lundi 2 septembre 2013

Ý nghĩa ngày 2-9-1945.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 được mọi người VN biết đến như là ngày ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trước quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tuy nhiên thế giới biết đến ngày này là ngày quân đội Nhật ký văn kiện đầu hàng trên chiến hạm Missouri của Hoa Kỳ, chính thức chấm dứt Thế chiến II.

Ngày 2 tháng 9 được ông Hồ (và ban tham mưu ?) lựa chọn là một sự khôn khéo rất mực về chính trị. Cả thế giới và khu vực, người dân VN, đều vui mừng vì quân Nhật đầu hàng, chiến tranh từ nay chấm dứt. Lề lối cai trị khắc nghiệt và sự tàn ác của quân Nhật không còn. Thoát được gông cùm của Nhật, niềm vui quá lớn, người ta không quan tâm nhiều đến tuyên ngôn độc lập của ông Hồ, cũng như sự ra đời của nước VNDCCH.

Người dân VN thì ngây thơ tưởng rằng mình đã dành lại được chủ quyền, nước VN được độc lập từ nay.

Nhưng vấn đề « dành lại chủ quyền » và sự « độc lập » của một quốc gia không đơn thuần như vậy. Cái nào cũng có luật lệ của cái đó.

Việt Nam lọt vào ách cai trị của thực dân Pháp, chính thức từ năm 1884. Nam kỳ là nhượng địa của Pháp. Bắc kỳ là thuộc địa. Trung kỳ là đất bảo hộ. Nhà Nguyễn và triều đình tại Huế trị vì ở đất Trung kỳ như là một tấm bình phong, một « thủ tục giấy tờ » của Pháp trước trường quốc tế. Tất cả các mặt, kinh tế, chính trị, quân sự, hành chính… các nước Đông Dương đều nằm trong tay người Pháp. Trước pháp luật quốc tế, chủ quyền VN thuộc Pháp.

Nền cai trị của Pháp liên tục cho đến ngày 10 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh, hất Pháp ra khỏi Đông Dương. Trên phương diện « luật pháp quốc tế », chủ quyền VN từ tay Pháp chuyển sang tay Nhật.

Người Nhật tiếp xúc với Bảo Đại đề nghị trả lại độc lập cho VN. Dĩ nhiên ông này đồng ý. Ngày 12 tháng 3 năm 1945 Bảo Đại tuyên bố VN độc lập, lấy quốc hiệu là « Đế Quốc Việt Nam », bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ đã ký trước đây với Pháp. Ngày 17-4-1945 chính phủ Trần Trọng Kim thành lập. Nhưng chỉ vài tháng sau, 16 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Văn kiện đầu hàng được ký ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Trên phương diện « luật quốc tế », tuyên bố VN độc lập của Bảo Đại không có giá trị. Đơn giản vì phe chiến thắng Đồng Minh không nhìn nhận tính chính thống của các nhà nước do Nhật đặt ra tại các vùng lãnh thổ mà họ chiếm được trong thời gian trước 1945. Thí dụ, Mãn Châu quốc của hoàng đế Phổ nghi. Sau khi Nhật đầu hàng, các vùng lãnh thổ do Nhật chiếm trước đó sẽ do phe Đồng minh quyết định số phận. VN không ngoại lệ.

Trong khoảng thời gian hỗn loạn đó, ngày 19 tháng 8 năm 1945 Mặt trận Việt Minh làm « cách mạng », tuyên bố trước quốc dân đánh Pháp đuổi Nhật, « dành lại nền độc lập và chủ quyền cho đất nước ». Một chính phủ « lâm thời » được Hồ Chí Minh thành lập tại Hà Nội. Ngày 25 tháng 8 Bảo Đại giao ấn, quốc gia gọi là « Đế Quốc Việt Nam » kết thúc và quốc gia « Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa » ra đời.

Việc « dành lại chính quyền từ tay Nhật » là không đúng. Không có cuộc cách mạng nào hết cả. Khi tuyên bố đầu hàng, Nhật phải tuân thủ các điều kiện do phe chiến thắng đặt ra, trong đó có việc phải giao lại cho Đồng minh toàn bộ thẩm quyền của đế quốc Nhật tại các vùng lãnh thổ mà nước này chiếm được.

Ông Hồ không thể hô hào « làm cách mạng, đánh Pháp đuổi Nhật, cướp chính quyền » từ tay Nhật. Ông Hồ không thể « cướp » cái mà Nhật không còn nữa. Và cũng không thể « đánh » cái đã không còn nữa.

Nguyên tắc của « cách mạng » là đánh đổ cái (chính quyền) cũ để lập nên cái mới. Thời điểm này, vì VN là một vùng lãnh thổ bị Nhật chiếm từ tay Pháp, do đó thuộc quyền quản lý của phe Đồng minh. VN đánh đổ Đồng minh khi nào mà « dành lại chính quyền » ?

Ấn kiếm Bảo Đại, biểu tượng tính chính thống của Đế quốc VN, cũng không có giá trị pháp lý, vì quốc gia của Bảo Đại lập ra, thân Nhật, không được quốc tế nhìn nhận (như Mãn Châu Quốc).


Bây giờ có lẽ nhiều người mới hiểu ra vì sao TT Truman của HK đã không trả lời nhiều lá thư của ông Hồ gởi năm 1946. Nhà nước của ông Hồ lập nên, VNDCCH, không có tư cách pháp nhân vì không được thành lập trên các nguyên tắc phù hợp với tập quán và luật lệ quốc tế. Vì vậy HK cũng như cộng đồng các nước trên thế giới, không công nhận nhà nước này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.