samedi 29 mars 2014

Góp ý cùng TS Trần Công Trục : Có thể gọi Biển Đông là « Mer de l’Est – East Sea » ?

Biển Đông, tên gọi theo người Việt, cũng là Biển Hoa Nam (Mer de Chine Méridional – South China Sea) theo tên gọi của quốc tế, hay Biển Tây Phi theo tên gọi của người Phi. Biển Đông thực ra đã từ có tên khác từ lâu đời, do người Hoa đặt, đó là Giao Chỉ Dương. Trong các bản đồ cổ của các nhà hải hành Châu Âu, khoảng thế kỷ XVII, XVIII… Biển Đông có lúc ghi là Biển Giao Chỉ, lúc thì ghi là Biển Chàm. Trường hợp nào thì cũng có ý nghĩa là Biển Việt Nam. Trong khi tên « Biển Hoa Nam - Mer de Chine Méridional » do người Châu Âu đặt, chỉ hiện hữu vài chục năm trở lại đây mà thôi.

Khoảng thập niên 90, do việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở khu vực có nguy cơ bùng nổ vì sự việc gây hấn của TQ, học giả Yves Lacoste đề nghị trước các học giả quốc tế việc thay tên biển Hoa Nam thành tên Địa trung hải Châu Á (Méditerranée asiatique). Mục đích của học giả Yves Lacoste nhằm vào việc phản biện lại lý lẽ của các học giả TQ, khi những người này cho rằng đường 9 đoạn chữ U là do quốc tế nhìn nhận (biển Hoa Nam, tức là biển của Trung Hoa ở phía nam). Đề nghị này khá phù hợp, vì hình thái địa lý và nhân văn của biển này không khác biển Địa trung hải. Tuy nhiên, đề nghị này không được các cơ quan quốc tế liên hệ chấp nhận vì bị phía TQ chống đối.

Những năm sau này, học giả Phạm Cao Dương có đề nghị đặt tên Biển Đông thành Biển Đông Nam Á. Đề nghị này cũng hợp lý không kém. Nó được nhiều người VN ủng hộ, cũng như hầu hết các nước liên quan (ngoài TQ). Điều tiếc là nhà nước VN không tiếp nhận đề nghị này.

Sự việc « tên Biển Đông » trở nên thời sự, nếu ta đọc bài bài phỏng vấn của TS Trần Công Trục trên Infonet (và một số báo khác). Theo đó nhà nước CHXHCNVN đã đăng ký tên chính thức Biển Đông trước « Tổ chức Khí tượng Thế giới » là « Biển Đông Sea ». Biển Đông như thế là một « danh từ riêng », như Hà Nội, Sài Gòn…. Hanoi City, Saigon City…

Dựa vào lý lẽ này, TS Trần Công Trục cho rằng « Biển Đông » không thể dịch sang tiếng Anh (hay Pháp) theo lối « word by word - mot à mot » được. Tức là Biển Đông không thể dịch thành « Mer de l’Est – East Sea » được. TS Trục nhân dịp cũng mĩa mai rằng dịch kiểu như thế, thủ đô Hà Nội sẽ thành « Internal River Capital » hay sao ?

Theo tôi thì vấn đề này có vài điều cần cân nhắc lại. Thử xét hai trường hợp :

1/ Trường hợp Biển Đen (Mer Noire – Black Sea).

Biển Đen (tình cờ) trở thành vấn đề thời sự do biến cố Crimea.

Tên Biển Đen vốn có nguồn gốc từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ :  Karadeniz, có nghĩa là Biển Đen. Nguyên nhân không phải nước biển này màu đen, mà vì dân Thổ vốn có thói quen gọi bốn hướng bằng bốn màu khác nhau. Phía bắc tương ứng với màu đen, phía nam với màu trắng. Biển Đen được đặt để gọi biển ở về phía bắc của nước Thổ. Trong khi đó biển Địa Trung Hải, dân Thổ gọi là Akdeniz, có nghĩa là Biển Trắng, tức là biển ở phía nam nước Thổ.

Dĩ nhiên quốc tế người ta không gọi theo tiếng Thổ Karadeniz (Biển Đen) mà dịch nghĩa ra để thành « Mer Noire » hay « Black Sea ».  

2/ Trường hợp tranh chấp giữa Triều Tiên và Nhật : Biển Đông (East Sea – Mer de l’Est)  và Biển Nhật Bản.

Tranh chấp này bắt đầu từ năm 1992, nhân có Hội nghị của LHQ về việc tiêu chuẩn hóa tên các địa danh trên thế giới. Phía Bắc Hàn lần đầu tiên đề nghị tên « Biển Đông » để thay thể tên « Biển Nhật Bản ».

Vấn đề chỉ được đặt lại vào năm 2002, khi 72 thành viên của Tổ chức Thủy văn Quốc tế (Organisation hydrographique Internationale - OHI) nhận một văn bản của Tổ chức hỏi ý kiến về yêu sách của Bắc Hàn.

Phía Nam Hàn, có cùng ý kiến với Bắc Hàn, giải thích rằng tên « Biển Triều Tiên » hay « Biển Đông » đã hiện hữu từ rất lâu. Người ta gặp các tên này trong những bản đồ, do các nhà hải hành Châu Âu thiết lập, từ thế kỷ thứ 18. Trong khi cái tên « Biển Nhật Bản » chỉ mới đặt năm 1929, trong thời kỳ Triều Tiên bị Nhật đô hộ.

Phía Nhật phản biện rằng, cái tên « Biển Nhật Bản » cũng đã hiện hữu từ lâu đời, trên những tấm bản đồ do người Châu Âu thiết lập, vào thế kỷ thứ XVIII.

Cho đến nay việc tranh cãi vẫn chưa chấm dứt và tổ chức OHI vẫn chưa có kết luận phải lấy tên nào ?

Ta có thể đưa ra nhiều thí dụ khác, tranh chấp giữa các nước về cái tên biển (sông, núi v.v…) như tranh chấp giữa Ba Tư (Iran) và các nước Ả Rập về tên Vịnh Ba Tư (Golf Persique – Persian Gulf). Như trường hợp biển cách giữa hai nước Anh và Pháp, Anh thì gọi là « English Channel » trong khi Pháp gọi là biển « Manche ». Ta có thể đưa ra hàng trăm thí dụ như vậy.

Việc này cho thấy mỗi nước có thể đặt tên biển (hay địa danh nào đó) theo ý nghĩa văn hóa và lịch sử của đất nước, dân tộc mình. Quan trọng là dân tộc nào cũng muốn các tổ chức quốc tế (như Tổ chức Thủy văn Quốc tế) sử dụng tên của mình đã đặt.

Trường hợp Triều Tiên, lý lẽ họ đưa ra rất vững chắc, có thể nay mai Biển Nhật Bản sẽ đổi tên, nếu không, sẽ ghi hai tên (Biển Đông và Biển Nhật Bản). Cũng như trường hợp tranh chấp Iran và các nước Ả Rập về tên Vịnh Ba tư. Hiện nay một số bản đồ thế giới thì ghi là Vịnh Ả Rập, số khác thì ghi là Vịnh Ba Tư, số khác thì ghi vỏn vẹn « Vịnh - The Gulf ». « Cuộc chiến vùng Vịnh », đáng lẽ phải là Vịnh Ba Tư, cũng từ đó mà ra.

Vấn đề là, tại sao Triều Tiên gọi là Biển Đông (Đông Hải theo chữ viết Triều Tiên), dịch ra thành East Sea – Mer de l’Est thì được. Hoặc trường hợp 1, « quốc tế » người ta dịch « Karadeniz » thành « Biển Đen », cũng được luôn.

Tại sao VN lại không dịch được « Biển Đông » thành East Sea – Mer de l’Est ?

Do ngoại lệ văn hóa Việt Nam hay do mặc cảm nhược tiểu ?

Cá nhân tôi chưa dịch chữ « Biển Đông » bao giờ, nhưng tôi cho rằng khi nói Biển Đông không thể dịch thành « East Sea – Mer de l’Est » là không thuyết phục.

Mặt khác, nhân TS Trần Công Trục nói đến vấn đề VN đã đăng ký tên « Biển Đông Sea », tôi cho rằng việc này phải xét lại.

Theo tôi, VN cần noi gương Triều Tiên, nhân một cuộc họp Quốc tế nào đó về địa chí thế giới, đệ đơn xin đổi tên Biển Hoa Nam thành Biển Giao Chỉ (tức Biển Việt Nam). Lý do : tên này có trước tên « Mer de Chine Méridional – South China Sea » hàng mấy thế kỷ. Nếu Triều Tiên thành công đặt lại vấn đề thì không có lý do nào Việt Nam lại không được.




lundi 24 mars 2014

Thử phân tích vấn đề Crimée qua phát biểu của lãnh tụ khối cánh tả Gregor Gysi trước Nghị viện Đức quốc


(Dựa trên bản dịch của Trương Hồng Quang)

1/ Về hình thức :

Bài phát biểu này cho ta thấy trước hết lề lối sinh hoạt chính trị của các nước dân chủ pháp trị Tây phương. Thấy gì ?

Thấy là trước khi người lãnh đạo lấy một quyết định trọng đại liên quan đến vận mệnh của quốc gia, mọi tiếng nói đại diện các khuynh hướng chính trị của người dân trong nước, qua người đại biểu của họ, đều được quyền lên tiếng nói. Ủng hộ hay phản đối đều được bày tỏ. Không chỉ ở Đức, bên Pháp (hay các xứ tự do khác), trong Quốc hội có phe chống, có phe ủng hộ chính trị của Putine. Bên Đức phe ủng hộ là phe tả. Bên Pháp, phe ủng hộ là phe cực hữu. Phe nào cũng vì quyền lợi của đất nước mình. Nhưng mỗi phe, mỗi khuynh hướng chính trị, nhìn vấn đề qua những lăng kính triết lý về kinh tế, pháp lý, chiến lược… khác nhau.
Về vấn đề Crimée, riêng thế giới tự do, khuynh hướng chống Putine can thiệp thô bạo vào nội tình Ukraine là áp đảo với đa số tuyệt đối.

Điều này cho ta thấy cái siêu việt của nền dân chủ pháp trị.  

Trong khi ở Nga thì không có phe nào. Quốc hội chỉ thể hiện một tư tưởng, tuân theo một mệnh lệnh, một hành động của Putine. Đó thể hiện điều gì nếu không phải là một nhà nước độc tài ?

Dĩ nhiên điều này rất nguy hiểm. Thử ví lãnh đạo đất nước như là lái xe. Ở các nước dân chủ, phe đối lập là cái thắng. Phe đối lập mặc dầu không dành được tay lái nhưng họ có khả năng kềm hãm lúc tài xế chạy quá trớn. Nếu lãnh đạo thất bại thì hậu quả cũng không trầm trọng, đem lại đổ vỡ cho đất nước.

Còn trong nước độc tài (như Nga), khả năng xe lao xuống vực là điều có thể đoán trước. Cả nước cùng đạp vào chân ga, nhanh thì có nhanh, lên cũng vậy mà xuống cũng vậy. Không phải đã từng tan vỡ vào năm 1991 hay sao ?.

Trường hợp VN, là một xứ độc tài, điều trớ trêu là độc tài đảng trị với TW một đám cá đối bằng đầu, không ai phục ai. Vì vậy ai cũng muốn dành cầm tay lái. Điều trớ trêu khác nữa là người nào cũng rà chân trên thắng. Do tâm lý sợ trách nhiệm. Vì bất tài, không chắc được kết quả điều mình làm, không ai dám làm việc gì. Đất nước rốt cục đứng ì một chỗ.

2/ Về nội dung, nhiều lý lẽ của Gregor Gysi đưa ra nhằm bênh vực Putine cần phải xem xét lại, nhất là lãnh vực công pháp quốc tế và về hệ quả chiến tranh lạnh.

Dẫn Gregor Gysi 1 :

« Tôi bắt đầu với Gorbachew vào năm 1990. Ông đã đề nghị thiết lập một Ngôi nhà chung châu Âu, giải thể NATO và Khối hiệp ước Warsav, xây dựng một quan niệm “An ninh chung” với Nga. NATO đã bác bỏ đề nghị này và nói rằng: Giải thể Khối hiệp ước Warsav thì được, nhưng NATO vẫn cứ tiếp tục tồn tại. Và từ một liên minh phòng thủ, NATO đã trở thành một liên minh can thiệp »

Tôi cho rằng ông Gregor Gysi đã hiểu sai ý nghĩa của “chiến tranh” trong “chiến tranh lạnh”, đã diễn ra trong 5 thập niên, từ sau thế chiến II đến khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991. Sai lầm vì ông nghĩ rằng nó chỉ như một cuộc đánh cờ. Phe Liên Xô do Gorbachev đại diện, lúc « cờ đang lỡ cuộc không còn nước » thì muốn « xù », đánh lại. Một cuộc chiến tranh, lạnh hay nóng, khi bị địch thủ dồn vào thế bí, chỉ còn tử thủ hay đầu hàng mà thôi. Không địch thủ nào rút vòng vây để bày cuộc chơi lại hết.

Năm 1990, LBXV còn có thể lực nào để mà thuơng lượng với OTAN, yêu cầu « thiết lập một Ngôi nhà chung châu Âu, giải thể NATO và Khối hiệp ước Warsav » ?

Không còn gì cả !

LBXV không còn thực lực gì, từ khi lý thuyết « My Way » tức « Đường ai nấy đi » của Gorbachev được áp dụng. Thuyết này trái ngược với « thuyết can thiệp » của Brejnev.

Thuyết can thiệp của Brejnev cho phép Liên Xô có quyền can thiệp vào nội tình của bất kỳ quốc gia nào nếu ở đó « xã hội chủ nghĩa » bị đe dọa. Nó thể hiện qua hai hành động xâm lăng hai nước đồng minh của mình (cùng thuộc khối Varsovie) là Hung (1956) và Tiệp Khắc (1968).  

Ngược lại thuyết Brejnev, thuyết « đường ai nấy đi » của Gorbachev, được biết từ năm 1989, qua các tuyên bố của ông này, cũng như từ bộ trưởng Ngoại giao Sô Viết thời đó là Chevardnadze trước các diễn đàn quốc tế. Nội dung theo đó Sô Viết nhìn nhận quyền độc lập tự chủ của các nước trong việc quyết định chính trị nội bộ của quốc gia. Tuyên bố này cũng được áp dụng cho các nước thuộc khối Varsovie. Lý thuyết này còn được gọi là « thuyết Sinatra », vì phù hợp với nội dung bài hát « my way » (của ca sĩ nổi tiếng Frank Sinatra).

Sự ra đời của thuyết này là do Gorbachev không thể làm khác. Liên bang Xô Viết không còn đủ tài lực để gánh vác bất kỳ một can thiệp nào, chính trị hay quân sự, ở bất kỳ một quốc gia nào.
Khi không còn « lá bài » nào trong tay, Gorbachev có thể thuơng thuyết cái gì ?

Việc đến phải đến, tháng giêng 1991, các nước Ba Lan, Hung, Tiệp Khắc đồng loạt tuyên bố rút ra khỏi khối Varsovie.

Ngày 25 tháng 2 năm 1991, hội nghị các bộ trưởng các nước thuộc khối Varsovie họp tại Budapest tuyên bố chấm dứt hoạt động. Cùng tháng, Bungarie rút khỏi khối Varsovie. Ngày 1 tháng 7 năm 1991, khối Varsovie chính thức giải tán trong buổi họp thường niên của các thành viên của Khối (tại Varsovie). 

Việc giải tán khối Varsovie do đó là hệ quả đương nhiên của thuyết « đường ai nấy đi », nhưng đến từ một cục diện lớn hơn là khối XHCN đã thua trận « chiến tranh lạnh ».

Sai lầm của ông Gregor Gysi là muốn đặt lại bàn cờ lịch sử, cho đối thủ một cơ hội là « giải tán OTAN cùng với khối Varsovie, xây dựng một quan niệm an ninh chung với Nga… », muốn người ta phải nhìn nhận ảnh hưởng trước kia của Nga tại các nước Đông Âu và các nước Cộng hòa mới độc lập từ tro tàn LBXV.
Lý lẽ này không hề thuyết phục, nhưng nó có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm : tái lập lại thuyết « cai trị », theo đó các đế quốc có thể đòi hỏi quyền lợi của mình tại các nước thuộc địa (hay chư hầu) cũ.

Ta càng lo ngại hơn khi ông Gregor Gysi nói rằng : « Người ta đã coi thường một cách thô bạo các quyền lợi của Trung Quốc và Nga ».

Chúng ta, người VN, có thể nào không biết TQ đã dùng lý thuyết « cai trị » để cho rằng họ có « quyền lợi » ở Biển Đông qua tấm bản đồ 9 đoạn chữ U ?

Dẫn Gregor Gysi 2 :

Sai lầm thứ hai: Khi tiến hành thống nhất nước Đức, Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao chúng ta lúc đó là Genscher và các Bộ trưởng Ngoại giao khác đã tuyên bố với Gorbachew rằng sẽ không có việc mở rộng NATO về phía Đông. Lời hứa hẹn này đã không được giữ. NATO đã được mở rộng một cách quyết liệt về hướng của Nga.

Lý lẽ này lấy từ miệng của Putine (và phe ủng hộ ông này). Lý lẽ này cũng được một số chính trị gia Pháp nhắc lại. Ý kiến của những người này đưa ra nhằm tìm một giải pháp trung dung, mỗi phe cùng nhượng bộ một bước, để có thể có một giải pháp Crimée được chấp nhận từ mọi phía.  

Nhưng lập luận này có một số điều liên quan đến quốc tế công pháp cần thảo luận lại.

Quá trình thống nhất nước Đức được bắt đầu khi Đông Đức (tức Cộng hòa dân chủ Đức) rút khỏi khối Varsovie. Ba ngày sau nước Đức được thống nhất (3 tháng 10 năm 1990.) Đông Đức như vậy là « nước » đầu tiên thuộc khối Varsovie, ly khai khỏi khối này, sau đó gia nhập vào khối NATO.

Lo ngại các nước khác (thuộc khối Varsovie) theo gương Đông Đức, gia nhập khối NATO, Sô Viết yêu cầu phía NATO cam kết rằng khối này sẽ không mở cửa cho các nước Đông Âu.
Ngoại trưởng Mỹ và Đức có tuyên bố lúc đó là sẽ không có việc OTAN mở rộng về phía đông.

Câu hỏi đặt ra là « tuyên bố » này còn hiệu lực hay không, khi mà Liên bang Sô Viết đã giải tán ?
Liên bang Sô Viết tuyên bố giải tán ngày 26-12-1991. Từ đống tro tàn này 15 quốc gia được tái sinh (thành các quốc gia độc lập), trong đó có Nga và Ukraine.

Nước nào trong những nước này kế thừa LB Sô Viết trong các kết ước với Mỹ (và OTAN) ?

Về tư cách pháp nhân của quốc gia, theo quốc tế công pháp, sự liên tục quốc gia được áp dụng cho tất cả các nước ly khai. Điều này có nghĩa các nước cộng hòa cũ của LB Xô Viết có đủ tư cách pháp nhân (như Nga) để kế thừa và tiếp nối LB Xô Viết. 

Vì có tư cách pháp nhân, các quốc gia này có thể đơn phương quyết định chấm dứt mọi cam kết (nếu có) giữa LBXV và các nước khác. 

Các quốc gia Baltique (Lituanie, Estonie, Lettonie) thuộc LBXV cũ đều gia nhập khối Châu Âu (UE) và OTAN, đồng thời với các nước Đông Âu Bungarie, Roumanie, Slovaquie và Slovene năm 2004.
Trước đó, các nước Đông âu cũ là Ba Lan, Hung Tchèque đã gia nhập OTAN từ năm 1999.

Nước Nga, cũng là một quốc gia « kế thừa » di sản pháp lý của LBXV, không có tư cách để phản đối hành vi của các quốc gia khác. Đơn giản vì nước này phải tôn trọng quyền độc lập và chủ quyền lãnh thổ của các nước đó. 

Đối với OTAN, khi đối tác không còn (Liên bang Xô Viết), có thể nói rằng tuyên bố « không mở rộng về phía Đông » đã « caduc », tức đã không còn hiệu lực. Bởi vì có đến 15 nước sinh ra từ LBSV, trong số đó nhiều nước đã xin gia nhập vào OTAN, giá trị ràng buộc của nó dĩ nhiên đã không còn nữa.

Vì các lý lẽ này, lập luận  của những người bênh vực cho Putine, lên án OTAN bội ước, khi nại cam kết giữa OTAN và LBXV về việc « vĩnh viễn không mở rộng về phía Đông » là không thuyết phục.
Điều khác, nếu Nga đã không phản đối từ các năm 1999 khi Ba Lan, Hung và Tchèque gia nhập OTAN, hoặc năm 2004 cho các quốc gia Lituanie, Estonie, Lettonie, Bungarie, Roumanie, Slovaquie và Slovene…, thì hôm nay không có lý do nào để phản đối nữa.

Dẫn Gregor Gysi 3:

Và sai lầm thứ ba tiếp theo đó là quyết định đặt tên lửa ở Ba Lan và Séc. Chính phủ Nga đã nói rằng: Việc này ảnh hưởng đến các quyền lợi an ninh của chúng tôi; chúng tôi không muốn điều đó. – Thế nhưng Phương Tây đã tuyệt nhiên không hề quan tâm tới ý kiến này. Quyết định đặt tên lửa vẫn được thực hiện.

Thực ra “sai lầm thứ ba” này trọn vẹn là của ông Gregor Gysi, nếu ta xem lại các động thái gần đây của TT Mỹ Obama. Theo các nguồn tin đã đăng tải : “Tổng thống Barack Obama đã bỏ kế hoạch phòng thủ hỏa tiễn đặt tại Ba Lan và CH Czech”.

Dẫn Gregor Gysi 4 :

Ngoài ra trong cuộc chiến ở Nam Tư, Phương Tây đã nhiều lần vi phạm và vi phạm một cách nghiêm trọng công pháp quốc tếSerbia đã không tấn công một nhà nước khác, và cũng không có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vậy mà nó đã bị ném bom, với sự tham chiến lần đầu tiên của Đức sau 1945…. người dân của Kosovo đã được phép quyết định li khai khỏi Serbia thông qua một trưng cầu dân ý…
Ở Kosovo các quý vị đang mở nắp chiếc bình của Pandora [3]; bởi vì nếu việc này được cho phép ở Kosovo thì các quý vị cũng sẽ phải cho phép nó ở những nơi khác…. Tôi xin nói với các quý vị rằng: Người Basque hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Người Catalan hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Và tất nhiên bây giờ người dân của Krym cũng sẽ hỏi như vậy.

Về việc can thiệp của OTAN ở Kosovo là dựa trên lý thuyết “can thiệp vì lý do nhân đạo”. Lý thuyết này từng gây tranh cãi tại LHQ, chỉ có Nga và TQ là chống. Các nước Châu Âu đâu thể nào ngồi nhìn quân Serbe giết chóc, hãm hiếp, thanh lọc chủng tộc Kosovo (gốc Albanie) mà không có hành động thích ứng ?
(Nếu phản đối việc can thiệp này thì cuộc chiến chống diệt chủng của VN tại Kampuchia cũng không có ý nghĩa phải không ?.)

Vì vậy sự can thiệp của OTAN nhằm chấm dứt một vụ diệt chủng ở Kosovo là một hành vi đáng lẽ cần phải tuyên dương. Thái độ phải đối của ông Gregor Gysi khiến người ta có thể đặt lại, không chỉ về quan niệm đạo đức, mà còn tiêu chuẩn “nhân đạo” cần có của một người làm chính trị “cánh tả”.  

Về tính hợp lệ hay bất hợp lệ của việc đơn phương tuyên bố độc lập của Kosovo, tôi cho rằng ông Gregor Gysi cố gắng đả phá nền móng công pháp quốc tế hiện thời để bênh vực cho Putine.

Vụ ly khai, tuyên bố độc lập của Kosovo có vi phạm công pháp quốc tế không ?

Để biết, ta cần qui chiếu với Nghị quyết 1415 của Đại hội đồng LHQ năm 1960, nói về việc “trao trả độc lập cho các dân tộc và các lãnh thổ thuộc địa”.

Điều 6 của Nghị quyết không cho phép việc xâm phạm sự thống nhất và vẹn toàn lãnh thổ quốc gia. Dựa vào điều này ông Gregor Gysi kết luận việc Kosovo tuyên bố độc lập là trái với công pháp quốc tế.

Nhưng điều 2 nghị quyết cho phép các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có quyền thành lập nhà nước cùng với chính phủ của riêng mình, với điều kiện dân tộc đó thỏa mãn hai điều (ắt có và đủ) : a) dân tộc này đang đấu tranh chống chế độ thuộc địa và phụ thuộc và b) đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc.

Dân tộc Kosovo rõ ràng là một dân tộc “phụ thuộc” vào Serbie. Dân tộc này có quá trình đấu tranh dành độc lập. Dân tộc này là nạn nhân, chịu những đàn áp khốc liệt từ quân Serbe như các vụ thanh trừng, thanh lọc chủng tộc. (Một số lãnh đạo Serbe đã bị Tòa án hình sự quốc tế xét xử và hiện bị tù, như Milosevic là thí dụ).

Dựa vào điều 2, các dân tộc khác như Nam phi, Palestine… đã tranh đấu để dành quyền tự quyết, hay quyền được nhìn nhận là công dân đúng nghĩa.

Kosovo tuyên bố độc lập là phù hợp với nguyện vọng của dân tộc này đồng thời phù hợp với các nguyên tắc “dân tộc tự quyết” của công pháp quốc tế.

Việc này được khẳng định qua phán quyết 22-7-2010 của CJI về việc « đơn phương tuyên bố độc lập của Kosovo có vi phạm công pháp quốc tế hay không ? »

Kết luận của Tòa, đoạn 122, như sau : tuyên bố độc lập 17-2-2008 (của Kosovo) đã không vi phạm công pháp quốc tế, không đi ngược tinh thần Nghị quyết 1244 (1999 của hội đồng Bảo an LHQ), cũng không vi hiến. Tuyên bố trên không vi phạm bất kỳ một điều luật quốc tế nào.  

Dựa vào đâu ông Gregor Gysi nói rằng việc tuyên bố độc lập của Kosovo vi phạm công pháp quốc tế ?
Ông này lại so sánh vụ Kosovo với vụ tuyên bố độc lập của Crimée. Sau đó suy diễn xa hơn cho trường hợp vùng Catalan của Tây Ban Nha.

Ông Gregor Gysi đã nhìn nhận vụ Crimée tuyên bố độc lập là không phù hợp với công pháp quốc tế. Nhưng ông lại so sánh (một vụ không phù hợp với công pháp quốc tế) với một vụ (phù hợp với công pháp quốc tế).
Không phải là phi lý hay sao ?

Dẫn Gregor Gysi 5 :

« …về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia… các nguyên tắc này đã bị vi phạm ở Serbia, Iraq và Libya… »

Điều này không đúng. Mỹ và 22 nước khác can thiệp vào Irak theo Nghị quyết 1843 của Hội đồng Bảo an LHQ. Nội dung cho phép liên quân ở lại nước này đến năm 2008. Còn tại Libye thì các nước can thiệp theo Nghị quyết 1973 của HDBA LHQ.

Tức là các nước chỉ can thiệp theo một « mandat » của LHQ, tức thi hành một « công tác » của LHQ.
Như vậy ở chỗ nào quốc tế công pháp bị vi phạm ?

Trong khi Nga đem quân vào Crimée là trái với tinh thần Hiến chương LHQ. Sau đó qui trình sát nhập Crimée vào Nga là cả một chuỗi vi phạm quốc tế công pháp.

3/ Kết luận :

Lý lẽ của ông Gregor Gysi đả phá công pháp quốc tế, đặt ngược thực tế lịch sử chiến tranh lạnh… mục đích bênh vực hành động của Putine doa đó hoàn toàn không thuyết phục. Nhưng ông ta có cái « lăng kính » về lịch sử, kinh tế, chiến lược… của riêng ông.

Điều làm chúng ta, người Việt Nam, quan tâm là khi bênh vực Putine, cho rằng Nga có quyền lợi ở các nước Đông Âu hay Liên Xô cũ, hay nhìn nhận việc ly khai ở Crimée là chính đáng, là đã dựa vào « học thuyết cai trị » (xuất hiện vào thời kỳ đầu chủ nghĩa tư bản). Theo đó lãnh thổ quốc gia được xác định là khoảng không gian mà quyền lực nhà nước được thể hiện. « Lãnh thổ quốc gia » không phải là « vật », mà là « phạm vi » cai trị của quốc gia.

Chủ trương, hay tái lập lại « học thuyết về cai trị » là cho phép nhà nước Nga đặt lại vấn đề biên giới với tất cả các nước cũ thuộc LBXV (cũng như TQ đối với các thuộc quốc cũ). Cần biết là Trung Quốc cũng có quan niệm tương tự cho chủ trương đường chữ U 9 đoạn. Không phải đế quốc Trung Hoa đã từng cai trị VN cũng như nhiều nước trong khu vực hay sao ?

Trong khi quan niệm kim thời của công pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia là một quyền tối cao, thiêng liêng, bất khả xâm phạm trên cả hai phương diện vật chất và quyền lực. 

Lập trường chính thức của Việt Nam về vụ khủng hoảng Ukraine, qua lời của Lê Hải Bình trước báo chí ngày 21-3 :

"chúng tôi mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân."

Tôi cho rằng câu « nguyện vọng chính đáng của người dân » trong chừng mực đồng ý với vụ trưng cầu dân ý với quyền « dân tộc tự quyết » của Crimée.


Đây là một việc nguy hiểm, nếu ta xét lại nội dung Hiệp ước 1972 (nhìn nhận dân miền Nam có quyền « dân tộc tự quyết ») hay lịch sử lập quốc của VN. Nó là con dao hai lưỡi.  

dimanche 9 mars 2014

So sánh cái gì giữa Việt Nam và Ukraine ?


Việt Nam và Ukraine, ngoài việc giống nhau  về mức độ tham nhũng và nghèo, thì không có điểm nào « giống » vói nhau nữa để mà so sánh. Các quan hệ VN-TQ và Ukraine-Nga cũng vậy, kể cả trong phạm vi « địa chính trị », ngoài việc « kế cận nước lớn », thì cũng không có điểm tương đồng nào khác.

Quan hệ Việt-Trung, tùy theo thời kỳ, giao hảo hai bên có lúc thăng, lúc trầm, lúc thuợng quốc – chư hầu, lúc thù nghịch bất cộng đái thiên (do bị đánh chui vào ống đồng chạy thoát thân), lúc đồng chí anh em, hữu nghị « môi hở răng lạnh », nhưng cũng có lúc hiến pháp VN ghi TQ là « kẻ thù của dân tộc » sau cuộc chiến 1979.

Từ 1991 đến nay quan hệ hai bên dựa trên « 4 tốt » và « 16 chữ vàng ». Điều người ta đặt nghi vấn là còn bao lâu thì « 4 tốt » thành 4 xấu và « 16 chữ vàng » thành 16 tiếng chửi thề ? Trong dân gian VN thì từ lâu, 4 tốt đã là « 4 đểu » (hay « 4 điều chó đẻ ») ; 16 chữ vàng đã là 16 tiếng chửi thề trong hầu hết các bài viết của trí thức VN khi nói về Trung Quốc. Mà đúng vậy, xem thái độ hiện nay của TQ đối với VN trong các vấn đề về lãnh thổ, hải phận, chủ quyền các đảo HS và TS, về đường chữ U 9 đoạn… cho thấy thái độ của TQ là thế nào ? Không phải là đểu (hay chó đẻ) thì là gì ? Vấn đề là khi nào thì 16 tiếng chửi thề được chính thức sử dụng trên trường ngoại giao của VN mà thôi.

Còn Ukraine ? Nếu chỉ tính từ 1991 đến nay, nước này và nước Nga đều là các nước sinh ra từ đống tro tàn của Liên bang Xô Viết. Các dân tộc Nga và Ukrane có thể là các dân tộc hiện hữu từ lâu đời, nhưng trước công pháp quốc tế, hai quốc gia Nga và Ukraine là hai quốc gia mới. Hai quốc gia này (cùng một số nước cộng hòa khác lập thành LBXV) kế thừa di sản của LB Sô Viết.

Quân đội của Ukraine, cũng như quân đội Nga, là quân đội trước kia của LB Xô Viết.

Ukraine kế thừa tất cả khí tài của quân đội Xô Viết cũ đóng tại Ukraine. Về hải quân, hạm đội biển Đen được hai bên Nga-Ukraine thỏa thuận phân chia : Ukraine được 17% (gồm 80 chiến hạm) và Nga phần còn lại, 338 chiến hạm. Về các vũ khí hạt nhân : kế thừa khoảng 3.780 đầu đạn hạn nhân gắn trên các loại  hỏa tiễn liên lục địa hay tầm trung và ngắn. Còn bán đảo Crimée thuộc về Ukraine do quyết định của Khrustchev năm 1954. Việc này tái khẳng định qua nhiều kết ước sau này giữa Nga và Ukraine.

Trong khi Nga kế thừa phần lớn di sản của LB Xô Viết.

Một số sự kiện đã xảy ra làm ta phải suy nghĩ. Thí dụ, trường hợp một đề đốc tư lệnh hải quân của Ukraine dễ dàng qui thuận Nga, khi tranh chấp Crimée bùng nổ. Điều này có thể giải thích là vì những vị lãnh đạo quân đội Ukraine và Nga có những mối quan hệ sâu xa. Họ đều là những đồng chí cũ, học chung trường, tốt nghiệp cùng khóa, có cùng một lối suy nghĩ cũng như quan niệm về quân sự và chính trị. Họ có cùng một tổ quốc trước đây. Việc trở mặt đánh nhau đối với họ là điều bất ngờ, không thể tưởng tượng được.

Thí dụ khác, hành động mà quân Nga, sau khi kiểm soát Crimée, là tìm cách khống chế các địa điểm phóng hỏa tiễn của Ukraine. Dĩ nhiên đây là các địa điểm phóng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng không chỉ phóng tới Moscou. Điều này làm ta suy nghĩ, nếu Ukraine vẫn còn những địa điểm phóng hỏa tiễn khác, thì  khả năng răn đe của Ukraine vẫn còn rất thuyết phục.

Nguyên nhân Nga can thiệp vào Ukraine, tìm cách « chiếm » Crimée, dĩ nhiên là nhằm « bảo vệ quyền lợi của người Nga tại Ukraine ». Quyền lợi lớn lao nhất của Nga, theo quan niệm địa chính trị của Putin, là căn cứ hải quân của Nga tại Biển Đen, đóng tại Sébastopol, thuộc Crimée.

Lực lượng hải quân Nga có ba đường thông ra biển lớn : 1/ từ căn cứ Crimée qua eo biển Bosphore (Thổ) đển vào Địa Trung Hải. 2/ Từ St Pétersbourg qua các eo biển trong vùng Baltique để ra Đại Tây Dương. 3/ Từ căn cứ Vladivostock trong biển Nhật Bản thông qua các eo biển thuộc Nhật để ra Thái Bình dương.
Theo quan niệm về địa chiến lược của Putin hiện nay, vùng Địa Trung Hải có tầm quan trọng lớn lao đối với việc phục hưng nước Nga.

Nga vừa mất căn cứ ở Lybie, đang bị đe dọa ở Syrie, dĩ nhiên con cờ quan trọng nhất còn lại sẽ là Crimée (Ukraine).

Nhưng quan điểm địa chiến lược của Putin có thể sai lầm. Một nước Nga hòa hoãn, hợp tác với EU và Mỹ sẽ có lợi cho Nga nhiều hơn. Phát triển của Nga hiện nay là nhờ vào trữ lượng tài nguyên chứ không do phát triển về kinh tế. Nga không thể quyến rũ các nước khác bằng mô hình phát triển của mình. Lại càng không thể tìm cách ràng buộc các nước chung quanh, như Ukraine, qua các việc đe dọa về quân sự hay do lệ thuộc về năng lượng.

Nếu thành công, các việc này sẽ chỉ là những trái bom nổ chậm. Nó sẽ thừa cơ bộc phát, khi Nga suy thoái (vì giá năng lượng sứt giảm, thí dụ vậy), việc này có thể đưa đến một nước Nga phân liệt.

Trung Quốc dân số 1 tỉ 300 triệu người. Họ đang bị khủng hoảng về nhân số nặng nề. Họ đang dòm ngó lục địa Úc Châu. Thử tưởng tượng, họ cho đổ bộ khoảng 100 triệu dân vào lục địa này, còn gì là nước Úc ? Bởi vậy, ta thấy các lãnh Úc tỏ ra rất nhạy cảm về việc này. Việc liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ cho ta thấy việc đó. Ngoài ra họ cũng đang dòm ngó vùng lãnh thổ rộng lớn, không có dân cư về phía bắc. Vùng lãnh thổ này thuộc Nga nhưng trên phương diện lịch sử thì nó thuộc Trung Quốc. Các vùng đất mà TQ nhượng cho Nga qua các hiệp ước bất bình đẳng (khoảng 1 triệu km², vùng phía bắc sông Hắc Long Giang), mà từ nhiều thời kỳ TQ đã tuyên bố không có hiệu lực.

Như thế, đe dọa của Nga là ở Châu Á chứ không phải ở Châu Âu.

Nga cần có một quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Châu Âu để chấn chỉnh nội lực và cần kíp « chuyển trục » sang Châu Á, như Mỹ và các đồng minh khác của nước này đang làm. Trung tâm của thế giới đang là Châu Á Thái Bình Dương chứ không còn, như Putin nghĩ, là ở Địa Trung Hải.

Quan hệ VN với TQ thì khác. Bề dài lịch sử của VN, bề mặt « thần phục » TQ nhưng bên trong « thấy vậy mà không phải vậy » ! Ngoài ra VN không có một « Crimée » để mà TQ cố sức dành với VN.

Không thể so sánh với HS và TS, ở đây không có dân như Crimée để mà tổ chức hay kích động quyền « dân tộc tự quyết ».

Trên phương diện địa chính trị, dĩ nhiên TQ thích một VN nghèo, nhu nhược, lãnh đạo không có tầm nhìn… như hiện nay hơn là một VN mạnh mẽ, có khả năng « tự lực tự cường » như các nước kế cận Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan…

Như thế, phải nhìn nhận rằng TQ « chiếm » được VN vẫn không hay bằng để một VN nguyên trạng như hiện nay. Chiếm VN, TQ sẽ ôm trái bon nổ chậm. Trong khi, về địa chiến lược, nếu có VN thì TQ vẫn bị bao vây bởi các nước (thân Mỹ) như Phi, Mã Lai, Indonésie, Tân Gia Ba…

Cái mà TQ cần là tài nguyên ở biển Đông, nếu nó nằm ngoài kiểm soát của VN, hay chia chác với VN, thì TQ sẽ rất « hảo lớ » !.

Những điều mà TQ đang làm, là khiến VN bị lệ thuộc sâu xa vào kinh tế, văn hóa, khuôn mẫu chính trị với TQ. Tức một nước VN nghèo, chậm tiến, ngu dốt và lệ thuộc vào TQ. Đó là quan niệm địa chính trị của Trung Quốc. Họ đang thành công trong việc này.

Điều khốn đốn cho VN, trên quan điểm địa chiến lược, là VN không ở gần một đại cường nào để có thể trở thành một vùng « trái độn », như Thái Lan ở giữa hai thế lực thực dân đối đầu là Anh (ở Ấn độ và Miến Điện) và Pháp tại Đông dương trong thế kỷ 19, hay Phần Lan ở giữa hai thế lực Đông-Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Sự lên tiếng của Mỹ về vị trí của VN trong chiến lược tái cân bằng khu vực (cách nói khác của việc chuyển trục) không được lãnh đạo VN tiếp đón nồng nhiệt. Điều này có lẽ VN (và tầng lớp trí thức tại đây) vẫn còn đang say sưa với các chiến thắng đánh Mỹ. Cũng có thể họ mang trong lòng tâm bệnh « hội chứng chống Mỹ ». Họ không nhìn thấy đã đến lúc phải kết bạn đồng minh với Mỹ để thoát khỏi hấp lực của TQ nhằm kiến tạo một nước VN tiến bộ như các nước trong khu vực.

(Xem ra trí thức VN còn thua xa trí thức Miên hay trí thức Miến Điện. Động lực thay đổi xã hội, trước một tập đoàn lãnh đạo u mê và tham nhũng, sẽ phải là trí thức chứ không ai khác.)

Trong khi Putin cố dùng mọi cách để chiếm lấy Crimée, đặt Ukraine trong vòng kìm tỏa. Ukraine ở cận kề với một thế lực lớn hơn Nga nhều lần về kinh tế là khối Châu Âu cũng như đối đầu với một thế lực quan trọng hơn là OTAN. Về lâu dài, Nga có nhiều phần sẽ thua.

Nhưng nếu Putin ý thức được những nguy hiểm tiềm tàng mà Nga sẽ gặp phải khi chiếm Crimée, thì tương lai của Ukraine sẽ rất sáng lạn. Ukraine có nhiều yếu tố để trở thành một Phần Lan trong thời chiến tranh lạnh.
Nói như thế để biết rằng, so sánh các quan hệ VN – TQ với quan hệ Ukraine-Nga, về những tương đồng về phương diện địa chính trị (cũng như địa chiến lược), sẽ không thuyết phục.

Gần hay xa chỉ là một yếu tố địa lý chứ không phải là yếu tố quyết định.