jeudi 30 janvier 2014

Hoàng Sa và Trường Sa : vấn đề kế thừa.

Nếu không làm các thủ tục cần thiết để kế thừa di sản Việt Nam Cộng Hòa, Hoàng Sa đã mất vào 18-1-1974, sẽ mất đi vĩnh viễn. Trường Sa, trên danh nghĩa, đã mất từ 30-4-1975, cùng lúc với sự giải thể của VNCH.

Kế thừa là một thủ tục pháp lý cần thiết. Nó có thể trễ, nhưng không thể không thực hiện để kế thừa danh nghĩa chủ quyền về lãnh thổ.

1/ Tư cách pháp nhân của Mặt Trận Giải Phóng miền Nam.

MT khai sinh ngày 20-12-1960 theo nghị quyết của của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ ba của đảng CSVN (lúc đó có tên là đảng Lao Động), được đặt dưới sự lãnh đạo của bộ Chính trị đảng CSVN và Trung ương cục miền Nam.

Mục tiêu của MT :

« đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và nhân sĩ yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, để thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập tiến tới hòa bình thống nhứt tổ quốc. »

MT là một « thực thể chính trị » trực thuộc đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay), do cán bộ đảng CSVN lãnh đạo.

MT quan niệm chế độ VNCH là « ngụy, tay sai của đế quốc Mỹ ». Người Mỹ hiện diện ở miền Nam là « đế quốc », là « quân cướp nước ».

Cuộc chiến được gọi là cuộc chiến tranh « giải phóng ».

Thực thể chính trị MTGPMN được thế giới biết đến qua biến cố « tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 ». Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN được thành lập ngày 8-6-1969. Thực thể này được VNDCCH cùng các nước trong khối cộng sản công nhận.

Ngày 30-4-1975 chính quyền VNCH sụp đổ. Trước các định chế quốc tế (mà chính quyền VNCH là đại diện cho một nước Việt Nam duy nhất), tên gọi Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành Cộng hòa miền Nam Việt Nam qua một số thủ tục đơn giản[i].

Việc « kế thừa » VNCH của CPCMLT tại các định chế quốc tế chỉ là việc « đổi tên nước ».

Điều cần ghi nhận, đại diện của Việt Nam Cộng Hòa tại các định chế quốc tế là đại diện cho một nước Việt Nam duy nhất và thống nhất, gồm ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong khi CPCMLT chỉ đại diện cho miền Nam, tính từ vĩ tuyến 17.

Điều ghi nhận khác, sau 30-4-1975, VNDCCH cũng xin gia nhập vào các định chế quốc tế thuộc LHQ[ii].
Lập trường một quốc gia Việt Nam duy nhất, xác định theo Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1972, có hiệu lực từ 1954 đến 1975, được hai bên CPCMLT và VNDCCH đồng thuận hủy bỏ.

Tức là trong giai đoạn 30-4-1975 đến 2-7-1976, có hai nước VN : Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Việc thống nhứt đất nước 2-7-1976 như thế là thống nhứt giữa hai quốc gia.

2/  Sự kế thừa và liên tục quốc gia theo Luật quốc tế.

Điều 1 của Nghị quyết của LHQ về các vấn đề « kế thừa và sự liên tục quốc gia » qui định :

« Sự kế thừa của quốc gia là sự thay thế quốc gia đó trong trách nhiệm về những quan hệ quốc tế liên quan đến lãnh thổ. »

Điều 2 của Nghị quyết :

« Sự kế thừa của quốc gia bao gồm những tình huống : a/ quốc gia giải thể (gián đoạn, không có kế thừa), b/ chuyển nhượng, tức chuyển giao vùng lãnh thổ của quốc gia này cho một quốc gia khác (có sự liên tục của hai quốc gia, từ quốc gia chuyển nhượng sang quốc gia kế thừa), c/ ly khai, tức một lãnh thổ tách rời tự thành lập một quốc gia khác (liên tục quốc gia tiền nhiệm với sự thành lập một quốc gia mới), d/ những trường hợp thống nhất của hai hay nhiều quốc gia (sự liên tục của quốc gia với sự kết hợp của quốc gia này vào một quốc gia kia hay tính gián đoạn của hai hay nhiều quốc gia với sự thành lập một quốc gia mới). »

Nước CHXHCNVN được thành lập do việc thống nhứt hai quốc gia VNDCCH và CHMNVN. Vấn đề kế thừa lãnh thổ, theo hướng đẫn của Nghị quyết LHQ, vì vậy phải tuân thủ.

Động thái này nhằm tái xác định, hay phủ định, hiệu lực các kết ước, hay các tuyên bố của nhà nước (hay quốc gia) tiền nhiệm đã thể hiện đối với các nước khác.

Bà Monique Chemilier-Gendreau, trong tập La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys [iii] viết :

« Như vậy, chính quyền Sài Gòn, và chỉ chính quyền này mới được phát biểu về vấn đề các đảo HS và TS. Họ đã làm các việc đó. Họ đã làm việc đó với tư cách là người thừa kế các quyền của nước Việt Nam trong giai đoạn tiền thuộc địa. »

Điều 3 của Nghị quyết của LHQ về các vấn đề « kế thừa và sự liên tục quốc gia » :

« Sự liên tục của quốc gia có nghĩa là tính cách pháp nhân của quốc gia trong luật pháp quốc tế vẫn tồn tại bất chấp những thay đổi về lãnh thổ, dân số, hệ thống chính trị - pháp lý và quốc hiệu. »

Cho thấy tư cách pháp nhân của quốc gia Việt Nam không thay đổi từ nhà nước phong kiến sang nhà nước bảo hộ cho đến nhà nước VNCH. Chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện liên tục, từ các nhà nước phong kiến, chuyển sang nhà nước thuộc địa Pháp, sau đó là VNCH.

Nhà nước VNCH đã kế thừa và thể hiện các quyền của quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau 30-4-1975, Nhà nước CPCMLT đã có các động thái nào nhằm thay thế chính quyền VNCH về các vấn đề lãnh thổ, đặc biệt tại Hoàng Sa và Trường Sa ?

Tương tự, sau năm 1976, nhà nước CHXHCNVN đã thể hiện các hình thức kế thừa nào, trước quốc tế, để khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS ?

Quốc tế cần phải biết thái độ của các chính phủ mới về chủ quyền của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cần thiết. Ở Trường Sa, một số nước đã chiếm đảo của VN một cách trái phép. Trong khi ở Hoàng Sa thì TQ đã xâm lăng quần đảo này bằng vũ lực tháng 2 năm 1974.

Việc lên tiếng không chỉ là cần thiết mà còn là bắt buộc, nếu các nhà nước VN, sau 30-4-1975, muốn khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo này.

Tháng giêng 1974, nhân việc Trung Quốc đem quân xâm lược chiếm quần đảo Hoàng Sa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam có tuyên bố  lập trường của mình. Theo đó nhìn nhận có việc tranh chấp đồng thời cho rằng « chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc ». Tờ Le Monde số ngày 27 loan tin « đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị La Cell St-Cloud đã bác bỏ đề nghị của Sài Gòn ra một nghị quyết chung lên án việc Trung Quốc dung vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa ».

Thái độ của CPCMLT sẽ không thuyết phục, nếu cho rằng chính phủ này đã khẳng định chủ quyền của VN tại Hoàng Sa.

« Lãnh thổ là thiêng liêng » thì không thể chỉ đơn thuần « bảo vệ » lãnh thổ bằng lời nói hay bằng thái độ của kẻ ngoại cuộc.

Trong khi nhà nước VNDCCH thì hoàn toàn im lặng trước hành vi xâm lăng của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Liên Xô thì lên án mạnh mẽ hành vi này.

Theo tập quán quốc tế, người ta xem thái độ giữ im lặng của một quốc gia trước động thái của một quốc gia khác là sự mặc nhiên đồng thuận về động thái đó. Thái độ im lặng của chính phủ VNDCCH trước việc TQ xâm lăng HS có ý nghĩa pháp lý là thái độ mặc nhiên đồng thuận về việc TQ « giải phóng HS ».

Phía VNCH, dĩ nhiên, chính phủ này đã phản kháng mạnh mẽ, bằng vũ lực tự vệ và bằng mọi nỗ lực ngoại giao, đúng như thủ tục cần thiết theo qui định của quốc tế trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ.

Từ đó, cho đến khi thống nhất đất nước, các chính phủ CMLT và VNDCCH không có động thái nào khác nhằm khẳng định chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên nguyên tắc, sau khi VNCH giải thể, không có nhà nước kế thừa, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở thành vô chủ.
Điều nên biết, lập trường của Hoa Kỳ, VNCH là một quốc gia bị giải thể[iv] :

The Republic of Viet Nam, both of a state and government, had ceased to exist in law or fact and the United States had not recognized any government as the sovereigh authority in the territory formerly known as South Viet Nam
Tạm dịch: Việt Nam cộng hòa, quốc gia và chính quyền, đã ngừng hiện hữu trên phương diện pháp lý và thực tế. Hoa Kỳ không công nhận bất kỳ nhà nước nào trên vùng lãnh thổ trước kia mang tên Nam Việt Nam.

3/ Quốc gia Cộng hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam có kế thừa HS và TS từ VNCH ?

Ngày 2-7-1976 hai nước VNDCCH và CHMNVN hiệp thương thống nhứt đất nước. Với tư cách một quốc gia khác, sau khi thống nhứt đất nước, CHXHCNVN có kế thừa VNCH hay không ?

VNDCCH luôn quan niệm VNCH là một chính quyền « tay sai của ngoại bang », là « ngụy » cần phải lật đổ. Trên lý thuyết không thể hiện hữu vấn đề kế thừa.

Bà Joële Nguyên Duy-Tân[v] có đặt vấn đề :

« La R.D.V.N. avait toujours nié théoriquement l'existence d'un Etat au Sud, en particulier celui de la R.V.N. La R.S.V.N. peut-elle succéder à une entité inexistante pour elle?
Tạm dịch : VNDCCH luôn cương quyết phủ nhận sự hiện hữu của một quốc gia ở miền Nam, tức VNCH. CHXHCNVN có thể kế thừa một thực thể mà họ đã quan niệm là không hiện hữu ?

Tài liệu thuộc Bộ Ngoại giao Pháp, ngày 9-9-1978, cho thấy CHXHCNVN từ chối kế thừa di sản của thực dân Pháp (chuyển sang VNCH) :

A la suite de la disparition de la République du Sud VN, le nouveau gouvernement de VN n’a pas fait la déclaration indiquant qu’il entendait succéder aux traités des 16 Septembre 1954 et 16 Aout 1955, conclus entre la République française et l’ancien gouvernement Sud Vietnam. Il en résulte, conformément au principes du droit international actuel en matière de question du succestion d’Etat, que ces traités n’engagent plus le gouvernement actuel de VN et qu’il sont devenus caduc.[vi]

Tạm dịch : Tiếp theo sự biến mất của Cộng hòa miền Nam, chính phủ VN mới đã không ra tuyên bố cho biết họ kế thừa các hiệp ước 16-9-1954 và 16-8-1955, ký kết giữa Cộng hòa Pháp và chính phủ miền Nam VN cũ. Vì vậy, chiếu theo các nguyên tắc của luật quốc tế hiện thời về vấn đề kế thừa quốc gia, các hiệp ước này không còn ràng buộc chính phủ VN hiện thời và chúng trở thành vô giá trị. 

Một loạt các hành động khác, như CHXHCNVN ký kết vào hiệp ước « Không phổ biến vũ khí nguyên tử » với tư cách một quốc gia mới, từ chối kế thừa VNCH[vii]

Tuyên bố CHXHCNVN gởi chính phủ Thụy Sỹ, dẫn từ Conrad G. Buhler, nhìn nhận CHXHCNVN “liên tục” với quốc gia tiền nhiệm VNDCCH :

The S.R.V will continue the participation of the DRV and the RSV in the four “Geneva convention of 1949” concerning the protection of war civil victims with the same observations as those set forth by the DRV and the SRV.

Ta thấy trong văn bản trên, VN đã sử dụng chữ “sẽ tiếp tục” thay vì “kế thừa” VNDCCH.

Tính liên tục quốc gia đã được thể hiện : di sản của VNDCCH được chuyển sang CHXHCNVN. Việc này càng rõ rệt hơn khi ta nhận thấy đảng lãnh đạo nhà nước VNDCCH trước kia và đảng lãnh đạo nhà nước CHXHCNVN hôm nay là một : đảng CSVN.

Vấn đề kế thừa chính phủ CMLT cũng không đặt ra. Những người lãnh đạo chính phủ này cũng là nhân sự của đảng CSVN.

Tóm lại, nhà nước CHXHCNVN là nhà nước tiếp nối nhà nước VNDCCH.

4/ Muốn giữ Biển Đông là phải kế thừa di sản VNCH.

Năm 1988, Trung Quốc chiếm một số đảo Trường Sa bằng vũ lực. Phía VN đã không đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo An LHQ cũng như kiện TQ ra trước Tòa án Công lý quốc tế. Thời điểm này, CHXCNVN đã gia nhập LHQ, có đủ tư cách pháp nhân (mà phía VNCH trước kia không có) để kiện (hay thách thức kiện) TQ.

Đầu thập niên 90, TQ đã cho phép công ty dầu khí của Hoa Kỳ khai thác tại vùng Tứ Chính – Vũng Mây (Vạn An Bắc, gọi theo TQ). VN có nhờ tổ hợp Luật sư Hoa Kỳ thiết lập hồ sơ, có lẽ có ý định « kiện » công ty dầu khí Crestone, chứ không nhằm kiện TQ.

Vấn đề đặt ra, tại sao nhà nước CHXHCNVN, vừa có tư cách pháp nhân cũng như đầy đủ lý lẽ để kiện TQ, nhưng nhà nước này lại im lặng ?

Bởi vì, nhà nước này không thể kiện TQ.

Nhà nước CHXHCNVN có nghĩa vụ tôn trọng những kết ước, những tuyên bố về một vấn đề quốc tế... của nhà nước tiền nhiệm VNDCCH. Trong đó có việc nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.

Trong thập niên 90, nhân có các vụ xung đột tại TS, nhiều học giả, chuyên gia về luật quốc tế đã viết những tác phẩm về tranh chấp giữa hai nước Việt Nam và TQ về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phần lớn các học giả này nhìn nhận rằng VN đã phạm « Estoppel ». Theo họ, VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS trong một thời gian dài, đã hưởng lợi từ Trung Quốc, thì bây giờ không thể nói ngược lại.

Điều này đã thể hiện qua thái độ của nhà nước CHXHCNVN. Mặc dầu bị phía TQ lấn lướt (đến mức không thể chịu đựng) nhưng họ luôn chịu nhịn, không đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.

Thái độ này dầu vậy hợp lý. Bởi vì, việc kiện tụng, nếu xảy ra, phía VN có rất ít hy vọng thắng. Nhưng nếu thua thì mất hết.

Mất Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển kinh tế độc quyền của VN sẽ bị thu hẹp, nếu không nói là mất cả Biển Đông. TQ có đủ lý do để đặt các luật lệ cấm đánh cá, hay mở rộng vùng Nhận diện Phòng không trên khu vực các đảo này, tức bao trọn biển Đông. VN sẽ bị cô lập.

Nhưng nếu không làm gì hết, TQ cũng sẽ lần hồi thâu tóm các đảo TS, chiếm trọn Biển Đông.

Lối thoát cuối cùng cho VN là kế thừa di sản VNCH, thông qua phương pháp hòa giải quốc gia và dân chủ hóa chế độ.

Hòa giải quốc gia để kế thừa danh nghĩa VNCH. Dân chủ hóa chế độ để đoạn tuyệt với di sản VNDCCH. Từ đó VN mới có danh nghĩa để mà đưa vấn đề tranh chấp ra trước một trọng tài quốc tế.

Một khi đã kế thừa di sản VNCH, nhà nước VN mới sẽ xúc tiến việc kiện tụng. Nhưng không bắt đầu bằng kiện TQ (vì nước này không chấp nhận mọi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế). VN nên kiện Phi trước, vì nước này chiếm trái phép của VN các đảo Trường Sa. Kết quả vụ kiện này, nếu VN thắng (phần chắc) thì sẽ thắng lý ở Hoàng Sa. Dựa vào đó, VN làm « vốn » thương lượng với TQ nhằm phân định vùng biển và thềm lục địa chung quanh các đảo Hoàng Sa.

Trong khi việc dân chủ hóa chế độ còn phù hợp với ý định « thay đổi thể chế » của một vị lãnh đạo. Vấn đề là mọi người đặt quyền lợi đảng phái lên trên hay quyền lợi của đất nước lên trên ?




[i] Nguyen Duy Tan Joële. La représentation du Viet-Nam dans les institutions spécialisées. In: Annuaire français de droit international, volume 22, 1976. pp. 405-419. doi : 10.3406/afdi.1976.1996 http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/afdi_0066-3085_1976_num_22_1_1996
[ii] Nguyen Duy Tan Joële, đã dẫn.
[iii] Monique Chemillier-Gendreau – La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys – NXB Harmattan 1996, page
[iv] Conrad G. Buhler, in State Succession and Membership in International Organisations – Legal Theories versus Political Pragmatism, tr94-103…sdd, tr 107.
[v]  Nguyen Duy Tan Joële, đã dẫn.
[vi] Conrad G. Buhler, State Succession and Membership in International Organisations – Legal Theories versus Political Pragmatism, tr 107.
[vii] Conrad G. Buhler, sdd, tr. 87.

dimanche 19 janvier 2014

Kiện cái gì ở Hoàng Sa ?

Hâm nóng lại vấn đề Hoàng Sa là cần thiết, thưa kiện Trung Quốc là một chuyện khác. Nhiều người cho rằng đã đến lúc « chín mùi » để đưa vụ Hoàng Sa ra Tòa Án quốc tế.

Thời điểm gọi là « chín mùi » thực ra đã qua từ rất lâu.

Trong vụ Hoàng Sa người ta có thể kiện Trung Quốc ở vấn đề gì ? Về hành vi cưỡng chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc ? Hay kiện để giải quyết một tranh chấp về lãnh thổ ?

Luật pháp quốc tế không nhìn nhận tính chính đáng của việc thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực. Chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, theo quốc tế công pháp, là không được nhìn nhận.

Vấn đề của Việt Nam là, thực thể pháp nhân nào có thể đứng ra kiện Trung Quốc ?

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có tư cách pháp nhân của một « quốc gia », là đối tượng của công pháp quốc tế. Nhưng thực thể này không có tư cách pháp nhân để kiện Trung Quốc ở Hoàng Sa. Lý do : Trung Quốc chiếm Hoàng Sa trên tay của VNCH chứ không phải trên tay CHXHCNVN.

CHXHCNVN chỉ có thể làm việc này khi đã kế thừa di sản VNCH một cách hợp pháp.

Tuy vậy, CHXHCNVN có thể kiện Trung Quốc ở một số đảo thuộc Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam bằng vũ lực, vào năm 1988. Nhà nước CSVN đáng lẽ từ lâu đã phải lập thủ tục đệ trình vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, lên các định chế pháp lý trực thuộc LHQ như Tòa án Công lý Quốc tế.

Vấn đề này thực ra mới là « chín mùi ». Để lâu là « hóa bùn ».

Nhưng nếu kiện như vậy cũng là thất sách, khi mà nhà nước VN hôm nay vẫn chưa kế thừa VNCH (và đoạn tuyệt quá khứ của VNDCCH).

Ta có thể từ vụ kiện các đảo Trường Sa để đặt lại vấn đề chủ quyền Hoàng Sa trước Tòa. Các đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa, những vùng lãnh thổ của Việt Nam từ lâu đời đã bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép bằng vũ lực.


Tức là VN vẫn có lối thoát ở Hoàng Sa, có điều nhà nước hôm nay có dám đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của đảng phái hay không ?

samedi 18 janvier 2014

Thử nói về chuyện tự lực tự cường.

Đường lối chính trị của Việt Nam hiện nay, hơn bao giờ hết, thể hiện ý chí “tự lực, tự cường”. Mặc dầu thông điệp “Xây dựng lòng tin chiến lược” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mở lộ ý muốn có sự hiện diện các cường quốc tại khu vực, nhất là Hoa Kỳ, để cân bằng thế lực ngày một áp đảo và đe dọa của Trung Quốc trong khu vực. Chính sách “tự lực tự cường” của Việt Nam cho thấy đang có vấn đề. Những dấu hiệu từ những sụp đổ của các đại tập đoàn nhà nước, hay việc tham nhũng và xa xỉ của các quan chức làm ta cảm nhận điều này.

Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách được hay không ? Nhiều bài học lịch sử của các quốc gia lân bang trong quá khứ cho ta thấy có thể được mà cũng có thể không. Một đế quốc Trung Hoa khổng lồ lần hồi bị phân hủy trước các cường quốc Tây phương, mặc dầu họ khởi sự chính sách “tự lực tự cường” sớm hơn hết. Nhật đã thành công ngoạn mục chính sách này, từ học hỏi phương Tây, trở thành ngang hàng với phương Tây, sau đó đánh bại phương Tây… là một bài học nên nghiền ngẫm. Lại còn Đài Loan, sau khi bị đồng minh Hoa Kỳ hất chân khỏi ghế đại diện Liên Hiệp Quốc, tình thế nước này chông chênh nhưng trứng để đầu đá. Chính sách “tự lực tự cường” của họ cũng đã thành công, từ phát triển kinh tế, hiện đại hóa quân đội… Đảo quốc này hiện nay có thể sản xuất các loại vũ khí khả dĩ tự vệ chống lại lục địa, như phi cơ tiêm kích, hỏa tiễn tầm trung (phóng tới Bắc Kinh), mới đây lại sáng chế thành công hỏa tiễn tự dò mục tiêu (tầm bắn tới Thuợng Hải, Bắc Kinh…). Tự lực tự cường là như vậy. VN hôm nay chưa sản xuất được bất kỳ loại vũ khí nào để chống một cuộc tập kích của một đạo hải quân (hiện đại) nước ngoài. Vũ khí để tự bảo vệ của VN đều mua nước ngoài. Nước ngoài không bán thì VN chết mà kinh tế không lên nổi VN cũng chết. Nếu dự tính theo đà phát triển kinh tế hiện nay, VN sẽ không còn khả năng mua khí tài nước ngoài trong vài năm tới.

Tình hình quả nhiên là dầu sôi lửa bỏng.

1/ Người Trung Quốc có các phương châm « phú quốc cường binh » hay « tự lực, tự cường ». Mỗi khi đất nước gặp đe dọa từ bên ngoài là họ thường nhắc câu phương châm này để lấy lại tự tin, củng cố nội lực và lựa thời cơ trỗi dậy.

Sau chiến tranh nha phiến (1840-1842), Thanh triều phải chịu khuất phục nhục nhã trước các cường quốc Tây phương, một đường hướng chính trị « tự lực, tự cường » được áp dụng nhằm hiện đại hóa quân đội. Do kẻ địch đến từ ngoài biển, mục tiêu hiện đại hóa là lực lượng hải quân.

Nhưng dân tộc Hán là một dân tộc hướng vô lục địa, không có truyền thống « đại dương » (như dân tộc Nhật). Trung quốc có đến 3.492 hải lý bờ biển, đứng hàng thứ 10 trên thế giới, với nhiều hải cảng tốt như Ninh Ba, Phúc Châu, Quảng Châu, Hạ Môn... nhưng dân tộc này luôn quay lưng ra biển, ít nhất cho đến giữa thế kỷ 20. Phía Bắc, Tây Bắc, Tây… của Trung Hoa là những vùng sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, như Tây Bá Lợi Á, Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng… không thích hợp để sinh sống, nhưng người Hán vẫn ra sức chinh phục và bỏ nhiều công lao để giữ, trong khi mặt biển luôn bỏ trống. Công trình Vạn lý Trường Thành vĩ đại xây lên cũng để nhằm ngăn chặn kẻ địch đến từ phương Bắc. Những nhà chiến lược nổi danh nhất Trung Hoa như Tôn Tử, Ngô Tử, Tư Mã Pháp, Lục Thao, Úy Liễu Tử sống dưới thời Xuân Thu hay Chiến Quốc, tư tưởng của họ được để lại qua các bộ binh thư, nổi tiếng nhất là Tôn Tử và Ngô Tử, gọi tắt là Tôn Ngô. Cho đến thời kỳ cận đại, nghệ thuật chiến tranh của Trung Hoa không ra ngoài tư tưởng Tôn Ngô. Ta thấy binh thư không có ghi trận đánh nào giữa hai hạm đội trên biển.

Người Hán chỉ tiếp xúc với đại dương vào hậu bán thế kỷ 19 dưới sự cưỡng ép của các cường quốc. Các hải cảng lớn của Trung Hoa được mở ra hầu hết là do ép buộc của Tây Phương, từ năm 1840.

Chính sách « tự lực, tự cường » được một số nho sĩ thức thời phụ họa. Những người này thành lập phong trào « Dương Vụ Vận Ðộng », nhằm vận động người phương Tây để mua vũ khí và học hỏi kỹ thuật. Ta thấy các nho sĩ này ảnh hưởng sâu đậm thái độ của trí thức Nhật cùng thời. Do sức trì của nền văn hóa, thế lực « bài Tây » vẫn áp đảo trong triều đình, việc học hỏi khoa học kỹ thuật của Tây Phương nhằm hiện đại hóa quân đội không được phổ cập. Chỉ một số địa phương giáp biển áp dụng việc này để củng cố khí tài cho hải quân phòng vệ.

Sau bài học Chiến tranh Nha phiến lần 2 (1856), « Dương vụ Vận động » bắt đầu có kết quả. Năm 1861, Thanh triều chấp nhận mở cơ quan tương đương bộ Ngoại Giao, có tên Tổng Lý Nha Môn nhằm giao thiệp với nước ngoài. Có 2 khuynh hướng phát triển hải quân: 1/ mua chiến hạm ở nước ngoài, 2/ chế tạo chiến hạm ở nội địa. Nhưng khuynh hướng có chủ trương quay lưng ra biển, lấy lục địa làm địa bàn chống giặc ngoại xâm vẫn còn rất mạnh.

Khuynh hướng thứ hai được xúc tiến qua việc thành lập một số « hải quân công xưởng » và « Hải quân Học hiệu » tại các tỉnh Thuợng Hải, Giang Nam, Tô Châu,  Nam Kinh... Một số cơ xưởng đóng tàu được sự giúp đỡ của các khoa học gia, kỹ thuật gia người nước ngoài cũng được thành lập. Xưởng đóng tàu Phúc Châu  có sự cộng tác của các kỹ sư người Pháp. Những trung tâm đào tạo (Hải quân Học hiệu) chuyên dạy các ngành nghề khoa học tự nhiên, kỹ thuật, sinh ngữ, triết học v.v… Từ năm 1868 đến 1879 có đến cả trăm tác phẩm về khoa học và kỹ thuật được xuất bản. Cơ xưởng đóng tàu cũng đào tạo sĩ quan, thuyền trưởng cho đội ngũ hải quân tương lai của Trung Hoa.

Năm 1874, cùng lúc cuộc nổi loạn đạo Hồi ở phía Tây thì ở phía Ðông, hạm đội Nhật Bản lăm le tấn công Ðài Loan. Quân đội Trung Hoa cùng một lúc đối phó với hai mặt trận. Các quan lại trong đình thảo luận các ưu tiên : dùng ngân sách quốc gia để dẹp loạn và trấn giữ mặt Tây hay để bảo vệ Ðài Loan (tức phát triển hải quân) ?

Từ năm 1875 đến 1878, mặt trận phía Tây tốn 26 triệu lạng bạc. Từ 1878 đến 1881 tốn thêm 25 triệu lạng bạc. Trong lúc đó chi phí cho hải quân tổng cộng chỉ có 4 triệu lạng bạc. Hao tốn do chiến phí trên bộ thật là ghê gớm. Trị giá một chiếc thiết giáp hạm do cơ xưởng Giang Nam đóng và hạ thủy vào năm 1885 chỉ có 223.800 lạng bạc.

Cho đến những năm sau 1880, hải quân Trung Hoa vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào nước ngoài. Số chiến hạm đóng tại nội địa vẫn không hơn số chiến hạm mua ở nước ngoài. Trong khi việc đào tạo vẫn không cung ứng đủ chuyên gia, số cố vấn nước ngoài vẫn còn đông đảo.

Mặt khác, những chiến hạm mua được của nước ngoài có rất nhiều yếu điểm (dĩ nhiên !). Có những trường hợp, 2 chiến hạm vừa đóng xong tại công xưởng của Anh, chạy chưa tới Trung Hoa phải cập bến Ấn Độ sửa chữa vài tháng. Cũng có trường hợp mua súng đạn của Nhật, mua xong mới biết đó là súng đạn loại cũ của quân Nhật phế thải.

Nhưng những chiến hạm đóng tại cơ xưởng nội địa, có chuyên gia nước ngoài cố vấn, như công xưởng Phúc Châu, sản xuất ra những chiến hạm có giá trị thực sự.

Nhưng chiến tranh Trung-Pháp về vấn đề Việt Nam đã làm sụp đổ những công trình xây dựng của Trung Hoa.

Hai nước Pháp và Trung Hoa đã ký kết công ước Fournier để ngưng chiến (11-5-1884), nhưng biến cố Bắc Lệ, quân Trung Hoa phục kích làm chết một số lính Pháp. Pháp lên án Trung Hoa vi phạm công ước đã ký kết, đòi bồi thường, nhưng phía Thanh triều không đồng ý.

Hải quân viễn chinh Pháp do Ðô Ðốc Courbet cầm đầu, gồm khoảng 40 chiếc thuyền, trong đó có 4 thiết giáp hạm và 14 tuần dương hạm. Ông dẫn một hạm đội gồm 8 chiếc ngược sông Mân để tiến vào Phúc Châu (thuộc tỉnh Phúc Kiến) vào ngày 17 tháng 7 năm 1884.

Hải quân Trung Hoa lúc đó gồm có 11 chiến hạm hạ thủy được 9 năm nhưng võ trang không đồng đều. Những chiếc hạm nầy được các chuyên gia đánh giá là « tốt ». Bốn chiếc hạm do những sĩ quan đào tạo tại hải quân học hiệu Phúc Châu điều khiển.

Ðô Ðốc Courbet khai hoả vào ngày 24 tháng 8, lúc hai bên chưa tuyến bố chiến tranh. Cơ xưởng đóng tàu Phúc Châu bị pháo kích nát tan, 22 chiến hạm Trung Hoa bị phá hủy. Từ ngày 25 đến ngày 29, hạm đội Pháp xuôi sông Mân trở ra biển.

Trái với sự tiên đoán của các chuyên gia thời đó cho rằng hạm đội Pháp sẽ không còn manh giáp khi ra biển, thực tế phía Pháp chỉ thiệt mạng vài người. Toàn thể hạm đội vô sự.

Hải quân Pháp thắng dễ dàng do yếu tố bất ngờ, đánh trước lúc hai bên chưa tuyên chiến. Nhưng « binh bất yếm trá ! », hải quân Trung Hoa không thuộc binh pháp Tôn-Ngô !

Sau trận này, quan lại Trung Hoa rút kinh nghiệm thất bại. Các đề nghị : củng cố lại các cơ xưởng đóng tàu, xưởng chế vũ khí và đặt ra Bộ Hải quân. Cải tổ đội ngũ hải quân, thống nhất toàn bộ chiến hạm địa phương và phân ra làm 3 hạm đội Bắc Dương, Đông Dương và Nam Dương. Ngày 12 tháng 10 năm 1885 Hải Quân Nha Môn, tương đương bộ Hải Quân được thành lập. Hạm đội biển Bắc hùng mạnh hơn hết, do việc phải đương đầu với Nhật, gồm 25 chiến hạm, gồm thiết giáp hạm và tuần dương hạm tối tân, trong đó có 4 chiến hạm được đóng tại các cơ xưởng Anh và Ðức.

Khuyết điểm của Trung Hoa thời kỳ này là nạn phe phái. Việc này làm cho nỗ lực phát triển và hiện đại hóa hải quân đã không được hiệu quả tối ưu. Quyền lợi và an ninh của địa phương cao hơn quyền lợi và an ninh quốc gia. Nạn tham nhũng và thói xa xỉ cũng tác hại không kém. Bà Từ Hi Thái Hậu cho làm lại Viên Minh Viên, đã bị liên quân Anh-Pháp đốt phá vào cuộc chiến nha phiến lần 2, có xây một chiếc thuyền làm bằng đá bằng ngân sách Hải Quân vào những năm 1889-1894, ước lượng là 12 triệu đô-la thời đó.

Do vậy mà Trung Hoa phải học thêm bài học, tương tự bài học với Pháp qua trận Phúc Châu, là thua Nhật Bản một cách nhục nhã tại trận Áp Lục.

2/ Người Nhật cũng có một phương châm có ý nghĩa tương tự « fuguo qiangbing » của Trung Hoa, là « fukoku kyohei ». Ta có thể so sánh hai triều đại Tongzhi (1862-1874) ở Trung Hoa với triều đại Minh Trị (Meiji) bắt đầu từ 1868. Cả hai đều lấy phương châm « nước giàu binh mạnh » làm kim chỉ nam. Nếu ở Trung Hoa có hải quân công xưởng Phúc Châu do người Pháp phụ trách kỹ thuật thì ở Nhật cũng có công xưởng Yokosuda, cũng do người Pháp giúp kỹ thuật và điều hành. Cả hai công xưởng, ngoài việc đóng tàu còn có huấn luyện học thuật Tây Phương và sinh ngữ.

Những võ sĩ cũ (samourai) được tuyển vào để đào tạo thành chuyên gia hàng hải. Triều đình Minh Trị phụ trách việc mở mang các cơ xưởng chiến lược (dưới thời shogun Tokugawa) và tìm cách tập trung việc điều khiển về trung ương. Sự khác biệt giữa Nhật và Trung Hoa là triều đình nhà Thanh giao việc xây dựng cơ xưởng cho chính quyền địa phương, trong khi Nhật Hoàng định chế hóa việc phát triển hải quân. Từ năm 1869 Nhật đã có bộ Hải Quân, những công xưởng nhà nước được xây dựng từ 1880. Trước đó, nhà nước đã khuyến khích tư nhân đầu tư vài kỹ nghệ hàng hải bằng những món tiền thưởng lớn lao. Những lãnh chúa bị truất quyền từ năm 1868, được sự trợ giúp nhà nước, đầu tư vào công, kỹ nghệ. Năm 1880 là thời điểm Nhật chấm dứt giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Việc hiện đại hóa càng nhanh chóng vì kinh tế tăng trưởng nhờ có sự hợp tác của tư nhân. Nhiều công xưởng hải quân được bán cho tư nhân như ở Nagasaki, bán cho Iwakari Yataro vào năm 1884, ông nầy dựng lên hảng Mitsu. Tuy vậy nhà nước vẫn giữ được vị trí điều khiển một cách khéo léo và bí mật vì những người mua đều là thân tộc với những người trong chính quyền.

Chính sách « dương vụ vận động », « tự lực tự cường » để « phú quốc cường binh » đã xảy ra tương tự ở Nhật và Trung Hoa. Ở Nhật thành công hơn do sự can thiệp (và tổ chức đồng bộ) từ trên xuống dưới. Xã hội Nhật, mọi người cùng có cơ hội đóng góp trong khi quan lại Thanh triều chia rẽ, mạnh ai nấy sống.

Kết cục ra sao có thể đoán được.

3/ Áp Lục là tên của con sông hiện nay là biên giới giữa Trung Hoa và Triều Tiên. Trận chiến mang tên nầy vì đã xảy ra ở vùng biển ngoài cửa sông giữa hải quân Nhật và hải quân Trung Hoa. Trận chiến xảy ra vào tháng 9 năm 1894. Người Hoa gọi đó là chiến tranh Giáp Ngọ.

Nguyên nhân xung đột giữa Trung Hoa và Nhật Bản là tranh chấp quyền bảo hộ xứ Triều Tiên. Nhân một biến cố nhỏ, Nhật tuyên bố chiến tranh và từ chối mọi đề nghị hòa giải từ phía Trung Hoa.

Lực lượng hải quân Nhật gồm có 32 chiến hạm còn khá mới và 24 thủy lôi hạm (torpilleur), do một đoàn thủy quân dạn dày kinh nghiệm điều khiển.

Phía Trung Hoa có 65 chiến hạm tối tân và 43 thủy lôi hạm, chia làm ba hạm đội, nhưng việc phân bổ không đồng đều. Gồm các hạm đội Bắc Dương, Ðông Dương và Nam Dương.
Trong trận Áp Lục, mỗi bên tung ra trận 12 chiến chạm.

Chiến hạm phe Trung Hoa có ưu điểm được trang bị súng lớn nhưng tàu vận hành chậm, súng bắn không nhanh. Hai chiếc thiết giáp hạm Dingyuan và Zhengyuan được chuyên gia nước ngoài là các ông W. Tyler (người Anh) và Philo N. MacGiffin (người Mỹ) hợp tác chỉ huy. Hai chiếc hạm nầy mua của Ðức. Trong trận hải chiến người ta nhận thấy vỏ hai chiếc tàu nầy chịu đựng được đạn đại bác bằng gang do thủy lôi hạm của Nhật bắn. Như vậy phe Trung Hoa còn có thêm ưu điểm về sức chịu đựng của thiết giáp hạm.

Hạm đội Trung Hoa do Ðề Ðốc Ding Ruchang chỉ huy. Ông nầy quê quán ở An Huy (Anhui), là vị tướng có cấp bậc cao nhất trong hải quân Trung Hoa. Tuy vậy ông này chỉ có thành tích ở các trận địa chiến và không phải là sĩ quan hải quân. Hạm trưởng soái hạm Dingyuan (thiết giáp hạm) là ông Liu Buchan. Ông nầy là cựu sinh viên hải quân công xưởng Phúc Châu, có thực tập trên tàu của trường (mua của Ðức) năm 1869. Nhưng kiến thức của ông Liu Buchan đã lỗi thời, không phù hợp với kỹ thuật của hơn 20 năm sau. Trong số 12 hạm trưởng tham dự trận Áp Lục có 9 vị tốt nghiệp hải quân công xưởng Phúc Châu. Những người nầy không có kinh nghiệm chiến đấu, kể cả kinh nghiệm thực tập.

Theo các quan sát viên nước ngoài, trận Áp Lục hoàn toàn sử dụng vũ khí và tàu bè có kỹ thuật tiên tiến nhất vào thời đó. Lực lượng hai bên tương đối ngang ngữa.

Kết quả trận hải chiến, như mọi người đều biết, hải quân Trung Hoa thua thê thảm.
Diễn biến trận đánh, lúc ra trận, thủy thủ đoàn của chiến hạm Nhật thiện chiến, có kỹ luật, nhất nhất tuân lệnh chỉ huy. Hạm đội Trung Hoa ra trận cứng nhắc, không biết biến đổi đội hình, cứ dàng hàng ngang tiến tới. Trong khi hạm đội Nhật không có đội hình nhất định và thay đổi vị trí chiến hạm tùy theo tình thế.

Không có kinh nghiệm chiến đấu, quân đội không được huấn luyện, mặc dầu có phương tiện tối tân nhưng hải quân Trung Hoa không thắng được hải quân Nhật. Chỉ trong vài tuần hạm đội Trung Hoa bị đánh đắm gần hết.

Trung Hoa phải ký hòa ước Shimonoseki với Nhật, bồi thường chiến tranh 300 triệu lạng bạc, nhượng một số đất đai và quyền lợi cho Nhật.

Sau khi thắng trận 1894 và được bồi thường 300 triệu lạng bạc, chính quyền Nhật sử dụng khoản tiền nầy để khuếch trương hàng hải. Một đạo luật ban bố năm 1896 nhằm khuyến khích việc đóng tàu, sẽ thưởng cho những người đóng tàu hay những người đi biển.

Nhờ đạo luật nầy hàng hải Nhật tiến bộ rất nhanh. Những hãng tư nhân như Mitsubitshi ở Nagasaki hay hãng Kawasaki ở Osaka phát triển không kém những công xưởng nhà nước.
Cuộc thủy chiến với Nga 1904-1905 đã xác định được vị trí đại cường của Nhật. Chiến thắng đạt được là nhờ ở những người lãnh đạo có định hướng chính trị đúng nhu cầu chiến lược của đất nước, đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa và công nghệ hóa nước Nhật nói chung và hải quân nói riêng. Liên tiếp 4 thập niên, Nhật làm bá chủ Châu Á. Năm 1945 Nhật Bản thua trận và đất nước bị tàn phá khốc liệt. Nhưng chỉ vài thập niên người Nhật lại đẩy vị trí nước Nhật lên hàng đầu trên trường quốc tế. Trong giai đoạn nầy tư nhân là thành phần chủ đạo trong việc phát triển.

4/ Kết luận :

Bài học cho Trung Hoa :

Trở lại tình trạng của Trung Hoa hiện thời, ta nhận thấy tư tưởng của Ðặng Tiểu Bình về công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trong đó có quân đội, bắt đầu có ảnh hưởng lên lãnh đạo Trung Hoa từ 1972. Tư tưởng nầy chấp nhận cả hai khuynh hướng « tự cường » và học hỏi kỹ thuật của nước ngoài, nhưng trong đó tư nhân người Hoa đóng vai trò quan trọng. Tổng hợp hai khuynh hướng đó, ta có thể thấy hiện nay Trung Hoa đã có những thành công đáng kể.

Thành công của Trung Hoa trong việc phát triển kinh tế từ năm 1979 đến nay, (sự phát triển nầy ra ngoài dự đoán của hầu hết chuyên gia kinh tế trên thế giới), đã cho phép nước nầy từng bước một hiện đại hóa quân đội của họ. Hai mũi nhọn ưu tiên không quân và hải quân đã được trang bị bằng những loại vũ khí tối tân, mua của nước ngoài hay tự sản xuất, bằng những kỹ thuật hiện đại nhất.

Bài học cho Việt Nam : Tình trạng Việt Nam, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… tất cả đều suy thoái (hay suy đồi). Việt Nam có nhiều bài học lịch sử đau thương nhưng chưa có bài học nào được rút kinh nghiệm.

Người Hoa đã rút tỉa được các bài học cay đắng, từ năm 1979 đến nay. Việt Nam thì không. Sau gần 4 thập niên thắng được miền Nam, trên thực tế Việt Nam hôm nay đang đi lại từng bước con đường của triều đình nhà Thanh vào thời kỳ đang ngắc ngoải. Nội bộ cũng tranh chấp quyền chức, cũng phe đảng, cũng đầu óc địa phương, cũng tham ô, cũng chuyên quyền, xã hội xáo trộn, dân tình lớp thì thờ ơ với đất nước, lớp thì thù hận và bất mãn chống chính quyền.

Việt Nam có tới 2.500 cây số đường bờ biển, có diện tích hải phận có thể gấp 3 lần diện tích lãnh thổ. Vậy mà hải quân Việt Nam hầu như chỉ còn đang trong thời kỳ phôi thai, mặc đầu bị đe dọa nặng nề từ TQ. Việt Nam cũng chưa có đội hàng hải ngư thuyền hay thương thuyền nào đáng kể. Biển Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ.

Đảng CSVN không sử dụng người ngoài đảng hay người thuộc chế độ cũ (còn tệ hơn nhà Thanh ngày xưa) và nặng đầu óc địa phương. Không nhìn thấy thời thế đã thay đổi; chính trị rập khuôn theo Trung Quốc cho thấy lãnh đạo Việt Nam vừa không có sáng kiến, vừa mù tịt ở việc định hướng chiến lược phát triển quốc gia.

Dựa vào Trung Quốc, đảng CSVN giữ được quyền bính nhưng sẽ không giữ được nước. Khi mà lãnh đạo CS Việt Nam còn xem quyền bính phe đảng quan trọng hơn là đất nước, khi mà nỗ lực quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… chỉ nhằm tuyên truyền, khi lực lượng công an, quân đội chỉ dùng vào mục tiêu giữ quyền bính cho đảng lãnh đạo, thì đất nước lâm nguy.


Không nhanh chóng thay đổi thể chế, dân chủ hóa đất nước, thanh lọc lại hàng ngũ lãnh đạo… VN có nguy cơ sụp đổ, như nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19.

vendredi 17 janvier 2014

Nhân 40 năm ngày Việt Nam mất Hoàng Sa : Thử xét ảnh hưởng việc mất Hoàng Sa trong vấn đề phân định hải phận ngoài cửa vịnh Bắc Việt.

Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa chỉ mới được nhà cầm quyền CSVN thực sự quan tâm khi hai bên Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu bước vào đàm phán để phân định biên giới biển khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Việt.

Ranh giới hai nước Việt-Trung trong vịnh Bắc Việt được phân định theo Hiệp ước ký kết ngày 30 tháng 12 năm 2000. Các thuơng thuyết để phân định vùng cửa vịnh có lẽ bắt đầu từ những năm đầu thiên niên kỷ thứ ba. Yếu tố quan trọng nhất trong việc phân chia vùng cửa vịnh Bắc Việt, giữa bờ biển miền Trung Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc, là hiệu lực các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Lập trường của TQ từ nhiều thập niên nay là không nhìn nhận hiện hữu một tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. TQ đã dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng Hòa quản lý từ ngày 17-1-1974.

Theo tinh thần Luật quốc tế về Biển hiện nay, nền tảng của việc phân định biển là sự công bằng. Theo các Công ước về Biển năm 1958, đường ranh giới trên biển là đường trung tuyến phân chia hai bờ của hai quốc gia đối diện. Sau này, các trường hợp do hình thái địa lý bờ biển lồi lõm, việc phân chia theo đường trung tuyến có thể đem lại bất lợi cho một bên. Do vậy qui ước về đường trung tuyến điều chỉnh được nhìn nhận, sao cho việc phân định có được hai vùng biển tương đồng diện tích.

Luật Biển Quốc tế 1982, điều 121, nhìn nhận hiệu lực của một đảo về lãnh hải (12 hải lý), hải phận kinh tế độc quyền (ZEE, 200 hải lý), tương tự như hiệu lực lãnh thổ trên lục địa, ngoại trừ các đảo đá không thể tạo điều kiện cho người sinh sống và không có nền kinh tế tự tại.

Một số các đảo thuộc HS và TS hội đủ kiều kiện « đảo » của Luật Quốc tế về Biển 1982.

Giá trị thật sự của các đảo Hoàng Sa (và Trường Sa) như thế không phải là lãnh thổ, mà là vùng biển kinh tế độc quyền và thềm lục địa (dĩ nhiên bao gồm tài nguyên trong cột nước như tôm cá, hải sản, và các mỏ dầu khí dưới thềm lục địa).

Như thế, tầm quan trọng của việc phân định vùng cửa vịnh Bắc Việt là hàng trăm ngàn cây số vuông biển và thềm lục địa do hiệu lực có thể có của các đảo Hoàng Sa (hàng triệu km² nếu tính hiệu lực cái gọi là quần đảo Trung Sa và đá Hoàng Nham theo yêu sách của Trung Quốc). Vùng thềm lục địa và biển khổng lồ này sẽ phải phân chia như thế nào ?

Gần 15 năm thuơng thuyết chưa thấy nhà nước VN công bố một chi tiết nào về tiến trình đàm phán. Nếu không lầm thì vấn đề « càng để lâu càng khó » (sic !) .

Trên thực tế những năm qua, ngư dân Việt Nam trong vùng biển này thường xuyên bị tàu hải giám TQ đuổi bắt, tịch thu tàu bè, phá hoại dụng cụ hành nghề, bắt đóng tiền phạt… Ngoài ra còn các động thái khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của phía TQ, như cho phép khai thác dầu khí, cho thuyền bè ngư dân đánh bắt, cho đấu thầu các lô khai thác dầu khí… tại các vùng biển và thềm lục địa mà phía VN cho là của mình, hay thuộc những vùng tranh chấp.

Phía Trung Quốc đơn phương vạch rõ đâu là giới hạn biển thuộc thẩm quyền của nước mình. Giới hạn này lần hồi hiện rõ nét : đường trung tuyến giữa các đảo Hoàng Sa với bờ biển của Việt Nam.

Điều cần nói thêm, phía Trung Quốc, ngoài chủ trương các đảo Hoàng Sa có đầy đủ hiệu lực « đảo » theo qui định điều 121 của Luật Biển 1982, còn có quan điểm về đường chữ U 9 đoạn. Ở khu vực cửa vịnh Bắc Việt, ranh giới của đường chữ U gần như trùng hợp với đường trung tuyến giữa các đảo Hoàng Sa (tính từ đảo Tri Tôn, đảo ở phía cực tây Hoàng Sa), với bờ biển Việt Nam.

Phía Việt Nam thì không nhất quán về quan điểm chủ quyền lãnh thổ cũng như hiệu lực biển của các vùng lãnh thổ trên biển. Theo thời gian, lập trường của Việt Nam thay đổi theo từng trường hợp.

Về chủ quyền, qua những tài liệu lịch sử và pháp lý của nhà nước tiền nhiệm VN Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Việt Nam đã (mặc nhiên) nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong hai thập niên, từ năm 1958 cho đến năm 1978. Chỉ đến năm 1979, bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam mới ra tuyên bố gồm 6 điểm nhằm giải thích lại các dữ kiện lịch sử và pháp lý này. Điểm 1 Tuyên bố khẳng định chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa. Điểm 2 phủ nhận nội dung Công hàm 1958 theo cách diễn giải của Trung Quốc. Tuyên bố cho rằng Việt Nam chỉ nhìn nhận hiệu lực 12 hải lý lãnh hải chứ không nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Điểm 6 tố cáo TQ « chiếm Hoàng Sa bất hợp pháp bằng quân sự ».

Về hiệu lực các đảo, theo Tuyên bố của Việt Nam trong thập niên 80 thì các đảo của VN có hiệu lực như trên đất liền, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, lập trường này thay đổi, nếu xét đến trường hợp Hiệp ước Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, các đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cồn Cỏ có hiệu lực không đáng kể.

Việc thay đổi lập trường của Việt Nam, qua việc giảm thiểu tối đa hiệu lực các đảo, có mục đích (mặc định) nhằm hạn chế hiệu lực các đảo Hoàng Sa. Việt Nam thu hẹp hiệu lực các đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ trong vịnh Bắc Việt với hy vọng được Trung Quốc đáp ứng lại, sẽ phân định vùng cửa vịnh Bắc Việt bằng đường trung tuyến ở giữa đảo Hải Nam và bờ biển của Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với nội dung công hàm 1958 công nhận lãnh hải 12 hải lý (ở các đảo Hoàng Sa). Lý do là Trung Quốc hiện kiểm soát Hoàng Sa và nước này có đầy đủ chứng cớ chứng minh các đảo này thuộc chủ quyền của họ.

Việc này không dễ dàng được sự đồng thuận của Trung Quốc.

Bởi vì Trung Quốc, một cường quốc đang lên, đang củng cố thế mạnh để mặc cả với Hoa Kỳ để phân chia các vùng ảnh hưởng ở Châu Á cũng như trên thế giới. Trung Quốc không gặp một trở ngại nào đáng kể khi tuyên bố vùng biển tại Hoàng Sa, từ Hoa Kỳ, Nhật, hoặc các nước ASEAN. Một bài nhận định mới đây của học giả Carlyle Thayer cho ta thấy thực tế này. Theo học giả, quyết định ban bố « luật quản lý biển » của Trung Quốc về hải phận tỉnh Hải Nam và các đảo Hoàng Sa là « hợp pháp ».

Tức là, ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng cửa vịnh Bắc Việt sẽ là đường trung tuyến giữa đảo Tri Tôn (thuộc hoàng Sa) và bờ biển Việt Nam. Điều này nếu xảy ra sẽ khiến cho VN thiệt hại vài trăm ngàn cây số vuông biển và thềm lục địa.

Đã từ rất lâu, hàng chục năm trước, người viết đã thấy việc này và báo động rằng trọng tâm việc phân định hải phận ở biển Đông là chủ quyền các đảo chứ không phải là hiệu lực các đảo.  

Đến hôm nay mọi người phải nhìn nhận điều này đúng. Việt Nam không thể yêu cầu Trung Quốc giảm yêu sách về hiệu lực các đảo Hoàng Sa (như VN đã thể hiện tại các đảo Bạch Long Vĩ và cồn Cỏ) vì chính Việt Nam cũng đã từng chủ trương các đảo Hoàng Sa có hiệu lực như vậy. Anh không thể cấm người khác làm cái việc mà anh đang làm. Điều quan trọng khác, yêu sách này không trái với Luật Quốc tế về Biển 1982. Mặt khác, Trung Quốc còn có chủ trương đường chữ U 9 đoạn, là vùng « biển lịch sử ». Ý nghĩa biển lịch sử của Trung Quốc có nhiều người bàn đến. Muốn hóa giải hiệu lực của vùng « biển lịch sử » này, VN không cách nào hữu hiệu bằng việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên biển. Hiệu lực của các đảo sẽ hóa giải yêu sách của Trung Quốc qua bản đồ chữ U 9 đoạn.

Như thế, chìa khóa để hóa giải mọi yêu sách của Trung Quốc, VN phải khẳng định chủ quyền các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.

Phía Việt Nam tin tưởng vào các học giả của mình, lập luận rằng « người ta không thể cho cái mà người ta không có thẩm quyền » để phủ nhận hiệu lực công hàm 1958 nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Nhiều người cố gắng chứng minh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa là hai « quốc gia ». Lại còn lên tiếng yêu cầu nhà nước VN hôm nay cần phải « nhìn nhận » Việt Nam Cộng Hòa « đã từng là một quốc gia ».

Mục đích của các « học giả » này là muốn hóa giải hiệu lực công hàm 1958. Hoàng Sa do quốc gia VNCH quản lý, thì tuyên bố của VNDCCH đâu có ăn nhập gì ?

Nhưng nếu xem VNCH và VNDCCH là hai « quốc gia » thì vấn đề tranh chấp Hoàng Sa xem như khóa sổ. Trên thực tế Trung Quốc chiếm HS từ tay « quốc gia » VNCH. Việc này được sự đồng thuận của quốc gia VNDCCH. Hai « quốc gia » VNCH và VNDCCH là hai « quốc gia » độc lập, có chủ quyền. Trung quốc chiếm Hoàng Sa là chiếm của « quốc gia » Việt Nam Cộng Hòa. « Quốc gia » Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là bên thứ ba, không có quan hệ gì đến « Hoàng Sa ».

Nhưng may mắn là trên thực tế và theo pháp lý, VNDCCH và VNCH là hai vùng lãnh thổ thuộc về một quốc gia duy nhất chứ không phải là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Các học giả khác cho rằng nhà nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thụ đắc danh nghĩa chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là « kế thừa » Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Vấn đề là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã kế thừa Hoàng Sa và Trường Sa bằng thể thức nào ?

Mọi người quên mất một điều quan trọng là Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm từ tay VNCH năm 1974. Bỏ qua chuyện kế thừa Trường Sa qua một bên. CHMNVN kế thừa Hoàng Sa từ VNCH bằng cách nào ? Làm sao kế thừa một vật đã không còn nữa ?

Có học giả thì cho rằng tuyên bố của CPCMLT CHMNVN năm 1974 khi TQ xâm lăng Hoàng Sa là đủ lý lẽ để khẳng định chủ quyền của VN tại Hoàng Sa. Nên biết là Tuyên bố này không hề nói đến chủ quyền của VN tại Hoàng Sa mà chỉ nói các tranh chấp lãnh thổ nên giải quyết bằng thương lượng hòa bình.

Một điều cũng rất quan trọng khác, các học giả VN thường quên, là nhà nước CHXHCNVN là nhà nước tiếp nối nhà nước VNDCCH đồng thời kế thừa CPCMLT CHMNVN. Mọi người đã nói (một cách không ổn) rằng VN kế thừa CHMNVN. Nhưng họ lại quên đi CHXHCNVN cũng kế thừa VNDCCH. Một nhà nước không thể cùng lúc kế thừa hai lập trường đối nghịch : Hoàng Sa thuộc Trung quốc (lập trường VNDCCH) và Hoàng Sa thuộc Việt Nam (lập trường VNCH).

Lý lẽ học giả Việt Nam chỉ nhằm che dấu một sự thật về tình trạng pháp lý và lịch sử, hy vọng làm « nhẹ tội » cho lãnh đạo CSVN qua công hàm 1958, hay những động thái nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa trong quá khứ. Các sản phẩm nghiên cứu của họ phần lớn bóp méo lịch sử, diễn giải sai các dữ kiện pháp lý trong các văn bản quốc tế.

Như thế làm sao thuyết phục ?

Điều đến phải đến, phía Trung Quốc vừa có sức mạnh cứng quân sự, vừa có sức mạnh mềm kinh tế, lại được thế mạnh pháp lý, do đó ngày càng lấn tới.

Tuyên bố của họ về vùng biển Hoàng Sa, theo dư luận quốc tế, là « hợp pháp ».

Hôm nay mọi người đều thấy kế thừa Việt Nam Cộng Hòa là điều cần thiết, mặc dầu chỉ để có danh nghĩa lý thuyết « de jure » chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Chỉ có vậy mới có thể cứu vãn hàng trăm ngàn km² biển và thềm lục địa của việt Nam không bị mất cho Trung Quốc.

Sau cuộc chiến Hoàng Sa 40 năm, nhà cầm quyền CSVN mới bắt đầu cho phép một số báo chí tường thuật lại trận chiến giữ nước bi hùng của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa nhằm chống lại một kẻ thù  xâm lăng có lực lượng mạnh hơn nhiều lần là Trung Cộng. Một vài nhân sĩ đáng kính tổ chức các buổi lễ tưởng niệm. Có người hô hào quyên góp để giúp đỡ các quả phụ của các chiến sĩ đã hy sinh. Tất cả các việc làm này đều đáng được trân trọng và hưởng ứng.

Một số người khác « viết thư gởi Liên Hiệp Quốc » mục đích yêu cầu Trung quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chấp nhận đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án quốc tế. Tôi cho rằng đây là việc phiêu lưu. Trong tình trạng hiện nay, nếu vấn đề đưa ra tòa án quốc tế, VN không nhiều hy vọng thắng kiện. Mà thua kiện là không chỉ mất Hoàng Sa mà còn mất Trường Sa. Có nghĩa là hiến trọn biển Đông cho Trung Quốc. Điều may là lá thư này không có hy vọng đến LHQ và các định chế trực thuộc vì vấn đề thủ tục.

Tất cả các động thái này nhằm chứng minh việc kế thừa Hoàng Sa.

Đã trễ 40 năm nhưng không là quá trễ.

Cách đây khá lâu, khoảng 10 năm chi đó, người viết có đề nghị một phương pháp khẳng định chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa bằng phương pháp kế thừa VNCH thông qua một bộ luật hòa giải quốc gia và dân chủ hóa chế độ.

Trong và ngoài nước, không một ai hưởng ứng.

Bây giờ, nước đến chân, qua các vụ chèn ép của Trung quốc, mọi người thấy đề nghị « kế thừa VNCH » là đúng.

Những nỗ lực vinh danh các chiến sĩ VNCH hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa nhằm tạo thế « kế thừa VNCH » đều đáng khen, nhưng chưa đủ. Bởi vì VN hôm nay còn phải đoạn tuyệt với di sản của VNDCCH. Việc này chỉ có thể thực hiện bằng cách thức « hòa giải quốc gia và dân chủ hóa chế độ ».

Từ lâu tôi cũng nói rằng việc tranh đấu khẳng định chủ quyền biển đảo cũng là tranh đấu dân chủ hóa chế độ. Tôi xem rằng những người ý thức được việc cần thiết « kế thừa VNCH » như những kẻ « tri âm ». Thật vui mừng biết bao nhiêu ! Tìm được một người hiểu được mình không dễ.


Hy vọng kỹ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa mọi người cùng suy nghĩ thêm. Công cuộc giữ nước, giữ vẹn toàn bờ cõi, biển đảo cũng là công cuộc tranh đấu dân chủ hóa chế độ.   

mardi 14 janvier 2014

Về việc ký tên vào lá thư gởi Liên Hiệp Quốc.


Lá thư này có một số điều cần xét lại trước khi ký.

Về hình thức, lá thư gởi : Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Pháp quyền Liên Hợp Quốc, Uỷ ban 1 của Liên Hợp quốc (Giải trừ quân bị và An ninh Quốc tế ) và Tòa án Công lý Quốc tế.

Ngoài Tổng thư ký LHQ l
à « cá nhân », các nơi nhận khác là các định chế quốc tế phụ thuộc LHQ. Theo nội qui của LHQ và các định chế của LHQ, như tòa Án công lý Quốc Tế (CIJ), các nơi đây là những định chế pháp lý được thành hình dưới sự đồng thuận của một số quốc gia. LHQ là một « hiệp hội » của các quốc gia. Tòa án CIJ trực thuộc LHQ là nơi giải quyết những mâu thuẫn giữa các quốc gia. Đối tượng của các định chế này là « quốc gia » chứ không phải hiệp hội tư nhân (hay cá nhân).

Gởi thư với tư cách « tập thể » của một số cá nhân (trong một quốc gia) là không hợp lệ.  

Về nội dung : lá thư « kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chấp nhận đưa tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa ra phân xử tại Tòa án Công lý Quốc tế ».

Có hai điều : 1/ kêu gọi TQ tôn trọng luật pháp quốc tế và 2/ kêu gọi Trung Quốc chấp nhận đưa tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa ra phân xử tại Tòa án Công lý Quốc tế.

Ở điều 1, theo tôi, lá thư này nếu gởi nhà nước VN và nhà nước TQ thì phù hợp. Trước hết các tác giả lá thư chỉ có thể gởi đến các nhà nước liên hệ chứ không thể gởi đến LHQ hay các định chế trực thuộc LHQ. Thứ hai, bằng chứng đầy đủ : Cả hai nhà nước VN và Trung Quốc đều không có phía nào tôn trọng « luật quốc tế » mà họ long trọng ký kết, điển hình các công ước về « Nhân quyền ».

Dầu vậy, cũng thử đặt giả thuyết các tác giả có tư cách pháp nhân để gởi lên LHQ và các định chế trực thuộc LHQ.

Điều trước hết mà các tác giả cần làm là phải chứng minh phía TQ đã « không tôn trọng luật pháp quốc tế ». Họ đã không tôn trọng cái gì ? khi nào ? luật nào ?

Việc tiến chiếm Hoàng Sa của VNCH bằng vũ lực là một hành vi xâm lăng. Nhưng phía TQ đã biện minh trước quốc tế rằng hành động đó là « giải phóng một lãnh thổ của TQ bị ngoại bang chiếm đóng ». Việc này « suông tai » là vì phía TQ đã vịn vào các bằng chứng, như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng hay các tuyên bố khác của nhà nước VNDCCH. Nội dung các văn bản này cho thấy VNDCCH nhìn nhận HS (và TS) thuộc chủ quyền của TQ.

Ở đây ta có hai lập trường về chủ quyền : cái nhìn của VNCH và cái nhìn của VNDCCH.

Chỉ đứng dưới lập trường của VNCH ta mới có thể kết luận TQ « không tôn trọng luật pháp quốc tế ».

Vấn đề là nhà nước VN hiện nay liên tục với nhà nước VNDCCH ngày xưa. Nhà nước VN hiện nay có nghĩa vụ phải tôn trọng những tuyên bố, những kết ước thuộc phạm vi quốc tế mà nhà nước VNDCCH ngày xưa đã thể hiện, trong đó có các truyên bố của nhà nước này về chủ quyền HS và TS.

Đã từ rất lâu, ít ra 15 năm trước, tôi đã báo động rằng việc lên tiếng đòi chủ quyền HS và TS chỉ hợp lý khi mà nhà nước VN hôm nay kế thừa di sản chính trị của VNCH. Việc này đến nay vẫn chưa thể hiện, mặc dầu đã thấy có những dấu hiệu tích cực qua các việc tôn vinh các tử sĩ VNCH đã hy sinh trong trận HS. Nhưng đây vẫn là hành động riêng rẽ cá nhân chứ chưa phải là chủ trương của quốc gia. Việc kế thừa « nhà nước » là công việc của « nhà nước » chứ không phải công việc của cá nhân.

Mặt khác, giả sử nhà nước VN hôm nay được nhìn nhận đã « kế thừa » di sản VNCH, thì trên phương diện pháp lý (ở HS và TS) vẫn chưa đủ.

Bởi vì nhà nước VN hôm nay là nhà nước liên tục của thực thể chính trị VNDCCH.

Một nhà nước không thể có cùng lúc hai lập trường trái ngược nhau trên một vấn đề thuộc phạm vi quốc tế. Nhà nước VN hôm nay không thể cùng lúc nhìn nhận HS và TS thuộc về TQ (tiếp nối VNDCCH) vừa khẳng định HS và TS thuộc chủ quyền của VN (kế thừa VNCH).

Tức là, muốn khẳng định HS và TS thuộc VN, nhà nước VN hôm nay có một việc cần làm : lựa chọn di sản để kế thừa. Nhưng việc này không dễ.

Nhà nước CHXHCNVN đã có văn bản nhìn nhận sự « liên tục » giữa hai nhà nước VNDCCH và CHXHCNVN. Việc này đã kéo dài gần bốn thập niên. Hôm nay đoạn tuyệt với di sản VNDCCH, sau đó nhìn nhận di sản VNCH, là việc cực kỳ khó khăn, không phải chỉ nói suông mà được.

Điều thứ 2 : « kêu gọi Trung Quốc chấp nhận đưa tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa ra phân xử tại Tòa án Công lý Quốc tế. »

Điều này cũng nên gởi tới nhà nước VN.

Bởi vì cả hai nhà nước TQ và VN đều không ký tên nhìn nhận hiệu lực bắt buộc của CIJ. Việc nhìn nhận CIJ là điều kiện tiên quyết để hai bên giải quyết tranh chấp HS và TS bằng Tòa án Công lý Quốc tế. 

Điều hợp lý là phía VN phải ký trước. Từ đó việc thách thức TQ ra trước Tòa CIJ mới thuyết phục hơn. Mà việc làm này cũng không nằm trong phạm vi thẩm quyền của các tác giả viết lá thư. Đây cá một vấn đề thuộc phạm trù « quốc tế ». Chỉ có "quốc gia" mới có tư cách pháp nhân để hành sử một vấn đề  thuộc phạm trù quốc tế.

Lá thư đã ghi những chi tiết có thể gây ngộ nhận lớn :

« Tuy nhiên chúng ta không thiếu các biện pháp có thể đưa đến một giải pháp hoà bình cho tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, một trong những biện pháp hòa bình đó là đưa tranh chấp này ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế. Thế nhưng Trung Quốc đã hoàn toàn làm ngơ trước mọi đề xuất theo hướng này. Nếu như Trung Quốc không ngừng khẳng định họ có bằng chứng rất mạnh về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, tại sao họ lại không đồng ý đưa tranh chấp này ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế, tổ chức quốc tế thích hợp nhất để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia ? »

Ngộ nhận có thể ở đây là nhà nước VN hiện nay chưa bao giờ thách thức TQ ra trước Tòa án Công lý Quốc tế để giải quyết bất kỳ một tranh chấp lãnh thổ nào. Nói « Trung Quốc không đồng ý » là không có căn cứ.

Trong quá khứ TQ đã hai lần từ chối đề nghị của Pháp, năm 1932 và năm 1947, để đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trọng tài phân xử. Cả hai lần TQ từ chối. 

TQ từ chối đề nghị của Pháp và TQ từ chối đề nghị của VN là hai việc khác xa.

Từ năm 1954 cho đến năm 1975, cả hai miền Nam và Bắc VN đều không được nhìn nhận vào LHQ. Hai thực thể chính trị này không có tư cách pháp nhân để đưa một tranh chấp (quốc tế) ra một tòa án quốc tế (chỉ phân xử những tranh chấp giữa các quốc gia). Các thực thể VNCH và VNDCCH chưa bao giờ là « đối tượng » của quốc tế công pháp. 

Từ khi CHXHCNVN gia nhập LHQ năm 1977, nhà nước này là một « đối tượng » của quốc tế công pháp, có thẩm quyền đề nghị một quốc gia khác giải quyết một tranh chấp bằng trọng tài quốc tế. 

Chưa bao giờ nhà nước CHXHCNVN đề nghị với Trung Quốc giải quyết tranh chấp HS, TS và Biển Đông bằng một trọng tài quốc tế.

Các tác giả lá thư viết như thế là không chính xác. « Mọi đề xuất theo hướng này » là các đề xuất nào ? Các đề nghị của Pháp đã trải gần 70 năm, nếu không nói rõ thì dễ bị hiểu lầm.

Trong khi biến cố 1988, TQ xâm lăng một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN, nhà nước CHXHCNVN cũng không làm « lớn chuyện » hơn VNCH năm 1974 là yêu cầu triệu tập Hội đồng Bảo an LHQ. Tư cách pháp nhân VNCH lúc đó chỉ là « quan sát viên » tại LHQ. Việc yêu cầu triệu tập Hội đồng Bảo an phải nhờ đến Hoa Kỳ. Nước này không chịu thì mình phải ngậm đắng nuốt cay. Trong khi VN vào năm 1988 đã là thành viên của LHQ, có đủ tư cách pháp nhân để triệu tập. Việc không thành công là vì đường lối chính trị của VN lúc đó là « tiểu bá », còn đang chiếm đóng Kampuchia, là cánh tay nối dài của Liên Xô bành trướng ở vùng Đông Nam Á. Cả thế giới vì chống VN nên quay ra ủng hộ TQ. Lỗi trước hết là do mình.

Kết luận :

Vấn đề thủ tục, ta có thể ký tên vào một bức thư gởi các định chế quốc tế, khiếu nại các vấn đề thuộc phạm vi quốc tế, như lập luận của lá thư  hay không ?

Ta có thể ký tên vào một lá thư gởi các định chế quốc tế bằng những luận cứ mập mờ như thế hay không ?

Vấn đề khác đặt ra, nếu TQ đồng ý giải quyết tranh chấp HS bằng trọng tài quốc tế, VN có cơ may thắng kiện là bao nhiêu phần trăm ? Nhà nước VN hôm nay chưa chính thức kế thừa di sản chính trị VNCH. Cũng chưa từ bỏ di sản VNDCCH. Kiện trong tình trạng này hy vọng thắng của VN rất là mong manh.

Ta có thể ký tên để ủng hộ một việc làm có thể xem là phiêu lưu như thế này hay không ?

Phụ lục : đính kèm lý lẽ của Trung Quốc trước Ủy Ban Pháp quyền thuộc Đại Hội đồng LHQ, về vấn đề từ chối sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp. Các học giả VN thử xem xét, lý lẽ của TQ có điều gì không ổn ? Nếu không nhận ra điều gì, thủ tục « kiện TQ » ra trước Tòa án Quốc tế sẽ rất nhiêu khê.
Điểm 4, nguyên văn như sau :

Fourth, the freedom of states concerned to choose means of peaceful settlement of international disputes must be respected according to law. International law establishes different means, both political and legal, for peaceful settlement of international disputes. Chapter VI of the UN Charter is dedicated to "pacific settlement of disputes". Article 33 provides for specific means of dispute settlement, including "negotiation, enquiry, mediation, conciliation, arbitration, judicial settlement, resort to regional agencies or arrangements". Chapter VIII of the Charter is specifically about "regional arrangements to peacefully settle international disputes." Meanwhile, principles of international rule of law should be observed in choosing means of peaceful settlement. The GA Declaration on Principles of International Law concerning Friendly Relations and Cooperation among States in accordance with the Charter of the UN clearly states that "states shall settle international disputes on the basis of sovereign equality and in accordance with the principle of free choice of means." Hence, the choice and application of means to settle international disputes should strictly abide by the principle of sovereign equality fully respect the will of states concerned and must not be imposed upon any state.
The Chinese delegation believes that the decision to resort to arbitrary or judicial institutions to settle international disputes should be based on the principles of international rule of law and premised on equality and free will of states concerned. Any action to willfully refer disputes to arbitrary or judicial institutions in defiance of the will of the states concerned or provisions of international treaties constitutes a violation of the principles of international rule of law and is thus unacceptable to the Chinese government.