lundi 25 janvier 2016

Bảo thủ, cấp tiến và hủ bại.

Quan niệm bảo thủ hay cấp tiến đều là tương đối, vì nội hàm có thể thay đổi. Vấn đề là bảo thủ (hay cấp tiến) để làm cái gì ?

Tôi thấy cá nhân tôi là một người "bảo thủ" trong trường hợp sau đây.

Quốc hội VN vừa thông qua "Luật bảo vệ quyền người đồng tính hay chuyển đổi giới tính". Hầu như không ai trong giới "dân chủ" hay "tranh đấu nhân quyền" lên tiếng về bộ luật này. Tôi đã biểu lộ ý kiến của mình (hai lần) để phản đối lại hành vi thiếu công bằng của quốc hội VN. Bởi vì "quyền" này chưa cần thiết. Phe "đồng tính" hay "chuyển đổi giới tính" chỉ là thiểu số rất nhỏ ở VN. Trong khi đại đa số người dân, những "quyền" cơ bản của họ, như các quyền về tự do về ngôn luận, về hội họp và lập hội, về tự do biểu tình, tự do bầu cử và ứng cử... các quyền cơ bản này đã được bản Tuyên ngôn Phổ cập về Nhân quyền khẳng định từ năm 1948, thì không thấy quốc hội bàn đến. Trong khi "quyền" của phe đồng tính (và chuyển giới tính) chỉ mới được đưa ra LHQ từ năm 2011, trong đó có vài chục quốc gia cương quyết chống lại.

Dĩ nhiên ai cũng thấy, khi cho thông qua bộ luật này, đảng CSVN muốn lấy lòng anh đại sứ Mỹ tại VN mà thôi. Vấn đề là anh này vài năm sau sẽ đi, còn bộ luật đó ở lại với người VN lâu dài.

Bảo thủ trong trường hợp này không làm hại ai cả. Mục tiêu của mình là đòi quốc hội trả lại sự "công bằng" cho số đông. Vậy thôi.

Trong chính trị cũng vậy. Một lãnh đạo được cho là "bảo thủ", trường hợp các xứ Anh và Mỹ, thái độ (hay đường lối chính trị) "bảo thủ" của vị này chưa chắc đã làm cho đất nước "tụt hậu". Điều cần phải làm rõ (trong trường hợp này) khái niệm thế nào là "bảo thủ" và thế nào là "cấp tiến"?

Thực tế cho thấy rằng, phe "cấp tiến" thiên về "xã hội", có khuynh hướng can thiệp, hay hạn chế bớt những tự do của kinh tế thị trường. Trong khi phe "bảo thủ" nghiêng về việc thả lõng mọi tự do có liên quan đến kinh tế thị trường. Đối với họ, ngay cả nhân công cũng là một "thị trường", thị trường lao động". Phe "cấp tiến" đứng về số dân nghèo, trong khi phe "bảo thủ" ủng hộ phía dân giàu. Quyết định thắng thua của hai phe là khối trung lưu đứng giữa. Ở các xã hội tiên tiến Âu-Mỹ, phe trung lưu luôn chiếm số đa số.

Trường hợp VN, theo tôi, gán cho người này (trong đảng CSVN) có tư tưởng "cấp tiến", người kia có khuynh hướng "bảo thủ" thì lại càng tương đối hơn. Trong chừng mực lại là võ đoán. Bởi vì nguyên tắc "tập trung dân chủ" của đảng CSVN đã khiến tất cả mọi đảng viên phải phục tùng ý kiến của số đông. Một vấn đề, hay một chính sách nào đó, khi đa số trong đảng đã quyết định, tất cả đều phải nghe theo.

Một số thí dụ. Vấn đề "công bằng xã hội". Đây là một trong những tiêu chí của đảng viên CSVN, được ghi trong bản nội qui của đảng.

Ta thấy, lịch sử là bằng chứng, những người cộng sản trên thế giới đã làm cho trên 100 triệu người chết để mưu đồ thực hiện "công bằng xã hội" nhưng không thành công. Công bằng xã hội trở thành một "ảo tưởng". Tất cả những đảng viên CSVN cho dầu đã thấy thực tế "ảo tưởng" này, nhưng họ không thể (hay không dám) nói khác.

Những người không dám nói khác ta có thể xếp vào loại "bảo thủ" trong đảng CSVN.

Trường hợp người "cấp tiến", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là một thí dụ. Mới đây trong bài phát biểu ở Đại hội 12, ông này đã không còn nói đến "công bằng xã hội" nữa. Thay vào đó là "công bằng trong hội nhập xã hội" hay "bình đẳng cho mọi người".

"Công bằng trong hội nhập" là gì, nếu không phải là "công bằng về quyền" ? Nếu trong xã hội mọi người không có "quyền" giống nhau (như trong xã hội VN hiện nay), thì làm sao có việc công bằng trong "hội nhập" ? Nếu anh không ở trong đảng, anh không phải là con ông cháu cha, thì anh làm cách nào để trở thành một "lãnh đạo" (ở huyện, hay tỉnh nào đó) ? Vì vậy ý kiến về "công bằng trong hội nhập xã hội" hay "bình đẳng cho mọi người" của ông Vinh là một tư tưởng "cấp tiến", lấy từ điều đầu tiên của bản Tuyên ngôn Phổ cập về Nhân quyền 1948.

Thí dụ khác: "nhà nước pháp quyền".

Cũng vậy, những ai đã là đảng viên đảng CSVN thì đều sử dụng cụm từ "nhà nước pháp quyền", mặc dầu (có lẽ) ai cũng thấy việc sử dụng này đã sai từ phương diện ý nghĩa cho đến phương diện ngữ học. Nguyên tắc "tập trung dân chủ" đã khiến mọi đảng viên trở thành con rô bô chấp hành nghị quyết của đảng. Từ "pháp quyền" đưa vào nghị quyết từ thập niên 90 (của Đổ Mười lấy lại từ ý kiến ông Hồ).

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng có tư tưởng "cấp tiến" khi nói rằng : "xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại với kinh tế thị trường đầy đủ và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao".

Một quốc gia có nền "kinh tế thị trường đầy đủ" và "dân chủ phát triển ở trình độ cao" thì phải là các quốc tiên tiến Âu Mỹ. Mà nhà nước ở đây là "nhà nước pháp trị - Etat de droit hay Rule of law" .
Ông Vinh không nói đến "nhà nước pháp trị" nhưng nói là "nhà nước pháp quyền hiện đại". Đó là cách nói cho thấy cái gọi là "nhà nước pháp quyền" hiện nay ở VN là lạc hậu, có vấn đề.

Về ông Trọng, có người nói ông này "bảo thủ". Đúng vậy, nghe những phát biểu của ông này ta phải khẳng định ông này bảo thủ hơn cả những người bảo thủ khác.

Về ông Dũng, có người nói ông này có tư tưởng "cấp tiến". Theo tôi, ông Dũng có một số hành vi thể hiện tư tưởng cấp tiến (về cá nhân), nhưng trên phương diện quốc gia, ở cương vị vừa là thủ tướng vừa là đảng viên CS, ông lại là một đảng viên gương mẫu. Ông đã chấp hành tuyệt đối nguyên tắc "tập trung dân chủ" trong đảng.

Đại hội đảng CSVN đang đến hồi gay cấn. Vô số các tiên đoán, khẳng định... trên báo chí, ông này ở, ông kia về. Hết rút ra rồi lại được đề cử đưa vào lại.

Rối rắm như vậy, tất cả chỉ do một nhóm nhỏ người. Tuyển chọn người lãnh đạo một đất nước 90 triệu dân mà tưởng như là việc nội bộ của một băng đảng mafia.

Dầu vậy, giữa hai bên, một : ông Trọng "bảo thủ" và ông Dũng (nghe nói) là "cấp tiến". Ai lên lãnh đạo thì đât nước sẽ khá hơn ?

Vấn đề hủ bại.

Không một ngoại lệ trên thế giới, những nước độc tài và tham nhũng đều là những nước chậm phát triển. Một số nước ở Trung Đông, Bắc Phi... khi mà quyền hạn của những kẻ độc tài bị thách thức (và bị hạ bệ), chủ quyền quốc gia bị soi mòn vì tham nhũng, như ở Irak, Libye, Syrie, Ai Cập, Tunisie... hệ quả đưa lại cho người dân và các quốc gia này thật là khốc liệt.

Khu vực Châu Á, những nước như Phi Luật Tân, Thái Lan và Miến Điện đáng lẽ là những nước phát triển hàng đầu.

Hệ quả độc tài và tham nhũng của Marcos (và gia đình) đã làm cho nước Phi trở thành một nước nghèo đói và chậm tiến, mặc dầu nước này được sự chống lưng của Mỹ, tương tự như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan và Singapour. Sau khi Marcos bị lật đổ, đáng lẽ Phi thoát khỏi sự tàn phá của nạn tham nhũng để phát triển, thì các đời tổng thống sau này đã không nhìn thấy đâu là vấn nạn của quốc gia. Phi vì vậy vẫn còn ì ạch.

Thái lan, hệ quả độc tài (nửa quân phiệt, nửa phong kiến) và tham nhũng đã làm cho nước này trở thành một nước phát triển vào loại "trung bình thấp", mà đáng lẽ phải thuộc vào hàng giàu mạnh nhứt Châu Á. Thái lan không bị nạn thuộc địa cũng như không bị cuốn vào cơn lốc tàn phá của Thế giới Đại chiến 1939-1945. Nước Thái bình nguyên bao la, giàu tài nguyên thiên nhiên, lại được sự chống lưng của Mỹ. Vậy mà không phát triển hơn được Đài loan, Nam Hàn (còn đối với Nhật thì bị bỏ quá xa), dĩ nhiên là do nạn tham nhũng.

Miến Điện cũng vậy, tương tự Thái Lan, đáng lẽ là một nước hùng mạnh. Cũng vì độc tài quân phiệt và nạn tham nhũng tràn lan khiến cho đất nước này trở thành một nước nghèo.

Trong khi đó, những nước phát triển thần kỳ, đã trở thành rồng, hổ hiện nay ở Châu Á, như Nam Hàn, Đài Loan, Singapour... cũng là những nước, vào thời đầu phát triển, là những nước độc tài. Nhưng họ phát triển được là nhờ có chính sách diệt trừ tham nhũng.

Từ thập niên 60, Nam Hàn đã có bộ luật riêng để trừng trị kẻ tham nhũng. Đài Loan, Singapour cũng vậy. Ở đây họ xem tham nhũng là kẻ thu của đất nước. Trần Thủy Biển, nguyên là tổng thống Đài Loan, cũng bị vào tù vì tham nhũng. Một vị tổng thống của Nam Hàn cũng phải tự vẫn để bảo toàn danh dự, lý do gia đình có người tham nhũng. Còn ở Singapour, tuyệt đối không hề nghe đến một vụ quan chức nhà nước tham nhũng.

Nếu tính luôn cả Nhật, thì nước này phát triển thần kỳ cũng là do không có tham nhũng.

Ta có thể kết luận mà không sợ bị kết vào võ đoán là yếu tố quan trọng hàng đầu để một quốc gia phát triển là quốc gia đó không có tham nhũng.

Nhìn lại VN, nước ta đã bỏ qua quá nhiều dịp để có thể cất cánh thành rồng. Dịp lựa chọn TBT và nhân sự lãnh đạo trong những ngày tới cũng là khúc quanh để VN có phát triển bền vững hay không.

Ông Trọng hay ông Dũng, ai lên thì tốt ?

Những nhận thức bảo thủ có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng một con người hủ bại do tham nhũng, do chuyên quyền... thì không thể thay đổi được. Nếu lãnh đạo sắp tới có quyết tâm diệt tham nhũng, VN đã hội đủ điều kiện ban đầu để phát triển.

Nếu các đảng viên hiện đang tham dự đại hội 12 đặt quyền lợi và tương lai đất nước lên trên thì sẽ phải biết mình bầu cho ai.

Nhưng để phát triển bền vững (như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan...) VN bắt buộc phải dân chủ hóa chế độ.


dimanche 17 janvier 2016

Tòa CPA sẽ phân xử về "chủ quyền" trong vụ Phi kiện TQ ?

Ngày 23 tháng giêng năm 2013, Bộ Ngoại giao Phi trao công hàm cho Bắc Kinh  thông báo việc Phi đã nộp hồ sơ đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Quốc Tế về Biển 1982. Hồ sơ kiện của Phi được Tòa Trọng tài Thường trực (La Hague, Hòa Lan) thụ lý.

Tháng 6-2014, Tòa thông báo cho Trung Quốc, nước này có 6 tháng để nộp bản phản biện, thời hạn chót là ngày 15-12-2014. Như đã biết, từ ngày 19 tháng 2 năm 2013, bộ Ngoại giao TQ đã ra cho biết TQ từ chối tham gia vụ kiện, cũng như không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa. Một bản Tuyên bố về lập trường (của TQ đối với vụ kiện) đã được TQ công bố ngày 7-12-2014.  

Theo TQ : 1/ Tòa không có thẩm quyền vì cốt lõi của vụ kiện liên quan đến “chủ quyền lãnh thổ” mà điều này không thuộc phạm trù của Công ước Quốc tế về Biển 1982. 2/ Vụ kiện liên quan đến vấn đề “phân chia ranh giới biển” mà điều này TQ đã bảo lưu năm 2006 (loại trừ mọi biện pháp trọng tài có mục đích phân chia ranh giới biển).

Thái độ không tham gia vụ kiện và không nhìn nhận thẩm quyền của tòa của TQ cũng  không cản trở được quá trình thụ lý của Tòa Thường Trực.

Thông cáo ngày 13 tháng 7 năm 2015, Tòa CPA phán 10 điều. Các điểm quan trọng là : a) Tòa được thành lập đúng theo qui định Phụ lục VII của Công ước về Luật Biển. b) Việc không tham gia của TQ không ảnh hưởng đến thẩm quyền của Tòa... d) không hiện hữu bên thứ ba mà sự vắng mặt của phía này có ảnh hưởng đến thẩm quyền của Tòa...

Tức là Tòa tuyên bố "có thẩm quyền" trong vụ xử.

Dầu vậy, thẩm quyền của Tòa bị giới hạn ở các việc "tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ức", theo như nội dung Thông cáo ngày 13-7:

"Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII có thẩm quyền xem xét một tranh chấp giữa các Quốc gia Thành viên Công ước trong phạm vi tranh chấp đó liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước."

Ngày 29 tháng 10 năm 2015 Tòa ra phán quyết sơ thẩm về nội dung các yêu sách của Phi. Tòa tuyên bố có thẩm quyền phân xử một số điều và bảo lưu (đồng thời yêu cầu Phi bổ túc lý lẽ) một số các yêu sách khác.

Phán quyết sơ thẩm của Tòa cũng nhắc là phía TQ có thời hạn chậm nhứt là ngày 1 tháng 1 năm 2016 để nộp những lý lẽ phản biện về nội dung các lý lẽ của Phi đã trình bày trước Tòa.  

Ngày 11-12-2015, Đại diện Thường trực của TQ ở LHQ đã gởi công hàm phản biện các lý lẽ của Phi. Nội dung nhấn mạnh rằng các văn kiện quốc tế trước Thế chiến thứ II như Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên bố Potsdam 1945 (và các văn kiện khác) đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. TQ còn vịn vào Hiệp ước 1898 ký kết giữa Tây Ban Nha và Mỹ nhằm chứng minh rằng lãnh thổ của Phi đã được xác định rõ rệt, theo đó Phi không có chủ quyền ở các đảo Trường Sa.

Bài viết của tôi hôm qua đã phản biện rằng các văn kiện gồm Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên bố Potsdam (cũng như hòa ước San Francisco 1952; Hòa ước Trung-Nhật 1952 hay Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật 1978) không hề nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.

Lý lẽ của TQ có thuyết phục được Tòa hay không là do yếu tố VN, là bên thứ ba có quyền và lợi ích có thể bị ảnh hưởng đến vụ kiện.

Trong phán quyết ngày 29-10-2015 Tòa CPA cho rằng vụ kiện sẽ không làm thiệt hại đến VN, vì thẩm quyền của Tòa bị giới hạn trong các việc giải thích và áp dụng các điều ước của bộ Luật Biển 1982.

Nhưng công hàm ngày 11-12-2015 của TQ, ta lại thấy lý lẽ phản biện của nước này lại vịn vào yếu tố "chủ quyền". TQ cho rằng họ có chủ quyền trên các đảo thuộc Biển Đông. Điều này (TQ cho rằng) được củng cố bởi các văn kiện pháp lý quốc tế.

Tòa không thể bỏ qua yếu tố "chủ quyền" do TQ nại ra. Một số các yêu cầu của Phi trước Tòa nội dung phán quyết có thể thay đổi (hay trái ngược) nếu các thực thể địa lý ở đây thuộc chủ quyền của TQ hay của VN.

Tôi đã viết trong bài hôm qua, phía VN có ra công hàm phản biện, dầu vậy nội dung công hàm không thấy nhắc đến các yếu tố pháp lý mà phía TQ đã nại ra. Quyền và lợi ích của VN bị đe dọa.

Theo một tuyên bố của tòa, phán quyết chung cuộc sẽ ra vào khoảng giữa năm 2016. Nếu VN không lên tiếng về vụ này, phán quyết của Tòa có thể sẽ thuận lợi cho TQ: các thực thể đang tranh chấp (giữa Phi và TQ) có thể thuộc chủ quyền của TQ.

vendredi 15 janvier 2016

Phải chăng Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên Bố Potsdam 1945 đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quóc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ?

Ngày 11 tháng 12 năm 2015 Đại diện thường trực của nhà nước CHND Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã ra công hàm, mục đích phản biện các lý lẽ của Phi tại Tòa CPA, nội dung như thường lệ khẳng định quyền, quyền lịch sử và chủ quyền của TQ ở Biển Đông. Nhưng lần này nội dung công hàm còn cho biết các văn kiện quốc tế trước Thế chiến thứ II, như Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên bố Potsdam 1945 và một số văn kiện khác, nhìn nhận chủ quyền của TQ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đại diện của VN tại LHQ có ra công hàm phản đối đồng thời và tái khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS. Nhưng không thấy phía VN đề cập đến các văn kiện quốc tế mà TQ đã nhắc trong thông cáo của mình.

Có thật là các Tuyên Bố Cairo, Tuyên bố Potsdam (và các văn kiện quốc tế khác) đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa, như nội dung của công hàm công bố tại LHQ ngày 11-12-2015 ?

Không có câu trả lời nào cụ thể hơn bằng cách xem xét lại các văn kiện trên (và các văn kiện khác, có liên quan đến Nhật trong Thế chiến Thứ II).

1/ Tuyên bố Cairo: tháng 11 năm 1943, ba lãnh tụ Theodore Roosevelt, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch gặp nhau tại Cairo, thủ phủ nước Ai Cập, thảo luận về điều kiện để Trung Hoa đứng về phía Đồng minh cũng như mục đích của cuộc chiến. Sau cuộc họp, một bản tuyên bố chung được công bố trước công chúng, gọi là “Tuyên bố Cairo”.

Nguyên văn bản Tuyên bố (tạm dịch lại) như sau:

"Mục đích chiến đấu duy nhất của (các nước Đồng minh) là kết thúc cuộc xâm lược của Nhật Bản. Các nước Đồng Minh không hề có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. Chúng tôi chỉ giải phóng các vùng lãnh thổ đã bị Nhật Bản chiếm đóng bởi bạo lực."

 Các vùng đất mà Nhật Bản phải từ bỏ :

Tất cả những đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến I;

Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ;

Tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực;

Nhân dân Hàn Quốc lấy lại chủ quyền đất nước mình trong một thời gian nhất định.

Những điểm cần nhấn mạnh trong bản Tuyên bố :

a) Các cường quốc (gồm Trung Hoa) không có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. b) lãnh thổ Nhật trả lại cho Trung Hoa gồm Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ.

Tuyên bố Cairo không có dòng chữ nào qui định "trả Hoàng Sa và Trường Sa lại cho Trung Hoa."
Nhật chiếm HS và TS trên tay Pháp (là đại diện hợp pháp của đế quốc Việt Nam). Sau đó Nhật sáp nhập hành chánh hai quần đảo này vào huyện Đài Loan (nhượng địa của nhà Thanh theo Hiệp ước Simonoseki).

Tuyên Bố nói là trả Đài Loan cho Trung Hoa nhưng không vì vậy mà có thể diễn giải HS và TS phải trả cho Trung Hoa.

Bởi vì Tuyên bố còn nói: Nhật phải trả tất cả các đảo ở Thái Bình Dương (bao gồm HS và TS) đã chiếm trước Thế chiến Thứ II cũng như tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực.

Vấn đề là trả cho ai ?

Hòa ước San Francisco 1951 (nói ở dưới), mặc dầu hai phía Trung Hoa đều không tham gia, cũng đã xác lập một thực tế là các vùng lãnh thổ này trả lại cho chủ cũ của nó. Như Triều Tiên được trả độc lập. Quần đảo Kourils trả cho Nga. Đài Loan và Bành Hồ trả cho Trung Hoa. Dĩ nhiên, HS và TS phải trả lại cho VN.

Nội dung Tuyên bố Cairo còn nhấn mạnh ở điều: các cường quốc không có mục tiêu mở rộng lãnh thổ.

Nhà Thanh đã nhượng (vĩnh viễn) Đài Loan và Bành Hồ cho Nhật. Việc này đã xảy ra trước hai trận Thế chiến. Tưởng Giới Thạch tham dự Hội nghị Cairo với Mỹ và Anh, các bên thảo luận về điều kiện để Trung Hoa chính thức đứng về phía Đồng minh trong cuộc chiến. Nội dung Tuyên bố Cairo cho thấy điều kiện của họ Tưởng (TH tuyên bố chiến tranh với Nhật) là lấy lại Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ.

Không có văn kiện nào (vào thời đó) cho thấy HS và TS nằm trong “tầm nhắm” của Tưởng Giới Thạch. Điều này khẳng định qua các kết ước trao đổi quyền lợi và quân sự mà họ Tưởng đã ký kết với Pháp năm 1946. Theo đó quân Pháp vào thế quân Tưởng ở miền Bắc, đổi lại, Pháp nhượng đường xe lửa Vân Nam-Hải Phòng cùng một số quyền lợi về kinh tế khác cho Trung Hoa. Đồng thời quân Pháp cũng đổ lên các đảo HS và TS, cắm mốc mới và tái khẳng định chủ quyền.

Vì vậy, bất kỳ nhà nước Trung hoa nào dựa vào Tuyên bố Cairo đòi thêm HS và TS là có mục đích "mở rộng lãnh thổ", đương nhiên trái ngược với tinh thần của bản Tuyên Bố.

Lập luận công hàm ngày 11-12-2015 của Đại diện TQ tại LHQ, cho rằng Tuyên bố Cairo nhìn nhận HS và TS thuộc TQ, là không đúng.

2/ Tối hậu thư Potsdam : còn gọi là Tuyên bố Potsdam, là tối hậu thư của các nước Đồng minh Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa gởi cho Nhật Bản ngày 26 tháng 6 năm 1945. Văn kiện này quan trọng vì được sự nhìn nhận vô điều kiện của Nhật. Nội dung tối hậu thư tái xác nhận hiệu lực Tuyên ngôn Cairo.

Nội dung gồm một số điều :

Thi hành các điều đã xác định theo tuyên bố Cairo;

Lãnh thổ Nhật Bản sẽ chỉ giới hạn trên các đảo Hondo, Hokkaido, Kiousiou và Si Kok cũng như trên một số đảo nhỏ khác sẽ được xác định do các nước đồng minh;

Nhật sẽ bị hoàn toàn giải giới và các lực lượng quân đội Nhật sẽ giải ngũ.

Nội dung tuyên bố này không nói đến số phận các vùng lãnh thổ của các nước bị Nhật chiếm (trước Thế chiến II) mà chỉ xác nhận hiệu lực Tuyên bố Cairo.

Cho rằng Tuyên ngôn Potsdam nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS cũng  không đúng sự thật.

3/ Các văn kiện quốc tế khác.

Ngoài hai văn kiện mà Đại diện TQ (tại LHQ) đã nhắc trong công hàm, ta có thể kể đến các văn kiện khác sau Thế chiến II, có liên quan đến số phận các vùng lãnh thổ bị Nhật chiếm đóng. Đó là:

Hòa ước San Francisco 1951.

Hòa ước Trung-Nhật 1952.

Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật 1978.

3.1 Hòa ước San Francisco 8 tháng 9 năm 1951, Nhật ký hiệp định hòa bình (tập thể) với 48 quốc gia (hay lãnh thổ mới trả độc lập) có tuyên bố chiến tranh với Nhật. Cả hai phía Trung Hoa, CHNDTQ (lục địa) của Mao Trạch Đông hay Trung Hoa Dân quốc (Đài loan) của Tưởng Giới Thạch đều không tham dự Hội nghị San Francisco.

Mặc dầu nội dung Hòa ước San Francisco không liên quan đến hai phía Trung Hoa. Đài loan không tham gia, còn lục địa, Châu Ân Lai tuyên bố vô giá trị các hiệp ước San Francisco. Dầu vậy, nội dung Hòa ước có tầm quan trọng vì quyết định số phận những lãnh thổ do Nhật chiếm.
Điều 2 của Hòa ước San Francisco 8-9-1951 qui định :

Tạm dịch:

Nhật phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa (chủ quyền) và mọi yêu sách tại:
(a) Triều Tiên, và công nhận nền độc lập của xứ này,
(b) đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ,
(c) quần đảo Kouriles và phần đảo Sakhaline cũng như các đảo khác đã nhượng cho Nhật qua Hiệp ước Portsmouth năm 1905,
(d) tại các đảo đã được giao cho Hội Quốc Liên quản lý và theo quyết định của Hội đồng Bảo an ngày 2 tháng 4 năm 1947,
e/ vùng Bắc cực,
(f) các quần đảo Spratly (Trường Sa) và quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Như vậy hiệu lực Tuyên ngôn Cairo 1943 được Hòa ước San Francisco xác nhận.

Điểm mờ của Hòa ước là ngoài Triều Tiên (Nhật trả độc lập), các vùng lãnh thổ, kể cả Đài Loan và Bành Hồ, thì không ghi là phải trả về cho nước nào.

Điểm "mờ" pháp lý này sẽ phải giải thích ra sao?

Trường hợp Đài loan và Bành Hồ, Tuyên Bố Cairo 1943 đã nói rõ: trả về cho Trung Hoa. Rắc rối là ở thời điểm ký kết Hòa ước San Francisco, Trung Hoa có đến hai đại diện: Trung hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo ở Đài Loan và Cộng hòa Nhân dân Trung quốc ở lục địa do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Những tác giả của Hòa ước đã biết rõ việc này, do đó phải hiểu “điểm mờ” là phe nào chiếm được thì thuộc về bên đó.

Còn số phận các vùng lãnh thổ khác, như HS và TS, theo thuật ngữ công pháp quốc tế là Nhật từ bỏ đơn giản, không chỉ định đối tượng (in favorem). Số phận các vùng lãnh thổ này, cũng như ý nghĩa Hòa ước San Francisco, xem bài viết ở đây.


3.2 Hòa ước Trung-Nhật 28-4-1952.

Tháng 4 năm 1952, Nhật chọn phía Trung Hoa Dân quốc là đại diện cho Trung Hoa để ký riêng hiệp định Hòa bình. Nhật đã chọn phe Tưởng là chính thức đại diện cho Trung Hoa để ký hiệp ước hòa bình, thay vì nhà nước cộng sản của Mao Trạch Đông. Đây không phải là một lựa chọn « chiến lược », mà do thủ tục pháp lý : nhà nước Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch có tuyên bố chiến tranh với Nhật, còn Mao thì không.

Điều 2 Hiệp ước Hòa bình 28-4-1952 giữa Trung Hoa Dân quốc và Nhật Bản, nguyên văn như sau: 

“It is recognized that under Article 2 of the Treaty of Peace with Japan signed at the city of San Francisco in the United States of America on September 8, 1951 (hereinafter referred to as the San Francisco Treaty), Japan has renounced all right, title and claim to Taiwan (Formosa) and Penghu (the Pescadores) as well as the Spratly Islands and the Paracel Islands.[i]

Tạm dịch: Hai bên nhìn nhận rằng theo điều 2 của Hiệp ước San Francisco ngày 8-9-1951, Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa chủ quyền cũng như mọi yêu sách về đảo Đài Loan, Bành Hồ cũng như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Các học giả Đài Loan cho rằng nội dung điều 2 Hiệp ước đã nói rõ HS và TS trả cho Trung Hoa Dân Quốc.

Điều này không đúng.

Không thấy đoạn nào trong điều ước này nói Nhật giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan hiện nay). Chỉ thấy ghi là  hai bên “nhìn nhận điều 2 của Hiệp ước San Francisco 8-9-1951”.

Mà điều 2 Hiệp ước San Francisco không hề nói HS và TS thuộc về nước nào.

Mặt khác, điều 2 Hòa ước San Francisco ghi rõ: Japan renounces all right, title and claim to the Spratly Islands and to the Paracel Islands. (Nhật phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa (chủ quyền) và mọi yêu sách tại HS và TS).

Ý nghĩa của đoạn văn này là Nhật đã không còn bất kỳ “quyền” nào tại HS và TS, kể cả “quyền” trả chúng cho Trung Hoa.

Tức là, muốn biết số phận các vùng lãnh thổ này ra sao, ta phải tìm hiểu nội dung Hòa ước San Francisco 1951 (xem bài viết theo link dẫn trên).

Vấn đề khác, làm cho các học giả Trung quốc khó ăn nói, là phía lục địa không nhìn nhận nội dung hòa ước San Francisco 1951, cũng như không nhìn nhận nhà nước Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan (tức không nhìn nhận những kết ước của nhà nước THDQ của họ Tưởng đã ký với các nước khác).

Thì bây giờ dựa vào đâu để lấy lý lẽ từ nhà nước Trung hoa Dân quốc ?

3.3 Hòa ước Trung-Nhật 12-8-1972.

Theo chân Hoa Kỳ, Nhật công nhận Bắc Kinh là đại diện cho nước Trung Hoa duy nhứt. Ngày 12-8-1972 Nhật ký Hòa ước với lục địa. Tất cả các kết ước trước đó giữa Nhật và Trung Hoa Dân quốc xem như vô hiệu lực (caduc), kể cả hòa ước 28-4-1952.

Vấn đề là TQ không có tuyên bố chiến tranh với Nhật. Nước CHNDTQ của Mao Trạch Đông khai sinh sau khi Nhật đầu hàng tháng 8-1945. Không có tuyên bố chiến tranh sao lại ký hiệp ước hòa bình ?

Nội dung Hòa ước 12-8-1972 tái khẳng định nội dung Tuyên bố Potsdam 1945.

4/ Kết luận:

Công hàm của Đại diện TQ ở LHQ, nói rằng các văn kiện quốc tế như Tuyên bố Cairo, Truyên bố Potsdam (và các văn kiện khác) nhìn nhận HS và TS thuộc chủ quyền của TQ là không đúng sự thật.  
Về hiệu lực hai hòa ước Nhật-Trung 1952 và Nhật-Trung 1972, một số học giả quốc tế như Marwyn Samuels, trong tác phẩm “Contest for the South China Sea”, xuất bản từ thập niên 80 của thế kỷ trước cho rằng : “kết hợp hai hiệp ước 1952 và 1972, thì quan điểm của Nhật, tuy không chính thức nhưng đã rõ ràng. Các đảo này được coi là một phần của Trung Quốc.”

Các đảo này là HS và TS.

Đây là một kết luận rất sai của Samuels.

Thứ nhứt, nhân dịp hai bên Nhật và TQ thiết lập bang giao, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Nhật là Masayoshi Ohira cho biết: hòa ước Nhật-Trung 1952 đã không còn lý do hiện hữu và (tuyên bố) chấm dứt.

Khi một hiệp ước bị tuyên bố không còn hiệu lực, liệu ta có thể “kết hợp” nội dung của nó với nội dung kết ước mới (thay thế nó) hay không ?

Thứ hai, giả sử rằng người ta chấp nhận hiệu lực việc “kết hợp” hai hòa ước 1952 và 1972. Vấn đề là làm thế nào một quốc gia hiện hữu hai lập trường trái ngược nhau về lãnh thổ ?

Trung cộng không nhìn nhận hội nghị San Francisco 1951, không nhìn nhận hiệu lực Hiệp ước San Francisco. Hiệp ước 1972, về vấn đề lãnh thổ, khẳng định lại Tuyên bố Potsdam 1945.

Trong khi Trung Hoa Dân quốc (tức Đài Loan hiện nay) lại nhìn nhận hiệu lực Hiệp ước San Francisco 1951. Hòa ước 1952, trong phần qui định về lãnh thổ, xác định hiệu lực và nhắc lại nội dung (điều 2 Hiệp ước San Francisco).

Ý kiến của Samuels vì vậy không có căn cứ pháp lý. Dầu vậy ý kiến này thường xuyên được các học giả (kể cả VN) trích dẫn.





[i] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%20138/v138.pdf

mercredi 6 janvier 2016

Bao giờ thì TQ lập lại kịch bản Hoàng Sa 17 tháng giêng 1974 ?

Mục đích TQ xây dựng các phi đạo ở các đảo nhân tạo ở TS (từ năm trước đến nay) chắc chắn không phải để cho... chim ỉa. Phi đạo làm xong TQ sẽ cho máy bay đến thử. Và cũng dĩ nhiên, thử xong, thấy ok, TQ sẽ cho máy bay ra đóng ở đó.

Nếu các nước (có quan hệ) không muốn TQ đặt các căn cứ không quân, hải quân... tại các đảo nhân tạo này thì các nước phải có biện pháp ngăn chặn từ đầu.

Thí dụ nôm na, khi thấy thằng mất dạy mon men châm lửa đốt nhà thì mọi người phải lấy gậy đập vào tay nó. Không ngăn nó, nó sẽ đốt nhà. Vấn đề là nhà cháy và sẽ cháy lan.  

Các nước chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ, TQ cứ vậy mà tằm ăn lên, đặt tất cả vào việc đã rồi.

Năm 2014, khi TQ đang ráo riết xây dựng và mở rộng các đảo nhân tạo, đồng thời với việc Phi nộp hồ sơ kiện TQ tại Tòa Trọng Tài ở La Haye (Hòa Lan), tôi đã tiên đoán rằng TQ sẽ hoàn tất việc xây dựng trước tháng 7-2015. TQ muốn các công trình xây dựng đảo kết thúc trước thời điểm Tòa ra phán quyết "có hay không có thẩm quyền" để xử kiện. Điều này đã xảy ra đúng như vậy.

Sự việc hôm nay, TQ cho máy bay ra thử phi đạo. VN và một số nước lên tiếng phản đối. Nhưng có ai làm được gì TQ ?

Chuyện máy bay thử phi đạo là chuyện đã rồi. Bước tiếp theo TQ sẽ đưa ra các đảo nhân tạo những giàn ra đa, các giàn hỏa tiễn địa không, các ụ súng đại bác lớn nhỏ... cùng với những tốp lính thiện nghệ phòng vệ. Các đảo nhân tạo sẽ trở thành các căn cứ quân sự, theo mô thức Diego Garcia của Mỹ ở Ấn độ dương. Sẽ có vài phi đội chiến đấu cơ cũng như tàu chiến các loại sẽ thường trực có mặt ở các nơi đây. Bước đầu căn cứ Phú Lâm (Hoàng Sa) đã hoàn tất, bây giờ là các đảo nhân tạo TS.

Tôi cũng tiên đoán rằng TQ sẽ hoàn tất các việc này trước tháng 7 năm 2016, thời điểm (có thể) Tòa Trọng tài ra phán quyết (vụ Phi kiện TQ về đường chữ U chín đoạn cũng như việc diễn giải và áp dụng các điều ước của bộ Luật Biển 1982).

Phán quyết của Tòa kỳ này cũng sẽ không làm gì được TQ. Bởi vì TQ đặt tất cả vào  sự việc đã rồi.
Còn bước tiếp nữa của TQ là gì ?

Mục đích của TQ là sẽ đặt vùng "nhận diện phòng không" (ADIZ) trên Biển Đông, với các đảo nhân tạo là các điểm cơ bản.

Nhưng TQ không thể đặt vùng "nhận diện phòng không" nếu các đảo trong vùng biển này còn nằm trong tay các nước khác.

Vì vậy, TQ sẽ phải chiếm tất cả các đảo TS hiện đang trong tay của VN và Phi.

VN không thể tiếp tục thái độ thụ động chịu đòn, lâu lâu (bị đánh đau quá) mới lên tiếng kêu "ái" một cái. Những công hàm của VN phản đối TQ ở LHQ không thuyết phục được ai. Bởi vì, công hàm phản biện lại của TQ có nội dung thuyết phục hơn. TQ nói có sách, mách có chứng. Lãnh đạo VN, cũng như nhà nước tiền nhiệm của VN, đã nhiều lần nhìn nhận HS và TS là của TQ rồi. Bây giờ VN đâu thể nói ngược lại ?

VN không thể giới hạn hành động "trong lời nói", mà phải thể hiện bằng hành động. Mà hành động nào cũng vậy, nhứt là chiến tranh, phải dành được tính chính đáng.

Mà hành vi duy nhứt để VN có thể dành được tính chính đáng (về hành động) là kiện TQ ra một trọng tài quốc tế.

Nhưng việc này xem ra nằm ngoài tầm tay VN. VN vác đơn đi kiện bây giờ thì mục đích là để được thua. Bởi vì sác suất thắng là 0%.

VN hôm nay vẫn xem là kẻ thù những người còn nuối tiếc "tư tưởng ngụy". Những vụ án mới đây, chỉ cần một người mặc đồ giống như quân phục VNCH ngày xưa, thì đã bị Tòa án XHCN tuyên án nặng nề.

Tư cách nào các học giả VN hôm nay lên tiếng trước quốc tế là CHXHCNVN đã "kế thừa" VNCH chủ quyền tại HS và TS ?

Trong khi đó, lập trường chính thức của đảng và nhà nước là chỉ có một "quốc gia duy nhứt". Đó là VNDCCH. Còn thực thể chính trị VNCH là "Ngụy". Học giả VN cố gắng củng cố lập trường này bằng cách phủ nhận hiệu lực của Hiệp ước Genève 1954 cũng như Hiệp định Paris 1973 (có một quốc gia duy nhứt, thống nhứt ba miền và toàn vẹn lãnh thổ). Báo chí vẫn thường xuyên bênh vực Phạm Văn Đồng, xem ông là một trong những người sáng lập nên nước VNDCCH. Tất cả những nỗ lực (văn hóa và chính trị) này chỉ nhằm xóa dấu vết VNCH ra khỏi ký ức của những người VN.
Lập trường này cũng là lập trường của TQ. TQ có nhìn nhận thực thể chính trị VNCH bao giờ ?

TQ nuôi dưỡng lập trường này để có "thế đứng" về pháp lý trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Không có VNDCCH, không có công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, không có các tập sách giáo khoa, tài liệu bản đồ do nhà nước VNDCCH in ấn ra, thì TQ lấy cái gì để chứng minh chủ quyền của họ tại HS và TS ?

Dĩ nhiên, sử gia cộng sản xứ nào cũng rất tài tình việc phịa sử. Lịch sử chủ quyền của TQ cũng được dàn dựng như "cây đuốc sống Lê Văn Tám" của VN. Nhưng sử phịa thì đầy dẫy mâu thuẩn, không thuyết phục được ai.

Trên phương diện quốc tế công pháp, những bằng chứng "lịch sử" trong trường hợp tranh chấp chủ quyền ở HS và TS, sẽ không có "trọng lượng" bằng các bằng chứng pháp lý. Những văn kiện, kết ước trao đổi hay ký kết giữa quốc gia, hay thái độ của quốc gia trước một hành vi của quốc gia khác... mới là yếu tố quyết định trong vụ kiện.

Vì vậy TQ mọi cách nuôi dưỡng đảng CSVN, hà hơi, tiếp máu cho sử gia, học giả VN. Càng vinh danh VNDCCH, vết tích VNCH càng nhạt phai trong ký ức tập thể, thì chủ quyền của TQ ở HS và TS càng được củng cố.  

VN, ngoài việc đưa công hàm phản đối, lâu lâu phát ngôn nhân BNG lên tiếng yêu cầu TQ thế này, thế kia...  VN không có thái độ nào khác có thể làm quan ngại TQ.

Đó là chủ trương của hai đảng, hai nước.

Chủ trương này của VN chắn chắn tiếp tục, cho đến khi TQ hoàn tất việc quân sự hóa các đảo nhân tạo (dự đoán trước tháng 7 năm 2016).

Và cứ như vậy tiến lên, TQ sẽ mở màn cuộc "tấn công phòng vệ", "giải phóng các lãnh thổ của tổ quốc hiện bị ngoại nhân chiếm đóng", lập lại kịch bản 17-1-1974 ở Hoàng Sa. Các đảo ở TS hiện do VN chiếm đóng sẽ trở về TQ.

VN hôm nay nếu đi kiện là thua chắc. Mà không làm gì hết thì các đảo TS cũng sẽ mất.

Việc này có thể "không nhằm nhò gì", nói như ông Hồ, ba cái đảo chim ỉa. TQ quản lý giúp thì có sao đâu?

VN hay Phi (và các nước khác) có thể quan niệm rằng các đảo TS (và HS) là các đảo đá (điều 121 khoản 3 UNCLOS), không có hiệu lực ZEE 200 hải lý. Đơn giản vì chúng không có nền kinh tế tự túc.

Nhưng TQ (và các nước khác) có thể có lập trường khác. Điển hình, đảo san hô Okino Tori Shima của Nhật bị ngập dưới nước, họ đòi 200 hải lý vùng ZEE. Nhật đòi được sao TQ không đòi được ? Đó là chưa nói đến các trường hợp các đảo nhỏ của Pháp và các nước khác.

Biển Đông vì vậy cũng mất về tay TQ.


samedi 2 janvier 2016

Nói về khủng hoảng nhân sự lãnh đạo trong đảng CSVN

Khủng hoảng về nhân sự trong đảng CSVN kỳ đại hội này có nhiều phần giống khủng hoảng nhân sự thời kỳ "hậu đổi mới".

Thời kỳ hậu đổi mới bắt đầu từ cuối nhiệm kỳ TBT của ông Nguyễn Văn Linh cho đến Hội nghị Thành Đô tháng 9 năm 1990.

Thời kỳ này, khối XHCN do LX lãnh đạo bị sụp đổ, nội bộ đảng CSVN phân vân giữa hai ngả đường : hòa với Mỹ để phát triển hay ngả về Tàu để bảo vệ thành trì XHCN.

Vấn đề "lựa chọn" đặt ra có vẻ đơn giản. Bởi vì sau 1975, VN đã đối đầu với TQ qua cuộc chiến biên giới 1979. Cuộc chiến "dạy cho VN một bài học" của Đặng Tiểu Bình không chấm dứt sau khi TQ rút quân về, mà tiếp tục dai dẵn trên vùng biên giới cho đến cuối năm 1989. Cùng lúc đối đầu với TQ ở biên giới phía bắc, phía tây nam VN mở cuộc chiến chống quân Polpot (được TQ hỗ trợ sau lưng). Tức quan hệ giữa hai bên VN và TQ là quan hệ kẻ thù không đội trời chung.

Trong khi đó, đối với Mỹ, sau cuộc chiến 1975 VN là kẻ thù không thể dung thứ. VN bị Mỹ cấm vận cho tới thập niên 90. Nên biết trong cuộc chiến chống Polpot, Mỹ đã cùng với TQ, vốn là hai phe đối nghịch về ý thức hệ, giúp cho Polpot để đánh VN. Tức là, VN vừa là kẻ thù của TQ, vừa là kẻ thù của Mỹ.

Việc lựa chọn bên nào để "giảng hòa" đều không đơn giản. Đi với phe nào cái giá phải trả đều rất đắt. Đi với Mỹ, đất nước chắc chắn sẽ phát triển, như Đài Loan, Hàn Quốc, nhưng chế độ chính trị phải thay đổi. Cái giá phải trả là dân chủ hóa chế độ. Còn đi với TQ, đảng CSVN sẽ được bảo đảm tồn tại, nhưng cái giá phải trả là đất nước thì phải sa vào vòng lệ thuộc (kinh tế và ý thức hệ).

Mọi người đều biết, phe chủ trương làm hòa với TQ thắng thế. Quyền lợi của đảng được đặt nặng hơn quyền lợi của đất nước.

Theo một số tài liệu, qua trung gian của Lê Đức Anh, lúc đó là Bộ trưởng bộ Quốc phòng, quan hệ được thiết lập với phía TQ. Nhờ đó Phạm Văn Đồng đã dẫn Nguyễn Văn Linh và Đổ Mười sang Thành Đô (thủ phủ Tứ Xuyên) để hội kiến với Giang Trạch Dân và Lý Bằng (vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990) để thương lượng việc bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước.

Hồi ký Trần Quang Cơ đã nói về hệ quả của Hội nghị Thành Đô ở vấn đề Campuchia. Việc nhượng bộ của VN ở vấn đề Campuchia chỉ là một phần của "gói điều kiện" để VN bình thường hóa với TQ.
Về chủ quyền lãnh thổ, hai bên VN và TQ nhìn nhận những sự việc đã xảy ra trong quá khứ thì không nhắc tới nữa. Điều này hàm ý, những vùng lãnh thổ mà TQ chiếm được của VN (trước 1990) thì không nhắc tới nữa. Chúng thuộc về TQ.

VN nhượng cho TQ những cao điểm, những vùng đất quan trọng về kinh tế và chiến lược, mà TQ đã chiếm được trong cuộc chiến biên giới (từ năm 1979 cho đến 1989). Trên biển thì VN nhìn nhận hành vi thụ đắc chủ quyền lãnh thổ (bằng vũ lực) của TQ tại một số bãi của VN tại TS (biến cố Gạc Ma 1988), cũng như mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS.  

Đổi lại, VN được TQ đồng ý thiết lập bang giao. Về chính trị, VN trở thành một phần tử của thành trì xã hội chủ nghĩa do TQ lãnh đạo.

Theo "chính sử", hiện nay có hai ý kiến. Phe thứ nhứt ủng hộ thái độ (dắt mối) của Lê Đức Anh. Phe này cho rằng nhờ Lê Đức Anh mà VN mới thoát khỏi "vùng xoáy của nước lớn". Phe thứ hai ủng hộ lập trường "hòa Mỹ" của Nguyễn Cơ Thạch. Phe này cho rằng hội nghị Thành Đô đã mở đầu nền Bắc thuộc mới.

Từ hôm nay nhìn lại, dĩ nhiên ta thấy ý kiến "hòa Mỹ" của Nguyễn Cơ Thạch có lợi cho đất nước và dân tộc hơn: đất nước được phát triển sớm hơn, với nhịp điệu nhanh chóng và chắc chắn hơn. Sự toàn vẹn lãnh thổ cũng được bảo toàn.

VN hiện nay đã trở thành thuộc địa (kiểu mới) của TQ. Về kinh tế, chỉ nhìn cán cân thương mãi luôn nghiêng về phía TQ (hàng năm khoảng trên 30 tỉ đô la) ta thấy được một phần của tảng băng. Hàng hóa của TQ tràn ngập VN. Hầu hết những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở ở VN đều do phía TQ trúng thầu. VN cũng ký kết nhiều hiệp ước bất bình đẳng với TQ, cho phép họ khai thác khoán sản (bô xít) bất kể thiệt hại môi trường...

Do lệ thuộc vào TQ mà VN không thể phát triển một cách bình thường như những nước khác trong khu vực.

Nguyễn Cơ Thạch xem lợi ích của đất nước và dân tộc là quan trọng, chủ trương hòa với Mỹ để đất nước phát triển và sinh tồn. Trong khi Lê Đức Anh chủ trương lệ thuộc vào TQ để đảng được sinh tồn.

Cái gọi là "vùng xoáy của nước lớn" không hề hiện hữu. LX (và khối XHCN) sụp đổ, VN "mồ côi" điểm tựa. Có hai đường để đi: lệ thuộc TQ hay hòa với Mỹ ? Lê Đức Anh (và ông Đồng, ông Mười) đã lựa chọn cho VN con đường tồi tệ nhứt.

Đại hội đại biểu toàn quốc diễn ra vào tháng 6 năm 1991, Đổ Mười được bầu làm Tổng bí thư, Võ Văn Kiệt làm thủ tướng. Năm sau, 9-1992, Lê Đức Anh lên làm chủ tịch nước.

Đổ Mười được bầu làm TBT đáng lẽ hai nhiệm kỳ. Nhưng khủng hoảng về nhân sự "cá đối bằng đầu" trong đảng thời kỳ này đã bộc lộ. Về sự nghiệp chính trị người nào cũng sàng sàng như nhau. Về công lao đóng góp không ai trội hơn ai. Họ tranh dành ngôi lãnh đạo bằng thủ đoạn, bằng phe nhóm quyền lực..., gọi chung là "bản lãnh chính trị" chớ không bằng tài năng kinh bang tế thế thật sự.
Đại hội VIII (tháng 6-1996) bầu Đổ Mười tiếp tục làm TBT, nhưng đến tháng 12-1997 (hội nghị lần thứ tư) thì họ Đổ bị Lê Khả Phiêu "lật".

Nghe nói nguyên nhân ông Phiêu "lật" được Đổ Mười là do nắm được "hồ sơ" Hội nghị Thành Đô 1990.

Lê Khả Phiêu lên TBT tháng 12-1997 (Hội nghị lần thứ tư, Đại hội TƯ VII). Nhưng đến tháng tư năm 2001, nhiệm kỳ TBT chưa đủ, Lê Khả Phiêu bị Đổ Mười trả thù, "lật" lại.

Cũng nghe nói Lê Khả Phiêu bị Đổ Mười (và Lê Đức Anh) hạ bệ bằng hồ sơ "bán đất nhượng biển". Nếu đúng vậy thì cũng (hơi) oan cho LK Phiêu. Các vụ "bán đất nhượng biển" này đều không có, vì qua hội nghị Thành Đô mấy ông PV Đồng, Đổ Mười và NV Linh đã "bán" rồi. Người ta không thể "bán" một vật đến hai lần. Ông Phiêu chỉ có "tội" là nhìn nhận có 3 vùng biển tranh chấp (trong đó có vùng biển TS).

Thời kỳ này, tranh chấp giữa "các ông cố vấn" sâu sắc đến nỗi không thể dàn xếp. Đổ Mười và Lê Đức Anh thân TQ, còn VV Kiệt (nghe nói) có khuynh hướng thân Mỹ. Nhưng chủ trương chung vẫn là thân cận với TQ.

Nông Đức Mạnh được các bên tranh chấp chọn làm TBT như là một giải pháp trung dung. Tiếp theo họ Nông, ông Nguyễn Phú Trọng cũng được "các ông cố vấn" lựa chọn như là giải pháp "kế thừa" đường lối thân TQ.

Giải pháp trung dung thực ra không phải là một giải pháp. Nó chỉ là việc "giữ nguyên trạng" sự nghiệp thân TQ, do mấy ông cố vấn xây dựng từ hội nghị Thành Đô.

15 năm qua, hai nhiệm kỳ họ Nông và một nhiệm kỳ NP Trọng, đất nước dặm chân tại chỗ (trong vòng ảnh hưởng của TQ).

Hội nghị XII, ảnh hưởng của các ông "cố vấn" đã tàn phai. Tranh chấp do khủng hoảng "cá đối bằng đầu" lần nữa lại bôc phát trong nội bộ đảng. Lần này xem ra mãnh liệt hơn kỳ trước. Kẻ lên voi, người xuống chó đã đành.

Nếu xét thế lực giữa cá nhân; các bên Sang, Trong, Hùng, Dũng; phe ông Dũng có phần trội, vì ông này đã ba nhiệm kỳ giữ chức thủ tướng. Trước đó ông này đã từng làm việc (thứ trưởng) bộ Công an, làm thống đốc ngân hàng. Ông này lại còn được thế lực của phe Lê Đức Anh chống lưng. Nhân sự trung ương (200 người), hơn 1/2 thân ông Dũng. Thế lực của phe ông Dũng, tương tự như mafia, nắm hầu hết các nguồn kinh tài trong đảng, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt con rắn đỏ là đảng cộng sản.

Nếu bầu TBT theo điều lệ đảng, chắc chắn Đại hội đại biểu toàn quốc (Đại hội TƯ) sẽ bầu cho ông Dũng.

Nhưng tâm lý "cá đối bằng đầu", tại sao mày mà không phải tao ? Ba ông còn lại, ông nào cũng muốn chiếc ghế TBT.

Do thế yếu, hai ông Sang và Hùng có khuynh hướng "liên minh" với ông Trọng. Ông Trọng đã thành công thay đổi một số điều lệ đảng, làm cho việc bầu bán không còn thuận lợi cho phía ông Dũng nữa. Ông Trọng còn đặt ra một số "tiêu chuẩn" như TBT phải là người miền Bắc, biết lý luận v.v... Phe ông Dũng cũng vậy, cho rằng TBT phải là người có dáng vẻ bề ngoài... Điều này cho thấy trí tuệ của các phe đều nông cạn. Họ phải làm những việc có thể ảnh hưởng đến tính "chính đáng" của người lãnh đạo.

Nói là liên minh, ông Sang (hay ông Hùng) đều có tính toán trong nước cờ. Nếu hai bên Trọng và Dũng đấu nhau, bất phân thắng bại thì ông Sang hay ông Hùng đều có thể là giải pháp.  

Vấn đề là, trong thời gian dài nắm quyền lực, ông Dũng đã gây nợ máu cho rất nhiều người. Nếu ông Dũng xuống thì tính mạng của ông, cũng như của con cái, thập chí cả giòng họ... sẽ không còn an toàn.

Ông Dũng vì vậy sẽ không bao giờ chấp nhận "xuống" một cách đơn giản như vậy.

Một giải pháp "trung dung" cũng khó mà thành hình. Chức vụ TBT, theo truyền thống đảng CSVN, không thể giao cho phe công an (TD Quang). TBT cũng không thể giao cho phe quân đội. Ở BCT, phe thân ông Dũng không có mấy người.

Vừa rồi có tin đồn TQ can thiệp vào nội bộ đại hội XII. Thực ra cả bốn ông, ông nào cũng thân TQ.
Vấn đề là hiện nay TQ đã làm quá lố, đến mưc không thể biện hộ được ở Biển Đông, như xây dựng các đảo nhân tạo. Mới đây lại cho máy bay quân sự ra thử phi đạo ở đá Chữ Thập. Sẽ không bao lâu TQ thôn tính các đảo khác thuộc TS để áp đặt vùng "nhận diện phòng không" ở Biển Đông.

Các ông Sang, Trọng, Hùng, Dũng cho dầu thân TQ đến cách mấy cũng không thể không mở miệng phản đối. Dầu gì trong đảng cũng có người đặt quyền lợi của đất nước lên trên.

Phe ông Dũng, mạnh miệng chống TQ hơn, nhưng mặc áo không qua khỏi đầu. Nói để cho sướng miệng, mát lòng người dân, như đều là giả dối.

Những phản đối của VN hiện nay là chỉ phản đối suông, làm cho có, như công hàm mới đây gởi LHQ nhằm phản biện lý lẽ công hàm của TQ gởi LHQ trước đó.  

Nhưng áp lực (và tham vọng) của TQ ở Biển Đông có thể làm thay đổi một vài ẩn số.

Ông Trọng tháng 7 vừa rồi có chuyến thăm Mỹ. Lần đầu tiên tổng thống Mỹ tiếp đón lãnh đạo đảng CSVN tại văn phòng Tòa Bạch ốc. Thông cáo chung hai bên cho thấy Mỹ sẽ tôn trọng thể chế chính trị của VN. Điều này cho thấy vấn đề thể chế không phải là một cản trở trong quan hệ hai nước. Tức là, nếu ông Trọng có ý muốn ngả về Mỹ thì người Mỹ có thể ủng hộ ông Trọng.

Vì vậy có lần tôi viết rằng, cũng có thể là điều tốt nếu để ông Trọng làm thêm 1/2 nhiệm kỳ TBT nữa để ông này hoàn tất công trình "hòa Mỹ" của ông. Có thể tôi nhận xét sai lầm về con người ông Trọng. Nhưng nếu đó là một giải pháp thì sẽ tốt hơn cho VN rất nhiều (nếu chức TBT giao cho ông Dũng). Vấn đề là đến bây giờ thì chưa thấy dấu hiệu nào từ ông Trọng để người ta tin tưởng vào công trình "hòa Mỹ" của ông.

Trên quan điểm quyền lợi của dân tộc và đất nước (như đã viết trong một status trước), giải pháp tốt nhứt cho VN hiện nay là đảng CSVN giải tán. Tứ trụ lập ra mỗi người một đảng. Hiến pháp viết lại để nền chính trị đa nguyên được áp dụng cho đất nước. Một đạo luật về "xá tội" để những người như ông Dũng yên tâm hoạt động chính trị. Người lãnh đạo sẽ có chính danh vì được người dân lựa chọn.

Còn nếu đứng trên quyền lợi của cá nhân, của đảng, của phe phái trong đảng... có thể Đại hội XII sẽ tìm ra một giải pháp trung dung vào tháng 6 năm 2016. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Vì mỗi lần tranh chấp nhân sự lãnh đạo là hiện tượng "cá đối bằng đầu" lại xảy ra. Không ai chịu ai. Người lãnh đạo không có tính chính danh. Cũng như đảng CSVN đã không còn tính chính đáng để tiếp tục vai trò lãnh đạo. Xã hội chờ ngày bùng nổ để các mâu thuẩn được giải quyết bằng bạo lực.