dimanche 10 février 2013
Tìm hiểu tranh chấp Nhật - Nga về quần đảo Kouriles (1).
(Nguyên tác : « L’origine de la question des Territoires du Nord » của Yumiko Yamada, Docteur de l’université de Paris-Sorbonne, Géostratégiques n° 26 - 1er trimestre 2010)
Trương Nhân Tuấn (lược dịch) .
Lời mở đầu của người dịch : Tìm hiểu lịch sử tranh chấp giữa Nhật và Nga về quần đảo Kouriles, thực ra là tìm hiểu lịch sử những nỗ lực bền bỉ đòi hỏi chủ quyền của các chính phủ Nhật Bản nối tiếp từ năm 1945 đến nay, cũng như của nhân dân Nhật Bản, về bốn đảo phía nam quần đảo Kouriles, tạo thành vùng lãnh thổ mang tên « Vùng lãnh thổ phía Bắc », từ lâu là lãnh thổ của Nhật Bản, bị Liên Xô chiếm từ năm 1945. Nỗ lực dài dẵn này lý ra đã được đền bồi từ năm 2000, qua sự hứa hẹn của cố Tổng thống Yeltsin về một hiệp ước hòa bình giữa Nhật và Nga. Tuy nhiên sau đó TT Yeltsin từ chức, vấn đề Kouriles bị Nga dẹp sang một bên. Những năm gần đây, nền kinh tế Nga đã gượng lên được từ dưới đáy vực – mà nguyên nhân đến từ cuộc sụp đổ hệ thống chính trị vì khủng hoảng nội tại đầu thập niên 90. Nga ngày càng chứng tỏ là một nước có « sức mạnh cơ bắp » đồng thời biểu lộ tham vọng lấy lại vị trí siêu cường đã mất. Mặt khác, Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào Nga về năng lượng. Do đó vấn đề tranh chấp quần đảo Kouriles sẽ khó có thể giải quyết trong thời gian tới, nhất là lập trường của Nga biểu hiện qua việc mới đây Tổng thống Medvedev chính thức đi thăm các đảo tranh chấp. Việc này gây phản ứng dữ dội nơi chính trường cũng như trong dân chúng Nhật.
Về bản chất của tranh chấp, chúng tôi cho rằng trường hợp « Vùng lãnh thổ phía Bắc » có thể so sánh phần nào với trường hợp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (hơn là tranh chấp Senkaku giữa Nhật và Trung Quốc). Chúng tôi cho rằng điều khó khăn nhất, đối với VN, trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông, là vấn đề quần đảo Hoàng Sa chứ không phải Trường Sa. Tại Trường Sa, Việt Nam có ưu thế vì có hiện diện ở các đảo trong khi TQ chỉ đòi chủ quyền mà không hiện diện (ngoại trừ ở vài cứ điểm nhân tạo tại các bãi đá chiếm của VN bằng vũ lực). Trong khi ở Hoàng Sa VN có một tư thế rất yếu kém : Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn các đảo.
Tranh chấp Hoàng Sa của VN giống như tranh chấp « Vùng lãnh thổ phía Bắc » của Nhật ở chỗ Hoàng Sa và « vùng lãnh thổ phía Bắc » đã thuộc về VN cũng như về Nhật Bản từ lâu đời. Điểm tương đồng khác nữa của hai trường hợp là VN và Nhật đều ở tư thế kẻ yếu. Tuy nhiên, Nhật Bản có ưu điểm hơn VN vì là một cường quốc kinh tế, trong khi VN vẫn còn là một nước nghèo, trong lúc còn bị đối thủ đe dọa chiếm Trường Sa. Trong khi đối thủ của Nhật là Nga, xem ra « biết điều » hơn Trung Quốc. Nga chưa hề đe dọa chiếm các vùng biển khác của Nhật cũng như chưa bao giờ dùng vũ lực vô căn cứ đối với Nhật, mặc dầu hai bên chưa ký kết hiệp ước hòa bình. Trong khi TQ đánh VN đến hơn 3 lần – chỉ tính sau năm 1945 – tại Hoàng Sa, biên giới miền Bắc và Trường Sa.
Trong bài viết này, từ đầu năm 2010, mặc dầu hiện nay chính trường Nhật Bản có nhiều thay đổi, về lãnh tụ chính trị cũng như quan hệ hai bên Nga-Nhật có nhiều căng thẳng mới, nhưng giá trị về học thuật của nó không đổi. Đoạn mà tác giả Yumiko Yamada có ghi lại đề nghị của học giả Iwashita Akihiro 岩下明裕 (Nham Hạ Minh Dụ) về một giải pháp giải quyết (Vùng lãnh thổ phía Bắc). Tôi cho rằng đây có thể là một điều mà các học giả VN nên ghi nhận và nghiên cứu (cho trường hợp Hoàng Sa).
Về sự bền bỉ tranh đấu của người dân cũng như lập trường nhất quán trước sau như một của các thế hệ lãnh đạo Nhật Bản, rõ ràng đây là một bài học, trước hết cho lãnh đạo của Việt Nam, sau đó cho các học giả Việt Nam.
***
Nguyên nhân tranh chấp « vùng lãnh thổ phía Bắc »
Vấn đề tranh chấp các đảo mà người Nhật gọi là « lãnh thổ phía Bắc » bắt đầu từ sau khi Thế chiến thứ II kết thúc. Ngày 8 tháng 8 năm 1945 Staline tuyên bố chiến tranh với Nhật Bản. Mặc dầu nước này đã đầu hàng ngày 15 tháng 8 nhưng quân đội Liên Xô tiếp tục tấn công vào quần đảo Kouriles. Ngày 5 tháng 9 quân Nga tiến đến nhóm đảo Habomai, là nhóm đảo ở phía cực nam quần đảo Kouriles (phía bắc đảo Hokkaidô). Nhóm đảo này có diện tích khoảng 165km².
Bản đồ 1 : Bản đồ quần đảo Kouriles. Đường kẻ đứt khoảng là đường biên giới hiện nay (giữa Nhật và Nga) theo quan điểm của chính phủ Nhật. Tên Nhật của các đảo và các thành phố chung quanh Hokkaidô. Các số ghi cạnh các đảo thuộc Nga có tên Nhật chiếu theo điều 2 của Hiệp Ước Saint-Pétersbourg (1875).
Tên (Aïnu) của các đảo : 1 Shumushu占守, 2 Araito阿頼度, 3 Parashimuru幌筵,
4 Makanru磨勘留, 5 Neokotan温繭古丹, 6 Harimukotan春牟古丹, 7 Ekaruma
越渇麿, 8 Shasukotan捨子古丹, 9 Chirikotan知林古丹, 10 Mushiru 雷公計,
11 Matsuwa松輪, 12 Rshowa羅處和,
13 Suredonewa et Ushishiru, スレトネワとウシシルル, 14 Ketoi 計吐夷,
15 Shimushiru新知, 16 Bronto 武魯頓,
17 Cherupoi et Buratto Cherupoefu チェルポイとブラットチェルポエフ,
18 Uruppu得撫
Nguồn : Bộ Ngoại Giao, « Lãnh thổ phía Bắc của ta », Hồ sơ, 2006.
Sau khi chiếm các đảo Kouriles, bao gồm luôn bốn đảo thuộc « lãnh thổ phía Bắc » là các đảo Etorofu, Kunashiri, Shikotan và quần đảo Habomai, quân đội Liên Xô trục xuất dân chúng Nhật sinh sống tại đây, sau đó cho dân Nga di cư sang. Theo quan điểm của Nhật, bốn hòn đảo này là một phần của lãnh thổ quốc gia kể từ thế kỷ XIX. Quan điểm Liên Xô, nay là Nga, các đảo này thuộc các vùng đất đã bị Nhật chiếm hữu mới đây, như thế việc chiếm đóng của Nga là chính đáng, toàn bộ quần đảo Kouriles sẽ là phần nối dài của lãnh thổ Liên Xô tại Thái Bình Dương. Do tranh chấp này, từ năm 1945 đến nay không có hiệp ước hòa bình đã được ký kết giữa hai nước. Mỗi bên đều từ chối mọi thỏa hiệp (về vấn đề Kouriles), các thỏa thuận từng phần được ký kết nhưng trong vấn đề Kouriles thì vẫn ở tình trạng mù mờ. Năm 1951, hội nghị hòa bình tại San Francisco, theo đó Nhật phải từ bỏ tất cả những vùng đất đã chiếm được của các nước sau năm 1905, nhưng biên giới giữa Nga và Nhật Bản thì chưa được xác định rõ ràng. Mặt khác Liên Xô cũng từ chối ký vào hòa ước San Francisco.
Vì phải tìm một thỏa thuận để cho hồi hương tù binh của Nhật bị giam tại Sibérie cũng như Nhật cần sự ủng hộ của Nga để được chấp nhận vào Liên Hiệp Quốc và trở lại trên trường quốc tế… do đó Nhật và Nga ký một tuyên bố chung năm 1956, nhưng lại không đề cập đến vấn đề lãnh thổ. Từ đó, vấn đề tranh chấp « lãnh thổ phía bắc » trở thành một cái gai trong mọi quan hệ ngọai giao giữa hai nước. Tại sao hai nước này vẫn không giải quyết được tranh chấp này ? Hai bên có thể giải quyết trong tương lai?
Để trả lời những câu hỏi này, bốn điểm tham chiếu cần phải được xem xét : 1/ Tuyên bố Caire 1943 (chiếu theo hiến chương Đại Tây Dương 1941), 2/ mật ước Yalta 1945, 3/ hòa ước San Francisco 1951 và 4/ tuyên bố chung giữa Nhật và Liên Xô năm 1956. Sau đó, cũng nên xác định sự tiến hóa của vấn đề này từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh đến ngày hôm nay.
1/ Tuyên bố Caire 1943 :
Tháng 10 năm 1943, trong một cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô ở Moscow, các nước đồng minh đồng ý về các đòi hỏi của Liên Xô. Staline do đó chấp nhận tham gia cuộc chiến chống Nhật Bản, nhưng chỉ sau khi Đức thất bại. Một tháng sau, tháng 11 năm 1943, ba lãnh tụ Theodore Roosevelt, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch 蒋介石, gặp nhau tại Caire để thảo luận về mục đích của cuộc chiến. Họ tuyên bố: « Mục đích chiến đấu duy nhất của chúng tôi là kết thúc cuộc xâm lược của Nhật Bản, các nước Đồng Minh không hề có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. Chúng tôi chỉ giải phóng các vùng lãnh thổ đã bị Nhật Bản chiếm đóng bởi bạo lực. »
Sau đây là nội dung của « Tuyên bố Caire », theo đó các vùng đất mà Nhật Bản phải từ bỏ được ghi rõ ràng, nguyên văn như sau:
Tất cả các đảo thuộc Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến thứ I.
Đất Mãn Châu, đảo Đài Loan và các đảo Bành Hồ mà Nhật đã xâm chiếm.
Tất cả các vùng đất đã bị đế quốc Nhật chiếm bằng vũ lực.
Đại Hàn hiện đang trong “tình trạng nô lệ” phải được độc lập.
Khi ký vào tuyên bố, Liên Xô công nhận các điều lệ của Hiến chương Đại Tây Dương, là không chủ trương bành trướng lãnh thổ. Trong khi Nhật đã thụ đắc quần đảo Kouriles năm 1875, trong một thời kỳ hòa bình, trong khuôn khổ hiệp ước « trao đổi giữa Sakhaline và quần đảo Kouriles ». Do đó, không thể xem việc thụ đắc các đảo này là kết quả từ việc chinh phục bằng bạo lực. Đối với các đảo phía nam quần đảo Kourils là các đảo: Habomai, Kunashiri, Etorofu và Shikotan, Nhật đã thụ đắc năm 1855, với sự đồng thuận của Nga theo Hiệp ước Shimoda. Điều lệ của Hiến chương Đại Tây Dương liên quan đến việc mở rộng lãnh thổ vì vậy không được áp dụng, vì những đảo này vẫn đang bị Nga chiếm đóng.
2/ Mật ước Yalta:
Tháng hai năm 1945, thỏa ước Yalta được các lãnh tụ đồng minh bí mật ký kết, bao gồm, ngoài những điều khác, 3 điều sau đây (2):
1. Duy trì sự chiếm đóng của Liên Xô ở Ngoại Mông hiện trạng.
2. Trả lại phần phía nam đảo Sakhaline và các đảo phụ cận cho Liên Xô.
3. Nhượng quần đảo Kouriles cho Liên Xô.
Vì điều 3 không xác định thế nào là « quần đảo Kouriles », Liên Xô chiếm đóng năm 1945 toàn thể quần đảo, kể cả 4 đảo phía nam đã thuộc về Nhật từ xa xưa, mà không bị đồng minh cáo giác, mặc dầu các đảo này chiếm hữu bằng bạo lực. Cùng khoảng thời gian đó, ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngày Nhật ký vào văn bản đầu hàng, Staline đọc diễn văn chiến thắng trước nhân dân Liên Xô : « Sự thất bại của quân đội Nga trong chiến tranh chiến tranh Nga-Nhật năm 1904 để lại cho chúng ta một kỹ niệm cháy bỏng. Sự thất bại đã ghi khắc vào chúng ta như một điều tủi nhục. Nhân dân chúng ta chờ đợi ngày mà Nhật sẽ thất bại và ngày đó cái tủi nhục này được tẩy xóa. Chúng tôi, những người thuộc thế hệ đi trước, đã chờ đợi ngày này từ bốn mươi năm. Ngày đó đã đến. Hôm nay, Nhật đã nhìn nhận sự thất bại và ký vào văn kiện đầu hàng vô điều kiện… Điều này có nghĩa miền nam đảo Sakhaline và quần đảo Kouriles được nhượng lại cho Liên Xô, và từ nay các đảo này không còn là hàng rào của Nhật Bản chia cách Thái Bình Dương với vùng viễn đông Liên Xô, mà chúng trở thành một đường nối trực tiếp giữa Liên Xô với Thái Bình Dương cũng như các căn cứ quân sự bảo vệ đất nước chúng ta chống lại sự xâm lăng của Nhật » (3).
Từ năm 1945, Liên Xô đã luôn luôn dựa trên các điều ước Yalta và Hòa ước San Francisco để biện minh cho việc chiếm đóng « Vùng lãnh thổ phía Bắc » của Nhật.
Tuy nhiên, theo Kimura Hiroshi, một chuyên gia về nghiên cứu xung đột « Vùng lãnh thổ phía Bắc », đã nhận xét sau đây về các kết ước Yalta (4). Thứ nhất: « Các thỏa thuận Yalta chỉ là một tài liệu trong đó ba nhà lãnh đạo liên minh đã xác định chính sách của họ về những việc cần làm sau chiến tranh. Do đó, thỏa thuận này có thể không thể hiện các chính sách chính thức của tất cả các bên liên quan ». Bản Ghi nhớ Hoa Kỳ về đàm phán giữa Nhật và Nga, ngày 07 tháng chín năm 1956, cũng khẳng định: « Hoa Kỳ công nhận rằng những gì gọi là các kết ước Yalta chỉ là một hồ sơ trong đó được trình bày, vào thời điểm đó, các mục tiêu chung của các nhà lãnh đạo của các nước liên quan, và chúng không can dự đến quyết định cuối cùng. Ngoài ra, nó không có hiệu lực nào cho việc phân bổ các vùng lãnh thổ ». Thứ hai, Hiroshi cho biết thêm: « Các kết ước Yalta được một thỏa thuận bí mật. Nhật không tham gia và không ký kết. Do đó không có lý do gì Nhật bị áp chế bởi các thỏa thuận này ».
Bản đồ 2 : Trình tự việc tiến quân của quân đội Nga. Từ Sakhaline và Kamtchatka, quân đội Nga xâm chiếm quần đảo Kouriles của Nhật ( 24 tháng 8 – 4 tháng 9 năm 1945), sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng và ngưng bắn (15-8-1945)
Nguồn : Association pour prendre les mesures sur les problèmes des Territoires du Nord, Nos Territoires du Nord, 2002.
Trong lời tựa cho « Tài liệu soạn thảo chung về lịch sử của vấn đề vùng lãnh thổ phía Bắc » (5), lập trường của chính phủ Nhật trình bày như sau :
« Liên Xô cho biết họ đã được phép chiếm quần đảo Kouriles, kể cả Etorofu, Kunashiri, Shikotan và Habomai. Nhưng Nhật cho rằng kết ước Yalta đã không liên quan đến lãnh thổ của Nhật ».
Trên thực tế, vào năm 1945 khi Nhật chấp nhận Tuyên bố Potsdam về việc đầu hàng vô điều kiện, Nhật cho rằng tuyên bố này phản ảnh bản chất của Tuyên bố Caire (1943), nhất là điểm cụ thể « không bành trướng về lãnh thổ ». Tuy nhiên, đối với Roosevelt và Staline, chi tiết này chỉ được xem là một tuyên bố về ý định, không phải là một quy tắc ứng xử.
3/ Các cuộc thảo luận sơ khởi về hiệp ước hòa bình San Francisco và ý nghĩa của « Quần đảo Kouriles ».
Sau năm 1947, tình hình vùng Viễn Đông thay đổi, chính sách của Mỹ đối với Nhật cũng chuyển biến. Tháng 9 năm 1949, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Anh đến Washington để thảo luận về hiệp ước hòa bình với Nhật. Hoa Kỳ muốn riêng nước này phụ trách thảo văn bản hòa ước và việc này được Anh chấp nhận. Tài liệu đầu tiên xác định: « Nhật sẽ từ bỏ Okinawa và chấp nhận Okinawa được đặt dưới sự quản lý của Hoa Kỳ. Nam Sakhaline và quần đảo Kouriles sẽ được chuyển giao cho Liên Xô, nhưng Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan vẫn thuộc lãnh thổ Nhật ». Tuy nhiên, phần bình luận bản thảo nói trên, quy định về bốn hòn đảo làm thành « Vùng lãnh thổ phía Bắc »: « Câu hỏi chưa có câu trả lời: có phải các đảo Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan tạo thành một phần của quần đảo Kouriles ? Trong hội nghị Yalta, Hoa Kỳ và Anh đã hứa sẽ chuyển giao Liên Xô quần đảo Kouriles »(6).
Ngoài ra, Hoa Kỳ nhận thức được rằng Liên Xô đã chiếm các đảo này từ năm 1945 và không có ý định từ bỏ chúng. Tại sao Hoa Kỳ vẫn xem bốn đảo này thuộc về Nhật? Lập trường của Hoa Kỳ được trình bày như sau: « Mặc dù thực tế là chúng ta biết những ý định của Liên Xô, chúng ta dám chấp nhận những biện pháp này bởi vì, nếu Liên Xô không từ bỏ các đảo, người Nhật sẽ thấy có cảm tình với Hoa Kỳ và đồng thời, Liên Xô sẽ bớt đi hiềm khích với người Nhật » (7).
Sau đó, Hoa Kỳ quyết định thảo một văn bản mới, vì họ không thể chính thức đưa ra lời giải thích thuyết phục tới Anh về lập trường của mình về bốn đảo. Và lần này, họ tách rời bốn hòn đảo của lãnh thổ Nhật. Trong ý kiến mới, họ cho biết : « Chúng tôi chưa quyết định việc chúng tôi sẽ đề xuất rằng Nhật sẽ giữ Etorofu, Kunashiri và quần đảo Kouriles nhỏ (tức đảo Habomai và Shikotan). Hiện nay không phải là lúc đề nghị việc này. Nhưng nếu Nhật có các đề nghị này thì Hoa Kỳ có thể ủng hộ các yêu cầu đó của Nhật ».
Tại sao Hoa Kỳ nói rằng : Hiện nay không phải là lúc đề nghị việc này ? Haruki Wada (8) đưa ra hai lý do : thứ nhất : « nếu Nhật có thể trình bày các văn bản để chứng minh rằng các quần đảo này không phải là một phần của quần đảo Kouriles, và nếu Hoa Kỳ ủng hộ quan điểm này, Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn. Liên Xô có thể sẽ lên án hành động này bất chính mà Hoa Kỳ sẽ khó biện minh. (USA [….] would expose itself to charges of bad faith by the Soviets which it would be difficult to refute ). Thứ hai, lý do là vấn đề của Ryukyu (Okinawa). Trong khi Mỹ chiếm đóng Okinawa thì họ khó có thể yêu cầu Liên Xô trả lại cho Nhật Bản bốn đảo ở phía Bắc. Hoa Kỳ tin rằng họ có thể đề xuất để đặt những đảo này dưới hình thức ủy thác, như trường hợp Okinawa ».
Trong lịch sử tranh chấp của « Vùng lãnh thổ phía Bắc » sau chiến tranh, sự mơ hồ về định nghĩa của « quần đảo Kouriles » là một trong những lý do tranh chấp. Đối với Liên Xô, « tất cả các đảo Kouriles » là tất cả các hải đảo giữa bán đảo Kamchatka và Hokkaido, mà không để ý đến bất kỳ sự kiện lịch sử hoặc mối quan hệ giữa hai nước. Các đảo này cũng là những hứa hẹn giao cho Liên Xô tại Yalta để nước này vào cuộc chống lại Nhật.
Đối với Mỹ, định nghĩa về « quần đảo Kouriles » là quan trọng đối với chính sách của họ ở vùng Viễn Đông cũng như với bản dự thảo Hiệp ước hòa bình với Nhật. Năm 1949, họ đã ra lệnh nghiên cứu về vấn đề này. Ngày 25 tháng 11, một báo cáo có tiêu đề « Các đảo Kouriles phía nam và quần đảo Shikotan » được trình bày bởi cố vấn phụ trách các vấn đề pháp lý. Báo cáo kết luận, sau khi viện dẫn các lý do về địa lý, lịch sử và chính trị: « Có thể chấp nhận rằng Habomai và Shikotan có những lý do căn bản pháp lý để khẳng định rằng các đảo này không phải là một phần của quần đảo Kouriles. Đối với các đảo Kunashiri và Etorofu, dường như không có lý do pháp lý hợp lệ để cho rằng các đảo này không phải là một phần của quần đảo Kouriles. Kể từ khi Hiệp ước Shimoda, thỏa thuận năm 1855 giữa Nga và Nhật, các quần đảo này chưa bao giờ thuộc chủ quyền của Nga. Nhưng các hiệp ước năm 1855 và 1875 (9) cho thấy các đảo này là một phần của quần đảo Kouriles (10)».
Sau khi hội nghị hòa bình tại San Francisco, tháng 10 năm 1951, lúc Hội Nghị của Nhật phê chuẩn các hiệp ước, các đại biểu của Hokkaido phản đối và khẳng định Etorofu và Kunashiri không phụ thuộc quần đảo Kouriles. Một đại biểu đặt vấn đề với Thủ tướng Yoshida: « Quần đảo Kouriles được định nghĩa thế nào trong các hiệp ước hòa bình ? » Yoshida hỏi Kumao Nishimura 西村熊雄 (Tây Thôn Hùng Hùng), người phụ trách các vấn đề hiệp ước, trả lời: « Về quần đảo Kouriles trong hiệp ước hòa bình, chúng tôi cho rằng nó có hai bộ phận, phần Kouriles bắc và nam Kouriles. Nhưng theo lịch sử, tình hình của Bắc Kouriles và Nam Kouriles rất khác nhau, như Thủ tướng Yoshida đã nói trong bài phát biểu của ông tại hội nghị ở San Francisco... Hơn thế nữa, Hoa Kỳ tuyên bố rằng Habomai và Shikotan không phải là một phần của quần đảo Kouriles (11)». Một đại biểu Hokkaido đáp lại: « Ý nghĩa « Quần đảo Kouriles » rất khác với ý nghĩa « quần đảo Chishima (12)». « Quần đảo Kouriles » chỉ định cho mười tám hòn đảo phía bắc của Uruppu ».
Tuy nhiên, phản ứng của Nishimura đã không gây sự chú ý vào thời điểm đó. Ngay cả các phương tiện truyền thông của Nhật cũng không nhắc tới bởi vì nó không có lý lẽ gì mới. Nhưng sau đó, Liên Xô đã lấy lời nói của Nishimura như là bằng chứng cho thấy Nhật đã đồng ý Etorofu và Kunashiri là một phần của quần đảo Kouriles.
3.1 Các quan điểm khác nhau tại hội nghị của Hiệp ước Hòa bình San Francisco
Năm 1951, trong hội nghị hòa bình tại San Francisco, Gromyko cho biết: « Không hề có vấn đề tranh cãi về quần đảo Kouriles, phía nam Sakhaline, và các đảo lân cận hiện đang thuộc chủ quyền của Nga ». Gromyko đã không đưa ra lý do lịch sử để giải thích quan điểm của ông. Ông chỉ trích một thực tế là hiệp ước hòa bình đã không cấu ước việc công nhận chủ quyền của Liên Xô trên những đảo này. Gromyko tuyên bố rằng việc này vi phạm chủ quyền của Liên Xô, và cũng lưu ý rằng việc này mâu thuẫn với mật ước Yalta. Gromyko đề nghị một tu chính nhưng không thành công, sau đó rời bỏ bàn Hội nghị.
Ngược lại, Thủ tướng Nhật Bản Yoshida Shigeru, 吉田 茂 (Cát Điền Mậu) trong bài phát biểu bằng tiếng Nhật, có đưa giải thích chi tiết về ý nghĩa những gì mà Nhật gọi là « quần đảo Kouriles » : « Hiệp ước hòa bình (San Francisco) không phải là một hiệp ước trả thù, mà là một văn kiện về "hòa giải và tin tưởng". Do đó tôi đồng ý hiệp ước vô tư và cao cả này ».
Sau đó, Yoshida thể hiện lập trường của ông về tuyên bố của Gromyko như sau : « Chúng tôi không thể chấp nhận đòi hỏi của đại diện Liên Xô, theo đó cho rằng Nhật đã có xâm lược bằng bạo lực trên đảo Sakhaline và quần đảo Kouriles. Ở thời điểm mở cửa của Nhật, Sa hoàng Nga không phản đối việc hai đảo ở phía nam Kouriles là lãnh thổ Nhật. Dân chúng hai nước cùng sinh sống trên hai đảo này, phía bắc của đảo Tokumu (14) và phía nam đảo Sakhaline. Ngày 7 tháng năm 1875, kết quả từ cuộc thương thảo cho hòa bình giữa hai nước, cả hai chính phủ đạt được thỏa thuận theo đó nam Sakhaline trở thành lãnh thổ của Nga, bù lại, các đảo phía nam Kouriles thuộc lãnh thổ của Nhật. Chúng tôi nói về trao đổi, nhưng trong thực tế, Nhật đã nhượng phía nam đảo Sakhaline để chỉ đạt được một thỏa hiệp với Nga. Sau đó, ngày 5 tháng chín năm 1905, thỏa ước Portsmouth, với trung gian hòa giải là Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, đã trả lại phần nam đảo Sakhaline cho Nhật. Ngày 20 tháng 9 năm 1945, vừa sau khi Nhật đầu hàng, Liên Xô đơn phương sáp nhập quần đảo Kuriles và phần nam đảo Sakhaline vào lãnh thổ của mình. Hơn nữa, quân đội Nhật có đóng trên đảo Shikotan và Habomai, quân đội Nga xâm chiếm các quần đảo này và chiếm đóng chúng cho đến hôm nay. Những đảo này là một phần của Hokkaido, vì vậy chúng là những bộ phận của lãnh thổ Nhật (15)».
Thủ tướng Nhật Bản Yoshida vì thế phản đối chống lại sự chiếm đóng « Vùng lãnh thổ phía Bắc », việc chiếm đóng trái với Tuyên bố Caire. Bài phát biểu của ông là nhằm chống Liên Xô, nhưng thực tế cũng phản đối Hoa Kỳ.
3.2 Tuyên bố chung Nhật-Liên Xô:
Năm 1952, Ichiro Hatoyama 鸠山一郎 (Cưu Sơn Nhất Lang) trở thành Thủ tướng. Một trong các ưu tiên của ông này là khôi phục quan hệ ngoại giao với Liên Xô, bởi vì, chính thức, hai bên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Một mặt, biên giới giữa Liên Xô và Nhật chưa được phân định. Mặt khác, vẫn còn nhiều tù nhân Nhật tại Liên Xô. Hai năm sau, vào tháng hai 1954, Hatoyama chuẩn bị các luận điểm chính sau đây để thương lượng với Liên Xô (17):
« Về vấn đề các đảo phía nam Kouriles Nam và phần phía nam đảo Sakhaline:
Nhật có thể chấp nhận từ bỏ quyền của mình trong những lãnh thổ này.
Về những gì liên quan đến "Vùng lãnh thổ phía Bắc", Nhật Bản chủ trương ngưng lại, việc tìm giải pháp cho vùng này sẽ thảo luận lại sau.
Cuối cùng, về vấn đề thành viên Liên Hợp Quốc: làm thế nào để Liên Xô không dùng quyền phủ quyết của mình, bởi vì Nhật cần sự hỗ trợ của Liên Xô (để gia nhập tổ chức này). »
Trên thực tế, hai ưu tiên của Nhật là trả tự do cho các tù binh, đặc biệt những người bị giam giữ tại Siberie, và được gia nhập Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Hatoyama, trước khi ký kết « Tuyên bố chung » vào tháng 10 năm 1956 giữa Nhật và Liên Xô, có nói rằng: « Tôi đến Liên Xô không chỉ để giải quyết vấn đề lấy lại các hòn đảo phía Bắc, mà trước hết là việc trả tự do cho tất cả tù nhân Nhật tại Siberie. Chúng tôi đảm nhận trách nhiệm chính trị về việc trả tự do cho họ. Phải để cho dân ta có thể bước đi trên mảnh đất quê hương của mình càng sớm càng tốt. Nhưng các vùng lãnh thổ này sẽ không biến mất, mà cuộc sống của con người là giới hạn! » (17). Cũng nên lưu ý rằng, trong lúc đàm phán về nội dung của tuyên bố chung, Liên Xô đã đề nghị trả lại các đảo Habomai và Shikotan cho Nhật. Nhưng phe ủng hộ Yoshida và Hoa Kỳ cản trở việc này vị họ cho rằng việc này có tính cách cục bộ.
4/ Từ Chiến tranh lạnh đến ngày hôm nay
Trong thực tế, các vấn đề lãnh thổ giữa Nga và Nhật chỉ một trong những tranh chấp của Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ này, Nhật đã trở thành một quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ, có hai ưu tiên chính: quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Hoa Kỳ, và mối giao hảo tốt đẹp với LHQ. Tầm quan trọng của Hoa Kỳ trong ngoại giao Nhật là rất lớn. Bất cứ khi nào quan hệ giữa Nhật và Nga có xu hướng cải thiện, Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề "vùng lãnh thổ phía bắc", gây gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Cũng nên nhớ rằng vị trí của Hoa Kỳ cũng tế nhị: họ vừa là đồng minh của Nhật, nhưng lại chiếm Okinawa.
Khi chiến tranh lạnh kết thúc, vấn đề « Vùng lãnh thổ phía Bắc » đáng lẽ đã có thể được giải quyết qua các cuộc đàm phán giữa Nhật và Nga.
Các nhà lãnh đạo mới xuất hiện trên trường quốc tế, như Gorbachev và Yeltsin ở Nga, hay thủ tướng Hashimoto ở Nhật. Năm 1997, lần cuộc họp lần đầu tiên giữa Yeltsin và Hashimoto ở Krasnoyarsk, Nga và vào năm 1998, họp lần thứ hai tại Kawano, Nhật. Các việc này làm cho hy vọng được hưng chấn về giải pháp cho các vấn đề của "vùng lãnh thổ phía Bắc."
Hội nghị thượng đỉnh Krasnoyarsk (18) đưa đến hai thỏa thuận quan trọng: 1/ Hai bên Nhật-Nga tận dụng mọi nỗ lực để trước năm 2000 một thỏa thuận hòa bình được ký kết dựa trên các « thông báo ở Tokyo năm 1993 ». 2/ Thực hiện kế hoạch « Hashimoto & Yeltsin » để mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước trong các lĩnh vực khác nhau. Để thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản quyết định tài trợ lên tới một tỷ năm trăm triệu đô la.
« Hiệp ước hòa bình trước năm 2000 », đề nghị bất ngờ của Yeltsin, là một ngạc nhiên thú vị cho Nhật Bản. Yeltsin chứng minh khả năng đề xướng và động lực giải quyết vấn đề này. Nhưng sau đó, phía Nga đã không đưa ra đề nghị cụ thể nào để chuẩn bị cho hiệp ước hòa bình như đã hứa.
Sau khi Putin lên nắm quyền ở Nga vào năm 2000 và Koizumi ở Nhật năm 2002, các cuộc đàm phán đã bị chậm lại và quan hệ ngoại giao hai nước xấu đi. Mặc dầu, phía Nhật nỗ lực để khai triển một chiến lược nhằm mục đích « lấy lại lần hồi các đảo: hai hòn đảo đầu tiên, sau đó tiếp tục đàm phán với các đảo khác ». Nhưng một vụ bê bối bị nổ ra tại Bộ Ngoại giao, những người phụ trách chiến lược này bị loại trừ.
Tháng mười hai năm 2006, Ngoại trưởng Aso Taro, 麻生太郎 (Ma Sinh TháiLang), trình bày một dự án nghị quyết mới cho vấn đề của « vùng lãnh thổ miền Bắc ». Hai tháng trước, ông Aso đã trình bày phương pháp tiếp cận của ông tại buổi họp báo lần đầu tiên ra mắt chính phủ Shinzo Abe, 安倍晋三 (An Bội Tấn Tam). Vấn đề đang trong bế tắc, với lập trường « khôi phục lại 4 đảo », ông đã cố gắng thoát ra tình trạng này bằng đề nghị « « trước hết khôi phục lại hai đảo ». Nhưng đề nghị này khác với lập trường chính phủ Nhật « khôi phục lại bốn đảo » cũng như « trước hết khôi phục lại hai đảo » với việc đặt căn bản trên bản Tuyên bố chung năm 1956. Aso trình bày phương pháp giải quyết : « Tính tổng số diện tích bốn đảo và khôi phục lại một nửa ». Aso như thế đã dựa vào phương pháp đã sử dụng năm 2004 giữa Nga và Trung Quốc để giải quyết vấn đề lãnh thổ của họ. « Diện tích hai đảo Habomai và Shikotan chỉ có 7% tổng số diện tích bốn đảo, thêm vào đảo Kunashiri thì tất cả chỉ có 36%, vì vậy chúng ta có thể đưa vào một phần của đảo Etorofu để đạt 50% tổng diện tích của bốn hòn đảo! Điều này có nghĩa là 50% diện tích các đảo là bao gồm ba hòn đảo và 25% diện tích của Etorofu ! (20) »
Hai ngày sau, nhân trả lời phỏng vấn, ông Aso nói rằng đó là đề nghị của cá nhân, không phải là chính phủ Nhật, và chưa được phân tích cụ thể. Thật vậy, nguồn gốc của ý tưởng « khôi phục một nửa diện tích của bốn đảo » là của Iwashita Akihiro, 岩下明裕 (Nham Hạ Minh Dụ), như đã viết ở một tờ báo: « Giáo sư Iwashita theo sát quá trình đã dẫn đến thỏa hiệp về các vấn đề biên giới giữa Nga và Trung Quốc. Do tranh chấp này có cùng tính phức tạp với vấn đề Nhật và Nga. Iwashita Akihiro đề nghị, so sánh Trung Quốc và Nhật, việc này đưa đến các biện pháp để mà giải quyết vấn đề « vùng lãnh thổ phía bắc ». Thật vậy, các biện pháp nào được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề giữa Trung Quốc và Nga? Iwashita giải thích trong cuốn sách của mình:
Nga và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc đàm phán tiệm tiến (graduelles).
Nga và Trung Quốc đạt đến một thỏa hiệp chính trị táo bạo ở giai đoạn cuối của cuộc đàm phán, năm mươi năm mươi (theo lối chia hai, chú thích người dịch).
Nga và Trung Quốc quyết định khai thác chung chuyển tiếp ở những vùng lãnh thổ tranh chấp trong lúc đàm phán.
Iwashita vì thế đề nghị Nhật thực hiện điểm số 2, vì ông cho rằng Nhật đã cố gắng không thành công ở các điểm 1 và 3 (21).
Nhưng khi nói đến vấn đề lãnh thổ, chúng ta thường nghĩ về đất đai. Tuy nhiên, đặc biệt trong trường hợp của Nga và Nhật, mọi người nên nghĩ về hải phận. Từ khi Nga chiếm đóng, một vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán chính trị luôn luôn là việc đánh cá trong khu vực của « Vùng lãnh thổ phía Bắc ». Các giới hạn của vùng nước lãnh thổ Nhật sẽ thay đổi lớn lao tùy theo mức độ việc khôi phục các đảo thuộc « Vùng lãnh thổ miền Bắc ».
Bản đồ 3 : Bản đồ xác định hải phận của Nhật tùy theo các trường hợp khôi phục các đảo thuộc « Vùng lãnh thổ miền Bắc ».
Nguồn : Iwashita Akihiro, Những vấn đề « Vùng lãnh thổ miền bắc ». Không 4 hoặc zéro, không 2 (Ni quatre ou zéro, ni deux), NXB Chûo Shinsho, p. 165.
Trong trường hợp chỉ khôi phục được Habomai và Shikotan, vùng hải phận kinh tế độc quyền (ZEE) của Nhật cũng là đã quan trọng. Nếu sau đó, thêm vào đảo Kunashiri thì vùng ZEE sẽ tăng hơn nhiều. Iwashita đã dẫn đòi hỏi của Hidekichi Koizumi, 小泉秀吉 (Tiểu Tuyền Tú Cát , là một người tị tạn Shikotan, đã khởi xướng phong trào khôi phục với thị trưởng Nemuro : « Chúng ta đòi hỏi việc hoàn trả các đảo vì chúng ta đặt căn bản trên bốn đảo là lãnh thổ Nhật Bản không thể tách rời và công lý chỉ thể hiện nếu 4 đảo này được trả lại cho chúng ta. Trong chiều hướng đó, chúng ta không thể bằng lòng chỉ với hai đảo Habomai và Shikotan… Chúng tôi hy vọng ít nhất là phải lấy lại đảo Kunashiri ».
Trên thực tế hồ sơ này dặm chân tại chỗ. Tháng 8 năm 2006, một thuyền đánh cá Nhật bị lực lượng biên phòng cura Nga bắt giữ. Một trong bốn thủy thủ trên tàu này bị bắn chết. Thảm kịch này có nghĩa là người Nhật đầu tiên bị chết bằng súng đạn từ khi hai bên Nhật-Nga thiết lập ngoại giao chính thức từ tháng 12 năm 1956. Dân Nhật cảm thấy bị tổn thuơng và họ thất vọng do việc Nga không xin lỗi cũng như việc không có phản ứng thích hợp nơi chính phủ Nhật.
Gần đây hơn, 15 tháng 11 năm 2009 tại Singapour, trong buổi họp thuợng đỉnh với Tổng Thống Nga Dimitri Medvedev, thủ tướng Nhật Hatoyama Yukio đã từ chối đề nghị chỉ trả lại hai đảo, nhưng vấn đề 4 đảo đã không được đề cập đến (24). Cần nhắc thêm rằng Nhật cần dầu và khí đốt của Nga, do việc này Nga luôn ở thế mạnh lúc đàm phán, vì thế rất ít khi để ý đến các đòi hỏi về lãnh thổ của Nhật. Vì vậy phía Nhật, ngay từ bây giờ, phải hình dung một lối tiếp cận mới về chính trị đối với Nga.
Các bản đồ số 4 A, B, C và D mô tả những thay đổi về biên giới qua 4 hiệp ước Nhật-Nga.
Bản đồ 4A : biên giới theo hiệp ước Shimoda năm 1855
Bản đồ 4B : biên giới theo hiệp ước trao đổi Sakhaline với quần đảo Kouriles năm 1875
Bản đồ 4C : biên giới theo hiệp ước Portsmouth năm 1905
Bản đồ 4D : biên giới theo hòa ước San Francisco năm 1951
Ghi chú :
màu xám đậm : lãnh thổ Nhật.
xám lợt: lãnh thổ Nga
xám trung bình : lãnh thổ quản lý chung
để trắng : lãnh thổ theo đó Nhật Bản từ bỏ chủ quyền nhưng không giao lại cho nước nào vì hiệp ước hòa bình chưa được ký kết, mặc dầu vùng lãnh thổ này hiện do Nga chiếm đóng.
Nguồn : Bộ Ngoại giao, hồ sơ « Vùng lãnh thổ phía bắc của chúng ta », 2006.
Chú thích :
1. Quần đảo Kouriles có khoảng 30 đảo và nhiều đá, diện tích tổng cộng khoảng 10 600 km².
2. Bộ Ngoại Giao, tài liệu « Vùng lãnh thổ phía Bắc của chúng ta », 2006, p. 16.
3. Wada Haruki, « Những vấn đề của Vùng lãnh thổ phía Bắc. Lịch sử và tương lai », NXB Asahi Shinbun, 1999, p. 183.
4. Kimura Hiroshi, « Bản mới về lịch sử thuơng lượng biên giới giữa Nga và Nhật : con đường dẫn đến sự khôi phục Vùng lãnh thổ phía Bắc », éditeur Sekai, Shisôsha, 2002, p. 120.
5. Các bộ Ngoại giao Nhật và Nga, Hồ sơ soạn thảo chung về lịch sử vấn đề Vùng lãnh thổ phía Bắc, 1992.
6. Wada Haruki, « Những vấn đề về Vùng lãnh thổ phía Bắc. Lịch sử và tương lai », op. cit., p. 198.
7. Ibid. p. 198.
8. Wada Haruki, « Những vấn đề về Vùng lãnh thổ phía Bắc. Lịch sử và tương lai », op. cit., p. 200.
9. Hiệp ước trao đổi giữa Sakhaline cà các đảo Kouriles : hiệp ước Saint-Pétersbourg.
10. FRUS, 1949, vol. VII ; Wada Haruki dẫn trong « Những vấn đề về Vùng lãnh thổ phía Bắc. Lịch sử và tương lai », op. cit., p. 201.
11. Wada Haruki, « Những vấn đề về Vùng lãnh thổ phía Bắc. Lịch sử và tương lai », op. cit., p. 225.
12. Chishima 千島、có nghĩa theo tiếng Nhật là hàng ngàn đảo.
13. Wada Haruki, « Những vấn đề về Vùng lãnh thổ phía Bắc. Lịch sử và tương lai », op. cit., p. 222.
14. tức là đảo Etorofu.
15. Wada Haruki, « Những vấn đề về Vùng lãnh thổ phía Bắc. Lịch sử và tương lai », op. cit., p. 222-223.
16. Wada Haruki, « Những vấn đề về Vùng lãnh thổ phía Bắc. Lịch sử và tương lai », op. cit., p. 230.
17. Kimura Hiroshi, « Vùng lãnh thổ phía Bắc. Lịch sử và chuẩn bị cho việc khôi phục, NXB Jijitsûshin, in lần thứ 5, 1991, p. 49.
18. Tôgô Kazuhiko, Ghi nhớ những thuơng lượng về Vùng lãnh thổ phía Bắc. Năm cơ hội đánh mất. op. cit., p. 238.
19. Giáo sư viện Đại học Hokkaidô, Trung tâm nghiên cứu về người Tư Lạp Phu (Slaves).
20. Ngày xưa người Nhật và Nga cùng sống chung trên đảo Sakhaline.
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.