dimanche 30 décembre 2012

Bàn về lý thuyết địa chính trị « không gian sinh tồn » của Trung Quốc.


Có ý kiến nói rằng năm 2012 là năm « ý thức về địa chính trị trở thành ý thức chủ đạo trong các suy nghĩ về chính trị của người Việt. » Nếu ý kiến này đúng như vậy, thì đã có điều gì dường như quá trễ để mà bàn luận nữa.

Từ tháng 8 năm 1992 nội bộ trong giới lãnh đạo Trung Quốc đã luân chuyển tài liệu nội dung « sinh tồn không gian - shengcun kongjian » đề cập đến chủ quyền của TQ tại vùng Trường Sa. Tập tài liệu xuất bản năm 1995 mang tựa đề dịch ra tiếng Pháp « La lutte pour des frontières souples » (Tranh đấu cho đường biên giới mềm) lấy lại nội dung của tài liệu trên, trình bày việc TQ phải chiếm hữu những nguồn nhiên liệu dầu khí cần thiết trong vùng Trường Sa cho việc hiện đại hóa đất nước. Nhưng không phải chỉ từ năm 1992 TQ mới lập chiến lược về một « không gian sinh tồn », mà việc này đã đề cập từ rất sớm, do Tưởng Giới Thạch khởi xướng. Nếu chỉ tính từ năm 1992 thì TQ cũng đã đi trước VN đến 20 năm. Nói « quá trễ để mà bàn luận nữa » cũng còn nhẹ nhàng lắm.

Từ cuối thập niên 90 người viết bài này đã viết nhiều bài viết cảnh báo về việc hiện đại hóa hải quân của TQ cũng như về chiến lược gậm nhắm lần hồi toàn bộ biển Đông. Bài gần đây nhứt, tháng 8-2007, bài « Tranh chấp Trường Sa - Hậu quả những sai lầm chiến lược » nói về « không gian sinh tồn » của Trung Quốc cũng như những sai lầm của lãnh đạo VN khi đối đầu với các biến cố xâm lấn của TQ tại vùng biển này.

Nếu bây giờ VN mới chuẩn bị, sẽ không thể cứu vãn bất kỳ chuyện gì. Nhất là năm 2013 sắp tới sẽ là một năm khó khăn cho VN.

Tháng 6 năm 2012, Luật Biển của VN được QH thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Vừa khi công bố, phía TQ đã có những phản ứng mạnh, về ngoại giao cũng như về biểu dương lực lượng quân sự. Các học giả TQ lên tiếng cảnh cáo : « Trung Quốc nên làm cho các quốc gia hiểu rõ rằng một khi đụng chạm tới chủ quyền của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ bóp nghẹt không gian và thời gian xâm phạm của họ cho đến khi nào họ rút lui thì thôi ». Một bài báo khác thì hối thúc : « Trung Quốc nên có những ý tưởng cứng rắn hơn, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực để bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết để cho thấy sự quyết tâm và khả năng bảo vệ chủ quyền ». Một số học giả thuộc các nước ASEAN đã cảnh báo rằng VN đã làm khu vực trở nên căng thẳng sau khi cho ra đời bộ Luật Biển 2012. Các động thái của phía TQ, từ tháng 6 năm 2012, liên tục đã có những hành động rất cương quyết bày tỏ quyền « tài phán » của họ tại các đảo HS và trên một số khu vực thuộc TS. TQ cũng tỏ thái độ rất cương quyết đối với Nhật trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Điều nên nhớ lại là các vụ đánh HS, đánh TS đều xảy ra trong các tháng giêng, tháng 3… là những tháng nằm trong chu kỳ biển êm (không bão) trong khu vực (tháng 12 đến tháng 5). Lý do mà TQ nại ra khi đánh chiếm các đảo là « giải phóng, đưa về đất mẹ các vùng lãnh thổ nằm trong tay của địch ». Do đó những tháng đầu của năm 2013 sẽ là thời gian quyết định.

Vì vậy, nếu nhận định đã ghi trên : « ý thức về địa chính trị trở thành ý thức chủ đạo trong các suy nghĩ về chính trị của người Việt » là đúng, kể cả trong giới lãnh đạo của VN, có lẽ sẽ không còn gì để nói. Nhưng người viết không tin vậy. Chắc chắn phía lãnh đạo VN đã có những chuẩn bị, nếu không sẽ không bao giờ cho ra đời bộ Luật Biển 2012, trong đó khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của VN tại HS và TS. Dầu vậy, người viết rất hoài nghi về các biện pháp đối phó của VN. Có thể việc cho ra đời bộ Luật chỉ nhằm xoa dịu dư luận trong nước, như trường hợp tranh chấp giữa Vénézuela và Colombie về quần đảo Los Monjos. Nhưng còn quá sớm để khẳng định.

Bài viết này nhắc lại ý nghĩa của lý thuyết « không gian sinh tồn » đồng thời so sánh các chi tiết của lý thuyết này so với những gì mà TQ đã hay đang thực hiện. Cuối cùng thử tiên đoán TQ có thể nuốt trọn biển Đông hay không ? Các giải pháp nào có thể giải quyết ?.

Không gian sinh tồn, tạm dịch từ “L’Espace Vital - Lebensraum ”, tác phẩm nghiên cứu về “địa lý chính trị” – Géopolitique – nổi tiếng của Friedrich Ratzel xuất bản năm 1902, đề cập 7 định luật liên quan đến sự thành hình của một đại cường quốc :

1. Không gian (sinh tồn) của một dân tộc được mở rộng đồng thời với văn minh của dân tộc đó. Một dân tộc có nền văn minh tiến bộ sẽ đồng hóa các dân tộc kém văn minh hơn.

2. Lãnh thổ quốc gia sẽ phát triển theo tỉ lệ thuận với sức mạnh kinh tế và đội ngũ thương buôn của quốc gia cũng như chủ thuyết phát triển quốc gia. Việc bành trướng vì thế chỉ tùy thuộc vào ý chí và phương tiện.

3. Việc bành trướng của cường quốc được thực hiện qua phương cách « hấp thụ và tiêu hóa » các nước nhỏ.

4. Đường biên giới quốc gia không xác định (frontière vivante). Biên giới xác định chỉ có giá trị tạm thời, chỉ để đánh dấu giữa hai giai đoạn bành trướng.

5. Trong quá trình bành trướng, đất (bây giờ là biển) là mục tiêu chính.

6. Mục tiêu bành trướng là các quốc gia yếu kém ở kế cận. Sự bành trướng của cường quốc không thể tiến triển nếu quốc gia lân bang cũng là cường quốc.

7. Hiện tượng bành trướng có khuynh hướng lan rộng do việc tranh dành lãnh thổ của các quốc gia.
Hitler lấy hứng từ lý thuyết này, cũng như từ Karl Haushofer trong cuốn « Dai Nihon » 1912, để viết cuốn « Mein kampf » chủ trương về một « chủng tộc siêu việt », thành lập IIIe Reich (Đức Quốc Xã), mở ra Thế chiến II. Những nhà chiến lược hiện đại cho rằng lý thuyết « địa lý chiến lược » của Ratzel là sơ khai, lỗi thời. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, lý thuyết này là một vấn đề thời sự cho trường hợp Trung Quốc, một cường quốc đang khẳng định tư thế của mình trong khu vực.

Có thể nói Tưởng Giới Thạch là cha đẻ của chủ thuyết « không gian sinh tồn » của TQ  qua nội dung câu tuyên bố : « le territoire de l’Etat chinois est délimité par les besoins de son existence et par les bornes de sa culture », « lãnh thổ của Trung Quốc được xác định do những nhu cầu cho sự hiện hữu của dân tộc này và bằng các cột mốc của nền văn minh Trung Hoa ».

Tư tưởng này đã được Đặng Tiểu Bình thừa kế, chuyển giao cho các thế hệ lãnh đạo sau này là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và hiện nay Tập Cận Bình. Tuyên bố của tưởng Giới Thạch được giản lược như sau : TQ phải chiếm tất cả các nguồn năng lượng ở biển Đông vì đó là không gian sinh tồn của dân tộc Hoa. Từ đầu năm 2010 ta nghe loáng thoáng từ viên chức ngoại giao TQ : Biển Đông là lợi ích cốt lõi của TQ. Ý kiến này bị HK bác bỏ. Nước này cho rằng HK cũng có lợi ích ở biển Đông. Nhưng ta thấy tư tưởng của TQ về một « không gian sinh tồn » là có thật.

Bảy định luật của Ratzel đã hoàn toàn chứng nghiệm cho dân tộc Hán từ lập quốc đến ngày hôm nay.
Định luật 1 : Nền văn minh Hán Tộc đã đồng hóa tất cả các dân tộc khác, kể các các dân tộc dũng mãnh đã chiếm hữu và trị vì Trung Quốc. Lúc đầu lập quốc, dân tộc Hán chỉ có một vùng đất nhỏ, nhưng sau đó bành trướng ra, đồng hóa các dân tộc chung quanh. Văn hóa các dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Liêu, Kim… đã không còn dấu vết ở Trung Quốc.

Định luật 2 : Hiện đang thích ứng cho tình trạng TQ hiện nay. Sự vượt trội về kinh tế, cho phép nước này hiện đại hóa quân đội. Những đòi hỏi của TQ ở biển Đông hay với Nhật qua tranh chấp Senkaku, cho thấy ý chí muốn chinh phục của nước này.

Định luật 3 : Định luật này cùng với định luật 1 đã được dân tộc Hán áp dụng từ thời mới lập quốc và còn đang tiếp tục cho đến hôm nay. Dân tộc Hán luôn bành trướng và tiêu diệt (hay Hán hóa) tất cả các dân tộc khác. Hiện nay việc đồng hóa đang được thực hiện ráo riết tại Tây Tạng.

Định luật 5 cho thấy vẫn chưa lỗi thời, TQ đặt ra mục tiêu phải chinh phục TS và Senkaku. Nhưng định luật này cần cập nhật thêm vì chủ đích của việc chinh phục sẽ là vùng biển, là tài nguyên chứa đựng trong đó.

Định luật 6 phản ảnh rõ rệt thái độ bành trướng của Trung Quốc ngày hôm nay : VN và Phi, hai nước yếu, nằm trong tầm nhắm của TQ. Trung Quốc không bao giờ muốn thấy một Việt Nam giàu mạnh. Một nước Việt Nam giàu, mạnh sẽ ngăn cản sức bành trướng của Trung Quốc. Về kinh tế, ta thấy kinh tế VN trên đà sụp đổ, do đó hiện nay rất phụ thuộc vào TQ. Đó cũng là một biến dạng của lý thuyết « không gian sinh tồn », biến VN thành một chư hầu kinh tế.

Từ định luật 6, ta thấy cuộc chiến giữa TQ và Nhật chắn chắn sẽ xảy ra. TQ không thể trở thành đại cường nếu có nước Nhật mạnh ở kế bên (và ngược lại).

Định luật 7 cho thấy có nhiều điều cần điều chỉnh lại. Đất đai không còn là mục tiêu tranh chấp mà là việc tranh dành thị trường, dành vùng ảnh hưởng, hay việc xung đột giữa các nền văn minh (Thiên chúa - Hồi giáo) như hiện nay, theo thuyết của Samuel P. Huntington.

Nói chung, cho dầu đã thành hình từ hơn một thế kỷ, lý thuyết này vẫn còn thực dụng.

Về định luật 6, có nhiều điểm cần bàn luận sâu rộng hơn vì lý do chiều dài lịch sử quan hệ giữa VN và TQ. Nhưng điểm chủ yếu là, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ bao đời nay đều có chung quan điểm : Trung Quốc không muốn một Việt Nam thống nhất và mạnh. Họ tìm mọi cách làm cho Việt Nam suy yếu để bảo đảm an ninh và thực hiện nhu cầu bành trướng.

Trong thời chiến tranh 1954-1975 mọi người đều biết Trung Quốc sẵn sàng giúp súng đạn cho CSVN đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng.

Ngay sau khi thống nhất 1949, Trung Quốc có cả một sách lược đào tạo các cán bộ tương lai lãnh đạo Việt Nam. Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng thuộc đội ngũ cán bộ này. Vì thế chính trị đối ngoại của Việt Nam trong một thời gian rất dài luôn phù hợp với quan niệm địa lý chiến lược của Trung Quốc.
Người ta ca ngợi nhiều về tư tưởng của ông Hồ Chí Minh (vận dụng từ tư tưởng quốc tế Marx-Lenin), cho nó có một giá trị thực dụng dựng nước bất khả tranh nghị và đưa nó lên hàng tư tưởng chiến lược phát triển quốc gia. Nhưng đây là một sai lầm lớn, vì nếu xét tỉ mỉ, tư tưởng của ông Hồ luôn phù hợp với chính sách bành trướng của Trung Quốc. Người ta cho rằng ông Hồ là người « yêu nước », nhưng quan niệm về quốc gia của ông Hồ là một cái gì rất không rõ rệt : « Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa ». Nhiều học giả nước ngoài phê bình Việt Nam lấy đất nước để xây dựng XHCN trong khi Trung Quốc lấy XHCN xây dựng đất nước. Trong tư tưởng của ông Hồ người ta thấy thấp thoáng một « chủ nghĩa nước nhỏ », đu giây giữa hai thế lực áp đảo là Liên Xô và Trung Quốc, khai thác những mâu thuẩn của hai thế lực này để thực hiện mưu đồ cá nhân và làm tròn bổn phận của một thành viên quốc tế vô sản gương mẫu.

« Chủ nghĩa nước nhỏ » của ông Hồ đã trở thành «chủ nghĩa chư hầu », cam chịu lệ thuộc, làm tay chân cho Nga và Tàu bành trướng chủ nghĩa hơn là tự chủ và độc lập dân tộc.

Trung Quốc cũng là một trong những tác nhân chánh trong vấn đề Việt Nam chia cắt tại vĩ tuyến 17. Theo nhiều nhân chứng ghi lại, trong cuộc chiến (1954-1975) phía Bắc Kinh luôn chủ trương 2 nước Việt Nam và họ đã làm nhiều thủ thuật để gây trở ngại cho phe miền Bắc trong các chiến dịch tiến công miền Nam. Ngay sau khi Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam, trong những ngày cuối cùng, Bắc Kinh đề nghị với một số lãnh đạo miền Nam, thông qua tòa đại sứ Pháp, Trung Quốc sẽ dàn quân trên biên giới Việt Trung làm áp lực, ép Hà Nội rút quân và ngồi vào đàm phán.

Làm thế vì Trung Quốc không bao giờ muốn một Việt Nam thống nhất. Vì nếu thống nhất VN sẽ mạnh.

Lo sợ một VN mạnh sau khi thống nhứt, chủ trương của Trung Quốc là tìm mọi cách để Việt Nam suy yếu ở phía Nam.

Trong khoảng thời gian 1975-1978 Việt Nam say men chiến thắng, dựa vào Liên Xô hống hách với Trung Quốc. Trung Quốc liên minh với Hoa Kỳ bao vây Việt Nam, ngăn chắn sự bành trướng của Liên Xô. Cuộc chiến 10 năm Kampuchia, Đặng Tiểu Bình giúp đỡ tận tình Khmer đỏ, chủ trương « làm cho VN chảy máu đến chết ». Đây là cái bẩy hiểm độc mà Đặng Tiểu Bình gài cho lớp lãnh đạo « phản phúc » ở Hà Nội.

Thực tế và lịch sử cho thấy Khmer đỏ của tập đoàn Pol Pot là một lũ diệt chủng, cả thế giới kinh tởm và lên án. Lý ra, khi can thiệp vào Kampuchia, Việt Nam đã có vai trò của một anh hùng cứu dân độ thế. Thế nhưng hầu như cả thế giới lúc đó chống lại Việt Nam. Thái độ hung hăng của Việt Nam, quá thân Liên Xô, đòi đánh cả Thái Lan, đã làm cho khối ASEAN và Hoa Kỳ ủng hộ lập trường Trung Quốc, giúp Khmer đỏ, bao vây Việt Nam về mọi mặt. Hậu quả sai lầm này vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến Việt Nam hôm nay.

Đến khi VN bang giao với Hoa Kỳ, Trung Quốc luôn tìm cách phá bỉnh. Vụ ngưng ký hiệp ước thương mãi với Hoa Kỳ, để cho Trung Quốc ký trước, năm 2000 là một thí dụ. Trung Quốc không muốn Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ. Trung Quốc biết rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có thể giúp Việt Nam phát triển bắt kịp các nước rồng, hổ trong vùng.

Ngoài mục tiêu phải làm Việt Nam suy yếu, Trung Quốc hiện đại hoá quân đội của họ, nhất là hải quân, để bành trướng ra biển Đông. Hải quân TQ vừa được trang bị hàng không mẫu hạm. Pháo binh của TQ được trang bị các dàn hỏa tiễn chống tiếp cận, tầm xa trên 1.200km, nhắm vào các chiến hạm, hàng không mẫu hạm của HK, không cho lực lượng hải quân của nước này tiếp cận vùng « ảnh hưởng » của họ. Không quân cũng trang bị loại phi cơ tiêm kích tàn hình, có khả năng chống các chiến đấu cơ F16 của HK. Về không gian, TQ cũng đã có bướt nhảy vọt đáng nể. TQ là nước thứ ba đưa người ra không gian, sau Nga và HK. TQ cũng vừa thành lập hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu, hỗ trợ cho đường bay, làm tăng độ chính xác của hỏa tiễn. Trong các năm sau này, dựa vào sức mạnh kinh tế, TQ phân hóa nội bộ các nước ASEAN, bắt chẹt HK buộc phải nhượng bộ chiến lược. Trong khi đối với các nước như VN, Phi, là các nước yếu, TQ đã biểu lộ thái độ gây hấn qua các việc cắt cáp tàu thăm dò khoa học của VN đang hoạt động trong vùng biển ZEE của VN, hay chiếm bãi cạn Scarborough của Phi. Tuy vậy, sau cuộc khủng hỏa ở dãi Gaza mới đây, các hỏa tiễn của Hamas bị hệ thống phòng thủ của Do Thái bắn chận thành công với mức độ 90%, điều này chứng tỏ hiệu quả các hệ thống phòng thủ không gian của HK là không thể phủ nhận. Thái độ của TQ dịu giọng đối với HK. Tuy nhiên, việc này làm cho tinh thần của dân Nhật lên cao. Chính phủ vừa lên sẽ giúp Nhật cứng rắn hơn trong vụ tranh chấp Senkaku. Mặt khác, HK cam kết ủng hộ Nhật trong tranh chấp Senkaku nếu TQ dùng vũ lực.

Vì vậy, trước mắt, khó có thể hình dung cuộc xung đột giữa Nhật và TQ. Nhưng về lâu dài, chắc chắn cuộc chiến sẽ bùng nổ. Không thể có hai con hổ trong cùng một khu rừng được. Định luật 6 của lý thuyết « không gian sinh tồn » là : 6. « Sự bành trướng của cường quốc không thể tiến triển nếu quốc gia lân bang cũng là cường quốc ».

Vì vậy hướng tiến của TQ trước mắt sẽ là phía nam, khu vực biển Đông hiện nằm trong tầm nhắm của họ. Các động thái như cho thành lập thành phố Tam Sa, đầu tư 1,6 tỉ đô la cho khu vực này, cùng với các hành vi gây hấn với VN, Phi trong năm qua cho thấy hậu ý của TQ.

Nhưng phía VN, người dân VN làm sao có thể chấp nhận. Người dân Việt Nam đã an ổn làm ăn trên vùng biển đó từ ngàn năm nay. Không một lý do hay một áp lực nào bây giờ có thể buộc họ bỏ vùng biển này. Đó là « không gian sinh tồn » của dân tộc VN.

Các thế hệ lãnh đạo của TQ đã biết việc này từ hơn ½ thế kỷ nay. Họ biết, nếu thực hiện tư tưởng của Tưởng Giới Thạch một cách gấp gáp là đi ngược với tinh thần của quốc tế công pháp, sẽ bị cả thế giới lên án. Vì vậy, trong chiến tranh VN, họ đã gài bẫy để phía CSVN ký nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. Thể hiện qua tấm công hàm 1958 cùng với những tuyên bố và nhiều tài liệu khác của VNDCCH.

Việc tấn công chiếm TS như thế là TQ đã chuẩn bị khá đầy đủ, về pháp lý cũng như về phương tiện.
Phía VN đã chuẩn bị gì về các toan tính của TQ ?

Ngày 7 tháng 8 năm 1979, trong lúc sự thù nghịch giữa VN và TQ lên đến cao độ, sau khi cuộc chiến biên giới phía TQ đã san thành bình địa các tỉnh của VN giáp biên giới, bộ Ngoại giao VN ra tuyên bố về HS và TS, phủ nhận nội dung tuyên bố 1958 của Phạm Văn Đồng cũng như các tuyên bố 1965 về hải phận của TQ tại HS. Theo nội dung tuyên bố này VN chỉ công nhận 12 hải lý về lãnh hải của TQ.
Tuyên bố này là một « tuyên bố đơn phương » nhằm phủ nhận nội dung của một tuyên bố đơn phương khác đã ra đời trước đó. Hiệu lực của tuyên bố này còn nhiều tranh cãi. Thái độ của TQ dĩ nhiên là lên án và bác bỏ lý lẽ của CHXHCNVN trong tuyên bố này. Chưa có một học giả nào trên thế giới nói về hiệu lực pháp lý của tuyên bố 7-8-7979.

VN ra Luật Biển 2012, đây là một bộ luật có hiệu lực trong phạm vi « quốc gia » , trong khi tuyên bố 1958 là một tuyên bố thuộc phạm vi quốc tế. Theo tập quán quốc tế, luật quốc tế có giá trị cao hơn luật quốc gia. Luật trong phạm vi quốc gia không có giá trị phủ định những ràng buộc pháp lý của công hàm 1958 (một tuyên bố quốc tế).

Bộ luật Biển 2012 chỉ có hiệu lực khi tuyên bố 1979 có hiệu lực. Nhưng nếu tuyên bố 1979 không có hiệu lực pháp lý, mà điều này hầu như chắc chắn, các hành vi thể hiện quyền tài phán của TQ tại vùng biển TS, kể cả các hành vi sử dụng vũ lực sau này nếu có, sẽ là các hành động chính đáng.
Từ lâu người viết đã đề nghị một giải pháp nhằm hóa giải tuyên bố đơn phương 1958, qua việc kế thừa VNCH thông qua chính sách hòa giải dân tộc. Nhưng việc này dường như chỉ ảnh hưởng đến một số người. Cấp lãnh đạo đảng CSVN do lo ngại mất chính nghĩa, đưa đến việc đảng cSVN mất quyền lãnh đạo, do đó không màng tới.

VN sẽ làm thế nào để chống lại TQ, trong khi trên bình diện công pháp quốc tế, danh không chánh thì ngôn không thuận ? Làm thế nào có thể cầu cứu LHQ ? Không phải năm 1988, khi TQ đánh các đảo TS, lãnh đạo VN đã từng kêu gọi triệu tập Hội đồng An ninh LHQ, nhưng đã bị bác hay sao ?

Ta thấy thái độ của VN hiện nay, thể hiện qua các viên chức cao cấp về quân sự, là đề cao công lao của TQ và nhắc đến một giải pháp « khai thác chung ». Họ hy vọng TQ sẽ không đánh chiếm TS. Ý tưởng « khai thác chung » nên biết là đến từ ý kiến của Đặng Tiểu Bình. Nhưng cái thòng lọng đằng sau là « khai thác chung » nhưng « chủ quyền thuộc TQ ». Tức khi chấp nhận « khai thác chung » là chấp nhận vùng tranh chấp thuộc TQ.

Người viết này này đã từng khuyến cáo, lãnh đạo VN phải định hướng lại chiến lược quốc gia, nhận rõ đâu là bạn đâu là thù, phải coi quyền lợi dân tộc là tối thượng. Hiện nay, tại VN đang ra rả chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tức đã minh thị gọi HK là kẻ thù. Nhưng thực tế, không nước nào có thể giúp VN ra khỏi móng vuốt của TQ ngoài HK. Ta thấy Phi đã lôi kéo (thiếu điều van lạy) để HK ký lại hiệp ước An ninh Hỗ tương, để cho quân nước này đóng lại các căn cứ tại Phi.

Thái độ của lãnh đạo VN hiện nay là chấp nhận mất tất cả cho Tàu.

Lý ra, nhà nước VN phải lấy bớt ngân sách cho công an, giải tán ít nhất 2/3 đám côn đồ ức hiếp dân này, thanh lọc, chỉ chọn những người có ý chí phục vụ cho dân ; lấy lại ngân sách dành cho tổng cục 2 (nghe nói là làm tay sai cho Tàu) ; dẹp bỏ hệ thống đảng ủy song song với hệ thống nhà nước, dẹp đám đảng viên ăn hại đát nát, ăn bám vào dân, là gánh nặng cho đất nước ; thanh lọc lại toàn bộ nhân sự bộ Quốc Phòng, tuyển những người trong sạch, có khả năng quân sự, tất cả dồn vào hiện đại hóa quân đội. Sau đó phải có quan hệ tốt đẹp với HK, phải thả toàn bộ những người tranh đấu cho một VN tốt đẹp hơn, thả hết tù chính trị, những người khác chính kiến.

Có như thế mới tổng hợp được lực lượng, trong và ngoài nước cùng đồng minh, Việt Nam mới có khả năng làm cho đối phương nhượng bộ.




samedi 29 décembre 2012

Cuối năm nhìn lại : bàn về hệ quả búp sen và đầu rùa




Hoa sen và rùa, hai biểu tượng gần đây mặc nhiên được tôn làm quốc hiệu của Việt Nam.

Văn minh Đông phương xem Rùa là một con thú linh, biểu tượng cho cái gì cơ bản, chậm chạp nhưng chắc chắn. Mai rùa biểu tượng cho quả đất, bốn chân rùa là bốn trụ cột giữ thăng bằng. Các hình tượng về rùa của VN ngày xưa cũng biểu hiện quan niệm đó : rùa cõng chim hạc hay mang tấm bia đá nặng nề trên lưng, như các bia đá trong Văn miếu là là thí dụ. Người ta tin rằng rùa đem lại tuổi thọ (trường tồn, vĩnh cửu) và sự may mắn. Theo phong thủy, rùa hợp với phương bắc.

Những năm vừa qua, con rùa trong Hồ Gươm ở Hà Nội được những nhà nghiên cứu, những kẻ buôn thần bán thánh, những nhà báo thiếu chủ đề… « thần thánh hóa » nó, biến nó từ một con vật tầm thường lên hàng linh vật. « Cụ rùa » được chiếu cố tận tình, nghĩa trắng và nghĩa đen, lên truyền thông trong một thời gian dài. Chắc chắn đây là chủ trương của nhà cần quyền CSVN ở Hà Nội. Họ cũng tin rằng con rùa Hồ Gươm là một linh vật trấn giữ ở phía Bắc, đem lại sự may mắn và vĩnh cửu cho đảng CSVN.

Nhưng rùa trong phong thủy, mang biểu tượng của sự may mắn và trường thọ, là rùa có đầu rồng, hay là rùa bằng (đúc bằng vàng hay bằng đồng), hay rùa mang trên lưng thêm một con vật khác, chứ ít khi nào là một con rùa bình thường, cô độc một mình một mình.

Rùa Hồ gươm, thực ra không phải là rùa, mà là một loài giải. Rùa, linh vật, ăn lá cỏ và sống trên núi. « Rùa Hồ Gươm » là một loài thú sống dưới nước, ăn tạp, từ xác chết mèo chó, cho đến lá mục rơi rụng trong hồ.

Trong khi trên thực tế, rùa là biểu tượng cho sự nô lệ, phụ thuộc, do suốt đời mang một gánh nặng, một trách nhiệm khó khăn nào đó, như định mạng với cái mai nặng nề trên lưng. Trong huyền thoại rùa còn mang bia đá, cõng hạc, mang quả địa cầu... có khi nào rùa được thong dong ?

Quan niệm của Trung Hoa về rùa còn có những điều rất phàm tục. « Đồ con rùa » hay « đồ rùa đen » là những câu chửi rất nặng (hèn nhát, đốn mạt). Văn hóa VN, « đầu rùa » có biểu tượng cho dương vật của đàn ông. Ngoài ra còn có thành ngữ « húp cháo rùa » dùng để chỉ tình trạng xui xẻo, mạt vận.

Ngoài Việt Nam thì chưa thấy nước nào lấy con rùa làm biểu tượng cho dân tộc hay cho đất nước của mình. Các con thú được lấy làm biểu tượng cho đất nước thường là các loại thú oai dũng, như sư tử (Anh), chim ưng (Hoa Kỳ, Đức và nhiều nước Châu Âu)... Con sư tử là chúa các sinh vật trong rừng, chim ưng là vua các loài chim trên không trung. Riêng người Hoa thì lấy biểu tượng là con rồng.

Về hoa sen, Đông phương Ấn Độ quan niệm đây là một loài hoa tinh khiết, biểu tượng cho sự thanh bạch, « nghèo cho sạch rách cho thơm », « gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ». Nhà Phật lấy hoa sen làm hoa cúng Phật. Tục truyền, khi đức Phật đản sinh thì đã bước đi bảy bước, mỗi bước dưới chân nở một đóa hoa sen. Từ hình thức cho đến nội dung, hoa sen xứng đáng là hoa của một đạo giáo lấy sự thanh bạch, tinh khiết làm nền tảng sinh hoạt, như đạo Phật.

Nhưng trong văn hóa Trung Hoa, hoa sen có nhiều biểu tượng khác nhau. Gót sen, hài sen… dùng để ám chỉ cho bàn chân của người phụ nữ bị bó chân. Người phụ nữ, đa số là các tiểu thư con nhà giàu, bị bó chân từ lúc còn nhỏ. Người ta lấy vải bó thật chặt, lại còn bóp cho gảy xương, cho bàn chân vào một đôi hài cố định có hình dạng búp hoa sen. Do đó bàn chân không phát triển bình thường mà lớn theo khuôn mẫu của đôi hài. Đây có thể nói là một hình phạt, vì nó rất đau đớn. Người phụ nữ bị bó chân do đó tật nguyền, đi đứng rất khó khăn, có một dáng đi « lúm chúm » đặc biệt. Dáng đi này đã gây hứng cho biết bao văn nhân mặc khách người hoa ngày xưa. Ý tưởng « gót sen » là đến từ những người này.

Búp hoa sen còn được người Hoa xem là biểu tượng cái âm vật của người phụ nữ. « Tam thốn kim liên », ba tấc sen vàng, là kích thước của cái ngàn vàng (dĩ nhiên tấc là đơn vị đo lường của Tàu, khoảng hơn 1cm, chứ không phải là 10cm).

Trong khi văn hóa Việt Nam, « sen » là tiếng để gọi cho con ở. « Trong nhà gì đẹp bằng sen » là thành ngữ của mấy ông chủ dê xồm.

Hoa sen gần đây được bình chọn làm « quốc hoa » của VN.

Rùa và sen, về ý nghĩa thực tiễn ở bình diện quốc gia, là những biểu tượng xui xẻo, bất tường.

Nhìn lại VN năm 2012 dưới quan điểm « rùa » và « sen », ta thấy rõ rệt tình trạng VN, mọi mặt từ kinh tế, chính trị, xã hội… tất cả đều thể hiện chung quanh các biểu tượng của rùa và sen.

Năm qua, 4 triệu đảng viên, đầu rùa với hoa sen, phê và tự phê, cuộc vui vô tận.

« Tự do » trở thành « đầu rùa ». Tự do cái con… đầu rùa ! Rùa có sẵn trong Hồ Gươm, đâu cần đến tượng thần Tự Do ở bên Mỹ chi cho mệt !

Kinh tế thê thảm, phát triển tốc độ rùa bò.

Bất động sản đóng băng, từ doanh nhân đến người chơi chứng khoáng, tất cả đói meo, “húp cháo rùa”.

Nợ nần thành gánh nặng bất kham, như con rùa đã nặng nề còn mang thêm bia đá, VN đang lún dần dưới đáy Hồ Gươm. Cán bộ tìm kế thoát thân, đưa con cái tậu nhà cửa, chuyển của cải “quy mã”. Quy là rùa.

Ngoài biển Đông, tàu “lạ” lộng hành. Cướp vào nhà đòi chia của với mình thì thái độ mình ra sao? Phùng Quang Thanh luôn miệng niệm câu nhớ ơn Trung Quốc. Còn Nguyễn Chí Vịnh thì mới đây tiết lộ chủ trương “khai thác chung”. Như vậy việc bảo vệ đất nước thành ra việc chia của với bọn cướp. Đây không phải là hiện tượng hèn nhát con rùa đen rụt cổ hay sao?

Hoa sen, biểu tượng này không thích hợp cho một nhà nước có tham vọng đem lại sự phú cường và thịnh vượng cho quốc gia.

 “Sen” biểu tượng cho việc « làm công » và “làm điếm”. VN hiện nay chỉ mạnh ở mặt xuất khẩu nhân công. Đàn ông thì đi làm lao công, làm những việc nặng nhọc, dơ bẩn mà dân bản xứ chê không làm. Phụ nữ thì đi làm con ở, còn không thì treo cái “ngàn vàng” cho đàn ông Đài Loan, Hàn Quốc… sờ bóp,  chọn về làm vợ.

Xui nào bằng sáng sớm mới ra ngõ gặp gái. Lại còn câu “gặp rắn thì đi gặp quy thì trở lại”. Đó là lời người xưa: rùa và sen là hai biểu tượng của xui xẻo.  

Như vậy, muốn biết tình hình VN thì cần tìm chi các con số thống kê, các dữ kiện chính trị chi cho mất thì giờ. Tất cả đã an bài, chỉ nhìn “đầu rùa” và “búp sen” thì đoán ra tất cả. Tất cả cùng một màu đen. Ảm đạm và xui xẻo.

Ai bày trò sen và rùa cho mấy ông cộng sản VN quả thật là thâm. Bất chiến tự nhiên thành là cao kế.

dimanche 23 décembre 2012

Nói về từ ngữ "ăn cướp"


Trên diễn đàn LHQ 27-9-2012, ngoại trưởng bộ Ngoại Giao TQ Dương Khiết Trì lên án Nhật đã « ăn cướp » đảo Điếu Ngư của TQ. Từ ngữ sử dụng ở đây, từ miệng một nhà ngoại giao, vượt khỏi tính « lưỡi gỗ » thông lệ, để bước vào một loại từ ngữ « gây hấn », sử dụng giữa hai bên có chiến tranh. Vấn đề là phía Nhật chỉ nhỏ nhẹ cho rằng « bình luận của ông Dương là vô lý » đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh. Câu hỏi đặt ra, TQ dùng từ « ăn cướp » ở đây có phù hợp hay không ? Tại sao ?

Vấn đề cần trở lại nội dung của Tuyên bố Caire (Cairo) tháng 11 năm 1943, được công bố ngày 1 tháng 12 năm 1945, giữa đại diện ba nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa là Theodore Roosevelt, Winston L.S. Churchill và Tưởng Giới Thạch. Hội đàm này xác định quyền lợi của Trung Hoa để nước này tuyên bố chiến tranh với Nhật, đứng về phía Đồng minh. Nội dung tuyên bố Nhật phải từ bỏ :

– Tất cả những đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến I ;
– Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp (has stolen) của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ ;
– Tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực ;
– Nhân dân Hàn Quốc lấy lại chủ quyền đất nước mình trong một thời gian nhất định.

Ta thấy ngôn từ « ăn cướp » sử dụng trong văn bản này.

Nguyên nhân, trong khoảng thời gian Nhật xâm lăng Trung Hoa (1931-1941), như chiếm đóng Mãn Châu (tháng 9-1931) hay chiếm một vùng đất rộng lớn khác của Trung Hoa (1937-1938), Nhật đã thành lập tại các vùng đất này các chính phủ bù nhìn thân Nhật, thì các lực lượng của Trung Hoa không phe nào có « tuyên bố chiến tranh » với Nhật. Hai phe Quốc Dân đảng và Cộng Sản kết hợp thành mặt trận chung chống Nhật (1937), vẫn không có tuyên bố chiến tranh mà chỉ đồng hóa việc xâm lăng của Nhật là hành vi « ăn cướp - piraterie ». Chính phủ của Tưởng giới Thạch (không được Nhật công nhận) tuyên bố chiến tranh với Nhật vào ngày 9-12-1941. Trong khi Nhật thì công nhận chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ tại Nam Kinh. Vì vậy họ Tưởng, khi dự hội đàm với lãnh đạo đồng minh, vì lý do « liên tục và nhứt quán » về lập trường, do đó phải dùng từ « cướp » để chỉ tình trạng các vùng đất bị Nhật chiếm trong thời kỳ 1931-1941.

Tuy nhiên, tranh chấp ở quần đảo Điểu Ngư/Senkaku, phải trở về năm 1895, lúc ký hiệp ước Shimonoseki. Theo hiệp ước này TH nhượng vĩnh viễn Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Nhật. Theo lập trường TH thì Điếu Ngư trực thuộc Đài Loan. Khi Hòa ước San Francisco quyết định Nhật phải từ bỏ chủ quyền tại Đài loan và Bành Hồ, tức phải trả luôn quần đảo Điếu Ngư. Theo lập trường Nhật thì Senkaku là đất vô chủ, đã sát nhập vào Nhật do một quyết định hành chánh trước khi ký hiệp ước 1895.

Dầu thế nào thì quần đảo Điếu Ngư vẫn ở ngoài bối cảnh, tức thời kỳ mà các phe Trung Hoa cho rằng Nhật đã « ăn cướp » đất của họ (1931-1937).

Ông Trì sử dụng từ « ăn cướp » ở đây là không phù hợp với bối cảnh lịch sử. Hoặc là TH « nhượng » các đảo này theo hiệp ước Shimonoseki, hoặc Nhật sát nhập các đảo này do tuyên bố chủ quyền ở các đảo vô chủ. Sự kiểm soát của Nhật ở Điếu Ngư hiện nay ở ngoài bối cảnh 1931-1937, thời kỳ mà phía TH gọi Nhật là « quân cướp nước ».

Bài học ở đây cho phía VN, là trong vấn đề lãnh thổ quốc gia, các phe TH đã từng sống mái, thề không đội trời chung, nhưng tiếng nói của họ vẫn là một. Ông Dương Khiết Trì hôm nay nói lại tiếng nói của Tưởng Giới Thạch. Nhà nước TQ tiếp nối, kế thừa và phát huy di sản về Biển Đông từ chính quyền Quốc Dân. Chính Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố : « biên giới của nước TH được xác định bằng không gian cần thiết để dân tộc này sinh tồn và được giới hạn bằng cột mốc văn hóa của dân tộc Hán ». Không gian sinh tồn đó là toàn khu vực Đông Nam Á. Việc này hôm nay lãnh đạo TQ đang từng bước thực hiện. Kinh tế TQ đang chi phối hầu hết các nước ĐNA. Hoa Kiều sinh sống ở các nước này thống lĩnh mọi huyết mạnh kinh tế. Văn hóa Khổng mạnh đang bắt rễ tại các nước này (và lan rộng trên thế giới).

Trước sau như nhứt, dầu ở bên này hay ở bên kia, ở lục địa hay sống lưu vong, người Hoa chỉ có một lập trường, một tiếng nói.

Việt Nam thì khác.

Ở VN, các ngôn từ « quân bán nước », « quân cướp nước » được những người CS Việt thường xuyên sử dụng. Họ liên tục sỉ nhục VNCH là « quân bán nước », gọi Hoa Kỳ là « quân cướp nước » từ các thập niên 50,60 đến nay. Các học giả VNCH cũ, lưu vong hay còn trong nước, bị miệt thị gọi là « tay sai", "ngụy quyền », « phản động »…

Tuy vậy, nói là một việc, có đúng vậy hay không là việc khác.

Trong các bản « bạch thư » của nhà nước CHXHCNVN về chủ quyền của VN tại HS và TS gởi lên LHQ, ta thấy công lao của VNCH được ghi nhận như những người « cứu nước ». Nội dung của các Bạch thư này là rút ra từ các nghiên cứu của các học giả xuất thân từ VNCH cũ, tức từ những người mà họ gọi là « tay sai », « phản động ».

Trong khi, chính tay những người cộng sản Việt đã viết công hàm và các tài liệu khác công nhận HS và TS thuộc về TQ, không khác tư cách một người « bán nước ».

Tổ quốc Việt Nam chỉ có một. Di sản của VNCH hay của VNDCCH cũng đều thuộc tổ quốc VN. Vấn đề là sự lựa chọn và cách hành sử của nhà nước hôm nay để di sản của tiền nhân để lại không bị cướp mất.

Xét hồ sơ thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc

Vấn đề chồng lấn thềm lục địa và mâu thuẩn của UNCLOS về lý thuyết thềm lục địa.

 Trung Quốc vừa nộp lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ (CLCS -Commission des limites du plateau continental), ngày 14-12-2012, hồ sơ thềm lục địa mở rộng của nước này.

 TQ đã ký và thông qua bộ Luật quốc tế về Biển 1982 (UNCLOS) lần lượt vào ngày 10 tháng 12 năm 1982 và ngày 15-5-1996. Bộ luật này có hiệu lực đối với các quốc gia thành viên từ năm 1994.

 Theo điều 76, khoản 8, các quốc gia ven biển cần lập hồ sơ thông báo cho Ủy ban ranh giới TLD (CLCS) những chi tiết kỹ thuật về ranh giới thềm lục địa nước mình, nếu đường ranh giới này vượt quá 200 hải lý. Ủy ban có thẩm quyền xem xét và đưa ra những khuyến cáo về các vấn đề liên quan đến đường biên giới ngoài thềm lục địa của các các quốc gia. Biên giới TLD của quốc gia được xác định trên cơ sở các khuyến cáo của Ủy ban này có tính chung cuộc và bắt buộc.

Cũng theo điều ước trên, CLCS được thành lập theo Phụ lục II của UNCLOS. Về thời hạn đệ trình hồ sơ, các quốc gia thành viên phải nộp hồ sơ của mình lên CLCS trong vòng 10 năm tính từ ngày bộ Luật Biển có hiệu lực.

Tuy nhiên, thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ là ngày 13-5-2009 (điều 4, Phụ lục II). Đến thời hạn, các quốc gia thành viên ven biển có thể nộp hồ sơ của mình toàn phần hay từng phần, hoặc chỉ nộp những thông tin sơ khởi về ranh giới thềm lục địa. Các quốc gia cũng có thể bảo lưu quan điểm của mình đối với đường ranh giới TLD của các nước khác vừa đệ trình.

 Trung Quốc đã nộp hồ sơ gồm những thông tin sơ lược về ranh giới thềm lục địa của nước họ vào ngày 11-5-2009, theo đúng thời hạn cũng như phương cách mà CLCS đã ấn định. Hồ sơ này TQ đưa ra những yêu sách từng phần của họ tại biển Hoa Đông, theo đó thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của nước này là thềm lục địa « kéo dài tự nhiên », mở ra cho đến đường rảnh Okinawa. TQ cũng bảo lưu quyền bổ túc hồ sơ tại vùng biển Hoa Đông cũng như tại các vùng biển khác.

 Trung Quốc chưa nộp bất kỳ một thông tin nào về thềm lục địa của họ tại biển Đông, ngoài công hàm phản đối các hồ sơ thềm lục địa mở rộng của VN ngày 8-5-2009, thể hiện qua đường 9 đoạn chữ U và tuyên bố đại khái : « Trung Quốc có chủ quyền tại các đảo và vùng biển chung quanh ».

Như thế hồ sơ của TQ đệ trình ngày 14-12 là hồ sơ bổ túc cho hồ sơ đã nộp ngày 11-5-2009. Bỏ qua một số chi tiết về kỹ thuật, ranh giới thềm lục địa của TQ được áp dụng phương pháp Hedberg, tức từ “chân của bờ triền” (the Foot Of the Slop – FOS) + 60 hải lý. Ranh giới phía ngoài thềm lục địa là đường màu vàng trên bản đồ dưới đây.

  China outer limites of the continental shefl 2


Nguồn: Hồ sơ TLD của TQ nộp lên CLCS 14-2-2012.

Tuy nhiên, như đã thấy trên bản đồ, biển Hoa Đông là một vùng biển hẹp, rộng không quá 400km, ở khoảng giữa lục địa Trung Quốc và chuổi đảo Nam Tây (gồm nhiều quần đảo Lưu Cầu, Tát Nam, Điếu Ngư…) thuộc Nhật. Việc này tạo sự chồng lấn về biển và thềm lục địa giữa các bên Trung Quốc với Nhật và Trung Quốc với Nam Hàn.

Phần 7 “phân định vùng biển” của hồ sơ Trung Quốc đệ trình lên CLCS có dẫn nội dung của đoạn 2, phụ lục I của UNCLOS. Theo đó TQ thông báo cho Ủy ban biết những tranh chấp trong vùng với các bên Nhật và Nam Hàn. TQ cũng cho biết sẵn sàng cùng các bên phân định thềm lục địa và vùng nước liên quan.

 Như thế, các chi tiết kỹ thuật về thềm lục địa của TQ theo hồ sơ đệ trình, có thể nói là phù hợp với tinh thần của UNCLOS.

Vấn đề là, hai bên Trung-Nhật sẽ phân định thềm lục địa như thế nào?

TQ đã dựa theo điều 76 của UNCLOS và phương pháp Hedberg để xác định bề rộng thềm lục địa của nước này. Phía Nhật sẽ gặp khó khăn nếu áp dụng đúng theo điều 76, vì các đảo của nước này, ngoài quần đảo Điếu Ngư nằm trên bờ rìa thềm lục địa, thì không có đảo nào có thềm lục địa. Không có thềm lục địa thì làm sao có thể mở rộng thềm lục địa ?

Vì vậy Nhật sẽ áp dụng điều 121 về chế độ các đảo và điều 55 về vùng Độc quyền kinh tế (ZEE), theo đó các đảo “có người sinh sống và có nền kinh tế tự túc” thì được hưởng 200 hải lý bề rộng, tính từ đường cơ bản, vùng biển ZEE và thềm lục địa.

 Theo các tin tức đã biết từ trước, dẫn lại từ bản đồ dưới đây, Nhật chủ trương phân định vùng biển và thềm lục địa theo “đường trung tuyến”. Trong khi phía TQ vịn lý do “thềm lục địa tự nhiên” để đòi thềm lục địa. Khác biệt giữa Nhật và Trung Quốc trong việc phân định vùng biển và thềm lục địa sẽ là sự khác biệt giữa “thềm lục địa tự nhiên” theo điều 76 đối với “thềm lục địa theo luật định” theo các điều 121 và 55 của UNCLOS.

 Việc phân chia này phức tạp. Phía TQ sẽ viện dẫn các đảo của Nhật là các đảo nhỏ, do đó có hiệu lực giới hạn ZEE, đồng thời các đảo này không có thềm lục địa tự nhiên. Nếu áp dụng đúng các điều ước của UNCLOS, các đảo của Nhật có hiệu lực tối đa 200 hải lý và TQ có thể mở rộng thềm lục địa tối đa 350 hải lý. Tỉ lệ căn bản để phân định giữa Nhật và Trung Quốc sẽ là : 200:350 = 4/7. Tức 7 km chiều rộng phía TQ sẽ tương ứng với 4km phía Nhật.

 Nhưng, mỗi trường hợp phân định là một trường hợp duy nhứt. Ta không thể nào đoán được.

japan-chine 001

Nguồn: Atlas Géopolitique des espaces maritimes – D. Ortolland và J.P. Pirat – Editions Technip2008.

 Bản đồ trên cho thấy các chi tiết sơ lược về vùng biển tranh chấp. Đòi hỏi của TQ là đường màu xanh, đòi hỏi của Nhật là đường màu đỏ. Hai bên Trung-Nhật cũng đã có ký kết một tạm ước ngày 11-11-1997 về vùng đánh cá chung, là vùng B trên bản đồ, được xác định theo tứ giác đường màu đỏ.

Quyền lịch sử nào của Trung Quốc tại biển Đông ?


« Quyền lịch sử - droit historique » 
Thuật ngữ « quyền lịch sử » có lẽ lần đầu sử dụng tại một số nước Châu Phi sau khi Thế chiến thứ II chấm dứt. Nguyên nhân bắt nguồn từ hậu quả các cuộc phân định biên giới tự tiện nhằm phân chia vùng ảnh hưởng giữa các đế quốc thực dân như Anh, Pháp.
Lục địa Phi Châu, ngoại trừ một phần nhỏ vùng Cận và Trung Đông (biên giới giữa Ba Tư và đế quốc Ottoman được phân định từ năm 1639), biên giới tại đây hầu hết chỉ được phân định trong khoản thời gian ngắn ngũi từ năm 1885 đến năm 1914. Việc phân định này được hoạch định giữa đại diện các cường quốc trong phòng giấy, thế nào để thuận tiện cho việc phòng thủ quân sự, hay cho việc quản lý hành chánh thuộc địa của các bên, mà không để ý đến địa bàn sinh hoạt của các bộ lạc dân tộc sinh sống trong vùng. Đường biên giới vì thế phần nhiều là các đường thẳng như kinh tuyến, vĩ tuyến, đường theo sống núi, đường phân thủy, đường theo trung tuyến con sông… Hậu quả việc này làm cho nhiều bộ tộc bị phân chia làm hai, làm ba… ngăn cách nhau bằng một đường gạch vô hình gọi là đường biên giới. Nhiều bộ tộc lớn lại không có lãnh thổ, hay nhiều bộ tộc khác nhau, thậm chí thù nghịch với nhau, bị gộp lại chung sống trong một quốc gia. Nhiều nơi chính quyền quốc gia lại do một bộ tộc thiểu số lãnh đạo. Các việc này là đầu mối của các xung đột đẫm máu về lãnh thổ hay chủng tộc trong thế kỷ qua tại lục địa Châu Phi.
Biên giới này gọi là biên giới theo tinh thần Hội nghị Berlin (1884-1885). Đế quốc Anh phân định khoảng 27,5% tổng số chiều dài đường biên giới trên thế giới, trong khi đế quốc Pháp trên 17%. Biên giới này còn gọi là biên giới thuộc địa.
Sau Thế chiến Thứ II, các cường quốc Đức, Ý thua trận phải từ bỏ các thuộc địa của họ tại Châu Á, Châu Phi… theo như nội dung các Hòa ước Hòa bình năm 1948. Biên giới lục địa Châu Phi lần nữa lại xáo trộn. Biên giới được phân chia lại, lần này theo tinh thần mật ước « Yalta » tháng 2-1945. Đó là biên giới « ý thức hệ », nhằm phân chia thế giới thành hai cực « tư bản – cộng sản ».
Sau khi các nước Châu Phi được trả độc lập, đường biên giới do các cường quốc thực dân thành lập trước kia lại được « luật quốc tế » công nhận. Các cường quốc trên thế giới e ngại việc đặt lại đường biên giới sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến khác : cuộc chiến giữa các chủng tộc, hay giữa hai nước thuộc địa cũ, nhằm tranh dành lãnh thổ. Nguyên tắc « uti possidetis » (bắt nguồn từ Nam Mỹ) trở thành tập quán quốc tế, được các Tòa án quốc tế áp dụng trong mọi trường hợp giải quyết tranh chấp biên giới. Ý nghĩa nguyên tắc này là « trước (khi độc lập) anh làm chủ nó thì bây giờ anh tiếp tục làm chủ nó ».
Nhưng, trong vài trường hợp, một dân tộc đã sinh sống, đã chăn nuôi trên đồng cỏ, uống nước ở nguồn nước, trên một vùng đất từ bao ngàn năm nay. Bây giờ họ bị ngăn cấm không được đến nơi đó, với lý do mà họ khó có thể chấp nhận, là đất đó nay thuộc về một quốc gia khác. Trong khi vùng « đất mới » dành cho họ lại không có đồng cỏ, nguồn nước nào để họ sinh sống. Họ sẽ sống bằng cái gì ? Những xung đột như thế đưa đến đổ máu. Các bộ tộc đó lên tiếng đòi lại « quyền » của họ : « quyền lịch sử ».
Thuật ngữ « quyền lịch sử » từ đó ra đời.
Nhưng ở một số vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ được Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) phân xử, nguyên tắc « Uti possidetis » luôn được áp dụng. « Quyền lịch sử » không được tập quán quốc tế công nhận.
Tuy vậy, trong một số trường hợp, như vụ xử tranh chấp biên giới Burkina-Faso – Mali (CIJ ngày 22-12-1986), « quyền lịch sử » được một bên nhắc đến. Tranh chấp hai bên là chủ quyền các ao hồ và các đồng cỏ chăn nuôi. Đòi hỏi của Burkina-Faso dựa lên « quyền lịch sử », từ ngàn đời dân chúng địa phương đó đã sống trên vùng đất đó. Tòa phân xử rằng vùng đất đó thuộc về Burkina-Faso nhưng dựa lên nguyên tắc « effectivité », (chứ không do « quyền lịch sử »), tức nước này đã chứng tỏ được các hành vi thể hiện quyền chủ quyền tại các vùng đất đó. Thí dụ khác, trong vụ xử tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, một vùng khoảng 10% vùng tranh chấp được xem thuộc Pakistan do « quyền lịch sử ». Tòa Trọng tài (PCA, 19-12-1968) quyết định giao khoảng 10% vùng tranh chấp này cho Pakistan, cũng lý do « effectivité ». Nhưng thực ra vùng đất này không thể giao cho Ấn Độ. Từ bao đời nay dân phía (Pakistan) đã sinh sống và khai thác ở đó. Nguyên tắc « uti possidetis » ở đây được tòa áp dụng nhưng có điều chỉnh khéo léo để tránh gây xung đột cho đôi bên.
Ta có thể nhắc trường hợp của VN với nhóm dân tộc thiểu số Khmer sống ở miền Nam hay chủ quyền của VN tại một số đảo trong vịnh Thái Lan. Theo nguyên tắc « uti possidetis », sau khi độc lập, lãnh thổ của VN là lãnh thổ do hành chánh thuộc địa Pháp để lại. Dầu vậy, một đảng chính trị Khmer, nhân danh « quyền lịch sử » lên tiếng đòi lại các lãnh thổ hay đòi tự trị khu « Khmer Khrom ». Mặc dầu, phía Thái Lan cũng có thể nhân danh như vậy để đòi lại các tỉnh phía hữu ngạn sông Cửu Long, bao gồm khoảng ½ diện tích nước Kampuchia.
Ta cũng có thể nhắc thí dụ tranh chấp giữa Bolivie và Chili về đòi hỏi một « hành lang ra biển » cho Bolivie. Nguyên nhân, khoảng một thế kỷ rưởi trước, vùng đất phía bắc Chili thuộc Bolivie. Nhưng nước này thua trận phải bỏ vùng đất này cho Chili, do đó mất phần đất giáp biển. Hiện nay Bolivie nhân danh « quyền lịch sử » để đòi Chili nhượng một hành lang để nước này có đường thông ra biển.
Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông ?
Để biện hộ « quyền lịch sử » của TQ trên biển Đông, các học giả TQ thường nhắc  đến các yếu tố : 1/ quan hệ thuợng quốc - chư hầu giữa VN và TQ. 2/ từ ngàn năm nay, ngư dân người Hoa vẫn đánh cá ở khu vực biển Đông. 3/ đường 9 đoạn chữ U, kế thừa từ chính phủ Trung Hoa Dân quốc. 4/ TQ có chủ quyền tại HS và TS do nội dung của hòa ước tháng 4-1952 ký kết với Nhật. Các học giả TQ cho rằng những sự kiện này chứng minh TQ có « quyền lịch sử » ở vùng biển này.
Về quan hệ thượng quốc – chư hầu giữa TQ và VN. Quan hệ này đã chấm dứt sau Hiệp ước 15 tháng 3 năm 1874, còn gọi là hiệp ước « Hoà Bình và Liên Minh », ký kết giữa đại diện triều đình nhà Nguyễn với đại diện nướcPháp quốc. Điều 2 của Hiệp ước, phía VN đơn phương tuyên bố không còn thần phục TH nữa. Đến năm 1885, một Hiệp ước khác được ký giữa Pháp và nhà Thanh, còn gọi là Hiệp ước Thiên tân, nước TH chính thức từ bỏ quyền thượng quốc ở VN cho Pháp.
Các học giả đương đại TQ hiểu sai ý nghĩa quan hệ « thuợng quốc – chư hầu ».
Lần đầu tiên phía Trung Hoa chính thức nhắc đến quan hệ « thuợng quốc – chư hầu » trước các cường quốc Tây Phương là ông Tăng Kỷ Trạchđang nhiệm-sở ở St Péterbourg. Ông này nhân việc vua Tự Đức, sau khi đã ký hòa ước 1874 với Pháp, vẫn tiếp tục sai sứ triều cống, lên tiếng trước giới ngoại giao Tây Phương rằng hình thức « thượng quốc – chư hầu » giữa Trung Hoa và Việt Nam tương tự như hình thức bảo hộ (protectorat). Ông này muốn Pháp phải nhượng cho TH một số quyền lợi. Nhưng việc so sánh này hoàn toàn sai. Trên thực tế, Trung Hoa chưa bao giờ có thể can thiệp trực tiếp hay ảnh hưởng vào nội bộ VN trong tất cả mọi lãnh vực, từ kinh tế, quân sự đến việc liên hệ ngoại giao với các nước khác. Việt Nam hành sử thực tế như một nước độc lập. Trong khi quan hệ "bảo hộ", phía bảo hộ có toàn quyền cai trị, từ pháp luật, kinh tế cho đến quân sự, ngoại giao...
Tuy vậy, phía Pháp vì không hiểu mối quan hệ giữa VN và TQ, do đó có những nhượng bộ sau này. Trong công trình phân định biên giới giữa các tỉnh Hoa nam và Bắc Kỳ các năm 1885-1897, Pháp đã cắt một số đất quan trọng của VN nhượng cho TQ. Trong khi, nếu so sánh với quan hệ Anh-Miến, sau khi Miến đã ký hiệp ước bảo hộ, nước Anh vẫn tiếp tục cho phép triều đình vua Miến đi triều cống TH. Thẩm quyền của Anh tại Miến không vì vậy mà giảm sút. Trong khi TQ hoàn toàn không có một thẩm quyền nào ở Miến.
Trên quan điểm công pháp quốc tế, việc triều cống không thể hiện được tính « effectivité », tức thể hiện hành vi hành sử quyền chủ tể của đế quốc trên vùng lãnh thổ của nước chư hầu.
Về lý do từ ngàn năm nay ngư dân người Hoa vẫn đánh cá ở khu vực biển Đông, các học giả TQ quên mất một điều là ngư dân các nước khác đồng thời cũng đánh cá ở đó. Vịn vào yếu tố này, phía TQ có thể « chơi dao hai lưỡi ». Vì nếu tính lùi thời gian, đâu phải lúc nào đất của TQ cũng mở rộng như vậy ? Trong khi lãnh thổ của VN có lúc mở ra giáp đến Phúc Kiến. Mặt khác, các vùng Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương... thậm chí Đài loan, hay các tỉnh Hoa Nam... đều có thể nhân danh « quyền lịch sử » để lên tiếng đòi độc lập. Nếu VN và các nước có tranh chấp với TQ, ủng hộ các đòi hỏi này thì TQ sẽ rất lúng túng.
Về lý do TQ kế thừa đường 9 đoạn chữ U do nhà nước Quốc Dân thành lập năm 1947.
Điều này có nhiều phần miễn cưỡng và thiếu minh bạch.
Nhà nước Quốc Dân đặt trên nền tảng lý thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên, được thành hình qua 3 giai đoạn: giai đoạn một là giai đoạn quân quản (1925-1927), thời kỳ chinh phục lãnh thổ từ các lãnh chúa địa phương. Giai đoạn hai là giai đoạn giám hộ, là giai đoạn giáo dục người dân để chuẩn bị cho sinh hoạt dân chủ. Giai đoạn ba là giai đoạn hiến định. Giai đoạn Hiến định bắt đầu do bản Hiến pháp được thành lập tháng 12 năm 1946 và có hiệu lực năm sau, tháng 12 năm 1947.
Theo tài liệu từ nguồn Pháp quốc, bầu cử Quốc hội Trung Hoa Dân quốc được tổ chức, từ 21 đến 23 tháng 11 năm 1947, trong 32 tỉnh, huyện trên tổng số 47 (vì các nơi khác do cộng sản kiểm soát). Cứ 500.000 dân thì một đại biểu được bầu. Mặt khác, các thành phần dân tộc Mông, Tạng, Hồi hay các hội đại diện phụ nữ, các liên đoàn công nhân, các tổ chức nghề nghiệp, các dân tộc thiểu số cũng được ưu tiên có đại diện tại quốc hội. Riêng ở những vùng bị CS chiếm đóng, các đại biểu được chỉ định.
Báo chí phía CS của Mao Tạch Đông chỉ trích, cho rằng đây là cuộc bầu bán “giả tạo”.
Quốc hội nhóm họp ngày 29-3, nhân ngày kỹ niệm 72 liệt sĩ Hoàng Hoa Cương (Quảng Đông) năm 1911. Buổi họp này biểu lộ đúng như bản chất mà báo CS đã phê bình. Tranh chấp quyền hành đã biểu lộ ngay từ ngày đầu. Hai đảng Thanh Hoa (Jeune Chine) và đảng Dân chủ Xã hội đảng (social-démocrate) đã được bảo đảm mỗi đảng được dành cho một số ghế, nhưng các đảng viên Quốc Dân đảng ở địa phương lại không tuân theo chỉ thị, do đó sinh ra việc đại biểu đắc cử nhưng không được tham gia vào quốc hội. Các đảng kia do đó tố cáo « việc bầu cử không hợp pháp ».
Dầu vậy, quốc hội này cũng làm được một số công việc, trong đó có việc khẳng định « các quyền bất khả thất thời hiệu (droits imprescriptibles) của TQ tại Hoàng Sa ». Hoàn toàn không hề nhắc đến « bản đồ 9 đoạn chữ U » cũng như không hề đề cập đến chủ quyền quần đảo Trường sa ở phía nam.
Như thế nhà nước TQ ở Bắc Kinh hiện nay « kế thừa » bản đồ chữ U (và quần đảo TS) là kế thừa từ ai ? Theo công pháp quốc tế, một nhà nước chỉ có thể kế thừa các hành vi thuộc về lãnh thổ từ một nhà nước tiền nhiệm, chứ không thể kế thừa từ một « sáng kiến » của tư nhân.
Về lý do theo nội dung Hòa ước Nhật-Hoa ngày 24-4-1952, hai quần đảo HS và TS đã được Nhật trả cho TQ.
Điều này hoàn toàn không đúng.
Hội nghị San Francisco được tổ chức một năm trước đó, 1951. Theo tinh thần Hòa ước này, Nhật tuyên bố từ bỏ các vùng đất đã chiếm, trong đó có HS và TS. Nhân dịp này, Thủ tướng VN là ông Trần Văn Hữu, long trọng tuyên bố thâu hồi hai quần đảo này về cho VN. Các nước hiện diện trong hội nghị không nước nào phản đối.
Năm sau, Nhật ký hòa ước với nhà nước TH Dân quốc. Ở thời điểm này Nhật đã từ bỏ HS và TS, phía VN đã tuyên bố thâu hồi, thì còn đâu mà giao lại cho TQ ? Nội dung hòa ước Nhật-Hoa chỉ nhắc lại nội dung của hòa ước San Francisco 1951, trong đó xác định Nhật phải từ bỏ vĩnh viễn chủ quyền ở Đài Loan, Bành Hồ, HS và TS nhưng không xác định là giao cho nước nào.
Các học giả Đài Loan cũng nại việc kế thừa và liên tục quốc gia để cho rằng HS và TS thuộc TQ.
Trước 1945, Nhật sát nhập TS vào Đài loan và cho một số lính gốc Đài loan canh giữ một số đảo. Nhưng người ta không thể kế thừa cái gì mà nhà nước tiền nhiệm đã từ bỏ. Nhật đã từ bỏ các đảo này theo tinh thần hòa ước San Francisco 1951.
Trong tranh chấp các đảo trong Hồng Hải giữa hai nước Yemen và Erythrée được tòa Trọng tài xử ngày 9-10-1998, phía Erythrée vịn vào lý do liên tục quốc gia. Trước kia chủ quyền các đảo thuộc về Ý, sau đó chuyển sang cho Ethiopie sau Thế chiến thứ II (Erythrée thuộc Liên bang Ethiopie từ năm 1962, đến năm 1993 thì tuyên bố độc lập). Nhưng tòa bác bỏ lý lẽ này, bởi vì nhà nước tiền nhiệm là Ý, chiếu theo hòa ước 1948 thì phải tuyên bố từ bỏ các lãnh thổ trong khu vực. Tòa cho rằng Erythrée không thể kế thừa cái mà nhà nước tiền nhiệp đã từ bỏ.  
Như thế, các học giả TQ chưa hề chứng minh được « quyền lịch sử » của nước họ tại biển Đông.Trong khi trên quan điểm quốc tế công pháp, quyền này không hề được thừa nhận.
Hiện nay, căn bản pháp lý của phía TQ là dựa lên tuyên bố đơn phương 1958 của ông Phạm Văn Đồng cũng như các tài liệu sách báo, bản đồ v.v... của nhà nước VNDCCH sản xuất. Các tài liệu này minh thị công nhận hai quần đảo HS và TS thuộc TQ.
Căn bản pháp lý của TQ có thể sụp đổ dễ dàng nếu nhà nước CHXHCNVN hiện nay làm thủ tục kế thừa VNCH để lấy lại danh nghĩa chủ quyền của VN tại HS và TS. Nhưng việc này khó xảy ra vì lãnh đạo CSVN quá lệ thuộc vào TQ. Trong khi các học giả VN, hầu hết đều xuất thân từ chế độ, hưởng lộc của chế độ, do đó khó có thể nói khác chính sách của nhà nước.
VN mất HS, có thể mất TS và vùng biển theo bản đồ 9 đoạn chữ U trong thời gian tới vì những lý do nội bộ hơn là vì lý do lịch sử hay pháp lý. 

Về chức danh “Viện sĩ” của GS Phan Huy Lê


Nhiều người mới đây cho rằng GS Phan Huy Lê mạo danh là “Viện sĩ Hàn lâm” sau khi GS được « Académie des Inscriptions et Belles-Lettres » phong làm « Membre Correspondant étranger » ngày 27-5-2011.

GS Phan Huy Lê có “mạo danh” hay không?

Bài viết này không nhằm tranh luận mà chỉ mạo muội đưa ra quan điểm của mình về cách dịch các danh từ học thuật nước ngoài, nhất là danh vị « Membre Correspondant étranger » của GS Phan Huy Lê.

 « Académie » tiếng Pháp, lấy hứng từ « jardin Akadêmos – vườn Akadêmos », là nơi mà Platon giảng dạy ; chữ nguyên bắt nguồn từ Latin « Academia », Grec « Akadêmia » (tự điển Grand Larousse Universel). « Académie » như vậy là « danh từ riêng », là « tên » của khuôn viên mà Platon đã dạy học ở đó, phải viết « Hoa ».

« Académie » được Pháp sử dụng để đặt tên cho « l’Académie française », thành lập năm 1635, là một định chế văn hóa Pháp, tập hợp một nhóm học giả uyên bác về các ngành văn học, nghệ thuật, triết học...  Hiện thời « L’Académie française » trực thuộc « Institude de France », Pháp quốc Học Viện. « L’Institude de France » bao gồm các viện học thuật khác như « l’Académie des inscriptions et belles-lettres »,  « l’Académie des sciences » (1666), « l’Académie des beaux-arts » và « l’Académie des sciences morales et politiques ».

Pháp quốc Học viện như vậy là nơi tụ tập thành phần tinh hoa Pháp, có thể đại diện cho văn hóa và văn minh Pháp.

Không biết từ khi nào, do ai, « L’Académie française » được dịch sang tiếng Hán-Việt là « Pháp quốc Hàn lâm viện », còn gọi là « viện Hàn lâm Pháp ». « Hàn lâm » nghĩa nguyên tiếng Hán là « rừng bút », trong khi TQ dịch là « Pháp quốc Học thuật viện ».

Cách dịch của VN theo lối « tương ứng », một danh từ riêng (khu vườn Akadêmos ) tương ứng với một danh từ riêng (viện Hàn lâm), một định chế học thuật VN với một định chế học thuật Pháp. Viện Hàn Lâm của VN được lập năm 1086 vào thời vua Lý Nhân Tông và Mạc Hiển Tích là vị Hàn Lâm Học Sĩ đầu tiên.

Trên tinh thần này thành viên của « l’Académie Française », tức « Académicien », được gọi là « Hàn lâm Học sĩ ».

Cách dịch của TQ theo lối « chuyển nghĩa », « l’Académie Française » là nơi tụ hợp các học giả uyên bác trong các ngành văn hóa nghệ thuật, được dịch thành « Pháp quốc học thuật viện ». Không cần tìm hiểu nước này dịch đúng nước kia dịch sai, mà quan trọng là bên nào « hiểu » đúng nhứt ý nghĩa nguyên thủy « Académie ».

« Académie » là một danh từ riêng, là một cái tên, thì làm sao dịch được ? Ta thấy VN dịch như thế không xa với nghĩa nguyên và mục tiêu của « Académie ». Viện Hàn Lâm là nơi tụ tập của « tinh hoa », những người « học cao hiểu rộng » của VN, thì đó cũng là ý nghĩa của « Académie française ».
Về tên thành viên, ta thấy cách dịch của TQ không « đẹp » bằng cách dịch của VN. TQ gọi là « Viện sĩ Pháp quốc Học thuật viện », trong khi VN gọi là «Hàn lâm Học sĩ ».

Tuy nhiên, từ « Académie » ở Pháp được sử dụng một cách rất phổ thông trong đại chúng. Ở cấp quốc gia đã đành, ở cấp tỉnh, huyện, thập chí làng xã, tư nhân… ở đâu cũng đều có thể sử dụng từ này để đặt cho cơ sở hoạt động của mình. Ta có thể gặp « Académie de danse – Khiêu vũ Học viện », « Académie de la musique – Âm nhạc học viện » trong các khu phố địa phương. Vì thế cách dịch của VN sẽ gặp khó khăn nếu nơi nào cũng đưa một cách máy móc « Hàn lâm » vào.

Vì vậy, thiển nghĩ cần đặt một « qui ước ». Ở đây, nếu là « Académie » trong « l’Académie Française » thì mới được dịch là « Hàn lâm ». Académie trong các nơi khác thì nên dịch là « viện » hay « học viện ».

GS Phan Huy Lê được phong làm « Membre Correspondant étranger » của « Académie des Inscriptions et Belles-Lettres ». Như vậy nên gọi GS PH Lê thế nào cho chỉnh ?

« Académie des Inscriptions et Belles-Lettres », được tự điển Bách khoa VN dịch là  « Viện Hàn lâm các Văn khắc và Mỹ văn », trực thuộc « Institude de France – Pháp quốc Học viện ». Viện này do 4 Hàn lâm Học sĩ (Académicien) điều hành, còn gọi là « Petit Académie », tức « Tiểu Hàn lâm ».

Ta có thể gọi thành viên của Viện này là Hàn lâm Học sĩ ?

Câu trả lời là « được », vì các thành viên của viện này, cũng như thành viên các viện khác trực thuộc Pháp quốc Học viện đều được gọi là « académicien ».

Tuy vậy, có sự phân biệt hết sức ý nhị về tư cách thành viên « Hàn lâm Học sĩ » thuộc « Académie Française » và các thành viên thuộc 4 Viện còn lại. Để phân biệt, tôi cho rằng ta có thể đặt « Hàn lâm Thái Học sĩ » cho thành viên của Viện Hàn lâm và « Hàn lâm Thiếu Học sĩ » cho thành viên của « tiểu » Hàn lâm (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres).

Vấn đề phức tạp hơn, « Académie des Inscriptions et Belles-Lettres », ngoài 50 thành viên chính thức người Pháp gọi là « Académicien – Hàn lâm Học sĩ », thì còn có 40 các thành viên  associés étrangers, 50 thành viên correspondants français và 50 thành viên correspondants étrangers.

Những người này có thể gọi là « Hàn lâm Học sĩ » không ?

Từ « Membre associé étranger » có thể dịch là « thành viên hợp tác nước ngoài ». Theo phần giải thích về « membre » của Viện, các thành viên « associés » được tuyển chọn từ các nhân vật thuộc các Viện tương đương của nước ngoài. Do đó tư cách thành viên « associé – hợp tác » được xem như tương đương với thành viên chính thức « académicien ».

Tôi mạo muội dịch « thành viên hợp tác nước ngoài » là « Hàn lâm Ngoại quốc Hợp (hay hiệp) Học sĩ », gọi tắc « Hàn lâm Hiệp Học sĩ ».

Còn « membre Correspondant étranger » thì dịch như thế nào ?

Trong nước dịch là « thành viên thông tấn nước ngoài ». Tôi thấy rằng dịch chữ « correspondant » thành « thông tấn » trong trường hợp này không ổn.

Từ « correspondant » có nguồn từ « correspondre », ngoài ý nghĩa thư tín, liên lạc, còn có nghĩa khác là « tương ứng ».

Ta thấy « étude par correspondance » thì dịch là « học hàm thụ », tại sao « membre correspondant » thì dịch là « thành viên thông tấn » ?

Theo tôi, « correspondant étranger » có thể dịch thành « thông tấn nước ngoài » cho trường hợp báo chí. Tư cách thành viên báo chí « correspondant étranger » ngoài tư cách « nhà báo » ngang hàng với tư cách các nhà báo khác ở trụ sở chính của hãng thông tấn, thành viên này còn có tư cách « đại diện » của hãng thông tấn. Do đó « thành viên thông tấn » có « tư cách » cao hơn nhà báo thông thường.
Trong trường hợp thành viên « Correspondant étranger » của « Académie des Inscriptions et Belles-Lettres », muốn dịch chính xác ta phải hiểu tư cách và nhiệm vụ của thành viên này là như thế nào đối với Viện.

Thành viên « Correspondant étranger » được Viện định nghĩa như sau :

« Quant aux correspondants, ils assurent un rôle de relais de l’information scientifique auprès de l’Académie et participent à sa vie et à ses travaux ; choisis par les académiciens, ils constituent un vivier de personnalités de premier plan parmi lesquelles l’Académie a pris l’habitude de recruter souvent ses nouveaux membres. »

Tạm dịch : Về thành viên « correspondant », những người này phụ trách công việc truyền tải các thông tin khoa học của Viện đồng thời dự phần vào đời sống cũng như các công trình của Viện. Thành viên này được các Hàn lâm Học sĩ tuyển chọn. Tập hợp người này tạo thành một nơi dự trữ người tinh hoa mà Viện Hàn lâm có thói quen tuyển chọn thành viên.

Như vậy thành viên này có tư chất « tương ứng » với Hàn lâm Học sĩ. Hàn lâm Học sĩ được tuyển chọn đa số là từ những thành viên này. Họ cũng dự phần vào « đời sống » của Viện, tức một thành phần bất khả phân của Viện. Ngoài ra họ còn góp phần thực hiện những công trình nghiên cứu của Viện.

Theo Pháp-Việt Tân tự điển của Thanh Nghị, thành viên « correspondant » của các hiệp hội bác học (société savante) thì gọi là « danh thành viên ».

Tôi mạo muội đặt là : « Hàn lâm Ngoại quốc Danh Học sĩ », gọi tắt « Hàn lâm Danh Học sĩ ».
Gọi « Viện sĩ Thông tấn » là không đủ nghĩa.

Vì vậy tôi cho rằng GS Phan Huy Lê không « mạo nhận » danh nghĩa « viện sĩ » của ai hết. Phẩm chất và tài năng của GS PH Lê đã hội đủ tiêu chuẩn, do đó được các Hàn lâm Học sĩ thuộc Viện Hàn lâm Pháp tuyển chọn. Chưa thấy ai đặt nghi vấn về việc này.

Chức danh của GS Phan Huy Lê tại « Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn » là « Hàn lâm Danh Học sĩ ».