Thật vậy, các tác giả đã vẽ các bản đồ biên giới Việt-Trung theo tiêu
chuẩn trái đất hình vuông. Điều này được kiểm chứng ở các đường thẳng đứng vẽ
song song. Tức các ô ca-rô trên bản đồ đều là hình vuông và bằng nhau. Trong
khi các bản đồ, từ thế kỷ thứ 19 trở lại đây, người ta đã biết tới yếu tố « hình
cầu – géodésie » của quả đất. Từ hệ quả đó, ta thấy trên bất kỳ một tấm
bản đồ nào, các đường kinh tuyến, tức các đường theo chiều bắc-nam, không phải
là đường thẳng mà là đường cong, hội tụ lại với nhau ở hai điểm : cực bắc
và cực nam (cực địa lý – khác với cực từ). Các đường ngang – tức vĩ tuyến – cũng
là các đường cong, song song với nhau, chiều dài của các đường này không bằng
nhau. Những « tứ giác » trên bản đồ không bằng nhau, nếu khác vĩ tuyến.
Một thí dụ, hình dung quả địa cầu được phân chia thành nhiều đường kinh
tuyến, mỗi đường cách nhau 1’. Lấy hai điểm A và B, giao điểm hai kinh tuyến kế
cận với đường xích đạo, ta có khoảng cách là 1 mille (1852m). Đoạn AB tưởng là thẳng,
nhưng không phải, nó cong (vì trái đất hình cầu). Người ta gọi đó là « một
cung – arc » tương ứng 1’. Nếu lấy hai điểm A’ và B’ tương tự, giao điểm
với đường vĩ tuyến 45°, đường này cũng tương ứng với một cung 1’. Chiều dài của
cung này không phải là 1852m mà là 1852m/2 = 926m. Vì vậy, một đoạn đường tương
ứng với một cung 1’ ở Cà Mau sẽ dài hơn đoạn đường tương ứng một cung 1’ ở Lạng
Sơn.
Nhưng trên một mặt phẳng, hai đoạn AB và A’B’ có chiều dài bằng nhau.
(Trên đường kinh tuyến, các cung cùng độ rộng có chiều dài bằng nhau.)
Cái sai của các tác giả là chiếu trực tiếp tọa độ các điểm trên mặt một
hình cầu lên một mặt phẳng mà không qua tính toán, hoán chuyển các dữ kiện bằng
một hệ thống géodésie nào đó.
Cái sai khác nữa là đem tấm bản đồ của Mỹ, vẽ theo các nguyên tắc khoa
học, lên một mặt phẳng kẻ ô vuông. Cái sai này ta có thể nhận ra ngay khi so
sánh hai bản đồ, ở các nơi đường biên giới đi theo chiều thẳng đứng. Tại đây ta
thấy hai bản đồ gần như trùng nhau, vì hệ quả géodésique ít thấy trên đường
kinh tuyến. Trong khi các đoạn biên giới khác, theo chiều dài hay chiều
nghiêng, bản đồ VN có khuynh hướng vượt ra ngoài (do không tính hệ quả
géodésique).
Do đó, nhìn lên các bản đồ của các tác giả, ta có cảm tường VN được lợi
to qua cuộc cắm mốc với TQ kỳ này.
Nhưng không phải vậy. Cách đo này không nói lên được cái gì, ngoài sự
thiếu hiểu biết về nguyên tắc vẽ bản đồ của các tác giả.
Vẽ bản đồ có nhiều nguyên tắc khác nhau. Tựu trung là các phương
pháp tính toán để trình bày (projection – chiếu) một cách chính xác bề mặt một
vùng quả địa cầu trên một mặt phẳng.
Công tác vẽ bản đồ (cartographie)
gồm hai việc hệ trọng :
Topographie – trắc địa : đo lường kích thuớc, tọa độ, cao độ, độ
chênh thẳng đứng (déviation de la verticale)
của các điểm đồng thời chiều dài của các cung kinh tuyến và vĩ tuyến (arc de
méridien – parallele).
Géodésie : gồm những hệ thống tính toán quan hệ
đến dạng hình cầu của quả đất. Các hệ thống thường thấy : Clarke1880, Clarke1880IGN, HAYFORD1909, GRS80,WGS84.
Bộ bản đồ VN-Trung Quốc vừa được công bố được vẽ theo hệ thống tọa độ WGS
84 (World Geodetic System 1984), theo phép chiếu Gauss-Kruger, lấy kinh tuyến
trung tâm 105° và múi chiếu 6°.
Các tác giả chỉ có thể so sánh bản đồ Mỹ với bản đồ vẽ từ các tọa độ của
các nghị định thư với điều kiện : bản đồ phải vẽ đúng theo tiêu chuẩn của
bản đồ mà Mỹ đã vẽ. Tức cùng hệ thống géodésie, cùng một phép chiếu, có cùng kinh
tuyến trung ương và có cùng múi chiếu, và nhất là cùng một tỉ lệ. Chỉ khi vẽ
được như vậy thì mới có thể so sánh hai bản đồ.
Người ta nói « chỉ có thể so sánh những gì có thể so sánh được » là
quá đúng.
Các tác giả cũng có thể, từ bản đồ của Mỹ, lấy tọa độ các điểm trên bản
đồ, hoán chuyển ngược lại để có các tọa độ đúng như tiêu chuẩn và hệ thống
géodésie mà VN và TQ sử dụng. Từ đó, không cần phải vẽ lên một tấm giấy vẽ
ca-rô vuông như các tác giả đã làm, người ta có thể so sánh bằng cách đối chiếu
hai tập hợp tọa độ đó, bằng phương cách tính toán (chứ không vẽ ra giấy), rồi
kết luận rằng có mất đất hay không mất đất và mất bao nhiêu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.