mardi 23 août 2016

Đôi điều suy nghĩ về tuyên bố "rút khỏi Liên hiệp quốc" của tổng thống Philippines.

Hơn một tháng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (La Haye, Hòa Lan) ra phán quyết 12 tháng 7 năm 2016. Những tranh chấp về cách diễn giải và áp dụng Luật Biển (UNCLOS) giữa Phi và TQ tưởng rằng đã được Tòa làm sáng tỏ. Ngày 21-8 vừa qua,  Tổng thống Duterte của Philippines ra tuyên bố: "Phi có thể rút ra khỏi Liên Hiệp quốc".

Tuyên bố như một gáo nước lạnh, không chỉ gieo sự bất an cho toàn khu vực, mà còn đặt ra nhiều nghi vấn về tương lai Biển Đông.

Ông Duterte còn cho biết Phi có thể sẽ cùng TQ và các nước Châu Phi lập một tổ chức "liên hiệp quốc" khác.

Để sang một bên nguyên nhân vì đâu ông Duterte lại có tuyên bố như vậy.

Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 (UNCLOS) cùng với nhiều công ước khác, cũng như Hiến chương LHQ, là những công ước nền tảng làm nên "trật tự pháp lý thế giới", từ sau Thế chiến Thứ II đến nay. Có thể LHQ vẫn chưa thực hiện hết những tiêu chí về "hòa bình" của mình. Nhưng thử tưởng tượng, nếu không có "trật tự pháp lý" mà tổ chức này là một hình thức đại diện, chắc chắn nhân loại vẫn còn sống trong cảnh chiến tranh triền miên, mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Dĩ nhiên những quốc gia "nhỏ", nhiều tài nguyên với một vị trí chiến lược quan trọng, như Phi, chắc chắn sẽ bị một đế quốc nào đó, có thể là TQ, Nhật hay Hoa Kỳ... chinh phục.

Nếu tuyên bố của Duterte được Quốc hội Phi phê chuẩn, Phi không còn là thành viên LHQ (và cùng TQ lập ra tổ chức đối lập khác). Mặc nhiên quốc gia Phi không còn bị ràng buộc bởi các công ước nền tảng của tổ chức này. Các nguyên tắc hòa bình của Hiến chương LHQ, cũng như UNCLOS, sẽ vô hiệu lực.

Điều sẽ đến là phán quyết 12-7 của Tòa Trọng tài cũng không còn hiệu lực áp dụng (cho TQ và Phi).
Ta có thể suy diễn rằng nguyên nhân tuyên bố của tổng thống Duterte là dựa trên các báo cáo của sứ giả mà ông đã phái đi Hồng Kông, sứ mạng là tìm cách nối lại đối thoại với Bắc Kinh. Quan hệ hai bên bị "đông lạnh" sau khi Tòa CPA ra phán quyết ngày 12-7. Ta thấy hình dáng một "plan B" của Bắc Kinh nhằm đối phó với phán quyết 12-7 của Tòa CPA, mà TQ gọi là một "âm mưu chính trị" của Hoa Kỳ. Tuyên bố của Duterte cho thấy hai bên, Phi và TQ, trong chừng mực đồng thuận về "plan B" này. 

Điều này có thể đã được khẳng định. Mới hôm trước TT Duterte cho biết, kỳ họp thượng đỉnh ASEAN sẽ tổ chức ở Lào vào đầu tháng chín tới, Phi sẽ không đưa vấn đề liên quan Biển Đông vào hội nghị. Theo ông Duterte, Phi sẽ đối thoại song phương với TQ về những tranh chấp biển, đảo hiện đang tồn tại giữa hai bên.

Bàn cờ chiến lược ở Biển Đông có đặt lại hay không là do quyết định của Quốc hội Phi về hiệu lực tuyên bố của ông Duterte.

Điều này chắc chắn làm cho sự suy nghĩ của lãnh đạo VN (và các học giả VN về Biển Đông) phải thay đổi để đối phó với tình thế.

Đối với Việt Nam, bên (tưởng là) hưởng lợi nhiều từ phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12-7. Người ta nghĩ rằng phán quyết đã giúp cho VN giải quyết mọi chuyện.

Những thôi thúc của một bộ phận người dân yêu cầu đảng CSVN thực thi việc kế thừa danh nghĩa VNCH và các quốc gia tiền nhiệm như "Quốc gia Việt Nam" của Bảo Đại nhằm khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS, từ nay có thể bỏ ngoài tai.

Cũng vậy, các yêu sách về "hòa giải quốc gia" cũng bị dẹp sang một bên.

Nhà nước CSVN cho rằng, khi mà các thực thể ở Trường Sa chỉ có hiệu lực của "đá", theo phán quyết Tòa Trọng tài 12-7, chỉ có lãnh hải tối đa 12 hải lý, thì TQ hay VN, bên nào có chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vấn đề không còn quan trọng.

Tranh chấp HS và TS giữa VN và TQ bắt đầu từ cả trăm năm. Tranh chấp chỉ nổi sóng gió từ thập niên 70, sau khi các giàn khoan của VNCH cũng như của các nước trong khu vực, khám phá ra dầu hỏa dưới đáy Biển Đông. Luật Biển 1982 càng làm cho tranh chấp này gay gắt thêm. Bởi vì, điều thứ 121 của bộ Luật qui định rằng một đảo cũng có hiệu lực 200 hải lý "vùng kinh tế độc quyền - ZEE". Tức là quốc gia có chủ quyền đảo được Luật này cho phép "độc quyền" khai thác tài nguyên trong cột nước, dưới mặt đáy biển và thềm lục địa của các đảo, trong khu vực 200 hải lý, tính từ đường cơ bản của đảo.

TQ, với căn bản pháp lý dựa trên những văn bản từ thế kỷ trước của VNDCCH nhìn nhận chủ quyền của TQ ở HS và TS, đưa ra yêu sách đường chữ U chín đoạn, chiếm gần hết Biển Đông. TQ dựa trên hai lý lẽ: 1/ quyền lịch sử và 2/ quyền thuộc chủ quyền (tức ZEE) sinh ra ở các đảo.

Phán quyết 12-7 thu hẹp đáng kể các yêu sách của TQ. Quyền lịch sử của TQ bị Tòa bác bỏ, trong khi các đảo TS thì không có cái nào thực sự là "đảo" để yêu sách vùng "kinh tế độc quyền".

Những tuyên bố vừa qua của tổng thống Duterte, trong chừng mực, giới hạn hiệu lực của phán quyết 12-7 của Tòa CPA, đồng thời củng cố lại yêu sách đường chữ U chín đoạn của TQ.

Những cuộc "đi đêm" với Bắc Kinh của sứ giả TT Duterte, cho thấy VN không còn ở tư thế "ngư ông", hưởng lợi từ tranh chấp nghêu cò là TQ và Phi. TQ và Phi bắt tay, phía thiệt hại sẽ là VN.
VN phải làm lại từ đầu.

Tức là, đối với VN, chủ quyền HS và TS vẫn là vấn đề trọng tâm. Nếu không thuyết phục được dư luận quốc tế về danh nghĩa chủ quyền của mình ở VN và TS, VN sẽ ở vào một tư thế hết sức bất lợi. VN không thể vịn vào các điều ước của Hiến chương LHQ, áp dụng cho TS, về "quyền tự vệ chính đáng".

Tuần trước, báo chí quốc tế đăng tin rằng VN đã đem một số giàn rốc kết EXTRA, mua của Do Thái, ra đặt ở 5 đảo thuộc Trường Sa. Mặc dầu bộ ngoại giao VN nhanh chóng phủ nhận việc này, nhưng một số học giả VN cho rằng VN có thể giành quyền "tự vệ chính đáng" để làm việc này. Việc TQ xây dựng các đảo nhân tạo ở TS, sau đó biến chúng thành các căn cứ quân sự cho không quân và hải quân, là một hành vi đe dọa cho an ninh VN.

Phản ứng của TQ trước việc này phải nói là gay gắt. Nhiều bài báo đăng tải các ý kiến yêu cầu Tập cận Bình "đánh cho VN sặc máu mũi". Trong khi Hoa Kỳ thì không hoan nghênh.

Điều này cho thấy, trong chừng mực, Hoa Kỳ không nhìn nhận lý do "tự vệ chính đáng" ở các học giả VN. Và thái độ này có thể giải thích.

Ta phải nhìn nhận rằng công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, cũng như một số tài liệu khác do VNDCCH phát hành, đã đưa VN vào tư thế kém về pháp lý so với TQ: VN nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.

Điều nguy hiểm là dựa vào nội dung các văn kiện này TQ có thể tấn công để chiếm lại các đảo mà VN chiếm đóng, bất kỳ khi nào họ thấy chắc thắng.

TQ và Phi "đi đêm" với nhau, việc áp dụng phán quyết của Tòa CPA ngày 12-7 có thể sẽ không bao giờ được thực thi. VN sẽ bị cô lập. Mà khi toàn bộ các đảo TS thuộc về TQ, vùng "kinh tế độc quyền ZEE" của VN, sinh ra từ bờ biển của quốc gia, sẽ bị mất rất nhiều do "chồng lấn" ZEE của các đảo TS thuộc TQ.

VN không thể đi kiện TQ vì các vướng mắc pháp lý. Còn quyền "tự vệ chính đáng" thì bị nghi ngờ.
Như vậy, vấn đề khẳng định chủ quyền ở Trường Sa, chưa bao giờ trở thành việc quan trọng và cấp bách cho VN như hôm nay.

VN bắt buộc phải hóa giải hiệu lực pháp lý công hàm 1958 cũng như các tài liệu ủng hộ chủ quyền của TQ do VNDCCH phát hành. Mà việc này chỉ có thể thực hiện bằng việc nhìn nhận và kế thừa di sản các thể chế tiền nhiệm như "Quốc Gia VN" của Bảo Đại (sinh ra từ Hiệp ước Elysée 1949), hai nền đệ nhứt và đệ nhị VNCH, là những nhà nước kế thừa di sản nhà nước bảo hộ Pháp và các triều đại vương quyền VN. Những nhà nước này đã khẳng định và sáp nhập HS và TS vào lãnh thổ VN theo các trình tự pháp lý quốc tế.

Và khi đặt ra vấn đề kế thừa và muốn thể hiện nó, việc "hòa giải quốc gia" là bước đầu tiên.

Nhưng thái độ của nhà cầm quyền VN hôm nay, vẫn xem các chế độ VNCH là "ngụy", cho thấy họ từ chối kế thừa di sản của các nhà nước tiền nhiệm. Việc đặt vũ khí mới mua của Do Thái ở các đảo TS, cho thấy lãnh đạo CSVN đã lựa chọn sử dụng vũ lực để đối đầu với TQ.

Nhưng nếu nhìn sâu vào vấn đề, ta thấy lãnh đạo CSVN có thể đem xương máu VN chống TQ một lần nữa, như vụ Gạc Ma 1988. Dĩ nhiên mục đích không phải để bảo vệ lãnh thổ, vì VN không thể thắng trước TQ trên mặt trận Biển Đông. Họ làm vậy chỉ vì muốn giao TS cho TQ mà không làm mất thể diện của đảng CSVN.

VN có phương pháp khác, hòa bình, để giữ vững lãnh thổ. Bằng không thì cũng giành được tư thế "tự vệ chính đáng". Chỉ khi giành được tư thế này VN mới có hy vọng thắng trong chiến tranh, vì có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và dư luận thế giới.

Phương pháp đó là thực thi "hòa giải quốc gia".

Việc này có thể đem  tai hại cho thanh danh đảng CSVN.

Hành vi hòa giải là nhìn nhận những sự thật về lịch sử. Mà điều này đặt lại hoàn toàn các "công lao" mà đảng CSVN cho rằng đã đóng góp cho đất nước.

Thanh danh của đảng CSVN đối với chủ quyền của quốc gia, cái nào nặng hơn, là sự lựa chọn của thành phần trí thức, học giả VN... Chỉ có lực lượng trí thức VN, khi ý thức được đâu là quyền lợi của đất nước, đồng loạt lên tiếng làm áp lực yêu cầu nhà nước CSVN thể hiện việc "hòa giải quốc gia". Việc giữ toàn vẹn lãnh thổ mới hy vọng đạt được.



lundi 1 août 2016

ASEAN và trật tự pháp lý quốc tế ở Biển Đông.

Hội nghị Ngoại trưởng của các nước ASEAN được tổ chức ở Vạn Tượng (Lào), bế mạc hôm 25-7, một bản Tuyên bố chung được công bố, trong đó nội dung phán quyết ngày 12-7 của Tòa Trọng tài Thường trực (CPA - Cour Permanente  d'Arbitrage) đã không được nhắc đến.

Theo tin tức báo chí, nguyên nhân đến từ việc cản trở của thành viên Campuchia. Nhân họp báo, bộ trưởng Ngoại giao Chum Sounry của nước này cho biết : "tranh chấp Biển Đông là tranh chấp giữa Phi và TQ chớ không phải giữa ASEAN và TQ. Vì vậy, không nên đưa cả khối Asean vào vấn đề này, Campuchia không muốn dính dáng đến vấn đề này,".

Trước đây không lâu, báo chí cũng đăng tải tin tức về ông Hunsen, Thủ tướng Campuchia. Ông này cho rằng sẽ không ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (CPA) tại La Haye, Hòa Lan. Theo ông Hunsen, vụ Phi kiện TQ về việc diễn giải và áp dụng sai Công ước 1982 về Luật Biển, là "một âm mưu chính trị". Ông Hunsen cũng cho rằng vấn đề giữa Phi và TQ là chuyện riêng của hai nước, không liên quan đến ASEAN.  

Vấn đề là Phi là một thành viên sáng lập khối ASEAN. Tranh chấp Biển Đông liên quan trực tiếp đến nhiều nước ở Biển Đông, như Phi, VN, Mã Lai, Brunei. Tức tranh chấp Biển Đông cũng là một vấn đề trọng tâm của ASEAN. (Và cả thế giới, do quyền tự do hàng hải, vì Biển Đông là hải lộ quan trọng, luân lưu trên 50% hàng hóa thế giới).

Phán quyết của tòa CPA hôm 12-7 thực ra là việc "diễn giải và áp dụng các điều trong bộ Luật Quốc tế về Biển 1982". Tức nhằm giải thích cách áp dụng luật. Trong chừng mực, phán quyết cũng là "luật".

TQ tự tiện diễn giải và áp dụng bộ Luật Biển 1982 theo cách của họ, chỉ có lợi cho họ, bất chấp những thiệt thòi của các nước chung quanh.

TQ áp dụng "quyền lịch sử", yêu sách 80% vùng Biển Đông. Tòa cho rằng việc áp dụng "quyền lịch sử" đã không còn phù hợp với Luật biển 1982. Tức là, ngay cả khi TQ chứng minh được rằng họ có "quyền lịch sử", thì khi TQ ký nhận công ước Luật Quốc Tế về Biển 1982, quyền này cũng bị tan mất đi. Vấn đề là TQ chưa hề có cái gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông. Tòa đã chứng minh rằng TQ qua bao thời đại, chưa hề kiểm soát trên thực tế vùng biển này.

Từ vấn đề "quyền lịch sử" ta mới hiểu lý do khác, (ngoài lý do viện trợ tiền bạc của TQ), vì sao Campuchia không ủng hộ phán quyết của Tòa CPA.

Đến nay một số đông chính trị gia Campuchia vẫn còn ủng hộ lập trường của ông Hoàng Sihanouk, là đòi "quyền lịch sử" của Campuchia ở VN (như đòi quyền sử dụng cảng Sài Gòn, sử dụng các thủy lộ Cửu Long... để về Nam Vang).

Trường hợp TQ, khi ký vào Công ước Luật Biển 1982, quyền lịch sử (nếu có) của TQ bị tan biến đi. Trường hợp Campuchia (và VN), sau khi độc lập, thoát ách thực dân,"quyền lịch sử" của Campuchia (trên lãnh thổ Nam Kỳ) cũng bị tan đi. Công pháp quốc tế không nhìn nhận hiệu lực của "quyền lịch sử". "Quyền" bị thay thế bằng khái niệm luật học "uti possidetis". Khái niệm này có nghĩa : nếu (trước khi độc lập) anh có (kiểm soát) vùng lãnh thổ đó, thì sau khi độc lập anh tiếp tục giữ vùng lãnh thổ này.

Phía TQ tẩy chay, không tham dự phiên Tòa, điều này không làm cho thẩm quyền của Tòa CPA bị giảm sút. Cũng như các vận động rầm rộ của TQ nhằm "chính trị hóa" phán quyết, cũng sẽ không giúp cho việc giải thích "Luật" của TQ có giá trị hơn Tòa CPA.

Nhưng quan điểm của các lãnh đạo Campuchia về phán quyết của Tòa rõ ràng đã phủ nhận nền "quốc tế pháp trị", đã được thiết lập từ hệ quả của hai cuộc Thế chiến. Theo đó mọi tranh chấp giữa các nước sẽ được giải quyết bằng luật lệ, thay vì bằng vũ lực. Điều này có thể sẽ làm tổn hại đến quyền lợi của vương quốc Kampuchia, một nước nhỏ, còn hiện hữu được là nhờ sự bảo vệ của Luật Quốc tế.

Lịch sử chứng minh, đã hai lần Campuchia bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ của mình là nhờ "pháp luật quốc tế".

Khoảng năm 2011, tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia về chủ quyền vùng đất (khoảng 4,5km²) chung quanh ngôi đền Preah Vihear khiến hai nước căng thẳng, ngấp nghé bên bờ chiến tranh. Campuchia đệ đơn lên Tòa CIJ ngày 28-4-2011 yêu cầu Tòa "giải thích lại phán quyết 1962".

Tranh chấp ngôi đền này giữa hai nước đã từng được tòa Công lý Quốc tế (CIJ) phân xử năm 1962, theo đó ngôi đền này thuộc về Campuchia.

Việc phân xử thời đó "đầy kịch tính", vì theo nội dung Công ước phân định Biên giới Thái-Miên do Pháp và Thái lan thực hiện những năm 1893 và 1904, ngôi đền Preah Vihear thuộc về chủ quyền của Thái Lan. Nhưng trên bản đồ (do Pháp thực hiện sau đó vài năm) thì ngôi đền lại thuộc về Campuchia.

Cuối cùng Tòa xử Thái Lan bị "estoppel", vì nước này đã không phản đối (các tấm bản đồ vẽ sai) trong một thời gian dài. Tòa cho rằng, việc không lên tiếng phản đối đồng nghĩa với việc chấp nhận. Dĩ nhiên là quần chúng Thái Lan không đồng tình về phán quyết này.

Ngày 11-11-2013 Tòa CIJ nhóm họp lại và ra phán quyết, cho rằng khu đất 4,5km² đất chung quanh ngôi đền cũng thuộc về Campuchia.

Phán quyết cũng hết sức "kịch tính", vì nếu ta xét đến các tấm bản đồ phân định biên giới, thì rõ ràng vùng đất này thuộc về Thái Lan. Và dĩ nhiên, dư luận Thái Lan phản đối, không đồng ý với phán quyết này.

Trong vụ tranh chấp này quan điểm "trọng luật" của ASEAN là rõ rệt.

Thông cáo chung của các nước ASEAN có nội dung: "tôn trọng phán quyết của Tòa và yêu cầu các bên thi hành án lệnh của Tòa tùy theo luật pháp của mỗi quốc gia".

Thì hôm nay, không có lý do nào để Campuchia ngăn cản khối ASEAN ra một tuyên bố yêu cầu các bên "tôn trọng phán quyết của Tòa CPA". Phi là một thành viên sáng lập ASEAN và phán quyết của Tòa CPA là giải thích luật, tức là "luật".

Cả hai lần Tòa Công lý Quốc tế đều "xử ép" Thái Lan về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear của. Dầu vậy Thái lan không phản đối, ngăn cản ASEAN ra thông cáo chung.

Campuchia là một nước nhỏ, nhờ "luật quốc tế" bảo vệ mà lãnh thổ nước này mới được "toàn vẹn" ngày hôm nay. Bây giờ, lãnh đạo Campuchia, có thể vì được sự trợ giúp (hay hứa hẹn trợ giúp) tiền bạc từ phía TQ, lại có chủ trương ủng hộ việc bất tuân luật lệ.

Đây là một tiền lệ nguy hiểm cho Campuchia. Phía Thái lan, dân chúng vốn từ lâu bất mãn với các phán quyết của CIJ (1962 và 2013), có thể nhân việc Campuchia ủng hộ việc không tôn trọng luật pháp, sẽ đặt lại việc thi hành hai án lệnh này.

Điều tệ hơn nữa là lãnh thổ của Campuchia hiện nay khoảng 50% diện tích đã được Pháp lấy lại từ Thái Lan qua những kết ước quốc tế.

Mà nền tảng của "quốc tế công pháp" là gì nếu không phải là những kết ước quốc tế ?.   

Sẽ không có điều gì cấm cản Thái Lan phủ nhận mọi kết ước có liên quan đến biên giới đã ký kết (dưới áp lực của Pháp) từ đầu thế kỷ 20.

Campuchia lúc đó sẽ không thể phản biện lại Thái Lan. Bởi vì chính Campuchia đã ủng hộ cho việc phủ nhận công lý quốc tế.

Trật tự pháp lý quốc tế đảo lộn.

Trật tự pháp lý quốc tế, được dựng lên từ Thế chiến II nếu không được các nước trong khu vực tuân thủ, nó sẽ thay thế bằng trật tự mới do TQ áp đặt.

Trật tự pháp lý cũ đặt nền tảng trên sự "bình đẳng về chủ quyền". Mọi quốc gia, bất kể lớn nhỏ, mạnh yếu, dân đông hay dân ít... đều bình đẳng như nhau về "chủ quyền".

Sự bình đẳng về chủ quyền đã được thể hiện trong bộ Luật Quốc tế về Biển 1982. Theo đó, một nước ven biển, bất kỳ lớn nhỏ, dân đông dân ít, được hưởng như nhau 12 hải lý (tính từ bờ, hay đường cơ bản) hải phận gọi là "lãnh hải" và 200 hải lý hải phận gọi là "kinh tế độc quyền".

Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 là "trật tự về biển" mà các nước trên thế giới đã ký kết và tuân thủ.
Phán quyết của Tòa CPA ngày 12-7 là việc giải thích luật, là "trật tự về biển", áp dụng cho Biển Đông.

TQ đã ký Công ước này. Bây giờ TQ tuyên bố không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa (vốn được LHQ chỉ định) và cho biết sẽ không tuân thủ thi hành phán quyết này.

Ta thấy bóng dáng một "trật tự pháp lý mới", do TQ áp đặt. Theo đó "chủ quyền" không còn là đơn vị tối thượng và bình đẳng trong luật biển, mà "nước lớn" quyết định việc phân chia biển.

Vấn đề là các những "nước lớn" khác, đã khai sinh ra "trật tự pháp lý" cũ, có chấp nhận việc này hay không ?





dimanche 24 juillet 2016

Chiến trường Vị Xuyên: giải mã một cuộc chiến bị bỏ quên.

"Mặt trận Vị Xuyên", tên do phía VN đặt, TQ khởi động từ tháng 4 năm 1984, chấm dứt vào tháng 4 năm 1989, kéo dài đúng 5 năm. Địa bàn chiến dịch tổng cộng không quá 20 cây số chiều dài đường biên giới và độ sâu không quá 2,5 cây số vào trong lãnh thổ VN, tương ứng với chiều dài suối Thanh Thủy (vẽ màu xanh trên bản đồ 1) với đường biên giới (là đường phân thủy, màu nâu đen trên bản đồ, hai đường cách nhau khoảng 2,5km, xem bản đồ 1), theo các bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Sở Địa Dư Đông dương (Pháp) ấn hành cũng như các bản đồ 1/50.000 của Mỹ. TQ đã huy động tổng cộng khoảng nửa triệu quân lính thuộc tám đại quân khu để thực hiện chiến dịch này. Phía VN đã có 9 sư đoàn chủ lực thuộc QĐND tham chiến. Trận chiến khốc liệt mở đầu này 12-7-1984. Theo tài liệu từ phía VN vừa công bố, trận chiến này có bí số MB 84. Đụng trận ngày đầu tiên, Sư đoàn 356 đã bị thiệt hại đến 600 người.

Thanh thúy hà

Bản đồ 1 (cắt ra từ bản đồ 1/50.000 của Mỹ, hiện đang tồn trữ ở Đại học Texas, đã được một số "học giả" sử dụng trước đây nhằm chứng minh VN không có mất đất cho TQ).

Mục đích của TQ trong chiến dịch này là gì ?

Các sử gia thế giới gộp chung cuộc chiến này với cuộc chiến tháng hai năm 1979 làm một, gọi chung là "cuộc chiến biên giới". Bởi vì địa bàn cuộc chiến đã được "qui ước" trước, "khoanh vùng" trước trên biên giới. Phía TQ, Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của cuộc chiến, gọi cuộc chiến tháng hai năm 1979 là "cuộc chiến dạy cho VN một bài học", địa bàn giới hạn ở các tỉnh biên giới. Còn cuộc chiến 1984-1989 là cuộc chiến "phản công tự vệ", mục đích lấy lại khoảng 50km² đất mà TQ cho là VN đã chiếm trước kia. Nhìn trên (bản đồ 1), ta thấy vùng đó tương ứng với phần gạch chéo màu đỏ.

Lập luận của TQ, đường biên giới khu vực này là con suối Thanh Thủy (đường màu xanh). Phía TQ cho rằng yêu sách này phù hợp với nội dung Biên bản bế mạc Công trình Phân định Biên giới (còn gọi là Công ước Pháp-Thanh 1887) cũng như nội dung Công ước Bổ túc về Biên giới 1895.

Vấn đề là các bản đồ do Sở Địa dư Đông dương (SGI) xuất bản sau này thì vẽ đường biên giới (đường màu nâu đen) cách suối Thanh thủy khoảng 2,5 đến 3 km về phía bắc.

Một số tài liệu nước ngoài về cuộc chiến biên giới Việt-Trung có dẫn tài liệu của CIA, cho rằng VN chiếm của TQ khoảng 50km² đất. Diện tích đất này khá phù hợp với "địa bàn" của chiến dịch Vị Xuyên, vùng gạch chéo màu đỏ trong bản đồ.

VN hay TQ, phía nào đúng, phía nào sai trong cuộc chiến này ? Dữ kiện của CIA đưa ra, VN chiếm khoảng 50km đất của TQ (có lẽ nhằm ủng hộ chiến dịch của TQ) có thật sự đúng hay không ?
Điều quan trọng hơn cả là ngày nay lịch sử VN đã xóa trắng, không có dòng nào nhắc đến cuộc chiến này. Các vết tích chiến tranh như nghĩa trang bộ đội, bia ghi dấu tích chiến tranh... thảy đều phá bỏ.

Bài viết này, với những dữ kiện góp nhặt được từ Trung tâm Văn khố Hải ngoại của Pháp (CAOM, Aix-en-Provence), hy vọng thiết lập lại một sự thật lịch sử.

Đó là: đối với VN, cuộc chiến biên giới Hà Giang là cuộc chiến vệ quốc. Không hề có việc VN chiếm 50km² đất của TQ. Cuộc chiến gọi là "phản công tự vệ" của TQ nhằm lấy lại 50km² đất và thiết lập lại đường biên giới thực sự là một "âm mưu chính trị" của Đặng Tiểu Bình. Máu xương của hàng trăm ngàn chiến binh TQ đổ xuống trong cuộc chiến này thật là phi nghĩa. Đặng Tiểu Bình ngụy tạo những bằng chứng về biên giới để phát động chiến tranh với VN, mục đích củng cố quyền hành của cá nhân trong chính trường Bắc Kinh.

1/ Đường biên giới theo các công ước 1887 và 1895:

Công ước Pháp-Thanh về phân định biên giới 1887 phân chia đường biên giới hai nước Việt-Trung thành 3 vùng biên giới: Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Vị Xuyên, nơi phát xuất chiến dịch của TQ, thuộc về khu vực tỉnh Vân Nam.

Theo Công ước phân định biên giới 1887, vùng biên giới liên quan (với Vị Xuyên) thuộc về đoạn S-T, theo như bản đồ số 2. Nội dung Công ước 1887 (dẫn phần có liên quan):

"A partir du point S (Meng-toung-chia-ts’oun ou Mãnh Cang Hạ Thôn猛 崗下村), le milieu du Ts’ing-choueï-hô (Thanh Thủy Hà) indique, jusqu’à son confluent en T avec la rivière claire, la frontière adoptée."

Tạm dịch: Từ điểm S (Mường Tung hạ thôn hay Mãnh Cang hạ thôn), đường biên-giới là trung tuyến sông Thanh Thủy cho tới hợp lưu của nó là điểm T với sông Rivière Claire (sông Lô).

Đường biên giới ở đây (theo công ước 1887) là trung tuyến sông Thanh Thủy.

bandobiengioi 014

Bản đồ 2 (nguồn CAOM)

Công ước 1895, nội dung lấy lại vùng đất hữu ngạn sông Đà (vùng đất thuộc gia đình đầu lĩnh người Thái tên Đèo Văn Trị) về cho VN, đồng thời nhượng cho TQ một phần đất thuộc tổng Phương Độ. Đoạn biên giới thay đổi là R-S. Sông Thanh thủy vẫn là đường biên giới:

bandobiengioi 008

Bản đồ 3 (Nguồn CAOM)

Như vậy, nếu chiếu theo các công ước phân định biên giới 1887 và 1895, sông Thanh thủy là đường biên giới.

Dầu vậy, việc phân định biên giới không kết thúc đúng như nội dung hai công ước 1887 và 1895. Công trình phân giới và cắm mốc các năm 1895-1897 đã làm thay đổi nội dung của công ước. Vấn đề là phía TQ đã không nghiên cứu trọn vẹn công trình phân định biên giới. Họ chỉ ngừng ở hai công ước 1887 và 1895, bất chấp những ký kết khác giữa Pháp và nhà Thanh đã làm thay đổi nội dung hai công ước này.

2/ Đường biên giới theo công trình phân giới 1895-1897.

Công trình phân giới và cắm mốc (vùng biên giới Vân Nam), liên quan đến địa bàn Vị Xuyên, tùy thuộc vào Biên bản phân giới số 3 ký ngày 13 tháng 6 năm 1897 : "Từ Qua Sách Hà (戈索河) đến Cao Mã Bạch (膏 馬 白) thuộc Bắc Kỳ và Tân Nhai (新崖) thuộc Vân Nam". Cao Mã Bạch nay gọi là Cao Mã Pờ trên bản đồ do VN xuất bản. Nguyên văn biên bản được ghi lại như sau:

"Pour cette partie de la frontière les deux Commissions ont reconnu qu’il était impossible de suivre sur le terrain le tracé de la frontière tel qu’il avait été défini par les Commissions de délimitation. Elles ont été d’avis de rechercher un nouveau tracé correspondant autant que possible aux mouvements de terrain formant frontière naturelle ainsi qu’aux divisions administratives du pays, tout en tenant compte des dispositions du procès-verbal 2e section, signé à Lao-Kay le 19 octobre 1886 (22e jour du 9e mois de la 12e année de Kouang-Siu), ainsi que du procès-verbal de clôture signé à Pékin le 26 juin 1887 et de la convention supplémentaire en date du 20 juin 1895.

Cela décidé, il a été reconnu d’un commun d’accord que le tracé de la 2e section de la frontière qui ferait foi désormais dans les relations entre la France et la Chine, serait celui porté sur les cartes joints au présent procès-verbal, lequel tracé est figuré sur le terrain de la manière suivante :"

Tạm dịch: "Ðoạn biên giới này hai ủy ban công nhận rằng không thể áp dụng theo đồ tuyến đường biên giới của Ủy Ban Phân Ðịnh (1885-1887) trên thực địa. Hai bên đồng ý lập một đồ tuyến mới, phản ảnh đúng nhất có thể được, để phù hợp với địa lý làm thành biên giới tự nhiên cũng như sự toàn vẹn các đơn vị hành chánh của địa phương, đồng thời để ý đến nội dung biên bản phân định biên giới đoạn thứ 2 ; ký tại Lào Kay ngày 19 tháng 10 năm 1886 (ngày 22 tháng 9 năm Quang Tự thứ 12) cũng như biên bản bế mạc ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 và công ước bổ túc ngày 20 tháng 6 năm 1895.

Hai bên quyết định công nhận một thoả ước chung, rằng đồ tuyến của đoạn biên giới thứ 2 từ nay về sau trong những liên hệ giữa hai nước Pháp-Trung, sẽ là đồ tuyến vẽ trên địa đồ kèm theo biên bản này, theo đó đường biên giới sẽ định trên thực địa như mô tả sau đây :"

Vì vậy, khi phát động chiến tranh 4 năm "phản công tự vệ", phía TQ đã bỏ qua văn bản quan trọng này. Nội dung văn bản ghi rõ rệt đường biên giới từ rày về sau sẽ là đường biên giới do văn bản này qui định.

Đoạn biên giới liên quan được văn bản này mô tả lại như sau:

"Delà la ligne frontière monte sur le massif montagneux appelle Ban-Tze-Chan (板 子 山 ) se dirige au Nord-Est en suivant la ligne de partage des eaux placée entre celles allant à Muong-Tong (猛 崗 ) à la Chine , et celles allant au Tsing-Tchouei-Ho (清 水 河 ) (rivière de Thanh-Thuy) à l’Annam."

Tạm dịch : Từ đây đường biên giới bắt vào núi tên là Bản Cử Sơn (板子山), đi theo hướng Ðông-Bắc, theo đường phân thủy ở giữa hai đường đi từ Muong-Tung (Mãnh Cang 猛崗) đến Trung Hoa và đường đi từ Thanh Thủy (Thanh Thủy Hà清水河) đến Việt-Nam.

Như vậy đường biên giới đã thay đổi.

Thay vì là con sông (suối) Thanh Thủy (như các công ước 1887 và 1895 đã qui định), đường biên giới lấy "đường phân thủy" của hai khu vực Mường Tung và Thanh Thủy. Tức là vùng nước chảy về phía sông Thanh Thủy thuộc VN, vùng nước chảy về phía Mường Tung thuộc về TQ.

Điều này đã được thể hiện trên các tập bản đồ tỉ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông dương xuất bản, thập niên 30, 40, 50... hay các bản đồ 1/50.000 của Mỹ phát hành sau này.

Nguyên nhân thay đổi biên giới, đã ghi rõ trong biên bản, là không thế áp dụng đúng trên thực địa tinh thần hai công ước 1887 và 1895. Đơn giản vì công ước đặt căn bản trên những tấm bản đồ (do TQ cung cấp) hoàn toàn sai. Lý do thứ hai là trao lãnh thổ để giữ nguyên các đơn vị hành chánh. Người ta không thể áp dụng một cách máy móc tinh thần công ước, hệ quả sẽ chia một làng, một xã... biên giới ra làm hai, nên này là VN bên kia là TQ. Và ngay ở việc trao đổi lãnh thổ này phía TQ cũng được phần lợi. Các bài nghiên cứu của các học giả Pháp, sau này đã tố cáo các viên chức phân định biên giới Pháp đã bị TQ mua chuộc, làm cho đường biên giới có lợi về phía TQ.

Kết luận:

Phía TQ đã gây sự chiến tranh bằng những bằng chứng sai, hay ít nhứt, là không đủ. Tức là lãnh đạo TQ là lừa gạt máu xương của các tầng lớp thanh niên TQ. Cuộc chiến "phản công tự vệ" của họ là cuộc chiến phi nghĩa.

(Bài viết này cũng nhằm cảnh báo việc sắp tới, lãnh đạo TQ có thể bị mù quáng lặp lại sai lầm cũ, là đem máu xương của thanh niên TQ để "phản công tự vệ", thiết lập lại "chủ quyền lịch sử" các đảo của TQ theo đường 9 đoạn ở Biển Đông. Tập Cận Bình cũng có thể vịn cớ "vì quyền lợi dân tộc", phát động một chiến dịch điên cuồng, mà thực chất là để củng cố ngôi vị của ông ta đang bị lung lay ở Bắc Kinh.)

Mà cho dầu phía TQ có đưa ra bằng chứng nào, thì toàn thể khu vực này trước đây thuộc tổng Phương Độ, thuộc về VN.

Giáp ranh phía bắc của hai tổng Vị Xuyên và Phương Độ là tổng Tụ Long của VN, rộng khoảng 700 km². Đây là một khu vực phong phú về hầm mỏ (vàng, bạc, đồng, thiếc...) đã bị Pháp nhượng cho nhà Thanh để được lợi ích kinh tế.

mine-tulong 064

Bản đồ vùng đất Tụ Long của VN bị Pháp nhượng cho TQ (vùng gạch đỏ).

Bạn đọc có thể đọc bài viết sau đây để biết thêm các chi tiết:

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2013/03/tim-hieu-nguyen-nhan-mat-at-tu-long-vao.html

Vì vậy cuộc chiến Vị Xuyên đối với VN là cuộc chiến tự vệ, có chính nghĩa.

Trên bản đồ 1 hai ngôi sao chỉ cho hai trận địa kinh hồn: Lão Sơn và Giải Âm sơn. quân đội VN không thua nhưng hai vùng đất này đã bị nhượng cho TQ theo Hiệp ước Phân định Biên giới trên đất liền tháng 12-1999. Ngọn Lão sơn nhượng vì lý do "có nghĩa trang của lính TQ trên đó". Còn Giải Âm sơn, tức ngọn đồi phía bắc, kế cận hợp lưu sông Thanh Thủy và sông Lô, thì nhượng không rõ lý do.

Vấn đề là những chiến binh hy sinh trong chiến dịch Vị Xuyên đã bị nhà cầm quyền bỏ quên. Tương tự như những chiến binh bị thảm sát ở Gạc Ma năm 1988.

Vài năm trở lại đây, biến cố Gạc Ma đã được nhắc tới, những chiến sĩ hy sinh đã được đồng đội và những nhân sĩ yêu nước mỗi năm làm lễ truy điệu. Lịch sử đã được thiết lập lại: họ là những chiến sĩ hy sinh để bảo vệ tổ quốc (chớ không phải bảo vệ hòa bình cho khu vực như nhà nước CSVN đã khắc trên mộ bia của họ).

Những chiến binh ngã xuống ở chiến trường Vị Xuyên cũng vậy. Xương máu của hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn, chiến binh VN đổ xuống là để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tổ quốc. Những người lính này đã chết trận vinh quang với cây súng trên tay. Họ phải được tổ quốc ghi nhớ công ơn.

Gần đây những đồng đội cũ đã lập nghĩa trang (tư nhân), gom góp hài cốt về chôn cất tử tế. Việc này dĩ nhiên không thể gọi là đủ. Và lịch sử cũng vậy, như bài viết này, việc thiết lập lại sự thật cũng mới chỉ là một công việc của lương tâm.

Còn lãnh đạo VN, những người ngất ngưỡng trên bệ vàng kê bằng núi xương, sông máu của chiến binh. Nhìn lại ngày hôm nay, quí vị nghĩ gì ?


mercredi 25 mai 2016

Vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương...

Hôm 29 tháng tư tôi có viết một status ngắn (Fecebook), nói về mối tương quan giữa nhân quyền và việc Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Nội dung như sau:
"Bên BBC đăng hai bài báo, tựa đề là hai câu hỏi : một là Việt Nam có tìm ra lý do cá chết hàng loạt ? và hai là Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam?
... Về câu hỏi một,... câu trả lời VN có tìm thấy thủ phạm làm cá (chim, rừng và người) chết hay không, là tùy ở Bắc Kinh (hay Đài Bắc).
Câu hỏi hai, Mỹ có bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng cho VN hay không. Câu trả lời cũng sẽ thấy ở Bắc Kinh.
Đúng vậy, Bắc Kinh chớ không phải ở Hà Nội hay do nhân quyền."
Không phải chỉ cá nhân tôi mới có nhận định như vậy.
Báo chí nước ngoài hôm qua chạy tít lớn, nói về việc Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Hầu hết đều cho rằng động thái (bỏ lệnh cấm vận) của Hoa Kỳ là nhắm tới Bắc Kinh. RFI dẫn "Le Figaro" và "La Croix" lấy tít "Hoa Kỳ - Việt Nam bắt tay nhau chống Trung Quốc". Cũng ở RFI, trả lời phỏng vấn, học giả Carlyle Thayer cho rằng Obama gởi tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh.
Các quan sát viên nước ngoài nhìn nhận rằng Bắc Kinh từ lâu là "đối tượng" chính trong quan hệ Việt-Mỹ, hay ít nhứt nằm trong tầm nhìn chiến lược của hai bên.
Tôi cũng đã giải thích trong một status hôm qua:
"Nếu chỉ đơn thuần gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng và bất chấp nhân quyền, thì đây có thể là thông điệp mạnh của Obama gởi đến TQ.
Mặc dầu rào trước đón sau, Obama nói là bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng không nhắm vào TQ, nhưng Bắc Kinh có thể xem đây là một tín hiệu xấu nhắm vào mình.
Phải chăng đây là cách của Mỹ trả lời Bắc Kinh, khi nước này tuyên bố không tuân thủ phán quyết của Tòa CPA, theo dự tính sẽ ra phán quyết chung cuộc trong những ngày sắp tới?
Trật tự pháp lý, được Mỹ dựng lên từ Thế chiến II (Pax Americana) sẽ được các nước trong khu vực, như VN, dùng vũ lực để bảo vệ, buộc TQ tuân thủ, hay là nó thay thế bằng trật tự mới do TQ áp đặt ?"
Ở status này ta tìm hiểu thế nào là "trật tự mới do TQ áp đặt" ? Từ đó ta cũng sẽ thấy dễ dàng lý do vì sao Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Trước hết cần biết thế nào là trật tự cũ, trật tự của Mỹ, Pax Americana.
Trật tự này đặt nền tảng trên sự "bình đẳng về chủ quyền". Mọi quốc gia, bất kể lớn nhỏ, mạnh yếu, dân đông hay dân ít... đều bình đẳng như nhau về "chủ quyền".
Chủ quyền được hiểu như là quyền lực chủ tể, tối thượng trong quốc gia. Quyền (power, pouvoir) này nằm trong tay vị chúa thượng ở các nước quân chủ, và thuộc về toàn dân trong các nước cộng hòa.
Sự bình đẳng về chủ quyền được thể hiện trong bộ Luật Quốc tế về Biển 1982. Theo đó, một nước ven biển, bất kỳ lớn nhỏ, dân đông dân ít, được hưởng như nhau 12 hải lý (tính từ bờ, hay đường cơ bản) hải phận gọi là "lãnh hải" và 200 hải lý hải phận gọi là "kinh tế độc quyền".
Trong vùng "lãnh hải" quốc gia có thẩm quyền gần như như là trên đất liền (chủ quyền). Vùng "kinh tế độc quyền" quốc gia có quyền (right, droit) độc quyền (exclusive) về kinh tế. (VN hiện nay dịch thành "đặc quyền" là sai. Đặc quyền là một quyền được một quyền lực chủ tể (nào đó) ban phát. Còn "độc quyền", trong trường hợp này, là quyền phát sinh từ chủ quyền của quốc gia ven biển. Vì vậy quyền này được gọi là "quyền chủ quyền").
Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 là "trật tự về biển" mà các nước trên thế giới đã ký kết và tuân thủ.
Nhưng qua vụ Phi kiện Trung Quốc ở Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye, về các quan niệm đối nghịch "giải thích và áp dụng Luật Biển 1982". TQ tuyên bố không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa và cho biết sẽ không tuân thủ thi hành phán quyết này.
Thái độ của TQ đã phản bội lại tinh thần của Công ước về Luật Biển 1982 mà họ đã ký kết. Trong khi yêu sách của họ về biển, thể hiện qua đường chữ U chín đoạn, hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của Luật Biển 1982.
Trật tự quốc tế, thể hiện qua Luật Biển 1982, (sẽ) bị TQ xâm phạm.
Bằng hành vi này TQ đưa ra một "trật tự mới", do TQ áp đặt. Theo đó "chủ quyền" không còn là đơn vị tối thượng và bình đẳng trong luật biển, mà dân số quyết định việc phân chia biển.
Ta thấy ở Biển Đông, yêu sách về biển của TQ chiếm đến 80%, tương ứng với dân số của TQ và dân số các nước trong khu vực.
Ngoài ra, TQ vừa công bố một bản đồ mới, theo đó 80% diện tích của Thái Bình Dương thuộc về TQ.
Nếu bỏ qua yêu sách 80% Thái Bình Dương, ở Biển Đông, ta thấy VN và Phi là bị thiệt hại nhiều hơn hết.
Đương nhiên, là người VN, ta không thể chấp nhận "trật tự pháp lý mới" theo lối TQ.
Nhưng nếu TQ thắng cuộc chiến "quang phục", thì không chỉ về biển, mà VN cũng sẽ trở thành "chư hầu" của nước này.
Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN, bất kể những vi phạm nhân quyền, là vì hai bên Việt-Mỹ có chung tầm nhìn chiến lược.
Nếu TQ không tuân thủ phán quyết của Tòa CPA, trật tự pháp lý khu vực sẽ bị đảo lộn. Và nếu không kềm chế được, TQ sẽ áp đặt "trật tự mới", luật lệ quốc tế sẽ thay đổi.
Điều này Mỹ không thể chấp nhận được. Vì vậy sắp tới, khi TQ không tuân thủ phán quyết của Tòa, và nếu TQ có những động thái đi ngược lại tinh thần luật pháp quốc tế, thì VN, Phi (có thể cùng Hoa Kỳ và nhiều nước khác) sẽ dùng vũ lực để bảo vệ trật tự pháp lý đã được thiết lập.

mardi 24 mai 2016

Nhật ký facebook về chuyến viếng thăm của Obama (ngày 23-5-2016)...

Nếu chỉ đơn thuần gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng và bất chấp nhân quyền, thì đây có thể là thông điệp mạnh của Obama gởi đến TQ.
Mặc dầu rào trước đón sau, Obama nói là bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng không nhắm vào TQ, nhưng Bắc Kinh có thể xem đây là một tín hiệu xấu nhắm vào mình.
Phải chăng đây là cách của Mỹ trả lời Bắc Kinh, khi nước này tuyên bố không tuân thủ phán quyết của Tòa CPA, theo dự tính sẽ ra phán quyết chung cuộc trong những ngày sắp tới?
Trật tự pháp lý, được Mỹ dựng lên từ Thế chiến II (Pax Americana) sẽ được các nước trong khu vực, như VN, dùng vũ lực để bảo vệ, buộc TQ tuân thủ, hay là nó thay thế bằng trật tự mới do TQ áp đặt ?
Tương lai sẽ trả lời.
Trước mắt dĩ nhiên lãnh đao CSVN vui mừng, nhưng sự kín đáo thể hiện bởi việc kín kẽ của báo chí. Cái bóng của Bắc Kinh vẫn còn phủ trùm trên Ba Đình.
Những nhà tranh đấu cho nhân quyền thì cảm thấy bị hụt hẫng, bị xúc phạm. Ta cảm thấy nền tảng xây dựng lên nước Mỹ bị Obama phản bội. Nhưng đấu tranh là luôn lạc quan hướng tới. Cần ý thức rằng bất kể trở lực nào cũng sẽ có cách gỡ được.
Theo tôi, gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thuơng có thể chấp nhận được. Nhưng khi Obama hứa hẹn tư bản Mỹ sẽ đầu tư lên hàng đầu ở VN, mà không có điều kiện nhân quyền kèm theo, chắc chắn Mỹ muốn VN trở thành "công xưởng" mới, kiểu TQ khoảng 2 thập niên trước.
Đây mới là điều bất hạnh cho dân tộc VN. Sự phát triển theo mô hình đó chỉ có một thiểu số nhỏ hưởng lợi. Dân tộc VN trở thành những kẻ làm công trên đất nước của mình.
Kinh tế đi kèm với nhân quyền, phát triển sẽ theo mô hình của Nhật, Đức sau 1945; hay của Đại Hàn, Đài loan thập niên 80.
Mô hình nào là phát triển bền vững, câu trả lời đã hiển nhiên trên thực tế.
Điều càng bất hạnh, là không mấy ai trí thức VN ý thức được nguy cơ này. Họ vẫn dửng dưng, quay lưng với vấn đề "nhân quyền", làm như đó không phải là trách nhiệm của mình, giao nó cho người khác lo lắng.


BBC 23-5

Obama vừa tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương có điều kiện đối với Việt Nam. Nhiều người VN tỏ vẻ vui mừng. Nhưng theo tôi, sự việc chỉ thay đổi về cách nói, cách diễn đạt, mà thực chất vẫn không đổi: Mỹ chỉ bán vũ khí cho VN nếu VN tỏ thiện chí tôn trọng nhân quyền.

Chuyến thăm viếng của Obama thể hiện nhiều điều miễn cưỡng.

Obama tới Hà Nội lúc "phố đã lên đèn". Tiếp đón ông nổi bật là cô gái áo vàng với bó hoa trao tặng. Theo tập quán Tây phương, hình thức, màu sắc bó hoa thể hiện phần nào tâm trạng của chủ nhà. Tấm hình không chụp rõ, chỉ thấy thiên hạ phê bình bó hoa lá nhiều hơn bông.

Nhưng vấn đề là không ai đến thăm nhà bạn ban đêm, lúc mọi người sắp ngủ.

Obama ghé thăm VN một công hai chuyện, mà chuyện chính là tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật. Việt Nam không phải là cái đích.

Cách VN tiếp đón vì vậy cũng "đúng tầm". Bó hoa lá nhiều hơn bông đã nói lên nhiều thứ. Nghi lễ vắn tắt, không tương xứng, hai bên Việt-Mỹ có quyền lợi kinh tế và tầm nhìn chiến lược tương đồng.

Hình chụp trước phủ chủ tịch, một Obama tươi cười bên cạnh Trần Đại Quang ảm đạm, cũng nói lên nhiều điều.

Dầu vậy, nghi lễ đôi khi là chuyện rất phụ, so với những gì sẽ được hai bên sẽ ký kết.

Nhưng mọi mặt VN đều ở “thế kém”, cần Mỹ hơn Mỹ cần VN.

Về kinh tế, VN đang mong tài phiệt Mỹ đầu tư. Nhưng trở ngại là vấn đề “pháp lý”. Tư bản Mỹ đầu tư vào VN vẫn khiêm nhường, so với Đài loan Singapour, Nam Hàn, TQ… Bởi vì tài phiệt Mỹ có lối làm ăn minh bạch, trọng luật… không quen lối làm ăn chụp giựt, hối lộ, đi đêm... ở VN (như các tài phiệt gốc Hoa).

Về quốc phòng, lộ liễu hơn cả, VN cần mua vũ khí tối tân của Mỹ để bổ túc cho hệ thống phòng thủ biển của mình.

Từ khi hai bên thiết lập bang giao, 21 năm, lòng dân VN đã thay đổi lớn lao. Khuynh hướng thân Mỹ (và bài Hoa) lên cao trong dân chúng. Tình bạn của nhân dân hai bên chắc chắn đã thắt chặt và bền vững.

Trở ngại duy nhứt để hai bên Việt-Mỹ tiến tới hợp tác “đồng minh” vẫn là là chế độ chính trị.

Cho dầu Mỹ đã tỏ thái độ “nhìn nhận và tôn trọng chế độ chính trị của VN” nhưng chính điều này đã ngăn cản tầm nhìn về tương lai của hai bên.  

VN không phải là “vua dầu hỏa” Ả Rập, hay làm chủ những hải lộ cực kỳ quan trọng Malacca hay Suez… để treo giá làm cao.
Mỹ có thế "chống" TQ với những đồng minh truyền thống của họ. Điều Mỹ mong muốn là VN không đứng về TQ để chống lại Mỹ. Việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương (có điều kiện) cho phép Mỹ gạt bỏ lo ngại này.

VN cũng có thể dùng vũ khí của Mỹ, bằng phương cách của mình, để bảo vệ lợi ích của mình ở biển Đông.

Điều chắc chắn là Mỹ sẽ thắng và VN sẽ thua.

Nếu lường được hệ quả (của việc thua trận), lãnh đạo VN cần phải biết mình phải làm gì bây giờ.


23-5

Quyền lợi kinh tế và tầm nhìn chiến lược tương đồng, nhưng chế độ chính trị lại là vật cản đã khiến cho quan hệ Mỹ-Việt từ hai thập niên qua vẫn không hoàn toàn cởi mở, theo lối lẩy kiều của phó TT Biden lúc đón Nguyễn Phú Trọng năm ngoái : "sương tan đầu ngõ, vén mây giữa trời".

Nhìn thái độ của Trần Đại Quang qua tấm hình lúc bắt tay với Obama trước cửa phủ chủ tịch. Ta thấy một Obama quen thuộc với nụ cười tươi tắn, bộ điệu cởi mở, trái ngược với gương mặt hắc ám của Trần Đại Quang. Một buổi lễ tiếp đón "quốc khách", không thể đơn sơ vài điệu kèn "đám ma", với gương mặt đưa đám của chủ nhà như vậy. Ta có cảm tưởng mây đen đang vần vũ trong quan hệ hai bên.

So với kỳ tiếp đón Tập Cận Bình, đại bác bắn 21 cú, tiếp theo là nghi thức duyệt hàng binh danh dự, cuối cùng đọc diễn văn ở quốc hội, biểu tượng tính quan trọng tối thượng của vị quốc khách. Ta thấy bên nào thân, bên nào sơ rõ rệt.

Obama tới Hà Nội lúc "phố đã lên đèn". Tiếp đón ông lèo tèo vài công chức hạng xoàng. Nổi bật là cô gái áo vàng với bó hoa tặng Obama. Theo tập quán Tây phương, hình thức, màu sắc bó hoa thể hiện phần nào tâm trạng của chủ nhà. Tấm hình không chụp rõ, chỉ thấy thiên hạ phê bình bó hoa lá nhiều hơn bông.

Nhưng vấn đề là không ai đến thăm nhà bạn ban đêm. Obama hẵn phải có chủ ý ghé Hà Nội lúc mọi người sắp ngủ. Bởi vì theo dự tính ban đầu, Obama sẽ đến sớm (mà đến Sài Gòn trước). Như đã viết trong một status trước, tôi cho rằng Obama ghé thăm VN một công hai chuyện, mà chuyện chính là tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật. Obama đã đi công du trên 50 quốc gia trong các nhiệm kỳ của ông. Nhà Trắng có cả một bộ sậu chuyên về nghi thức ngoại giao. Không hề có chuyện sơ suất từ phía Mỹ.

Cách VN tiếp đón vì vậy cũng "đúng tầm". Bó hoa lá nhiều hơn bông đã nói lên nhiều thứ. Nghi lễ vắn tắt, không có đại bác đón chào, không có hàng quân danh dự đúng nghĩa như thường lệ để hai nguyên thủ đi duyệt binh.

Bởi vì chuyến đi của Obama không phải là chuyến đi "chính thức", theo nghĩa ngoại giao là "công du". Việt Nam không phải là cái đích.

Thái độ chủ nhà, biểu lộ qua gương mặt hãm tài của Trần Đại Quang, ta thấy rõ có gì đó một sự bất bình.

VN muốn tiếp đón Obama như là "quốc khách", với những nghi lễ phải có, mà Obama không đồng ý. Bởi vì Obama không muốn "bảo kê" cho bộ sậu "chính phủ lâm thời", lên nắm quyền qua một thủ tục vi hiến.  

VN có thể quan trọng trong bàn cờ chiến lược của Mỹ, nhưng nguyên tắc là nguyên tắc. Obama không thể phá vỡ những nguyên tắc, những thứ đã tạo nên nước Mỹ cũng như cái "trật tự" gọi là "Pax Americana", thiết lập từ sau Thế chiến thứ II.   

Dầu vậy, nghi lễ đôi khi là chuyện rất phụ, so với những gì sẽ được hai bên ký kết.

Nhưng mọi mặt VN đều ở “thế kém”, cần Mỹ hơn Mỹ cần VN.

Về kinh tế, VN đang cầu khẩn để tài phiệt Mỹ đầu tư. Nhưng trở ngại là vấn đề “pháp lý”. Mỹ đang hối thúc VN thông qua TPP để nước này thay đổi hệ thống pháp lý cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tư bản Mỹ đầu tư vào VN vẫn khiêm nhường, so với Đài loan Singapour, Nam Hàn, TQ… Bởi vì tài phiệt Mỹ có lối làm ăn minh bạch, trọng luật… không quen lối làm ăn chụp giựt, hối lộ, đi đêm... ở VN (như các tài phiệt gốc Hoa). Mà muốn thay đổi hệ thống pháp lý thì phải thay đổi hệ thống chính trị.

Về quốc phòng, lộ liễu hơn cả, VN cần mua vũ khí tối tân của Mỹ để bổ túc cho hệ thống phòng thủ biển của mình. Khó khăn là VN vẫn là một nước độc tài đảng trị, có ý thức hệ rập khuôn với TQ, là đối thủ (đang cạnh tranh) chiến lược với Hoa Kỳ. Muốn mua được vũ khí của Mỹ, VN phải thay đổi chế độ, một cách nói khác của việc “tôn trọng nhân quyền”.

Mỹ không cần VN là đồng minh của mình để đối phó với TQ ở Châu Á. Với những đồng minh truyền thống Nhật, Nam Hàn, Phi… cùng với các nước cạnh tranh chiến lược với TQ như Ấn Độ, Indonesia… Mỹ thừa sức kềm chân, thậm chí “phân liệt” TQ. Điều Mỹ không muốn là VN đứng trong hàng ngũ của TQ.

Từ sau khi hai bên thiết lập bang giao, 21 năm, lòng dân VN đã thay đổi lớn lao. Không có thống kê chính thức nào để khẳng định (hay phủ định) nhưng khuynh hướng thân Mỹ (và bài Hoa) đã lên cao trong dân chúng. Tình bạn của nhân dân hai bên chắc chắn đã thắt chặt và bền vững.

Trở ngại duy nhứt để hai bên Việt-Mỹ tiến tới hợp tác “đồng minh” là chế độ độc tài đảng trị. Cho dầu Mỹ đã tỏ thái độ “nhìn nhận và tôn trọng chế độ chính trị của VN” nhưng chính điều này đã ngăn cản tầm nhìn về tương lai của hai bên.  

Bộ sậu mới lên lãnh đạo VN (vi hiến) càng làm cho tình hình thêm “bi đát”. VN không phải là “vua dầu hỏa” Ả Rập, hay làm chủ những hải lộ cực kỳ quan trọng Malacca hay Suez… để treo giá làm cao.

Người ta có thể mong chờ gì đối tác “đồng minh” Việt-Mỹ ? Sẽ là ảo tưởng nếu chế độ chính trị không thay đổi.

Mỹ sẽ chống TQ với những đồng minh truyền thống của họ. Còn VN cũng có thể chống TQ bằng phương cách của mình để bảo vệ lợi ích của mình ở biển Đông. Điều chắc chắn là Mỹ sẽ thắng TQ nhưng VN chắc chắn sẽ thua TQ.

Nếu lường được hê quả của việc thua TQ, lãnh đạo VN cần phải biết mình phải làm gì bây giờ.

dimanche 22 mai 2016

Góp ý với "học giả" Ngô Vĩnh Long

Ông "học giả" Ngô Vĩnh Long phê bình trên BBC rằng "nhiều người không hiểu chuyến đi của Obama".

Mèn! Có chắc là ông "học giả" hiểu nhiều hơn người ta không mà "phán" như vậy ?.

Ông "học giả" cho rằng chuyến đi kỳ này của Obama là "quan trọng" vì Obama "không bận tâm chính trị nhứt thời". Ông "học giả" so sánh chuyến đi này tương tự chuyến đi của Bill Clinton năm 2000, mục tiêu là "đặt nền tảng lâu dài".

Nhắc lại các chuyến đi thăm VN của các Tổng thống tiền nhiệm.

Chuyến đi của Clinton tháng 11 năm 2000 được đánh giá là một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Mỹ, mà thực tế là cho VN.

Clinton đồng ý thiết lập lại bang giao với VN năm 1995. Từ đó đến nay ta thấy thiện chí của Mỹ đối với VN là hết lòng. Về kinh tế, hàng hóa VN được tuồng vào thị trường Mỹ. Trao đổi hai bên từ 200 triệu năm 1995, lên đến 41,5 tỉ năm 2015, trong đó VN xuất siêu 25,5 tỉ. Mỹ cũng đã giúp cho VN nhiều mặt khác, như thả lỏng chính sách kiểm soát tiền tệ, giúp cho người Việt ở Mỹ gởi về VN hàng năm lên đến trên 10 tỉ đô la. Ủng hộ VN vào WTO từ những năm 2000 (trì trệ là do VN). Ngoài ra, các mặt khác về văn hóa, giáo dục... Mỹ cũng mở rộng vòng tay, như các việc mở trường hay tiếp đón sinh viên VN sang du học. Nhiều học bỗng sáng giá đã được trao cho nhiều sinh viên VN. Mỹ cũng đang thực hiện các công tác (trên thực địa) nhằm khôi phục lại các vùng đất hoặc bị ô nhiễm chất dioxine, hoặc bị bom mìn... Ngay cả về quốc phòng, trong lúc VN bị TQ bức hiếp về các vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ cũng lên tiếng bênh vực VN, thậm chí viện trợ tàu bè tuần duyên cho VN.

Yêu sách của lãnh đạo CSVN, khó khăn nhứt, cũng được Mỹ đáp ứng vô điều kiện.
Đó là việc nhìn nhận chế độ chính trị của VN. Từ điểm này, từ nay lãnh đạo VN có thể gọi Obama là "đồng chí", "đồng chí Obama" mà không ai phiền hà.

Đổi lại, Hoa Kỳ chỉ yêu cầu VN tôn trọng nhân quyền.

Biết bao lần cam kết, biết bao lần tuyên bố... Xét lại nội dung các tuyên bố, các kết ước... VN chưa bao giờ đáp ứng lại Hoa Kỳ ở bất cứ một điểm nào về "nhân quyền".
Tính từ năm 1995, thời điểm Clinton thiết lập bang giao với VN, 21 năm là quá dài.
Xây dựng "niềm tin chiến lược" là hai bên cần phải có thiện chí. Mỹ đã mở hết lòng của mình cho VN. VN lại đóng của hoàn toàn trước những kêu gọi của Mỹ. Bây giờ VN muốn Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Nếu so sánh với TQ, sau Hội nghi Thành đô 1990, VN đã thỏa mãn tất cả những yêu sách của TQ, trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục... Xem lại các "Tuyên bố chung" giữa hai bên, ta thấy VN đã cam kết hợp tác với TQ ở nhiều lãnh vực mà những người có trí tuệ trung bình cũng thấy chủ quyền của VN bị xâm phạm ngiêm trọng.

Quan hệ kinh tế, VN thâm thủng kinh niên, năm này nhiều hơn năm trước. Dựa trên số thống kê của TQ thì năm 2015 VN nhập siêu 43 tỉ đô la. Trong nước, hầu hết các dự án xây dựng đều do nhà thầu TQ nắm. Về chính trị, đảng CSVN vẫn là một "chi nhánh", chịu sự thần phục đảng CSTQ. Mọi chỗ, mọi nơi, mọi lãnh vực... đều thấy bóng của người TQ.

"Niềm tin chiến lược" giữa VN và Mỹ xây dựng mãi không xong. Còn quan hệ giữa VN và TQ, thực tế còn trên cả chiến lược.

TQ kiểm soát VN ngay cả những người lãnh đạo thượng tầng.

Không phải Mỹ không thấy việc này.

Năm 2006, G.W. Bush thăm VN. Chuyến thăm này "một công hai chuyện". Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội. Quan hệ Việt-Mỹ được thiết lập từ thời Clinton, Bush "kế thừa" và thúc đẩy, kết quả vẫn không thấy đâu.

Sang đến thời Obama, quan hệ Việt-Mỹ vẫn vậy. Vẫn là cán cân lệch một bên. Nếu không nhờ thặng dư xuất được từ Mỹ, VN lấy đâu ngoại tệ để bù đắp cho thâm thủng với TQ? VN được mọi thứ mà VN muốn.

Cái "nền tảng lâu dài" của Obama mà "học giả" Ngô Vĩnh Long so sánh với "công trình dài hơi" của Bill Clinton, nó là cái gì ?

Thực tế nó không là cái gì hết. TPP, nội hàm là kinh tế, thì còn mãi đàng xa. Mà TPP "mở rộng" là công trình của Bush, từ tháng 9 năm 2008.

Như hai thập niên trước, điều duy nhứt mà Mỹ muốn thấy : VN phải tôn trọng nhân quyền (để đổi lấy vũ khí sát thương).

Chưa bao giờ VN đáp ứng điều này. Thực tế mới đây còn cho thấy, các cuộc bầu cử, các cuộc đàn áp, bắt bớ những nhà dân chủ... VN ngày càng khắc khe trong vấn đề nhân quyền. Viên Chủ tịch nước vừa lên, ông Trần Đại Quang, vốn xuất thân là công an. Tương lai nhân quyền VN càng thêm u ám.

Các nhà xây dựng chính sách của Hoa Kỳ không phải là "đui mù" để không thấy việc này. Vấn đề là trước một TQ "quang phục" với tham vọng bá quyền, muốn thiết lập lại đế quốc Trung Hoa bao la như trước thế kỷ 19. Thì trong khu vực chỉ có VN là con cờ duy nhứt có thể ngăn cản tham vọng trỗi dậy này của TQ.

"Niềm tin chiến lược", đối với Hoa Kỳ, là niềm tin vào khả năng ngăn chặn được sự bành trướng vũ trang của TQ. Nhưng đối với VN, "niềm tin chiến lược" là khả năng tự vệ, bằng vũ khí của Hoa Kỳ, răn đe TQ để bảo vệ Biển Đông.

Chuyến đi của Obama, cũng như chuyến đi của G.W Bush, không có gì là "quan trọng", là "nền tảng lâu dài" như "nhà học giả" nghĩ.

Bởi vì quan trọng hay không là thái độ của VN chớ không phải thái độ của Mỹ.

Cho dầu mục đích khác nhau, thì "niềm tin chiến lược" của hai bên cũng trùng lặp, là VN có thực sự muốn "thoát Trung" hay không ?

Và bằng chứng "thoát Trung" là gì nếu không phải là "tôn trọng nhân quyền" ?

Tôn trọng nhân quyền bắt buộc VN phải thay đổi thể chế, làm lại luật lệ cho phù hợp với quan niệm của quốc tế. VN phải khác TQ về thể chế chính trị mới có thể "thoát Trung". Mới chứng minh được "niềm tin" với Mỹ.

Có thể chuyến đi này, để làm ra vẻ "quan trọng", Obama ra tuyên bố bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Nhưng một VN độc tài, có đủ vũ khí trong tay, sẽ trở thành một đe dọa cho khu vực. ASEAN và các nước khác sẽ không hài lòng. Cho dầu việc gỡ bỏ lệnh cấm vận được gài thêm khoản Quốc hội Mỹ có thể ngăn cản mọi việc mua bán vũ khí với VN bất kỳ lúc nào.

Quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực sẽ bị đặt lại. Phía có lợi là TQ chớ không phải Mỹ.

Thực tế "nền tảng" cũng như "di sản" của Obama (mà nhà học giả có nói) không có gì, ngoài việc từ nay lãnh đạo CSVN có thể gọi Obama là "đồng chí".