Nhiều người cho rằng tranh chấp với Trung Quốc về giàn
khoan 981 hiện nay là « bế tắc », là « nan giải ».
Đúng vậy, thật là nan giải khi ta đọc lời « giáo
huấn » của Dương Khiết Trì (thông qua Tân Hoa Xã), dạy dỗ VN trong cuộc gặp
gỡ với Phạm Bình Minh hôm qua :
Ủy
viên Quốc vụ Dương Khiết Trì chỉ rõ, đối với vấn đề trên biển hiện
nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai
Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn
đề liên quan.
"Điều
bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối
với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây
ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh
đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu,
đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên
Trung Quốc tại Việt Nam."
Trong khi Phạm Bình Minh cho biết thái độ của VN :
"Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam
sẵn sàng tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo
hai nước về xử lý thoả đáng các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai
nước, tránh để cho các vấn đề này quấy nhiễu toàn cục của quan hệ
hai Đảng và hai nước."
Nếu vấn đề ngừng ở đây, rồi hết, thì không phải chỉ là
« nan giải » và « bế tắc ». Nan giải và bế tắc là khi ta
loay hoay tìm mãi mà không ra giải pháp cho một việc khó khăn nào đó. Ở đây mọi
việc như thể được « an bài » trong « cẩm nang » mà lãnh đạo
hai bên vạch ra từ các đời TBT trước.
Tức là phía VN đã « bó giáo qui hàng », nếu
có làm gì thì cũng không ngoài những gì đã được « lãnh đạo » qui định
trước.
Vấn đề mà người dân « bức xúc » là :
Cái « đại cục » mà Dương Khiết Trì chỉ ra
cho VN là cái « cục » gì mà lại đặt trên quyền lợi của đất
nước ?
« Nhận thức của lãnh đạo » là cái nhận thức
nào mà xem là quan trọng hơn trách nhiệm bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ ?
Họ Dương ăn nói ngược ngạo, ngậm máu phun người, cho
rằng phía VN đã cản trở đủ thứ sự « tác nghiệp » của giàn khoan 981.
Lại còn lên tiếng dạy dỗ công an VN cần
phải « xử lý và khắc phục tốt » các vụ biểu tình bạo động chống TQ
trong tháng 5 vừa qua.
Việc này không khác ví von thằng hàng xóm hung hăng
đem máy cày vào cày nát miếng ruộng của mình, nó còn lên tiếng bảo mình ngồi
yên, không được động đậy khi nó cày. Thái độ « hợp lý » của mình là
gì ? Là « xếp ve », hứa sẽ « tuân thủ », để không
« quấy nhiễu toàn cục » (lại cái « cục » thối tha) của quan
hệ hai đảng, hay là mình la làng « bớ hàng xóm » ?.
Đáng lẽ việc TQ đặt giàn khoan 981 đã mở cho VN nhiều
cơ hội bằng vàng. Trong một bài
viết gần đây tôi có cho rằng :
« Sẽ là quá
sớm để nói về thành bại của Việt Nam tại Biển Đông trước thách thức của Trung
Quốc, khi nước này đặt giàn khoan khổng lồ 981 trên thềm lục địa của VN, cách
đảo Lý Sơn trên trăm hải lý.
Trên quan điểm
thuần túy chiến lược, có lẽ phía Trung Quốc đã tính toán sai mà việc này có thể
mở ra cho VN một cơ hội bằng vàng để giải quyết nhiều khó khăn nội bộ. Trong
quan hệ ngoại giao, sự do dự của VN về việc lựa chọn đồng minh chiến lược -
Trung Quốc hay Mỹ - sẽ sớm được quyết định. Hệ quả điều này sẽ đi đôi với việc
dân chủ hóa chế độ. Như thế Trung Quốc mất một đồng minh tin cậy đồng thời tạo
ra một quốc gia thù địch quan trọng. Trong khi việc tranh chấp lãnh thổ với
Trung Quốc, về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, đã đông lạnh từ tháng giêng năm
1974 cho đến nay, thì được hâm nóng lại. »
Không phải là « điều tốt » hay sao, tranh
chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đã « đông lạnh » từ năm 1974 đến nay
lại được « hâm nóng » lại ? Việc này tạo cho Việt Nam một cơ hội
giải quyết, hay ít nhất là « quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ».
Trung Quốc từ trước đến nay một mực phủ nhận mọi hiện
hữu về một tranh chấp chủ quyền ở vùng lãnh thổ này. Bây giờ mình thấy TQ đang phân
trần vấn đề Hoàng Sa trước Liên Hiệp Quốc. TQ đưa những bằng chứng cho thấy từ
lâu VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa. Vùng biển giàn khoan 981 mặc
dầu nằm sâu trong vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa của VN nhưng nó hoàn
toàn thuộc TQ vì hiệu lực (theo điều 121 Luật Biển 1982) của các đảo Hoàng Sa.
Rõ ràng đây là một « cơ hội bằng vàng » để VN
đặt lại toàn bộ vấn đề tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa với Trung Quốc trước dư
luận quốc tế.
Bằng vàng, bởi vì phía TQ đã quên một điều quan trọng,
là thời điểm phát xuất các « bằng chứng » (VN) công nhận chủ quyền
của TQ tại HS, Việt Nam là một quốc gia bị phân chia, có tới hai miền (VNCH và
VNDCCH) mà không bên nào có tư cách pháp nhân « quốc gia » trước quốc
tế công pháp. Trong khi hiệp định Genève 1954 (khải huyền hai miền VN) mà TQ là
một bên bảo trợ, cam kết toàn vẹn lãnh thổ của một nước VN độc lập, có chủ
quyền. Hoa Kỳ, bên không ký hiệp định Genève 1954, cũng nhìn nhận nội dung hiệp
định này (ít nhất hai lần), qua các giác thư ngoại giao năm 1965 và qua Hiệp
định Paris 1973. Trên tinh thần này thì các bằng chứng mà TQ đưa ra không có
giá trị pháp lý. Đơn giản vì nội dung của nó đi ngược lại những qui định của
các kết ước quốc tế. Phía VNCH là bên quản lý hai quần đảo HS và TS, là bên có
« thẩm quyền quốc gia » trên hai quần đảo. Phía VNDCCH vì không có
thẩm quyền quốc gia tại hai quần đảo HS và TS, do đó không thể ký nhận bất kỳ
văn kiện nào có nội dung liên quan đến hai vùng lãnh thổ này. Bất kỳ các văn
kiện (hay dữ kiện) nào, xuất phát trong thời kỳ này (1954-1975), mang nội dung
xâm phạm việc toàn vẹn lãnh thổ của VN, (đi ngược lại tinh thần các hiệp định
quốc tế), thì chúng đều không có giá trị.
Nhưng nếu VN xem đây là việc « gia đình »,
(nói theo kiểu Phùng Nguyên soái), cố gắng tập trung vào việc « thuơng
lượng » thông qua « đối thoại song phương », giải quyết theo lối
« gia đình », chắc chắn sẽ lâm vào bế tắc vì thái độ cứng rắn của
Trung Quốc. Giải quyết theo lối « gia đình » như đã thấy từ trước đến
nay giữa hai đảng Cộng Sản (VN và TQ), là con phải nhịn cha, là đứa nhỏ phải
chịu thua đứa lớn. VN luôn bị thiệt thòi. Lời « giáo huấn » của
Dương Khiết Trì đến lãnh đạo VN là quan hệ gì nếu không phải là cha đối với
con ?
Tuy vậy, ta có quyền lạc quan hơn khi đọc ý kiến sau
đây của TT Nguyễn Tấn Dũng :
trong cuộc gặp ngày 18/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã
nói với ông Dương Khiết Trì rằng Bắc Kinh đã 'xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền'
của Việt Nam khi đưa giàn khoan vào vùng biển như hiện nay.
Tuyên bố này cho thấy, ít nhất một vài lãnh đạo VN đã
dám nhìn thẳng vào sự thật, dám vượt lên cái bóng của « gia đình »,
đặt vấn đề quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi của đảng phái. Ở điểm này
không ai có thể phản đối TT Nguyễn Tấn Dũng được.
Vấn đề là TT NT Dũng có can đảm nắm lấy (và khai thác)
cơ hội đó không ?
Nếu có, thì tôi hoàn toàn ủng hộ TT Dũng.
Câu hỏi đặt ra là VN khai thác cơ hội này như thế
nào ?
Từ lúc giàn khoan 981 của TQ đặt trong vùng biển của
VN, nhiều tiếng nói cất lên kêu gọi nhà nước VN « kiện » TQ. Dĩ nhiên
đây là một ý kiến đúng đắn.
Quan trọng là kiện về cái gì ? kiện ở đâu, kiện
lúc nào ? Kiện tụng là một việc phiêu lưu, có thể thắng, có thể thua. Vì
thế hồ sơ kiện của VN phải lập thế nào sao cho mọi phán quyết của tòa, trong
tình huống tệ nhất, cũng không làm cho VN bị thiệt hại về chủ quyền lãnh thổ.
Hiện nay nhà nước VN chưa công bố hồ sơ pháp lý của VN
về Biển Đông như thế nào nên không thể có ý kiến. Nếu dựa lên các giải pháp của
các học giả VN đã đề nghị thì tôi thấy có nhiều nguy hiểm.
Đề nghị thường thấy là nhắc trường hợp Phi kiện
TQ và thúc đẩy VN làm tương tự. Theo tôi, kiện như vậy là thất sách, sác xuất
VN thắng kiện là vô cùng nhỏ. Hoàn cảnh của VN hiện nay là cố gắng hâm nóng lại
tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa mà từ bao lâu nay TQ một mực phủ nhận mọi hiện
hữu tranh chấp, chứ không phải là tranh tụng về hiệu lực các đảo ở Trường Sa.
Thật vậy, Phi kiện TQ ra Tòa Trọng tài Thường trực
(PCA) gồm mười điều, nhưng nội dung là tập trung vào việc yêu cầu Tòa giải
thích hiệu lực của các cấu trúc địa lý trung vùng quần đảo Trường Sa. VN không
có lợi ích gì khi đặt tâm điểm vào Trường Sa.
Nếu VN kiện, xem lại danh
sách bảo lưu của TQ năm 1996 ở LHQ, VN sẽ chỉ có thể kiện TQ (ở Tòa trọng tài
theo phụ lục VII của công ước về Luật Biển 1982, hay một trọng tài khác…), về
việc mâu thuẩn của hai bên do cách diễn giải hiệu lực các đảo thuộc Hoàng Sa
(theo điều 121 của luật Biển). Điển hình là đảo Tri Tôn mà phía VN gọi là
« cấu trục địa lý » lúc chìm lúc nổi.
VN không thể bây giờ theo
chân Phi để kiện TQ về về hiệu lực « đường lười bò ». Vị trí giàn
khoan 981 nằm trong vùng chồng lấn giữa các đảo Hoàng Sa và thềm lục địa Việt
Nam chứ không có liên quan gì đến « đường lưỡi bò ». VN cũng
không thể kiện TQ do việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (do TQ bảo lưu
không chấp nhận giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế).
Nếu VN xúc tiến việc kiện
như ý kiến của các học giả VN, thì chỉ có thể kiện :
-
Yêu cầu Tòa tuyên bố các đảo
Hoàng Sa quá nhỏ, không được hưởng qui chế đảo (theo định nghĩa của điều 121.3
Luật Biển 1982), chúng chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý mà thôi.
-
Hoặc yêu cầu Tòa giải thích về
hiệu lực các đảo Hoàng Sa.
Kiện như vậy Việt Nam có
thể bị Estoppel.
Theo tuyên bố của chính
phủ CHXHCNVN ngày 12-5-1977, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vùng (ZEE)
200 hải lý. Điều này cũng đúng trên thực tế. Một số đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa
hội đủ các yếu tố « đảo » theo điều 121 (có người sinh sống, có nền
kinh tế tự túc…) của Luật Biển 1982. VN không thể yêu cầu Tòa tuyên bố ngược
lại chủ trương của mình đã (và đang) có. Do mâu thuẩn lập trường, nguy cơ VN bị
Estoppel rất lớn.
Nếu VN yêu cầu Tòa giải
thích hiệu lực các đảo Hoàng Sa. Hồ sơ VN cũng có thể bị bác (Estoppel), vì hai
bên VN và TQ, dầu không đồng ý với nhau mọi điểm do tranh chấp về chủ quyền HS,
nhưng đã có một điểm chung về qui chế pháp lý của các đảo Hoàng Sa.
Các phương cách kiện (của các học
giả VN) cho thấy đều thất sách. Kiện theo lối đó thì VN chỉ thua ít đến thua
hết.
Tôi có một số ý kiến về kiện tụng,
cần nhắc lại sau đây.
Nếu VN muốn giải quyết tranh
chấp theo lối « gia đình », theo ý muốn của đảng, thì cũng phải phân
chia theo nguyên tắc. Nguyên tắc đó là nguyên tắc đã được xác định trong trong
Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ ngày 30-12-2000 : Lấy bộ luật Biển 1982
làm nền tảng, cùng với các nguyên tắc « công bằng - équitabilité » và
« tỉ lệ - proportionnalité » của công pháp quốc tế để phân định vùng
biển ngoài cửa vịnh.
Nếu VN muốn đưa ra Tòa giải quyết,
thì thời điểm này là một thời điểm tốt. Ta thấy tổ chức Liên Hiệp Quốc, qua
phát ngôn nhân, cho biết đã đồng ý làm trung gian để hòa giải tranh chấp hai
bên Việt Nam và Trung Quốc. VN cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội này, bằng
cách :
Đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc tế
(CIJ) tuyên bố một số điều :
- Việc
chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản
của LHQ.
- Việc
chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ
lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
- Việc
chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho
Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
Ba yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc về quyền của quốc gia Việt Nam,
là thành viên các công ước và các nguyên tắc cơ bản của LHQ. Việc giải thích
nội dung các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Tòa CIJ. Đặc biệt các yêu
cầu này không liên quan đến các bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế.
Mục đích việc yêu cầu Tòa tuyên bố, nếu thành công
(điểm 3), sẽ đưa quần đảo Hoàng Sa (không có tranh chấp, theo TQ) vào tình trạng
« có tranh chấp ».
Nếu VN thua, tức Tòa không tuyên bố (không có ý kiến),
thì VN cũng không có gì để mất. Trong vụ yêu cầu Tòa tuyên bố này không hề nói
đến chủ quyền các đảo (HS và TS) là của ai, mà chỉ nói đến việc nhìn nhận hay
không nhìn nhận, danh nghĩa chủ quyền nếu việc chiếm hữu thực hiện bằng vũ lực.
Còn nếu thắng, VN được nhiều thứ.
Theo tập quán quốc tế, « đất thống trị biển ». Nếu các
đảo Hoàng Sa là lãnh thổ « có tranh chấp » thì vùng biển phát sinh từ nó cũng
có tranh chấp.
Vị trí giàn khoan 981 có thể được xem nằm trong vùng
biển « có tranh chấp » mà tranh chấp này
phát sinh từ chủ quyền các đảo HS chứ không phải phát sinh do chồng lấn hải
phận (giữa bờ biển VN với các đảo HS, theo như lập luận của TQ hiện nay).
Theo thông lệ quốc tế, nếu lãnh thổ có tranh chấp,
việc giải quyết thường là chia hai (hay cộng đồng khai thác), mỗi bên được một
phần của lãnh thổ đó. Tức là, quần đảo HS có thể chia hai, thí dụ hai nhóm
Nguyệt Thiềm (Croissant) và An Vĩnh (Amphitrite). VN có thể nhận nhóm Nguyệt
Thiềm (phía tây) và giao cho TQ nhóm An Vĩnh (phía đông). Hải phận sinh ra do
quần đảo này do đó cũng sẽ chia hai.
Đó là cái lợi thứ nhất.
Cái lợi thứ hai ở Trường Sa. Nếu tòa tuyên bố (chắc
chắn 90%), thì TQ không có chủ quyền tại các đảo của VN tại TS. TQ sẽ không thể
tuyên bố vùng « nhận diện phòng không » trong khu vực này được. Điều này chắc
chắn Hoa Kỳ, Nhật cũng như các nước trong vùng nồng nhiệt ủng hộ.
Cái lợi thứ ba, là VN dành được tính « chính đáng ».
Nhiều người cho rằng các phán quyết của Tòa cũng không làm gì, nếu TQ không
tuân thủ.
Theo tôi, phán quyết của Tòa có tầm quan trọng rất
lớn. Trong vụ giàn khoan 981, nếu TQ không rút giàn khoan, VN có thể dùng các
biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc « bảo vệ » ở đây mang tính tự vệ
chính đáng, được hiến chương LHQ công nhận.
Cái lợi khác, về chi phí, hồ sơ này đơn giản, viện kiện cáo ít tốn kém,
đáng lẽ không cần phải đưa ra một tổ hợp luật sư nào. Tuy nhiên, để nắm chắc
phần thắng, đơn không bị bác do lỗi thủ tục, VN nên thông qua một tổ hợp luật
sư chuyên môn ở HK.
Do vậy, trái banh kiện TQ hay không đang nằm trong chân Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu ông quyết định nắm bắt cơ hội bằng vàng này để giải
quyết tranh chấp Hoàng Sa, những thất bại của ông (về kinh tế xã hội...) trong
thời gian qua có thể sẽ được mọi người xí xóa. Mọi người sẽ biết đến ông như
một lãnh đạo hiếm hoi xuất thân từ lò cộng sản có quyết tâm vì quyền lợi của
đất nước và dân tộc.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.