dimanche 24 avril 2016

Nhân vụ truy tố hình sự vụ quán Cà phê "Xin chào", nói về khuyết điểm nội tại của "pháp chế XHCN".

Vụ truy tố hình sự chủ quán cà phê "Xin chào" đã bật ra nhiều khuyết điểm nội tại của "pháp chế xã hội chủ nghĩa" (législation socialiste) mà nếu không có "dư luận" lên tiếng qua mạng internet, như Facebook, người ta sẽ không bao giờ phát hiện ra được.
Hệ quả của việc truy tố, không chỉ đơn thuần ảnh hưởng ở "môi trường kinh doanh", như ý kiến ông Lê Mạnh Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:
“Nếu vụ này ông bán cà phê bị thua sẽ đưa ra một thông điệp rất xấu cho môi trường kinh doanh, có nghĩa rằng mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể bị đi tù”.
Ở đây ông Lê Mạnh Hà chỉ nói đến "người kinh doanh", là ông chủ quán "Xin chào". Nhưng song song đó còn có "vụ án" của người chủ cho mướn đất, không làm kinh doanh. Ông này cũng đã bị (công an quận Bình Chánh) truy tố hình sự vì tội "cất chòi nuôi vịt".
Hai vụ "truy tố hình sự", đối với chủ quán "Xin chào" và người chủ đất, có liên quan với nhau. Động lực đã khiến cho công an và VKS (quận Bình Chánh) truy tố, ai cũng nhìn thấy và bàn tán rộng rãi trên mạng internet. Đó là do vị trí "đắc địa" của miếng đất.
Khuyết điểm (nội tại) của pháp chế xã hội chủ nghĩa, thứ nhứt, thấy được qua trường hợp này, là pháp luật đã không áp dụng như một "trật tự pháp lý", nhằm bảo đảm tính công bằng (về pháp lý) cho mọi thành tố trong xã hội.
Pháp luật đã bị những người có chức quyền lạm dụng để phục vụ cho lợi ích riêng tư.
Điều cần bàn là thái độ lạm dụng quyền lực (của công an và VKS) sẽ bị luật pháp chế tài như thế nào ?
Trong trường hợp này, cả hai trụ cột quyền lực nhà nước là hành pháp (công an) và Tư pháp (Viện Kiểm sát) có sự phối hợp, nếu không nói là thông đồng với nhau.
Dầu vậy nó thể hiện đúng với tinh thần nội dung Hiến pháp ở Khoản 3, Điều 2:
"Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp."
Khi mà các quyền "hành pháp, lập pháp và tư pháp" được Hiến pháp qui định là "thống nhất", thì việc "kiểm soát" giữa các "nhánh" quyền lực là không hiện hữu.
Vụ quán "Xin chào", phía đóng vai trò "kiểm soát" là "dư luận", tức những người sử dụng Internet, nhứt là Facebook, chớ không phải là Viện Kiểm sát hay Công an. Riêng về Quốc hội, đại diện thẩm quyền lập pháp, thì "im như thóc".
Từ nào giờ Quốc hội đã chỉ đơn thuần là một bó hoa trang trí.
Khuyết điểm thứ hai của "pháp chế xã hội chủ nghĩa" là không có thủ tục "pháp lý" nào để truy tố đại diện VKS và Công an, nếu những người này "phạm pháp".
Nghe nói ông chủ tịch VKS quận Bình chánh đã bị thẩm quyền thành phố Sài Gòn "ngưng chức". Còn phía công an thì nghe nói sẽ do "bộ chính trị" quyết định.
(Trước đây vài hôm, ông thiếu tướng công an Phan Anh Minh đã đọc báo cáo cho thấy sự bất lực của phía công an hình sự đối với những tội phạm là đảng viên. Nhũng tội phạm là đảng viên thì công an không được quyền điều tra mà phải đưa về BCT).
Tức là việc "trừng phạt" những công chức (đại diện quyền lực nhà nước) khi họ phạm pháp, không theo một thủ tục "pháp lý", với thủ tục tố tụng và hình phạt được định nghĩa theo "khung pháp lý". Số phận của họ được quyết định tùy thuộc vào cách thể hiện quyền lực của một công chức cao cấp hơn.
Trở lại trường hợp vụ án Đoàn Văn Vươn, những người đại diện quyền lực nhà nước đã lạm dụng pháp luật, sử dụng pháp luật để chiếm đoạt của cải của gia đình Đoàn Văn Vươn. Nhờ dư luận xã hội Đoàn Văn Vươn bảo vệ được tài sản. Dầu vậy ông Vươn vẫn phải đi tù. Còn (những) người lạm dụng pháp luật, như ông đại tá Đỗ hữu Ca, (chắc phải là đảng viên) thì được thăng lên tướng và chuyển sang làm việc ở địa phương khác.
Khuyết điểm này (của pháp chế XHCN) đã làm cho bệnh "tham nhũng" trong xã hội VN trở thành kinh niên (chronique). Ai là đảng viên cũng đều có thể tham nhũng mà không bị trừng phạt (theo pháp luật). Tham nhũng ngày càng bành trướng, công khai, pháp luật nghiêm khắc tới đâu cũng vô phương chữa trị.
Khuyết điểm thứ ba, sự "thống nhất" của các quyền "hành pháp, lập pháp và tư pháp" đã tạo nên phe nhóm "quyền lực-quyền lợi" trong xã hội.
Trở lại vụ án Đoàn Văn Vươn, ta thấy phe nhóm được cấu kết từ cá nhân có quyền lực cao nhứt. Những kẻ thủ phạm lạm dụng quyền lực được cá nhân này "chống lưng". Do dư luận xã hội phản đối quá mức, chẳng đặng đừng người "có quyền lực cao nhứt" lên tiếng vuốt đuôi, xoa dịu dư luận. Cuối cùng, kẻ phạm tội thay vì ngồi tù thì được thăng chức cao hơn. Còn nạn nhân thì vào tù ngồi bóc lịch.
Pháp chế XHCN mục đích như vậy là để bảo vệ đảng viên. Cấp trên bao che cho cấp dưới. Dân tình oan ức mà không có luật pháp nào bảo vệ. Người dân bỏ xứ mà đi thì cũng hợp lý thôi.
Mạng internet trong chừng mực trở thành "cứu tinh" của nhân dân VN, đóng vai trò kiểm soát (cách thực thi) quyền lực (cho đến khi nó vẫn chưa bị "thống nhất" vào tay của đảng).
Mà ảnh hưởng thực sự của "dư luận" cũng rất "vô chừng".
Trong xã hội đã có hàng vạn, hàng triệu vụ án tương tự. Người dân nào (vô phúc) có của cải, có mảnh đất ở vị trí "đắc địa", thì người dân đó có triển vọng sớm trở thành "dân oan". Ngay cả những người gia đình "liệt sĩ", đã từng hy sinh cho đảng, cũng như đóng góp nhiều cho đất nước.
Khuyết điểm nội tại của "pháp chế xã hội chủ nghĩa" là pháp luật bảo vệ quan chức tham nhũng chớ không nhằm diệt trừ tham nhũng.
Hôm trước tôi có viết bài về "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Về nội dung, nhà nước mà VN đang xây dựng không phải là một nhà nước mang nội hàm của "Etat de Droit" hay "Rule of law", là các khái niệm dân chủ tự do về mô thức xây dựng nhà nước.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN (mà đảng đang xây dựng) là một "tổ chức quyền lực", pháp luật là nhằm củng cố quyền lực giai cấp lãnh đạo, chớ không nhằm xây dựng một "trật tự pháp luật", theo như bản chất tự tại của các nhà nước pháp trị (Etat de Droit - Rule of Law) ở các xứ dân chủ tự do.
Mọi quyền lực nhà nước pháp quyền XHCN không phục tùng vào pháp luật như một nhà nước pháp trị (Etat de Droit - Rule of Law).
Bởi vì, theo Marx và Angels, "nhà nước" chỉ là một "công cụ bảo vệ giai cấp":
"nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp đang thống trị về kinh tế, nhằm bảo vệ trật tự đang có và đàn áp sự phản kháng của giai cấp khác."
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN hiện nay thể hiện 100% ý nghĩa nhà nước của Mác. Nó chỉ là một công cụ để bảo vệ giai cấp. Giai cấp ở đây là giai cấp có "thẻ đỏ".
VN không thể nhập nhằng mãi khái niệm "nhà nước" của Marx-Angels và "nhà nước" dân chủ tự do. VN có thể sẽ trả giá rất đắt trong tương lai.
Khi gia nhập TPP, người ta sử dụng "luật quốc tế" để phân xử những tranh chấp, lãnh đạo (đảng viên CSVN) không thể núp dưới "quy trình" hay "lỗi hệ thống" để trốn trách nhiệm.
Ông Trọng được đề nghị làm TBT lần nữa vì ý định muốn "diệt trừ tham nhũng". Điều này cần được ủng hộ vì không có quốc gia nào có thể phát triển mà nạn tham nhũng hoành hành.
Nhưng trong một chế độ "hiện đại", người ta dùng "pháp luật" để cai trị, để diệt trừ tham nhũng, chớ không thể là "đạo đức".
Các nước Á Đông, có văn hóa tương đồng với VN, phát triển mạnh như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapour... đều là các quốc gia "pháp trị", luật pháp nghiêm minh áp dụng cho mọi người, tự hạ dân cho tới cấp lãnh đạo (chớ không phải là đức trị).
Đạo đức là một phạm trù rất tương đối, nó có thể là mẫu mực cho xã hội này nhưng nó có thể là "tội phạm" ở xã hội khác.
Nhà nước hiện đại không ai nhắc tới đạo đức mà người ta chỉ quan tâm là mọi người có bình đẳng trước pháp luật hay không?
Nhà nước nào cũng dùng pháp luật để cai trị. Điều cốt lõi là nhà nước này có phục tùng pháp luật hay chế ngự pháp luật ?
Nếu phục tùng pháp luật, đây là chế độ "pháp trị - rule of law". Ngược lại, như VN hiện nay, đó là chế độ "dụng pháp trị - rule by law".
Tức là ý muốn "diệt trừ tham nhũng" để xây dựng một quốc gia VN giàu mạnh (của ông Trọng) có đạt được hay không, là có xây dựng được "nhà nước pháp trị" hay không ?
Những hình thức như Thủ tướng lên tiếng can thiệp, bí thư nhập cuộc... đều không nói lên điều gì, ngoài mục tiêu mị dân.
Người dân cần pháp luật phải được thưc thi công bằng cho mọi người. Tức cần "công lý" chớ không cần những lời chim chóc đạo đức giả.

jeudi 21 avril 2016

Cử tri kiến nghị kiện cái gì ở Hoàng Sa và Trường Sa ?

Báo chí đăng tải "cử tri 15 tỉnh thành đề nghị kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông". Nguyên nhân là do “thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa và Hoàng Sa, đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công tàu cá ngư dân Việt Nam”.

Theo tôi, vấn đề kiện tụng cần phải cân nhắc lại cho kỹ, vì hệ lụy của vụ kiện rất lớn. Kiện thì có thắng có thua. Nếu VN thắng kiện, VN đạt những điều gì hoàn toàn không ai xác định được. Vì kết quả tùy thuộc vào thiện chí của TQ có muốn thi hành lệnh Tòa hay không. Nếu VN thua, thiệt hại sẽ rất lớn. VN không chỉ có thể mất vĩnh viễn HS và TS cho TQ, mà còn thiệt hại phần lớn vùng biển Kinh tế Độc quyền của VN (200 hải lý tính từ đường cơ bản).

Kiện tụng là một vấn đề thuộc về chuyên môn. Ý kiến của người dân, cho dầu là số đông, nhưng số đông không đồng nghĩa là "đúng".  

Câu hỏi đặt ra là VN kiện TQ về cái gì ?

Theo ý kiến của cử tri (mà báo chí dẫn lại ở trên), là kiện về các việc 1/ "xây dựng đảo nhân tạo", 2/ "đánh bắt cá trên vùng biển VN" và 3/ "tấn công tàu cá của ngư dân VN".

Nếu chỉ dựa lên những ý kiến này, thiển ý của tôi, việc đi kiện đồng nghĩa với cuộc  phiêu lưu bất định.

Bởi vì trước hết VN phải chứng minh các điều: 1/ Các đảo HS và TS mà TQ đã hay đang xây dựng thuộc chủ quyền của VN. 2/ Bằng chứng về TQ đánh cá trên vùng biển của VN. Và 3/ các bằng chứng TQ tấn công tàu cá của VN.

Điều 1, VN chỉ có thể kiện TQ lý do họ xây dựng đảo nhân tạo khi VN chứng minh được rằng các bãi đá mà TQ đang xây dựng thuộc chủ quyền của VN. Bởi vì không có luật nào cấm TQ xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển, hay trên các bãi đá thuộc chủ quyền của họ.

Trên phương diện pháp lý, các bằng chứng từ phía TQ đưa ra trên diễn đàn LHQ nhằm chứng minh chủ quyền của họ ở HS và TS, như công hàm 1958 hay các bản đồ, sách giáo khoa... đã khiến lập luận chủ quyền của VN yếu đi.

VN hiện nay vịn vào sự "liên tục quốc gia" để chứng minh chủ quyền của VN tại HS và TS.

Vấn đề là VNDCCH, sau 1954, luôn quan niệm thực thể chính trị VNCH ở miền Nam là "Ngụy". 
Cuộc chiến 54-75 là cuộc chiến "giải phóng" đánh Mỹ cứu nước. Chính phủ hợp pháp ở miền Nam, theo quan niệm của VNDCCH, là chính phủ MTGPMN. Như vậy, trên phương diện "liên tục quốc gia", có một khoảng thời gian "bất định", từ 1954 cho đến khi MTGPMN thành hình 20-12-1960.

Trong khoản thời gian này chính phủ nào của VN "quản lý" HS và TS ?

Nếu VNDCCH quan niệm chính phủ VNCH là "ngụy", "tay sai đế quốc Mỹ" thì chủ quyền của HS và TS khoảng thời gian "bất định" này sẽ giải thích ra sao?

Một số lập luận cho rằng sau 1975 CHMNVN kế thừa di sản VNCH.

Ta tạm chấp nhận như vậy.  Vấn đề là quốc gia tên gọi CHXHCNVN không thể cùng lúc kế thừa hai di sản đối nghịch : VNCH và VNDCCH.

VNDCCH nhìn nhận chủ quyền của TQ qua các bằng chứng như công hàm 1958, các bản đồ, các tập giáo khoa... Trong khi tư cách pháp nhân của VNCH bị VNDCCH phủ nhận đồng thời chủ quyền của VNCH tại HS và TS thì bị TQ chống đối.

Vì vậy, ở điểm 1, với tình trạng pháp lý hiện nay, đi kiện TQ vì "Các đảo HS và TS mà TQ đã hay đang xây dựng thuộc chủ quyền của VN" là phiêu lưu. VN không có hy vọng thắng. Mà thua thì mất hết HS và TS.

Điểm 2, kiện TQ vì tàu TQ "đánh bắt cá trên vùng biển VN".

Vấn đề là VN phải chứng minh các vị trí mà tàu TQ đánh cá thuộc quyền quản lý của VN (theo luật Biển 1982).

Điều này không dễ dàng chứng minh, nếu các tàu của TQ đánh cá trong khu vực "chồng lấn", do hệ quá các "hứa hẹn" của lãnh đạo VN trong quá khứ, hay do hệ quả hiệu lực EEZ của các đảo HS và TS.  

Cần nhắc lại là báo chí VNDCCH, thời thập niên 60 của thế kỷ trước, đã có nhiều bài viết nhìn nhận vùng biển HS thuộc về TQ.

Cũng cần nhắc lại, nghi vấn TBT Lê Khả Phiêu đã nhìn nhận có VN "3 vùng biển tranh chấp" với TQ. Tức là, đối với lãnh đạo CSVN, vùng biển TS là vùng "có tranh chấp".

Bây giờ kiện cái gì nếu tàu đánh cá của TQ hoạt động ở các khu vực "có tranh chấp" đó?  

Đi kiện với những điều kiện như vậy là pháp lý hóa việc "tranh chấp". Hệ quả việc này là "chia hai" các vùng biển có tranh chấp với TQ.

Dĩ nhiên khu vực biển HS thì không có tranh chấp. Lập trường của lãnh đạo CSVN thể hiện qua công hàm năm 1958, hay các bài báo đăng trên Nhân Dân năm 1965... đủ để chứng minh việc này.

Điểm 3 TQ "tấn công tàu cá của ngư dân VN".

VN chỉ có thể kiện TQ với nhiều phần thắng nếu trở lại vụ giàn khoan HD 981 của TQ cắm trên thềm lục địa của VN vào tháng 5 năm 2014. VN có thể có những bằng chứng không thể chối cãi đểi kiện và đòi TQ bồi thường. Vấn đề là "thời gian tính", bây giờ các nạn nhân của vụ này có thể đi kiện được nữa hay không?

Mặt khác, ngoài vụ "tấn công tàu VN" trong vụ giàn khoan HD 981, VN khó có thể chứng minh được các vụ khác, TQ tấn công tàu của VN ở trên vùng biển của VN. Trong khi tàu bè của VN thường xuyên bị nhà nước Indonesia phá hủy do nạn đánh cá lậu.

Vì vậy, theo tôi, kiến nghị của cử tri, với tình hình chính trị hiện nay, VN không thể thắng kiện.
Toàn bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của VN tại HS và TS là dựa lên VNCH. Trước quốc tế, VN đã ra Bạch thư, hay ra các công hàm phản biện, đều dựa lên VNCH.

Nhưng trên thực tế, những hành vi của dân chúng, cho dầu vô tội vạ, nếu thấy có liên quan đến VNCH đều bị nhà nước CSVN trừng trị.

Các vụ như anh thanh niên tên Nguyễn Viết Dũng, chỉ vì mặc áo "giống như quân phục VNCH", hay vụ em Nguyễn Mai Trung Tuấn mặc áo có thêu cờ VNCH, hay vụ hai phụ nữ phất cờ VNCH trước tòa Lãnh sự Mỹ... đều bị tòa án CSVN kết án nặng nề.

Các việc này cho thấy nhà nước CHXHCNVN hôm nay vẫn xem đống tro tàn của quá khứ VNCH là kẻ thù cần phải tiêu diệt.

Anh lấy tư cách gì để "kế thừa" di sản từ một kẻ mà anh luôn xem là "kẻ thù"?

Anh chỉ có thể "cướp" những gì kẻ thù anh có nhưng anh không thể "kế thừa" của cải của người này.

Vì vậy, việc kiện tụng, theo tôi, VN chỉ có thể thắng TQ trước Tòa quốc tế nếu quốc gia VN hôm nay kế thừa danh nghĩa của VNCH. Mà việc kế thừa không phải nói bằng miệng, mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể.

Tôi đã đề nghị các hành động cụ thể như giải pháp hóa giải công hàm 1958 cũng như các phương pháp kế thừa thông qua việc "hòa giải quốc gia" (hay hòa giải dân tộc, tùy cách gọi).


Do đó, thay vì kiến nghị "đi kiện TQ", theo tôi, cử tri nên kiến nghị việc "hòa giải quốc gia" để việc kế thừa VNCH được thể hiện. Mà hành vi cụ thể trước mắt là vận động thả tất cả tù chính trị cũng như những tù nhân mà tội của họ có liên quan đến VNCH, như cậu bé Trung Tuấn và các phụ nữ phất cờ VNCH trước Tòa lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn.

jeudi 14 avril 2016

Về cái bánh chưng hai tấn rưởi.

Nghe nói dân Sài Gòn vừa làm cái bánh chưng nặng 2,5 tấn để cúng quốc tổ Hùng Vương. Không biết mục đích làm cái bánh "khủng" này là nhằm "phá kỷ lục" hay để cúng các vua Hùng ?

Nếu để "phá kỷ lục", theo lối "tô hủ tiếu lớn nhứt", "đòn bánh tét dài nhứt"... thì kệ. Ai ở không, có tiền, muốn nối tiếng... thì cứ việc làm. Bởi vì cái "danh" cũng có đôi ba đường, "danh thực" và "danh hảo".

Ai làm chuyện gì thì kệ người ta.

Nghĩ tới nghĩ lui, lại bái phục má tôi. Nếu tính ra của cải và công sức, mỗi năm má tôi có thể mướn nhân công làm cả chục cái bánh chưng đại loại như vậy. Nhưng bả không làm. Hàng năm má tôi mướn xe chở gạo về quê bố thí, nhân các dịp tết, thanh minh... Những lúc lụt lội, hán hán (như những ngày hôm nay) thì cũng có những chuyến xe "đột xuất" chở gạo đi cho. Tiền phong bì (cho nhà nghèo), tiền xe chuyên chở, tiền mướn nhân công, tiền gạo... đều xuất ra từ túi của má tôi. Mà hầu hết người nhận, không ai biết mặt mũi má tôi là ai, tên gì, ở đâu... Mọi người chỉ biết ông tài xế, những người đi phát gạo.

Nói tới má tôi mà không nói tới bà dì, chị ruột của má tôi, là bất công.

Bà dì tôi, con cái đều đi Mỹ, mỗi tháng tụi nó gởi về cho bà "tiền trầu cau" xài khoảng 1.500 đô một tháng. Mấy đứa nó cũng cất cho bà dì một cái nhà (to đùng) và một cái chùa nho nhỏ để bả làm bố thí. Vụ này trước kia có "lên báo nhà nước". Vấn đề là, bây giờ thì bà dì tôi phải bỏ nhà, bỏ luôn chùa để đi nơi khác. Nhờ "lên báo nhà nước", "lưu manh" lưu lạc đâu từ miền Bắc, ngày đêm tụ tập trước chùa đòi tiền.

Nhưng mà gia đình tôi có lối hành sử rất lạ. Những thằng "lưu manh" đòi tiền, theo lối "bôi trơn", là nhứt định một cắc cũng không cho. Nhà cửa, chùa chiềng cất lên, chẳng thà bán rẻ. Dì tôi và má tôi hiện vẫn còn làm từ thiện, nhưng từ thiện nặc danh, để khỏi bị bọn "chó" hạch sách.

Trở lại cái bánh chưng hai tấn rưởi. Tôi e rằng không có "quốc tổ" nào chứng giám hết cả. Mà nếu có, cả họ nhà "quốc tổ", 18 đời vua Hùng cùng tất cả con cháu sống lại, "ăn" cũng không hết.

Trong khi dân miền Nam bị hạn hán, cuối năm nay không biết có bao nhiêu nhà sẽ đi làm ăn mày? có bao nhiêu nhà trai phải bán thận, gái phải bán trinh để kiếm lấy cái ăn ?

Hai năm trước tôi có bàn ngắn viết về "quốc tổ".

Trở lại "vấn đề" quốc tổ.

Quốc tổ không phải là người "đẻ" ra dân tộc mà là người "dựng" lên đất nước. Quốc tổ chớ đâu phải tiên tổ. Quốc ở đây là nước.

Người dân tộc gốc Hmong, gốc Nùng, Dao, Thái... ở thượng du Bắc Việt; người dân tộc gốc Ba Na, Hrê, Mnong... ở Tây nguyên; người Khmer ở miền Nam, người Chăm ở Phan Rang... có phải là người Việt hay không ?

Những người thuộc các dân tộc nói trên đều là công dân Việt (có quốc tịch Việt Nam). Những dân tộc này (một số)... đã sinh sống, an cư lạc nghiệp ở địa phương đó trước cả vua Hùng lập quốc.

Mới đây, báo chí đăng tải tin mới khai quật được di tích người "Việt cổ" ở An Khê (Bình định), nghe nói niên đại là 80.000 năm.

Nếu cho đây là di tích "Việt cổ", thì "nước" của vua Hùng chỉ thuộc hàng cháu chắt, ít ra 100 đời.

Nước Văn Lang (của vua Hùng) chỉ mới lập sau này. Trước đó tổ tiên người Việt cũng đã có "nước" (văn hóa Phùng Nguyên, Đông sơn v.v... ; nhà Hồng Bàng, nước Xích Quỹ...)

Cúng quốc tổ Hùng vương mà không cúng những quốc tổ khác, là bất công.

Khi nói "quốc tổ" VN là vua Hùng, thì "nước" của vua Hùng này chỉ ở châu thổ sông Hồng mà thôi ! Vấn đề "nước" của vua Hùng đã mất vào tay người Tàu cả ngàn năm. Sau 1 ngàn năm, đất nước đó còn lại cái gì ?

Cũng vậy, đất nước từ đèo Ngang trở vô Nam đâu phải nước của vua Hùng ?

Mà nếu ta xét lại trên phương diện lịch sử và địa lý, đến thế kỷ 15 đất Bình định vẫn còn là đất Chiêm.  

Chúng ta (người Việt gốc) vui chơi, mừng ngày giỗ vua Hùng. Trong khi một bộ phận lớn công dân Việt, người gốc Chàm, gốc Miên, gốc Hoa, gốc Tày, gốc Nùng, gốc Thái.... đứng ngoài cuộc.

Ngay cả những người miền Trung, miền Nam... ông tổ của họ nhứt định không phải vua Hùng. Ông Tổ của họ là các chúa Nguyễn, các vua triều Nguyễn v.v...

Vùng đất cao nguyên chỉ mới được Pháp sáp nhập vào VN vào đầu thế kỷ 20.

Người trong cuộc càng vui chơi, người ngoài cuộc càng xa cách.

Vì vậy cần tương đối hóa ý nghĩa của ngày "giỗ tổ". Không phải khi ông Hồ nói "các vua Hùng có công mở nước, bác cháu ta cùng nhau giữ nước" thì chuyện "mở nước" của vua Hùng là đúng.

Suy nghĩ như ông Hồ, cũng như ông Trọng ngày nay: "TBT phải là Bắc kỳ, biết lý luận", mọi chức vụ đảng, nhà nước đều giao cho dân Bắc kỳ, thì chất keo liên kết giữa những người dân sống trong một nước sẽ không còn.

Muốn giữ được chất keo đoàn kết các dân tộc Việt thì cần phải tương đối hóa quan niệm "quốc tổ" cũng như phải xét lại chính sách "tập quyền" của dân Bắc kỳ.

Có ngày giỗ "quốc tổ" là đúng. Mà người việt Nam có nhiều "quốc tổ" chứ không phải chỉ có vua Hùng.

Ngô Quyền cũng là một vị "quốc tổ", vì đã dành lại độc lập cho dân Việt sau 1 ngàn năm đô hộ.
Gia Long, Minh Mạng... cũng là những vị "quốc tổ". Nếu không có những vị vua này thì đất nước VN chỉ ngừng ở Đèo Ngang.

Nếu tôn vinh, thờ phụng vua Hùng mà không tôn vinh những người có công mở nước và dựng nước, như Ngô Quyền, Gia Long, Minh Mạng... ta thấy có công bằng hay không ?


Và nếu tất cả quyền lực quốc gia đều tập trung vào dân gốc Bắc kỳ, liệu nhà nước này có chính đáng hay không ?

mardi 12 avril 2016

Về chuyến (dự trù) viếng thăm VN của Obama...

Ông Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh mới trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến công du Việt Nam của tổng thống Mỹ Obama dự trù vào cuối tháng 5. Nghe lời ông thì có vẻ chuyến thăm của Obama đã chắc ăn như "đinh đóng cột".

Theo tôi, nếu Obama là một người biết tuân thủ nguyên tắc, chắc chắn ông sẽ hủy bỏ chuyến công du VN vào cuối tháng 5 tới.

Những bằng chứng vừa qua về đàn áp, chà đạp nhân quyền, bắt bớ, tuyên án những người khác chính kiến với những bản ản nặng nề... cho thấy nhà nước VN không hề tôn trọng những giá trị cơ bản nhứt về quyền con người đã được hiến chương LHQ qui định. Quan niệm về nhân quyền giữa chính phủ Mỹ và VN hiện hữu những mâu thuẩn lớn. Nhà nước VN vẫn còn giữ khoảng cách rất dài giữa sự hứa hẹn, hay cam kết qua các công ước quốc tế đã ký, với sự thi hành trên thực tế.

Các việc "đấu tố" những ứng cử viên QH vừa qua là bằng chứng về các việc chà đạp quyền công dân. Những vụ "tiếp xúc cử tri", lẽ ra phải do phía ứng cử viên tổ chức và triệu tập cử tri nhằm trình bày quan điểm và chương trình hành động của mình, thì lại do "dư luận viên" phường khóm đứng ra tổ chức. Theo nội dung các clips video đã được các ứng cử viên nạn nhân công bố trên mạng, thì cuộc "tiếp xúc cử tri" thực sự là một cuộc "đấu tố" thời cộng sản bán khai, hay là hành vi "ném đá" phạm nhân ở thời tiền sử. Các ứng cử viên bị dư luận viên đột lốt cử tri mạt sát, xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân. Dĩ nhiên đây là các hành vi phạm pháp nhưng nhà nước CSVN vẫn sử dụng thường xuyên như là một vũ khí nhằm bảo vệ chế độ.

Sai lầm lớn lao của TT Obama là đã tiếp đón TBT Nguyễn Phú Trọng vào tháng 5 năm ngoái cũng như việc nhìn nhận thể chế chính trị của VN. Obama đã vô tình bảo kê cho các hành động vô nhân của đảng CSVN trên chính người dân của mình.

Đây là những lý do quan trọng mà TT Obama phải cân nhắc lại.

Lý do khác, chính phủ vừa được thành lập ở VN, nói là "chính phủ lâm thời", mà thực ra là một chính phủ được lập nên bằng các việc vi phạm hiến pháp. Trên nguyên tắc luật học, đây là một chính phủ không "chính danh".

Nguyên tắc nền tảng của "Etat de droit - nhà nước pháp trị" (mà Việt Nam dịch là nhà nước pháp quyền) thì "luật có giá trị cao nhứt và tuyệt đối".

Đơn giản bởi vì "luật" thể hiện ý chí của dân tộc.

Vấn đề là người ta áp dụng "luật" như thế nào ?

Cách thông thường, người ta "dựa vào luật" mà hành sử. Công dân trong một nước phải tôn trọng luật pháp.

Thí dụ, về luật đi đường, người ta không thể vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay chạy quá tốc độ... Các hành vi này bị xem là vi phạm pháp luật.

Hiến pháp VN, điều 4 qui định đảng CSVN là "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội". Điều này thể hiện trên thực tế (từ khi VNDCCH lập quốc đến nay), tất cả nhân sự trong bộ máy nhà nước VN đều là đảng viên đảng CSVN. Mọi quyền lực của quốc gia tập trung vào tay đảng.

Nhưng không phải vì vậy mà "một hay vài lãnh đạo" nào đó nhân danh "đảng" muốn làm gì thì làm. Bởi vì, ngay ở điều 4 cũng đã qui định "các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Đảng là một "tổ chức chính trị". Ý chí của đảng là ý chí của toàn thể đảng viên, toàn thể nhân sự TƯ, hay ý chí của nhân sự BCT ?

Ý chí của đảng, nếu có, thành lập chính phủ mới, chỉ là ý chí của một vài nhân sự trong đảng mà thôi.
Vấn đề là những người này phải "hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Hiến pháp, các điều 74 và 88 qui định Quốc hội có quyền "miễn nhiệm" chủ tịch nước và thủ tướng.
Nhưng các điều luật này sẽ được áp dụng trong các trường hợp nào ?

Thí dụ trên, về luật giao thông. Người ta chỉ áp dụng luật khi có dấu hiệu (vì còn phải chứng minh) phạm luật.

Nguyên tắc cơ bản về luật, một điều luật chỉ được áp dụng khi luật này bị vi phạm, hay đã hội đủ những điều kiện để thi hành điều luật.

Quốc hội đã "miễn nhiệm" Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sau đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rõ ràng là không  lý do. Quí ông này chưa hề "từ nhiệm" cũng như không hề vi phạm một điều gì để quốc hội có thể ra biện pháp "miễn nhiệm".

Áp dụng luật khi điều luật này không (hay chưa) hội đủ điều kiện để thi hành là vi hiến.

Obama có thể nào công du sang Việt Nam để bắt tay với một ông tướng Công an, tiếm danh chủ tịch nước, trong lúc bàn tay ông này vẫn còn đang nắm một cái còng ?

  

lundi 4 avril 2016

Nói về "Sài gòn Hòn ngọc Viễn đông".

Sài Gòn đã từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông", "từng là số một của khu vực", đúng như lời của ông Đinh La Thăng vừa nhắc trên báo chí. Mơ ước của ông Đinh La Thăng, xây dựng lại để Sài Gòn trở thành "Hòn Ngọc Viễn Đông", là một ước mơ đẹp, chắc chắn sẽ được sự đồng tình và chia sẻ từ nhiều thành phần dân tộc. Vấn đề là xây dựng lại với mô hình nào ?

Sài Gòn, thành phố được quân viễn chinh Pháp xây dựng trên vùng đầm lầy, từ những năm 1860. Đô đốc Bonard dự kiến một thành phố "quan trọng", bao gồm Chợ Lớn, cho một dân số 500.000 người. Mô hình thành phố là một Paris thu nhỏ, (vì vậy Sài gòn ban đầu mệnh danh là Petit Paris - Paris thu nhỏ), như mong muốn của những thủy sư đô đốc Pháp, những người đầu tiên tham gia cuộc viễn chinh phân xẻ Trung Hoa. Những công trình đầu tiên xây dựng ở Sài Gòn được hiện do thợ thầy ở Hồng Kông, là những người được mời về, vì có kinh nghiệm về xây dựng trên vùng đầm lầy.

http://belleindochine.free.fr/images/Plan/favreZ2Saigon1881.JPG

sài gòn 1881

Xem hình: họa đồ Sài Gòn 1881, đúng với danh xưng Paris thu nhỏ, "Petit Paris", dưới nét bút của thuyền trưởng Favre. Nếu có dịp sang Paris, mọi người sẽ thấy Sài Gòn xưa không khác một góc phố nào đó của Paris, như trên bức họa hình.

http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b8442413s

Xem hình: Bản đồ Sài Gòn 1878, Nguồn Gallica, Thư Viện Quốc gia Pháp.

Việc Pháp chiếm các tỉnh Nam Kỳ (Cochinchine) chỉ là chuyện "tình cờ của lịch sử". VN ban đầu không phải là trọng tâm của sự bành trướng của đế quốc Pháp. Sau Đà Nẵng bị đánh phá, các tỉnh Nam Kỳ bị Pháp chiếm đóng. Mục đích của các thủy sư đô đốc Pháp lúc đó là xây dựng một hậu trạm để dưỡng quân, tạm thời chớ không tính chuyện lâu dài, vì mục đích của Pháp (và các đế quốc cùng thời) là phân xẻ đế quốc Trung Hoa (Chiến tranh Nha phiến lần hai 1856-1860).

Chỉ đến năm 1878, ở Pháp, tư tưởng quốc gia hợp lưu với luồng tư tưởng gọi là thực dân chủ nghĩa "colonialisme", trở thành chủ nghĩa đế quốc. Chính trị ở Paris bắt đầu xem việc chiếm thuộc địa như là "bổn phận khai hóa - devoir de civilisation". Từ đó, Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (An nam) cũng như Lào trở thành xứ bảo hộ của Pháp.

Đối thủ lợi lại của Pháp trong khu vực, về quân sự cũng như kinh tế chiến lược, dĩ nhiên là Anh Quốc.

Pháp có mặt ở Châu Á, trên danh nghĩa đế quốc thuộc địa, sau Anh (Tây Ban Nha, Hòa Lan, Bồ Đào Nha...) ít ra hàng 1/2 thế kỷ.

Anh Quốc, đồng thời với việc kiểm soát toàn cõi Ấn độ, cũng đã thiết lập nền thuộc địa vững chắc tại đảo Penang (Mã Lai, năm 1795), tại Singapour (1819) và eo biển Malacca từ năm 1824. Các nơi này tạo cho Anh hậu phương vững chắc để mở các cuộc viễn chinh sang Trung Hoa. Pháp quốc vì vậy là kẻ đến sau, nhưng lực lượng hải quân của Pháp không ngừng phát triển, đến năm 1893 thì có dấu hiệu vượt qua hải quân Anh Quốc.

Sự có mặt hai đế quốc, tại Pháp ở Đông Dương, và Anh ở Ấn Độ, Mã Lai, Miến Điện, Thái Lan... sẽ tạo ra những cơ hội đụng chạm nguy hiểm. Nhưng bắt đầu từ 1894, ỹ vào lực lượng hải quân, Pháp ra mặt chống Anh Quốc nhân tranh chấp Thái Lan.

Rốt cục Anh nhượng bộ Pháp để hai nước cùng quản lý Thái Lan, theo nguyên tắc condominium. Hai đế quốc xem Thái Lan như một quốc gia "trái độn", lằn ranh phân định ảnh hưởng. Nhờ ở điều này mà Thái Lan, trên danh nghĩa là thuộc địa của cả hai cường quốc Anh và Pháp, lại thoát cảnh lệ thuộc (như Việt Nam).

Nhưng ở phương diện cạnh tranh về hình ảnh trên trường quốc tế, hai đế quốc Anh và Pháp luôn có dịp là phô trương.

Sài Gòn (Hải Phòng và Hà Nội) được Pháp dốc sức xây dựng để cạnh tranh với Singapour và Hồng Kông của Anh.

Danh xưng "Hòn ngọc Viễn đông" xuất hiện để chỉ cho Sài Gòn, thủ đô Đông Dương về kinh tế (và ăn chơi), cạnh tranh với "hòn ngọc viễn đông" của Anh là Singapour.

Trong khi Hà nội được xây dựng để trở thành một "thủ đô văn hóa" của Đông Dương. Tất cả các trung tâm văn hóa của ba xứ Đông Dương đều tụ tập ở đây. Còn Hải Phòng, nỗ lực của Pháp để cạnh tranh với Hồng Kông cũng rất lớn lao. Điển hình là công trình xây dựng đường xe lửa Hải Phòng - Vân Nam, với cây cầu nổi tiếng thời đó là cầu Long Biên (trước đó có tên là Paul Doumer, viên thống sứ chủ trương phát triển kinh tế các xứ thuộc địa).

Ý chí của Anh, xây dựng các thuộc địa để tìm lợi nhuận gián tiếp qua các quan chức địa phương. Còn Pháp, ngược lại, trực tiếp cai trị để tìm lợi nhuận kinh tế.

Singapour được Anh xây dựng như là một hải cảng hàng đầu Châu Á (có giá trị đến bây giờ). Sài gòn không phải là hải cảng mà chỉ là một thành phố xây dựng trên bờ sông, sâu trong đất liền.

Có người viết bài trên BBC, so sánh hơn thua giữa Sài Gòn và Singapour. Bài viết mở đầu :

"Việc ngợi ca "hòn ngọc Viễn Đông số một" và "Singapore mơ thành Sài Gòn" chỉ là suy nghĩ của những người Việt Nam Cộng hòa hoài cổ và dí dỏm sau 1975."

Dĩ nhiên danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" không hề đến từ suy nghĩ của những người VNCH hoài cổ, mà đó là một sự thật lịch sử, là mục tiêu xây dựng thuộc địa của đế quốc Pháp. Việc này có thành hiện thực hay không, đọc lại sử sách của Anh, hay của các nước chung quanh ta có thể kiểm chứng.

"Hòn ngọc Viễn đông" cũng là lời tán dương trên đầu môi chót lưỡi của những chính trị gia, những nhà "sành điệu ăn chơi" sống trong thời kỳ đó.

Sài gòn, "Hòn ngọc Viễn đông", là chốn "phồn hoa đô hội", nơi nhà giàu khoe tiền của. Thời đó, tài phiệt quốc tế trong khu vực, nếu không đi Paris mua sắm, thì người ta qua Sài Gòn. Không ai đi Vọng Các hay Singapour. Chơi bời, cờ bạc, hút sách... cũng vậy, không ai đi qua các thuộc địa của Anh. Sài Gòn là nơi những "đại gia" các nước đến đốt tiền.

Lời phê bình của Phạm Quỳnh, dẫn trong bài viết, cho rằng hải cảng Singapour lớn hơn rất nhiều Sài Gòn và Hải Phòng. Điều này không làm giảm đi cái lấp lánh của "Hòn ngọc Viễn đông" tên gọi Sài Gòn. Đơn giản vì Sài gòn không phải là hải cảng.

Việc lựa chọn Sài Gòn (thay vì Đà Nẵng), với vị trí ở sâu trong đất liền, là do quyết định của thủy sư đô đốc Page, một quyết định thuần túy quân sự, với hai mục đích: một là phòng thủ và hai là nhằm mở rộng lãnh thổ cho đến Campuchia, Lào; sau đó mở đường sông Cửu Long sang Tàu. Vì lý do phòng thủ mà dự án "vòng đai Sài Gòn" được thiết lập, với vòng đai là một con kinh bề ngang 20m, sâu 6m, nối sông Sài Gòn qua kinh Thị Nghè. Dự án này sau đó bãi bỏ.

Cũng trong bài viết này dẫn lời phê bình của cụ Trần Trọng Kim, cho rằng Băng Cốc lớn hơn Hà Nội năm bảy lần. Thì cũng đúng thôi. Hà Nội không phải là Sài Gòn.

Từ khi nhà Nguyễn thiên đô về Huế, Hà Nội trở thành cái bóng của lịch sử. Cho đến cuối thế kỷ 19, tại Bắc Kỳ, tinh thần hoài Lê vẫn còn rất mạnh. Loạn lạc thường xuyên nổi lên. Nguyên nhân vì sĩ phu Bắc Hà không chấp nhận việc dời đô. Thăng Long là thủ đô ngàn năm thì không thể hạ xuống dưới Huế và Sài Gòn được.

Riêng câu "50 năm trước, ông Lý Quang Diệu nhìn về Sài Gòn và mơ ước Singapore sẽ được như Sài Gòn" mà bài viết có nhắc, thì chỉ mới xuất hiện sau này. Người ta cho rằng ông Lý Quang Diệu có nói vậy. Vấn đề là không ai ghi rõ ông này nói câu đó ở đâu? lúc nào?

Điều chắc chắn là không có người VNCH hoài cổ nào "sáng tác" ra được một lời như vậy.

Nếu so sánh "bề thế", Sài gòn hay Singapour lớn, như ý kiến của bài viết trên BBC, thì việc so sánh cũng không ổn. Singapour là một đảo nhỏ, không có đất để mở rộng thành phố. Vì vậy làm sao so sánh được với Sài Gòn ? Mà độ lớn nhỏ của một thành phố đâu có nói lên được điều gì ? Quan trọng là hạ tầng cơ sở của thành phố đã được xây dựng ra sao.

Một cách đơn giản để so sánh Sài Gòn với Singapour (và Bang Kok), là so sánh các bản đồ của các thành phố này (cùng thời kỳ).

Việc làm này hết sức dễ dàng vì hiện nay các tập bản đồ Indochine, Thái Lan, Singapour... có thể tham khảo tự do trên các trang web.
Bản đồ Sài Gòn, Băng Cốc và Singapour cùng năm 1928. Ta thấy, trên bản đồ, mức độ qui mô của Sài Gòn vượt xa Băng Cốc (và dĩ nhiên Singapour).

Hình:

sài gòn 1928

singapour 1928

bangkok 1928

Điều nên biết, các nước được xếp vào vùng Viễn Đông gồm có các nước : Việt, Miên Lào (là ba nước Đông dương thuộc Pháp), Mã Lai, Singapour, Thái Lan, Indonésie, Phi, Đại Hàn, Trung Quốc và Nhật. Nước nào cũng có "Hòn ngọc Viễn đông" của nước đó, do tự phong hay do "quốc tế" đặt tên.

Sự cạnh tranh của hai đế quốc Anh và Pháp, thực ra là Pháp cạnh tranh với Anh (do ganh tị) vì vậy, vô hình chung, Việt Nam hưởng lợi. Từ những năm 1895 Pháp đã tập trung vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở ở thuộc địa nhằm phát triển kinh tế, với tham vọng qua mặt Anh quốc tại Singapour và Hồng Kông.

Bản đồ năm 1921 cho thấy hệ thống đường xá (đường lộ và đường sắt) huyết mạch cơ bản ở các xứ Đông Dương đã được xây dựng. Hệ thống cơ sở hạ tầng này vẫn còn được sử dụng đến hôm nay.

bản đo routes coloniales 1921

Bản đồ đường xá, cầu cống năm 1921.

Nếu so sánh về hạ tầng cơ sở, cùng thời, Sài Gòn bỏ xa Băng cốc và Singapour. Dầu vậy, Singapour có tầm quan trọng lớn về chiến lược, kiểm soát hầu hết các hải đạo thông thương Âu-Á. Singapour cũng là một hải cảng lớn nhứt vùng, Sài Gòn không thể so sánh (vì không phải là hải cảng).

Nếu so sánh Sài Gòn với các thành phố (ở các nước Viễn Đông) sau 1945, thì sự khác biệt lại càng sâu sắc.

Singapour, Kuala Lumpur, trong thời kỳ Thế chiến II Nhật chiếm, sau đó chịu sự oanh tạc, bỏ bom của quân Đồng minh, bị tàn phá nhiều nơi. Ngoại trừ Sài Gòn (và Hồng Kông). Vì vậy ta không thể so sánh.

Bài viết đã dẫn trên BBC cũng đưa ra các số liệu về kinh tế, cho rằng GDP Mã Lai thường lớn gấp đôi đến gấp 3 lần Việt Nam. Nguyên văn dẫn lại như sau:

"Theo các hồ sơ lưu trữ cũng như các nghiên cứu kinh tế Châu Á suốt thế kỷ 20, GDP Việt Nam đều có vị trí rất thấp. Ví dụ, theo thống kê của hai giáo sư kinh tế học Jean-Pascal Bassino và Pierre van der Eng, từ 1913 đến 1970 kinh tế Việt Nam (cả miền bắc và miền nam) hầu như luôn thấp hơn Malaya (tiền thân của Malaysia với Singapore là thủ đô kinh tế), Philippines, Thái Lan (không có số liệu trước 1950).

Tùy thời điểm, GDP Malaya thường gấp đôi đến gấp 3 lần Việt Nam, thì lẽ nào thủ phủ kinh tế của nó chỉ là một làng chài nhỏ và mơ được như Sài Gòn!"

Cái sai thứ nhứt (của đoạn dẫn trên), là Singapour chưa bao giờ là "thủ đô kinh tế" của Mã Lai hết cả.

Thuở ban đầu, Singapour là một lãnh thổ thuộc bang Johor, sau đó trở thành thuộc địa của Anh (1819). Khi độc lập, bang Johor gia nhập Liên Bang (gồm cả Singapour), nhưng sau đó Singapour bị đuổi ra khỏi Liên bang Mã Lai (1965).

Cái sai thứ hai là tài liệu thống kê của Jean-Pascal Bassino và Pierre van der Eng không hề ghi GDP của VN thấp hơn Mã Lai đến hai, ba lần.

Bảng thống kê dưới đây, tác giả cho rằng của hai giáo sư kinh tế vừa ghi.

truongthaidu

Tác giả dựa vào đó để kết luận rằng GDP của VN thấp hơn GDP Mã Lai đến hai, ba lần. Vấn đề là tác giả đã sai lầm trong việc diễn giải số liệu toán học. Trên bảng ghi rõ: Logarithme của Y (chớ không phải Y, biểu diễn GDP).

Thứ ba, kiểm chứng lại tài liệu đã dẫn của tác giả: không thấy ghi những dữ liệu mà tác giả đã trình bày trong bài viết.

Trong khi số liệu từ tác giả Anngus Maddison trong "Etudes du Centre de Développement L'économie mondiale une perspective millénaire", OCDE 2001, trang 159.

Bảng A3-c, GDP đầu người, tính bằng đô la quốc tế 1990:

1913 : VN 754; Mã Lai 899; Singapour 1279; TQ 552; Phi 1066; Thái Lan 835.

1950: VN 658; Mã Lai 1559; Singapour 2219; TQ 439; Phi 1070; Thái Lan 817.

Dầu vậy số liệu GDP đầu người không nói lên được điều gì.

Dưới thời thực dân, người dân VN, ở miền Trung và miền Bắc, một cổ hai tròng. Một tròng của thực dân và một tròng của quan lại. Miền Nam thì một tròng của thực dân và một tròng của địa chủ. Vì vậy GDP đầu người rất chênh lệnh, tương tự VN hiện nay. Những người có chức quyền thì tiền xài không hết, trong khi những người dân khác thì "lần không ra".

GDP ở Sài Gòn tính bằng trung bình của người (giàu có đốt tiền theo kiểu Hắc, Bạch nhị công tử) hay người nông dân ?

Vì vậy, kết luận của tác giả bài viết trên BBC hết sức sai lầm và phiếm diện. Sai lầm vì không nắm vững lịch sử bành trướng thuộc địa của các đế quốc Anh và Pháp. Sai lầm vì diễn giải sai những dữ kiện toán học đồng thời dữ kiện đưa ra không đúng với tư liệu nguồn. Sai lầm khác là so sánh những thứ không thể so sánh.

Trở lại ý kiến của ông Đinh La Thăng, làm thế nào để Sài Gòn lấy lại hình ảnh của "Hòn ngọc Viễn đông" ngày xưa ?

Theo tôi, có nhiều mô hình để nghiên cứu. Thứ nhứt mô hình Kuala Lumpur, với Tiến sĩ Mahathir. Mô hình này tách Kuala Lumpur thành một "tiểu bang tự trị", có thẩm quyền như các tiểu bang khác. Kuala Lumpur trở thành trái tim kinh tế của Mã Lai, với nhiều cơ sở công kỹ nghệ tiên tiến về dầu hỏa, điện tử, cơ khí...

Thứ hai, mô hình Singapour với Lý Quang Diệu. Điều này sách vở VN có nhiều người đề cập.

Thứ ba mô hình "đặc khu kinh tế" của Đặng Tiểu Bình.

Ta thấy các mô hình này đều thành công, vì nó phù hợp với tình hình địa lý, chính trị, nhân văn của các nước.

Việt Nam hoàn toàn khác. VN có nhiều tiềm năng để qua mặt các "đặc khu kinh tế" theo kiểu Đặng Tiểu Bình hay mô hình Kuala Lumpur của TS Mahathir. Nhưng VN không có cái gì để so sánh với Singapour.

Vấn đề là chế độ chính trị. Chưa thấy mô hình chế độ XHCN nào kinh tế phát triển bền vững. Đó là chưa nói đến các hệ quả của nền công an trị. Việc này đã tạo sự thù hận, đào hố sâu ngăn cách giữa những thành phần dân tộc. Dĩ nhiên, về lâu dài, đó là yếu tố cản trở mọi phát triển cũng như đe dọa sự ổn định trong xã hội.