mercredi 10 avril 2013

Nhóm « Cùng viết Hiến pháp » và điều 4.


Nhóm « Cùng viết Hiến pháp » do GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Anh Tuấn và một số cộng tác viên khác đã có nhận định như sau :

« Chúng tôi cho rằng việc bổ sung Điều 4 vào Hiến pháp 1980 nói về sự lãnh đạo của Đảng là không thực sự cần thiết, nhưng đã là một thực tế lịch sử. Chúng tôi cũng cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, việc bỏ Điều 4 có thể dẫn đến những hậu quả chưa thể lượng định đối với tiến trình phát triển trong ổn định của đất nước. »

Ở đây tôi muốn góp ý với quí vị một số dữ kiện về « thực tế lịch sử » của đảng CSVN.

-      - Thực chất của cuộc « cách mạng tháng tám » :

Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Mặt trận Việt Minh làm « cách mạng ». Chính phủ « lâm thời » được thành lập tại Hà Nội. Ngày 25 tháng 8 Bảo Đại giao ấn, kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện Ủy ban giải phóng, tuyên bố thoái vị. Quốc gia gọi là « Đế Quốc Việt Nam » kết thúc và quốc gia « Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa » ra đời.

Vấn đề là, ngày 10 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chánh Pháp, chiếm Đông Dương. Chủ quyền (toàn thể vùng Đông Dương) trước kia thuộc Pháp, nay lọt vào tay Nhật. Nhưng sau khi Nhật thua trận, theo qui định của phe chiến thắng (Đồng Minh), Nhật phải từ bỏ các vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép trước đó. Điều này có nghĩa là, các chế độ chính trị do Nhật đặt ra tại các vùng lãnh thổ do Nhật chiếm trước đó là không có giá trị pháp lý (trường hợp Mãn Châu quốc với vua Phổ Nghi, hay VN với Bảo Đại v.v...). Các vùng lãnh thổ này sẽ do Đồng Minh quản lý và quyết định số phận (ngoại trừ các vùng lãnh thổ đã được giải quyết số phận trước).

VNDCCH được thành lập qua « cuộc Cách mạng tháng Tám ». Phe cộng sản VN do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo cho rằng đã đánh Nhật, « dành chính quyền » từ tay Nhật.

Điều này không đúng.

Nhật đầu hàng đã giao toàn bộ thẩm quyền của đế quốc tại các thuộc địa cho đại diện của Đồng Minh. Ông Hồ không thể « cướp chính quyền » từ tay Nhật vì Nhật đã trao quyền này cho đại diện của Đồng Minh rồi !

Điều tệ hại, ngày 6 tháng 3 ông Hồ ký với Pháp một hiệp ước gọi là « hiệp ước sơ bộ ». Hiệp ước sơ bộ không hề nói một nước Việt Nam độc lập mà chỉ nói một nước « Việt Nam tự do » thuộc « Liên bang Đông dương » và khối « Liên hiệp Pháp ». Tức ông Hồ chấp nhận « quốc gia » Việt Nam, thực ra là « tiểu bang » hay « xứ », do chính phủ ông lãnh đạo, nằm trong Liên bang Đông Dương, có qui chế pháp lý tương đương với xứ Bắc Kỳ, mà quyền hành của ông còn dưới quyền của Thống sứ Pháp.

Sau khi bị chỉ trích « rước Pháp vào VN », ông Hồ cố gắng thay đổi thực tế này qua các hội nghị tại Đà Lạt và Fontainebleau, nhưng đều thất bại. Chính phủ của ông Hồ rút khỏi Hà Nội và bước vào cuộc kháng chiến, bắt đầu từ tháng 12 năm 1946. Ông Bảo Đại phê ông Hồ rằng : « Sau thất vọng ở Fontainebleau, (Việt Minh) chỉ còn giữ được uy tín bằng cách đưa cả nước vào biển máu. »

Thực tế đã xảy ra : cả nước đã là biển máu.

-      - Thực chất của 9 năm kháng chiến :

Các tài liệu đã được bạch hóa trong thời gian qua cho thấy dòng sinh mạng của đảng CSVN và nước VNDCCH gắn liền với đảng CSTQ.

Nếu quân Tàu Tưởng đã không tham nhũng thối nát khiến Hoa Kỳ chán nản bỏ rơi, thì Tàu Mao làm sao thắng được lục địa năm 1949 ? Và nếu không có chiến thắng của Mao Trạch Đông, lập ra nước CHNNTH, thì sẽ không bao giờ có VNDCCH cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.

Lịch sử không ai đặt ra chữ nếu. Chữ nếu ở đây nhằm để mô tả sự gắn bó hữu cơ giữa hai đảng CSTQ và đảng CSVN.

Chiến thắng là chiến thắng của Mao Trạch Đông.

-      - Thực chất công lao của đảng CSVN :

Chấp nhận rằng « cách mạng tháng tám », « chín năm kháng chiến » và cuộc chiến « chống Mỹ cứu nước » là « công lao » của đảng CSVN.

Dựa vào công lao này, các đảng viên CSVN quyết khẳng định quyền lãnh đạo đất nước bằng hiến pháp qua điều 4.

Logic của vấn đề, nếu vậy, phải lôi ông Hồ trong lăng, những xác Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ… dưới mộ sâu ra để đặt vào vị trí lãnh đạo VN.

Chỉ có những người này, thế hệ đi trước, mới có « công lao ».

Lớp đảng viên CSVN hiện nay không ai có công lao nào (với đất nước) cả.

Không có công lao thì lấy tư cách gì khẳng định quyền lực ?

Họ chỉ có sức mạnh nòng súng, nắm cả tài nguyên đất nước và sinh mạng 90 triệu người dân. Họ có thể tiếp tục kề súng vào đầu người dân ép buộc mọi người chấp nhận sự lãnh đạo của họ.

Vấn đề là, nhóm của GS Châu, GS Sơn…, bị họ kề súng vào đầu hay do hứa hẹn quyền lợi mà có kết luận như vậy ? 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.