jeudi 8 mai 2014

Tiến thoái lưỡng nan.

Vấn đề đã không bi đát nếu ngày xưa MTGPMN và VNDCCH ký tên vào bản tuyên bố của VNCH lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa năm 1974. Quần đảo Hoàng Sa và vùng biển chung quanh nếu vậy đã là « vùng có tranh chấp ».  

Người ta thường nghe tới « vùng tranh chấp » nhưng có lẽ ít người biết lợi hại của nó như thế nào.

Phía Trung Quốc, trước năm 1932, họ có tuyên bố đại khái lãnh thổ cực nam của họ là quần đảo Hoàng Sa. (Trước năm 1909, trong sách sử của họ thì ghi lãnh thổ vùng cực nam của họ là mũi Tam Nha, đảo Hải Nam). Nhưng lần hồi họ « bung » ra, hết lên tiếng đòi chủ quyền chỗ này, rồi đòi chỗ kia. Họ lên tiếng đòi Trường Sa chỉ sau khi Thế chiến thứ II chấm dứt. Mỗi lần họ lên tiếng như vậy là họ biến một vùng « không có tranh chấp » thành một vùng « có tranh chấp ».

Họ thành công là do đảng CSVN thiếu những lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược (và không có người thực tâm yêu nước).

Trong quá khứ, lãnh đạo CSVN đã lần lượt nhìn nhận những đòi hỏi của TQ, ít ra la 4 lần : 1/ Ông Ung Văn Khiêm năm 1956, cho rằng « chiếu theo lịch sử của VN thì Tây Sa và Nam Sa thuộc TQ. 2/ Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng nhìn nhận lãnh hải 12 hải lý của TQ (bao gồm Tây Sa và Nam Sa). 3/ Nhìn nhận vùng biển của TQ vì phản đối sự hiện diện của Đệ VII hạm đội Mỹ tại vùng biển Hoàng Sa năm 1965 (trên nhật báo Nhân Dân). 4/ Nhìn nhận có « ba vùng biển tranh chấp » với TQ vào đầu thập niên 90.

Và khi nhìn nhận « có tranh chấp » là nhìn nhận sự hiện diện chính đáng của TQ tại các vùng biển đó. Và khi nhìn nhận tính chính đáng sự hiện diện của bên kia, giải pháp thường là « khai thác chung ».

Vùng biển Trường Sa, theo khuynh hướng « tát nước theo mưa » của các học giả VN qua các bài viết trong quá khứ, rất có thể sẽ được giải quyết theo chiều hướng cộng đồng khai thác với TQ.

Còn vùng biển Hoàng Sa, VN hiện nay không có bất kỳ một bằng chứng nào để chứng minh rằng vùng lãnh thổ đó thuộc VN, ngoại trừ phải dùng đến các bằng chứng cũng như danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa.

VN cũng không có bất kỳ một thỏa thuận nào với TQ, hay một lời bảo lưu nào để cho rằng vùng biển Hoàng Sa là vùng biển có tranh chấp, ngoại trừ các tuyên bố và tờ Bạch Thư do phía VNCH lập ra (mà MTGPMN và CNDCCH không có ký vào).

Vấn đề là lãnh đạo CSVN chưa hề có tuyên bố kế thừa, cũng như chưa hề có một động thái trước quốc tế nhằm kế thừa danh nghĩa VNCH tại HS và TS.

Khi không chứng minh được vùng lãnh thổ đó (Hoàng Sa) là lãnh thổ của mình, cũng không chứng minh được vùng biển đó « có tranh chấp », sự việc gọi là « tự vệ chính đáng », theo định nghĩa của công pháp quốc tế, sẽ không hiện hữu.

Phía TQ chắc chắn sẽ không có một nhượng bộ nào ở giàn khoan 981. Phía VN nổ súng trước là có nguy cơ chiến tranh mà phía VN là bên gây sự.

Dàn khoan này sẽ đặt ở đây, sẽ khai thác các mỏ có dầu hay khí đốt, nếu có. Sản phẩm của nó sẽ được ống dẫn về đảo đến Hải Nam. Vài tháng sau, công tác khoan mỏ hoàn tất, nó sẽ di chuyển hướng về phía tây, tức phía bờ biển VN, để khoan tiếp. Đó là cách « đánh dấu chủ quyền » của TQ tại vùng biển này. Tiên đoán sẽ là đường trung tuyến giữa các đảo Hoàng Sa (có thể tính từ đảo Tri Tôn) với bờ biển VN.

Và phía TQ, theo thời gian và thứ tự địa lý, họ sẽ làm y như vậy ở vùng biển Trường Sa.

Ta đã thấy hiện nay VN lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Đánh thì không dám đánh, vì sợ mất hết. Không đánh cũng không xong, vì mang tiếng trước nhân dân là hèn hạ, bán nước.

Vấn đề này tôi đã dự đoán cách đây cả chục năm, đã từng đề nghị phương pháp « kế thừa VNCH » để có danh nghĩa chủ quyền (de jure – trên giấy tờ) ở Hoàng Sa, nhằm đưa khu vực biển này vào thế « vùng biển có tranh chấp ». Bây giờ nước đến chân rồi thì nhảy đi đâu ?

Chỉ còn một nước ba bảy cũng liều là cố gắng làm ầm vụ này lên, sao cho tình hình khu vực thật căng thẳng để tạo chú ý ở quốc tế, sau đó đưa ra một tòa án quốc tế. Đưa ra tòa không phải để được tòa xử mà để đưa VN và một tư thế thoải mái hơn : khu vực biển Hoàng Sa là một khu vực có tranh chấp. Từ đó đi tìm một giải pháp (mất ít nhất) cho VN.


Nhưng điều quan trọng vẫn là tương lai : vùng biển Trường Sa. Nếu không dự liệu trước thì cũng sẽ lâm vào tình trạng ngày hôm nay.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.