Nhiều người cho rằng đã đến lúc « chín mùi » để
đưa vụ Hoàng Sa ra Tòa Án quốc tế. Thời điểm gọi là « chín mùi » thực
ra đã qua từ rất lâu.
Ở Hoàng Sa người ta có thể kiện Trung Quốc ở các việc (ra một
trọng tài quốc tế) : 1/ Về hành vi cưỡng chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc.
2/ Kiện để giải quyết một tranh chấp về lãnh thổ.
Trước 1975, VNCH không có tư cách pháp nhân (quốc gia),
không có ghế đại diện tại LHQ, nên không thể triệu tập Hội đồng Bảo An LHQ để tố
cáo hành vi xâm lăng của TQ. VNCH cũng không được sự đồng thuận của MTGPMN (và
VNDCCH) khi yêu cầu những thành phần này ký vào văn bản lên án hành vi xâm lăng
của TQ. Một mình VNCH không đủ tư cách đại diện cho quốc gia Việt Nam (từ Lạng
Sơn đến Cà Mau). Không đạt được sự đồng thuận từ hai lực lượng chính trị này, việc
đưa ra một tòa án quốc tế là một ảo tưởng.
Sau năm 1976, VN thống nhứt, CHXHCNVN được gia nhập LHQ năm
sau. VN bấy giờ có đầy đủ tư cách để kiện TQ ra một trọng tài quốc tế về việc
nước này xâm lăng Hoàng Sa. Lãnh đạo CSVN đã quyết định không thực hiện việc
này. Và họ cũng không có một kế hoạch nào để lấy lại Hoàng Sa. Tức là, cho chừng
mực nào đó, lãnh đạo CSVN muốn giao Hoàng Sa cho Trung Quốc.
Điều thậm tệ đến vào năm 1988, khi TQ đưa quân chiếm đá Gạc
Ma cùng một số đá, bãi chìm khác tại Trường Sa.
Đá Gạc Ma chỉ là một rạng san hô, không phải là đảo,
phụ thuộc vào đảo chính là đảo Sinh Tồn. Cụm đảo Sinh Tồn, cùng một số cụm đảo
khác ở Trường Sa, đã được nhà nước bảo hộ Pháp tuyên bố chiếm hữu, dựng mốc đánh
dấu chủ quyền đồng thời gởi thông báo cho các cường quốc khác về việc chiếm hữu
này. Công việc tuyên bố chủ quyền và chiếm hữu các đảo TS đã diễn ra tốt đẹp,
không gặp sự phản đối nào, kết thúc vào năm 1933.
Theo tập quán quốc tế, TQ hay bất kỳ một nước nào
khác không thể chiếm đá Gạc Ma, cho dầu trên đây không có người trấn giữ. Đảo
Sinh Tồn thuộc VN thì các đá, cồn, bãi, đảo phụ… đều phụ thuộc vào đảo chính là
đảo Sinh Tồn (theo án lệ đảo Palmas của Tòa Trọng tài 1928).
Sự việc xảy ra, TQ cho quân đánh chiếm đá Gạc Ma
cùng một số đá khác. VN đã không có phản ứng thích hợp đối với hành vi xâm lăng
này của TQ. VN lúc này có đầy đủ tư cách pháp nhân, có thẩm quyền triệu tập Hội
đồng Bảo an LHQ để phản đối TQ, hay có đủ thẩm quyền để kiện TQ ra trước một tòa
án quốc tế. Lãnh đạo VN đã chọn thái độ ngu xuẩn nhứt, là không làm gì cả
(ngoài việc cho phát ngôn nhân… phun nước bọt).
Phía VN phun nước bọt (và tiếp tục phun cho đến
nay), phía TQ sau khi chiếm thì xây dựng, và tiếp tục xây dựng, đá Gạc Ma (và
các đá khác) trở thành một đảo (nhân tạo). Đá Gạc Ma nay mai sẽ trở thành một đảo
lớn, có đường bay cho phi cơ quân sự. Trong chừng mực, đảo Sinh Tồn đã trở
thành một đảo phụ của Gạc Ma. Tức là, trên phương diện địa lý, đảo Sinh Tồn phụ
thuộc vào « đảo » Gạc Ma. Ưu thế pháp lý của VN (mà VN không biết sử
dụng) đã chuyển nhẹ nhàng sang Trung Quốc.
Vừa rồi TQ có đưa giàn khoan đặt kế cận đảo Tri Tôn (cách đảo
18 hải lý), theo hướng tây-nam, cách đảo Lý Sơn của VN khoảng 119 hải lý. Vấn đề
Hoàng Sa « nóng » lên lại. Nhưng các học giả của VN (và vài học giả
quốc tế) hình như có vấn đề về mắt, không thấy quần đảo Hoàng Sa với đảo Tri
Tôn nằm chình ình, mà chỉ thấy « đường lưỡi bò » !
Bên BBC có dẫn lời học giả Ian
Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore như vầy :
Việc
TQ cho đặt giàn khoan trên thềm lục địa của VN là chỉ dấu rằng Trung Quốc
đang khẳng định quyền thăm dò và khai thác tài nguyên trong đường chín
đoạn của mình cho dù nguồn tài nguyên đó có nằm trong EEZ của quốc
gia khác hay không.
Xin thưa rằng vị trí giàn
khoan cách đảo Lý Sơn của VN là 119 hải lý, nhưng nó chỉ cách đảo Tri Tôn (thuộc
quần đảo Hoàng Sa) có 18 hải lý.
Nếu đảo Tri Tôn được hưởng
qui chế « đảo » theo định nghĩa của Luật biển, tức là có lãnh hải 12
hải lý, (vùng tiếp cận lãnh hải 12 hải lý) và vùng Kinh tế độc quyền 200 hải
lý. Nếu nó không được nhìn nhận là đảo, thì nó cũng có lãnh hải (và vùng tiếp cận
lãnh hải) 24 hải lý.
Vấn đề ở đây sẽ là việc chồng
lấn vùng biển giữa hai đảo (Lý Sơn và Tri Tôn) chứ không liên quan gì đến đường
9 đoạn chữ U.
Tức là không hề có vụ
« đường chín đoạn » như ý kiến của TS Ian Storey, mà là vấn đề tranh
chấp về chủ quyền Hoàng Sa giữa VN và TQ.
Có học giả VN lên tiếng rằng
đảo Tri Tôn là « bãi ngầm » nên nó không có hiệu lực biển. Điều này
hoàn toàn sai. Có thể đảo Tri Tôn chưa thể là đảo để được hưởng qui chế của
« đảo » theo điều 121 của Luật Biển 1982. Nhưng chắc chắn một điều là
nó không phải là « bãi chìm ». Mặt khác, nếu tính hiệu lực các đảo
khác ở HS, thì vị trí của giàn khoan 981 cũng ở vùng chồng lấn giữa các đảo này
và bờ biển VN.
Nhưng việc bàn luận đảo Tri
Tôn là đảo hay bãi chìm là lạc đề. Vì cấu trúc địa lý này có là cái gì thì nó
cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa mà quần đảo này của Việt Nam từ bao đời nay rồi !
Như thế, đối phó với việc TQ đưa giàn khoan vào khai thác mà
chỉ nói về « đường lưỡi bò », nói hiệu lực các đảo, là lạc đề, nếu
không nói là cố ý đánh lạc hướng dư luận, hướng mũi căm thù của nhân dân VN về
hướng TQ. Đây là thái độ không lương thiện. Trọng tâm của vấn đề : Hoàng
Sa là của VN và làm thế nào để lấy lại Hoàng Sa.
Luật pháp quốc tế không nhìn nhận tính chính đáng của việc
thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực. Chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa,
theo quốc tế công pháp, là không được nhìn nhận. Tức là việc cho khai thác tại
khu vực đảo Tri Tôn là xâm phạm lãnh thổ của VN.
Vậy Việt Nam có thể đứng
ra kiện Trung Quốc về việc này ?
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có tư cách pháp nhân của
một « quốc gia », là đối tượng của công pháp quốc tế. Nhưng thực thể
này không có tư cách pháp nhân để kiện Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Lý do : 1/ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa trên tay của VNCH
chứ không phải trên tay CHXHCNVN. 2/ VNDCCH lúc đó không lên tiếng phản đối việc
TQ xâm lăng, cũng không ký tên vào bản tuyên bố lên án TQ của VNCH, VN hôm nay
đã mất tố quyền.
CHXHCNVN chỉ có thể đứng tên kiện TQ ở vấn đề Hoàng Sa khi
và chỉ khi kế thừa di sản VNCH một cách hợp pháp.
Kế thừa bằng cách nào ?
Tôi đã nói đi nói lại vấn đề này ít ra từ 15 năm nay. Kế thừa
qua hai bước : 1/ hòa giải quốc gia (hay hòa giải dân tộc, tùy cách gọi –
réconciliation nationale), 2/ Dân chủ hóa chế độ.
Hòa giải quốc gia để kế thừa danh nghĩa VNCH. Dân chủ hóa chế
độ để đoạn tuyện với quá khứ VNDCCH (cùng với công hàm 1958, tuyên bố của Ung
Văn Khiêm…).
Chỉ khi có danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa, danh chánh thì
ngôn (và hành) mới thuận, VN hôm nay có thể kiện TQ về vấn đề chủ quyền Hoàng
Sa.
Nhiều người cũng đã nói đến vấn đề « tự vệ ».
Nhưng việc tự vệ chỉ chính đáng khi VN chứng minh được Hoàng Sa thuộc chủ quyền
của VN.
VN đệ đơn kiện TQ ra tòa CIJ, hô hào triệu tập Hội đồng Bảo
An LHQ, hô hào triệu tập Đại hội đồng LHQ… về hành vi bành trướng, xâm lấn của
TQ, thì việc « tự vệ » của VN mới mang màu sắc « chính
đáng », được sự hỗ trợ của dư luận thế giới.
Nếu VN kiện TQ ra Tòa án về Luật Biển về « hiệu lực các
đảo », trong chiều hướng giảm thiểu hiệu lực các đảo HS, điều này cũng khả
thi, nhưng trong chừng mực nào đó chính thức công nhận chủ quyền của TQ tại HS.
VN vẫn có lối thoát ở Hoàng Sa, có điều trí thức VN, lãnh đạo
hôm nay có dám đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của cá nhân và đảng
phái hay không ?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.