samedi 20 avril 2013

Về vấn đề Tự do ngôn luận.


Nghị viện Châu Âu vừa ra Nghị quyết bày tỏ sự lo ngại về các bản án nặng nề của chính quyền đối với các nhà báo và blogger Việt Nam. Nội dung Nghị quyết kêu gọi chính quyền Hà Nội sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều luật bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí. 

Tôi nhiệt liệt hoan nghênh nghị quyết của Nghị viện Châu Âu. Nhưng đó là việc trong nước.

Ngoài nước thì sao ?

Tôi cũng lên tiếng kêu gọi các cơ quan truyền thông, báo chí tiếng Việt ở nước ngoài, các trang Blogs của cá nhân hay của các tổ chức chính trị… cũng nên tạo điều kiện cho các tiếng nói khác được có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình.

Tự do ngôn luận là một quyền tự do cơ bản của cá nhân. Quyền này chỉ có thể được thể hiện nếu mọi người có cùng cơ hội như nhau trong việc sử dụng quyền ngôn luận của mình.

Các trang Web BBC, RFA, RFI, VOA… thường phê bình báo chí trong nước chỉ đăng tải những tin tức mà đảng và nhà nước cho phép. Lời chê trách này chỉ có giá trị khi bản thân họ cũng tạo điều kiện cho những « ý kiến khác » có cùng cơ hội với những ý kiến đã được đăng tải. Mà điều này rất hiếm khi xảy ra. Nhân danh bảo vệ « quyền ngôn luận », những cơ quan, những trang Web này đôi khi trở thành vũ khí bóp chết quyền tự do ngôn luận. Tệ hơn, khi việc « thông tin – information » trở thành « phản thông tin – désinformation ».

Trên tinh thần bình đẳng về cơ hội - kể cả cơ hội được phát biểu - một ý kiến về một vấn đề chung, hay một việc có liên quan đến nhiều người trong cộng đồng, nếu đã đăng tải thì các ý kiến phản biện cũng có quyền được đăng tải để mọi người biết đến.

mercredi 17 avril 2013

Công nhận VNCH vì chủ quyền biển đảo ?



Bài viết « công nhận VNCH vì biển đảo ngày nay » trên BBC có nhiều điều cần được thảo luận lại.

1/ « Công nhận » VNCH ở cái gì ?

Theo nội dung bài viết, công nhận ở đây là công nhận « VNCH từng là một quốc gia ». Cũng theo các tác giả : Cộng hòa Miền Nam Việt Nam « là một quốc gia ».

Việc « công nhận quốc gia » là quan trọng trong quan hệ quốc tế, vì nó xác định sự hiện hữu (tư cách pháp nhân) một quốc gia trên sân khấu quốc tế. Thủ tục công nhận thể hiện bằng việc « thiết lập bang giao », qua các việc trao đổi lãnh sự, ký kết các hiệp ước, hay bằng một tuyên bố đơn phương giữa các quốc gia. Việc công nhận quốc gia là các bên chấp nhận các yếu tố đặc thù về công dân, về lãnh thổ và về chính phủ của các bên.

Trên tinh thần này thì nhà nước VNDCCH, tức nhà nước tiền nhiệm của CHXHCNVN, chưa bao giờ « công nhận » VNCH (chưa nói đến việc VNCH có là « quốc gia » hay không). Hai miền Nam, Bắc là hai đối thủ thù nghịch nhau trong cuộc nội chiến 54-75, chưa bao giờ có thiết lập quan hệ ngoại giao mà chỉ có đối đầu bằng súng đạn.

Mặt khác, nước CHXHCNVN cũng không thể bây giờ mới « công nhận » VNCH là một quốc gia. Đơn giản vì người ta không thể công nhận cái đã không còn hiện hữu.

2/ Vấn đề « lãnh thổ » và « quốc gia » :

Các tác giả cho rằng :

« chiến lược khả thi hơn cho lập luận pháp lý của Việt Nam cần dựa trên điểm then chốt là từ năm 1958 đến 1976 có hai quốc gia khác nhau trên đất nước Việt Nam. »  

Có phải từ 1958 đến 1976 có hai quốc gia khác nhau trên đất nước VN ?

Hiệp định Genève 1954 qui định nước VN là một nước độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Sông Bến Hải (vĩ tuyến 17°) chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời, không phải là đường ranh giới về lãnh thổ hay chính trị.

Hiệp định Genève qui định một nước VN duy nhứt, phân chia thành hai vùng lãnh thổ, mỗi bên quản lý vùng đất của mình. Hiệp định không hề nói đến « hai quốc gia ».

Cũng không thấy trong khoản thời gian 54-75, hai bên VNDCCH và VNCH có ý định trở thành quốc gia « độc lập ».

Theo tập quán quốc tế, một vùng lãnh thổ có thể trở thành một « quốc gia », nếu hội đủ một số điều kiện. Tiên quyết là ý chí của dân chúng sống trong vùng lãnh thổ này có muốn trở thành một quốc gia độc lập hay không ? (Nguyên tắc dân tộc tự quyết).

Có nhiều thí dụ về sự thành hình quốc gia từ một vùng lãnh thổ. Trường hợp quốc gia ly khai thành quốc gia mới (Tiệp và Khắc), hay trường hợp các nước trong Liên Xô cũ, là các vùng lãnh thổ được độc lập do ý nguyện của người dân. Đài Loan, vùng lãnh thổ này cũng muốn trở thành quốc gia độc lập dưới thời Trần Thủy Biển nhưng không thành. (Việc này khiến TQ đặt ra luật « chống ly khai »). Hay dân tộc Palestine hiện nay đang tranh đấu để được nhìn nhận là một quốc gia v.v… là các thí dụ cụ thể về sự thành hình của quốc gia.

Dân chúng hai miền Nam, Bắc VN chưa bao giờ bày tỏ ý muốn để trở thành một « quốc gia » độc lập. Thái độ của hai chính phủ luôn tôn trọng nguyên tắc « một quốc gia ». Thí dụ : VNDCCH không gia nhập các định chế quốc tế thuộc LHQ mà phía VNCH đã gia nhập. Cộng đồng quốc tế cũng tôn trọng nguyên tắc này : quốc gia công nhận miền này thì không công nhận miền kia tại LHQ.

Các tác giả dẫn trường hợp Nam và Bắc Hàn, cho rằng hai nước này là hai « quốc gia ». Điều này không đúng.

Hai miền Nam và Bắc Triều Tiên cùng gia nhập LHQ cuối năm 1991, theo đề nghị của Gorbachev, vì cục diện thế giới thay đổi. Cộng đồng quốc tế có thói quen xem hai miền là hai « quốc gia », nhưng thực tế không phải vậy. Hai xứ này cùng gia nhập LHQ trên tinh thần của Kết ước « Hòa giải và hợp tác » ký giữa hai miền ngày 13-12-1991. Lời mở đầu của kết ước khẳng định các quan hệ hai bên không phải là quan hệ giữa « quốc gia », mà chỉ là một quan hệ tạm thời trong tiến trình thống nhứt đất nước.

Việc có phải là « quốc gia » hay không là một vấn đề thuộc về pháp lý, là « nguyện vọng » của dân chúng sinh sống trong vùng lãnh thổ cũng như sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế.

Thực tế chỉ có một quốc gia VN nhưng có hai cách nhìn: cách nhìn cộng sản VNDCCH là nhà nước chính thống. Cách nhìn tư bản tự do VNCH là nhà nước chính thống.

Không thể có « hai quốc gia VN » bằng việc « tự lựa chọn » hay tự « công nhận » lẫn nhau như các tác giả nhận định.

Một vấn đề nhỏ khác về từ ngữ : Các tác giả cho rằng hiệp định Genève đã tạo nên « một lãnh thổ, hai quốc gia ».

Người ta sử dụng từ « lãnh thổ » để chỉ một cộng đồng dân tộc sinh sống trên một vùng đất (lãnh thổ), có nền kinh tế riêng, có « chính phủ » riêng nhưng không được công nhận là « quốc gia ». Trường hợp Palestine hoặc Đài Loan, Hồng Kông trong Tổ chức APEC, là các thí dụ.

Không ai nói « một lãnh thổ, hai quốc gia » mà chỉ nói « một quốc gia, hai vùng lãnh thổ ».

3/ Phải chăng « Hà Nội đã công nhận rằng Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một quốc gia » ?

Không có bằng chứng nào cho thấy việc « công nhận » này đã thể hiện. Nhưng có thể quốc tế đã nhìn nhận sự hiện hữu hai « quốc gia » VNDCCH và CHMNVN. Việc này có thể kiểm chứng qua việc cả hai bên VNDCCH và CHMNVN cùng được chấp nhận gia nhập Tổ chức Y tế Quốc tế (OMS). Các định chế quốc tế thuộc LHQ, như OMS, chỉ nhận thành viên có tư cách pháp nhân là « quốc gia ». 

VNDCCH « công nhận » CHMNVN là một « quốc gia », với những thủ tục ngoại giao cần thiết bắt buộc, với việc quốc tế có thể nhìn nhận hai bên là « quốc gia », là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt.

4/ Về việc VNCH không chấp nhận thực hiện tổng tuyển cử vào năm 1956 :

Sau hiệp định Genève 1954, VN chia hai đất nước. Tháng 3 năm 1956 phía CS miền Bắc lên tiếng, qua đài phát thanh Bắc Kinh, yêu cầu thực thi việc « thống nhứt đất nước » qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Cùng khoản thời gian, hai nước Triều Tiên và Đức cũng đặt vấn đề « thống nhứt đất nước ». Phía Tây Đức và Nam Hàn lên tiếng đề nghị « thống nhứt đất nước » bằng một cuộc đầu phiếu tự do.

Các nước thuộc khối cộng sản bác bỏ các đề nghị này ở Nam Hàn và Tây Đức nhưng lại ủng hộ ở Việt Nam.

Cuối cùng không có nước nào thực hiện việc « thống nhứt đất nước » theo đường lối trưng cầu dân ý.
Bởi vì, khi VN chia hai đất nước, dân số miền Bắc là 13 triệu, miền Nam là 11 triệu. Chính quyền ông Diệm từ chối vì thấy chắc thua (mặt khác chính quyền này không chỉ không ký mà còn phản đối hiệp định Genève, do đó không bị nội dung hiệp định này ràng buộc). Còn ở Đông Đức và Bắc Hàn, dân số phía CS kiểm soát ít hơn, do đó họ phản đối.

Việc « trưng cầu dân ý » trở thành một « dấu ngoặc » của lịch sử, không thể dẫn ra đây để kết tội vì phía miền Nam mà việc chia đôi đất nước kéo dài. Người ta cũng có thể đặt lại vấn đề vì sao miền Bắc đồng ý chia đôi đất nước ? 


Tại tòa, việc giải thích hiệu lực công hàm 1953 của Johor chiếm một thời lượng lớn, từ đoạn 192 đến đoạn 230 trong bản ghi chép về phiên xử. Cần phải có một bài viết riêng mới có thể nói hết các ý nghĩa pháp lý của công hàm. Vài đoạn quan trọng :

Đoạn 223 : « La Cour en conclut que la réponse du Johor montre que, en 1953, celui-ci considérait que la souveraineté sur Pedra Branca/Pulau Batu Puteh ne lui appartenait pas » - Tòa kết luận, văn bản trả lời của Johor năm 1953 cho thấy chủ quyền đảo Pedra Branca không thuộc về nước này.
Đây là yếu tố pháp lý quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định của Tòa.

Đoạn 275 : Kết luận của Tòa. Tòa cho rằng công hàm « có tầm quan trọng quyết định ».

Các tác giả viết :

“Công hàm 1953 không có hệ quả pháp lý mang tính quyết định và không có tính chất ràng buộc cho Johor”

Là không đúng với thực tế của phán quyết.

ba ý kiến khác nhau về một vấn đề trước Tòa : bên bị, bên nguyên và ý kiến của tòa. Không thể trích dẫn ý kiến bên này mà bỏ qua các ý kiến khác như các tác giả đã làm. Nếu muốn trích dẫn như vậy, hợp lý là trích dẫn ý kiến chung cuộc của Tòa.

7/ Công nhận VNCH hay kế thừa di sản VNCH ?

Thái độ nhìn nhận VNCH là một quốc gia của các tác giả là một thiện ý cần được đón nhận. Đề nghị không nên thay đổi tên nước trở lại VNDCCH cũng là một ý kiến đúng, trước đây nhiều người đã nói. Nhưng các thực thể chính trị VNDCCH, VNCH, CHMNVH không phải là “quốc gia”, như qui định của Hiệp định Genève, cũng như lập trường của các bên và thái độ của quốc tế thể hiện trong quá khứ. Gượng ép nhìn nhận VNCH và VNDCCH là hai quốc gia sẽ làm thay đổi bản chất lịch sử của cuộc chiến. Cuộc nội chiến của VN sẽ trở thành chiến tranh xâm lược của VNDCCH.

Người ta không thể thay đổi quá khứ nhưng tương lai tùy thuộc vào việc làm của mình hôm nay.
Nước VN hiện nay không thể “công nhận” VNCH, nhưng có thể “kế thừa” di sản của nó. Vấn đề là “kế thừa” như thế nào ? Bài viết ở đây là một đề nghị.


lundi 15 avril 2013

Nhắc lại tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear.


Hai nước Thái Lan và Cam Bốt lại lần nữa ra Tòa án CIJ (Tòa án Công lý quốc tế - Cour International de Jutice) vào ngày 15-4 năm 2013 về vấn đề ngôi đền Preah Vihear. Đây không phải là một vụ xử thông thường mà Tòa chỉ giải thích lại nội dung của phán quyết 1962 theo yêu cầu của Cam Bốt. (Tòa CIJ đã xử vụ tranh chấp Preah Vihear từ năm 1962, theo đó ngôi đền thuộc chủ quyền của Cam Bốt).

Cam Bốt đã đệ đơn lên Tòa từ ngày 28-4-2011. Theo thông cáo báo chí của CIJ, phiên tòa sẽ kéo dài trong 4 ngày, từ 15-17-18-19 tháng 4 năm 2013. Nguyên nhân Cam Bốt yêu cầu Tòa giải thích lại phán quyết năm 1962 là vì phía Thái Lan cho rằng phán quyết này chỉ nói đến chủ quyền của ngôi đền mà không nói đến chủ quyền vùng đất chung quanh (diện tích 4,5 km² - xem bản đồ 3a). Trong khi đó phía Cam Bốt cho rằng Tòa đã tuyên án ngôi đền thuộc về nước này, dựa lên bản đồ phân định biên giới do Pháp thiết lập năm 1907, theo đó ngôi đền và vùng đất (mà Thái dành) đều thuộc về Cam Bốt (xem bản đồ 3a).

Tranh chấp « rẻo đất » này không phải chỉ bắt đầu từ khi ngôi đền này được UNESCO nhìn nhận là « di sản văn hóa của thế giới » năm 2008, mà nó đã bắt đầu ngay sau khi CIJ tuyên bố phán quyết. Quần chúng Thái Lan lúc đó đón nhận tin CIJ xử Cambogde thắng kiện với sự phẫn nộ. Bởi vì, vùng đất hữu ngạn sông Cửu Long, tức gồm các tỉnh Battambang, Sisophon và Siemreap (bao gồm khu vực ngôi đền) đã thuộc về Thái Lan, theo hiệp ước ký với Pháp ngày 15 tháng 6 năm 1867. Vùng đất này mất lại vào tay Pháp năm 1993, nhưng sau đó Thái lấy lại được trong thời gian Thế chiến II (1941) do dựa vào thế lực của Nhật. Sau khi Nhật thua trận, Thái phải trả lại vùng đất này năm 1946. Trong một mức độ nào đó, người Thái nghĩ rằng có quyền « lịch sử » đối với vùng này.

Rẻo đất tranh chấp rất quan trọng cho phía Cam Bốt vì ngôi đền tọa lạc trên cao, từ phía Cam Bốt không có đường lên vì là dốc thẳng đứng. Không có phần đất này thì phía Cam Bối không thể lên đền được. Trong khi giá trị của khu vực đất này đối với Thái Lan chỉ là tượng trưng, nặng về chính trị và thể diện hơn là giá trị kinh tế.
Để đoán kết quả vụ xử thế nào, ta có thể xét lại lịch sử tranh chấp giữa hai bên cùng hồ sơ vụ án CIJ 1962.

1. Ngôi đền Preah Vihear :

Ngôi đền Preah Vihear tọa lạc trên mỏm núi cao 625 mét, nhìn xuống bình nguyên Kampuchia, thuộc rặng núi Dang Rek (là biên giới giữa hai nước Thái-Miên đã được phân định theo các hiệp ước Pháp-Thái 1904 và 1907 về phân định biên giới, sẽ nói bên dưới), tọa độ kinh độ 14°23’ 18° đông, vĩ độ 104°41’ 02° bắc, cách Nam Vang khoảng 400 km về hướng bắc và cách đền Angkor Vat khoảng 140 km về hướng đông-bắc. Khu vực đền Preah Vihear tập hợp nhiều kiến trúc, có diện tích khoảng 20 héc-ta, xây dựng theo chiều dài như hình 1a và 1b. Theo các nhà khảo cổ, ngôi đền được xây dựng, sau đó được tu bổ và sửa chữa, khoảng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 12. Những ghi chú (bằng chữ Phạn và chữ Khmer) trên các tấm bia ở trong đền cho thấy các triều đại có đóng góp vào việc xây dựng và trùng tu là các triều đại Yacovaraman (889-910), Suryavarman I (1002-1049) và Suryavarman II (1112-1162). Đây là một di dản văn hóa lớn của nhân loại, được UNESCO công nhận từ năm 2008. Ngôi đền có kiến trúc đặc sắc văn minh Ấn Độ, thờ thần Shiva (Ấn Độ Giáo) sau trở thành chùa Phật giáo. Kiểu mẫu kiến trúc đền này được xem như là tiền thân của các kiến trúc được xây dựng hàng thế kỷ sau như ở Angkor Vat, là những thể hiện sự huy hoàng của nền văn minh Khmer. Hiện nay đền được gọi qua hai tên : tên Khmer là Preah Vihear, tên Thái là Khao Phra Viharn, cùng có nghĩa là « đền thờ thánh ». Đền thuộc tỉnh Preah Vihear (Kampuchia), tiếp giáp với tỉnh Sisaket (Thái Lan) phía đông bắc.

Từ phía Kampuchia, địa hình mỏm núi rất cheo leo, vách đá hình thẳng đứng, từ đây lên đền thiêng rất khó khăn, vì đường đi là một con đường hẹp, chênh vênh đẻo vào núi đá thành từng bậc thang, rất nguy hiểm. Về phía Thái Lan thì địa hình thoai thoải theo dốc lài, do đó từ phía Thái Lan lên đền thiêng rất dễ dàng. Từ 2008, sau khi ngôi đền được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và lịch sử của nhân loại thì từ phía Kampuchia, một con đường làm bằng những bậc thang gỗ từ đồng bằng lên đến đền. Xem hình 2.

Preah Vihear 1

Hình 1a : Quần thể đền Preah Vihear.

Preah Vihear 1c

Hình 1b : quần thể Preah Vihear nhìn từ một góc khác.

Preah Vihear 1d

Hình 2 : đường dẫn bằng cầu thang gỗ, mới làm sau năm 2008, từ phía Kampuchia lên đền.

2/ Sơ lược lịch sử : Khmer dưới thời bảo hộ của Pháp.

Năm 1856 vua Ang Duong thỉnh cầu được sự bảo hộ của Pháp. Từ đó Pháp đại diện cho vương quốc Khmer trong các lãnh vực đối ngoại và đối nội.

Pháp đại diện Khmer ký kết hiệp ước đầu tiên với Xiêm vào ngày 15 tháng 6 năm 1867, buộc Xiêm phải từ bỏ quyền « thuợng quốc » đối với Khmer (tương tự Hòa ước Thiên Tân giữa Pháp và nhà Thanh về Việt Nam năm 1885). Nhưng Pháp phải nhượng cho Xiêm các tỉnh Battambang, Sisophon và Siemreap.

Sau khi đặt được nền hành chánh thực dân tại Nam Kỳ và bảo hộ tại Bắc Kỳ, năm 1893, do nguyên nhân quân Xiêm vượt sông Cửu Long tiến chiếm đất Lào, Pháp đưa chiến thuyền uy hiếp Bangkok. Việc này đưa đến hòa ước Pháp-Xiêm ngày 3 tháng 10 năm 1893. Theo đó, ở phía Lào, Xiêm phải từ bỏ mọi tham vọng về lãnh thổ ở phía tả ngạn sông Cửu Long; phía Cambodge thì trả lại cho Khmer các tỉnh hữu ngạn sông Cửu Long, tức vùng lãnh thổ đã nhượng cho Thái Lan từ năm 1867. Hòa ước này cũng dự trù một công trình phân định biên giới giữa Thái và Đông Dương.

Tiếp nối hệ quả của hòa ước 1893, hai thỏa ước về biên giới ngày 7 tháng 10 năm 1902 và ngày 13 tháng giêng 1904 được ký kết. Việc cắm mốc được thực hiện trên thực địa năm 1907 qua một công ước phân định biên giới.

Đường biên giới khu vực ngôi đền Preah Vihear “là đường phân thủy của rặng núi Dang Rek”, tức đường phân chia lưu vực Biển Hồ và sông Mekong với lưu vực sông Nam Meun, theo như đồ tuyến đã được chấp nhận của ủy ban phân định ngày 16 tháng giêng năm 1907.

Một sơ đồ đường biên giới được mô tả ở trên được đính kèm theo đây (hình 3 và hình 3a).

Preah Vihear 3

Hình 3 : Bản đồ phân định đính kèm hiệp ước 16 tháng giêng năm 1907 do hai ủy ban « Bernard » và « Monguers » thực hiện từ 1903 đến 1907.

Preah Vihear 3a

Hình 3a : Khu vực ngôi đền Preah Vihear và đường biên giới trong khu vực được họa theo bản đồ đính kèm công ước.

Preah Vihear 2

Hình 4 : Góc bản đồ khu vực Preah Vihear, có ghi độ cao các chỏm núi. Khu đền được xây dựng ở đỉnh cao nhất.

Việc nhìn nhận đường biên giới, cũng như việc trả lại 3 tỉnh cho Cambodge, được hai bên khẳng định lại qua các hiệp ước Pháp-Xiêm ngày 14 tháng 2 năm 1925, hiệp ước Pháp-Xiêm về Đông Dương ngày 25 tháng 8 năm 1926 và hiệp ước hữu nghị Pháp-Xiêm ngày 7 tháng 12 năm 1937.

3/ Tranh chấp đền Preah Vihear

Năm 1937 Thái ký kết ước « liên minh » với Nhật được ký năm 1937. Quần chúng cũng như chính giới Xiêm, khai sinh một phong trào dân tộc chủ nghĩa, với tham vọng đòi lại những lãnh thổ đã « nhượng » cho Pháp theo các kết ước trước đó. Tên nước được đổi thành Thailande (1937. Thế chiến thứ II bùng nổ, tháng 10 năm 1940, Thái lên tiếng đòi lại toàn bộ lãnh thổ hai nước Lào và Cam Bốt. Tháng giêng năm 1941 bùng nổ cuộc chiến Pháp-Thái. Quân Thái thua trận, nhưng Nhật lên tiếng can thiệp và đóng vai trung gian, hai bên Pháp và Thái ký hiệp ước tại Tokyo ngày 9 tháng 5 năm 1941. Pháp phải nhượng cho Thái các tỉnh Battambang, Siemreap, Kompong Thom, Pursat và Strung Treng (thuộc Cam Bốt) cũng như vùng hữu ngạn sông Cửu Long (thuộc Lào). Nhưng sau đó Nhật đầu hàng, Thái Lan phải trả lại cho Pháp những vùng đất đã chiếm trong thời gian Thế chiến thứ II, theo thỏa ước Pháp-Thái ký tại Washington ngày 17 tháng 12 năm 1946.

Phía Thái Lan bắt buộc phải trả lại đất các tỉnh đã chiếm năm 1941 cho Khmer, nhưng tại khu vực ngôi đền Preah Vihear thì quân Thái vẫn không chịu rút đi, mặc dầu bộ ngoại giao Pháp có can thiệp hai lần vào năm 1949. Cam Bốt được Pháp trả độc lập ngày 3 tháng 12 năm 1953. Đầu năm 1954, bộ ngoại giao Cam Bốt bắt đầu gởi công văn chính thức phản đối Thái Lan về vấn đề ngôi đền. Việc tranh chấp hai bên Thái-Miên về chủ quyền ngôi đền trở nên gay gắt hơn vào năm 1955 khi phía Khmer tuyên bố trung lập. Phía Thái cho rằng quyết định của Khmer đã trở thành một đe dọa an ninh của Thái. Biên giới Thái vì thế được quân sự hóa.

Tháng 3 năm 1956, Sihanouk đề nghị đưa việc tranh chấp ngôi đền trước một trọng tài quốc tế.

4/ Trọng tài quốc tế :

Rốt cục vấn đề tranh chấp được phía Cambodge đưa đưa ra Tòa án Quốc tế ngày 6 tháng 10 năm 1959. Hồ sơ có mã số CIJ 65.
Nguyên văn vụ xử ngôi đền Preah Vihear ngày 15 tháng 6 năm 1962 được ghi lại, những đoạn quan trọng, như sau (nguồn : CIJ) :

a) Với 9 phiếu trên 3, Tòa phán rằng ngôi đền Preah Vihear tọa lạc trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của Cambodge. Vì vậy Thái Lan phải cho rút đi các lực lượng quân sự hay cảnh sát, hay những người canh gác đã được bố trí tại ngôi đền, hay ở các khu vực chung quanh, thuộc lãnh thổ Cambodge.

b) Với 7 phiếu trên 5, Tòa phán rằng Thái Lan phải trả lại cho Cambodge những bức tượng, các bia đá, những bộ phận rời thuộc về ngôi đền, những kiểu mẫu bằng sa thạch và đồ gốm cổ, đã có thể bị phía nhà chức trách Thái lấy ra khỏi đền, hay khu vực đền, trong lúc ngôi đền bị Thái chiếm đóng từ năm 1954.

CIJ đã lý luận như sau :

Ngôi đền cổ Preah Vihear ở trong tình trạng hoang phế, tọa lạc trên một mỏm núi thuộc rặng Dangrek mà rặng núi này là biên giới giữa hai nước Thái Lan và Cambodge. Mối tranh chấp có nguyên nhân từ việc phân định biên giới bắt đầu từ năm 1904 đến năm 1908 giữa nước Pháp, đại diện Đông Dương, và nước Xiêm. Việc phân định này chiếu theo công ước ngày 13 tháng 2 năm 1904. Công ước này đã thiết lập một cách tổng quát một đường biên giới, đường này sẽ được xác định chính xác bởi một ủy ban phân định hỗn hợp Pháp-Thái.

Ở khu vực có ngôi đền Preah Vihear, đường biên giới phải theo đường phân thủy. Theo thỏa thuận từ buổi họp ngày 2 tháng 12 năm 1906, để xác định đường phân thủy, ủy ban hỗn hợp phải tìm hiểu trên thực địa, qua một cuộc hành trình đi dọc theo đường sống núi của rặng Dangrek. Một trắc địa viên người Pháp cùng tháp tùng để ghi nhận địa hình toàn vùng phía đông của rặng núi. Điều không nghi ngờ là các vị chủ tịch của các ủy ban Pháp và Xiêm đã làm cuộc hành trình này và những người này cũng đã có thể thăm viếng ngôi đền. Vào các tháng giêng – tháng hai năm 1907, ủy ban Pháp đã báo cáo lên chính phủ của họ rằng đường biên giới đã hoàn toàn được phân định. Như thế đường biên giới đã được xác định, cho dầu không tìm thấy dấu vết nào về một quyết định, hay một ghi nhận bất kỳ liên quan rặng núi Dangrek trong các biên bản được thành lập sau ngày 2 tháng 12 năm 1906. Lúc ủy ban nhóm họp để kết thúc công trình phân giới, mọi người đã chỉ tập trung vào kết luận về một hiệp ước khác, liên quan biên giới Pháp-Xiêm, tức hiệp ước ngày 23 tháng 3 năm 1907.

Việc cuối cùng của công trình phân định là việc làm bản đồ. Nhà nước Xiêm, vì không có phương tiện lỷ thuật, đã yêu cầu nhân sự phía Pháp để thành lập các bản đồ vùng biên giới. Các bản đồ đã được một ê kíp người Pháp hoàn tất vào xuân năm 1907, trong đó có nhiều người thuộc ủy ban hỗn hợp. Ê kíp này đã thường xuyên quan hệ với nhà nước Xiêm trong năm 1908. Một tấm bản đồ của ê kíp này (sau khi thiết lập) đã giao cho nhà nước Xiêm, theo đó đền Preah Vihear nằm trên lãnh thổ Khmer. Tấm bản đồ này cũng tài liệu I (hình 3 và hình 3a) đính kèm hồ sơ, đã được phía Cambodge làm căn bản để đòi hỏi chủ quyền ngôi đền. Ở điểm này phía Thái phản biện, vì bản đồ không do ủy ban hỗn hợp thiết lập, do đó nó không có giá trị bắt buộc ; tấm bản đồ vẽ đường biên giới không phù hợp với đường phân thủy, mà đáng lẽ đường (phân thủy) này để dành ngôi đền về phía Thái ; tấm bản đồ này cũng chưa hề được phía Thái công nhận, hoặc giả nếu có, là do phía Thái Lan tưởng rằng đường biên giới đã vẽ đúng theo đường phân thủy.

Tấm bản đồ I kèm theo chưa bao giờ được công nhận bởi ủy ban hỗn hợp. Ủy ban này đã ngừng hoạt động từ nhiều tháng trước khi tấm bản đồ I được thiết lập. Người ta có thể hoài nghi việc tấm bản đồ này đã được những trắc địa viên sử dụng làm căn bản trong khu vực núi Dangrek và Tòa cho rằng, nguyên thủy, tấm bản đồ này không có tính bắt buộc. Nhưng mọi người đã thấy, trong hồ sơ phân định, bộ bản đồ đã chuyển lên chính phủ Thái như là kết quả của công trình phân định biên giới. Nhà cầm quyền Thái đã không có phản ứng nào (về các tấm bản đồ này) từ thời kỳ đó, cũng không có phản ứng nào trong nhiều năm sau. Người ta phải kết luận rằng nó đã được sự chấp nhận chính phủ Thái. Nếu phía Thái đã chấp nhận tấm bản đồ đính kèm I mà không làm các cuộc nghiên cứu, thì bây giờ họ không thể vịn vào lỗi lầm này để làm vô hiệu điều mà họ đã chấp thuận.

Nhà nước Xiêm, sau đó là Thái Lan, đã chưa bao giờ đặt vấn đề về bản đồ đính kèm I trước năm 1958, là lúc hai bên Thái và Cambodge đã mở những cuộc thuơng thảo về chủ quyền ngôi đền. Trong khi đó, vào các năm 1934-1934, một cuộc trắc địa đã cho thấy có sự khác biệt giữa đường phân thủy trên thực tế và đồ tuyến biên giới trên bản đồ I. Một số bản đồ khác đã được thiết lập, trong đó đặt ngôi đền thuộc lãnh thổ Thái Lan. Nhưng phía Thái Lan vẫn tiếp tục sử dụng, thậm chí in ra, những tấm bản đồ theo đó ngôi đền Preah Vihear thuộc về phía Cambodge. Mặt khác, trong khoảng thời gian thuơng thuyết về hiệp ước Pháp-Xiêm 1925 và 1937, mà các hiệp ước này khẳng định hiệu lực của đường biên giới, hoặc là vào năm 1947, trước ủy ban hòa giải Pháp-Xiêm tại Washington, đáng lẽ phía Thái đã đặt lại vấn đề này, thì họ đã không làm gì cả. Kết luận lại, như thế Thái Lan đã chấp nhận đường biên giới như đã vẽ trong bản đồ I, cho dầu nó có phù hợp hay không phù hợp với đường phân thủy của rặng Dangrek. Phía Thái Lan đã tuyên bố rằng, trong mọi thời kỳ tranh chấp, vì đã chiếm hữu trên thực tế ngôi đền, do đó Thái không cần phải đặt lại vấn đề này. Việc chiếm hữu và hành sử chủ quyền trên thực tế là những bằng chứng rằng phía Thái Lan chưa bao giờ chấp nhận đường biên giới theo như bản đồ I. Nhưng Tòa cho rằng, sẽ khó chấp thuận các hành động này, đến từ các chính quyền địa phương, vì nó phủ nhận thái độ của chính quyền trung ương. Hơn nữa, vào năm 1930, lúc hoàng thân Damrong (bộ trưởng bộ Nội Vụ Thái), lúc thăm viếng ngôi đền, đã được sự tiếp đón chính thức của giới chức Pháp phụ trách địa phương của Cambodge, dịp này Thái Lan đã không có thái độ nào.
Vì vậy Tòa cho rằng phía Thái Lan đã thực sự nhìn nhận tấm bản đồ I. Cho dầu còn hiện hữu một hoài nghi về việc này, nhưng bây giờ Thái Lan không thể phủ nhận cái mà họ đã ký nhận trước đó, bởi vì Pháp và Cambodge đã tin cậy vào nó, cũng như phía Thái Lan đã hưởng được những lợi ích mà công ước 1904 dành cho nước này trong vòng 50 năm. Mặc khác, sự ký nhận này bao hàm luôn tấm bản đồ I, như những điều ước khác. Vào thời kỳ đó hai bên có thỏa thuận về cách diễn đạt ý nghĩa của các điều ước, theo đó đường biên giới vẽ trên bản đồ sẽ mạnh hơn ý nghĩa diễn tả trong công ước. Trong khi đó, không có gì cho thấy rằng hai bên ký kết có sự chú ý đặc biệt đến đường phân thủy, cho dầu bản thân đường này thể hiện một sự quan trọng cực kỳ cho hai bên trong việc xác định đường biên giới. Tòa cho rằng ý nghĩa của nó hôm nay vẫn không thể khác.

Vì vậy, Tòa cho rằng, trong vùng tranh chấp, đường biên giới là đường xác định trên bản đồ I và sẽ không cần thiết để tìm hiểu là đường biên giới này có phù hợp với đường phân thủy hay không.

Vì những lý lẽ này Tòa phán quyết thắng kiện cho bên Cambodge về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear.

4. Vấn đề tranh chấp Preah Vihear từ sau vụ phân xử đến nay.

Quần chúng Thái Lan đón nhận tin CIJ xử Cambogde thắng kiện với sự phẫn nộ. Theo họ, nguyên nhân việc thua kiện là do những người có trách nhiệm đã không coi là quan trọng việc đưa ra tòa CIJ của phía Cambodge. Để xoa dịu dân chúng, nhiều tướng lãnh lên tiếng cho biết sẽ « không bao giờ trả ngôi đền lại cho Cambodge » hay « mỗi tất đất của Thái Lan sẽ được bảo vệ bằng mọi giá, kể cả bằng xương máu của chúng ta… »

Thái âm thầm rút khỏi Preah Vihear từ ngày 15 tháng 7 năm 1962 nhưng phải đến đầu năm 1963 thì quân đội Cambodge mới bắt đầu tiếp quản ngôi đền này.

Nhà nước Thái giải thích cho dân chúng việc phải rút bỏ Preah Vihear vì các lý do từ điều 94 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc : 1/ Tất cả các nước thành viên của LHQ cam kết tuân thủ các phán quyết của CIJ trong mọi tranh chấp mà nước thành viên này có can dự. 2/ Nếu một bên của vụ tranh chấp không thực thi những khoản bắt buộc do phán quyết của CIJ, thì bên kia có thể yêu cầu Hội Đồng Bảo An và cơ quan này, nếu thấy cần thiết, có thể khuyến cáo hay quyết định những phương cách cần thiết để thực hiện phán quyết đó.

Dầu vậy, phía Thái Lan cũng bảo lưu việc sẽ trở lại bằng mọi phương tiện hợp pháp, khi thời điểm cho phép, để dành lại chủ quyền ở ngôi đền. Một Ủy ban được thành lập gồm các nhà luật học, chuyên gia nhằm nghiên cứu về vấn đề Preah Vihear cũng như về chủ quyền của bốn tỉnh (hữu ngạn sông Cửu Long) hiện thuộc về Cam Bốt.

Nhưng vấn đề Preah Vihear vẫn không được giải quyết ổn thỏa, vì quân Thái chỉ rút đi các đơn vị đóng trong đền nhưng dưới chân ngọn đồi thì họ cho rào kẽm gai. Quân đội được lệnh bắn vào bất kỳ ai vượt qua hàng rào này. Như đã thấy trong hình, ngôi đền Preah Vihear tọa lạc trên chỏm núi cao, ngăn cách với bình nguyên Cam Bốt bằng một bức tường đá thẳng đứng. Nếu dưới chân ngọn đồi hoàn toàn rào lại thì từ phía Cam Bốt không có cách nào lên đền. Phía Thái Lan viện lý do phán quyết của CJI chỉ liên quan đến chủ quyền ngôi đền mà không nói đến chủ quyền vùng đất chung quanh ngôi đền.
Chỉ hai tháng sau, súng đã nổ tại ngôi đền từ khi có phán quyết của CIJ. Ngày 24 tháng 8, quân đội Cam Bốt tổ chức một cuộc hành quân nhằm mục tiêu lập trong ngôi đền một đồn binh. Việc này không thành công vì quân Thái nổ súng. Chỉ đến năm 1963, nhân dịp đầu năm, ông hoàng Sihanouk tổ chức một cuộc hành hương lên ngôi đền, với sự tham gia của nhiều phái đoàn ngoại giao nước ngoài. Cuối cùng, ngày 5 tháng giêng năm 1963 cuộc hành hương được thực hiện hoàn hảo mà không xảy ra vấn đề nào. Cuộc hành hương được biến thành buổi lễ thâu nhận ngôi đền vào nước Cam Bốt.

Chiến tranh VN làm tình hình chính trị trong khu vực thay đổi. Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp sâu hơn vào nội tình Nam VN. Trong khi đó, ông hoàng Sihanouk công khai liên minh với Trung Cộng. Nhân dịp này phía Thái Lan chuẩn bị kế hoạch để chiếm lại ngôi đền. Các cuộc chạm súng ở các vùng biên giới Thái-Miên trở nên thường trực. Tháng 6 năm 1966, một phái đoàn quân sự thuộc ONU đến quan sát khu vực.

Hai bên Thái- Cam Bốt, qua trung gian của một ủy ban thuộc LHQ, tháng 9 năm 1966, bắt đầu đối thoại về vấn đề biên giới. Nhưng tháng 3 năm 1970 ông hoàng Sihanouk bị lật đổ. Tình hình khu vực lúc đó bất ổn do thế lực của phe cộng sản tăng cao. Khmer đỏ được sự trợ giúp trực tiếp từ Trung Cộng nên phát triển mạnh. Thái Lan lựa chọn thái độ « không can thiệp » vào các vấn đề nội bộ của Cam Bốt, do lo ngại quân Thái cộng bắt tay được với Khmer đỏ và Việt Cộng. Tướng Lon Nol đề nghị với Thái Lan hai nước « cộng đồng quản lý – condominium » về ngôi đền Preah Vihear để hy vọng liên kết với Thái Lan chống lại Khmer đỏ và Việt Cộng nhưng bị Thái từ chối. Thái viện lý do tình hình không thuận tiện để thuơng thảo về vấn đề biên giới. Vấn đề tranh chấp Preah Vihear vì vậy chìm vào quên lãng.

Một thời gian dài gần ba thập niên Cam Bốt chịu đựng nhiều biến cố : chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, diệt chủng, và bất ổn thường trực (1970-2000). Quân Khmer đỏ thua trận 1979, tàn quân rút vào các chiến khu vùng tây và tây bắc Kampuchia, giáp ranh với Thái Lan, tức khu vực thuộc các tỉnh Preah Vihear, Siem Reap, Battambang. Ở đây quân Khmer đỏ được các tài phiệt và quân phiệt Thái Lan bảo vệ, một mặt dùng Khmer đỏ bảo vệ biên giới, ngăn chận bước tiến của Việt Nam, một mặt mua bán đá quí. Khu vực ngôi đền bỏ hoang phế.

Năm 2000, hai nước Thái và Kampuchia ký kết một bản ghi nhớ (MOU - memorandum of understanding) về việc hợp tác giữa hai bên trong một Ủy Ban hỗn hợp về biên giới JBC (Commission Mixte des Frontières) để kiểm soát và cắm mốc biên giới chung dựa trên các bản đồ đã được hai bên công nhận. Trong thời chiến tranh, một số mốc giới bị mất mát hay bị dời đi.

Hai bên chỉ căng thẳng trở lại từ tháng 7 năm 2008. Nguyên nhân bắt nguồn từ tháng 7 năm 2008, sau buổi họp tại Canada, UNESCO đã công nhận ngôi đền Preah Vihear của Kampuchia là một di sản văn hóa của nhân loại.

Preah Vihear 6

Hình 5 : Bản đồ khu vực Preah Vihear được UNESCO ghi vào « di sản văn hóa của nhân loại ». Vùng màu vàng thuộc về khu vực đền. Vùng màu xanh là vùng mở rộng.

Việc này gây làn sóng bất bình trong dân chúng cũng như chính giới Thái Lan. Họ cho rằng mặc dù ngôi đền Preah Vihear thuộc về Kampuchia nhưng khu vực này vẫn chưa được phân định rõ rệt. Nạn nhân đầu tiên là ông Noppadon Pattama, Bộ trưởng bộ Ngoại Giao Thái Lan. Ông này đã phải từ chức, vì đã ký với Kampuchia trước đó một thỏa ước hữu nghị liên quan đến việc ủng hộ đề nghị (lên UNESCO) của Kampuchia về ngôi đền Preah Vihear (là « di sản văn hóa nhân loại »). Văn bản ký kết, nếu có hiệu lực, không những hàm ý công nhận chủ quyền của Kampuchia tại ngôi đền mà còn công nhận toàn bộ khu vực chung quanh Preah Vihear (khoảng 4,5 km²) thuộc về Kampuchia. Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Thái Lan thì thỏa ước hữu nghị mà ông Noppadon Pattama ký kết với Kampuchia thì không có hiệu lực, vì nó vi hiến.

Từ tháng 4 năm 2011, tranh chấp ngôi đền đột ngột căng thẳng trở lại, với vài cuộc chạm súng nhỏ giữa quân đội hai bên Thái-Khmer, làm cho một số lính của hai bên tử thuơng. Việc căng thẳng này làm cho dân chúng sinh sống các vùng phụ cận, gồm trên 10.000 người, phải di tản sang các vùng chung quanh. Cũng cần nhắc lại, năm 1992, Thái Lan đã chống lại việc UNESCO nhìn nhận Angkor Vat là di sản văn hóa của nhân loại.

Preah Vihear 4

Hình 6 : Bản đồ khu vực ngôi đền Preah Vihear cho Thái Lan đưa lên UNESCO nhân đại hội tại Christchurch, Tân Tây Lan năm 2007. Theo đó Thái Lan cho rằng vùng màu vàng thuộc về Thái Lan.

5. Kết luận:

Xét đòi hỏi của Thái Lan quan tấm bản đồ (hình 6) năm 2007, ta thấy phía Thái nhìn nhận chủ quyền của Kampuchia ở ngôi đền nhưng không chấp nhận chủ quyền nước này khu vực đất chung quanh. Lý lẽ của Thái Lan do đó vẫn đặt trên việc đường biên giới là “đường phân thủy” thay vì là đồ tuyến trên bản đồ I.

Về pháp lý, nếu xét nội dung của phán quyết CIJ ghi ở phần trên, ta thấy CIJ nhìn nhận đường vẽ trên bản đồ I là đường biên giới hai nước. Việc Thái Lan phản đối bản đồ này hôm nay, cũng như lý lẽ của Thái trước tòa CIJ năm 1962, thì không thuyết phục. Thái Lan không đưa ra được yếu tố mới nào khác, ngoài việc nhắc đặt lại vấn đề đường biên giới vẽ trên bản đồ I. Việc này họ đã đặt ra từ năm 1962 qua vụ án nhưng không được CIJ chấp nhận. CIJ đã cho rằng, Thái Lan vì không phản đối tấm bản đồ này trong một thời gian dài, việc này hàm ý phía Thái đã đồng ý. Phán quyết kết luận: đường biên giới là đường xác định trên bản đồ I và sẽ không cần thiết để tìm hiểu là đường biên giới này có phù hợp với đường phân thủy hay không.

jeudi 11 avril 2013

Nhân ngày 30-4 : nói về danh nghĩa chủ quyền của quốc gia Việt Nam tại HS và TS qua việc kế thừa.



Trước những hành vi thể hiện quyền chủ quyền của TQ tại biển Đông, toàn bộ khu vực biển chung quanh Hoàng Sa và vùng biển phía bắc Trường Sa lần hồi trở thành việc « trong nhà » của TQ, thay vì một vấn đề quốc tế. Hiện nay TQ cho phép tổ chức du lịch các đảo HS, cùng lúc đuổi, bắn các tàu đánh cá của VN không cho phép đến gần khu vực. Nhưng phản kháng chiếu lệ của VN không có hiệu quả, trong lâu dài tính hợp pháp các hành vi « effectivité » của Trung Quốc được khẳng định.

Gần đây Phi đã mở mặt trận pháp lý với TQ tại Scarborough và Trường Sa. Hành động này sẽ làm sáng tỏ những đòi hỏi của TQ đồng thời khẳng định « các quyền » của Phi tại các « chủ thể » tranh chấp. VN có lợi trong việc kiện tụng này. Tại HS, VN cần có động thái tương tự. VN có thể vịn nhiều lý do khác nhau, ngoài tranh chấp chủ quyền, còn có quan điểm đối nghịch của hai bên về thềm lục địa, về cột nước, về quyền khai thác tài nguyên (như đánh cá)… VN cần xúc tiến việc « pháp lý hóa » những lãnh vực tranh chấp ở Hoàng Sa nhằm tạo thế chủ động « khoanh vùng tranh chấp ».

Muốn làm việc này VN phải có một cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền của VN tại HS. Trong bài viết ở đâyở đây, tác giả đã vạch ra những kẻ hở trong hồ sơ pháp lý của VN. Trong một thời gian dài 3 thập niên, nước VNDCCH, tức quốc gia tiền nhiệm của quốc gia Việt Nam hiện nay, đã có những hành vi, minh thị và ám thị, từ bỏ chủ quyền của VN tại HS và TS. Bài viết này, nhân cận kề 38 năm ngày đánh dấu sụp đổ Sài Gòn 30-4-1975, trình bày một mảng khác của Công pháp quốc tế, các vấn đề về « kế thừa » và « tính liên tục quốc gia ». Đây cũng là các yếu tố pháp lý mà VN cần tuân thủ.

Cần khẳng định : không có danh nghĩa chủ quyền pháp lý hỗ trợ, VN không thể bảo vệ TS nếu chỉ dựa vào sức mạnh quân sự. Nguy cơ mất trắng biển Đông là có thật.

Lấy lại HS là thiên nan vạn nan nhưng hạn chế những tai hại của HS là việc làm có thể. Ít nhứt VN phải chứng minh « quyền lịch sử » và sự liên tục quốc gia – cho dầu trên danh nghĩa - ở nơi này bằng cách cho thấy quốc gia VN hiện tại và các quốc gia tiền nhiệm chưa bao giờ có ý định từ bỏ nó.

I.

 « Kế thừa quốc gia[i] » và « liên tục quốc gia » là những khái niệm thuộc Quốc tế công pháp. « Kế thừa » quốc gia là sự thay thế một quốc gia bởi một quốc gia khác ở các quan hệ quốc tế, về những vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Nói đến « liên tục quốc gia » là nói đến tính pháp nhân của một quốc gia có luôn được tồn tại (trước các định chế quốc tế), bất chấp những thay đổi về lãnh thổ, dân số, hệ thống chính trị-pháp lý và quốc hiệu hay không.

Việc kế thừa quốc gia được đặt ra trong những tình huống : 1/ quốc gia giải thể, 2/ chuyển nhượng, tức chuyển giao vùng lãnh thổ của quốc gia này cho một quốc gia khác, 3/ ly khai, tức một lãnh thổ tách rời tự thành lập một quốc gia khác và 4/ những trường hợp thống nhất của hai hay nhiều quốc gia.
Kế thừa quốc gia là thủ tục pháp lý nhằm tái xác định, hay phủ định, trách nhiệm của quốc gia kế thừa đối với vùng lãnh thổ mới, cũng như hiệu lực các kết ước, hay các tuyên bố của nhà nước tiền nhiệm đã thể hiện trước các định chế quốc tế, hay đối với các quốc gia khác.

II.
Vấn đề « kế thừa » và tư cách pháp nhân của quốc gia Việt Nam sẽ bị đặt lại ở ba thời điểm : 1) Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh tháng 8-1945, 2) sau khi hiệp định Genève 1954 được ký kết và 3) sau ngày Sài gòn sụp đổ 30-4-1975.

Các thời điểm này quan trọng vì VN có những thay đổi lớn lao về lãnh thổ và chế độ chính trị.

Vấn đề kế thừa và tính liên tục giữa các nhà nước VN từ thời nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc, cho đến thời kỳ các quốc gia ở miền Nam dễ dàng chứng minh. Chỉ khó khăn nhận diện tư cách pháp nhân của quốc gia VN ở khoản thời gian Nhật chiếm VN (10-3-1945) cho đến khi Quốc gia Việt Nam được thành hình (1948). Khoản thời gian này tuy ngắn nhưng quan trọng, cần làm sáng tỏ[ii], vì hiện hữu hai « quốc gia » Việt Nam : « Đế Quốc Việt Nam » và « Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ». Tư cách pháp nhân của hai quốc gia này không rõ rệt.

Sau khi Nhật « đảo chánh » Pháp, chủ quyền (toàn thể vùng Đông Dương) trước kia thuộc Pháp, lọt vào tay Nhật. Nhưng sau khi Nhật thua trận, theo qui định của phe chiến thắng là Đồng Minh tại Hội nghị Potsdam 1945, các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng trước đó là trái phép, phải tuyên bố từ bỏ. Điều này có nghĩa, các chế độ chính trị do Nhật đặt ra tại các vùng lãnh thổ do Nhật chiếm trước đó là không có tư cách pháp lý (trường hợp Mãn Châu quốc với vua Phổ Nghi, hay VN với Bảo Đại v.v...). Các vùng lãnh thổ này sẽ do Đồng Minh quản lý và quyết định số phận (ngoại trừ các vùng lãnh thổ đã được giải quyết số phận trước).

VNDCCH được thành lập qua « cuộc Cách mạng tháng Tám ». Phe cộng sản VN do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo cho rằng đã đánh Nhật, « dành chính quyền » từ tay Nhật.

Điều này không đúng. Nhật đầu hàng đã giao toàn bộ thẩm quyền của đế quốc tại các thuộc địa cho đại diện của Đồng Minh. Ông Hồ không thể « cướp chính quyền » từ tay Nhật vì không thể cướp cái mà Nhật không còn nữa.

VNDCCH không có « tư cách pháp nhân » của một quốc gia.

Hội nghị Potsdam 1945 giữa các nước Đồng Minh qui định cho quân đội Trung Hoa có trách nhiệm giải giới quân Nhật tại VN ở những vùng phía bắc vĩ tuyến 16, cho quân đội Anh có trách nhiệm giải giới quân Nhật tại VN ở vùng phía nam (vĩ tuyến 16). Sở dĩ không có mặt Pháp (dẫu rằng Pháp là một bên trong phe chiến thắng thuộc khối Đồng Minh) vì Hoa Kỳ có ý muốn trả lại độc lập cho tất cả các nước thuộc địa cũ.

Như thế, trong khoản thời gian 1945-1948, VN không có đại diện chính thức, chủ quyền quốc gia VN do Đồng minh quản lý. Ta có thể quan niệm, Pháp[iii] là đại diện của Đồng minh vào VN để thực thi tinh thần Hội nghị Potsdam. Tư cách pháp nhân của quốc gia VN có thể xem là không bị mất lại vào tay Pháp mà chỉ bị « ngưng đọng ».

III.

Ngày 27-5-1948 Quốc gia Việt Nam thành hình với Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam được thành lập do Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, Bảo Đại làm « Hoàng Đế, Quốc trưởng ». Việc này dựa trên kết ước Elysée, ngày 8 tháng 3 năm 1949, giữa Tổng thống Vincent Auriol và Bảo Đại.

Nội dung kết ước Elysée có nhiều điều cần bàn cãi, nhưng điểm chính là Pháp công nhận VN « độc lập » và « thống nhứt » ba miền.

Quốc gia Việt Nam của của Bảo Đại đã được quốc tế công nhận rộng rãi[iv]. Năm 1951, nhờ sự ủng hộ của hoa Kỳ, Quốc gia Việt Nam được nhìn nhận là một nước độc lập, có tuyên bố chiến tranh với Nhật, tham gia Hội nghị San Francisco để ký hòa ước với Nhật. Nhật đã cam kết bồi thường chiến tranh cho VN (qua một số công trình xây dựng).

Các việc này khẳng định tư cách pháp nhân của Quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Điều quan trọng, nhân dịp Hội nghị ông Trần Văn Hữu, nguyên thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao, đã tuyên bố trước Hội nghị chủ quyền lâu đời của VN tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị Nhật chiếm đóng trái phép trong thời kỳ chiến tranh. Ông thay mặt quốc gia Việt Nam tuyên bố quyết định thâu hồi hai vùng lãnh thổ này về lại quốc gia Việt Nam. Tuyên bố này không gặp phản đối của nước nào nào tại hội nghị.

Tại Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền của VN là liên tục, mang tính kế thừa. Vấn đề kế thừa và tính liên tục quốc gia đã thể hiện xuyên suốt các thời kỳ : nhà Nguyễn – thuộc Pháp – thuộc Nhật (tháng 3-1945 –  tháng 8-1945) – Đồng Minh quản lý (tháng 8-1945 – tháng 5-1948) – Quốc gia Việt Nam.

Nhà nước Phong kiến VN đã khám phá, khai thác tài nguyên và hành sử chủ quyền trên các đảo thuộc hai quần đảo này từ thế kỷ 18, lúc chưa có đế quốc nào bén mãng tới. Đến thời Pháp thuộc, nhà nước bảo hộ Pháp đã thay mặt VN long trọng tuyên bố trước cộng đồng quốc tế việc sát nhập các đảo HS, sau đó các đảo TS vào lãnh thổ VN. Tại hội nghị San Francisco 1951, Quốc gia Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền này trước cộng đồng quốc tế.

Cho đến ngày 30-4-1975, VN vẫn giữ được danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa (de jure) và Trường Sa, mặc dầu HS bị TQ xâm lăng năm 1974.

IV.

Ở miền Bắc, từ tháng 12-1946 đến tháng 7 năm 1954 là khoảng thời gian gọi là « chín năm kháng chiến », hay còn gọi là « cuộc chiến Đông dương lần thứ nhứt ». Chính phủ của ông Hồ tuyên bố « tiêu thổ kháng chiến », phá bỏ thành thị, làng xã, rút vào rừng thành lập các khu kháng chiến. Chính phủ của ông Hồ trở thành một « chính phủ kháng chiến » thực sự với ý nghĩa của nó.

Hoạt động của « chính phủ kháng chiến » không có điều nào đáng ghi nhận, cho đến khi Hồng quân của Mao Trạch Đông chiến thắng phe Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Vấn đề kháng chiến chống Pháp của Việt Minh đi vào khúc quanh thuận lợi vì được sự trợ giúp tận tình của CSTQ.

Cuối cùng « kháng chiến thành công », Pháp thua Việt Minh ở trận Điện Biên Phủ, phải ký hiệp định Genève tháng 7 năm 1954. Chính phủ VNDCCH do ông Hồ lãnh đạo vì vậy lấy được một nửa đất nước, tính từ vĩ tuyến 17.

Chính phủ VNDCCH là một chính phủ hiện hữu trên thực tế (de facto), được khối cộng sản công nhận. Quốc gia Việt Nam, do chính phủ VNDCCH đại diện, quan niệm Việt Nam là một quốc gia duy nhứt, thống nhứt ba miền Bắc, Trung, Nam, theo như qui định của hiệp định Genève 1954. Việc phân chia đất nước chỉ là tạm thời. VNDCCH không có đại diện nào tại các định chế quốc tế thuộc LHQ. Điều đáng ghi nhận là VNDCCH tuyên bố đoạn tuyệt với quá khứ của các nhà nước phong kiến và thực dân. VNDCCH là một quốc gia « mới », lãnh thổ có là do chiếm được, không do kế thừa. Điều ghi nhận khác, ngày 14-9-1958, nhà nước VNDCCH có viết công hàm nhìn nhận các tuyên bố về lãnh thổ và bề rộng lãnh hải của Trung Quốc, theo đó minh thị nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. Công hàm này là trở ngại pháp lý của nhà nước VN hôm nay trong hồ sơ HS và TS.

V.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được khai sinh ngày 20-12-1960, theo nghị quyết của của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ ba của đảng CSVN (lúc đó là đảng Lao Động), do bộ Chính trị đảng CSVN và Trung ương cục miền Nam lãnh đạo. Vì vậy thực thể chính trị này và VNDCCH có quan hệ mật thiết.
Mục tiêu của MT là : « đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và nhân sĩ yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, để thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập tiến tới hòa bình thống nhứt tổ quốc. »

Cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968, thực hiện theo một nghị quyết khác của đảng CSVN, là một thành công chính trị lớn lao. Thế giới qua cuộc tấn công này biết được sự hiện hữu của MTGPMN. Chính phủ Cách mạng Lâm thời được thành lập ngày 8-6-1969, dĩ nhiên được VNDCCH cùng các nước trong khối cộng sản công nhận.

Sự hiện hữu của CPCMLT ảnh hưởng đến tính chính thống của chính phủ VNCH trước các định chế quốc tế, làm yếu đi tư thế đại diện một nước Việt Nam duy nhứt.

CPCMLT được nhìn nhận là một thực thể chính trị có tư cách pháp nhân. Bốn bên Mỹ, CS miền Bắc, VNCH và CPCMLT ký kết hiệp định Paris 1972. HK bắt đầu rút quân khỏi miền Nam đồng thời ngưng viện trợ quân sự cho VNCH. 30-4-1975 VNCH sụp đổ.

Nhưng cho đến khi sụp đổ, VNCH vẫn là đại diện duy nhứt cho quốc gia Việt Nam tại các tổ chức quốc tế.

VI.

Ngày 30-4-1975, nhà nước VNCH sụp đổ, chính quyền mất vào tay Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN). Chính phủ mới tuyên bố kế thừa VNCH tại các định chế quốc tế thuộc LHQ[v]. Việc kế thừa thể hiện dễ dàng qua việc thay đổi « tên nước » VNCH thành CHMNVN.
Nhưng về vấn đề kế thừa lãnh thổ, không thấy chính phủ CMLT tuyên bố lời nào về chủ quyền của HS và TS. Trong khi việc phải lên tiếng khẳng định chủ quyền là một điều bắt buộc khi quốc gia có thay đổi chính thể do biến động chính trị (do đảo chánh, cách mạng …), hay một quốc gia mới được khai sinh (do thống nhất hai quốc gia hay hai vùng lãnh thổ, quốc gia ly khai…).

Quốc tế cần phải biết thái độ của chính phủ mới về chủ quyền của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc lên tiếng không chỉ là cần thiết mà còn là bắt buộc, nếu VN muốn khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo này.

Về vấn đề HS, CPCMLT có lên tiếng một lần duy nhứt trong khoản thời gian TQ xâm lăng Hoàng Sa của VN (tháng giêng 1974), nội dung yêu cầu tranh chấp cần được giải quyết theo đàm phán. Phía VNDCCH thì im lặng trong khi phía Liên Xô lên tiếng phản đối.

Thái độ « im lặng[vi] » của CPCMLT ở vấn đề HS và TS không gây ngạc nhiên, vì đó cũng là thái độ của VNDCCH từ khi lập quốc (2-9-1949) cho đến cuối thập niên 70. VN chỉ lên tiếng sau khi có bất đồng với TQ.

Vấn đề kế thừa về lãnh thổ (HS và TS) do vậy không đặt ra. Cuộc chiến 54-75 được phía CPCMLT gọi là cuộc chiến « giải phóng », tức cuộc chiến đánh đổ (phủ nhận) chính phủ tiền nhiệm.  CHCMLT xem chính phủ tiền nhiệm là « ngụy », là « quân bán nước », « làm tay sai của quân cướp nước » (tức đế quốc Mỹ). Do đó không thể có vấn đề « kế thừa » lãnh thổ.

Làm thế nào có việc kế thừa « bọn cướp nước và bè lũ bán nước » ? mà chỉ có vấn đề « giải phóng », « đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào », chiếm lại đất đai và dành lại dân chúng. Một số đảo ở TS đã được thể hiện như thế (de facto).

Quốc gia tên gọi « Việt Nam Cộng Hòa » là một quốc gia bị giải thể. Tư cách pháp nhân VNCH bị xóa bỏ, không có thừa kế.

VII.

Cho đến 30-4-1975, VNDCCH vẫn không xin gia nhập vào bất kỳ các định chế quốc tế nào để giữ nguyên tắc « một quốc gia Việt Nam duy nhứt », theo qui định của hiệp định Genève 1954 (cũng như theo nội dung hiến pháp).

Nguyên tắc này chỉ bị hủy bỏ khi VNDCCH quyết định xin gia nhập O.M.S như là « một thành viên chính thức » vào ngày 10 tháng 4 năm 1975. Việc này được đại hội O.M.S chấp nhận ngày 7-5-1975.

Như thế từ ngày 9-5-1975 hiện hữu hai quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế, được quốc tế nhìn nhận : VNDCCH và CHMNVN. Việc thống nhứt đất nước như thế là thống nhứt giữa hai quốc gia.

Ngày 2-7-1976 hai nước VNDCCH và CHMNVN hiệp thương thống nhứt đất nước. Từ nay quốc gia VN chỉ có một : Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra : Quốc gia CHXHCNVN đã kế thừa chủ quyền của VN tại HS và TS của các quốc gia tiền nhiệm như thế nào ?

Như đã viết, VNDCCH chủ trương có hai nước Việt Nam sau 30-4-1975, qua việc VNDCCH xin gia nhập các định chế quốc tế. Quyết định gia nhập của nước VNDCCH vào các định chế quốc tế là khẳng định tư cách một nước Việt Nam khác.

Sau khi thống nhứt đất nước, đại diện của Việt Nam tại các định chế quốc tế là đại diện của nước VNDCCH vừa mới gia nhập trước đó. Tính liên tục quốc gia đã được xác định : từ VNDCCH chuyển sang CHXHCNVN.

Nước CHXHCNVN là một quốc gia VN mới. Đoạn tuyệt với mọi nhà nước thực dân, phong kiến, hay chính quyền Ngụy ở Sài Gòn. Lãnh thổ của nước CHXHCNVN là lãnh thổ chiếm được từ tay Pháp (1954) và Mỹ, Ngụy (1975), không phải là lãnh thổ kế thừa.

Tinh liên tục quốc gia đã được thể hiện : di sản của VNDCCH được chuyển sang CHXHCNVN. Chính quyền CHXHCNVN kế thừa di sản của chính phủ VNDCCH. Việc này càng rõ rệt hơn khi ta nhận thấy đảng lãnh đạo nhà nước VNDCCH trước kia và đảng lãnh đạo nhà nước CHXHCNVN hôm nay là một : đảng CSVN.

Vấn đề kế thừa chính phủ CMLT cũng không đặt ra. Những người lãnh đạo chính phủ này cũng là nhân sự đảng CSVN. Tức cả hai nước VNDCCH và CHMNVN, nhân sự lãnh đạo đều nằm trong một đảng. Cả hai thực thể chính trị, có tư cách pháp nhân, thật ra chỉ do một đảng lãnh đạo.

Việc kế thừa sẽ đặt lại các vấn đề về bang giao quốc tế. Nước CHXHCNVN, kế thừa VNDCCH, có nghĩa vụ tôn trọng những kết ước, những tuyên bố đơn phương về một vấn đề quốc tế... của nhà nước tiền nhiệm VNDCCH.

Quan điểm của CHXHCNVN về HS và TS là quan điểm của VNCH. Bạch thư công bố 1979 cho thấy việc này. Quan điểm này mâu thuẩn với quan điểm quốc gia tiền nhiệm VNDCCH.

Trên quan điểm pháp lý, CHXHCNVN không thể kế thừa cùng lúc hai quan điểm đối nghịch thuộc về hai quốc gia tiền nhiệm (CVDCCH và VNCH, nếu xem VNCH là quốc gia tiền nhiệm).

VIII.

Như vậy, khuyết điểm lớn về pháp lý của quốc gia VN hiện nay là đã kế thừa di sản của VNDCCH. Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng cùng các động thái khác của nhà nước VNDCCH trong nhiều thời kỳ đã củng cố chủ quyền của TQ tại HS và TS. Nhiều người hiện nay cố tìm cách diễn giải nội dung công hàm 1958 nhằm hạn chế hiệu lực của nó nhưng đều không thuyết phục. Công hàm 1958 là một tuyên bố đơn phương, có hiệu lực ở phạm vi quốc tế. Người ta không thể hóa giải hiệu lực một văn bản quốc tế bằng các điều luật quốc gia. Cũng không thể diễn giải theo lối « người ta không thể cho cái mà người ta không có ». Nguyên tắc « quốc gia Việt Nam duy nhứt » theo qui định của hiệp định Genève không cho phép nói vậy. Bên nào cũng có trách nhiệm như nhau trong việc bảo vệ đất nước. Cũng không thể yêu cầu nhà nước « giải thích » nội dung công hàm. Nhà nước CHXHCNVN đã lên tiếng về nội dung công hàm này. Ông Phạm Văn Đồng, tác giả công hàm, sau đó là ông Nguyễn Mạnh Cầm nguyên bộ trưởng bộ ngoại giao, cũng đã giải thích nội dung.

Chỉ có phương án kế thừa VNCH (và đoạn tuyệt với di sản VNDCCH) mới có thể giúp quốc gia Việt Nam thể hiện tính liên tục của quốc gia VN tại HS và TS. Việc kế thừa đáng lẽ là quá trình hòa giải dân tộc, lý ra phải được thực hiện từ lâu, với một trình tự pháp lý được xác định rõ rệt qua một bộ luật về hòa giải quốc gia.

Kế thừa thế nào ?

IX.
Nhà nước CSVN bỏ tên nước, đặt lại tên nước, thí dụ : Cộng Hòa Việt Nam, thay đổi quốc kỳ, quốc ca, hiến pháp… thay đổi tất cả những gì dính líu đến VNDCCH và CHXHCNVN để lập một nền cộng hòa mới, tổ chức bầu cử tự do, lập chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân ; đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm của VNDCCH. 

Nhà nước mới, trên nền tảng dân chủ, thảo luận về một bộ luật « hòa giải dân tộc », trong đó qui định phương cách phục hồi danh dự cũng như việc đền bồi xứng đáng cho các thành phần quân nhân công chức VNCH nạn nhân của chính sách học tập cải tạo. Lập ra điều luật cấm sử dụng tiếng « ngụy » đối với những người thuộc chế độ cũ. Đền bồi cho các nạn nhân do cải tạo công thuơng nghiệp, đánh tư sản mại bản, kinh tế mới ; làm luật phục hồi danh dự (cho người quá vãng) và đền bồi tương xứng cho nạn nhân của cộng sản như vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, vụ án « xét lại chống đảng » v.v… Nếu những người này đã mất thì đề bồi cho con cháu của họ. Cho tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, không phân biệt nam bắc, dân tộc kinh, thuợng, không phân biệt cuộc chiến 1975, 1979 hay cuộc chiến với Kampuchia v.v…

Đứng trên quan điểm đó, một nước VN mới, dân chủ, hoàn toàn đủ tư cách và tính chính thống, long trọng tuyên bố trước cộng đồng thế giới kế thừa di sản VNCH. Như thế VN khẳng định chủ quyền tại HS và TS, từ đó làm căn bản giải quyết các tranh chấp chủ quyền HS và TS bằng một trọng tài quốc tế. 

Trên tinh thần đó, với sự hưởng ứng của toàn khối dân tộc, VN sẽ đứng ở thế mạnh, hay ở thế không ai có thể bắt nạt, toàn dân một lòng chắc chắn đủ khả năng để tự bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên để lại.
Dự án thay đổi hiến pháp 1992 hiện nay có thể là một dịp để bày tỏ thiện chí hòa giải và kế thừa.



[i] « Quốc gia – l’Etat » được cấu thành do ba yếu tố : 1) người dân, 2) lãnh thổ và 3) một chính phủ. Việc « công nhận quốc gia » là quan trọng trong quan hệ quốc tế, vì nó xác định sự hiện hữu (tư cách pháp nhân) một quốc gia trên sân khấu quốc tế. Thủ tục công nhận thể hiện bằng việc « thiết lập bang giao », qua các việc trao đổi lãnh sự, ký kết các hiệp ước, hay bằng một tuyên bố đơn phương giữa các quốc gia. Việc công nhận quốc gia là các bên chấp nhận các yếu tố đặc thù về công dân, về lãnh thổ và về chính phủ của các bên. Việc công nhận có thể mang tính pháp lý « de jure », tức công nhận quốc gia như là chủ thể duy nhứt, bình đẳng về độc lập và chủ quyền trước Công pháp quốc tế. Hoặc « de facto », một hình thức công nhận tạm thời cho những quốc gia đang thành hình.

 « Quốc gia », theo qui ước của Công pháp quốc tế, là thực thể pháp nhân duy nhứt, bất khả phân. Đại diện quốc gia ở Liên hiệp quốc và các định chế quốc tế thuộc thẩm quyền của LHQ chỉ có một. Trường hợp quốc gia bị phân chia (có hai vùng lãnh thổ khác biệt, có hai nhóm dân chúng khác biệt mặc dầu có cùng quốc tịch, do hai chính phủ khác biệt lãnh đạo), chỉ có một vùng lãnh thổ duy nhứt được phép đại diện cho quốc gia ở LHQ (và các định chế quốc tế khác thuộc LHQ). Thí dụ : quốc gia Việt Nam sau hiệp định Genève 1954 là một « quốc gia duy nhứt », bị chia cắt thành hai vùng lãnh thổ : Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc. Không bên nào được nhìn nhận là đại diện chính thức quốc gia VN tại LHQ. Tuy nhiên, ở các định chế quốc tế thuộc LHQ, đại diện chính thức cho quốc gia VN là VNCH.

[ii] Ngày 10 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chánh Pháp, chiếm Đông Dương. Đại diện Nhật Hoàng tiếp xúc với ông Bảo Đại đề nghị trả lại độc lập cho VN. Ngày 12 tháng 3 năm 1945 Bảo Đại tuyên bố VN độc lập, lấy quốc hiệu là « Đế Quốc Việt Nam », bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ đã ký trước đây với Pháp. Ngày 17-4-1945 chính phủ Trần Trọng Kim thành lập. Nhưng chỉ vài tháng sau, 16 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Mặt trận Việt Minh làm « cách mạng ». Một chính phủ « lâm thời » được Hồ Chí Minh thành lập tại Hà Nội. Ngày 25 tháng 8 Bảo Đại giao ấn, kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện Ủy ban giải phóng, tuyên bố thoái vị. Quốc gia gọi là « Đế Quốc Việt Nam » kết thúc và quốc gia « Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa » ra đời.

[iii] Việc quân Đồng minh vào VN giải giới quân Nhật không được thực hiện theo tinh thần của Hội Nghi Potsdam 1945.

Bởi vì, tại Nam Kỳ (Cochinchine) là « nhượng địa » của Pháp, do VN nhượng cho Pháp qua các hòa ước 1862, 1874… vì thế Anh nhượng lại cho Pháp công việc giải giới quân Nhật có thể với hậu ý trả lại vùng đất này về cho Pháp.

Trong khi ở phía bắc, quân Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch vào VN chỉ sau « cách mạng tháng tám » vài ngày. Mục tiêu của họ là « giải giới quân Nhật » và trao trả chính quyền lại cho người đại diện nhân dân VN, theo tinh thần của Hội nghị Potsdam. Quân Trung Hoa vào VN tước khí giới của Việt Minh, giao chính quyền cho các đảng phái (VNQDD, DV, VNCMDMH). Lo ngại mất quyền, Hồ Chí Minh hô hào « tuần lễ vàng », quyên góp vàng bạc trong dân để có phương tiện đút lót cho các tướng Trung Hoa là Tiêu Văn và Lư Hán. Nhờ việc « lo lót » này các vị tướng Tàu ngả về ủng hộ Hồ Chí Minh, làm áp lực lên các đảng phái khác, ép thành lập « Chính phủ Liên hiệp Lâm thời » ngày 25 tháng 12 năm 1945. Chính phủ này gồm có đại diện của các phe phái tại VN. Quốc hội cũng được tổ chức qua cuộc bầu cử ngày 6 tháng 1 năm 1946. Ngày 2 tháng 3, Quốc hội nhóm họp, tuyên bố « Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến » thành hình, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch và Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch.

Đáng lẽ thực thể VNDCCH với Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến có tư cách pháp nhân vì thực thể này sinh ra từ ý nguyện của phe Đồng Minh : trao trả nền độc lập VN cho đại diện của nhân dân VN. Nhưng việc Pháp « đi đêm » với Tưởng Giới Thạch, đề nghị trao đổi quyền lợi trả miền bắc lại cho Pháp. Vấn đề tồi tệ thêm khi ông Hồ bắt được tin này, lén liên lạc với Pháp để tìm thỏa ước, mục đích dĩ nhiên là để được xem là đại diện chính thức của VN (nhằm loại các địch thủ chính trị khác như VNQDD, DV…). Ngày 28-2-1946 Pháp và Trung Hoa ký kết ước Trùng Khánh thì ngày 6 tháng 3 ông Hồ cũng ký với Pháp một hiệp ước gọi là « hiệp ước sơ bộ ». Theo đó Pháp công nhận VN là một nước « tự do » nằm trong Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp.

Hiệp ước sơ bộ không hề nói một nước Việt Nam độc lập mà chỉ nói một nước « Việt Nam tự do » thuộc « Liên bang Đông dương » và khối « Liên hiệp Pháp ». Tức ông Hồ chấp nhận « quốc gia » Việt Nam, thực ra là « tiểu bang » hay « xứ », do chính phủ ông lãnh đạo, nằm trong Liên bang Đông Dương, có qui chế pháp lý tương đương với xứ Bắc Kỳ.

Việc này cũng kết liễu tính chính thống của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Sau khi bị chỉ trích « rước Pháp vào VN », ông Hồ cố gắng thay đổi thực tế này qua các hội nghị tại Đà Lạt và Fontainebleau, nhưng đều thất bại. Chính phủ của ông Hồ rút khỏi Hà Nội và bước vào cuộc kháng chiến, bắt đầu từ tháng 12 năm 1946. Ông Bảo Đại phê ông Hồ rằng : « Sau thất vọng ở Fontainebleau, (Việt Minh) chỉ còn giữ được uy tín bằng cách đưa cả nước vào biển máu. »

[iv] Quốc gia Việt Nam được chấp thuận là đại diện của nước Việt Nam duy nhứt (và thống nhứt ba miền), gia nhập vào các tổ chức quốc tế như sau : Tổ chức Y tế Quốc Tế (l'Organisation mondiale de la Santé - O.M.S.), Tổ chức Lao động Quốc tế (l'Organisation internationale du Travail - O.I.T.), Tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Lương thực và Nông nghiệp (l'Organisation des Nations Unies pour l'alimentation et l'agriculture  - F.A.O.), Tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (l'Organisation des Nations Unies pour l'éducation, la science et la culture  - U.N.E.S.C.O.), Liên hiệp Quốc tế về Viễn Thông (l'Union internationale des Télécommunications - U.I.T), Liên hiệp Bưu chính Thế giới (l'Union postale universelle - U.P.V.)…

[v] Bộ trưởng bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời là bà Nguyễn Thị Bình. Sau khi VNCH sụp đổ, bà Bình đã có những động thái hướng đến các tổ chức quốc tế nhằm kế thừa danh nghĩa của VNCH đại diện cho quốc gia Việt Nam. Ngày 7-5-1975, một điện tín từ Bộ ngoại giao của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã gởi đến O.M.S, cùng lúc với các định chế quốc tế khác, nội dung tóm lược như sau :
« Chính phủ Cộng hòa Miền Nam VN thông báo đã kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Việt Nam. Chế độ cũ ở Sài Gòn đã sụp đổ. Chính phủ Cách Mạng lâm thời là người duy nhứt có thẩm quyền, thực sự đại diện dân chúng miền Nam, có tính chính thống để đại diện miền Nam Việt Nam tại O.M.S cũng như các định chế quốc tế khác. »

Việc « kế thừa » VNCH của CPCMLT tại các định chế quốc tế không gặp khó khăn, chỉ đơn giản là việc « đổi tên nước », tại UNESCO vào tháng 7 -1975, U.I.T vào tháng 2 năm 1976.

[vi] Theo thông lệ quốc tế, người ta thường xem việc một quốc gia giữ yên lặng trước một động thái của một quốc gia khác là không có ý kiến (hay mặc nhiên đồng thuận) về động thái đó.