lundi 23 septembre 2013

Thử xét tính « cần thiết và bổ ích » của công trình vẽ bản đồ của nhóm Quĩ Nghiên cứu Biển Đông.

Đồng tác giả « công trình nghiên cứu công phu », bản đồ mốc giới Việt Nam - Trung Quốc theo tọa độ từ nghị định thư phân giới cắm mốc, ông Phan Văn Song lên tiếng trên Bô xít biện hộ rằng bản đồ do các tác giả này vẽ như thế là « cần thiết và bổ ích », « không có vấn đề gì về kỹ thuật ». Không thấy tác giả biện luận thế nào về các điểm mà tôi đặt ra trong bài trước. Nội dung bài viết chỉ nói chung quanh về các chi tiết kỹ thuật về một cách vẽ do tôi đề cập tới.

Trọng tâm của vấn đề bàn luận là được hay không được, « vẽ bản đồ và so sánh bản đồ » như cách mà các tác giả đã làm, chứ không phải là việc giải trình kỹ thuật về một cách vẽ không liên quan. Nếu cần, ta sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác, như để kiểm chứng VN có mất hay không mất đất, là thí dụ.

Bài này thử xét việc vẽ bản đồ và so sánh bản đồ như thế có thật sự « cần thiết và bổ ích » hay không ? và nó « không có vấn đề gì về kỹ thuật » như tác giả khẳng định hay không ? Những chi tiết khác đã nói, ở đây không nhắc lại.

1/ Trở lại cách vẽ của các tác giả. Tôi đã viết và tôi khẳng định lại :

« Các bản đồ được các tác giả gọi là « bản đồ mốc giới Việt Nam - Trung Quốc theo tọa độ từ nghị định thư phân giới cắm mốc » đã được thực hiện không theo đúng bất kỳ một qui cách quốc tế « cartographie – vẽ bản đồ » nào. Cách vẽ của các tác giả là cách vẽ của con người thời cổ đại, lúc nhân loại chưa biết trái đất có hình cầu. »

Các tác giả cho rằng cách vẽ này là cách vẽ « Mercator », theo nhận định ban đầu của tôi trong một comment trên facebook. Thật ra cách vẽ này không phải là phương pháp mercator (direct), tức phương pháp chiếu thẳng các điểm thuộc một hình cầu lên một hình trụ có cùng đường kính, như các tác giả tự nhận (và tôi ngộ nhận). Cách vẽ của các tác giả là một cách vẽ tự tiện.

Thật vậy, trên bản đồ của các tác giả (Hình 1), các đường kinh tuyến và vĩ tuyến được trình bày cùng một cách thức như nhau, bằng nhau, cách đều nhau.


Trong khi, vẽ theo phương pháp Mercator direct, khoảng cách các đường vĩ tuyến trên mặt phẳng không bằng nhau. Các đường vĩ tuyến này được sắp xếp, ở gần xích đạo, hợp cùng các đường kinh tuyến thành hình vuông, càng xa xích đạo các đường vĩ tuyến cách xa nhau, tạo với các đường kinh tuyến những ô hình chữ nhật.

Hình 2 : nguồn internet, có ghi chú trên bản đồ.

Cách vẽ này nhằm mục đích giảm thiểu sai số gây ra do hệ quả géodésie, càng về phía hai cực sai số càng lớn.

Cách vẽ của các tác giả, với các ô « ca-rô » bằng nhau thể hiện trên bản đồ, không thể nói nó được thực hiện theo phương pháp mercator.

2/ Bản đồ của các tác giả thiếu những ghi chú không thể thiếu : tỉ lệ và phương pháp vẽ. Trong khi các ghi chú về kinh tuyến và vĩ tuyến thì lu mờ, không thể nhận diện được cái gì. Không có tỉ lệ thì làm sao so sánh ?

3/ Về các bản đồ của « công trình », ta sẽ lần lược khảo sát. Xét bản đồ này :

Đây là đoạn biên giới thuộc tỉnh Hà Giang, tương ứng các bản đồ 13, 14, 15 và 16 trong bộ bản đồ biên giới 2009. Ta thấy đường biên giới khu vực này đi qua một số điểm cố định, là hai nhánh hợp lưu của sông Chảy, tương ứng các nơi ghi chú các mốc giới (?) 165, 170 và 175. Ta thấy các mốc giới lệch ra ngoài đường đỏ (bản đồ CIA). Một số điểm lệch ra ngoài khoảng 10mm. Điểm 170, tức ngả ba sông, lệch ra ngoài khoảng 5mm.

Điều này vô lý, vị trí các con sông không thay đổi, đường biên giới cố định, cho dầu ở trên bản đồ của CIA, hay trên bản đồ cắm theo tọa độ các mốc giới, hay trên bất kỳ bản đồ nào. Việc lệch lạc này chỉ có thể do từ sai số géodésie.

Bản đồ này có lẽ có tỉ lệ là 1/500.000. Độc giả thử đoán độ lệch trên bản đồ tương ứng với bao nhiêu mét trên thực địa ? Vài mươi cây số phải không ? VN như thế lợi hàng chục km² đất trong khu vực này. Trong khi khu vực này có địa danh « núi Đất ». Theo ông Trần Công Trục thì đã nhượng cho TQ.

Một thí dụ khác, ở bản đồ này. Đây là bản đồ biên giới khu vực Lào Cai. Đường biên giới ở đây đi qua sông Lũng Pô, sông Hồng, sông Nậm Thi và sông Bá Kết. Đường biên giới là dòng sông, cố định, ở bất kỳ bản đồ nào có cùng tỉ lệ, cùng phép chiếu.

Ta thấy bản đồ này tỉ lệ quá nhỏ để có thể so sánh. Nhưng cũng thấy được các mốc giới lệch ra ngoài đường đỏ (tức đường biên giới theo bản đồ CIA). Một milimét trên bản đồ này có thể tương ứng hàng chục km trên thực địa.

Những bản đồ khác đều có chung tính cách lệch lạc như vậy.

Với số sai quan trọng như thế, việc so sánh này có giá trị gì ?

4/  Tác giả nói « không có vấn đề gì về kỹ thuật ». Theo tôi, những sai sót trên bản đồ, với cách thức so sánh, tự nó tố cáo các sai lầm sơ đẳng về kỹ thuật của các tác giả.

Các bản đồ này « cần thiết và bổ ích » cho việc chứng minh các sai lầm của các tác giả.

5/ Tác giả chỉ trích về chi tiết nội dung một đoạn viết trong bài trước của tôi, dẫn lại :

« Một thí dụ, hình dung quả địa cầu được phân chia thành nhiều đường kinh tuyến, mỗi đường cách nhau 1’. Lấy hai điểm A và B, giao điểm hai kinh tuyến kế cận với đường xích đạo, ta có khoảng cách là 1 mille (1852m). Đoạn AB tưởng là thẳng, nhưng không phải, nó cong (vì trái đất hình cầu). Người ta gọi đó là « một cung – arc » tương ứng 1’. Nếu lấy hai điểm A’ và B’ tương tự, giao điểm với đường vĩ tuyến 45°, đường này cũng tương ứng với một cung 1’. Chiều dài của cung này không phải là 1852m mà là 1852m/2 = 926m. Vì vậy, một đoạn đường tương ứng với một cung 1’ ở Cà Mau sẽ dài hơn đoạn đường tương ứng một cung 1’ ở Lạng Sơn.

Nhưng trên một mặt phẳng, hai đoạn AB và A’B’ có chiều dài bằng nhau. »

Để có thí dụ điển hình về cách mô tả của tôi, thử tưởng tượng quả địa cầu là một trái cam lột vỏ, các đường kinh tuyến chia trái cam thành nhiều múi khác nhau, mỗi múi được thành hình do hai đường kinh tuyến liền kề x° và x°+1’.

Góc được tính là góc của trục địa cầu với mặt phẳng hai đường kinh tuyến x° và x°+1’.

Trọng tâm trong thí dụ của tôi không phải là tính kích thuớc các cung AB và A’B’, mà muốn cho mọi người thấy hai đoạn này không bằng nhau trên một hình cầu nhưng chúng bằng nhau trên một mặt phẳng. Đó là hệ quả géodésique.

Vẽ bản đồ để so sánh mà không tính hệ quả géodésique thì còn đâu sự chính xác ?

Điểm khác, người ta vẽ đường kinh tuyến và vĩ tuyến thẳng chỉ trên các bản đồ thành phố (plan), các bản đồ tượng trưng. Điều tôi nói ở đây, tất cả các bản đồ (carte) trên thế giới, trong trường hợp tương tự bàn luận ở đây là để phân định biên giới. Không một ngoại lệ, tất cả các bản đồ đều áp dụng cách chiếu UTM, theo đó các đường kinh tuyến và vĩ tuyến không phải là đường thẳng, nó chỉ gần như là đường thẳng mà thôi.

Tác giả đưa ra những tính toán tìm cách bắt bẻ vài chi tiết trong bài viết của tôi. Các phương pháp tính toán này ta có thể tìm dễ dàng trên internet. Mục đích của tác giả như để phân bua rằng tác giả là người hiểu biết. Nhưng việc này trễ quá phải không ? Nếu hiểu biết thì quí vị đã áp dụng cho « công trình nghiên cứu công phu » của mình rồi !.

Trên đường biên giới, theo tin tức báo chí, có đến trên 160 điểm tranh chấp, trong đó có khu vực Nam Quan, thác Bản Giốc v.v... Tại sao quí vị tác giả không sử dụng cách tính toán này để vẽ các khu vực biên giới đó cho vấn đề được minh bạch ? Làm việc này, không chỉ có ông Mai Thái Lĩnh hài lòng, mà rất nhiều người sẽ cám ơn quí tác giả. Riêng tôi thì ao ước quí vị vẽ đường biên giới khu vực Trình Tường, để xem biên giới khu vực đó thay đổi ra sao ?

Với cách tính toán thần sầu quỉ khốc này, thêm hệ thống tọa độ mốc giới đầy đủ, việc vẽ bản đồ sẽ như việc lấy đồ chơi trong túi, phải không ?

6/ Một tác giả khác, tác giả Tô Oanh, có bài trên Bô Xít, cũng đồng tình với cách vẽ của các « học giả » này.

Tôi cho rằng đây là sự dễ dãi quá trớn đối với một vấn đề trọng đại, liên quan đến lãnh thổ của đất nước. Có lẽ tác giả không biết mục đích vẽ bản đồ của nhóm Quĩ Nghiên cứu Biển Đông. Nhắc lại, mục đích của công trình so sánh bản đồ này, theo các tác giả, là vì « dư luận đang quan tâm về vấn đề biên giới trên bộ ».
Tác giả viết : « Những lược đồ của ông Dương Danh Huy thể hiện để minh họa cho bài viết, tôi thấy có thể chấp nhận được. » 

Xin thưa những « lược đồ » này không để dùng cho « minh họa » bài viết. Đâu có bài viết nào đâu mà minh họa ? Theo các tác giả Quĩ Nghiên cứu Biển Đông, đây là : « bản đồ đầu tiên được công bố với toàn bộ các điểm xác định đường biên giới, bao gồm cột mốc, cột mốc phụ, cột mốc kép, và đỉnh cao biên giới. » Lý do công bố là vì « dư luận đang quan tâm về vấn đề biên giới trên bộ ».

Tác giả Tô Oanh hình như không tham khảo các bài viết trước khi cầm bút. Còn BBT Bô Xít cho rằng đó là một công trình nghiên cứu khoa học  « công phu ».

Công phu chỗ nào ? Đâu là « bản đồ đầu tiên được công bố với toàn bộ các điểm xác định đường biên giới, bao gồm cột mốc, cột mốc phụ, cột mốc kép, và đỉnh cao biên giới » mà các tác giả tuyên bố ?

Nói như ông Tô Oanh, đó chỉ là một « lược đồ », thì còn có thể chấp nhận.

Nhưng dư luận cần một sự thật, một chính xác khoa học chứ không cần một « lược đồ » như ông Tô Oanh nói.

Tác giả Tô Oanh cũng viết là nhờ may mắn, VN gần xích đạo, nên sai số không nhiều.

Việc vẽ bản đồ là một phạm trù chuyên môn, khoa học chính xác, đâu phải đánh số đề mà may với rủi !
Kết quả so sánh của tác giả cho thấy VN lợi to trong việc phân định lại biên giới với TQ. Nhưng có thật thế không ?

Tác giả Tô Oanh hài lòng với cách vẽ như vậy. Riêng tôi thì không.


7/ Nếu quí vị hài lòng với cách vẽ này, không thấy có nhu cầu cần thiết phải rút « công trình công phu » này xuống, chấp nhận những phi lý, phi khoa học của nó, thì tôi không thể làm gì khác, ngoài việc tôn trọng quyết định của quí vị. Tuy vậy, thái độ của quí vị cũng giải tỏa một thắc mắc từ lâu nay của tôi. Chế độ độc tài đảng trị CSVN, sự hiện hữu của nó có thể phi lý đối với nhiều người khác sống trong thế giới văn minh, nhưng nó lại thích hợp với nhiều người VN. Chấp nhận một cách dễ dàng việc phi lý này thì cũng dễ dàng chấp nhận những phi lý khác. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.