dimanche 24 février 2013

Trưng cầu dân ý


« Trưng cầu dân ý » ở Việt Nam đã là một thủ thuật chính trị. Có vài thí dụ :

Thứ nhứt, sau hiệp định Genève 1954, VN chia hai đất nước. Tháng 3 năm 1958 phía CS miền Bắc lên tiếng, qua đài phát thanh Bắc Kinh, yêu cầu thực thi việc « thống nhứt đất nước » qua một cuộc trưng cầu dân ý. Cùng lúc ở Triều Tiên, Đức, vấn đề « thống nhứt đất nước » cũng được đặt ra. Phía Tây Đức và Nam Hàn cũng lên tiếng đề nghị « thống nhứt đất nước » bằng một cuộc đầu phiếu tự do.

Khối cộng sản bác bỏ các đề nghị này ở Nam Hàn và Tây Đức nhưng ủng hộ đề nghị này ở Việt Nam.
Cuối cùng không có nước nào thực hiện việc « thống nhứt đất nước » theo đường lối trưng cầu dân ý.
Bởi vì, khi VN chia hai đất nước, dân số miền Bắc là 13 triệu, miền Nam là 11 triệu. Chính quyền ông Diệm từ chối vì thấy chắc thua (mặt khác chính quyền này không chỉ không ký mà còn phản đối hiệp định Genève, do đó không bị nội dung hiệp định này ràng buộc). Còn ở Đông Đức và Bắc Hàn, dân số phía CS kiểm soát ít hơn, do đó họ phản đối.

Thứ hai, vấn đề « trưng cầu dân ý » đáng lẽ cũng phải đặt ra ở miền Bắc, sau 1954. Đó là việc áp dụng chế độ cộng sản vào xã hội miền Bắc. Việc « trưng cầu dân ý » lý ra phải được tổ chức để người dân có đồng ý về chế độ này hay không ?

Thứ ba, cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 tại miền nam VN. Nền Cộng hòa (đệ nhứt) được người dân lựa chọn. Nền quân chủ thiết lập hàng ngàn năm ở VN đã chấm dứt. Có nhiều tài liệu cho thấy cuộc « trưng cần dân ý » này là thủ thuật của Hoa Kỳ nhằm hất chân Pháp ra khỏi VN.

Có người cho rằng cuộc « trưng cầu dân ý »  này đã không đem lại cho VN một nền dân chủ như mơ ước. Đây là một nhận định sai lầm vì chế độ đệ nhứt Cộng hòa do ông Diệm làm Tổng thống không phải là một chế độ « dân chủ » (và Mỹ cũng không lật đổ ông Bảo Đại để xây dựng chế độ dân chủ cho VN !). Hiến pháp nền đệ nhứt Cộng hòa có âm hưởng « đa nguyên » trong chừng mực (tức người dân có các quyền tự do cơ bản như lập hội, tự do ngôn luận...), nhưng không có điều nào qui định về các chính đảng. Các đảng phái ở VN như Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt, Tân Đại Việt v.v… đã không được chính thức hoạt động mà phải hoạt động trong bóng tối. Tức là, chế độ Cộng hòa của ông Diệm là một chế độ « độc đảng ». Chính vì việc cấm đoán các dảng phái khác sinh hoạt chính trị, ông Diệm cùng nền Đệ nhứt Cộng hòa đã chấm dứt trong máu và sự uẩn ức.

Nền Đệ nhị Cộng hòa được thiết lập sau đó với một bản hiến pháp dân chủ. Nhiều đảng phái, các « khối chính trị » cũng như các tổ chức ngoại vi tôn giáo được thành lập nhằm tham chánh. Các định chế văn hóa, chính trị như các học viện, Tối cao Pháp viện, hệ thống tòa án… độc lập với hành pháp được thiết lập. Sinh hoạt nghị trường thời VNCH đệ nhị, với phe thân chính quyền và các phe đối lập, nếu so sánh tình hình các nước chung quanh, cho thấy ở miền Nam các yếu tố nền tảng của một chế độ dân chủ thực sự đã được xây dựng.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ một nền dân chủ nào, cho dầu tiên tiến nhứt trên thế giới, đều có khuyết điểm. Mà vai trò của các nhà chính trị là tìm cách chế ngự các khuyết điểm đó, sao cho nền dân chủ ngày càng hoàn thiện hơn. Ta thấy, nền dân chủ ở Mỹ hiện có nhiều khuyết điểm đem lại từ các điều trong hiến pháp đã không còn hợp thời (như quyền mua súng là một trong các quyền cơ bản). Điều này cho thấy một chế độ chính trị, hoặc là dân chủ (với những khiếm khuyết nội tại), hoặc là không có dân chủ (độc tài). Không hiện hữu một chế độ dân chủ trung gian nào khác. Trong thời chiến, CSVN đã lợi dụng các khe hở của VNCH để thủ tiêu chế độ này đồng thời với nền dân chủ (đầu tiên và duy nhứt của Việt Nam), với sự góp tay của các « trí thức » phản chiến.

Trong thời đệ nhị Cộng hòa không có cuộc trưng cầu dân ý nào được tổ chức.

Câu hỏi đặt ra cho Việt Nam hôm nay, vấn đề « trưng cần dân ý » có cần thiết hay không ?

Như đã thấy, các cuộc « trưng cầu dân ý » ở VN hầu hết đều là « thủ thuật chính trị ». Nếu nó được tổ chức, như để « toàn dân phúc quyết hiến pháp », cũng sẽ là một thủ thuật chính trị.

Một điều ghi nhận qua « mùa xuân Ả Rập » đã xảy ra gần đây, ta thấy các nước độc tài trên thế giới, trước khi sụp đổ, thường hay diễn trò « trưng cầu dân ý ». Kết quả các cuộc trưng cầu này, các nhà lãnh đạo đều « thắng lớn ». Nhưng kết quả này không thể cứu chế độ, đôi khi kể cả sinh mạng, của các nhà độc tài này.

Như vậy, « trưng cầu dân ý », cho dầu để « toàn dân phúc quyết hiến pháp », cũng là điều hay. Biết đâu đó là cửa ngõ để đảng CSVN bước qua, trước khi đi vào con đường diệt vong, như các chế độ độc tài ở các xứ Ả Rập.

Nhưng một cuộc « trưng cầu dân ý » sẽ vô cùng cần thiết, nếu nó được tổ chức hiện nay để biết ý nguyện của 90 triệu người dân VN về hai vấn đề chính :

1/ người dân VN có đồng ý tiếp tục chế độ « xã hội chủ nghĩa » hay « pháp quyền xã hội chủ nghĩa » nữa hay không ? 2/ có đồng ý đảng CSVN tiếp tục là « giai cấp tiên phong của cả dân tộc Việt Nam, là lực lượng lãnh đạo nhà nước » hay không ?

Đòi hỏi việc này xem chừng hay hơn việc góp ý sữa đổi hiến pháp.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.