mardi 28 juillet 2015

Tranh chấp lãnh thổ VN – Kampuchia : khu vực rạnh Giang Thạnh

Hình chụp sau đây, dẫn từ VOA http://www.voatiengviet.com/content/co-nuoc-chong-lung-trong-vu-tranh-chap-vietnam-campuchia/2874731.html, cho thấy viên chức Kampuchia đang giải thích ý nghĩa của đường biên giới trong một khu vực « có tranh chấp ».

6153474F-809C-49CD-B371-AC9A2EA4ADD1_cx0_cy10_cw0_mw1024_s_n_r1

Hình 1.

Bản đồ trong hình là bản đồ nào ? Xuất xứ từ đâu ? Tranh chấp biên giới trong bản đồ này có ý nghĩa như thế nào ?

Sau khi tham khảo các bản đồ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông dương (SGI) tại văn khố Pháp (Aix-En-Provence), những bản đồ đã được ông hoàng Sihanouk lưu chiểu ở Liên Hiệp Quốc, tôi có những nhận xét sau đây :

1/ Tấm bản đồ trong hình là bản đồ SGI 1/100.000, xuất bản tháng 9 năm 1951, số hiệu 218 E, (ở góc quan sát được) đúng với nguyên bản không sửa đổi. Đối chiếu với bản đồ quân sự của Mỹ, theo bảng đính kèm Hiệp ước 1985, tương ứng với tấm có số hiệu Tuk Meas 5930 III.
Khó khăn là bản đồ SGI hiện nay không được phép sao chép. Còn bản đồ quân sự của Mỹ thì đã rút khỏi thư viện Web Site của Đại học Texas (từ khi nào không biết !).

Vì vậy, thay thế vào đây là bản đồ 1/250.000 của Viện Đại học Texas, để minh họa đường biên giới nơi khu vực tranh chấp. Ta thấy đoạn biên giới trong bản đồ này phù hợp với bản đồ trong hình 1 ở trên.

txu-oclc-6535632-nc48-6-2nd-ed

Bản đồ 1

2/ Theo ý kiến cá nhân tôi, tranh chấp biên giới trong khu vực bản đồ này đến từ sự sai biệt giữa hướng đi của đường biên giới theo nội dung các Hiệp định hoạch định biên giới VN và Kampuchia (1985 và 2005) với bản đồ SGI.

Nội dung Hiệp ước 1985 như sau :

« chuyển hướng Nam theo đường thẳng khoảng 1050m (một nghìn không trăm năm mươi mét) cắt đường mòn tại tọa độ 1163.800 – 461.660; chuyển hướng Tây đi song song cách bờ bắc kênh Vĩnh Tế khoảng 150m (một trăm năm mươi mét) cắt rạch Giang Thành (Stŏeng Tonhon) đến điểm có tọa độ 1164.200 – 456.450; »

Diễn giải là đường biên giới song song với kinh Vĩnh tế, cách kinh này 150m, cho đến khi đường biên giới cắt rạnh Giang Thành.

Minh họa theo bản đồ dưới đây :

Giang Thạnh

Bản đồ 2

Trong khi trên bản đồ SGI thì đường biên giới là bờ bắc của kinh Vĩnh Tế (một đoạn khoảng 500m) như bản đồ 1 ở trên.

Diện tích đất tranh chấp ở đây chỉ bằng ¼ cây số vuông, có thể xem như không đáng kể. Tuy nhiên, khó khăn cho phía Kampuchia là năm 2005, một Hiệp ước về Biên giới bổ sung hiệp ước 1985 được ký kết, vấn đề sai biệt giữa bản đồ cơ bản và nội dung hiệp ước lại không được bên này đặt ra. Hiệp ước 1985 và 2005 đã được quốc hội và nhà vua thông qua, muốn trở lại là không dễ.

lundi 27 juillet 2015

Vấn đề Kampuchia : Rắc rối về « đường biên giới hiện trạng »


Thế nào là « đường biên giới » ? Quan niệm « biên giới – frontière, boundary » trên tinh thần công pháp quốc tế là một quan niệm rất mới, chỉ có từ đầu thế kỷ 20, sau khi quan niệm « quốc gia – Etat » được thành hình. Theo đó đường biên giới được định nghĩa như là « vỏ bao bọc liên tục một tập hợp không gian của một quốc gia », là « điểm chấm dứt thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ ». Học giả Michel Foucher trong tập « Fronts et Frontières » (Tiền tuyến và Biên thùy) có nói rằng : « phải có hai bên mới vẽ được đường biên giới ».

Trường hợp biên giới VN-Cambodge (sau này là Kampuchia), biên giới thực ra chỉ có « một bên » đứng ra hoạch định : Pháp. Đó là đường biên giới « thuộc địa ». Đường biên giới (thuộc địa) này, đáng lẽ sau khi hai bên thiết lập lại nền độc lập, trở thành đường biên giới « quốc tế » theo tinh thần « uti possidetis » của công pháp quốc tế. Nhưng ông hoàng Sihanouk đã không nhìn nhận cơ sở pháp lý này và yêu cầu Pháp trả lại lãnh thổ Nam kỳ cũng như đảo Phú Quốc về phía Cambodge. Biên giới của Sihanouk là « biên giới lịch sử », nhưng ông đã bỏ qua giai đoạn lịch sử dưới triều Minh Mạng lãnh thổ Cambodge đã thuộc về VN.

Yêu cầu của Sihanouk phi lý, không ai có thể thỏa mãn được.

Chiến tranh VN bùng nổ. Vấn đề biên giới không thuộc phạm vi của hai bên (VNCH và Cambodge), mà trở thành vấn đề của nhiều phía. Các nguyên tắc quốc tế về sự « biên giới bất khả xâm phạm », « không can thiệp vào nội bộ quốc gia khác »… đã bị xóa bỏ. Phía VNDCCH và MTGPMN lợi dụng lãnh thổ Cambodge để lập chiến khu (vùng Mỏ Vẹt, tức tỉnh Svay Rieng). Mỹ và VNCH truy kích VC phải xâm phạm lãnh thổ Cambodge. Trong khi phía TQ, tính toán từ xa, sử dụng vấn đề dân tộc chủ nghĩa và biên giới để tố cáo Mỹ đồng thời kềm hãm các phía VN.

Người ta chỉ cần hai bên để vẽ đường biên giới. 6 bên (Mỹ, TQ, VNDCCH, MTGPMN, VNCH và Cambodge) là quá nhiều, trong khi phía Cambodge lại có nhiều khuynh hướng khác nhau mà Sihanouk chỉ đại diện cho một phía. Biên giới trở thành chiến trường, đúng như ý nghĩa tựa đề của tập tài liệu « Fronts et Frontières » (Tiền tuyến và Biên thùy). Chữ « front » ở đây có nghĩa là « cái trán », nhưng còn có nghĩa là « mặt trận, tiền tuyến… ». Từ « chạm trán », tức xung đột, của VN cũng từ đây mà ra. Ý nghĩa tựa đề tập sách là « biên giới » luôn đi kèm với việc xung đột, đối đầu. Tựa đề tập sách phản ảnh thực tế của biên giới VN và Cambodge. Đường biên giới có nguy cơ thay đổi do « tương quan lực lượng ».

Trong tình trạng đó, lo ngại lãnh thổ bị mất kiểm soát do chiến tranh, Sihanouk đề nghị chính quyền Ngô Đình Diệm nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng – frontière actuelle ».

Chính thức vào ngày 3-8-1959, Sihanouk sang Sài Gòn đề nghị với Tổng thống Ngô Đình Diệm trao đổi « quyền lịch sử của Cambodge » để được VNCH nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » của Cambodge. « Đường biên giới hiện trạng » của Sihanouk đề nghị được thể hiện trên bộ bản đồ do Sở Địa dư Đông dương ấn hành (trước năm 1954).

Điều này ông Diệm từ chối. Không phải vì ông Diệm không có thiện chí mà vì hai lý do : Về an ninh, phía Cambodge đã chứa chấp các thành phần chống lại chính quyền VNCH. Khu vực « Mỏ Vẹt », tức tỉnh Svay Rieng, là chiến khu của MTGPMN, là điểm cuối của đường mòn HCM. Vùng này chỉ cách Sài Gòn có 80km. Ông Diệm yêu cầu Sihanouk không được chứa chấp các thành phần chống lại chính quyền VNCH. Yêu cầu của ông Diệm được Mỹ ủng hộ.

Trong khi đó « đường biên giới hiện trạng » của Sihanouk nộp cho LHQ không hoàn toàn đúng với những tấm bản đồ do Sở Địa dư Đông dương của Pháp ấn hành (trước 1954). Trong đó một số đoạn có sửa chữa (gồm 9 điểm), dành khoảng 100km² về cho Cambodge. Ngoài ra, các đảo Thổ Chu, quần đảo Hải Tặc cũng thuộc về Cambodge.

Lập trường của Ngô Đình Diệm (và Mỹ) là phù hợp với tập quán quốc tế. Trong trường hợp này đường biên giới « uti possidetis » đã thay đổi cũng như phía Cambodge đã đồng lõa và dung chứa thành phần phiến loạn xâm nhập lãnh thổ và đe dọa lật đổ chính quyền.

VNCH (và Mỹ) không thỏa mãn Sihanouk, ông này quyết định ủng hộ VNDCCH và MTGPMN.

Ngày 31-5-1967 MTGPMN ra tuyên bố nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » của Sihanouk. Tiếp theo, ngày 8-61967, VNDCCH cũng ra tuyên bố ủng hộ và nhìn nhận đường biên giới này.

Vấn đề là cả hai bên đều không có bảo lưu về những thay đổi cố ý ở một số tấm bản đồ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông dương (SGI) cũng như số phận một số đảo trong vịnh Thái Lan.

Trên quan điểm công pháp quốc tế, các tuyên bố của VNDCCH và MTGPMN nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » của Cambodge đều không có giá trị ràng buộc.

Hiệp định Genève 1954 qui định « quốc gia VN độc lập, thống nhất ba miền và toàn vẹn lãnh thổ ». Điều này được khẳng định lại theo nội dung Hiệp định Paris 1972. Điều này có nghĩa là hai miền VNCH và VNDCCH (cũng như MTGPMN) chỉ là « một thành phần » của quốc gia VN.

Trong tập « Le Statut Juridique des Etats Divisés » (Tình trạng pháp lý của các quốc gia bị phân chia) của tác giả Gilbert Caty có đưa ra lý thuyết về « Etat Partiel – quốc gia chưa hoàn tất ». Tác giả đã xếp hai miền VN cũng như Đài Loan và Lục địa, hai miền Đại Hàn và hai miền nước Đức vào chung thể loại các « quốc gia bị phân chia ». Thuật từ « etat partiel - quốc gia chưa hoàn tất » ra đời. Theo đó « quốc gia chưa hoàn tất » không phải là « quốc gia » thực sự, đơn giản vì nó không có thẩm quyền trên dân chúng và thẩm quyền về lãnh thổ ở những vùng đất không (hay chưa) kiểm soát.

VNDCCH không có thẩm quyền để tuyên bố nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » do Sihanouk nộp ở LHQ vì nó không thuộc thẩm quyền của thực thể chính trị này. MTGPMN cũng vậy.

Đường biên giới mà Sihanouk yêu sách vừa không phù hợp với đường biên giới trên thực địa (do việc di dân, tị nạn do chiến tranh), vừa không đúng với đường biên giới thuộc địa (trở thành đường biên giới quốc tế do hiệu quả uti possidetis).

Sau cuộc chiến 10 năm, hòa bình thiết lập lại trên đất Kampuchia, cũng như VN đã thống nhất đất nước. Điều kiện đã hội đủ. Ngày 27-12-1985 hai bên VN-Kampuchia ký kết Hiệp ước « Hoạch định biên giới quốc gia ». Dầu vậy đến nay 30 năm sau, việc cắm mốc vẫn chưa hoàn tất. Nguyên nhân do đâu ?

Nguyên nhân là hai bên cùng nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng ».

Mới đây, ngày 6-7-2015, Thủ tướng Hun Sen của Kampuchia gởi thư yêu cầu LHQ cho tham khảo các tấm bản đồ do Sihanouk nộp năm 1964 để kiểm soát lại vị trí các cột mốc vừa được cắm. Theo Sam Rainsy thì VN đã lấn đất ở khu vực tỉnh Svay Rieng.

Vấn đề là hai bên, VN và Kampuchia, đã có quan niệm khác nhau về « đường biên giới hiện trạng ».

Phía VN, theo nội dung Hiệp định 1985, đường biên giới thể hiện trên bộ bản đồ SGI trước 1954, tỉ lệ 1/100.000 gồm 26 tấm. Điều đặc biệt là hai bên cùng nhìn nhận sử dụng 40 tấm bản đồ quân sự của Mỹ 1/50.000, đối chiếu từ bộ bản đồ SGI. Các bản đồ 1/50.000 của Mỹ sau đây thuộc biên giới thuộc tỉnh Svay Rieng, nơi luôn xảy ra tranh chấp từ hơn thế kỷ nay giữa VN và Kampuchia, dẫn lại dưới đây cho thấy tiêu biểu biên giới VN và Kampuchia theo hiệp định 1985, tái xác định theo hiệp định 2005. Ta thấy sự chính xác gần như 100% so sánh với bản đồ SGI.

duc_hue-6230-4-page1

vinh_thanh-6130-4-page1

svay_rieng-cambodia-50k-6131ii-1971-page1

an_thanh-6231-3-page1

moc_hoa-6130-1-page1

Nhưng phía Kampuchia, qua yêu cầu LHQ của Hun Sen, « đường biên giới hiện trạng » thể hiện trên bộ bản đồ SGI trước 1954 được Sihanouk nộp lưu chiểu tại LHQ.

Vấn đề là đồ tuyến biên giới ở một số tấm bản đồ này đã được Sihanouk sửa chữa, đem lại cho Kampuchia khoảng 100km² đất.

Vừa qua TS Trần Công Trục, trên báo chí có nói đến một số tấm bản đồ SGI nộp LHQ đã bị cạo sửa. Vấn đề là VNDCCH và MTGPMN đã nhìn nhận (năm 1967) đường biên giới (có sửa đổi) này của Sihanouk.

Nguyên nhân khiến Hun Sen yêu cầu LHQ dĩ nhiên đến từ phía ngoài, làm áp lực lên VN trong lúc Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ.

Nhưng các tấm bản đồ mà Sihanouk nộp LHQ không có giá trị pháp lý, một mặt vì hai bên VN và Kampuchia đã ký hiệp định (1985 và 2005) cùng nhìn nhận 26 tấm bản đồ SGI trước 1954 không sửa chữa, đối chiếu qua 40 tấm bản đồ 1/50.000 của quân sự Mỹ. Thứ hai, VNDCCH không có thẩm quyền để nhìn nhận đường biên giới này, như đã phân tích ở trên.

Yêu cầu của Hun Sen vì vậy không có ý nghĩa, ngoài việc gây trở ngại cho việc phân định biên giới đồng thời dấy lên lòng căm thù một cách phi lý từ hai dân tộc.


lundi 6 juillet 2015

Hy vọng gì ở chuyến viếng thăm Mỹ của ông Trọng ?


Chuyến đi thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng đã được lên lịch trình sau nhiều lần đình lại. Tin tức cho biết, chuyến đi sẽ bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc ngày 10 tháng 7. Ông Trọng sẽ được TT Obama tiếp đón tại Nhà Trắng ngày 7-7. Đây là lần đầu tiên, sau 20 năm bình thường hóa ngoại giao, một tổng bi thư đảng CSVN, trên danh nghĩa là người lãnh đạo tối cao, thăm viếng một nước cựu thù địch.

Lãnh đạo CSVN muốn gì trong chuyến đi này ? Người VN « bình thường » nghĩ gì, hy vọng gì về chuyến đi này ?

1/ Dĩ nhiên hy vọng của lãnh đạo CSVN là Mỹ nhìn nhận tính chính thống lãnh đạo của đảng CSVN.

Ta biết điều này qua nội dung bản trả lời phỏng vấn báo chí của Ông Trọng hôm đầu tháng 7. Ông Trọng cho biết ông đi Mỹ là để « thảo luận cởi mở và thẳng thắn những vấn đề còn khác biệt ». Mọi người có thể thấy một trong « những vấn đề còn khác biệt » kia (lời tiếp theo của ông Trọng) là : « tôn trọng chế độ chính trị lẫn nhau ».

Chế độ chính trị của VN là đảng cộng sản lãnh đạo. Tổng bí thư đảng nắm quyền lực tối cao.

VN và Mỹ chính thức thiết lập bang giao 11 tháng 7 năm 1995. Hành vi này mặc nhiên nhà nước Mỹ nhìn nhận sự hiện hữu của quốc gia Việt Nam có tư cách pháp nhân trước công pháp quốc tế. Mỹ nhìn nhận sự « toàn vẹn lãnh thổ » của VN, nhìn nhận tư cách « công dân mang quốc tịch VN » và nhìn nhận chính phủ VN, tức người đại diện quốc gia VN.

Các tuyên bố chung hai nước Việt-Mỹ gần đây thấy xuất hiện những giòng chữ : « hai bên tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp của mỗi nước ». Điều này đến từ tháng 9-1995, sau khi Mỹ tuyên bố tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) với ASEAN. Tinh thần của hiệp ước TAC là các nước tôn trọng chế độ chính trị của nhau, không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác. VN là một nước thuộc khối ASEAN, vì vậy Mỹ phải tôn trọng những điều trên.

Nhưng ý kiến « tôn trọng chế độ chính trị lẫn nhau » chưa chắc hàm ý nhìn nhận tính chính thống lãnh đạo của đảng CSVN.

Từ sau khi bang giao, đã ba lần tổng thống Mỹ tiếp đón đại diện chính phủ VN tại Nhà Trắng. Hai lần tiếp thủ tướng (Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng) và một lần tiếp chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chưa có tổng bí thư đảng nào được hân hạnh như vậy.

Vấn đề là nguyên tắc. Tổng bí thư là người đại diện cho một đảng chứ không đại diện cho quốc gia.

Vấn đề là Mỹ đã cam kết « tôn trọng luật pháp của nhau », mà hiến pháp VN nhìn nhận đảng CSVN nắm mọi quyền lực quốc gia, là lực lượng lãnh đạo xã hội.

Nghe báo chí nói rằng Obama sẽ tiếp đón ông Trọng tại Nhà Trắng. Vấn đề là « thể thức tiếp đón ra sao » ? Có lẽ đây là một nhượng bộ lớn lao của Obama đến từ những « áp lực chính trị » trong nước. Những chậm trễ trong chuyến đi của ông Trọng là đến từ việc hai bên chưa thống nhứt về thể thức tiếp đón.

TT Obama không thể tiếp đón ông Trọng như một « đại diện của quốc gia », ít nhứt vì những lý do sau đây :

Đảng CSVN không có tính chính thống.

Những người ủng hộ đảng CSVN cầm quyền thường biện luận rằng đảng CSVN đã « lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập ». Giả sử đó là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện. Thì những người cộng sản hôm nay cũng không thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo. Cá nhân những người cộng sản hôm nay không có công lao nào đóng góp cho công cuộc dành độc lập xảy ra từ nhiều thập kỷ trước. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Trong đảng hiện nay không có ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự « chính danh ».

Tính chính thống không có « kế thừa ». Việc kế thừa chỉ hiện hữu dưới chế độ « quân chủ » lạc hậu.

Tính chính thống cũng không đến từ « chuyên chính vô sản ».

Đảng cộng sản nào cũng cho rằng họ có tính « chính thống » để lãnh đạo đất nước, vì họ đại diện cho số đông (nhân dân vô sản) trong xã hội.

Đảng CSVN hiện nay không còn đại diện cho quyền lợi của « số đông », tức giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động nghèo… trong xã hội. Trên thực tế, đảng CSVN là đại diện cho tầng lớp tư bản hoang dã, tầng lớp đầu cơ trục lợi cũng như tầng lớp tư bản nước ngoài… Những ngày gần đây lãnh đạo CSVN van nài Mỹ nhìn nhận VN là nước « kinh tế thị trường ». Tức là chính họ đã phủ nhận tính chính thống lịch sử của những người cộng sản.

Quyền lực của đảng CSVN không hề do nhân dân trao phó qua một cuộc bầu cử. 

Đảng CSVN, mặc dầu được hiến pháp chỉ định là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nhưng đảng này không hề chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều quan trọng hơn cả, bản báo cáo về nhân quyền vừa được công bố, VN được xếp vào hạng những nước nhân quyền bị đàn áp tồi tệ nhứt.

Nhà nước Mỹ có thể máy móc tôn trọng « pháp luật » VN, như cam kết trong Hiệp ước TAC và những Tuyên bố chung với VN, đến mức tôn trọng một đảng đứng trên mọi qui định của pháp luật ?

Có thể tổng thống Obama, do áp lực của các « lobby » kinh tài, sẽ nhượng bộ và tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng như là người chính đáng lãnh đạo quốc gia Việt Nam. Có thể ông Trọng đạt được nguyện vọng : Mỹ nhìn nhận tính chính thống lãnh đạo của đảng CSVN. Nhưng việc này thực hiện thì các giá trị nền tảng của chế độ Mỹ sẽ sụp đổ.

2/ Người dân "bình thường" nghĩ gì về chuyến viếng thăm Mỹ của ông Trọng ?

Lịch sử VN cho thấy, không có ngoại lệ, vận mệnh VN luôn gắn liền « chính trị, văn hóa, ý thức hệ » với một « nước lớn ».

Trong một thời gian rất dài (như lịch sử), VN lệ thuộc vào TQ. Về mô thức tổ chức hành chánh và quân quyền, Việt Nam là một « đế quốc Trung Hoa » thu nhỏ lại. Về văn minh, VN cũng là một bản sao (không trọn vẹn) của nền văn minh TQ. Chỉ đến khi Pháp vào VN, văn hóa Trung Hoa mới mờ nhạt đi và dân VN tiếp nhận một nền văn minh mới của Tây phương. Tiếp theo, giai đoạn thuộc Nhật quá ngắn ngũi để nền văn hóa này lưu lại dấu ấn. Từ năm 1954 miền Bắc lệ thuộc ý thức hệ chính trị vào khối XHCN gồm TQ và LX ; miền Nam dựa vào Mỹ. Sau 1975 VN hoàn toàn ngả về LX. Đến thập niên 90 lại ngả về TQ.

Chế độ chính trị VN hôm nay cũng là một bản sao chế độ chính trị của TQ. Ngày trước triều đình, cung điện Bắc Kinh ra sao thì triều đình Huế (hay Hà Nội trước đó) cũng y như vậy, nhưng với một mức độ khiêm tốn hơn. Bây giờ không khác, người ta không tìm ra sự khác biệt về mô hình chính trị và mô thức phát triển giữa hai nước VN và TQ hiện nay.

Nếu nhìn lại chiều dài lịch sử « bản sao chính trị và văn hóa » kia, giai đoạn nào đã đem lại « ấm no và hạnh phúc » thực sự đến cho người dân VN ?

Người Nhật sau khi « thoát Trung » thì nhanh chóng trở thành cường quốc. Đại Hàn cũng vậy. Thậm chí các nước như Đài Loan, Singapour… mặc dầu dân chúng là người gốc Hoa, nhưng bản chất của họ là « thoát Trung », vì vậy cũng trở thành những quốc gia cường thịnh.

"Thoát Trung" là yếu tố phát triển. Người dân có thể hy vọng chuyến đi của ông Trọng là một dấu hiệu « thoát Trung » ?

Còn quá sớm để nói. Bởi vì, hai đảng cộng sản VN và TQ là hai đảng « anh em ». Nhân sự đảng CSVN có mối quan hệ « hữu cơ » với TQ. Thoát ra không dễ.

3/ Tương lai Việt Nam.

TQ và Mỹ, cả hai đều là « cựu thù » của VN. Vấn đề là VN đã lựa chọn TQ.

Nếu so sánh, với Trung Quốc, hai bên đối đầu trong cuộc « chiến tranh biên giới » và « cuộc chiến Kampuchia », từ năm 1979 cho đến đầu thập niên 90, thì vết thuơng chiến tranh giữa VN và TQ lại sớm lành da hơn là đối với Mỹ.

Chiến tranh Việt-Mỹ đã chấm dứt từ 40 năm, đến nay vẫn chưa có TBT đảng CSVN nào thăm Mỹ. Trong khi đối với TQ, chỉ cần 10 năm hai bên đã khép lại hận thù. Hội nghị Thành Đô tháng 9 năm 1990, toàn thể lãnh đạo tối cao VN, từ Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đổ Mười cho đến cố vấn Phạm Văn Đồng… tất cả đều có mặt. 

Quan hệ ngoại giao với TQ được thiết lập một cách nhanh chóng và tình hữu nghị hai bên được kết nối trên phương châm « 4 tốt và 16 chữ vàng » : « bạn bè tốt, láng giềng tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt » và « láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai », theo như tinh thần của hội nghị Thành Đô năm 1990.

Quan hệ hai bên Việt-Trung, từ năm 2008, là « quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện ». Hệ thống chính trị, chế độ, cách tổ chức quốc gia, kinh tế… VN rập khuôn TQ.

Đối với Mỹ, cuộc chiến kết thúc năm 1975 nhưng đến năm 1995 hai bên mới thiết lập bang giao. Tổng thống Bill Clinton là người quyết định bãi bỏ cấm vận thuơng mại và thiết lập bang giao với VN ngày  11 tháng 7 năm 1995. Hai bên cũng ký hiệp định thuơng mại song phương vào tháng 7 năm 2000.

Nhưng sau 40 năm VN vẫn không quên thù cũ. Ngày 30-4 vừa qua, TT Nguyễn Tấn Dũng qua bài diễn văn đã lên án tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân và đất nước.

Những tấm bia « thù hận » ghi « tội ác » của Mỹ còn rải rác trên bốn miền đất nước. Chúng vẫn được bảo trì cẩn thận. Trong khi đối với TQ, cuộc chiến biên giới khốc liệt, TQ đã tàn phá thành bình địa tất cả các tỉnh dọc theo biên giới, gây ra biết bao tội ác chiến tranh và tội ác diệt chủng. Hiến pháp VN 1980 ghi nhận TQ là « bọn bá quyền xâm lược ». Dầu vậy, những nghĩa trang liệt sĩ của quân đội VN trên vùng biên giới bị bỏ hoang phế. Những tấm bia chiến tích, hay những tấm bia ghi tội ác của quân TQ… thì đã bị dẹp bỏ từ lâu. Ngay cả trong sử sách, nếu không có sử « ngoài luồng », thì sinh viên, học sinh VN sẽ không biết đã có cuộc chiến khốc liệt với TQ đầu năm 1979.

VN đã trở thành một thuộc địa kiểu mới của TQ. Bình tâm nhìn lại quá trình bang giao VN và TQ từ 1990 đến nay, đúng  như lời ông Nguyễn Cơ Thạch đã nói : VN đã sa vào vòng bắc thuộc mới. Lãnh đạo ở Ba Đình hiện nay đều là những tiết độ sứ, an nam quốc vương… những thứ mà thiên triều sắc phong để cai trị dân VN.

Nhưng vấn đề Biển Đông đã làm bộ máy đang chạy trơn tru của Bắc Kinh đặt tại Ba Đình bỗng nhiên chựng lại. Dân VN không quá mù quáng để không nhìn thấy những hành vi bành trướng của TQ.

Trước sự phản đối của dân chúng (và một thành phần không nhỏ trong đảng), lãnh đạo VN bắt buộc phải xét lại quan hệ với TQ. 

Đây là đốm hy vọng nhỏ nhoi để VN có thể « thoát Trung ».

VN không thể rập khuôn Bắc Kinh (từ mô hình phát triển kinh tế cho đến mô thức chính trị), mà có thể dựa vào Mỹ để chống lại TQ, bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi của mình ở Biển Đông.

VN và Mỹ phải có những điểm chung, như chia sẻ những giá trị nền tảng về nhân quyền, để có thể xây dựng « niềm tin chiến lược » trong tương lai. Đến nay, Mỹ vẫn xếp VN vào đối tác « có thể tin cậy », chứ chưa hề « tin cậy » về chiến lược.



Như vậy quyết định có « thoát » để tiến bộ hay không là ở VN chứ không phải do Mỹ.

samedi 4 juillet 2015

Về ý kiến của ông Vương Nghị trước báo chí ngày 27-6-2015

Nhân trả lời báo chí 27-6-2015 về vấn đề chủ quyền của TQ tại Trường Sa, Bộ trưởng bộ Ngoại giao TQ, Ông Vương Nghị vừa phóng đại, vừa nhập nhằng một số điều, khiến trắng đổi thành đen, không biến thành ra có. Ông cho rằng rằng 1.000 năm trước TQ là một « quốc gia đi biển lớn », do đó TQ là nước đầu tiên phát hiện, khai thác và quản lý quần đảo Trường Sa. Ông cũng nhấn mạnh rằng nếu thay đổi lập trường ở Biển Đông là TQ có lỗi với tổ tiên (sic !)

Vấn đề thực ra không phải vậy !

Một ngàn năm trước TQ không hề là một « quốc gia đi biển lớn ». Lịch sử thế giới chưa từng ghi nhận bất kỳ một « khám phá » của TQ liên quan đến biển như những nhà hải hành Tây phương Christophe Colomb, Magellan, Jacques Cartier, Amerigo Vespucci... Những công trình lớn của TQ đều hướng về lục địa, như Vạn lý Trường thành. Mục đích của công trình này để chống lại kẻ thù đến từ phương bắc. Tất cả những kẻ thù của người Hán đều đến từ lục địa. Cho đến thế kỷ 19, lúc TQ bị đe dọa phân liệt trước các đại cường Tây phương, những kẻ thù đến từ phía biển, thì quân đội TQ cũng vẫn tập trung lực lượng để bảo vệ miền Tây (Tân Cương). Ngân sách dành cho các công cuộc « Dương vụ vận động » nhằm phát triển hải quân chỉ chiếm một phần rất nhỏ trước ngân sách của đạo quân chinh tây. Những điều này khiến ta khẳng định rằng TQ không có văn hóa biển. Trong lịch sử TQ 5.000 năm, chưa hề thấy ghi lại một trận hải chiến nào. Các tập « binh thư » của các chiến lược gia TQ (như Tôn Tử) không hề nói đến một trận hải chiến. Họ có nói vài trận về « thủy chiến », nhưng ở đây là trên sông. Từ sông ra đến biển là bề dài hàng trăm năm phát triển. Tài liệu Tây phương về TQ đều ghi nhận một điều : TQ là một đế quốc hướng về lục địa. Chỉ đến cuối thế kỷ 19, trước sự phát triển thần kỳ của Nhật, thì TQ mới bắt đầu để ý đến việc chỉnh đốn hải quân. Nhưng việc này đã quá trễ. TQ đã thua Nhật trong trận hải chiến Áp lục phải kỳ hiệp ước Simonoseki 1895 bồi thường cho Nhật một cách nhục nhã.

Trong khi một ngàn năm trước, các nước chung quanh, họ đã là những giống dân đi biển, sống bằng nghề biển. Có thể họ là những quốc gia nhỏ hơn, nhưng chắc chắn người dân này đi biển thành thạo hơn dân TQ. Trường hợp VN, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hàng năm quân đội các bên đã có những cuộc tuần du trên biển nhằm chinh phạt địch thủ của mình. Họ thuộc địa hình Biển Đông như lòng bàn tay. Bởi vì những người dân ở đây sống gần biển, họ lặn ngụp bắt cá, bắt ốc, bắt rùa… ở các bãi đá ở Trường Sa. Họ không hề lớn tiếng tuyên bố « khám phá » Trường Sa (như ông Vương Nghị). Đơn giản vì họ sinh sống ở đó. Vùng biển có các bãi đá đó là không gian sinh tồn của họ.

Cũng không có sách vở nào ghi lại rằng TQ là nước « phát hiện » Trường Sa.

Tất cả tài liệu của TQ đã công bố đều chỉ nói một cách sơ lược về một số chuyến du hành trên Biển Đông. Nếu những chuyến đi thế này là « phát hiện » thì đương nhiên TQ là kẻ đi sau. Dân các nước chung quanh họ sống chung quanh đó, không phải họ là người đầu tiên phát hiện thì ai vào đây ?

Không hề có bản đồ hải hành nào của người Châu Âu ghi nhận TS là của TQ. Trước đây khoảng một thế kỷ, các nhà hải hành thế giới không phân biệt Hoàng Sa và Trường Sa (Paracel và Spratleys). Hầu hết các bản đồ của các thế kỷ 16, 17, 18… đều gom hai quần đảo này vào làm một (dưới cái tên là Parcel). Một số bản đồ thì ghi "Paracal-Annam", tức Paracel thuộc Việt Nam. Cái tên Spratleys cũng chỉ mới có đây thôi.

Năm 1909 nhà nước TQ khẳng định (với dư luận quốc tế) rằng lãnh thổ cực nam của TQ là đảo Hải Nam. Đến năm 1932 thì nhà nước này tuyên bố lãnh thổ cực nam của họ là Hoàng Sa. Đến năm 1935, trên các bản đồ của TQ còn ghi bãi Scarborough là Nam Sa. Tức cái tên mà họ ngày nay gán cho Trường Sa của VN. Đến năm 1947 thì họ mới đẻ ra cái tên Trung Sa quần đảo, gộp Scarborough và bãi ngầm Macclesfeild vào trong đó. Scarborough đặt tên là Hoàng Nham và Nam Sa đặt cho Trường Sa của VN.

Ngay cả cái tên mà họ còn lúng túng, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia thì « phát hiện » và « khai thác » cái gì ?. 

TQ cũng chưa từng « quản lý » Trường Sa. Việc Đài Loan chiếm đảo Ba Bình năm 1956 là chiếm một lãnh thổ đã có chủ.

Bởi vì, sau Thế chiến II, Nhật thua trận phải từ bỏ tất cả các lãnh thổ mà họ chiếm hữu trước kia (trong đó có VN cũng như hai quần đảo HS và TS). Vấn đề là các lãnh thổ này trả lại cho ai ?

Nước Anh lãnh nhiệm vụ giải giới quân Nhật ở VN phía nam vĩ tuyến 16, Trung Hoa Dân quốc (của Tưởng Giới Thạch) giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16.

Vấn đề là, Anh nhượng quyền lại cho Pháp, vì họ xem Đông Dương thuộc Pháp. Song song đó Pháp ký các thỏa ước Trùng Khánh với Tưởng vào tháng 2 năm 1946, theo đó Pháp nhượng lại cho TQ đất đai và một số đặc quyền về kinh tế (như đường xe lửa Vân Nam). Đổi lại Pháp vào thế chân TQ.

Tại các đảo HS quân đội Pháp Việt có mặt vào tháng 4 năm 1946 để dựng lại mốc chủ quyền. Quân đội Pháp Việt làm tương tự vào tháng 10 năm 1946.

Tại Hội nghị San Francisco 1951, thủ tướng QGVN là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố thâu hồi hai quần đảo HS và TS về cho VN.

Chủ quyền của VN tại HS và TS đã tái khẳng định, bằng các thủ tục theo đúng thông lệ quốc tế, ở các năm 1946 và 1951.

Vậy TQ quản lý bằng hình thức nào quần đảo TS ?

Ông Vương Nghị còn nói : thay đổi lập trường ở Biển Đông là TQ có lỗi với tổ tiên (sic !)

Nhân ông Vương Nghị nói về tổ tiên TQ. Một câu hỏi là : tổ tiên của TQ là tổ tiên nào ?

Lịch sử dân tộc Hán là lịch sử của sự bành trướng thường trực. Ngay ở lá cờ của TQ hiện nay, năm ngôi sao biểu tượng cho 5 dân tộc Hán, Mông, Mãn, Tạng, Hồi.

Nếu là ông tổ Mãn Châu thì ông này đang đấm ngực kêu trời vì bầy con cháu đã quên mất cội nguồn. Dòng tộc dũng mãnh đã chiến thắng quân Hán và thiết lập nên triều Mãn Thanh sáng chói trong lịch sử nay đã xóa mờ trong ký ức người dân Mãn. Mà thời gian đâu có bao lâu ?

Nếu là ông tổ người Mông Cổ thì ông này cũng đang đấm ngực kêu trời, thuơng tiếc đế quốc Nguyên do Thành Cát Tư Hãn lập nên, mà lũ cháu con vô dụng đã làm mất một nửa bờ cõi là vùng Nội Mông cho dân Hán.

Nếu ông tổ là dân Tây Tạng thì ông này đang… lưu vong với đức Đại Lai Lạt Ma. Dân tộc này đang nguyền rủa dân Hán, thứ nhứt vì dã tâm xóa bỏ nền văn hóa Tây Tạng, thứ hai đã cướp đất và đồng hóa người dân của họ.

Hay ông tổ là Mao Trạch Đông với núi xương chồng chất của gần 100 triệu người dân chết vì đói, vì hiệu quả của cách mạng văn hóa ?

Hay ông tổ là Tưởng Giới Thạch, một tay quân phiệt tham nhũng tới xương, đến đỗi người Mỹ phải chấp nhận bỏ lục địa cho cộng sản vì không thể giúp cho cái túi tham không đáy… ?

Tổ tiên của ông Vương Nghị, là người Hán, thì lãnh địa của ông tổ này không ra khỏi lưu vực sông Hoàng Hà.

Theo tôi, lời nói của ông Vương Nghị đã làm cho tổ tiên của ông hổ thẹn. Những vị tổ này không ngờ cháu con mình có thể ăn nói ngược ngạo như vậy.


Nhưng chủ nghĩa bành trướng của dân tộc Hán vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ. Họ bắt đầu xoay mặt ra biển. Năm 1974 TQ đã chiếm HS của VN bằng vũ lực. Năm 1988 TQ đã chiếm một số bãi đá của VN thuộc quần đảo Trường Sa bằng vũ lực.  Bây giờ họ gấp rút xây dựng và mở rộng các bãi đá chiếm được của VN năm 1988 để mưu đồ chiếm lĩnh Biển Đông.  

mercredi 1 juillet 2015

Đâu là những toan tính của TQ trong những ngày sắp tới ?

Giàn khoan 981 của TQ lần nữa lại đưa vào khai thác ở một khu vực biển ngoài cửa vịnh Bắc Việt trong lúc Tòa Trọng tài Quốc tế vào tháng 7 sắp tới sẽ nhóm phiên họp đầu tiên về vụ Philippines kiện TQ.

Hồi tháng 5-2015 giàn khoan này được đưa đến một vùng mà TQ đặt tên là mỏ Lăng thủy. Đến ngày 26 tháng 6 vừa qua thì nó lại chuyển dịch chút ít. Vị trí giàn khoan hiện nay, theo báo chí đăng tải thì cách bờ biển Hải Nam 68 hải lý và cách bờ biển VN 104 hải lý. Khu vực biển này nếu so với khoản cách hai bờ biển của hai nước thì không thuộc vùng tranh chấp. Nhưng nếu ta tính đến yếu tố quần đảo Hoàng Sa thì giàn khoan nằm trong vùng biển có tranh chấp.

Có lẽ đây không phải là một vấn đề đơn thuần về kinh tế (khai thác dầu khí) mà là một hành động chính trị có tính toán của TQ.

Những tính toán này, thứ nhứt là làm áp lực với ông Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến viếng thăm nước Mỹ, theo lịch trình thì sẽ bắt đầu vào tuần lễ thứ hai của tháng 7. Rất có thể trong vài ngày tới giàn khoan này sẽ di dịch về phía bờ biển VN, ở một vị trí gây tranh cãi tương tự như hồi năm ngoái, để làm áp lực với ông Trọng, nếu ông này biểu lộ những ý tưởng thân Mỹ. Điều này thì nhiều người đã nói lên trên báo chí trong những ngày qua.

Mặt khác giàn khoan cũng có thể được TQ sử dụng nhằm đánh lạc hướng dư luận để rảnh tay củng cố hạ tầng cơ sở ở các đảo.

Nhớ lại tháng 5 năm ngoái khi giàn khoan 981 đặt trên thềm lục địa của VN, mọi người chú tâm vào đó. Đến khi giàn khoan rút đi thì mọi người mới biết là việc xây dựng mở rộng các bãi đá (mà TQ chiếm được của VN năm 1988) đã thực hiện gần xong. Bây giờ cũng vậy. Ta cũng biết là các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng xong, vấn đề là TQ sẽ đưa ra đây những thứ gì ? Điều lo ngại là lúc mọi người chăm chú vào giàn khoan 981 thì TQ sẽ lợi dụng đưa các giàn ra đa, hệ thống phòng không, các khẩu pháo... ra các đảo. Đến lúc mọi người quay lại thì các đảo này đã trở thành những căn cứ không quân, hải quân, hay những pháo đài trên biển.

Về vấn đề  Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye sẽ mở phiên họp đầu tiên vào tháng 7 về vụ Phi kiện TQ. Theo lịch trình, ở phiên họp đầu tiên này, Tòa sẽ làm hai việc: thứ nhứt là tuyên bố về thẩm quyền của Tòa đối với vụ kiện. Thứ hai là về sự hợp lệ của hồ sơ Phi. Dĩ nhiên là vụ kiện này có quan hệ mật thiết đối với với VN. 

TQ đã tuyên bố không tham gia vụ kiện. Lập luận đáng ghi nhận của TQ qua bản tuyên bố nhằm trả lời vụ kiện là : 1/ Tòa không có thẩm quyền vì cốt lõi của vụ kiện liên quan đến “chủ quyền lãnh thổ” mà điều này không thuộc phạm trù của Công ước Quốc tế về Biển 1982. 2/ Vụ kiện liên quan đến vấn đề “phân chia ranh giới biển” mà điều này TQ đã bảo lưu năm 2006 (loại trừ mọi biện pháp trọng tài có mục đích phân chia ranh giới biển).

Rất có thể Tòa sẽ không có thẩm quyền để phân xử ở một số điều trong hồ sơ của Phi vì các điều này liên quan đến chủ quyền cũng như việc phân định biển mà TQ đã bảo lưu. Nhưng ở các điều như về hiệu lực pháp lý của đường chữ U, hay một số điều liên quan các bãi đá chìm, nổi mà TQ đã chiếm và xây dựng, thì tuyên bố của Tòa có liên quan đến VN.

Đường chữ U chín đoạn, cũng như hành vi của TQ ở các đảo TS, là những quan ngại hàng đầu của VN hiện nay.

Các việc: 1/ đưa giàn khoan 981 tháng 5 vừa rồi vào vùng cửa vịnh Bắc Việt, 2/ việc xây dựng một cách gấp rút các bãi đá và 3/ vụ kiện của Phi đều có quan hệ với nhau.

Hành vi xây dựng và mở rộng các bãi đá (một cách gấp rút) của TQ nhằm mục đích đặt Tòa vào việc đã rồi. Việc xây dựng của TQ có một không hai trong lịch sử thế giới. Nếu so sánh, các đảo nhân tạo của vương quốc Ả Rập ở bờ biển Dubai phải mất hơn 10 năm mới thành hình. Trong khi TQ chỉ mất một năm để hoàn tất về cơ bản 7 đảo nhân tạo, mà đảo nào cũng có diện tích lớn hơn nhiều lần. Đảo nhân tạo ở Dubai thì cận bờ, còn các đảo TS cách TQ cả ngàn cây số.

Bây giờ Tòa không thể phân biệt được các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng, trước đó là gì ? Là bãi chìm, lúc chìm lúc nổi, hay là bãi cạn ? Tình trạng pháp lý của các cấu trúc địa lý này, theo Luật quốc tế về Biển 1982, thì khác xa với nhau. Một bãi chìm thường trực dưới mặt nước (như các bãi Vành Khăn, Xu bi, Gaven...) thì không phải là lãnh thổ để một quốc gia có thể chiếm hữu. Vấn đề là TQ đã chiếm hữu và xây dựng thành đảo nhân tạo.

Hành vi xây dựng đảo của TQ đã xóa hết những vềt tích, những bằng chứng, chắc chắn sẽ đưa Tòa vào thế khó xử. Chắc chắn đây là hành vi có tính toán của TQ. Họ muốn đặt quốc tế vào việc đã rồi. Trước tòa, những bằng chứng đã bị xóa bỏ, chúng ta khó mà biết Tòa sẽ nhận thức ra sao trước các đảo nhân tạo của TQ. Dầu thế nào thì mọi sự mập mờ về pháp lý đều có lợi cho TQ.


Áp lực của TQ đè nặng lên Việt Nam...

Việc xây dựng các bãi đá của TQ đe dọa an ninh quốc phòng cũng như chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VN. Tin tức cũng cho biết TQ kéo pháo đặt trên đảo Gạc Ma. Vấn đề là chúng ta không thấy VN có một phản ứng nào cho thích hợp.

Nhắc lại cuộc khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Liên xô năm 1962, khi Cuba cho phép Liên Xô đặt hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ này. Khoảng cách giữa Cuba và Hoa Kỳ (Florida) chỉ có 200 cây số. Nếu Nga thành công đặt các giàn hỏa tiễn thì Mỹ sẽ bị Nga đe dọa trực tiếp. Mỹ có thể bị Nga đánh phủ đầu bằng vũ khí nguyên tử mà không có thời gian đánh trả lại.

Thái độ của Mỹ lúc dó rất cương quyết. Bộ quốc phòng Mỹ ra lệnh « cấm vận » Cuba trong khi Kennedy đe dọa chiến tranh nếu LX không rút hỏa tiễn về. Cuối cùng LX nhượng bộ phải rút toàn bộ các giàn hỏa tiễn trở về.

Nhắc lại điều này cho thấy là việc TQ cho đặt đại pháo tại đảo Gạc Ma (và có thể ở các đảo khác), đưa các đảo của VN nằm trong tầm đạn. Căn cứ của TQ ở đảo Chữ Thập, với vị trí thuận lợi có thể cản trở mọi can thiệp của hải quân VN tiếp cận các đảo thuộc Trường Sa. Dĩ nhiên việc so sánh nào cũng khập khễnh, nhưng việc kéo pháo này đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ VN.

Trường hợp Phi, nước có cùng hoàn cảnh bị TQ bắt nạt như VN, họ đã có những thái độ và cách ứng xử xứng đáng là một nước độc lập có chủ quyền. Phi đã đưa TQ ra  Tòa quốc tế. Phi cũng thắt chặt quan hệ với Mỹ để làm thế đối trọng, không để TQ uy hiếp thái quá. Và cũng chính Phi Luật Tân cũng đã công bố các hình ảnh vệ tinh trước dư luận thế giới để tố cáo hành vi của TQ.

Nhà nước Phi đã làm những điều cần thiết có thể làm được nhằm bảo vệ chủ quyền cũng như quyền lợi của họ ở Biển Đông.

Nhìn lại thì thấy thái độ của lãnh đạo VN một người dễ tính cũng khó có thể chấp nhận được. Nhiệm vụ hàng đầu của lãnh đạo là bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong chừng mực, đảng CSVN đã đào nhiệm, họ đã chạy trốn trách nhiệm lãnh đạo đất nước của mình.

Trong khi đó quốc hội đã cho biết là không cần thiết để ra nghị quyết về Biển Đông.

Chương năm bản Hiến pháp nói về vai trò Quốc hội. Điều 13 nói về thẩm quyền của quốc hội, nguyên văn như sau :

Quốc hội có quyền: “Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;”

Như trên đã có nói qua, sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của VN bị đe dọa. Những công trình mà TQ vừa xây xong, trong những ngày tới sẽ trở thành những căn cứ quân sự, không quân và hải quân, một số có thể trở thành những pháo đài trên biển. Tất cả các đảo hiện do VN kiểm soát đều bị các căn cứ này đe dọa. Trong khi tham vọng của TQ, họ không dấu diếm, là làm chủ 90% Biển Đông. Thời gian tới họ sẽ ra tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Vùng biển của VN cũng bị đe dọa sẽ mất cho TQ.

Trước một tình huống như vậy, nếu ta so sánh với Phi, thì ta thấy thái độ của đại biểu VN khi cho rằng chưa cần thiết để ra một nghị quyết về Biển Đông là vô trách nhiệm.

Hợp lý thì quốc hội phải cấp thời ra nghị quyết về Biển Đông, ban bố tình trạng khẩn cấp ở Biển Đông, hoặc tuyên bố một biện pháp đặc biệt nào đó. Thí dụ kiện TQ ra Tòa. Quốc hội cũng có thể ra văn bản chính thức yêu cầu LHQ lên tiếng, yêu cầu TQ “tôn trọng luật quốc tế”. Điều này dễ dàng thực hiện vì thời gian qua các viên chức Mỹ đã nhiều lần nói lên việc này.

Sự im lặng của nhà nước CSVN trước những hành vi, những toan tính, những nước cờ (có thể thấy trước đường đi nước bước) của TQ cho phép người ta đặt ra một nghi vấn. Phải chăng đã có sự dàn xếp nào đó, giữa hai đảng cộng sản VN và TQ, về chủ quyền quần đảo TS ?


Đảng CSVN không có một thẩm quyền nào để thỏa hiệp, nhượng lãnh thổ, hay bất kỳ quyền lợi quốc gia cho ngoại bang. Người dân mới là người chủ thật sự lãnh thổ, biên cương của mình.