jeudi 7 février 2013

Những vấn đề hiến pháp : tình trạng con vua thì lại làm vua.


Hiến pháp sẽ sử dụng vào việc gì, nếu con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa, như tình trạng đã và đang xảy ra ở Việt Nam ?

Ở Việt Nam, các « con ông cháu cha », tài cán thế nào chưa thấy chứng minh, mà tất cả đều được « gài » vào các vị trí then chốt trong « đảng », trở thành hạt nhân của « giai cấp tiên phong », sẵn sàng thay thế ông, cha ra « lãnh đạo » đất nước.

Các vấn đề (thuộc về Hiến pháp) như « nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa », « Việt Nam là một nước có chủ quyền », « nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa », « quyền lực nhà nước là thống nhất », « đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước », « dân chủ tập trung » v.v... tất cả chỉ là ngôn từ của « hỏa mù ». Con vua thì lại làm vua, đó là một chế độ phong kiến trá hình. Nói chuyện về Hiến pháp nhiều khi chỉ là chuyện trào phúng, mất thì giờ.

Nhưng cũng phải nói. May ra tìm thấy lối thoát cho giống nòi.

Người ta thấy rằng, trong bất kỳ một nhóm người sống chung, lập thành xã hội, một cách tự nhiên sẽ xuất hiện hai khuynh hướng tâm lý : lớp lãnh đạo và lớp người chịu sự lãnh đạo. Thí dụ, trong một lớp học, ta thấy sự « nổi bật » tự nhiên vài đứa học trò, đến từ sự nể trọng của những đứa họ trò khác trong lớp. Đứa (hay vài đứa) học trò này mặc nhiên « lãnh đạo » số đông còn lại. Sự nổi bật có thể do các trò này học giỏi, can đảm, có lòng tốt… Đứa học trò « nổi bật » đó có thể được cả lớp bầu làm « trưởng lớp ».

Xã hội loài thú cũng vậy. Trong một đàn chim, luôn có một con chim đầu đàn. Con chim này là con mạnh nhứt và khôn ngoan nhứt, có kinh nghiệm dẫn dắt cả đàn bay đến vùng nắng ấm, có nhiều mồi ngon, mà không đi lạc. Trong một đàn sư tử, con đầu đàn luôn là con sử tử mạnh nhứt, có khả năng bảo vệ an ninh cho cả bầy trước sự tấn công của các con thú khác.

Quan hệ giữa người « lãnh đạo » và nhóm « chịu lãnh đạo » nảy nở khái niệm « quyền lực ». Người lãnh đạo, cũng như con chim đầu đàn, con thú đầu bầy, có thể sai khiến hay trừng phạt một phần tử trong bầy. Nhưng ngược lại, con chim đầu đàn, con thú đầu bầy, có bổn phận giữ an ninh cho mọi phần tử trong đàn cũng như bảo đảm việc no ấm cho cả đàn. Nhiệm vụ tự nhiên của con thú đầu đàn là, dựa trên sức mạnh, sự khôn ngoan, kinh nghiệm… phục vụ cho bầy đàn, với mục đích đem lại trường tồn cho đồng loại. Nếu không hoàn thành, con thú khác, khôn ngoan hơn, mạnh hơn, sẽ thay thế.

Con người có trí khôn hơn con thú, biết tổ chức, các chế độ « phong kiến » thành hình. Nhưng « quyền lực tuyệt đối đưa đến sự hư hỏng tuyệt đối ». Người « lãnh đạo » lần hồi có khuynh hướng tách rời « bản năng tự nhiên », chỉ lo phục vụ cho mình, hay cho giòng họ, phe nhóm của mình hơn là ý thức trách nhiệm phục vụ cho mọi cá nhân trong xã hội. Xã hội nảy sinh ra các việc phe đảng, áp bức, bóc lột của cải, tài vật của lớp người bị lãnh đạo. Xã hội suy đồi, yếu kém. Người lãnh đạo đánh mất tính chính đáng khi không đem lại « hạnh phúc, cơm no áo ấm » cho mọi thành tố chịu sự lãnh đạo của mình. « Quyền lực » trở thành bạo lực.
Xã hội văn minh hơn, quan hệ về « quyền lực » giữa người « lãnh đạo » và tầng lớp chịu lãnh đạo trở thành phức tạp. Quan hệ « quyền lực » giữa người « lãnh đạo » và nhân dân (trong lãnh thổ) trở thành « quan hệ chính trị », từ đó sinh ra khái niệm « nhà nước ».

Khái niệm « quốc gia » tiên tiến được thành hình cùng lúc với các khái niệm về « nhà nước », về « lãnh thổ » và về « quốc dân » (hay nhân dân)

Trong chế độ phong kiến, « quyền lực » và « chủ quyền lãnh thổ » thuộc về một vị chủ tể. Quốc gia đó có chính thể « quân chủ ».

Ở các quốc gia tiên tiến, các chế độ phong kiến thoái vị, hoặc trở thành chế độ « quân chủ đại nghị », hoặc trở thành chế độ « cộng hòa ».

Trong chế độ « cộng hòa » (như Mỹ), « quyền lực » thuộc về toàn dân. Cộng hòa Pháp, « chủ quyền quốc gia » thuộc về toàn dân.

Trong một xã hội tiên tiến, phương cách tổ chức « nhà nước », các thể thức chuyển giao « quyền lực », việc phân cách quyền lực, thể thức tuyển chọn người đại diện (lãnh đạo), quyền và nghĩa vụ của công dân... được hướng dẫn trong một văn bản, gọi là « Hiến pháp ».

Hiến pháp, từ nguyên « Constitution », do hai từ latin « cum » (đồng thuận) và « statuere » (sự kiện xác lập) ghép thành. (Vì thế sẽ sai nếu ta phân tích từ nguyên « Hiến pháp » dưới ánh sáng ngôn ngữ hán-việt). « Hiến pháp », theo nghĩa Tây phương, là sự đồng thuận của tập thể công dân về các quyền cơ bản của công dân trong xã hội cùng các việc phân định quyền lực điều hành quốc gia.

Vì được thành hình do sự đồng thuận tập thể, Hiến pháp có thể gọi là một « khế ước ».

Hiến pháp là một văn bản « luật », vì mang tính « áp đặt » chung cho tất cả. « Luật » này qui định các quyền cơ bản của người dân trong nước. Do đó Hiến pháp là « luật nền » cho các bộ luật khác của quốc gia.

Hiến pháp cũng xác định những nguyên tắc phân cách quyền lực, cách thức bổ nhiệm (hay tuyển chọn) lãnh đạo, cách thức tổ chức quốc gia ở cấp cao nhất, do đó Hiến pháp là văn bản « luật » có giá trị cao nhất.

Nếu việc phân bổ quyền lực trong quốc gia được thể hiện qua các cuộc phổ thông đầu phiếu, người « lãnh đạo » được quyền « ứng cử » để được toàn dân « bình chọn » một cách công bằng và tự do, việc phân bổ quyền lực được thể hiện qua hình thức « dân chủ ».

Phương thức bầu người « lãnh đạo » (dân chủ) này phù hợp nguyên tắc tự nhiên. Những người tài giỏi trong xã hội thường nổi bật so với những người khác, qua các khả năng thiên phú hay chuyên môn. Những người tài giỏi nổi bật này sẽ được người dân tuyển chọn qua một cuộc tuyển cử định kỳ. Những cá nhân được tuyển chọn làm « lãnh đạo », nắm một phần « quyền lực » (chuyển từ người dân) trong bộ máy nhà nước, có trách nhiệm phải đáp ứng nguyện vọng của người dân bầu cho mình, trên cương vị của mình. (Người dân mong muốn gì nếu không phải được sống ấm no, hạnh phúc, tức là có công ăn việc làm, được xã hội bảo vệ ?). Nếu người lãnh đạo không thực hiện được trách nhiệm giao phó, dĩ nhiên sẽ bị loại ra ngoài vị trí lãnh đạo, qua cuộc bầu cử tới.

Vì phù hợp với các nguyên tắc tự nhiên, (không trái với luật tiến hóa), các xã hội có tổ chức nhà nước trên nền tảng « cộng hòa », áp dụng phương pháp « dân chủ » để tuyển lựa lãnh đạo, luôn là các xã hội tiên tiến.
Sự việc « con vua thì lại làm vua » của tầng lớp con cháu của các đảng viên cao cấp hiện nay tại VN, chỉ có thể xảy ra ở các xã hội bán khai, phong kiến. Không hề có qui định nào trong Hiến pháp thành phần « thái tử đỏ » này sẽ là thành phần lãnh đạo tương lai. Tất cả các qui định trong Hiến pháp về quyền lực nhà nước đều vô ích. Việc này không chỉ trái với sự « tiến hóa », mà còn làm cho những thành viên ưu tú của xã hội, những người có tư chất tự nhiên « lãnh đạo », không có môi trường phát triển. Nếu không, họ trở thành nạn nhân của chế độ, những người bị bắt vì « khác chính kiến ». Đây là một hình thức phung phí nhân tài của đất nước.

Trong mỗi thời kỳ, trong từng hoàn cảnh của đất nước, người lãnh đạo phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Có thể đảng CSVN đã hoàn tất nhiệm vụ lịch sử là « đánh đuổi thực dân » hay « thống nhứt đất nước ». Nhưng từ hơn 3 thập niên nay, nhiệm vụ lịch sử của họ là làm cho « dân giàu nước mạnh ». Nhưng họ đã đi từ thất bại này đến thất bại khác. Nền kinh tế kiệt quệ. Tài nguyên khai thác cạn kiệt. Môi trường bị tàn phá. Mối giềng đạo lý xã hội suy đồi. Con người hư hỏng. Bên ngoài thì bị đe dọa ngoại xâm. Lãnh thổ sứt mẻ...
Trong xã hội loài vật, nếu con chim đầu đàn không có kinh nghiệm, không mạnh khỏe, không có trí khôn..., thì sẽ dẫn dắt cả bầy vào nơi đất khổ, cả bầy sẽ gặp đói kém. Con chim này sẽ bị thay thế bởi con chim khác khôn hơn, kinh nghiệm hơn, vì sự tồn vong của nòi giống.

Các xã hội cộng sản đã lần lượt sụp đổ. Không đảng nào đã đem lại « an ninh, cơm no áo ấm » cho mọi người dân trong xã hội, như bản năng phải có của con « thú » đầu đàn.

Nhưng Hiến pháp Việt Nam vẫn khẳng định con đường đã thất bại từ hơn 3 thập niên qua. Ngay trong những dòng mở đầu của Hiến pháp, những quan điểm chủ quan về « lịch sử », với thành quả hoang tưởng, với các mục tiêu « ảo tưởng ». Trong khi bản Hiến pháp trước hết là một văn bản « luật ». Lời mở đầu Hiến pháp của các nước Mỹ, Pháp... từ thập niên 70 trở đi đã trở thành « luật ». Lời mở đầu Hiến pháp VN là một diễn văn chính trị nhạt nhẽo, rỗng tuyếch.

Việc góp ý « sửa chữa » hiến pháp thêm lần này nữa là sự phỉ nhổ của đảng CSVN vào mặt tầng lớp trí thức Việt. Hiến pháp này không thể sửa, mà phải thay thế. Hiến pháp chỉ mới khi có một nền cộng hòa mới. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.