Tranh
chấp về lãnh thổ giữa hai bên VN và Kampuchia, nếu xét trên phương diện những
yêu sách khác nhau của người Khmer hiện nay về lãnh thổ thì ta thấy các học giả
Khmer nghiêng về lịch sử. Mà nói về lịch sử thì có thể nói là tranh chấp hai
bên đã xảy ra từ rất lâu. Dầu vậy ta có thể chia ra làm năm thời kỳ. Mỗi thời
kỳ bản chất của tranh chấp khác nhau, các lý lẽ biện minh cho yêu sách của các
bên khác nhau. Điều này xảy ra do ảnh hưởng địa chính trị, hoàn cảnh lịch sử
cũng như tinh thần dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ từ các bên.
Thời
kỳ đầu, từ đầu thế kỷ thứ 17 đến khi Nam kỳ trở thành thuộc địa của Pháp 1862.
Thời
kỳ thứ hai, từ năm 1862 đến năm 1945, sau khi Đại chiến thế giới kết thúc.
Thời
kỳ thứ ba, từ 1945 cho đến năm 1954, hiệp định Genève được ký kết.
Thời
kỳ thứ tư, từ 1954 đến 1975.
Thời
kỳ thứ năm từ 1975 đến hôm nay.
Giữa
hai bên có ba loại tranh chấp. 1/ về lãnh thổ trên đất liền, có hai khuynh
hướng tranh chấp, thứ nhứt là đất khu vực dọc theo biên giới, thứ hai, tranh
chấp vùng đất mà người Kampuchia gọi là Khmer Krom 2/ về chủ quyền các đảo,
quan trọng nhất là đảo Phú Quốc và 3/ tranh chấp về ranh giới hải phận, về hiệu
lực các đảo trong vịnh Thái Lan.
Muốn
biết nội tình các tranh chấp này ra sao, lý lẽ mà các học giả Kampuchia vịn vào
để đòi đất đai, lãnh thổ là như thế nào, cũng như các lý lẽ này có hợp lý hay
không ? điều cần thiết là ta cần phải hiểu ngọn nguồn, tức là vừa theo
lịch sử của tranh chấp, vừa theo tinh thần của luật pháp quốc tế.
1/ Thời
kỳ thứ nhất, thuần
túy lịch sử. Cũng cần nói sơ qua vì các yêu sách của phía Khmer hiện nay
nghiêng về lịch sử.
Bắt
đầu sau khi VN bình định xong Chiêm Thành khoảng đầu thế kỷ 17. Lãnh thổ VN
được mở ra về phía nam cho đến Bình Thuận. Từ đó hai dân tộc VN và Khmer trực
tiếp đối đầu với nhau. Vào thời điểm này thì đế quốc Khmer đã suy tàn.
Đế
quốc Khmer là một đế quốc hùng mạnh, cao điểm là thế kỷ thứ 11. Theo ý kiến các
học giả phương Tây thì lãnh thổ đế quốc này trải dài từ bắc Thái Lan, một phần Miến
Điện, bao gồm thêm nam Lào cho đến miền Nam VN hiện nay. Đế quốc này suy tàn
bắt đầu từ thế kỷ 14. Các đế quốc Xiêm lần lượt mang tên Sukhôthaï, Ayuthia và
Bangkok, đã chinh phục hầu như 80% lãnh thổ đế quốc Khmer. Đế quốc Khmer hùng
mạnh ngày xưa đã bị đế quốc Thái tiêu diệt gần hết. Dân chúng Khmer sót lại đã
chạy đi tản mát, một số trở thành các bộ lạc nhỏ trong rừng sâu, núi thẳm, số
còn lại lui về lập đô ở Nam Vang. 2/3 diện tích nước Thái Lan hiện nay vốn ngày
xưa thuộc về đế quốc Khmer. Các di tích lịch sử, đền đài của Khmer như Angkor
Thom và Angkor Vat, hoàn toàn xóa bỏ trong ký ức của dân Khmer, bị bỏ hoang phế.
Chỉ đến giữa thế kỷ thứ 19 thì các phế tích này mới được mọi người biết đến.
Công
cuộc nam tiến của VN, cũng như sự bành trướng của đế quốc Thái gặp nhau. Vô
hình chung đế quốc Khmer ở Nam Vang trở thành một quốc gia « trái
độn » ở giữa hai thế lực mạnh mẽ là Thái và Việt. Việc dằn co hai bên
Thái-Việt về Khmer kéo dài khoảng 1 thế kỷ.
Trong
khoảng thời gian dằn co này, ta có thể nói rằng VN đã xây dựng và củng cố xong
địa bàn của mình ở miền Nam hiện nay. Các tỉnh Biên Hòa, Mỹ Tho được xây dựng
dưới thời các chúa Nguyễn, nhờ công lao các cựu trung thần nhà Minh, như Dương
Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên. Khu vực Hà Tiên và vùng chung quanh như Châu
Đốc, Rạch Giá, Phú Quốc… cũng được xây dựng nhờ công lao của một người Hoa
khác, thần phục VN, tên là Mạc Cửu.
Năm
1834 dưới triều Minh Mạng, VN đã áp đặt
được quyền lực của mình lên đế quốc Khmer. Nam Vang được gọi là « Trấn Tây
Thành », lãnh thổ nước này được phân chia ra thành 32 tỉnh, huyện. Đến năm
1841, được sự trợ giúp của quân Xiêm, dân Khmer ở Nam Vang nổi loạn, quân VN
phải rút đi. Nhưng đến năm 1845 phía Khmer lại cầu cứu VN, vì so ra ách cai trị
của quân Xiêm còn bạo tàn nhiều hơn VN. Cuối cùng đế quốc Khmer phải chịu thần
phục cùng lúc hai nước VN và Thái Lan. Việc này kéo dài cho đến khi đế quốc
Pháp vào VN.
Trong
khoảng thời gian này thì không có vấn đề gọi là « tranh chấp về biên giới
hay lãnh thổ » giữa hai bên Việt và Miên, mà chỉ có hiện tượng gọi là cá
lớn nuốt cá bé, xảy ra thường trực ở mọi nơi trên thế giới. Tức là, một dân tộc
muốn tồn tại là phải mạnh và không thể để hiện hữu các thế lực đe dọa chung
quanh. Ta thấy, ở Châu Á, trường hợp đế quốc Trung Hoa với các dân tộc chung
quanh, hay tại Châu Âu, Trung Á, các nước Ả Rập... các đế quốc chinh phục lẫn
nhau để mở rộng bờ cõi. Mạnh được yếu thua. Ta thấy biết bao nhiêu đế quốc mạnh
mẽ như Roma, Ottoman, các đế quốc thuộc văn minh Nhị Hà (tức là Mésopotamia)
thuộc Irak, Iran hiện nay... có lúc cực thịnh, nhưng rồi đều suy tàn. Cá lớn
nuốt cá bé. Các việc chinh phục xảy ra thường trực mà không hề dựa trên một
phép tắc hay theo một đạo lý nào. Đế quốc Khmer, đến thế kỷ 14 mạnh mẽ biết bao
nhiêu. Sau đó thì suy tàn, đến đỗi con cháu họ không biết đến nền văn minh rực
rỡ Angkor Vat, Angkor Thom của tổ tiên họ ra sao. Các học giả Tây phương cùng
đồng ý rằng, nếu Pháp không kịp thời có mặt tại Đông dương, đế quốc Khmer chắc
chắn sẽ bị mất về hai đế quốc Thái lan và VN.
Các
học giả Khmer hiện nay lên án rằng VN chiếm đất của tổ tiên họ. Điều này trên
quan điểm lịch sử và luật lệ quốc tế thì không thuyết phục. Cũng như VN hiện
nay khó mà nại lý do Trung Hoa chiếm đất của tổ tiên mình ở Quảng Đông, Quảng
Tây. Cũng như dân Ý bây giờ đâu thể nào đòi lại lãnh thổ trước kia thuộc đế
quốc Roma, hay nước Thổ đòi tái dựng lại đế quốc Ottoman. Nếu ai cũng nại lý do
như vậy thì thế giới sẽ đảo lộn, biển Địa Trung Hải sẽ trở thành « nội
hải » của nước Ý. Nếu chỉ nói trong khu vực, tại Trung Quốc, các tỉnh Mãn
Châu, Vân Nam, Tây Tạng, Quảng Đông v.v... trước kia là các quốc gia độc lập. Ai
cũng lên tiếng đòi đất, đòi độc lập thì lãnh thổ của Trung quốc sẽ không còn.
Mặt
khác, dân Khmer, ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, không có quan niệm quốc gia với
đường ranh giới rạch ròi, như là quan niệm của văn minh Trung Hoa. Chính người
Khmer, khi lục lại lịch sử của họ cũng không tìm thấy một tấm bản đồ nào cho
mọi người biết là lãnh thổ của họ đã mở từ đâu đến đâu. Không biết lãnh thổ
mình có từ đâu đến đâu thì đòi lại cái gì ? và ở chỗ nào ?
Quan
niệm về quốc gia của dân tộc Khmer chỉ mới có sau khi tiếp xúc với văn minh Tây
phương. Và chỉ sau khi tiếp xúc với Pháp, công nhận sự bảo hộ của Pháp, lãnh
thổ Khmer mới lần hồi thành hình qua các đợt phân giới và cắm mốc sau này.
Những
yêu sách về lãnh thổ của các học giả Khmer khi nại lịch sử là điều không phù
hợp công pháp quốc tế, không ai chia sẻ. Kể cả những học giả quốc tế có cảm
tình nhất với dân tộc này.
2/ Thời
kỳ thứ hai, từ năm 1862 đến năm 1945 :
Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước giao các tỉnh miền Nam cho
Pháp năm 1862, thì năm 1856 vua Norodom (Nặc Ông Dương) thỉnh cầu được sự bảo hộ của Pháp. Ngày 11 tháng 8 năm 1863 hai bên ký ký hiệp
định, vương quốc Khmer, lúc đó gọi là Cambodge, được đặt dưới quyền bảo hộ của
Pháp. Từ đó Pháp đại diện cho vương quốc Khmer trong các
lãnh vực đối ngoại và đối nội.
Nhưng
nội dung kết ước này vua Norodom không hề nói tới lãnh thổ, biên giới của vương
quốc mình có từ đâu tới đâu.
Người
lãnh đạo Pháp ở địa phương lúc đó là đô đốc De La Grandière, ông này quyết định
phân định biên giới nhằm xác định lãnh vực thuộc quyền quản trị của Pháp. Nhưng
sự mù mờ của biên giới, cộng với sự thiếu hiểu biết tình hình địa chính trị của
khu vực, ông này đã làm cho phía Thái Lan hưởng lợi.
Biên
giới giữa Cambodge với Thái Lan được phân định hấp tấp, Pháp đại diện Khmer ký
kết hiệp ước đầu tiên với Xiêm vào ngày 15 tháng 6 năm 1867, Xiêm từ bỏ quyền
« thuợng quốc » của Xiêm đối với Khmer, nhưng Pháp phải nhượng cho
Thái lãnh thổ Khmer ở hữu ngạn sông Cửu Long, tức ½ lãnh thổ Kampuchia hiện
nay, gồm các tỉnh Battambang, Sisophon và Siemreap hiện nay.
Điều
này trái ngược trên thực tế, vì trước khi Pháp vào Cambodge, vương quốc này
phải chịu thần phục cả hai bên VN và Thái Lan. Lập trường ở Paris, là khi ký
hiệp ước 1862 với triều đình nhà Nguyễn, nước Pháp có thẩm quyền thay thế nhà
Nguyễn về quyền thượng quốc ở vương quốc Khmer. Kết ước giữa Pháp với vua
Norodom chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không mang tính bó buộc của pháp lý. Tức
là có hay không có hiệp ước này thì lãnh thổ Khmer vẫn chịu quyền thuợng quốc,
tức quyền bảo hộ, của Pháp. Điều này hoàn toàn phù hợp với « luật lệ quốc
tế » trong thời kỳ.
Sự
sai lầm về biên giới Thái-Miên được sửa chữa lại vào năm 1893. Các tỉnh của
Cambodge nhượng cho Thái trước kia được khôi phục lại.
Biên
giới Việt-Miên được phân định qua hai thời kỳ : năm 1870 và năm 1873. Cuộc
phân định năm 1870 có sự hiện diện của quan chức Khmer, cắm được 60 mốc, nhưng
sau khi phân định xong thì họ lại phản đối. Họ đòi lại vùng gọi là « mỏ
vịt », và người Pháp đồng ý vạch lại biên giới, trả lại vùng này cho
Cambodge. Cuộc phân định năm 1873 gồm 64 mốc.
Các
tài liệu của Pháp về phân định biên giới cho thấy, vừa sau khi cắm mốc xong,
phía Cambodge phản đối, các cột mốc vừa cắm liền bị nhổ đi và dời về phía VN.
Năm
1887 khối Đông dương được thành lập, Cambodge trở thành một thành phần của khối
này, cùng với Cochinchine (Nam Kỳ), An Nam (Trung Kỳ) và Tonkin (Bắc Kỳ). Lào
chỉ được thành lập sau này, do yêu cầu của ông August Pavie, vào năm 1893.
Đường
biên giới giữa Cochichine (miền nam) và Cambodge trở thành đường biên giới hành
chánh, nội bộ của Đông dương, thuộc thẩm quyền của quan Toàn Quyền người Pháp.
Vùng
Darlac thì được sáp nhập và VN năm 1895. Điều này xảy ra do việc trao đổi đất
đai : VN nhượng đất Trấn Ninh cho Lào, đồng thời Lào nhường vùng đất phía
nam nước này cho Cambodge. Nhưng sau đó, năm 1899 vùng này lại trả về Lào, đến
năm 1904 mới chính thức trở lại VN. Năm 1923 vùng Kontum cũng được nhập vào
Darlac, đồng thời với vùng đất đỏ phía nam là Buôn Mê Thuộc.
Về
lãnh thổ trên biển thì được xác định năm 1939, do nghị quyết của Toàn quyền
Brévié. Đó là một đường thẳng 140°, thẳng góc so với bờ biển, theo đó các đảo
phía bắc đường này thuộc Cambodge và các đảo phía nam thuộc VN, trong đó bao
gồm đảo Phú Quốc.
Đến
năm 1939, biên giới trên đất liền hai bên Việt-Khmer được phân định hoàn tất. Biên
giới này là biên giới thuộc địa, thuộc nội bộ của nước Pháp, chứ không phải là
đường biên giới quốc tế giữa quốc gia với quốc gia.
Các
học giả Kampuchia hiện nay, một số theo chủ nghĩa « irrédentisme »,
tức chủ nghĩa đòi lại đất, cho rằng Pháp đã thiên vị VN lúc phân định biên
giới, do đó có khuynh hướng không nhìn nhận đường biên giới này. Chủ quyền đảo
Phú Quốc và các đảo chung quanh cũng bị đặt lại. Điều này không phù hợp với các
luật lệ cũng như tập quán quốc tế.
Theo
nguyên tắc « Uti possidetis » của công pháp quốc tế, áp dụng cho lãnh
thổ các nước thuộc địa sau khi lấy lại được nền độc lập. Trong thời kỳ thuộc
địa, lãnh thổ đó do bên này quản lý, thì sau khi dành được độc lập, vùng đất đó
sẽ tiếp tục do bên này quản lý.
Vì
vậy, hầu hết lập luận của các học giả Kampuchia hiện nay, khi lên tiếng đòi lại
đất của VN, như đảo Phú Quốc, vùng lãnh thổ gọi là Khmer Krom (tức là vùng đất
hiện nay thuộc tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…), đều không thuyết phục, nếu
không nói là trái ngược với luật lệ và tập quán quốc tế.
Thử
tưởng tượng, ai cũng có thể đòi lại đất như vậy, thì nước Mỹ, nước Úc, Canada
v.v… sẽ biến mất, vì đất đó là của người dân bản địa, chứ không phải của dân da
trắng hiện nay. Cũng như nhiều nước Nam Mỹ, các nước Châu Phi… sẽ không còn tồn
tại. Nên biết là đường biên giới các nước Phi Châu là do hai đế quốc thực dân
Anh và Pháp phân định. Để ý thì thấy là đường biên giới ở đây thường đi theo
đường thẳng, đường kinh tuyến, vĩ tuyến… nguyên nhân vì hai bên phân định trong
văn phòng, trên bản đồ. Hậu quả của việc phân định như thế làm cho nhiều dân
tộc không có quốc gia, hay một dân tộc bị chia cắt ra, mỗi phần ở trên một quốc
gia khác nhau. Và ta thấy rằng các đường biên giới đó vẫn còn giá trị pháp lý
cho đến hôm nay.
Vì
thế đòi hỏi của các học giả Khmer, đi ngược lại tinh thần của quốc tế công
pháp. Điều cần nhấn mạnh là các cuộc phân giới, mặc dầu do quan người Pháp điều
khiển, nhưng các quan chức người Miên và người Việt đều có hiện diện. Vấn đề là
họ không phản đối lúc phân định mà chỉ phản đối khi phân định đã hoàn tất. Sau
này ta sẽ thấy, lập luận của Sihanouk về biên giới thay đổi như chong chóng,
hết dựa phía này đến dựa phía bên kia.
Năm
1945 khi Nhật đến thì lập tức nhảy sang Nhật. Khi thấy thế lực Trung Cộng nổi
lên, Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch tháng 10 năm 1949, Sihanouk lại có
khuynh hướng dựa vào Trung Cộng. Trong thời gian hội nghị Genève 1954, ông này
nghĩ rằng sẽ được TQ giúp đỡ lấy lại đất, do đó đưa ra những yêu sách rất phi
lý. Trong thời chiến tranh VN, Sihanouk lại thiên về phía CSVN, giúp phe này,
hy vọng khi họ chiến thắng sẽ trả lại đất đai. Rồi sau 1975, các phe Kampuchia,
kể cả Sihanouk, cũng lại chống VN vì họ cho rằng lãnh đạo CSVN không giữ lời
hứa trả lại đất, vì thế cuộc chiến 1978 bùng nổ. Từ đó cho đến nay, vấn đề biên
giới, lãnh thổ, hải phận… giữa VN và Kampuchia, lúc nóng, lúc lạnh tùy thuộc
vào sự tốt lành quan hệ ngoại giao giữa VN và TQ. Những lúc sau này, tranh chấp
giữa VN và TQ căng thẳng vì việc TQ đặt giàn khoan 981 trong thềm lục địa của
VN, ta thấy các sư sãi, các chính trị gia Kampuchia lại dấy lên các cuộc biểu
tình, đòi lại đất. Những điều này ta sẽ trở lại nói rõ hơn ở phần sau.
3/
Thời kỳ thứ ba, từ 1945 cho đến năm 1954 :
Trước
khi nói về các diễn tiến liên quan đến biên giới giữa hai bên Việt-Miên trong
thời kỳ này, cũng nên nói lại một số chi tiết liên quan đến đất đai, lãnh thổ
sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng ba năm 1945.
Sihanouk
đơn phương tuyên bố Cambodge độc lập. Tháng 6 năm 1945 Sihanouk đưa kiến nghị
lên lãnh đạo Nhật, xin Nhật trả lại Nam Kỳ cho Cambodge, thay vì trả cho triều
đinh Huế. Nên biết, lúc đó Nam Kỳ có qui chế là thuộc địa của Pháp, tương tự
các lãnh thổ hải ngoại của Pháp hiện nay như Calédonie, Gyuane hay Réunion.
Quan chức Nhật chưa quyết định gì thì thua trận Đại chiến trước Đồng minh.
Pháp
vào lại VN, gặp nhiều sự kháng cự của kháng chiến VN, trong khi chính phủ của
ông Hồ tuyên bố thành lập nước VNDCCH ngày 2-9-1945 ở miền Bắc. Do những khó
khăn này, cùng với thế lực kiệt quệ do đất nước bị tàn phá do Thế chiến II, Chính
phủ Pháp quyết định tổ chức các nước Đông dương để trở thành Khối liên hiệp
Pháp. Ông Bảo Đại được Pháp đề nghị trả lại lãnh thổ mà nhà Nguyễn đã ký giao
cho Pháp trước kia. Điều kiện Bảo Đại là phải trả Nam Kỳ và nước VN là một nước
thống nhất ba miền bắc, trung, nam. Pháp đồng ý nguyên tắc này và điều này được
lập lại trong Hiệp định Genève 1954. Quốc gia VN được thành lập vào năm 1949, đúng
với thể thức quốc tế công pháp. VN cùng với Lào và Combodge, trở thành những
« quốc gia liên kết » trong khối Liên hiệp Pháp.
Phái
đoàn của Cambodge được gởi qua Paris điều trần ngày 2 tháng 4 năm 1949, mục
đích thuyết phục quốc hội Pháp trả lại Nam Kỳ cho Cambodge. Lý lẽ của phái đoàn
Cambodge là lúc ký hiệp định bảo hộ với Pháp năm 1863, nội dung kết ước không
nói đến số phận của Nam Kỳ, là vì vương quốc này nhường đất này cho Pháp sử
dụng. Bây giờ Pháp không cần đến lãnh thổ này nữa, hợp lý là phải trả lại cho
Cambodge chớ không thể trả cho triều đình Huế.
Lý
lẽ này không thuyết phục được chính giới Pháp vì lẽ, các tỉnh Nam Kỳ là do
triều đình Huế nhượng cho Pháp theo các hiệp ước 1862 và 1874. Trong khi hiệp
định 1863 giữa Pháp và Miên thì không hề có một điều bảo lưu nào về lãnh thổ.
Quốc
hội bác yêu sách này với đa số. Nhưng yêu sách về lãnh thổ của Cambodge thì
được một số dân biểu cách tả của quốc hội Pháp ủng hộ.
Thấy
đòi nguyên cả Nam Kỳ không xong, ngày 2-5-1949 Quốc hội Cambodge cho ra một
kiến nghị yêu cầu nhà nước Pháp phân định lại biên giới. Những người này cho rằng
biên giới giữa Nam Kỳ và Miên chưa bao giờ được phân định. Các cuộc phân định
trước hoàn toàn mang tính cách thiên vị, gây thiệt hại cho Cambodge. Kiến nghị
này cũng bị quốc hội Pháp bác bỏ.
Do
căm hận Pháp đã không thỏa mãn các yêu sách của mình, Sihanouk có khuynh hướng
nghiêng về Trung Cộng, là một thế lực đang lên, đứng sau chính phủ Hồ Chí Minh,
đối đầu với Pháp trong vấn đề VN. Ông này nghĩ rằng TQ sẽ dùng chính phủ của
ông chống lại Pháp ở mặt trận phía tây. Vì thế trong hội nghị Genève 1954, Sihanouk công bố trước các đại
cường yêu sách về lãnh thổ của Cambodge. Sihanouk đề nghị 6 giải pháp, hết sức
là cường điệu, có nội dung dẫn lại sơ lược như sau :
Sihanouk
đòi, hoặc trả lại cho Cambodge toàn vùng đất phía hữu ngạn sông Hậu Giang, bao
gồm thêm các tỉnh Trà Vinh, đảo Phú Quốc và vùng đất giới hạn giữa kinh Tân
Châu và sông Tiến Giang đồng thời tàu bè
Cambodge có quyền quá cảnh ở Sài Gòn.
Hoặc
là trả lại các vùng lãnh thổ trải dài cho tới hữu ngạn sông Tiền Giang, gồm các
tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa
Đéc và đảo Phú Quốc, quyền được quá cảnh ở Sài Gòn đồng thời dân Khmer phai
được bảo vệ.
Hoặc
phải « quốc tế hóa Nam Kỳ », kinh Vĩnh Tế và hải cảng Sài Gòn có qui
chế tự do, bãi miễn thuế quan. Còn không là phải đặt Nam Kỳ và đảo Phú Quốc
dưới sự quản trị của LHQ.
Các
đòi hỏi phi lý này không được nước nào ủng hộ. Sự bẽ bàng của Sihanouk càng lên
cao trong hội nghị Genève tháng 8 năm 1954 giữa Pháp và các nước Đông dương.
Yêu sách của Sihanouk dĩ nhiên không được ngó ngàng đến. Tuy vậy, kết cuộc hội
nghị nhìn nhận Cambodge được quyền thông lưu trên sông Cửu Long để ra biển cũng
như được quyền sử dụng thuơng cảng Sài Gòn. Nhưng các điều này bị VN bảo lưu,
lý do cần xem xét lại luật lệ quốc tế để xem rằng Cambodge có chính đáng được
hưởng các quyền này hay không ? Cuối cùng thì các quyền này của Cambodge
bị VN bác bỏ dưới thời ông Diệm.
4/ Thời
kỳ thứ tư, từ 1954 đến 1975.
Sau
thất bại ở hội nghị Genève 1954, Sihanouk nuôi dưỡng ý định trả thù. Ông này
dung dưỡng mọi thế lực chống lại chính phủ Bảo Đại, sau này là Ngô Đình Diệm.
Một
số thí dụ, các lực lượng tôn giáo chống ông Diệm được Sihanouk cho phép lập sào
huyệt trên đất Miên. Vì vậy để tảo thanh, quân VNCH buộc phải đi vào đất của
Cambodge. Các xung đột này bắt đầu từ năm 1955. Dĩ nhiên, Sihanouk lợi dụng các
việc này vừa tố cáo VN, trong khi trên thực địa thì cho người dời cột mốc phân
giới sang phía VN. Để trả đũa, ông Diệm tuyên bố hủy bỏ mọi « quyền lịch
sử » của Cambodge trên lãnh thổ VN.
Đến
năm 1960 thì lực lượng MTGPMN được thành lập. Tổ chức này cũng xây dựng sào
huyệt trên lãnh thổ Cambodge, dĩ nhiên dưới sự đồng ý ám thị của Sihanouk. Theo
một số tài liệu, phía VNDCCH « nhìn nhận đường biên giới hiện trạng của
Cambodge », trong khi MTGPMN, cũng như nhiều cán bộ cấp cao của CSVN, thì
hứa hẹn, nếu thắng được VNCH thì sẽ trả lại đảo Phú Quốc cho Cambodge.
Vì
các hứa hẹn này các đường mòn gọi là đường mòn HCM được Sihanouk đồng ý cho
thiết lập. Con đường huyết mạch tiếp tế lương thực và vũ khí cho quân MTGPMN
cũng như quân chính qui miền Bắc sau này.
Quan
hệ giữa Sihanouk và VNDCCH thân thiết đến mức độ vào tháng 8 năm 1963, Cambodge
tuyên bố chấm dứt ngoại giao với VNCH.
Sau
khi ông Diệm bị đảo chánh 1-11-1963, quan hệ hai bên VNCH và Cambodge vẫn không
ấm áp trở lại, mà còn tệ hai hơn. Nguyên nhân, người Mỹ chính thức đổ quân vào
VN, các cuộc hành quân, càn quét, dội bom trên đất Kampuchia nhằm phá hoại
đường mòn HCM… các việc này gây ra những thiệt hại đáng tiếc cho phía thường
dân Kampuchia. Tháng 7 năm 1965, Sihanouk kiện VNCH lên LHQ về việc xâm phạm
lãnh thổ. LHQ có điều tra nhưng chỉ kết luận rằng VNCH có vào lãnh thổ Cambodge
sau đó rút về, vì lý do bên Cambodge có dung chứa các lực lượng đối kháng, chứ
VNCH không có xâm chiếm lãnh thổ của Cambodge.
Không
hài lòng kết quả điều tra của LHQ, Sihanouk lên tiếng kêu gọi quốc tế ủng hộ
Cambodge, nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » của nước này. Một
số nước ủng hộ, trong đó có Pháp. Điều này có thể hiểu vì Pháp vẫn còn cay đắng
Mỹ trong việc dành chỗ của Pháp tại Đông Dương, không giúp Pháp trong trận Điện
Biên Phủ. Năm 1966 Pháp ủng hộ Cambodge « trung lập ». Nhưng việc này
không thuyết phục được ai vì tên đất Kampuchia vẫn còn nguyên các sào huyệt của
MTGPMN cũng như các con đường tiếp tế gọi là đường mòn HCM.
Cuối
cùng thì Sihanouk bị tướng Lon Nol lật đổ năm 1970.
Sau
khi lên nắm quyền, Lon Nol yêu cầu tất cả các lực lượng của CSVN rút khỏi
Kampuchia. Cũng như bất kỳ một người Cambodge nào khác, Lon Nol cũng rất bài
Việt. Trong lúc cuộc đảo chánh, các cuộc thảm sát thường dân VN đã diễn ra,
thây người thả đầy trên sông Cửu Long. Một số lớn người Việt phải hồi hương.
Việc này càng tạo thêm gánh nặng và sự bất ổn trong xã hội miền Nam.
Lực
lượng Khmer đỏ được thành lập dưới sự yễm trợ và huấn luyện của CSVN. Trên thực
tế, vùng phía bắc lãnh thổ Kampuchia hoàn toàn do quân đội CSVN kiểm soát.
Nhưng trong nội bộ của Khmer đỏ lại có nhánh có tinh thần bài Việt cực kỳ. Vì
thế họ ly khai. Những nhóm này cũng giết chóc và khủng bố đồng thời trục xuất
người Việt, như những lãnh đạo khác của Kampuchia.
Tóm
lại, thời kỳ này đường biên giới, cũng như kiều dân VN sống trên đất Kampuchia,
trở thành con tin bị các phía Kampuchia trao đổi quyền lợi chính trị. Trong
thời chiến, vấn đề biên giới không kiểm soát được, nhưng dân chúng VN là nạn
nhân trực tiếp của các tranh chấp này. Con số nạn nhân VN bị giết phải nói là
rất lớn.
5/ Thời
kỳ thứ năm từ 1975 đến hôm nay.
Từ
năm 1975 cho đến 1990, ta có thể nói rằng khu vực Đông dương vừa là một chiến
trường, vừa là một bàn cờ địa chiến lược của các thế lực quốc tế, gồm có các
nước liên hệ trong khu vực và các đại cường Trung Cộng, Liên Xô và dĩ nhiên là
Mỹ. Vấn đề biên giới, Cambodge không chỉ có tranh chấp với VN mà còn có tranh
chấp với Thái Lan về chủ quyền ngôi đền Préah Viheart cũng như ranh giới ngoài
biển, từ sau khi lấy lại độc lập năm 1953. Trong thời gian này vấn đề biên giới
giữa các bên không chính thức đặt ra, mặc dầu nó luôn là cái cớ để chiến tranh
bùng nổ. Nhất là đối với hai nước Việt-Miên.
Sau
khi quân Pol Pot tiến vào Nam Vang, cũng như quân miền Bắc chiếm Sài Gòn. Tháng
6 năm 1975, một phái đoàn của Khmer đỏ gởi đến Hà Nội để nhắc lại những cam kết
của CSVN : « nhìn nhận đường biên giới hiện trạng của
Cambodge » trong thập niên 60 về vấn đề lãnh thổ của Kampuchia. Những
người này, theo dự kiến là sẽ ký kết ước với Hà Nội để bảo đảm sự « toàn
vẹn lãnh thổ » của hai nước. Nhưng nhóm Khmer đỏ thân TQ trong phái đoàn
bất đồng ý kiến với nhóm thân Hà Nội. Phe thân Bắc Kinh lên tiếng đòi VN trả lại
cho họ vùng lãnh thổ gọi là « Khmer Krom ». Điều nên biết, chiến
thắng ngày 30-4-1975 của CS miền Bắc đã làm cho lãnh đạo Bắc Kinh tức tối. Chủ
trương của TQ từ xưa nay là chống lại VN thống nhất, cũng như chống lại việc VN
quá thân thiện hay lệ thuộc vào Liên Xô. Phía bắc, áp lực của Liên Xô đã trầm
trọng, quân Liên Xô đóng dài dài trên biên giới gây áp lực. Biển Hoa Đông thì
bị Nhật, Đài Loan án ngữ. Biển Đông thì hạm đội Liên Xô đã có mặt tại Cam Ranh.
Nếu Kampuchia hòa hoãn hay thân thiện với VN thì TQ sẽ không có cách gì để phá
vỡ thế cô lập. Mặt khác, quyền lợi của Mỹ cũng bị đe dọa, các nước chung quanh
như Thái Lan, Mã Lai v.v... sẽ sụp đổ, theo như thuyết Domino của Mỹ. Vì vậy
Bắc Kinh, cũng như Mỹ, chắc chắn phải tìm cách đẩy hai bên VN và Kampuchia vào
thế đối đầu.
Vì
thế, cả hai đại cường, Mỹ và TQ, một tư bản, một cộng sản, do cùng mục tiêu
ngăn chặn Liên Xô bành trướng, lại hợp tác với nhau, ra mặt ủng hộ Pol Pot chống
lại VN. Dĩ nhiên, nguyên nhân bên ngoài là tranh chấp đất đai, nhưng bên trong
là sự tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược trong khu vực của các đại cường. Vì
vậy, như đã nói, lãnh thổ trong quảng thời gian này là cái cớ để chiến tranh
bùng nổ.
Để
kích thích VN vào vòng chiến, trong lúc phái đoàn Khmer đỏ còn ở Hà Nội thì
quân Khmer đỏ đã đánh chiếm cù lao Poulo Wai trong vịnh Thái Lan. Dọc biên giới
thì quân Khmer đỏ đã sẵn sàng dàn quân ứng chiến. Như thường lệ, những người
dân VN sinh sống ở Kampuchia lại trở thành nạn nhân. Trên 150.000 người bị
ngược đãi, trục xuất về VN. Con số bị giết không biết là bao nhiêu, nhưng chắc
chắn không nhỏ. Tháng 6 năm 1976, VN gởi sứ giả sang Nam Vang hy vọng làm dịu
tình hình, nhưng phía Khmer đỏ đòi phải phân định lại biên giới, thay đổi đường
biên giới theo các bản đồ của Sở địa dư Đông dương ấn hành năm 1954, trong khi
phía VN thì nhìn nhận đường biên giới hiện trạng là đường biên giới thể hiện
trên bộ bản đồ này. Mặt khác, hai bên cũng không đồng thuận về biên giới trên
biển.
Phía
Khmer đỏ gia tăng khiêu khích, từ năm 1975 đến 1978, bọn này đã tiến sang VN
đánh phá và tàn sát dân chúng ở 25 huyện và 96 xã, gây ra trên 257.000 nạn nhân
màn trời chiếu đất. Trong năm 1977, Pol Pot cho quân lính tiến sang Tây Ninh
tàn sát dân chúng sinh sống ở đây, nhưng sự phản ứng của quân VN, do thiện chiến
hơn, đã làm cho quân Khmer thiệt hại nặng. Và cũng để trả đũa những vụ tàn sát
dân lành vô tội sinh sống các tỉnh dọc biên giới, tháng 12 năm 1977, VN mở một
cuộc hành quân thần tốc vào tỉnh Svay Rieng khiến quân Khmer đỏ thiệt hại nặng
nề. Cuối năm, Pol Pot tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với VN.
Chiến
tranh Việt-Miên bùng nổ. Dưới sự quan sát của các học giả quốc tế, cuộc chiến
này là một cuộc chiến « ủy nhiệm ». Pol Pot đánh VN là đánh cho Trung
quốc. Còn VN đánh là đánh cho Liên Xô.
Tháng
12 năm 1978, quân VN tiến vào Nam Vang, đánh đuổi Pol Pot và thành lập chính
phủ thân VN ở đây. Cùng với chính phủ này, VN đã ký kết các hiệp định « các
nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới ». Trên đất liền ký năm 1982,
trên biển ký năm 1983.
Trả
lời phỏng vấn báo chí, Nguyễn Cơ Thạch cho rằng VN tôn trọng đường biên giới
hiện trạng theo bộ bản đồ Đông dương 1/100.000. Nhưng Sihanouk, năm 1984, tố
cáo trước dư luận, qua thủ tướng Thái Lan, rằng VN đã chiếm vùng « mỏ
vịt », tức là tỉnh Svay Rieng.
Về
biên giới trên biển, theo nội dung các văn bản tham khảo được thì hai bên cùng
đồng ý "lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm
đường phân chia các đảo trong khu vực này", hai bên đồng thuận về
« vùng nước lịch sử » trong khu vực đảo Phú Quốc và "sẽ thương
lượng vào thời gian thích hợp… để hoạch định đường biên giới biển giữa hai
nước".
Đảo
Wai được VN trả lại cho Kampuchia.
Tháng
12 năm 1985 hai bên ký lại « Hiệp ước hoạch định biên giới ». Ngày
10-10-2005 ký thêm « Hiệp ước bổ sung » về biên giới. Hai bên bắt đầu
cắm mốc từ năm 2006. Ta thấy tỉnh Svay Riêng, tức vùng Mỏ vịt, vẫn thuộc lãnh
thổ của Kampuchia. Tức là lời tố cáo của Sihanouk là không đúng.
Điều
nên biết, sau khi quân Pol Pot vào Nam Vang thành lập chính quyền thì Sihanouk
được mời về làm quốc trưởng. Nhưng liền sau đó thì bị bạc đãi, tính mạng bị đe
dọa. Bắc Kinh tìm cách can thiệp và đưa ông này đi Trung Quốc. Ở Bắc Kinh
Sihanouk được đối đãi như là một thuợng khách. Bởi vì lãnh đạo Trung Nam Hải
biết được giá trị ở con cờ Sihanouk. Ông vua này có thể làm bất cứ điều gì để
chống lại VN. Cũng vì lý do này mà đất nước Kampuchia điêu linh, thần dân của
ông bị nhà nước Khmer đỏ tiêu diệt gần 1/3, trong đó có họ hàng thân thích của
ông. Điều trớ trêu là nhà nước này do TQ dựng lên, lúc đó ông là một thành phần
của nhà nước này.
Tuy
vậy, hiện nay TQ vẫn là một đồng minh được ưa chuộng tại Kampuchia. Người Việt
ở đây bị kỳ thị bao nhiêu thì người Hoa được ưu đãi bấy nhiêu. Toàn thể huyết
mạch kinh tế TQ hiện nay là do 10 giòng họ người Hoa nắm giữ. Liên minh Trung
Hoa – Khmer hứa hẹn sẽ bền chặt lâu dài mà chất keo hàn gắn hai bên là tinh
thần bài Việt. Vấn đề lãnh thổ luôn được các bên sử dụng như là một cái cớ để
khích động dân chúng để chống đối VN.
6/
Yếu tố Trung Quốc.
Như
đã nói ở trên, sau 1975, lãnh thổ chỉ là cái cớ để TQ kích động khiến Khmer đỏ
gây hấn VN. Thì bây giờ cũng vậy, vấn đề
lãnh thổ cũng là cái cớ để TQ khích động tinh thần bài Việt trong dân chúng
Kampuchia trong thời gian gần đây.
Vấn
đề là biên giới trên đất liền đã được hai bên ký hiệp định và các mốc giới vừa được
cắm xong. Hai bên đều thỏa mãn với yêu sách của mình, vì việc phân giới được
thực hiện trên tinh thần bình đẳng, không ai ép ai. Do đó sử dụng lãnh thổ vùng
biên giới để kích động đã không còn hữu hiệu. Những người Kampuchia hiện nay
lên tiếng chống VN thuộc phe Sam Rainsy, một người theo dân tộc chủ nghĩa, rất
thân TQ. Lá cờ đầu để những người này trương lên chống VN trước kia là các cột
mốc biên giới, nay đổi lại là vùng Khmer Krom và những người dân bản địa sống ở
đó.
Nhưng
việc khích động người dân như thế không dễ dàng, nếu không có một cái cớ chính
đáng nào đó. Điều này lại do nhà cầm quyền CSVN tạo ra. Đó là chính sách hà
khắc của nhà cầm quyền này lên những người dân của họ. Điều này không làm ai
ngạc nhiên, vì chính đồng bào ruột thịt của họ là dân miền Nam cũng bị phân biệt
đối xử. Những người dân bản địa (mà nhiều người hiện nay gọi là người Việt gốc
Miên) bị truất hữu ruộng đất, và đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến
người dân ở đây chống nhà cầm quyền VN.
Nếu
ta xét lại những đòi hỏi của những người tổ chức biểu tình chống VN ở Nam Vang thì
ta thấy nó không rõ ràng, đôi khi mâu thuẩn. Những yêu sách của họ như buộc VN
phải « nhìn nhận sự thật lịch sử », hay nhìn nhận « VN chiếm đất
của Kampuchia » đều có vẻ không thực tế.
Vấn
đề là họ đã lầm lẫn giữa quyền sở hữu đất đai của những người dân bản địa bị
nhà nước CSVN truất bỏ, với chủ quyền về lãnh thổ.
VN
có chủ quyền về lãnh thổ ở các khu vực mà dân Khmer gọi là Khmer Krom, điều này
đã được củng cố bởi thời gian hàng nhiều thế kỷ qua, cũng như được bảo đảm bởi
luật lệ quốc tế. Ý nghĩa của từ chủ quyền ở đây là « quyền lực chủ
tể » trên vùng lãnh thổ đó chứ không phải là « quyền làm chủ »,
hay quyền sở hữu vùng lãnh thổ đó như nhiều người đã hiểu lầm. Quyền lực chủ tể
có thể ban phát quyền sở hữu về đất đai, nhưng cũng có thể truất hữu, hay bãi
bỏ quyền đó. Vấn đề là nhà nước CSVN lạm dụng « quyền chủ tể » này,
truất hữu hàng loạt ruộng đồng, nhà cửa, không chỉ của dân bản địa, mà của nhân
dân trên khắp ba miền đất nước, gây sự bất mãn cùng cực nơi mọi tầng lớp người
dân. Cán bộ CS lạm dụng quyền chức, lấy đất của người thấp cổ bé miệng giao cho
những thế lực tài phiệt nhằm trục lợi. Các điều này tạo ra những bất công, làm
cho sự thù hận của người dân ngun ngút đến trời cao.
Vì
vậy, do nhập nhằng về khái niệm, những người dân bản địa phẫn uất đã bỏ VN sang
sinh sống ở Kampuchia. Tại đây họ được các thế lực bài Việt kích động, trở lại
chống VN. Điều cần nhấn mạnh : họ là người VN, sinh đẻ tại VN, tổ tiên của
họ đã ở trên vùng đất đó từ lâu đời. Điều ngạc nhiên là đến bây giờ những người
này vẫn bị xem là « người Việt gốc Miên ». Tức là chính sách phân
biệt giai cấp của CSVN đã đổi màu để biến thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Trên
đất Kampuchia, mặc dầu họ có chung nguồn gốc xa xôi, nhưng họ vẫn là người VN.
Để tạo sự tin tưởng nơi người Kampuchia chính gốc, những người dân Việt ly
hương này chống VN còn cực đoan hơn những người dân Kampuchia chính gốc. Đây là
một hiện tượng tâm lý, dễ bị người khác lợi dụng.
Điều
đáng lo ngại là TQ có thể sử dụng lớp người bất mãn này, nuôi dưỡng họ, huấn
luyện họ. Trong khi kinh tế Kampuchia lại có khuynh hướng phát triển hơn VN.
Việc này càng tạo cho Kampuchia một sức hút khiến người Việt đổ xô về đây tìm
cách sinh sống. Tất cả các yếu tố này đều nguy hiểm cho VN. Ta không thể bỏ qua
viễn tượng, một ngày nào đó, chính những người Việt này được TQ vũ trang để trở
về chống lại VN.
Lúc
đó, một VN yếu, kinh tế kém phát triển, kéo theo sự yếu kém về quân sự, có thể
dễ dàng bị lệ thuộc vào nước ngoài.
7/
Giải pháp nào ?
Như đã nói, vấn đề bài
Việt ở những người dân bản địa VN, vấn đề đòi lại đất, là do từ chính sách hà
khắc của nhà nước CSVN. Chủ trương « sở hữu tập thể về đất đai » thực
ra là để tạo một nguồn kinh tài cho đảng CSVN. Ở VN hiện hữu cái gọi là « quĩ
đất ». Lãnh đạo có thể sử dụng đất từ các « quĩ » này như là một
nguồn tài chánh, tương tự như các mỏ dầu khí, đưa vào ngân sách quốc gia để chi
phí điều hành. Việc lạm dụng đã tạo ra tại VN một tầng lớp dân oan, những người
trắng tay vì đất đai bị truất hữu. Việc truất hữu phần nhiều không minh bạch,
vì mục đích của nó không nhằm phục vụ cho quyền lợi của số đông mà chỉ cho một
vài cá nhân, tài phiệt. Những người dân oan này phần nhiều là những người dân tộc
thiểu số vùng tây bắc, trên tây nguyên, hay ở miền Nam.
Trong khi việc tạo
« quĩ đất » không hề thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, tệ nạn
đầu cơ về nhà đất đã tạo ra những bong bóng tài chính đe dọa sự hiện hữu cũng
như các hoạt động chủ yếu của ngân hàng. Nền kinh tế VN có nguy cơ sụp đổ.
Khi đã biết được nguyên
nhân thì biện pháp chế ngự hệ quả không phải là việc khó khăn. Đối với những
người dân bản địa ở miền Nam, để họ không bỏ nước sang Kampuchia lập tổ chức
chống đối, điều nhà nước cần phải làm là cho những người đó thấy là sống ở VN
sung sướng, thoải mái hơn là sống ở Kampuchia. Việc này không chỉ áp dụng cho
những người dân bản địa, mà cho chung mọi người dân VN. Tức là kinh tế VN phải
phát triển hơn Kampuchia. Chế độ VN nhân bản, tình người hơn chế độ Kampuchia. Tức
là, chỉ còn cách duy nhất là thay đổi thế chế chính trị : dân chủ hóa chế
độ. Chỉ dưới một chế độ dân chủ VN mới có thể phát triền lành mạnh.
Tiếp theo là trả lại cho
người dân những gì đã là của họ. Những gì của tổ tiên họ đã tạo ra, đã là của
họ, thì phải trả lại cho họ. Trả ở đây là trả quyền sở hữu đất đai chứ không
phải từ bỏ « chủ quyền lãnh thổ ». Kế đến là xây dựng một chính sách
« hòa giải dân tộc ». Làm thế nào cho mọi người dân thấy rằng họ được
tôn trọng. Tôn trọng về nhân vị là tôn trọng văn hóa, tôn giáo, lịch sử, lề lối
sinh hoạt… của người dân đó.
Sẽ không có biện pháp nào
khác. Mọi đàn áp, trừng trị tù tội hôm nay sẽ không dẹp được ngọn lửa căm hờn,
mà chỉ làm cho áp lực ngày càng tăng thêm. Một khi nhà nước yếu đi, vì lý do
kinh tế thí dụ vậy, thì ngọn lửa này sẽ bùng cháy mãnh liệt. Nếu được sự tiếp
tay của ngoại bang, thì VN sẽ không có cách nào trấn áp được. Lãnh thổ bị phân
liệt là điều sẽ đến.