dimanche 17 février 2013

Sự không công bằng trong việc Phân định chủ quyền các cồn đất trong khu vực cửa sông Bắc Luân.




Theo tài liệu phân định biên giới, khu vực cửa sông Bắc Luân được xác định có độ dài khoảng 14 km, bắt đầu từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Trong vùng này có các cồn đất là bãi Tục Lãm, bãi Tài Xẹt và bãi Dậu Gót.

Bản đồ sau đây chụp từ bộ bản bồ 1/100.000 của sở Địa Dư Đông Dương ấn hành năm 1948, hiện đang tồn trữ tại Centre des Archives d’Outre-Mer (CAOM), Aix-en-Provence, Pháp Quốc. Bản đồ cho thấy chi tiết góc đông bắc của tỉnh Hải Ninh, vùng cửa sông Bắc Luân (ngày xưa gọi là sông Ka-Long hay Gia Long). Đường biên giới Việt Nam và TQ được vẽ bằng đường chấm đen gạch nối. Trên bản đồ không có vẽ các bãi Tục Lãm, Tài Xẹc và Dậu Gót. Các bãi đất này chỉ mới được đất phù sa sông Bắc Luân bồi đắp sau khi phân định biên giới (1885-1897). Các bãi này chưa được xác định chủ quyền.


Móng Cái


Chiếu theo « Hiệp ước phân định biên giới trên đất liền » giữa hai nước Việt-Trung ký ngày 30-12-1999 (từ nay viết tắt là HUBG 1999), đường biên giới khu vực cửa sông Bắc Luân được xác định vào ngày 31-12-2008. Số phận của các bãi này được xác định như sau :

Bãi Tục Lãm : VN được ¾, Trung Quốc được 1/4 bãi Tục Lãm
Bãi Dậu Gót : VN được 1/3 và TQ được 2/3 bãi.
Bãi Tài Xẹc : hoàn toàn thuộc về Trung Quốc.

bai tuc lam


Theo HUBG 1999, đường biên giới khu vực cửa sông Bắc Luân ở giữa các giới điểm 61 và 62, được mô tả như nội dung sau đây :
« Từ giới điểm số 61, đường biên giới xuôi theo trung tuyến luồng chính tầu thuyền đi lại của sông Ka Long, Bắc Luân, đến điểm cuối của nó, bắt vào giới điểm số 62. Giới điểm này là điểm tiếp nối đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Các cồn, bãi nằm hai bên đường đỏ của các đoạn biên giới theo sông suối trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đã được quy thuộc theo đường đỏ. »

HUBG 1999 có nhắc đến các cồn, bãi nằm hai bên đường đỏ nhưng không nói đến các nguyên tắc xác định chủ quyền các cồn, bãi này.


Điều I HUBG 1999 nguyên văn như sau: “Hai Bên ký kết lấy các Công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở, căn cứ vào các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận cũng như các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới Việt - Trung, đã giải quyết một cách công bằng, hợp lý vấn đề biên giới và xác định lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước. »


Như thế, việc phân định biên giới vùng của sông Bắc Luân cũng phải tuân theo điều I. Tức phải được phân định theo “các công ước lịch sử về biên giới”, gồm các công ước Pháp Thanh 1887 và 1895.

Lý ra, các bãi Tục Lãm, Tài Xẹc và Dậu Gót sẽ được xác định chủ quyền bằng hai tài liệu pháp lý:

1 / Biên bản phân định biên giới ngày 21 tháng 12 năm 1893 (thuộc hồ sơ công ước Pháp Thanh 1887). Đoạn liên quan có nội dung như sau :

...
Conformément aux dispositions admises par les deux commissions, on prendra toujours pour frontière le milieu du lit des fleuves ou rivières.
En outre, dans le but d’assurer en toutes circonstances à la batellerie des deux puissances voisines la libre navigation sur les cours d’eau, les deux commissions ont que convenu que ce sera toujours le chenal navigable qui sera pris comme frontière.
Dans le cas où le cours d’eau ne serait pas navigable, la frontière sera formée par le chenal le plus profond ou le plus large ou ayant le plus d’eau.
Si par suite de crues ou de baisses des eaux, le chenal pris pour frontière venait à être déplacé, et, si des banc ou îlots nouveaux venaient à se former, la frontière se trouverait reportée naturellement dans le nouveau chenal déterminé d’après les conditions ci-dessus spécifiées, et les bancs ou îlots de nouvelle formation appartiendront à la puissance du côté de laquelle ils se trouveront.

Lược dịch như sau :

….
Chiếu theo những qui định đã được hai ủy ban công nhận, đường biên giới luôn là đường trung tuyến của các dòng sông.

Mặt khác, để bảo đảm cho mọi trường hợp việc tự do lưu thông của thuyền bè hai nước, hai bên thỏa thuận rằng đường biên giới luôn là dòng nước thuyền bè qua lại.
Trong trường hợp dòng sông không thể thông lưu (bằng thuyền), đường biên giới sẽ là đường qua dòng chảy sâu nhất, hay rộng nhất hay nhiều nước nhất.

Trong trường hợp bị ngập lụt hay bị cạn nước, dòng chảy làm thành đường biên giới dời đổi, và nếu có những dãi đất (cù lao) mới thành hình, dĩ nhiên đường biên giới sẽ thay đổi theo dòng chảy mới tính theo điều kiện ghi trên, những cù lao hay dãi cát vừa hình thành ở phía nào thì chủ quyền sẽ thuộc về quốc gia đó.

Theo nội dung của biên bản trên, việc xác định đường biên giới trên sông, đáng lẽ chỉ là việc xác định dòng chảy sâu nhất hay đường tàu bè qua lại. Đường trung tuyến dòng chảy đó là đường biên giới. Về số phận các cù lao, hòn , bãi đất… thành lập sau này thì chúng ở bờ phía bên nào thì chúng thuộc chủ quyền của nước đó.

Nhìn bản đồ vệ tinh ta thấy đường nước sâu nhứt là đường nước màu xanh đậm, là đường tàu bè qua lại, tức là đường biên giới. Các bãi Tục Lãm, Tài Xẹc và bãi Dậu Gót đều ở phía hữu ngạn của dòng chảy sâu nhất (là đường biên giới), tức ở về phía bờ của VN.

Do đó các bãi Tục Lãm, Tài Xẹc và bãi Dậu Gót thuộc về Việt Nam.

2/ Theo biên bản bế mạc công trình phân giới ngày 26-6-1887. Theo đó chủ quyền các đảo được xác định theo đường kinh tuyến đi qua đông điểm (điểm cực đông) của đảo Trà Cổ : các đảo phía đông đường kinh tuyến này thì thuộc về Trung Quốc, các đảo phía tây đường kinh tuyến này thì thuộc về Việt Nam.

Nguyên văn biên bản bế mạc công trình phân định (còn gọi là công ước 1887) :

« Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de la délimitation, sont attribués à la Chine. Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105° 43’ de longitude est, c’est-à dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-Kou ou Ouan-chan (Tra-Co) et formant la frontière, sont également attribués à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam... »

Tạm dịch :
« Tại Quảng Ðông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Ðông và phía Ðông Bắc Móng Cái, những điểm nầy ở phía bên kia của đường biên giới đã được ủy ban phân định xác định, thì chúng được giao cho Trung Hoa. Những hòn đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ kinh độ Ðông, có nghĩa là đường thẳng Bắc Nam đi qua đông điểm của đảo Tch’a-Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Go-Tho và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh tuyến nầy thì giao cho An-Nam. »

Trên các bản đồ hiện nay, nếu ta cho các bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót là « đảo », thì chúng đều ở phía tây của đường kinh tuyến đi qua điểm cực đông của đảo Trà Cổ. Trên bản đồ vệ tinh của Google Earth cũng vậy, các bãi này đều ở phía tây của đường kinh tuyến đi qua điểm cực đông đảo Trà Cổ.

Các bãi đất này do đó thuộc Việt Nam.

Kết luận lại, việc phân chia này không đặt trên cơ sở pháp lý mà là một quyết định chính trị. Nếu việc phân định biên giới và nguyên tắc xác định chủ quyền của các cù lao , bãi đất… mới được thành hình sau này, theo đúng tinh thần của các công ước Pháp-Thanh, các bãi Tục Lãm, Tài Xẹc và Dậu Gót phải thuộc về Việt Nam.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.