mardi 23 août 2016

Đôi điều suy nghĩ về tuyên bố "rút khỏi Liên hiệp quốc" của tổng thống Philippines.

Hơn một tháng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (La Haye, Hòa Lan) ra phán quyết 12 tháng 7 năm 2016. Những tranh chấp về cách diễn giải và áp dụng Luật Biển (UNCLOS) giữa Phi và TQ tưởng rằng đã được Tòa làm sáng tỏ. Ngày 21-8 vừa qua,  Tổng thống Duterte của Philippines ra tuyên bố: "Phi có thể rút ra khỏi Liên Hiệp quốc".

Tuyên bố như một gáo nước lạnh, không chỉ gieo sự bất an cho toàn khu vực, mà còn đặt ra nhiều nghi vấn về tương lai Biển Đông.

Ông Duterte còn cho biết Phi có thể sẽ cùng TQ và các nước Châu Phi lập một tổ chức "liên hiệp quốc" khác.

Để sang một bên nguyên nhân vì đâu ông Duterte lại có tuyên bố như vậy.

Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 (UNCLOS) cùng với nhiều công ước khác, cũng như Hiến chương LHQ, là những công ước nền tảng làm nên "trật tự pháp lý thế giới", từ sau Thế chiến Thứ II đến nay. Có thể LHQ vẫn chưa thực hiện hết những tiêu chí về "hòa bình" của mình. Nhưng thử tưởng tượng, nếu không có "trật tự pháp lý" mà tổ chức này là một hình thức đại diện, chắc chắn nhân loại vẫn còn sống trong cảnh chiến tranh triền miên, mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Dĩ nhiên những quốc gia "nhỏ", nhiều tài nguyên với một vị trí chiến lược quan trọng, như Phi, chắc chắn sẽ bị một đế quốc nào đó, có thể là TQ, Nhật hay Hoa Kỳ... chinh phục.

Nếu tuyên bố của Duterte được Quốc hội Phi phê chuẩn, Phi không còn là thành viên LHQ (và cùng TQ lập ra tổ chức đối lập khác). Mặc nhiên quốc gia Phi không còn bị ràng buộc bởi các công ước nền tảng của tổ chức này. Các nguyên tắc hòa bình của Hiến chương LHQ, cũng như UNCLOS, sẽ vô hiệu lực.

Điều sẽ đến là phán quyết 12-7 của Tòa Trọng tài cũng không còn hiệu lực áp dụng (cho TQ và Phi).
Ta có thể suy diễn rằng nguyên nhân tuyên bố của tổng thống Duterte là dựa trên các báo cáo của sứ giả mà ông đã phái đi Hồng Kông, sứ mạng là tìm cách nối lại đối thoại với Bắc Kinh. Quan hệ hai bên bị "đông lạnh" sau khi Tòa CPA ra phán quyết ngày 12-7. Ta thấy hình dáng một "plan B" của Bắc Kinh nhằm đối phó với phán quyết 12-7 của Tòa CPA, mà TQ gọi là một "âm mưu chính trị" của Hoa Kỳ. Tuyên bố của Duterte cho thấy hai bên, Phi và TQ, trong chừng mực đồng thuận về "plan B" này. 

Điều này có thể đã được khẳng định. Mới hôm trước TT Duterte cho biết, kỳ họp thượng đỉnh ASEAN sẽ tổ chức ở Lào vào đầu tháng chín tới, Phi sẽ không đưa vấn đề liên quan Biển Đông vào hội nghị. Theo ông Duterte, Phi sẽ đối thoại song phương với TQ về những tranh chấp biển, đảo hiện đang tồn tại giữa hai bên.

Bàn cờ chiến lược ở Biển Đông có đặt lại hay không là do quyết định của Quốc hội Phi về hiệu lực tuyên bố của ông Duterte.

Điều này chắc chắn làm cho sự suy nghĩ của lãnh đạo VN (và các học giả VN về Biển Đông) phải thay đổi để đối phó với tình thế.

Đối với Việt Nam, bên (tưởng là) hưởng lợi nhiều từ phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12-7. Người ta nghĩ rằng phán quyết đã giúp cho VN giải quyết mọi chuyện.

Những thôi thúc của một bộ phận người dân yêu cầu đảng CSVN thực thi việc kế thừa danh nghĩa VNCH và các quốc gia tiền nhiệm như "Quốc gia Việt Nam" của Bảo Đại nhằm khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS, từ nay có thể bỏ ngoài tai.

Cũng vậy, các yêu sách về "hòa giải quốc gia" cũng bị dẹp sang một bên.

Nhà nước CSVN cho rằng, khi mà các thực thể ở Trường Sa chỉ có hiệu lực của "đá", theo phán quyết Tòa Trọng tài 12-7, chỉ có lãnh hải tối đa 12 hải lý, thì TQ hay VN, bên nào có chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vấn đề không còn quan trọng.

Tranh chấp HS và TS giữa VN và TQ bắt đầu từ cả trăm năm. Tranh chấp chỉ nổi sóng gió từ thập niên 70, sau khi các giàn khoan của VNCH cũng như của các nước trong khu vực, khám phá ra dầu hỏa dưới đáy Biển Đông. Luật Biển 1982 càng làm cho tranh chấp này gay gắt thêm. Bởi vì, điều thứ 121 của bộ Luật qui định rằng một đảo cũng có hiệu lực 200 hải lý "vùng kinh tế độc quyền - ZEE". Tức là quốc gia có chủ quyền đảo được Luật này cho phép "độc quyền" khai thác tài nguyên trong cột nước, dưới mặt đáy biển và thềm lục địa của các đảo, trong khu vực 200 hải lý, tính từ đường cơ bản của đảo.

TQ, với căn bản pháp lý dựa trên những văn bản từ thế kỷ trước của VNDCCH nhìn nhận chủ quyền của TQ ở HS và TS, đưa ra yêu sách đường chữ U chín đoạn, chiếm gần hết Biển Đông. TQ dựa trên hai lý lẽ: 1/ quyền lịch sử và 2/ quyền thuộc chủ quyền (tức ZEE) sinh ra ở các đảo.

Phán quyết 12-7 thu hẹp đáng kể các yêu sách của TQ. Quyền lịch sử của TQ bị Tòa bác bỏ, trong khi các đảo TS thì không có cái nào thực sự là "đảo" để yêu sách vùng "kinh tế độc quyền".

Những tuyên bố vừa qua của tổng thống Duterte, trong chừng mực, giới hạn hiệu lực của phán quyết 12-7 của Tòa CPA, đồng thời củng cố lại yêu sách đường chữ U chín đoạn của TQ.

Những cuộc "đi đêm" với Bắc Kinh của sứ giả TT Duterte, cho thấy VN không còn ở tư thế "ngư ông", hưởng lợi từ tranh chấp nghêu cò là TQ và Phi. TQ và Phi bắt tay, phía thiệt hại sẽ là VN.
VN phải làm lại từ đầu.

Tức là, đối với VN, chủ quyền HS và TS vẫn là vấn đề trọng tâm. Nếu không thuyết phục được dư luận quốc tế về danh nghĩa chủ quyền của mình ở VN và TS, VN sẽ ở vào một tư thế hết sức bất lợi. VN không thể vịn vào các điều ước của Hiến chương LHQ, áp dụng cho TS, về "quyền tự vệ chính đáng".

Tuần trước, báo chí quốc tế đăng tin rằng VN đã đem một số giàn rốc kết EXTRA, mua của Do Thái, ra đặt ở 5 đảo thuộc Trường Sa. Mặc dầu bộ ngoại giao VN nhanh chóng phủ nhận việc này, nhưng một số học giả VN cho rằng VN có thể giành quyền "tự vệ chính đáng" để làm việc này. Việc TQ xây dựng các đảo nhân tạo ở TS, sau đó biến chúng thành các căn cứ quân sự cho không quân và hải quân, là một hành vi đe dọa cho an ninh VN.

Phản ứng của TQ trước việc này phải nói là gay gắt. Nhiều bài báo đăng tải các ý kiến yêu cầu Tập cận Bình "đánh cho VN sặc máu mũi". Trong khi Hoa Kỳ thì không hoan nghênh.

Điều này cho thấy, trong chừng mực, Hoa Kỳ không nhìn nhận lý do "tự vệ chính đáng" ở các học giả VN. Và thái độ này có thể giải thích.

Ta phải nhìn nhận rằng công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, cũng như một số tài liệu khác do VNDCCH phát hành, đã đưa VN vào tư thế kém về pháp lý so với TQ: VN nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.

Điều nguy hiểm là dựa vào nội dung các văn kiện này TQ có thể tấn công để chiếm lại các đảo mà VN chiếm đóng, bất kỳ khi nào họ thấy chắc thắng.

TQ và Phi "đi đêm" với nhau, việc áp dụng phán quyết của Tòa CPA ngày 12-7 có thể sẽ không bao giờ được thực thi. VN sẽ bị cô lập. Mà khi toàn bộ các đảo TS thuộc về TQ, vùng "kinh tế độc quyền ZEE" của VN, sinh ra từ bờ biển của quốc gia, sẽ bị mất rất nhiều do "chồng lấn" ZEE của các đảo TS thuộc TQ.

VN không thể đi kiện TQ vì các vướng mắc pháp lý. Còn quyền "tự vệ chính đáng" thì bị nghi ngờ.
Như vậy, vấn đề khẳng định chủ quyền ở Trường Sa, chưa bao giờ trở thành việc quan trọng và cấp bách cho VN như hôm nay.

VN bắt buộc phải hóa giải hiệu lực pháp lý công hàm 1958 cũng như các tài liệu ủng hộ chủ quyền của TQ do VNDCCH phát hành. Mà việc này chỉ có thể thực hiện bằng việc nhìn nhận và kế thừa di sản các thể chế tiền nhiệm như "Quốc Gia VN" của Bảo Đại (sinh ra từ Hiệp ước Elysée 1949), hai nền đệ nhứt và đệ nhị VNCH, là những nhà nước kế thừa di sản nhà nước bảo hộ Pháp và các triều đại vương quyền VN. Những nhà nước này đã khẳng định và sáp nhập HS và TS vào lãnh thổ VN theo các trình tự pháp lý quốc tế.

Và khi đặt ra vấn đề kế thừa và muốn thể hiện nó, việc "hòa giải quốc gia" là bước đầu tiên.

Nhưng thái độ của nhà cầm quyền VN hôm nay, vẫn xem các chế độ VNCH là "ngụy", cho thấy họ từ chối kế thừa di sản của các nhà nước tiền nhiệm. Việc đặt vũ khí mới mua của Do Thái ở các đảo TS, cho thấy lãnh đạo CSVN đã lựa chọn sử dụng vũ lực để đối đầu với TQ.

Nhưng nếu nhìn sâu vào vấn đề, ta thấy lãnh đạo CSVN có thể đem xương máu VN chống TQ một lần nữa, như vụ Gạc Ma 1988. Dĩ nhiên mục đích không phải để bảo vệ lãnh thổ, vì VN không thể thắng trước TQ trên mặt trận Biển Đông. Họ làm vậy chỉ vì muốn giao TS cho TQ mà không làm mất thể diện của đảng CSVN.

VN có phương pháp khác, hòa bình, để giữ vững lãnh thổ. Bằng không thì cũng giành được tư thế "tự vệ chính đáng". Chỉ khi giành được tư thế này VN mới có hy vọng thắng trong chiến tranh, vì có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và dư luận thế giới.

Phương pháp đó là thực thi "hòa giải quốc gia".

Việc này có thể đem  tai hại cho thanh danh đảng CSVN.

Hành vi hòa giải là nhìn nhận những sự thật về lịch sử. Mà điều này đặt lại hoàn toàn các "công lao" mà đảng CSVN cho rằng đã đóng góp cho đất nước.

Thanh danh của đảng CSVN đối với chủ quyền của quốc gia, cái nào nặng hơn, là sự lựa chọn của thành phần trí thức, học giả VN... Chỉ có lực lượng trí thức VN, khi ý thức được đâu là quyền lợi của đất nước, đồng loạt lên tiếng làm áp lực yêu cầu nhà nước CSVN thể hiện việc "hòa giải quốc gia". Việc giữ toàn vẹn lãnh thổ mới hy vọng đạt được.



lundi 1 août 2016

ASEAN và trật tự pháp lý quốc tế ở Biển Đông.

Hội nghị Ngoại trưởng của các nước ASEAN được tổ chức ở Vạn Tượng (Lào), bế mạc hôm 25-7, một bản Tuyên bố chung được công bố, trong đó nội dung phán quyết ngày 12-7 của Tòa Trọng tài Thường trực (CPA - Cour Permanente  d'Arbitrage) đã không được nhắc đến.

Theo tin tức báo chí, nguyên nhân đến từ việc cản trở của thành viên Campuchia. Nhân họp báo, bộ trưởng Ngoại giao Chum Sounry của nước này cho biết : "tranh chấp Biển Đông là tranh chấp giữa Phi và TQ chớ không phải giữa ASEAN và TQ. Vì vậy, không nên đưa cả khối Asean vào vấn đề này, Campuchia không muốn dính dáng đến vấn đề này,".

Trước đây không lâu, báo chí cũng đăng tải tin tức về ông Hunsen, Thủ tướng Campuchia. Ông này cho rằng sẽ không ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (CPA) tại La Haye, Hòa Lan. Theo ông Hunsen, vụ Phi kiện TQ về việc diễn giải và áp dụng sai Công ước 1982 về Luật Biển, là "một âm mưu chính trị". Ông Hunsen cũng cho rằng vấn đề giữa Phi và TQ là chuyện riêng của hai nước, không liên quan đến ASEAN.  

Vấn đề là Phi là một thành viên sáng lập khối ASEAN. Tranh chấp Biển Đông liên quan trực tiếp đến nhiều nước ở Biển Đông, như Phi, VN, Mã Lai, Brunei. Tức tranh chấp Biển Đông cũng là một vấn đề trọng tâm của ASEAN. (Và cả thế giới, do quyền tự do hàng hải, vì Biển Đông là hải lộ quan trọng, luân lưu trên 50% hàng hóa thế giới).

Phán quyết của tòa CPA hôm 12-7 thực ra là việc "diễn giải và áp dụng các điều trong bộ Luật Quốc tế về Biển 1982". Tức nhằm giải thích cách áp dụng luật. Trong chừng mực, phán quyết cũng là "luật".

TQ tự tiện diễn giải và áp dụng bộ Luật Biển 1982 theo cách của họ, chỉ có lợi cho họ, bất chấp những thiệt thòi của các nước chung quanh.

TQ áp dụng "quyền lịch sử", yêu sách 80% vùng Biển Đông. Tòa cho rằng việc áp dụng "quyền lịch sử" đã không còn phù hợp với Luật biển 1982. Tức là, ngay cả khi TQ chứng minh được rằng họ có "quyền lịch sử", thì khi TQ ký nhận công ước Luật Quốc Tế về Biển 1982, quyền này cũng bị tan mất đi. Vấn đề là TQ chưa hề có cái gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông. Tòa đã chứng minh rằng TQ qua bao thời đại, chưa hề kiểm soát trên thực tế vùng biển này.

Từ vấn đề "quyền lịch sử" ta mới hiểu lý do khác, (ngoài lý do viện trợ tiền bạc của TQ), vì sao Campuchia không ủng hộ phán quyết của Tòa CPA.

Đến nay một số đông chính trị gia Campuchia vẫn còn ủng hộ lập trường của ông Hoàng Sihanouk, là đòi "quyền lịch sử" của Campuchia ở VN (như đòi quyền sử dụng cảng Sài Gòn, sử dụng các thủy lộ Cửu Long... để về Nam Vang).

Trường hợp TQ, khi ký vào Công ước Luật Biển 1982, quyền lịch sử (nếu có) của TQ bị tan biến đi. Trường hợp Campuchia (và VN), sau khi độc lập, thoát ách thực dân,"quyền lịch sử" của Campuchia (trên lãnh thổ Nam Kỳ) cũng bị tan đi. Công pháp quốc tế không nhìn nhận hiệu lực của "quyền lịch sử". "Quyền" bị thay thế bằng khái niệm luật học "uti possidetis". Khái niệm này có nghĩa : nếu (trước khi độc lập) anh có (kiểm soát) vùng lãnh thổ đó, thì sau khi độc lập anh tiếp tục giữ vùng lãnh thổ này.

Phía TQ tẩy chay, không tham dự phiên Tòa, điều này không làm cho thẩm quyền của Tòa CPA bị giảm sút. Cũng như các vận động rầm rộ của TQ nhằm "chính trị hóa" phán quyết, cũng sẽ không giúp cho việc giải thích "Luật" của TQ có giá trị hơn Tòa CPA.

Nhưng quan điểm của các lãnh đạo Campuchia về phán quyết của Tòa rõ ràng đã phủ nhận nền "quốc tế pháp trị", đã được thiết lập từ hệ quả của hai cuộc Thế chiến. Theo đó mọi tranh chấp giữa các nước sẽ được giải quyết bằng luật lệ, thay vì bằng vũ lực. Điều này có thể sẽ làm tổn hại đến quyền lợi của vương quốc Kampuchia, một nước nhỏ, còn hiện hữu được là nhờ sự bảo vệ của Luật Quốc tế.

Lịch sử chứng minh, đã hai lần Campuchia bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ của mình là nhờ "pháp luật quốc tế".

Khoảng năm 2011, tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia về chủ quyền vùng đất (khoảng 4,5km²) chung quanh ngôi đền Preah Vihear khiến hai nước căng thẳng, ngấp nghé bên bờ chiến tranh. Campuchia đệ đơn lên Tòa CIJ ngày 28-4-2011 yêu cầu Tòa "giải thích lại phán quyết 1962".

Tranh chấp ngôi đền này giữa hai nước đã từng được tòa Công lý Quốc tế (CIJ) phân xử năm 1962, theo đó ngôi đền này thuộc về Campuchia.

Việc phân xử thời đó "đầy kịch tính", vì theo nội dung Công ước phân định Biên giới Thái-Miên do Pháp và Thái lan thực hiện những năm 1893 và 1904, ngôi đền Preah Vihear thuộc về chủ quyền của Thái Lan. Nhưng trên bản đồ (do Pháp thực hiện sau đó vài năm) thì ngôi đền lại thuộc về Campuchia.

Cuối cùng Tòa xử Thái Lan bị "estoppel", vì nước này đã không phản đối (các tấm bản đồ vẽ sai) trong một thời gian dài. Tòa cho rằng, việc không lên tiếng phản đối đồng nghĩa với việc chấp nhận. Dĩ nhiên là quần chúng Thái Lan không đồng tình về phán quyết này.

Ngày 11-11-2013 Tòa CIJ nhóm họp lại và ra phán quyết, cho rằng khu đất 4,5km² đất chung quanh ngôi đền cũng thuộc về Campuchia.

Phán quyết cũng hết sức "kịch tính", vì nếu ta xét đến các tấm bản đồ phân định biên giới, thì rõ ràng vùng đất này thuộc về Thái Lan. Và dĩ nhiên, dư luận Thái Lan phản đối, không đồng ý với phán quyết này.

Trong vụ tranh chấp này quan điểm "trọng luật" của ASEAN là rõ rệt.

Thông cáo chung của các nước ASEAN có nội dung: "tôn trọng phán quyết của Tòa và yêu cầu các bên thi hành án lệnh của Tòa tùy theo luật pháp của mỗi quốc gia".

Thì hôm nay, không có lý do nào để Campuchia ngăn cản khối ASEAN ra một tuyên bố yêu cầu các bên "tôn trọng phán quyết của Tòa CPA". Phi là một thành viên sáng lập ASEAN và phán quyết của Tòa CPA là giải thích luật, tức là "luật".

Cả hai lần Tòa Công lý Quốc tế đều "xử ép" Thái Lan về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear của. Dầu vậy Thái lan không phản đối, ngăn cản ASEAN ra thông cáo chung.

Campuchia là một nước nhỏ, nhờ "luật quốc tế" bảo vệ mà lãnh thổ nước này mới được "toàn vẹn" ngày hôm nay. Bây giờ, lãnh đạo Campuchia, có thể vì được sự trợ giúp (hay hứa hẹn trợ giúp) tiền bạc từ phía TQ, lại có chủ trương ủng hộ việc bất tuân luật lệ.

Đây là một tiền lệ nguy hiểm cho Campuchia. Phía Thái lan, dân chúng vốn từ lâu bất mãn với các phán quyết của CIJ (1962 và 2013), có thể nhân việc Campuchia ủng hộ việc không tôn trọng luật pháp, sẽ đặt lại việc thi hành hai án lệnh này.

Điều tệ hơn nữa là lãnh thổ của Campuchia hiện nay khoảng 50% diện tích đã được Pháp lấy lại từ Thái Lan qua những kết ước quốc tế.

Mà nền tảng của "quốc tế công pháp" là gì nếu không phải là những kết ước quốc tế ?.   

Sẽ không có điều gì cấm cản Thái Lan phủ nhận mọi kết ước có liên quan đến biên giới đã ký kết (dưới áp lực của Pháp) từ đầu thế kỷ 20.

Campuchia lúc đó sẽ không thể phản biện lại Thái Lan. Bởi vì chính Campuchia đã ủng hộ cho việc phủ nhận công lý quốc tế.

Trật tự pháp lý quốc tế đảo lộn.

Trật tự pháp lý quốc tế, được dựng lên từ Thế chiến II nếu không được các nước trong khu vực tuân thủ, nó sẽ thay thế bằng trật tự mới do TQ áp đặt.

Trật tự pháp lý cũ đặt nền tảng trên sự "bình đẳng về chủ quyền". Mọi quốc gia, bất kể lớn nhỏ, mạnh yếu, dân đông hay dân ít... đều bình đẳng như nhau về "chủ quyền".

Sự bình đẳng về chủ quyền đã được thể hiện trong bộ Luật Quốc tế về Biển 1982. Theo đó, một nước ven biển, bất kỳ lớn nhỏ, dân đông dân ít, được hưởng như nhau 12 hải lý (tính từ bờ, hay đường cơ bản) hải phận gọi là "lãnh hải" và 200 hải lý hải phận gọi là "kinh tế độc quyền".

Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 là "trật tự về biển" mà các nước trên thế giới đã ký kết và tuân thủ.
Phán quyết của Tòa CPA ngày 12-7 là việc giải thích luật, là "trật tự về biển", áp dụng cho Biển Đông.

TQ đã ký Công ước này. Bây giờ TQ tuyên bố không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa (vốn được LHQ chỉ định) và cho biết sẽ không tuân thủ thi hành phán quyết này.

Ta thấy bóng dáng một "trật tự pháp lý mới", do TQ áp đặt. Theo đó "chủ quyền" không còn là đơn vị tối thượng và bình đẳng trong luật biển, mà "nước lớn" quyết định việc phân chia biển.

Vấn đề là các những "nước lớn" khác, đã khai sinh ra "trật tự pháp lý" cũ, có chấp nhận việc này hay không ?