Thế nào là « thoát
Trung » ? Nếu là để thoát khỏi « ảnh hưởng » của Trung Quốc
thì, theo tôi, không hẳn chỉ là các vấn đề thuộc về văn hóa hay kinh tế như
nhiều học giả VN đã và đang bàn luận.
Thử lấy thí dụ Nhật Bản và Đại Hàn.
Văn hóa (nếu không nói là văn minh) của hai nước này, trên nhiều mặt của xã hội
hiện nay vẫn thể hiện sâu đậm màu sắc của văn hóa Khổng giáo. Thử xem một vài
phim tình cảm xã hội của Đại Hàn hay Nhật sản xuất. Ta thấy sao mà quen thuộc
quá. Nếu bỏ qua những đường nét, khung cảnh hiện đại của những thành phố tiên
tiến trong một quốc gia phát triển, thì ta tưởng đó là phim xã hội VN. Khung
cảnh trong gia đình của một người Đài Loan, Đại Hàn, thậm chí Nhật, đều giống
nhau, như Việt Nam. Đó là mô hình của một xã hội ảnh hưởng sâu sắc văn hóa
Khổng Mạnh.
Câu hỏi đặt ra, nếp sống gia đình (ảnh
hưởng văn hóa Khổng Mạnh) ở Nhật, ở Hàn quốc đó, (đã giảm bớt nồng độ cực đoan
Khổng giáo và pha lẫn nét bao dung của Tây phương), thì có tốt hơn nếp sống gia
đình ở VN hay TQ hiện nay, ảnh hưởng chủ thuyết duy vật của Mác (và Lê Nin) hay
không ?
Trên phương diện chữ viết, cũng như
VN trước thời Pháp thuộc, các nước Nhật, Hàn đến hôm nay cũng vẫn giữ nguyên
tắc cơ bản chữ Hán. Một số học giả VN tỏ ý than phiền vì ảnh hưởng sâu đậm văn
hóa Hán, nhất là chữ viết, do đó có khuynh hướng « Việt hóa » các từ
Hán Việt.
Theo tôi, việc sử dụng từ gốc Hán
không có gì phải mặc cảm. Người Nhật, người Hàn... xem ra còn lệ thuộc vào chữ
Hán còn hơn VN. Bên Châu Âu cũng vậy, chữ viết các xứ này đều bắt nguồn từ
Latin, Grec... Những từ khoa học các nước Âu Mỹ hầu hết đều có gốc Latin hay Grec. Các
nước này đâu thấy ai lên tiếng than phiền là lệ thuộc, tỏ ý muốn « thoát
Trung » hay « thoát Grec (hay Latin) » đâu ? Lệ thuộc hay
không là do mình. Ta thấy một lượng lớn từ ngữ chuyên môn (học thuật hay khoa
học) Hán Việt bắt nguồn từ Nhật, do các học giả Nhật phát minh ra. Chỉ số chất
lượng về đời sống, về văn hóa, về kinh tế... trên mỗi con người của Nhật, Hàn
hơn xa Trung quốc. Trong khi thành quả các tiến bộ về văn hóa, khoa học, kỹ
thuật... Trung Quốc cũng bị các nước Nhật, Hàn... đã bỏ xa hàng vài thập niên. Như
thế, ta thấy việc ảnh hưởng văn hóa Hán (chữ viết) không hề ảnh hưởng lên việc
phát triển quốc gia.
Về kinh tế cũng vậy, sự liên thuộc
về kinh tế giữa hai nước Nhật và Hàn với Trung Quốc không chừng còn quan trọng
hơn quan hệ giữa TQ với Hoa Kỳ và UE cộng lại. Trong các quan hệ này, ta dùng
từ « liên thuộc » chứ không phải « lệ thuộc ». Nếu chỉ tính
từ thập niên 80, TQ luôn nhập siêu từ Hàn quốc và Nhật. TQ cần các mặt hàng có
tính khoa học kỹ thuật cao của hai nước này để phát triển đất nước. Trong khi
Nhật và Đại Hàn cũng cần đến TQ để phát triển kinh tế. Cho dầu Nhật và TQ có
những mâu thuẫn sâu sắc về chủ quyền quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), nhưng TQ chưa
hề dám đe dọa dùng vũ khí kinh tế đối với Nhật.
Như vậy, dựa trên hai yếu tố văn
hóa và kinh tế để « thoát Trung », (như các học giả VN đã và đang hô
hào) rõ ràng Nhật và Đại Hàn đang có khuynh hướng ngược lại : « nhập
Trung » thay vì « thoát Trung ».
Nhưng quan hệ kinh tế hai bên Việt-Trung,
số kim ngạch trao đổi hai bên cán cân luôn thặng dư về phía TQ. Việc thâm thủng
này vẫn nhỏ, không đáng kể. Điều quan trọng là quan hệ kinh tế giữa VN và TQ,
trong chừng mực, là quan hệ « thực dân – thuộc địa về kinh tế ». Nếu
đọc lại các bản tuyên bố chung của hai bên được công bố gần đây, ta thấy VN đã
nhượng cho TQ quá nhiều đặc quyền, đến đỗi các việc này có thể đe dọa nền độc
lập của quốc gia. Không nói quá, mọi huyết mạch của kinh tế VN hiện nay đều do TQ
kiểm soát.
Điều này đến từ các quyết định
chính trị chứ không phải là những lựa chọn bắt buộc. Tức là VN vẫn có thể thoát
khỏi tình trạng lệ thuộc kinh tế nếu lãnh đạo có can đảm về chính trị.
Vì vậy, theo tôi, thoát Trung hay
không là một vấn đề « chiến lược » chứ không hẵn là kinh tế hay
văn hóa.
Một lý do thường thấy nhiều người
VN nại ra, ngại khi quay lưng lại với Trung quốc, là « nước xa không
cứu được lửa gần ».
Ta thấy các nước như Nhật, Đại Hàn,
Thái Lan, Phi… (nếu không nói Đài Loan) đều ở kế « vách » với TQ,
nhưng họ đâu sợ TQ. Các nước này, phần lớn, là các nước dân chủ, thịnh vượng.
Để xóa bỏ nỗi ám ảnh (chính đáng) « nước
xa không cứu được lửa gần » của một số người VN hiện nay, ta cần nhắc lại
một số điều cơ bản của các lý thuyết về địa chiến lược (mà lãnh đạo TQ bị ảnh
hưởng).
Theo tôi, lý thuyết « Địa
Chiến lược – Không gian sinh tồn » của Friedrich Ratzel (xuất bản năm 1902)
có ảnh hưởng sâu sắc lên các lớp lãnh đạo (then chốt) của TQ, làm thay đổi bộ
mặt của nước này, đó là : Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu
Bình.
Bảy định luật của thuyết này là :
1. Không gian (sinh tồn) của một
dân tộc được mở rộng đồng thời với văn minh của dân tộc đó. Một dân tộc có nền
văn minh tiến bộ sẽ đồng hóa các dân tộc kém văn minh hơn.
2. Lãnh thổ quốc gia sẽ phát triển
theo tỉ lệ thuận với sức mạnh kinh tế và đội ngũ thương buôn của quốc gia cũng
như chủ thuyết phát triển quốc gia. Việc bành trướng vì thế chỉ tùy thuộc vào ý
chí và phương tiện.
3. Việc bành trướng của cường quốc
được thực hiện qua phương cách « hấp thụ và tiêu hóa » các nước nhỏ.
4. Đường biên giới quốc gia không
xác định (biên giới linh động - frontière vivante). Biên giới xác định chỉ có
giá trị tạm thời, chỉ để đánh dấu giữa hai giai đoạn bành trướng.
5. Trong quá trình bành trướng, lãnh
thổ (bây giờ là biển) là mục tiêu chiếm hữu.
6. Các quốc gia yếu kém ở
kế cận là mục tiêu bành trướng. Sự bành trướng của cường quốc không thể tiến triển
nếu quốc gia lân bang cũng là cường quốc.
7. Hiện tượng bành trướng
có khuynh hướng lan rộng do việc tranh dành lãnh thổ của các quốc gia.
Bảy định luật của Ratzel đã
hoàn toàn chứng nghiệm cho dân tộc Hán từ lập quốc đến ngày hôm nay.
Định luật 1 : Nền văn minh
Hán Tộc đã đồng hóa tất cả các dân tộc khác, kể các các dân tộc dũng mãnh đã
chiếm hữu và trị vì Trung Quốc. Lúc đầu lập quốc, dân tộc Hán chỉ có một vùng đất
nhỏ, nhưng sau đó bành trướng ra, đồng hóa các dân tộc chung quanh. Văn hóa các
dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Liêu, Kim… đã không còn dấu vết ở Trung Quốc.
Định luật 2 : Hiện
đang thích ứng cho tình trạng TQ hiện nay. Sự vượt trội về kinh tế, cho phép
nước này hiện đại hóa quân đội. Những đòi hỏi của TQ ở biển Đông hay với Nhật
qua tranh chấp Senkaku, cho thấy ý chí của nước này.
Định luật 3 : Định luật
này cùng với định luật 1 đã được dân tộc Hán áp dụng từ thời mới lập quốc và
còn đang tiếp tục cho đến hôm nay. Dân tộc Hán luôn bành trướng và tiêu diệt
(hay Hán hóa) tất cả các dân tộc khác. Hiện nay việc đồng hóa đang được thực hiện
ráo riết tại Tây Tạng.
Định luật 5 cho thấy vẫn
chưa lỗi thời, TQ đặt ra mục tiêu chinh phục Biển Đông (Hoàng Sa và Trường Sa) đồng
thời dành lại quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Nhưng định luật này cần cập nhật
thêm vì chủ đích của việc chinh phục sẽ là vùng biển, là tài nguyên chứa đựng
trong đó.
Định luật 6 phản ảnh rõ rệt
thái độ bành trướng của Trung Quốc ngày hôm nay : VN và Phi, hai nước yếu, nằm
trong tầm nhắm của TQ. Trung Quốc không bao giờ muốn thấy một Việt Nam giàu
mạnh. Một nước Việt Nam giàu, mạnh sẽ ngăn cản sức bành trướng của Trung Quốc. Vì
vậy về kinh tế, ta thấy VN hiện nay rất phụ thuộc vào TQ. Đó cũng là cách áp
dụng uyển chuyển của lý thuyết « không gian sinh tồn », biến VN thành
một chư hầu kinh tế.
Từ định luật 6, ta thấy
cuộc chiến giữa TQ và Nhật chắn chắn sẽ xảy ra. TQ không thể trở thành đại
cường nếu có nước Nhật mạnh ở kế bên (và ngược lại).
Định luật 7 cho thấy có
nhiều điều cần điều chỉnh lại. Đất đai không còn là mục tiêu tranh chấp mà là
việc tranh dành vùng biển, tranh dành thị trường, vùng ảnh hưởng. Ngoài ra là
những xung đột giữa các nền văn minh (Thiên chúa - Hồi giáo) như hiện nay (theo
thuyết của Samuel P. Huntington).
Theo tôi, quan trọng nhất trong các
định luật trên là định luật 6. « Thoát Trung », đồng nghĩa với thoát
nghèo, thoát u mê tăm tối, mục đích của TQ đặt ra cho VN. Thoát ra
khỏi cạm bẫy này thành công hay không là do lãnh đạo VN có bản lĩnh và tầm nhìn
hay không.
Ta thấy định luật 6 chứng nghiệm
cho các nước Nam Mỹ. Do gần với nước Mỹ, vì lý do « sinh tồn » của
nước Mỹ, các nước này phải là là những nước nghèo (hay chỉ mới phát triển). (Ngoại
trừ Canada, vì có cùng văn hóa và lý tưởng với Mỹ). Trong khi những nước Nhật,
Đại Hàn, Đài loan... là những nước kế cận TQ, mà TQ là địch thủ tiềm tàng của
Mỹ, do đó bằng mọi cách Mỹ phải giúp các nước này để họ luôn giàu và mạnh hơn
TQ (để không ngả về TQ). Điều này cũng đúng cho các nước Tây Âu trong thời
chiến tranh lạnh, đổ chống lại Liên Xô.
Vì thế, ở kế cận TQ không hẳn là
điều xấu. Cũng như ở kế cận nước Mỹ chưa chắc là điều tốt. Nếu Nhật, Đại Hàn,
Đài Loan... do nhờ ở kế cận TQ mà được Mỹ giúp phát triển đất nước giàu có,
hùng mạnh, thì VN cũng có thể trở nên giàu và mạnh như vậy.
Thoát Trung do đó là vấn đề thuộc
phạm vi « chiến lược », chứ không phải là văn hóa hay kinh tế.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.