lundi 30 septembre 2013

Núi Khấu Mai (Khấu Mai Sơn, Khấu Mai Ðỉnh hay Khấu Mai Lĩnh), tấm số 27.


Theo dõi quá trình cắm mốc biên giới, người viết ghi nhận rằng cột mốc có tầm quan trọng hàng đầu đối với quân đội Pháp (sau năm 1892, vấn đề cắm mốc do quân đội phụ trách), là cột mốc cắm tại núi Khấu Mai (Pháp viết là Cao-May hay Khao-moué). Núi này ở phía nam Thủy Khẩu, biên giới giữa Long Châu thuộc TQ và Cao Bằng thuộc VN. Đây là ngọn núi có tầm chiến lược quan trọng (vào thời đó), vì nó kiểm soát con đường dọc biên giới, có nguồn nước, có thể đặt công sự để kiểm soát toàn vùng Long Châu.

Đỉnh ngọn núi này thuộc về VN do việc người Pháp trao đổi toàn bộ tổng Đèo Lương (Đèo Luông) cho Trung Quốc, cộng thêm điều kiện không được đặt công sự quá 25 người trên núi.

Khu vực này được giải quyết năm 1893. Có đến 3 cột mốc được cắm chung quanh núi Khấu Mai : Cột số 14 cắm dưới chân núi, phía đông. Cột 15 cắm trên sườn núi, phía đông. Cột 16 cắm dưới chân núi, phía tây-bắc. Như thế phía Trung Quốc được hưởng một góc nhỏ của trái núi này, theo như bản đồ dưới đây.

Tuy vậy, phía TQ không hài lòng vì tất cả các cuộc chuyển quân của họ đóng tại Long Châu và vùng chung quanh đều lọt vào mắt của công sự Pháp đặt trên núi. Vì vậy họ tìm cách dời cột mốc lên cao hơn.

Do việc lấn đất này, năm 1936, nhà cầm quyền Pháp đã phải làm áp lực với phía TQ để cắm mốc lại.

Ngoài việc đem các cột mốc về vị trí cũ, cột mốc số 14 bis được cắm thêm, theo biên bản ngày 2-3-1936. Theo đó cột 14 bis cách cột 14 là 580m về phía tây-nam, theo hướng đông đông-nam so với cột 15.

Nhưng vấn đề cột mốc số 14 cắm ở sườn núi Khấu Mai vẫn chưa chấm dứt. Theo tin từ các tài liệu của nhóm Lê Đức Anh tố cáo Lê Khả Phiêu bán đất nhượng biển cho TQ. Ta thấy Giang Trạch Dân yêu cầu đưa mốc số 14 lên đỉnh núi, với lý do ngày trước công nhân không đưa cột mốc lên đến đỉnh mà bỏ lại ở sườn núi.

Trong hồ sơ cắm mốc 1887-1897, cột mốc cắm trên sườn núi tại Khấu Mai là trường hợp duy nhất. Tất cả các cột mốc khác đều được cắm trên đỉnh núi.

Điều cũng cần ghi nhận, nếu Pháp nhượng núi này cho TQ, VN không bị mất tổng Đèo Lương (diện tích khoảng 300km²) mà sẽ không có vụ tranh chấp thác Bản Giốc. Vị trí tổng Đèo Lương, trên bản đồ, là phần lõm về phía đông-bắc Cao Bằng, bao gồm thác Bản Giốc với một đoạn dài sông Qui Xuân (Qui Thuận.)

So sánh hai mảnh bản đồ, một mảnh từ tấm 27 của bộ bản đồ theo HUBG 1999, một mảnh từ bản đồ biên giới do Sở Địa dư Đông dương ấn hành. Ta thấy cột mốc biên giới mới được cắm trên núi Khấu Mai. Tương tự với các cột mốc chung quanh.

Khau Mai 2

Hình trên : góc bản đồ SGI. Biên giới 1887 là đường đỏ, biên giới 1999 đường màu hồng.

Khau Mai

Hình trên : góc tấm bản đồ số 27. Biên giới 1887 đường đỏ ; biên giới 1999 đường hồng.

Mất đất vùng này ước lượng vài cây số vuông. Con số thì nhỏ nhưng tầm quan trọng chiến lược cực kỳ lớn. Giang Trạch Dân, chủ tịch nước kiêm TBT đảng CSTQ, đích thân can thiệp cho mọi người thấy tầm quan trọng của ngọn núi này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.