Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ
trước ta thấy giới học giả VN sử dụng thuật từ « nhà nước pháp quyền ». Thuật từ
này được các học giả giải thích ý nghĩa như là « rule of law » và
« état de droit ».
Nhà nước VN hiện thời chắc chắn
không phải là « nhà nước pháp quyền », nếu chấp nhận thuật từ này
mang nội hàm của các khái niệm « rule of law » (của Anh) hay « état
de droit » (của Pháp). Trên thực tế ở VN hiện nay, các chức vụ, từ cao đến
thấp trong bộ máy nhà nước, đều được bổ nhiệm theo một « qui định bất
thành văn » của đảng CSVN chứ không theo luật lệ quốc gia. Việc hành sử
quyền lực cũng vậy, cán bộ các cấp sử dụng quyền hành một cách bất cập, không
hề tuân thủ những qui định của pháp luật.
Lý ra, theo tinh thần của « rule
of law » và « état de droit », quyền lực của mọi cán bộ, công
chức điều hành bộ máy nhà nước đều bắt nguồn từ quyền chủ tể của nhân dân. Trong
các nước dân chủ, thể thức trao quyền lực được thể hiện qua các cuộc bầu cử.
Trường hợp công chức chuyên môn, việc bổ nhiệm phải tuân thủ các qui tắc luật
lệ đã được quốc hội soạn thảo và thông qua. Tức là các công chức này cũng được
nhân dân trao phó quyền lực một cách gián tiếp, bởi vì quốc hội là cơ quan đại
diện của nhân dân.
Một cách đơn giản, theo tinh thần
của « rule of law » và « état de droit », mọi cách thức
phân bổ quyền hành trong bộ máy nhà nước, hay mọi hình thức sử dụng quyền lực
quốc gia, đều phải tuân thủ luật lệ. Từ cấp cao tổng thống, chủ tịch nước hay
thủ tướng… cho đến cấp thấp tỉnh trưởng, huyện, xã trưởng… đều phải tuân thủ qui
tắc này. Đó là « nền tảng » chính trị của các quốc gia gọi là « rule
of law » hay « état de droit ».
Nhìn về VN hiện nay, nhà nước « pháp
quyền xã hội chủ nghĩa » hiển nhiên không hề có nội hàm của « rule of
law » hay « état de droit ». Việc bổ nhiệm nhân sự nhà nước và
cách thức sử dụng quyền lực của cán bộ nhà nước cho ta thấy điều này.
Nhà nước VN đã, đang, và sẽ hướng
đến một nhà nước mà trong đó cán bộ nhà nước cậy quyền cậy thế, sử dụng quyền
lực (mà họ nghĩ là do đảng giao phó) để mưu đồ cho quyền lợi cá nhân và dòng
tộc.
Một số điều cần bàn thêm về cách sử
dụng từ ngữ và ý nghĩa của « nhà nước pháp quyền ». Điều này cần
thiết nếu mọi người muốn xây dựng một VN tương lai tốt đẹp hơn. Một VN dân chủ hóa, nếu thiếu
vắng tinh thần trọng luật, từ trí thức, người dân cho đến cán bộ nhà nước, chắc
chắn sẽ dễ sa vào hỗn loạn.
Tinh thần của « Rule of
law » hay « état de droit », đơn giản chỉ là tinh thần thượng
tôn pháp luật. Pháp luật ngự trị, phân bổ, chi phối, kiểm soát mọi quyền lực trong
bộ máy nhà nước. Pháp luật bàng bạc trong không gian, trên mọi nẽo đường đi… Thuợng
tôn pháp luật là tôn trọng những phép tắc để quốc gia, xã hội vận hành tốt đẹp,
sự giao tiếp giữa người với người trong xã hội được hài hòa.
- Về cách dịch thuật từ (thuộc về khái niệm) « rule of law » hay « etat de droit » thành « pháp quyền » và « nhà nước pháp quyền ».
Dịch « rule of law » hay
« etat de droit » thành ra « pháp quyền » hay « nhà
nước pháp quyền » là sai, về hai mặt ngữ và nghĩa.
Về mặt ngữ, đến nay không thấy học
giả VN nào có thể giải thích một cách rành mạch chữ « quyền » trong
từ « pháp quyền » là gì ? đến từ đâu ?
Chữ « quyền 權» trong tiếng Hán chỉ có một
cách viết duy nhứt, vừa chỉ cho quyền (droit, right) trong quyền lợi,
hay quyền (pouvoir, power) trong quyền lực. Ý nghĩa chữ « quyền »
trong quyền lực khác hẵn với ý nghĩa chữ « quyền » trong quyền lợi. Chữ
« quyền » cũng được sử dụng ở các thuật từ luật học như chính quyền,
nhân quyền, tam quyền phân lập… mà ý nghĩa cũng như phạm trù chuyên môn của các
thuật từ này hoàn toàn không dính dáng gì với nhau.
Chữ « quyền » trong
« pháp quyền » là « quyền lực – power (Anh), pouvoir (Pháp) »
hay là « quyền lợi – right (Anh), droit (Pháp) » ?
Không thấy học giả VN nào có thể
xác định được việc này.
Chữ « quyền » bắt nguồn
từ Mạnh Tử. Ông này có nói: « Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã, tẩu nịch
viên chi dĩ thủ, quyền dã ».
Nam nữ trao và nhận không được trực tiếp gần gũi với nhau, đó là lễ; chị
dâu bị đắm chìm đưa tay ra vớt, đó là « quyền ».
Chữ
« quyền » như thế bắt nguồn từ « lễ » của Khổng
giáo.
Sử dụng một từ có nguồn gốc
« lễ » cho một khái niệm về pháp luật (rule of law hay état de droit)
là không hợp cách.
Trong khi các nước Á đông như Trung
Hoa, Nhật, Nam Hàn… đều dịch « rule of law » hay « etat de
droit » là « pháp trị » hay « nhà nước pháp trị ».
Ở Trung Quốc, từ « pháp
trị » bắt đầu được sử dụng năm 1997.
Đại hội đảng CSTQ năm 1997 Giang
Trạch Dân quyết định xây dựng một « nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa ».
Ý nghĩa của « pháp trị » của ông Giang là « dĩ pháp trị quốc », « kiến
thiết xã hội chủ nghĩa pháp trị quốc gia »
(hiểu theo tiếng Việt là xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ
nghĩa). Các thuật ngữ khác như « pháp
trị văn học », « pháp trị
hóa »… cũng xuất hiện từ thời này. Đến thời Hồ Cẩm Đào thì có chủ trương « Xã
hội hài hòa », nhưng không đi ra ngoài tư tưởng « nhà nước pháp trị
xã hội chủ nghĩa » : « hài hòa
xã hội tựu thị pháp trị xã hội
», có nghĩa là « xã hội hài hòa tức là xã hội
pháp trị ». Sang thời Tập Cận Bình, mục tiêu « pháp trị » vẫn
không thay đổi. Hội nghị Trung ương đảng Cộng Sản TQ năm 2014 nói
về các mục tiêu : « ỷ pháp trị quốc », « kiến thiết trung
quốc đặc sắc xã hội chủ nghĩa pháp trị », « kiến thiết xã hội chủ
nghĩa pháp trị quốc gia »…
Trước đó từ « pháp trị »
chỉ phía Đài Loan sử dụng.
Văn hóa VN, cũng như các
nước Nhật, Đại Hàn… ảnh hưởng sâu đậm TQ. Nhứt là về chữ viết. Chữ Việt hiện
tại chỉ mới « phát minh » chỉ sau khi trở thành thuộc địa của Pháp.
Nhưng về phương diện từ ngữ chuyên môn, các nước này thường có sự đồng thuận
với nhau, lấy từ nguyên là chữ Hán. Tương tự các nước Âu Mỹ, nơi đây các thuật từ
chuyên môn đa số lấy nguồn từ Latin, Hy Lạp…
Trước 1975, VNCH cũng như
các nước Nhật, Đại Hàn, Đài loan… sử dụng từ « pháp trị » và
« nhà nước pháp trị » để dịch « rule of law » và
« état de droit ».
- Về ý nghĩa của từ « quyền » trong « pháp quyền ».
Một số học giả, nhà báo và nhà hoạt
động nhân quyền VN gán cho chữ « quyền » ý nghĩa về « nhân
quyền ». Số khác lại gắn chữ « quyền » vào quyền lực của nhà
nước. Có người lại gán cho chữ « quyền » trong « pháp quyền »
cả hai ý nghĩa quyền của « quyền lực » và quyền của « quyền tự
do » :
« pháp quyền là những nguyên tắc và phương thức tổ chức
quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân
dân được bảo vệ. “
Chữ « quyền » (nhân quyền và quyền lực) cách viết thì giống nhưng
ý nghĩa thì hoàn toàn khác.
Điều này cho thấy học giả cũng như
giới làm báo VN chưa có sự thống nhứt về ý nghĩa (của chữ quyền).
Sự lúng túng về ý nghĩa của chữ
quyền đương nhiên phải xảy ra. Nếu ta tìm hiểu sâu xa, người khởi xướng việc
« xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa » là ông Đổ Mười, vào
cuối thập niên 90. Nghe nói ông Đổ Mười xuất thân từ nghề thiến heo. Trong khi
từ « pháp quyền » lần đầu tiên sử dụng (trong lịch sử đảng cộng sản)
là vè lục bát « Việt Nam yêu cầu ca », bản dịch « nôm na »
của bản yêu sách 9 điểm « Revendications du peuple Annamite – Yêu sách của
nhân dân An Nam ». Bài vè có câu :
« Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền »
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền »
Bản yêu sách « Revendications
du peuple Annamite », do Nguyễn Ái Quấc ký tên, được gởi lãnh đạo các đại
cường thắng trận trong Thế chiến I nhân hội nghị tại Versaille năm 1919.
Nguyên văn yêu sách số 7, bản tiếng
Pháp : « 7/ Remplacement du régime des décrets par les régimes des
lois. » (Nguồn : Les décolonisations au XXe siècle: La fin des
empires européens et japonais, Par Pierre Brocheux, Annex 1.)
Tạm dịch ra tiếng Việt
là : thay thế chế độ pháp lệnh bằng chế độ luật lệ.
Theo tài liệu của CSVN thì
bản « yêu sách » này là của ông Hồ. Điều này không có gì chứng minh,
ngoài tên « Nguyễn Ái Quấc », mà cái tên này chỉ là « bút
hiệu » chung của một nhóm người VN yêu nước thời đó. Nội dung văn bản
tiếng Pháp cho thấy tác giả là người rất am tường về pháp luật cũng như sử dụng
thành thạo Pháp ngữ, mà điều này bản thân ông Hồ không có. Có thể ông Hồ là tác
giả bài vè « Việt Nam yêu cầu ca » dịch một cách rất nôm na (phong
cách của ông Hồ) bản yêu sách.
Từ « pháp quyền » ở đây
có ý nghĩa gần gũi với « juridiction », tức là quyền được xét xử,
hoặc là « législation – pháp chế », tức là tập hợp những bộ luật
trong một quốc gia.
Người ta không thể lấy ý nghĩa của « pháp
quyền » trong bài vè nôm na này để dịch « rule of law » hay
« etat de droit ».
« Rule of law » và
« etat de droit » là các khái niệm về luật học, theo đó quốc gia được
thành lập và vận hành theo các nguyên tắc của luật lệ.
« Pháp quyền », nếu hiểu
theo « juridiction », thì nó mang ý nghĩa « quyền » của « droit,
right ». Nếu hiểu theo « législation – pháp chế », thì nó là các
nguyên tắc về luật (trong quốc gia).
Các học giả VN cho rằng pháp trị là
« rule by law », cai trị bằng pháp luật.
Nếu dịch « mot pour mot – word by word », “the rule of
law” có thể dịch là sự thống trị của pháp luật. Ý nghĩa tiếng Pháp của từ « rule »
trong « rule of law » là “règne”, tức là sự thống trị (ưu việt) chứ
không phải là “cai trị”.
Như vậy, nếu theo tinh thần “trọng pháp” của các quốc gia dân chủ tự do,
dịch « rule of law » thành « pháp quyền » là sai. Về ngữ
cũng như về nghĩa. Dịch đúng phải là pháp trị. « Etat de droit » dịch
là « nhà nước pháp trị ».