dimanche 31 mai 2015

Tam anh chiến Lữ Bố ?

Có người đặt câu hỏi cho tôi, khủng hoảng Biển Đông có thể làm chiến tranh có thể bùng nổ hay không ? Theo tôi, chiến tranh có thể bùng nổ, nếu TQ bước qua một giới hạn mà Nhật và Hoa Kỳ không thể chấp nhận được.

Giới hạn đó là gì ?

Thử nhìn lại khủng hoảng Ukraine. Khi Nga chiếm Crimée các nước Tây phương phản đối dữ dội, nhưng chỉ bằng võ mồm sau đó là một số trừng phạt kinh tế. Logic chiến lược, để bảo vệ Crimée, cũng như để đưa biển Azov thành nội hải của Nga, Putin xúi giục thành phần ly khai nhằm đưa miền đông Ukraine vào vòng ảnh hưởng của mình. Việc Nga chiếm Crimée (và miền đông Ukraine), một phần đến từ việc thất bại khi phân định ranh giới biển Azov. Nếu phân định vùng biển này trên tinh thần « công bằng », lấy đường « trung tuyến » để phân chia, phía Ukraine được lợi hơn vì ưu đãi địa lý. Tàu bè của Nga, từ biển Đen vào biển Azov, phải đi qua một cửa biển mà đường đẵng sâu tàu bè có thể thông lưu lại thuộc về Ukraine. Hai bên thuơng thuyết để phân định hơn 10 năm nhưng không thành công. Trong khi Crimée từ lâu là địa bàn của hải quân Nga (hạm đội Biển Đen) với hải cảng Sebastopol. Quyết định chiếm Crimée của Putin đến từ tính toán chiến lược. Biển Azov và biển Đen là « không gian sinh tồn » của Nga. Nếu phân định ranh giới bình thường thì Nga sẽ mất biển Đen trong khi biển Azov trở thành một biển « quốc tế ». Tức là tàu chiến thuộc khối NATO có thể tiến vào đến biển Azov. Như vậy việc an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.

Sau khi chiếm Crimée, tiếp theo xúi giục quân ly khai tách rời miền đông Ukraine, Nga bị dư luận thế giới lên án nặng nề. Nga chịu sự trừng phạt về kinh tế của Mỹ và phương tây. Nhưng điểm giới hạn cho Nga trong khu vực này, được thiết lập từ thời chiến tranh lạnh, là Địa Trung Hải. Tức là, hành vi của Nga, mặc dầu vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và Hiến chương LHQ, nhưng đó vốn là « vùng ảnh hưởng truyền thống » của Nga. Tức là, nếu Nga ngừng ở đó, quyền lợi và an ninh các nước Tây Âu vẫn không bị đe dọa.

Trong khi ở Biển Đông thì khác. Có ít nhứt ba cách nhìn khác biệt và đối nghịch.  

Cách nhìn của TQ là « thiết lập lại ảnh hưởng của đế quốc Trung Hoa từ trước hậu bán thế kỷ 19 ». Một cách vắn tắt là TQ phải đưa các nước như VN, Thái, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương… vào trong ảnh hưởng của họ. Theo TQ, các xứ này trước kia là « chư hầu » của TQ. Vùng biển được giới hạn bởi đường chữ U chín đoạn là « vùng biển lịch sử ». Các đảo trong phạm vi đường 9 đoạn này thuộc chủ quyền của TQ. Hiện nay TQ cố gắng làm đủ mọi cách để lấy lại chủ quyền các đảo HS và TS để thực hiện tham vọng « đường 9 đoạn » này.

Đường chữ U chín đoạn được TQ công bố trước quốc tế lần đầu tiên năm 2009, nhân việc phản đối hồ sơ chung VN và Mã Lai nạp LHQ về Thềm lục địa mở rộng.

Theo quan điểm về biển của TQ, qua hai bộ Luật Biển năm 1996 và 2002, TQ bảo lưu, không chấp nhận việc « tự do hàng hải » cho các tàu « nghiên cứu » được qui định theo bộ Luật Quốc tế về Biển 1982. Việc này đưa đến đụng chạm giữa Mỹ và TQ trong thời gian qua, như vụ chiếc tàu Impeccable năm 2009 và chiếc máy bay dọ thám EP 3E năm 2001, tại khu vực gần đảo Hải Nam.

Quan niệm của TQ về hiệu lực (lãnh hải và vùng kinh tế độc quyền) của các đảo, theo những tuyên bố trước cộng đồng quốc tế, hay là hành vi của TQ qua việc đặt giàn khoan 981, kế cận đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) và trên thềm lục địa của VN, thì dường như TQ chủ trương các đảo này có hiệu lực như các đảo thực sự. Điều này cũng đúng cho các đảo nhân tạo mà TQ hiện đang xây dựng.

Cách nhìn của VN, mọi người đều biết, hai quần đảo HS và TS thuộc VN. Mặc dầu VN có những tuyên bố trong quá khứ (1977) về vùng biển của mình, nhưng trên thực tế, qua hồ sơ Thềm lục địa mở rộng, VN hiện nay chỉ cố gắng giữ được trọn vẹn vùng biển « kinh tế độc quyền » sinh ra từ bờ biển, theo đúng tinh thần UNCLOS, sao cho không bị những yêu sách của TQ chồng lấn.

Cách nhìn thứ ba, là cách nhìn của Mỹ, Nhật và các nước có thuyền bè thông lưu qua lại Biển Đông. Điều ưu tiên là các nước này không muốn quyền tự do hàng hải của họ bị đe dọa. Sau đó là việc « tôn trọng luật pháp quốc tế ». Vì vậy Mỹ, Nhật và các nước khác đều không nhìn nhận yêu sách đường chữ U của TQ cũng như phản đối việc TQ vi phạm luật quốc tế khi xây dựng các đảo nhân tạo cũng như việc áp đặt chủ quyền lãnh hải và không phận trên các đảo này. Viễn ảnh sắp tới TQ có thể chiếm tất cả các đảo thuộc TS còn trong tay của VN và Phi, sau đó tuyên bố vùng « nhận diện phòng không – ADIZ ». Dĩ nhiên Mỹ, Nhật và các nước cố gắng ngăn chặn TQ làm việc này.

Chiến tranh có thể xảy ra khi nào ?

Chiến tranh sẽ không xảy ra giữa Mỹ và đồng minh với TQ nếu TQ chiếm các đảo hiện do VN nắm giữ, trong trường hợp TQ cam kết bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông. Đối với VN, có thể xảy ra vài đụng chạm, nhưng mọi việc sẽ ổn thỏa vì VN quá lệ thuộc vào TQ, về chính trị cũng như về kinh tế. Một tình huống « Malouines », chiến tranh giữa Anh và Argentine, về chủ quyền đảo Malouines, có thể xảy ra tương tự. Mỹ có thể sẽ cung cấp cho VN một số vũ khí « đặc biệt » để VN có thể hạ một số chiến hạm, tàu ngầm và máy bay của TQ, như trường hợp Pháp cung cấp cho Argentine máy bay Mirage và hỏa tiễn Exocet. Cuộc chiến Malouines Anh dành chiến thắng nhưng thiệt hại nặng vì các chiến hạm của Anh bị vũ khí của Pháp bắn chìm.

Chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra giữa Mỹ (và đồng minh) với TQ, nếu nước này cương quyết chiếm trọn Biển Đông và ngăn chặn việc tự do hàng hải (và hàng không). Không phải như trường hợp khi Nga chiếm Crimée và miền Đông Ukraine, việc này không đe dọa Tây phương. Biển Đông là đường huyết mạch cho kinh tế của Mỹ, Nhật, Đại Hàn và nhiều nước khác. Biển Đông vì vậy thuộc về phạm vi « không gian sinh tồn » của Mỹ, Nhật, Đại Hàn và các nước.

Nếu chiến tranh xảy ra trong tình huống này, nếu VN đứng về phía Mỹ, thì TQ có nhiều sác xuất thua trận. VN sẽ phụ trách cuộc chiến trên bộ, được Mỹ trợ giúp quân sự, sẽ đánh chiếm Nam Ninh, Khâm Châu, tiến qua phong tỏa eo biển Quỳnh Châu, cùng với Mỹ và Nhật chiếm đảo Hải Nam. Hải quân và không quân của TQ sẽ bị tiêu diệt. Chiến tranh sẽ sớm kết thúc. VN sẽ lấy lại HS và TS. Đây có thể gọi là thế « tam anh chiến Lữ Bố ». Lữ Bố là TQ. Nhị anh là Nhật và Mỹ. Còn lại là VN.


Nếu VN không đứng về phía nào, (theo như lập trường hiện nay), thì cuộc chiến sẽ hạn chế trên biển và trên không. Cuối cùng thì Mỹ và Nhật cũng thắng. Trường hợp này, các đảo HS và TS sẽ thuộc về phe chiến thắng (như là chiến lợi phẩm).

samedi 23 mai 2015

Cần tích cực giúp Mỹ bảo vệ các nguyên tắc luật pháp quốc tế tại Biển Đông

Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, thứ nhứt là để bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Đây là một sự thật đã thành hình từ sau Thế chiến Thứ hai. Thứ hai, theo nội dung bản điều trần của ông Daniel R. Russel, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Á và Thái Bình Dương trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 13-5-2015, là nhằm bảo vệ « các nguyên tắc luật pháp quốc tế ». Điều thứ hai rất quan trọng cho VN và các nước trong khu vực. VN (cũng như Phi) cần khai thác ở mọi mặt của vấn đề này để bảo vệ quyền lợi (và bờ cõi) của mình.

Hành vi khiêu khích của Trung Quốc từ nhiều năm nay tại các vùng lãnh thổ đã chiếm được của VN (HS năm 1974, các bãi đá TS năm 1988), như việc đơn phương hạ lệnh cấm đánh cá, kể cả trên vùng biển của hai nước VN và Phi, hoặc việc đổ cát đá mở rộng các bãi đá san sô, sau đó xây dựng sân bay, hải cảng… biến các bãi đá này trở thành những căn cứ quân sự quan trọng, hay việc lên giọng « nước lớn » đe dọa các nước khác trong các hội nghị địa phương… là những hành vi thể hiện rõ nét chủ nghĩa đế quốc bành trướng. Các hành vi của Trung Quốc nếu không vi phạm luật pháp quốc tế, thì cũng đi ngược lại tập quán quốc tế, đe dọa không chỉ an ninh khu vực và còn đe dọa hòa bình của thế giới.

Vấn đề là Mỹ sẽ có biện pháp nào để bảo vệ « các nguyên tắc luật pháp quốc tế » ở Biển Đông trước một tên cường đồ ngang ngược, xưa nay luôn quan niệm « chân lý nở trên đầu họng sứng », chà đạp mọi nguyên tắc của luật biển ?

Nói đến việc này ta không thể quên các biến cố xảy ra ở Vịnh Syrte (Vịnh Libye) năm 1973 và 1989.

Năm 1973 Khadafi tuyên bố vịnh Syrte là « nội hải » của Libye đồng thời cho rằng mọi xâm phạm vào vùng biển này là hành vi « tuyên bố chiến tranh ». Vịnh được xác định bằng một đường thẳng, kéo từ Bengasi đến Misurata, làm cho đường « cơ bản » của Libye mở rộng ra ngoài, có nơi tới 137 hải lý. Việc này đã khiến 22.000 dặm vuông biển trở thành « nội hải » của Libye.

Tuyên bố về lãnh hải của Libye, đối với bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 (UNCLOS), là không phù hợp. Theo bộ Luật này, bề rộng lãnh hải chỉ 12 hải lý, tính từ bờ. Vùng biển từ bờ ra đến 12 hải lý là vùng « lãnh hải », quốc gia ven biển có quyền tài phán tương tự như lãnh thổ trên đất liền. Tức là Libye đã mở rộng ra, có nơi đến 137 hải lý.

Phản ứng của giới học giả quốc tế là khá sôi nổi. Theo họ Libye đã sai vì Vịnh Syrte không phải là « vịnh lịch sử » của Libye, cũng như những quyền lợi của nước này trong khu vực biển này không phải là « sinh tử ». Các nước như Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh cũng như hầu hết các nước trong vùng Địa Trung Hải đều lên tiếng phản đối.

Biến cố đã xảy ra hai lần, giữa hai lực lượng không quân Mỹ và Libye, vào các năm 1981 và 1989. Năm 1981 hai chiếc Su-22 của Libye bị hai chiếc F-14 của Mỹ bắn hạ. Tương tự, năm 1989, hai chiến Mig-22 của Libye cũng bị hai chiếc F-14 bắn hạ. Cả hai lần, trong chừng mực, Mỹ can thiệp vì lý do “bảo vệ các nguyên tắc luật pháp quốc tế”.

Nếu so sánh đòi hỏi của Trung Quốc và Libye, ta thấy tham vọng của TQ nhiều hơn trăm lần. TQ yêu sách tới 80% Biển Đông, thể hiện qua tấm bản đồ chữ U 9 đoạn, đòi hơn hai triệu cây số vuông biển. Libye yêu sách Vịnh Syrte là vịnh lịch sử, chỉ có 22.000 dặm vuông. Trong khi Biển Đông không phải là « vịnh », cũng không thể là vùng nước « lịch sử » của TQ. Về địa lý, nó chỉ là vùng biển « nửa kín ». Nó cũng không mang yếu tố « sinh tử » đối với dân Trung Hoa. Hàng ngàn năm qua TQ không ngó ngàng đến Biển Đông, dân Trung Hoa đâu có chết ? Trong khi các dân tộc chung quanh, như VN, nếu không có biển, quốc gia này đã không thể khai sinh và hiện hữu.

Hoa Kỳ (và cộng đồng thế giới) sẽ có phản ứng gì trước những sự ngang ngược của TQ ? Khadafi bạo tàn, ngang ngược, không coi luật pháp quốc tế ra gì. Tên bạo chúa cuồng điên này đã bị trừng phạt. Nhưng TQ không phải là Libye. « Quand la Chine s’éveillera, le monde tremblera – khi mà Trung hoa thức dậy, thế giới sẽ rúng động » là tựa đề của một cuốn sách mà các học giả quốc tế luôn nhắc tới khi nói về TQ. Không phải vì cuốn sách mà vì sự trổi dậy của TQ sẽ làm đảo lộn trật tự thế giới.

Tại Biển Đông vài hôm nay, khi máy bay dọ thám của Mỹ tiếp cận các bãi đá đang được Trung Quốc mở rộng và xây dựng, thì bị phía TQ cảnh cáo, đuổi ra khỏi khu vực. Giả sử trong những ngày tới, máy bay của Hoa Kỳ tiếp tục các công việc thường xuyên của họ, và bay vào vùng giới hạn 12 hải lý. Thái độ của TQ sẽ ra sao ?

Theo tuyên bố của các viên chức TQ, nước này sẽ dùng mọi cách để bảo vệ lãnh thổ của họ. Tuyên bố này hàm ý sẽ sử dụng vũ lực nếu máy bay (hay tàu bè) của Mỹ xâm phạm vào trong vùng giới hạn 12 hải lý.

Nhưng Mỹ quan niệm rằng các đảo nhân tạo, cho dầu nó lớn cách mấy, đều không có lãnh hải và vùng kinh tế độc quyền. Quan niệm này phù hợp 100% với UNCLOS.

Điều 121, khoản 1 của Bộ Luật Quốc tế về Biển định nghĩa « đảo là một dãi đất tự nhiên được nước (biển) bao bọc chung quanh và không bị ngập khi thủy triều cao ».  

Các bãi đá (chìm, nổi, nửa chìm nửa nổi…) mà TQ chiếm được của VN tại khu vực TS đã không còn tình trạng ban đầu. Không ai có thể xác nhận được tính chất địa lý của chúng trước đây là gì ? Cồn, bãi, đá chìm, nổi, nửa chìm nửa nổi ? Đơn giản chúng trở thành « đảo nhân tạo ». Gọi là « đảo nhân tạo », dĩ nhiên đảo này mất đi bản chất « dãi đất tự nhiên » theo định nghĩa của UNCLOS, nó sẽ không được hưởng lãnh hải (12 hải lý) vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý) và thềm lục địa, tương tự như đất liền.

Trong quá khứ, Mỹ và TQ đã có « đụng chạm », như vụ chiếc tàu Impeccable tháng 3 năm 2009, tại khu vực biển giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam, hoặc vụ chiếc máy bay dọ thám EP-3E năm 2001 tại khu vực đảo Hải Nam. Các vụ « đụng chạm » này đến từ các quan niệm trái ngược nhau về tự do hàng không và hàng hải.  Các bộ luật về Biển của TQ công bố vào tháng 6 năm 1998 hay tháng 6 năm 2002, qui định các hành vi « nghiên cứu » của bất kỳ thuyền bè nước ngoài trên vùng biển (EEZ) của TQ là « phạm pháp ». Điều này đi ngược lại tinh thần bộ luật Quốc tế về Biển 1982.

Thách thức trước mắt cho Mỹ (nhứt là cho VN và Phi), là TQ đã « ngồi xổm » lên luật quốc tế, dùng luật rừng cấm biển ngay trong vùng biển của nước khác. Tương tự cấm hàng xóm không cho họ cày cấy trên ruộng của họ. Dùng « chân lý của họng súng » để định nghĩa quyền lợi của TQ tại Biển Đông. Dùng luật bá đạo để mở rộng và xây dựng các bãi đá thụ đắc bằng phương pháp vũ lực rồi tuyên bố cấm xâm phạm vùng biển cũng như không phận (sau này là vùng ADIZ).

Nhưng TQ không phải là Libye. Vì vậy các nước liên hệ phải giúp cho Mỹ, tất cả những phương tiện sẵn có, trước hết là để bảo vệ « các nguyên tắc luật pháp quốc tế », sau là để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như các quyền và quyền lợi chính đáng của quốc gia mình.

dimanche 17 mai 2015

Hòa ước Trung-Nhật 1952 phải chăng đã “mặc nhiên” giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa Dân Quốc ?

Bài viết của tác giả Lê Nam Trung Hiếu trên BBC, được giới thiệu là “Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế, đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành sử quốc tế tại Bỉ”, có viết như sau:

“...chỉ 7 tháng sau hội nghị San Francisco, Nhật Bản và Đài Loan ký với nhau một hiệp ước hòa bình riêng rẽ, trong đó khoản 2 mặc nhiên công nhận hai quần đảo trên thuộc chủ quyền của Đài Loan, đồng nghĩa với việc chối bỏ chủ quyền được đại diện của Quốc gia Việt Nam tuyên bố công khai tại hội nghị San Francisco.”
  
“Hai quần đảo trên” viết ở đoạn trên là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều này hoàn toàn không đúng. Khoản 2 của hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật 1952 không hề “mặc nhiên công nhận” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Đài Loan.

Điều 2 Hiệp ước Hòa bình 28-4-1952 giữa Trung Hoa Dân quốc và Nhật Bản, nguyên văn như sau: 

“It is recognized that under Article 2 of the Treaty of Peace with Japan signed at the city of San Francisco in the United States of America on September 8, 1951 (hereinafter referred to as the San Francisco Treaty), Japan has renounced all right, title and claim to Taiwan (Formosa) and Penghu (the Pescadores) as well as the Spratly Islands and the Paracel Islands.[i]

Tạm dịch: Hai bên nhìn nhận rằng theo điều 2 của Hiệp ước San Francisco ngày 8-9-1951, Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa chủ quyền cũng như mọi yêu sách về đảo Đài Loan, Bành Hồ cũng như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Không thấy đoạn nào trong điều ước này nói Nhật giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan hiện nay). Chỉ thấy ghi là  hai bên “nhìn nhận điều 2 của Hiệp ước San Francisco 8-9-1951”.

Vậy thì điều 2 của Hiệp ước San Francisco 8-9-1951 nói gì?

Nguyên văn Điều 2, Hòa ước San Francisco 8-9-1951:

Article 2

Japan, recognizing the independence of Korea, renounces all right, title and claim to Korea, including the islands of Quelpart, Port Hamilton and Dagelet.
Japan renounces all right, title and claim to Formosa and the Pescadores. 
Japan renounces all right, title and claim to the Kurile Islands, and to that portion of Sakhalin and the islands adjacent to it over which Japan acquired sovereignty as a consequence of the Treaty of Portsmouth of September 5, 1905.
 Japan renounces all right, title and claim in connection with the League of Nations Mandate System, and accepts the action of the United Nations Security Council of April 2, 1947, extending the trusteeship system to the Pacific Islands formerly under mandate to Japan. 
Japan renounces all claim to any right or title to or interest in connectionwith any part of the Antarctic area, whether deriving from the activities of Japanese nationals or otherwise. 
Japan renounces all right, title and claim to the Spratly Islands and to the Paracel Islands.
Tạm dịch:

Nhật phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa (chủ quyền) và mọi yêu sách tại:
(a) Triều Tiên, và công nhận nền độc lập của xứ này,
(b) đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ,
(c) quần đảo Kouriles và phần đảo Sakhaline cũng như các đảo khác đã nhượng cho Nhật qua Hiệp ước Portsmouth năm 1905,
(d) tại các đảo đã được giao cho Hội Quốc Liên quản lý và theo quyết định của Hội đồng Bảo an ngày 2 tháng 4 năm 1947,
e/ vùng Bắc cực,
(f) các quần đảo Spratly (Trường Sa) và quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Điều 2 của Hiệp ước San Francisco 1951 không hề xác định Hoàng Sa và Trường Sa, kể cả đảo Đài Loan, sẽ giao cho nước nào!

Theo ngôn ngữ công pháp quốc tế, sự từ bỏ lãnh thổ của Nhật không phải là một sự từ bỏ “in favorem”, tức là giao lại cho một quốc gia đối tượng nào đó, mà là một sự từ bỏ đơn thuần. Số phận của những vùng lãnh thổ từ bỏ sẽ do phe chiến thắng quyết định.

Ngay từ điều 2 của Hiệp định San Francisco cũng đã xác định là Nhật không có bất kỳ một “quyền” nào đối với những lãnh thổ từ bỏ (Japan renounces all right, title and claim…). Tức là Nhật không có thẩm quyền giao các vùng lãnh thổ từ bỏ đó cho bất kỳ một quốc gia nào.

Nếu Nhật có thẩm quyền giao HS và TS cho Trung Hoa Dân Quốc, tại sao điều 2 của Hiệp ước Hòa Bình Trung-Nhật 28-4-1952 lại không ghi rõ HS và TS giao lại cho Trung Hoa Dân quốc mà chỉ đơn thuần lập lại điều 2 của hiệp ước San Francisco 1951 ?

Vì vậy muốn biết số phận của các vùng lãnh thổ (mà Nhật từ bỏ) giao cho ai thì phải nghiên cứu Hiệp ước San Francisco 1951 và các kết ước liên quan.

Hội nghị San Francisco bắt đầu từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 9 năm 1951, gồm có 52 quốc gia tham gia, trong đó có 49 quốc gia ký hiệp ước hòa bình với Nhật. Vào thời điểm đầu hàng, 14-8-1945, Nhật đã có tuyên chiến với 46 nước, trong đó không có Việt Nam. Từ thời điểm này đến ngày mở đầu Hội nghị San Francisco ngày 4 tháng 9 năm 1951, Hội nghị đón nhận thêm 9 nước khác (tuyên bố chiến tranh với Nhật). Các nước này là các nước đã bị Nhật chiếm đóng lúc chiến tranh, không tự chủ về ngoại giao, vì ở tình trạng dưới quyền bảo hộ của một nước khác. Một trong 9 nước đó là Việt Nam.

Hòa ước San Francisco 1951 viết bằng 4 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Nhật. Nhưng chỉ có ba ngôn ngữ đầu là có hiệu lực pháp lý. Hòa ước bao gồm gồm 7 chương, 27 điều và một lời mở đầu. Điều 2 nói về lãnh thổ (đã ghi lại ở trên). Ta thấy rằng Hiệp ước San Francisco 1951 cũng không qui định rõ rệt số phận các lãnh thổ mà Nhật từ bỏ. Vì vậy điều cần thiết phải nghiên cứu các kết ước liên quan cũng như “hậu trường”, tức những vận động tiền hội nghị.

Các kết ước liên quan đến lãnh thổ gồm có Tuyên bố Cairo 1943, ký giữa đại diện ba nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa là Theodore Roosevelt, Winston L.S. Churchill và Tưởng Giới Thạch. Tuyên bố Cairo là kết quả của Hội đàm Cairo, qui định về số phận các vùng lãnh thổ bị Nhật chiếm cũng như hứa hẹn quyền lợi dành cho Trung Hoa để nước này đứng về phía Đồng minh.

Nội dung tóm lược những vùng lãnh thổ mà Nhật phải trả lại là:

– Tất cả những đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến I;
– Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ;
– Tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực;
– Nhân dân Hàn Quốc lấy lại chủ quyền đất nước mình trong một thời gian nhất định.

Tức là, những vùng lãnh thổ mà Nhật từ bỏ, giao lại cho Trung Hoa gồm Mãn Châu, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ. Không hề thấy có ghi Hoàng Sa và Trường Sa.

Về mật ước Yalta, ký ngày 11 tháng 2 năm 1945 giữa đại diện của Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô tại Yalta, nói về điều kiện để Liên Xô tuyên bố chiến tranh với Nhật. Stalin chấp nhận tuyên bố chiến tranh với Nhật Bản chỉ sau khi Đức thua trận. Các khoản liên quan đến lãnh thổ dành cho LX gồm có:  giữ nguyên trạng xứ Ngoại Mông (Mông Cổ), trả lại cho Liên Xô phần phía nam đảo Sakhaline, nhượng cho Liên Xô quần đảo Kouriles.

Một văn kiện khác cũng đề cập đến lãnh thổ, là Tối hậu thư Potsdam (Tuyên bố Potsdam) của các nước Đồng minh là Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa gởi cho Nhật Bản ngày 26 tháng 6 năm 1945.

Nội dung gồm một số điều bó buộc Nhật Bản phải chấp nhận : 1/ thi hành các điều đã xác định theo tuyên bố Cairo; 2/ lãnh thổ Nhật Bản sẽ chỉ giới hạn trên các đảo Hondo, Hokkaido, Kiousiou và Si Kok cũng như trên một số đảo nhỏ khác sẽ được xác định do các nước đồng minh; 3/ Nhật sẽ bị hoàn toàn giải giới và các lực lượng quân đội Nhật sẽ giải ngũ.

Liên Xô ký vào Tuyên bố Potsdam ngày 8 tháng 8 năm 1945.

Ngày 10 tháng 8 chính phủ Nhật cho biết họ chấp nhận các điều kiện của Tối hậu thư Potsdam.

Ngày 14-8-1945 Nhật tuyên bố đầu hàng. Ngày 2 tháng 9 đại diện Nhật Hoàng ký vào văn bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện với tướng Douglas Mac Arthur tại vịnh Tokyo. Văn kiện đầu hàng không điều kiện được đại diện 9 nước sau đây ký nhận: Hoa Kỳ, Trung Hoa, Anh, Liên Bang Xô-viết, Úc, Canada, Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Pháp, Hòa Lan và Tân Tây Lan.

Sự kiện này cần nhắc nhở vì sự hiện diện của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Pháp trong văn bản đầu hàng của Nhật Bản là một sự kiện quan trọng (cho việc khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

Tất cả các văn kiện trên không có điều nào nói về số phận của hai quần đảo HS và TS. Tối hậu thư Potsdam quan trọng vì tái xác nhận Tuyên ngôn Cairo và được sự nhìn nhận vô điều kiện của Nhật.

Vì vậy, muốn tìm hiểu các vùng lãnh thổ do Nhật từ bỏ sẽ giao cho quốc gia nào ta phải nghiên cứu về “tiền Hội nghị San Francisco” đồng thời xét đến công pháp quốc tế và tập quán quốc tế về những vấn đề chủ quyền ở các vùng lãnh thổ bị từ bỏ (trường hợp không in favorem).

Theo tác giả Focsaneanu Lazar trong “Les Traités de paix du Japon. In: Annuaire français de droit international, volume 6, 1960. pp. 256-290 ». Hội nghị San Francisco đã đưa ra 4 giải pháp để giải quyết số phận các vùng lãnh thổ mà Nhật từ bỏ. Lược dịch ra như sau :

a)    Đề nghị thứ nhứt, các vùng đất (Nhật từ bỏ) thuộc quyền quản lý của tất cả các nước có tuyên bố chiến tranh với Nhật, tức hình thức "cộng đồng quản lý" (condominium). Việc chuyển giao chủ quyền đã được thực hiện lúc Nhật ký kết Tuyên bố Potsdam và đầu hàng vô điều kiện (14-8-1945). Điều 2 của Hiệp ước chỉ nhằm mục tiêu hợp pháp hóa hành vi từ bỏ lãnh thổ của Nhật mà thôi. Vấn đề kế thừa những vùng lãnh thổ (Nhật từ bỏ) không còn liên quan đến Nhật cũng như Hiệp ước 1951. Tức là số phận của những vùng đất này đã được đồng minh định đoạt rồi. (Chính phủ Pháp nghiêng về giải pháp này.)  

b)   Thứ hai, các vùng đất này thuộc quyền quản lý của các nước ký kết vào Hiệp ước. Đề nghị này bị Liên Xô chống đối. Hai nước Ấn Độ và hai nước Trung Hoa thì đòi hỏi "cộng đồng quản lý" ngay cả lãnh thổ của Nhật.

c)    Các vùng đất này trở thành đất vô chủ (terrae derelictae).

d)   Các vùng đất này trở thành đất vô chủ, người ta có thể chiếm hữu. Điều này hàm ý, những nước tham chiến đang chiếm đóng tạm thời tại các vùng lãnh thổ đó có thể chiếm đóng vĩnh viễn và tuyên bố chủ quyền.

Chiếu những điều xảy ra trên thực tế, ta thấy điều (a) và (d) đã được thực hiện.

Một chi tiết quan trọng điều 2 của Hiệp ước San Francisco là do đại diện phái đoàn Pháp đề nghị.

Hành vi của Pháp dĩ nhiên là có tính toán.

Bởi vì, từ ngày 28 tháng 2 năm 1946 Pháp đã ký kết với Trung Hoa Hiệp ước Trùng Khánh, Pháp tuyên bố hủy bỏ tất cả các quyền lợi và tô giới của Pháp tại Trung Hoa đồng thời cam kết dành sự ưu đãi về kinh tế cho Trung Hoa, như nhượng tuyến đường xe lửa Vân Nam – Hải Phòng, dành ưu đãi về kinh tế, kiều dân Trung Hoa sống tại Việt Nam được hưởng qui chế ưu đãi đặc biệt. Đổi lại quân đội Trung Hoa sẽ rời Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 3 năm 1946 để quân Pháp vào thay thế.

Trong khi đó, phía nam vĩ tuyến 16, vì lý do chiến lược, Anh cũng đồng ý nhượng quyền lại cho Pháp.

Tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Nhật rút đi Pháp liền gởi quân đến các nơi này để khẳng định chủ quyền. Tại Hoàng Sa quân đội Pháp-Việt đã có mặt từ tháng 5 năm 1946. Tháng 10-1946, quân Pháp ra đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc Trường Sa, đóng mốc mới, khẳng định lại chủ quyền.

Như thế, hành động của Pháp phù hợp hoàn toàn theo đề nghị (a) và (d) về việc giải quyết các vùng đất do Nhật từ bỏ.

Pháp đã khẳng định lại chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, dưới sự mặc nhiên chấp thuận của Hoa Kỳ và Anh.

Hồ sơ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ các năm 1955-1957, đọc ở link sau đây : http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1955-57v03/d187  ta thấy Mỹ đã có thái độ rõ rệt về chủ quyền HS và TS thuộc VN.

Tổ chức GATO (General Agreement On Tariffs And Trade) tiền thân của WTO cũng nhìn nhận HS và TS thuộc VN. Ngày 16-4-1951, bảng sắp xếp theo địa lý các vùng trao đổi thuơng mại với Hoa Kỳ, Hoàng Sa và Trường Sa đã được cơ quan này xếp vào lãnh thổ của Việt Nam.


Còn về tuyên bố của đại diện VN tại Hội nghị San Francisco là ông Trần Văn Hữu, vì không có nước nào lên tiếng phản đối, dĩ nhiên là tuyên bố này có hiệu lực: Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Nó củng cố, hợp thức hóa những vận động của Pháp về lãnh thổ trên thực tế đã thể hiện từ năm 1946.


Hòa ước Trung-Nhật năm 1952 Nhật không thể giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa Dân Quốc. Một mặt vì Nhật không có thẩm quyền, mặt khác là không thể giao một lãnh thổ đã có chủ. Tác giả bài viết cho rằng điều 2 Hòa ước Nhật-Trung 1952 "đồng nghĩa với việc chối bỏ chủ quyền được đại diện của Quốc gia Việt Nam tuyên bố công khai tại hội nghị San Francisco" là không đúng. Ông Trần Văn Hữu không hề có hành vi nào "chối bỏ chủ quyền". Ngược lại, tuyên bố của ông tại Hội nghji San Francisco mới làm cho điều 2 Hòa ước -Nhật-Trung không có giá trị.

Kết luận: Khoản 2 của hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật 1952 không hề “mặc nhiên công nhận” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Đài Loan. Kết luận của tác giả bài báo trên BBC hiển nhiên là phiếm diện. Ngay cả Trung Quốc hiện nay cũng không thấy vịn đến Hòa ước 1952 như là một bằng chứng về chủ quyền của người Hoa tại HS và TS. Chi tiết trong bài viết của tác giả tuy không đáng kể so với nội dung bài viết, nhưng tác hại rất đáng kể cho chủ quyền của VN.

Bài viết còn để lộ nhiều điểm sai sơ đẳng khác. Nhưng không đề cập vì thuộc phạm vi bài viết này.




[i] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%20138/v138.pdf

mercredi 13 mai 2015

Cần nghiên cứu giải pháp « condominium » bãi đá san hô Fiery Cross một cách nghiêm túc.

Bãi đá Fiery Cross (9°33’ bắc, 112°52 đông) tên Việt là bãi Chữ Thập, người Hoa gọi là Vĩnh thử tiều. Đây là một bãi đá ngầm có bề dài 28km, bao gồm một chuổi bãi san hô hoàn toàn chìm dưới nước, ngoại trừ một mỏm đá cao hơn mặt nước biển ở phía tây nam. Vùng nền của các bãi thuộc Fiery Cross có độ rộng quan trọng (so với các đảo thuộc Trường Sa) nhưng các bãi chia cách nhau do độ sâu nước biển (từ 15m đến 40m). Bãi này nằm phía ngoài vùng hải phận kinh tế độc quyền (200 hải lý, tính từ đường cơ bản) của cả hai nước Việt Nam và Phi (nhưng có thể nằm trên thềm lục địa mở rộng của VN). Trên phương diện địa lý bãi thuộc nhóm Tizard nhưng lại biệt lập với các nhóm đảo như Nam Yết, Sinh Tồn, Thị Tứ, Loại Ta…

Theo các nguyên tắc của Luật quốc tế về chiếm hữu lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể chiếm hữu một lãnh thổ nếu « lãnh thổ » này hiện hữu thường trực. Các bãi chìm dưới mặt nước không thể xem là một lãnh thổ, vì vậy không thể chiếm hữu. Bãi Chữ Thập vì có một bộ phận thường trực nổi trên mặt nước vì vậy nó có thể chiếm hữu.

Việt Nam, Phi, Trung Quốc và Đài Loan cùng dành chủ quyền ở bãi đá này.

Theo tài liệu « China and the South China Sea Dialogues » của tác giả Lee Lai To, nhân dịp hội nghị UNESCO vào tháng 3 năm 1987, TQ đã được tổ chức này cho phép xây dựng hai trạm thời tiết nhằm phục vụ nghiên cứu tổng quát về hải dương. Một trạm được TQ đặt trên đá Chữ Thập. Bắt đầu từ thập niên 90, TQ xây dựng một căn cứ quân sự.

Không thấy phía VN (hay Phi) lên tiếng phản đối quyết định của UNESCO hoặc bảo lưu chủ quyền tại bãi đá này.

Từ tháng 4 năm 2014, TQ đã ráo riết bồi đắp bãi đá Fiery Cross (và một số bãi khác chiếm được của VN năm 1988). Theo tin tức từ các viên chức TQ, Bắc kinh sẽ mở rộng và xây dựng đảo này thành một căn cứ quân sự tương tự như căn cứ Diego Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương. Đến nay, dầu việc xây dựng chưa hoàn tất, nhưng các hình chụp từ vệ tinh cho thấy trên đảo một phi đạo dài khoảng 3.000m, một bến tàu cùng với khoảng 60 cơ sở kiến trúc.

Căn cứ Diego Garcia của Mỹ có thể so sánh với căn cứ Guam. Đây là những căn cứ hậu cần quan trọng nhứt của Mỹ (không ở trên nước Mỹ) bao gồm phi đạo, bãi đậu phi cơ và một bến tàu. Tất cả các cuộc xuất phát của không quân, hải quân Mỹ trong các cuộc chiến ở Irak, Afghanistan… từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay đều đến từ căn cứ Diego Garcia.

Bằng cái nhìn của người VN trên phương diện chiến lược quân sự, trong các đảo mà TQ ra sức mở rộng và xây dựng, bãi Chữ Thập có tầm nguy hiểm hơn cả. Đảo này có diện tích lớn hơn hết, án ngữ giữa bờ biển VN và các đảo Trường Sa. Các cuộc hành quân (không quân và hải quân) của VN nhằm giải vây các đảo như Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử… (trường hợp các đảo này gặp biến cố) sẽ gặp trở ngại.

Nếu TQ lập vùng « Nhận diện phòng không », đảo Chữ Thập sẽ là một điểm cơ bản. Từ điểm này TQ có thể mở rộng (hải phận và không phận) của họ. Ranh giới vạch ra chỉ cách bờ biển VN khoảng 100 hải lý. Trong chừng mực, yêu sách đường chữ U chín đoạn của TQ sẽ được thực hiện.

Trên phương diện « chủ quyền », sự hiện diện của TQ tại đá Chữ Thập từ tháng 3 năm 1987 đến nay chưa chắc đã củng cố chủ quyền của nước này. Hồ sơ Phi kiện TQ năm ngoái, có đề cập việc yêu cầu Tòa tuyên bố TQ có quyền chiếm hữu các bãi đá (chìm như Fiery Cross) hay không ?

Việc UNESCO đồng ý cho phép TQ xây dựng trên đá này một trạm nghiên cứu thời tiết và đại dương tháng 3 năm 1987 với mục đích hòa bình, phục vụ cho lợi ích của nhân loại.

TQ đã xây dựng và bồi đắp đảo này thành một trung tâm quân sự, đi ngược lại sự ủy nhiệm của UNESCO. Việc này đe dọa an ninh khu vực.

Vì vậy, TQ đã vi phạm công pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc cơ bản về chung sống hòa bình. Vấn đề do đó sẽ liên quan trực tiếp đến LHQ.

Cuối tháng tư 2015 tư lệnh hải quân TQ, ông Shengli, trước những phản đối ngày càng gay gắt của Hoa Kỳ, đã lên tiếng đề nghị cho Hoa Kỳ (và các nước khác) sử dụng các đảo (mà TQ đang xây dựng) vào các mục tiêu cứu nạn.

Bộ Ngoại giao HK trả lời rằng họ « không quan tâm đến đề nghị này ». Dầu vậy đề nghị của TQ phù hợp với nội dung ủy nhiệm ban đầu của UNESCO.

Theo tôi thì VN cần nắm lấy đề nghị này để tiến đến giải pháp « condominium » bãi đá Chữ Thập – Fiery Cross (và có thể các bãi đá khác của TQ ở TS) nhằm giải tỏa áp lực của TQ.

Cần nói thêm về ý nghĩa của giải pháp « condominium » và « chủ quyền –souveraineté ».

Condominium là một thuật ngữ thuộc Quốc tế Công pháp, chỉ cho một vùng lãnh thổ được quản trị bởi hai hay nhiều quốc gia. Theo Nguyễn Quốc Định (và các tác giả khác) trong tập « Droit International Public », đoạn 317, tr 542, « condominium » là một giải pháp nhằm « đông lạnh » các tranh chấp chủ quyền giữa hai hay nhiều quốc gia tại một vùng lãnh thổ : cuối cùng thì các bên đều không có chủ quyền ở vùng lãnh thổ này (c’est une manière de geler les prétentions contradictoires : il reste pour tous une territoire étranger).

Thuật ngữ « chủ quyền – souveraneté », theo Công pháp Quốc tế là « quyền tối thuợng và duy nhứt », là « tư cách pháp nhân » của quốc gia trước công pháp. Nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế là các quốc gia, lớn nhỏ bất kỳ, đều « bình đẳng về chủ quyền » (túc bình đẳng về tư cách pháp nhân. Không phải anh là « nước lớn" thì anh có nhiều thẩm quyền hơn nước nhỏ). Một lãnh thổ vì vậy không thể có hai « chủ quyền – souveraineté ».  « Chủ quyền – souveraineté » không thể phân chia. (Vì nếu phân chia được, giả sử một vùng lãnh thổ có thể có hơn hai « chủ quyền ». Một quốc gia có hơn hai pháp nhân, nền tảng « bình đẳng về chủ quyền » của Quốc tế công pháp sẽ sụp đổ).

(Người Việt phần đông, kể cả các học giả, hay lầm lẫn giữa chủ quyền và quyền sở hữu. Thuật ngữ « condominium » ở Mỹ và một số nước được sử dụng trong lãnh vực bất động sản như là « sở hữu tập thể ». Vì vậy họ tưởng lầm « condominium » là một hình thức chia sẻ chủ quyền. Điều này sai. Thuật ngữ « condominium » chỉ được hiểu như là việc « chia sẻ thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ » (như về kinh tế) giữa hai hay nhiều quốc gia. Theo Nguyễn Quốc Định (dẫn trên), lãnh thổ dưới « condominium » sẽ không thuộc « chủ quyền » của quốc gia nào.)

Theo tôi, giải pháp này có thể giải tỏa những căng thẳng trong khu vực.


dimanche 10 mai 2015

Bàn cờ Biển Đông.

Nhiều người cho rằng trên « bàn cờ Biển Đông » Trung Quốc đã đi những nước cờ cao. Điều này đúng nếu xét đơn thuần trên những phản ứng của lãnh đạo Việt Nam. Thật vậy, những chiêu thức « chết người » của Trung Quốc đưa ra như vụ giàn khoan HY 981 đặt ở thềm lục địa VN, kế cận đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) vào tháng 5 năm ngoái. Hoặc vụ cho xây dựng mở rộng một số bãi đá (chiếm trên tay VN) ở Trường Sa, cũng bắt đầu hồi tháng 4 năm ngoái, đã làm cho lãnh đạo VN lúng túng. Họ không biết phải phản ứng, hay trả đũa thế nào cho thích đáng. Lãnh đạo VN lâm vào cảnh « tiến thoái lưỡng nan ». Nếu nói bằng thuật ngữ « cờ tướng », VN lâm vào thế « cờ đang dỡ cuộc không còn nước ». Cho rằng TQ chơi cờ cao là đúng.

Nhưng thực ra, nếu biết « chơi cờ », ta thấy ngay rằng những « nước cờ » của TQ cũng không cao lắm, không phải là không có phương pháp hóa giải. Những nước cờ của TQ đã để lộ những sơ hở chết người.

Về giàn khoan (HY 981) đặt trên thềm lục địa của VN đã mở ra một cơ hội bằng vàng để Việt Nam đặt lại vấn đề chủ quyền của VN ở quần đảo Hoàng Sa. Điều này tôi đã giải thích và đề nghị giải pháp giải quyết ở đây. Nhiều tháng đã trôi qua, không thấy ai phản biện, hay vạch ra những điểm « bất khả thi » trong đề nghị này.  

Giải pháp này, nếu áp dụng kịp thời, cũng có thể hóa giải « thế cờ » của TQ trong vụ xây dựng, mở rộng diện tích các bãi san hô (chìm, nửa chìm nửa nổi, chiếm của VN năm 1988).

Một số điểm ghi lại như sau :

VN đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) tuyên bố một số điều :

-      Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.

-      Việc chiếm hữu các bãi san hô (chìm, hay lúc chìm lúc nổi) ở Trường Sa năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

-      Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

Ba điều yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc về quyền của quốc gia Việt Nam, là thành viên các công ước và các nguyên tắc cơ bản của LHQ. Việc giải thích nội dung các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Tòa CIJ. (Các điều ước quốc tế liên quan gồm : Công ước Drago-Porter 1907, Hiến chương LHQ điều 2 khoản 4 ngày 26-6-1945, hay Tuyên bố của Đại hội đồng LHQ 18-11-1987). Đặc biệt các yêu cầu này không liên quan đến các bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế.



Nếu VN thua, tức Tòa không tuyên bố (không có ý kiến), thì VN cũng không có gì để mất. Trong vụ yêu cầu Tòa tuyên bố này không hề nói đến chủ quyền các đảo (HS và TS) là của ai, mà chỉ nói đến việc nhìn nhận hay không nhìn nhận, danh nghĩa chủ quyền nếu việc chiếm hữu thực hiện bằng vũ lực.

Còn nếu thắng (sác xuất thắng là rất cao), VN được nhiều thứ.



Vị trí giàn khoan 981 có thể được xem nằm trong vùng biển « có tranh chấp » mà  tranh chấp này phát sinh từ chủ quyền các đảo HS chứ không phải phát sinh do chồng lấn hải phận (giữa bờ biển VN với các đảo HS, theo như lập luận của TQ hiện nay).

Theo thông lệ quốc tế, nếu lãnh thổ có tranh chấp, việc giải quyết thường là chia hai (hay cộng đồng khai thác), mỗi bên được một phần của lãnh thổ đó. Tức là, quần đảo HS có thể chia hai, thí dụ hai nhóm Nguyệt Thiềm và An Vĩnh. VN có thể nhận nhóm Nguyệt Thiềm (phía tây) và giao cho TQ nhóm An Vĩnh (phía đông). Hải phận sinh ra do quần đảo này do đó cũng sẽ chia hai.

Đó là cái lợi thứ nhất. 

Cái lợi thứ hai ở Trường Sa. Nếu tòa tuyên bố, thì TQ không có chủ quyền tại các bãi san hô (chiếm của VN) tại TS. TQ sẽ không thể tuyên bố vùng « nhận diện phòng không » trong khu vực này được.

Cái lợi thứ ba, là VN dành được tính « chính đáng ».

Vấn đề là đến hôm nay VN vẫn không xúc tiến việc khiếu nại.

TQ tiếp tục những việc đã làm : mở rộng các bãi san hô chìm, nổi (chiếm của VN năm 1988) ở Trường Sa trở thành những hòn đảo thực sự và xay dựng trên đó những căn cứ quân sự quan trọng. Theo các giới chức Trung Quốc, họ sẽ xây dựng đá Chữ Thập (Fierry Cross) thành một căn cứ quân sự có thể sánh với đảo Diego Garcia của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Các bãi san hô khác như đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Châu Viên, đá Xu Bi, đá Ga ven… cũng được bồi đắp mở rộng thành các đảo thực sự và trên đó xây dựng những căn cứ quân sự. Đá Vành Khăn, trong vùng biển kinh tế độc quyền của Phi (TQ chiếm năm 1995), cũng được mở rộng và xây dựng tương tự.

VN hoàn toàn bất lực, không có một thái độ phản đối nào thích ứng cho các hành động của TQ, mặc dầu việc xây dựng các căn cứ quân sự của TQ trên các bãi đá này đe dọa trực tiếp an ninh và chủ quyền lãnh thổ của VN.

Trong chừng mực, sự phản đối của Mỹ còn mạnh mẽ hơn VN, mặc dầu nước này không can dự vào tranh chấp chủ quyền giữa VN và TQ.

Để xoa dịu những phản đối của Mỹ, tháng 4-2015, TQ đề nghị cho phép nước này được sử dụng các đảo nhân tạo này trong các hoạt động cứu nạn. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dầu vậy trả lời rằng HK « không quan tâm » trước đề nghị này.

Việc mời gọi (Mỹ) của TQ nhiều người cho rằng đó là một nước cờ cao.

Khi mời gọi Mỹ, TQ khẳng định chủ quyền của họ tại các đảo đang được bồi đắp và xây dựng.

Song  song đó TQ cũng tố cáo VN cũng xây dựng các đảo của mình. Nhân viên thuộc Viện  “Nghiên cứu quốc tế và chiến lược - CSIS” ở Hoa Kỳ cũng xác định lời tố cáo của TQ là “đúng”.

Vấn đề là VN xây dựng các đảo thuộc chủ quyền của mình trong khi TQ xây dựng (hàng chục, hàng trăm lần lớn hơn VN) trên vùng lãnh thổ cướp được của Việt Nam.

Thái độ của viên chức CSIS củng cố chủ quyền của TQ tại các đảo chiếm được.

Hành động của TQ lại đưa VN vào tư thế lúng túng, không có phương cách đáp trả.

Thực ra, nước cờ này của TQ, tương tự vụ giàn khoan 981, cũng mở ra cho VN một cơ hội để vô hiệu hóa các tham vọng của TQ như về chủ quyền các đảo TS, về vùng biển xác định do bản đồ chữ U chín đoạn, hay tham vọng về vùng “Nhận diện phòng không – ADIZ” ở Biển Đông.

Giả sử VN, nhân cơ hội TQ đề nghị cho Mỹ sử dụng các đảo đang xây dựng, đề nghị phương pháp “condominium – cộng đồng chủ quyền” trên các bãi đá mà TQ đang ra sức bồi đắp.

Condominium là một thuật ngữ thuộc Quốc tế Công pháp, chỉ cho một vùng lãnh thổ được quản trị bởi hai hay nhiều quốc gia. Thực ra, thuật ngữ “chủ quyền”, theo Công pháp Quốc tế là “quyền tối thuợng, duy  nhứt”. Vì là “duy nhứt và tối thuợng” do đó không thể phân chia. Không hiện hữu việc hai hoặc ba quốc gia cùng chia sẻ “chủ quyền” ở một vùng lãnh thổ. Vì vậy thuật ngữ “condominium” được hiểu như là việc “chia sẻ thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ” giữa hai hay nhiều quốc gia.

Đề nghị của TQ có nội dung “chia sẻ thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ”.

Lãnh đạo VN vẫn còn thì giờ để khai thác đề nghị này của TQ sao cho phù hợp với tình thế và quyền lợi của đất nước.

Những nước cờ của TQ vì vậy cũng không cao minh cho lắm và lãnh đạo TQ biết rõ điều này.

Việc mời mọc HK sử dụng các đảo đã tố cáo rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông không chắc đã tạo cho TQ một tư thế áp đảo. Ngược lại, nó để lộ các yếu điểm chết người. Các đảo này dễ dàng trở thành “mồ chôn” tập thể vừa cho phi cơ vừa cho tàu bè đậu trong bến.