyền của TQ tại biển Đông, toàn bộ khu vực biển chung quanh Hoàng Sa và
vùng biển phía bắc Trường Sa lần hồi trở thành việc « trong nhà » của
TQ, thay vì một vấn đề quốc tế. Hiện nay TQ cho phép tổ chức du lịch các đảo HS,
cùng lúc đuổi, bắn các tàu đánh cá của VN không cho phép đến gần khu vực. Nhưng
phản kháng chiếu lệ của VN không có hiệu quả, trong lâu dài tính hợp pháp các hành
vi « effectivité » của Trung Quốc được khẳng định.
Gần đây Phi đã mở mặt trận pháp lý
với TQ tại Scarborough và Trường Sa. Hành động này sẽ làm sáng tỏ những đòi hỏi
của TQ đồng thời khẳng định « các quyền » của Phi tại các « chủ
thể » tranh chấp. VN có lợi trong việc kiện tụng này. Tại HS, VN cần có
động thái tương tự. VN có thể vịn nhiều lý do khác nhau, ngoài tranh chấp chủ
quyền, còn có quan điểm đối nghịch của hai bên về thềm lục địa, về cột nước, về
quyền khai thác tài nguyên (như đánh cá)… VN cần xúc tiến việc « pháp lý
hóa » những lãnh vực tranh chấp ở Hoàng Sa nhằm tạo thế chủ động
« khoanh vùng tranh chấp ».
Muốn làm việc này VN phải có một cơ
sở pháp lý vững chắc về chủ quyền của VN tại HS. Trong bài viết ở
đây và ở
đây, tác giả đã vạch ra những kẻ hở trong hồ sơ pháp lý của VN. Trong một
thời gian dài 3 thập niên, nước VNDCCH, tức quốc gia tiền nhiệm của quốc gia
Việt Nam hiện nay, đã có những hành vi, minh thị và ám thị, từ bỏ chủ quyền của
VN tại HS và TS. Bài viết này, nhân cận kề 38 năm ngày đánh dấu sụp đổ Sài Gòn
30-4-1975, trình bày một mảng khác của Công pháp quốc tế, các vấn đề về
« kế thừa » và « tính liên tục quốc gia ». Đây cũng là các
yếu tố pháp lý mà VN cần tuân thủ.
Cần khẳng định : không có danh
nghĩa chủ quyền pháp lý hỗ trợ, VN không thể bảo vệ TS nếu chỉ dựa vào sức mạnh
quân sự. Nguy cơ mất trắng biển Đông là có thật.
Lấy lại HS là thiên nan vạn nan
nhưng hạn chế những tai hại của HS là việc làm có thể. Ít nhứt VN phải chứng
minh « quyền lịch sử » và sự liên tục quốc gia – cho dầu trên danh
nghĩa - ở nơi này bằng cách cho thấy quốc gia VN hiện tại và các quốc gia tiền
nhiệm chưa bao giờ có ý định từ bỏ nó.
I.
« Kế thừa quốc gia[i] »
và « liên tục quốc gia » là những khái niệm thuộc Quốc tế công pháp.
« Kế thừa » quốc gia là sự thay thế một quốc gia bởi một quốc gia khác
ở các quan hệ quốc tế, về những vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Nói đến
« liên tục quốc gia » là nói đến tính pháp nhân của một quốc gia có
luôn được tồn tại (trước các định chế quốc tế), bất chấp những thay đổi về lãnh
thổ, dân số, hệ thống chính trị-pháp lý và quốc hiệu hay không.
Việc kế thừa quốc gia được đặt ra
trong những tình huống : 1/ quốc gia giải thể, 2/ chuyển
nhượng, tức chuyển giao vùng lãnh thổ của quốc gia này cho một quốc gia khác,
3/ ly khai, tức một lãnh thổ tách rời tự thành lập một quốc gia khác và 4/
những trường hợp thống nhất của hai hay nhiều quốc gia.
Kế thừa quốc gia là thủ tục pháp lý
nhằm tái xác định, hay phủ định, trách nhiệm của quốc gia kế thừa đối với vùng
lãnh thổ mới, cũng như hiệu lực các kết ước, hay các tuyên bố của nhà nước tiền
nhiệm đã thể hiện trước các định chế quốc tế, hay đối với các quốc gia khác.
II.
Vấn đề « kế thừa » và tư
cách pháp nhân của quốc gia Việt Nam sẽ bị đặt lại ở ba thời điểm : 1) Sau khi
Nhật đầu hàng Đồng Minh tháng 8-1945, 2) sau khi hiệp định Genève 1954 được ký
kết và 3) sau ngày Sài gòn sụp đổ 30-4-1975.
Các thời điểm này quan trọng vì VN
có những thay đổi lớn lao về lãnh thổ và chế độ chính trị.
Vấn đề kế thừa và tính liên tục giữa
các nhà nước VN từ thời nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc, cho đến thời kỳ các quốc
gia ở miền Nam dễ dàng chứng minh. Chỉ khó khăn nhận diện tư cách pháp nhân của
quốc gia VN ở khoản thời gian Nhật chiếm VN (10-3-1945) cho đến khi Quốc gia
Việt Nam được thành hình (1948). Khoản thời gian này tuy ngắn nhưng quan trọng,
cần làm sáng tỏ[ii],
vì hiện hữu hai « quốc gia » Việt Nam : « Đế Quốc Việt
Nam » và « Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ». Tư cách pháp nhân của
hai quốc gia này không rõ rệt.
Sau khi Nhật « đảo
chánh » Pháp, chủ quyền (toàn thể vùng Đông Dương) trước kia thuộc Pháp,
lọt vào tay Nhật. Nhưng sau khi Nhật thua trận, theo qui định của phe chiến
thắng là Đồng Minh tại Hội nghị Potsdam 1945, các vùng lãnh thổ mà Nhật đã
chiếm đóng trước đó là trái phép, phải tuyên bố từ bỏ. Điều này có nghĩa, các
chế độ chính trị do Nhật đặt ra tại các vùng lãnh thổ do Nhật chiếm trước đó là
không có tư cách pháp lý (trường hợp Mãn Châu quốc với vua Phổ Nghi, hay VN với
Bảo Đại v.v...). Các vùng lãnh thổ này sẽ do Đồng Minh quản lý và quyết định số
phận (ngoại trừ các vùng lãnh thổ đã được giải quyết số phận trước).
VNDCCH được thành lập qua
« cuộc Cách mạng tháng Tám ». Phe cộng sản VN do ông Hồ Chí Minh lãnh
đạo cho rằng đã đánh Nhật, « dành chính quyền » từ tay Nhật.
Điều này không đúng. Nhật đầu hàng
đã giao toàn bộ thẩm quyền của đế quốc tại các thuộc địa cho đại diện của Đồng
Minh. Ông Hồ không thể « cướp chính quyền » từ tay Nhật vì không thể
cướp cái mà Nhật không còn nữa.
VNDCCH không có « tư cách pháp
nhân » của một quốc gia.
Hội nghị Potsdam 1945 giữa các nước
Đồng Minh qui định cho quân đội Trung Hoa có trách nhiệm giải giới quân Nhật
tại VN ở những vùng phía bắc vĩ tuyến 16, cho quân đội Anh có trách nhiệm giải
giới quân Nhật tại VN ở vùng phía nam (vĩ tuyến 16). Sở dĩ không có mặt Pháp
(dẫu rằng Pháp là một bên trong phe chiến thắng thuộc khối Đồng Minh) vì Hoa Kỳ
có ý muốn trả lại độc lập cho tất cả các nước thuộc địa cũ.
Như thế, trong khoản thời gian
1945-1948, VN không có đại diện chính thức, chủ quyền quốc gia VN do Đồng minh
quản lý. Ta có thể quan niệm, Pháp[iii] là
đại diện của Đồng minh vào VN để thực thi tinh thần Hội nghị Potsdam. Tư cách
pháp nhân của quốc gia VN có thể xem là không bị mất lại vào tay Pháp mà chỉ bị
« ngưng đọng ».
III.
Ngày 27-5-1948 Quốc gia Việt Nam
thành hình với Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam được thành lập do
Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, Bảo Đại làm « Hoàng Đế, Quốc trưởng ».
Việc này dựa trên kết ước Elysée, ngày 8 tháng 3 năm 1949, giữa Tổng thống
Vincent Auriol và Bảo Đại.
Nội dung kết ước Elysée có nhiều
điều cần bàn cãi, nhưng điểm chính là Pháp công nhận VN « độc lập »
và « thống nhứt » ba miền.
Quốc gia Việt Nam của của Bảo Đại
đã được quốc tế công nhận rộng rãi[iv]. Năm
1951, nhờ sự ủng hộ của hoa Kỳ, Quốc gia Việt Nam được nhìn nhận là một nước
độc lập, có tuyên bố chiến tranh với Nhật, tham gia Hội nghị San Francisco để
ký hòa ước với Nhật. Nhật đã cam kết bồi thường chiến tranh cho VN (qua một số
công trình xây dựng).
Các việc này khẳng định tư cách
pháp nhân của Quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Điều quan trọng, nhân dịp Hội
nghị ông Trần Văn Hữu, nguyên thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao, đã tuyên
bố trước Hội nghị chủ quyền lâu đời của VN tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa đã bị Nhật chiếm đóng trái phép trong thời kỳ chiến tranh. Ông thay mặt quốc
gia Việt Nam tuyên bố quyết định thâu hồi hai vùng lãnh thổ này về lại quốc gia
Việt Nam. Tuyên bố này không gặp phản đối của nước nào nào tại hội nghị.
Tại Hoàng Sa và Trường Sa, chủ
quyền của VN là liên tục, mang tính kế thừa. Vấn đề kế thừa và tính liên tục
quốc gia đã thể hiện xuyên suốt các thời kỳ : nhà Nguyễn – thuộc Pháp –
thuộc Nhật (tháng 3-1945 – tháng 8-1945)
– Đồng Minh quản lý (tháng 8-1945 – tháng 5-1948) – Quốc gia Việt Nam.
Nhà nước Phong kiến VN đã khám phá,
khai thác tài nguyên và hành sử chủ quyền trên các đảo thuộc hai quần đảo này
từ thế kỷ 18, lúc chưa có đế quốc nào bén mãng tới. Đến thời Pháp thuộc, nhà
nước bảo hộ Pháp đã thay mặt VN long trọng tuyên bố trước cộng đồng quốc tế
việc sát nhập các đảo HS, sau đó các đảo TS vào lãnh thổ VN. Tại hội nghị San
Francisco 1951, Quốc gia Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền này trước cộng
đồng quốc tế.
Cho đến ngày 30-4-1975, VN vẫn giữ
được danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa (de jure) và Trường Sa, mặc dầu HS bị TQ
xâm lăng năm 1974.
IV.
Ở miền Bắc, từ tháng 12-1946
đến tháng 7 năm 1954 là khoảng thời gian gọi là « chín năm kháng
chiến », hay còn gọi là « cuộc chiến Đông dương lần thứ nhứt ».
Chính phủ của ông Hồ tuyên bố « tiêu thổ kháng chiến », phá bỏ thành
thị, làng xã, rút vào rừng thành lập các khu kháng chiến. Chính phủ của ông Hồ
trở thành một « chính phủ kháng chiến » thực sự với ý nghĩa của nó.
Hoạt động của « chính
phủ kháng chiến » không có điều nào đáng ghi nhận, cho đến khi Hồng quân
của Mao Trạch Đông chiến thắng phe Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo.
Vấn đề kháng chiến chống Pháp của Việt Minh đi vào khúc quanh thuận lợi vì được
sự trợ giúp tận tình của CSTQ.
Cuối cùng « kháng
chiến thành công », Pháp thua Việt Minh ở trận Điện Biên Phủ, phải ký hiệp
định Genève tháng 7 năm 1954. Chính phủ VNDCCH do ông Hồ lãnh đạo vì vậy lấy
được một nửa đất nước, tính từ vĩ tuyến 17.
Chính phủ VNDCCH là một
chính phủ hiện hữu trên thực tế (de facto), được khối cộng sản công nhận. Quốc
gia Việt Nam, do chính phủ VNDCCH đại diện, quan niệm Việt Nam là một quốc gia
duy nhứt, thống nhứt ba miền Bắc, Trung, Nam, theo như qui định của hiệp định
Genève 1954. Việc phân chia đất nước chỉ là tạm thời. VNDCCH không có đại diện
nào tại các định chế quốc tế thuộc LHQ. Điều đáng ghi nhận là VNDCCH tuyên bố đoạn
tuyệt với quá khứ của các nhà nước phong kiến và thực dân. VNDCCH là một quốc
gia « mới », lãnh thổ có là do chiếm được, không do kế thừa. Điều ghi
nhận khác, ngày 14-9-1958, nhà nước VNDCCH có viết công
hàm nhìn nhận các tuyên bố về lãnh thổ và bề rộng lãnh hải của Trung Quốc,
theo đó minh thị nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. Công hàm này là trở
ngại pháp lý của nhà nước VN hôm nay trong hồ sơ HS và TS.
V.
Mặt trận Dân tộc Giải
phóng miền Nam được khai sinh ngày 20-12-1960, theo nghị quyết của của Đại hội
đảng toàn quốc lần thứ ba của đảng CSVN (lúc đó là đảng Lao Động), do bộ Chính
trị đảng CSVN và Trung ương cục miền Nam lãnh đạo. Vì vậy thực thể chính trị
này và VNDCCH có quan hệ mật thiết.
Mục tiêu của MT là :
« đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và nhân sĩ
yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh lật đổ ách thống trị
của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, để thực hiện độc lập,
dân chủ, hòa bình, trung lập tiến tới hòa bình thống nhứt tổ quốc. »
Cuộc tổng tấn công tết Mậu
Thân 1968, thực hiện theo một nghị quyết khác của đảng CSVN, là một thành công
chính trị lớn lao. Thế giới qua cuộc tấn công này biết được sự hiện hữu của
MTGPMN. Chính phủ Cách mạng Lâm thời được thành lập ngày 8-6-1969, dĩ nhiên được
VNDCCH cùng các nước trong khối cộng sản công nhận.
Sự hiện hữu của CPCMLT ảnh
hưởng đến tính chính thống của chính phủ VNCH trước các định chế quốc tế, làm
yếu đi tư thế đại diện một nước Việt Nam duy nhứt.
CPCMLT được nhìn nhận là
một thực thể chính trị có tư cách pháp nhân. Bốn bên Mỹ, CS miền Bắc, VNCH và
CPCMLT ký kết hiệp định Paris 1972. HK bắt đầu rút quân khỏi miền Nam đồng thời
ngưng viện trợ quân sự cho VNCH. 30-4-1975 VNCH sụp đổ.
Nhưng cho đến khi sụp đổ,
VNCH vẫn là đại diện duy nhứt cho quốc gia Việt Nam tại các tổ chức quốc tế.
VI.
Ngày 30-4-1975, nhà nước VNCH sụp
đổ, chính quyền mất vào tay Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt
Nam (CHMNVN). Chính phủ mới tuyên bố kế thừa VNCH tại các định chế quốc tế
thuộc LHQ[v]. Việc
kế thừa thể hiện dễ dàng qua việc thay đổi « tên nước » VNCH thành
CHMNVN.
Nhưng về vấn đề kế thừa
lãnh thổ, không thấy chính phủ CMLT tuyên bố lời nào về chủ quyền của HS và TS.
Trong khi việc phải lên tiếng khẳng định chủ quyền là một điều bắt buộc khi
quốc gia có thay đổi chính thể do biến động chính trị (do đảo chánh, cách mạng
…), hay một quốc gia mới được khai sinh (do thống nhất hai quốc gia hay hai
vùng lãnh thổ, quốc gia ly khai…).
Quốc tế cần phải biết thái
độ của chính phủ mới về chủ quyền của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc
lên tiếng không chỉ là cần thiết mà còn là bắt buộc, nếu VN muốn khẳng định chủ
quyền ở hai quần đảo này.
Về vấn đề HS, CPCMLT có
lên tiếng một lần duy nhứt trong khoản thời gian TQ xâm lăng Hoàng Sa của VN
(tháng giêng 1974), nội dung yêu cầu tranh chấp cần được giải quyết theo đàm
phán. Phía VNDCCH thì im lặng trong khi phía Liên Xô lên tiếng phản đối.
Thái độ « im lặng[vi] »
của CPCMLT ở vấn đề HS và TS không gây ngạc nhiên, vì đó cũng là thái độ của
VNDCCH từ khi lập quốc (2-9-1949) cho đến cuối thập niên 70. VN chỉ lên tiếng
sau khi có bất đồng với TQ.
Vấn đề kế thừa về lãnh thổ
(HS và TS) do vậy không đặt ra. Cuộc chiến 54-75 được phía CPCMLT gọi là cuộc
chiến « giải phóng », tức cuộc chiến đánh đổ (phủ nhận) chính phủ
tiền nhiệm. CHCMLT xem chính phủ tiền
nhiệm là « ngụy », là « quân bán nước », « làm tay sai
của quân cướp nước » (tức đế quốc Mỹ). Do đó không thể có vấn đề « kế
thừa » lãnh thổ.
Làm thế nào có việc kế
thừa « bọn cướp nước và bè lũ bán nước » ? mà chỉ có vấn đề
« giải phóng », « đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào », chiếm lại
đất đai và dành lại dân chúng. Một số đảo ở TS đã được thể hiện như thế (de
facto).
Quốc gia tên gọi
« Việt Nam Cộng Hòa » là một quốc gia bị giải thể. Tư cách pháp nhân
VNCH bị xóa bỏ, không có thừa kế.
VII.
Cho đến 30-4-1975, VNDCCH vẫn không
xin gia nhập vào bất kỳ các định chế quốc tế nào để giữ nguyên tắc « một
quốc gia Việt Nam duy nhứt », theo qui định của hiệp định Genève 1954
(cũng như theo nội dung hiến pháp).
Nguyên tắc này chỉ bị hủy bỏ khi
VNDCCH quyết định xin gia nhập O.M.S như là « một thành viên chính
thức » vào ngày 10 tháng 4 năm 1975. Việc này được đại hội O.M.S chấp nhận
ngày 7-5-1975.
Như thế từ ngày 9-5-1975 hiện hữu hai
quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế, được quốc tế nhìn nhận : VNDCCH và
CHMNVN. Việc thống nhứt đất nước như thế là thống nhứt giữa hai quốc gia.
Ngày 2-7-1976 hai nước
VNDCCH và CHMNVN hiệp thương thống nhứt đất nước. Từ nay quốc gia VN chỉ có một :
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra : Quốc
gia CHXHCNVN đã kế thừa chủ quyền của VN tại HS và TS của các quốc gia tiền
nhiệm như thế nào ?
Như đã viết,
VNDCCH chủ trương có hai nước Việt Nam sau 30-4-1975, qua việc VNDCCH xin gia
nhập các định chế quốc tế. Quyết định gia nhập của nước VNDCCH vào các định chế
quốc tế là khẳng định tư cách một nước Việt Nam khác.
Sau khi thống nhứt đất
nước, đại diện của Việt Nam tại các định chế quốc tế là đại diện của nước
VNDCCH vừa mới gia nhập trước đó. Tính liên tục quốc gia đã được xác
định : từ VNDCCH chuyển sang CHXHCNVN.
Nước CHXHCNVN là một quốc
gia VN mới. Đoạn tuyệt với mọi nhà nước thực dân, phong kiến, hay chính quyền
Ngụy ở Sài Gòn. Lãnh thổ của nước CHXHCNVN là lãnh thổ chiếm được từ tay Pháp
(1954) và Mỹ, Ngụy (1975), không phải là lãnh thổ kế thừa.
Tinh liên tục quốc gia đã
được thể hiện : di sản của VNDCCH được chuyển sang CHXHCNVN. Chính quyền
CHXHCNVN kế thừa di sản của chính phủ VNDCCH. Việc này càng rõ rệt hơn khi ta
nhận thấy đảng lãnh đạo nhà nước VNDCCH trước kia và đảng lãnh đạo nhà nước
CHXHCNVN hôm nay là một : đảng CSVN.
Vấn đề kế thừa chính phủ
CMLT cũng không đặt ra. Những người lãnh đạo chính phủ này cũng là nhân sự đảng
CSVN. Tức cả hai nước VNDCCH và CHMNVN, nhân sự lãnh đạo đều nằm trong một
đảng. Cả hai thực thể chính trị, có tư cách pháp nhân, thật ra chỉ do một đảng
lãnh đạo.
Việc kế thừa sẽ đặt lại
các vấn đề về bang giao quốc tế. Nước CHXHCNVN, kế thừa VNDCCH, có nghĩa vụ tôn
trọng những kết ước, những tuyên bố đơn phương về một vấn đề quốc tế... của nhà
nước tiền nhiệm VNDCCH.
Quan điểm của CHXHCNVN về
HS và TS là quan điểm của VNCH. Bạch thư công bố 1979 cho thấy việc này. Quan
điểm này mâu thuẩn với quan điểm quốc gia tiền nhiệm VNDCCH.
Trên quan điểm pháp lý,
CHXHCNVN không thể kế thừa cùng lúc hai quan điểm đối nghịch thuộc về hai quốc
gia tiền nhiệm (CVDCCH và VNCH, nếu xem VNCH là quốc gia tiền nhiệm).
VIII.
Như vậy, khuyết điểm lớn
về pháp lý của quốc gia VN hiện nay là đã kế thừa di sản của VNDCCH. Công hàm
1958 của Phạm Văn Đồng cùng các động thái khác của nhà nước VNDCCH trong nhiều
thời kỳ đã củng cố chủ quyền của TQ tại HS và TS. Nhiều người hiện nay cố tìm
cách diễn giải nội dung công hàm 1958 nhằm hạn chế hiệu lực của nó nhưng đều
không thuyết phục. Công hàm 1958 là một tuyên bố đơn phương, có hiệu lực ở phạm
vi quốc tế. Người ta không thể hóa giải hiệu lực một văn bản quốc tế bằng các
điều luật quốc gia. Cũng không thể diễn giải theo lối « người ta không thể
cho cái mà người ta không có ». Nguyên tắc « quốc gia Việt Nam duy
nhứt » theo qui định của hiệp định Genève không cho phép nói vậy. Bên nào
cũng có trách nhiệm như nhau trong việc bảo vệ đất nước. Cũng không thể yêu cầu
nhà nước « giải thích » nội dung công hàm. Nhà nước CHXHCNVN đã lên
tiếng về nội dung công hàm này. Ông Phạm Văn Đồng, tác giả công hàm, sau đó là
ông Nguyễn Mạnh Cầm nguyên bộ trưởng bộ ngoại giao, cũng đã giải thích nội
dung.
Chỉ có phương án kế thừa
VNCH (và đoạn tuyệt với di sản VNDCCH) mới có thể giúp quốc gia Việt Nam thể
hiện tính liên tục của quốc gia VN tại HS và TS. Việc kế thừa đáng lẽ là quá
trình hòa giải dân tộc, lý ra phải được thực hiện từ lâu, với một trình tự pháp
lý được xác định rõ rệt qua một bộ luật về hòa giải quốc gia.
Kế thừa thế nào ?
IX.
Nhà nước CSVN bỏ tên nước, đặt lại
tên nước, thí dụ : Cộng Hòa Việt Nam, thay đổi quốc kỳ, quốc ca, hiến pháp…
thay đổi tất cả những gì dính líu đến VNDCCH và CHXHCNVN để lập một nền cộng
hòa mới, tổ chức bầu cử tự do, lập chính quyền thực sự của dân, do dân và vì
dân ; đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm của VNDCCH.
Nhà nước mới, trên nền tảng dân
chủ, thảo luận về một bộ luật « hòa giải dân tộc », trong đó qui định phương
cách phục hồi danh dự cũng như việc đền bồi xứng đáng cho các thành phần quân
nhân công chức VNCH nạn nhân của chính sách học tập cải tạo. Lập ra điều luật
cấm sử dụng tiếng « ngụy » đối với những người thuộc chế độ cũ. Đền bồi cho các
nạn nhân do cải tạo công thuơng nghiệp, đánh tư sản mại bản, kinh tế mới ; làm
luật phục hồi danh dự (cho người quá vãng) và đền bồi tương xứng cho nạn nhân
của cộng sản như vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, vụ án « xét lại
chống đảng » v.v… Nếu những người này đã mất thì đề bồi cho con cháu của họ.
Cho tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, không phân biệt nam bắc, dân tộc kinh,
thuợng, không phân biệt cuộc chiến 1975, 1979 hay cuộc chiến với Kampuchia v.v…
Đứng trên quan điểm đó, một nước VN
mới, dân chủ, hoàn toàn đủ tư cách và tính chính thống, long trọng tuyên bố
trước cộng đồng thế giới kế thừa di sản VNCH. Như thế VN khẳng định chủ quyền
tại HS và TS, từ đó làm căn bản giải quyết các tranh chấp chủ quyền HS và TS bằng
một trọng tài quốc tế.
Trên tinh thần đó, với sự hưởng ứng
của toàn khối dân tộc, VN sẽ đứng ở thế mạnh, hay ở thế không ai có thể bắt
nạt, toàn dân một lòng chắc chắn đủ khả năng để tự bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải
của tổ tiên để lại.
Dự án thay đổi hiến pháp
1992 hiện nay có thể là một dịp để bày tỏ thiện chí hòa giải và kế thừa.
[i]
« Quốc gia – l’Etat » được cấu thành do ba yếu tố : 1) người
dân, 2) lãnh thổ và 3) một chính phủ. Việc « công nhận quốc gia » là
quan trọng trong quan hệ quốc tế, vì nó xác định sự hiện hữu (tư cách pháp
nhân) một quốc gia trên sân khấu quốc tế. Thủ tục công nhận thể hiện bằng việc
« thiết lập bang giao », qua các việc trao đổi lãnh sự, ký kết các
hiệp ước, hay bằng một tuyên bố đơn phương giữa các quốc gia. Việc công nhận
quốc gia là các bên chấp nhận các yếu tố đặc thù về công dân, về lãnh thổ và về
chính phủ của các bên. Việc công nhận có thể mang tính pháp lý « de
jure », tức công nhận quốc gia như là chủ thể duy nhứt, bình đẳng về độc
lập và chủ quyền trước Công pháp quốc tế. Hoặc « de facto », một hình
thức công nhận tạm thời
cho những quốc gia đang thành hình.
« Quốc
gia », theo qui ước của Công pháp quốc tế, là thực thể pháp nhân duy nhứt,
bất khả phân. Đại diện quốc gia ở Liên hiệp quốc và các định chế quốc tế thuộc
thẩm quyền của LHQ chỉ có một. Trường hợp quốc gia bị phân chia (có hai vùng
lãnh thổ khác biệt, có hai nhóm dân chúng khác biệt mặc dầu có cùng quốc tịch,
do hai chính phủ khác biệt lãnh đạo), chỉ có một vùng lãnh thổ duy nhứt được
phép đại diện cho quốc gia ở LHQ (và các định chế quốc tế khác thuộc LHQ). Thí
dụ : quốc gia Việt Nam sau hiệp định Genève 1954 là một « quốc gia
duy nhứt », bị chia cắt thành hai vùng lãnh thổ : Việt Nam Cộng Hòa ở
miền Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc. Không bên nào được nhìn nhận
là đại diện chính thức quốc gia VN tại LHQ. Tuy nhiên, ở các định chế quốc tế
thuộc LHQ, đại diện chính thức cho quốc gia VN là VNCH.
[ii] Ngày 10 tháng 3 năm 1945
Nhật đảo chánh Pháp, chiếm Đông Dương. Đại diện Nhật Hoàng tiếp xúc với ông Bảo
Đại đề nghị trả lại độc lập cho VN. Ngày 12 tháng 3 năm 1945 Bảo Đại tuyên bố
VN độc lập, lấy quốc hiệu là « Đế Quốc Việt Nam », bãi bỏ các
hiệp ước bảo hộ đã ký trước đây với Pháp. Ngày 17-4-1945 chính phủ Trần Trọng
Kim thành lập. Nhưng chỉ vài tháng sau, 16 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu
hàng Đồng Minh. Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Mặt trận Việt Minh làm « cách
mạng ». Một chính phủ « lâm thời » được Hồ Chí Minh thành
lập tại Hà Nội. Ngày 25 tháng 8 Bảo Đại giao ấn, kiếm cho Trần Huy Liệu, đại
diện Ủy ban giải phóng, tuyên bố thoái vị. Quốc gia gọi là « Đế Quốc Việt
Nam » kết thúc và quốc gia « Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa » ra đời.
[iii]
Việc quân Đồng minh vào VN giải giới quân Nhật không được thực hiện theo tinh
thần của Hội Nghi Potsdam 1945.
Bởi vì, tại Nam Kỳ (Cochinchine) là
« nhượng địa » của Pháp, do VN nhượng cho Pháp qua các hòa ước 1862,
1874… vì thế Anh nhượng lại cho Pháp công việc giải giới quân Nhật có thể với
hậu ý trả lại vùng đất này về cho Pháp.
Trong khi ở phía bắc, quân Trung
Hoa của Tưởng Giới Thạch vào VN chỉ sau « cách mạng tháng tám » vài
ngày. Mục tiêu của họ là « giải giới quân Nhật » và trao trả chính
quyền lại cho người đại diện nhân dân VN, theo tinh thần của Hội nghị Potsdam.
Quân Trung Hoa vào VN tước khí giới của Việt Minh, giao chính quyền cho các
đảng phái (VNQDD, DV, VNCMDMH). Lo ngại mất quyền, Hồ Chí Minh hô hào
« tuần lễ vàng », quyên góp vàng bạc trong dân để có phương tiện đút
lót cho các tướng Trung Hoa là Tiêu Văn và Lư Hán. Nhờ việc « lo
lót » này các vị tướng Tàu ngả về ủng hộ Hồ Chí Minh, làm áp lực lên các
đảng phái khác, ép thành lập « Chính phủ Liên hiệp Lâm thời » ngày 25
tháng 12 năm 1945. Chính phủ này gồm có đại diện của các phe phái tại VN. Quốc
hội cũng được tổ chức qua cuộc bầu cử ngày 6 tháng 1 năm 1946. Ngày 2 tháng 3,
Quốc hội nhóm họp, tuyên bố « Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến » thành
hình, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch và Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch.
Đáng lẽ thực thể VNDCCH với Chính
phủ Liên hiệp Kháng chiến có tư cách pháp nhân vì thực thể này sinh ra từ ý
nguyện của phe Đồng Minh : trao trả nền độc lập VN cho đại diện của nhân dân
VN. Nhưng việc Pháp « đi đêm » với Tưởng Giới Thạch, đề nghị trao đổi
quyền lợi trả miền bắc lại cho Pháp. Vấn đề tồi tệ thêm khi ông Hồ bắt được tin
này, lén liên lạc với Pháp để tìm thỏa ước, mục đích dĩ nhiên là để được xem là
đại diện chính thức của VN (nhằm loại các địch thủ chính trị khác như VNQDD,
DV…). Ngày 28-2-1946 Pháp và Trung Hoa ký kết ước Trùng Khánh thì ngày 6 tháng
3 ông Hồ cũng ký với Pháp một hiệp ước gọi là « hiệp ước sơ bộ ».
Theo đó Pháp công nhận VN là một nước « tự do » nằm trong Liên bang
Đông dương và Liên hiệp Pháp.
Hiệp ước sơ bộ không hề nói một
nước Việt Nam độc lập mà chỉ nói một nước « Việt Nam tự do » thuộc
« Liên bang Đông dương » và khối « Liên hiệp Pháp ». Tức
ông Hồ chấp nhận « quốc gia » Việt Nam, thực ra là « tiểu bang »
hay « xứ », do chính phủ ông lãnh đạo, nằm trong Liên bang Đông
Dương, có qui chế pháp lý tương đương với xứ Bắc Kỳ.
Việc này cũng kết liễu tính chính
thống của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Sau khi bị chỉ trích « rước
Pháp vào VN », ông Hồ cố gắng thay đổi thực tế này qua các hội nghị tại Đà
Lạt và Fontainebleau, nhưng đều thất bại. Chính phủ của ông Hồ rút khỏi Hà Nội
và bước vào cuộc kháng chiến, bắt đầu từ tháng 12 năm 1946. Ông Bảo Đại phê ông
Hồ rằng : « Sau thất vọng ở Fontainebleau, (Việt Minh) chỉ còn giữ
được uy tín bằng cách đưa cả nước vào biển máu. »
[iv] Quốc
gia Việt Nam được chấp thuận là đại diện của nước Việt Nam duy nhứt (và thống
nhứt ba miền), gia nhập vào các tổ chức quốc tế như sau : Tổ chức Y tế
Quốc Tế (l'Organisation mondiale de la Santé - O.M.S.), Tổ chức Lao động Quốc
tế (l'Organisation internationale du Travail - O.I.T.), Tổ chức của Liên Hiệp
Quốc về Lương thực và Nông nghiệp (l'Organisation des Nations Unies pour
l'alimentation et l'agriculture - F.A.O.),
Tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (l'Organisation des
Nations Unies pour l'éducation, la science et la culture - U.N.E.S.C.O.), Liên hiệp Quốc tế về Viễn
Thông (l'Union internationale des Télécommunications - U.I.T), Liên hiệp Bưu
chính Thế giới (l'Union postale universelle - U.P.V.)…
[v] Bộ
trưởng bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời là bà Nguyễn Thị Bình.
Sau khi VNCH sụp đổ, bà Bình đã có những động thái hướng đến các tổ chức quốc
tế nhằm kế thừa danh nghĩa của VNCH đại diện cho quốc gia Việt Nam. Ngày
7-5-1975, một điện tín từ Bộ ngoại giao của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã gởi
đến O.M.S, cùng lúc với các định chế quốc tế khác, nội dung tóm lược như
sau :
« Chính phủ Cộng hòa
Miền Nam VN thông báo đã kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Việt Nam. Chế độ cũ ở Sài
Gòn đã sụp đổ. Chính phủ Cách Mạng lâm thời là người duy nhứt có thẩm quyền,
thực sự đại diện dân chúng miền Nam, có tính chính thống để đại diện miền Nam
Việt Nam tại O.M.S cũng như các định chế quốc tế khác. »
Việc « kế thừa »
VNCH của CPCMLT tại các định chế quốc tế không gặp khó khăn, chỉ đơn giản là
việc « đổi tên nước », tại UNESCO vào tháng 7 -1975, U.I.T vào tháng
2 năm 1976.
[vi] Theo
thông lệ quốc tế, người ta thường xem việc một quốc gia giữ yên lặng trước một
động thái của một quốc gia khác là không có ý kiến (hay mặc nhiên đồng thuận)
về động thái đó.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.