samedi 25 février 2017

Đâu là nguyên nhân cuộc chiến Việt-Trung tháng hai năm 1979 ?

Như thông lệ, vào trung tuần tháng hai hàng năm, báo chí VN thường đăng tải những bài viết về chiến tranh Việt-Trung 17 tháng hai năm 1979.
Trên BBC có đăng lại bài viết của tác giả người Hung, Tiến sĩ Balazs Szalontai, tựa đề “Đàm phán biên giới Việt Trung 1974-1978”. Tác giả cho biết nguyên nhân chính đưa đến xung đột giữa VN và TQ là vấn đề “tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa” :  
“tài liệu từ văn khố Hungary đã hé lộ cho thấy nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột Việt Trung là một vấn đề mà Liên Bang Xô Viết chẳng có dính dáng gì tới: đó là cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.”
Dữ kiện này (nếu có thật) thì là chuyện ngạc nhiên. Vì nó trái ngược với tất cả các tài liệu (đã được giải mã) của các bên, từ phía TQ, VN hay Hoa Kỳ…  
TQ đã mở đầu cuộc chiến khi xua quân tràn qua  biên giới ngày 17 tháng hai năm 1979. Quần đảo Hoàng Sa đã bị TQ chiếm từ tháng giêng 1974. Dĩ nhiên TQ không thể vịn vào “tranh chấp Hoàng Sa” để biện hộ cho hành vi xâm lược. Bởi vì  quần đảo này đã yên ổn trong tay họ.
Về phía Việt Nam (VNDCCH), nếu xét sâu xa ở phương diện lịch sử thành hình biên giới Việt-Trung, vấn đề Hoàng Sa cũng là chuyện “đã rồi”, ít ra trong khoản thời gian từ năm 1958 cho đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Ngay cả lúc sau này VNDCCH thay đổi lập trường, thì kết luận “tranh chấp Hoàng Sa” là nguyên nhân đưa đến cuộc chiến cũng là điều khó thuyết phục.  
Các học giả quốc tế, không ngoại lệ, đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu đưa đến cuộc chiến “Đông Dương lần thứ ba” là yếu tố Liên Xô mà Tiến sĩ Balazs Szalontai đã loại trừ.

Cuộc chiến nhìn từ phía Trung Quốc.
Tác giả King C. Chen trong “China’s War Against Vietnam” kể lại buổi họp ngày 16 tháng hai 1979 tại Bắc Kinh do Hoa Quốc Phong chủ trì, 17 tiếng đồng hồ trước khi lệnh nổ súng ban ra. Đặng Tiểu Bình có bài thuyết trình cho các lãnh đạo CSTQ về bản chất và mục tiêu cuộc chiến.
Theo họ Đặng bản chất cuộc chiến là “hoàn kích tự vệ”. Cuộc chiến được “giới hạn” về thời gian, không gian cũng như về qui mô. Mục tiêu là dạy cho Việt Nam một “bài học”.  
Gọi “hoàn kích tự vệ chiến”, tức đánh trả để tự vệ, bởi vì VN đã “trục xuất kiều dân người Hoa” cũng như bộ đội VN nhiều lần mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ TQ, chiếm đất của TQ cũng như gây nhiều thiệt hại về nhân mạng.
Mục tiêu “cho VN một bài học”, bởi vì “VN cực kỳ ngạo mạn”, xâm lược Campuchia, khoa trương thế lực là “cường quốc thứ ba trên thế giới”.  
Học giả TQ, Xiaoming Zhang, trong “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”, dẫn Nayan Chanda của Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông, rằng cấp lãnh đạo Trung Quốc, trong một cuộc họp Bộ Chính Trị hàng tuần vào đầu tháng Bảy năm 1978, đã ra quyết định “dạy cho Việt Nam bài học” vì thái độ “vô ơn và ngạo mạn”.
Theo tác giả này, trong 20 năm Trung Quốc đã viện trợ cho Hà Nội trên 20 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng sau 1975 VN buộc người Hoa hồi cư đồng thời gia tăng chiến sự trên biên giới. Rõ ràng đây là thái độ phủi ơn và hống hách. Ngoài ra còn có vấn đề can thiệp quân sự vào Campuchia.
Tác giả cũng dẫn ý kiến của Châu Đức Lễ (Zhou Deli), tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu, trong một cuộc họp được tổ chức trong bộ tổng tham mưu QGPND tháng 9 năm 1978. Nội dung nói về “làm sao đối phó với nạn xâm chiếm lãnh thổ của quân đội Việt Nam”.
Ý kiến của Châu Đức Lễ (về việc VN chiếm đất của TQ) được củng cố nếu ta xét tài liệu “mật” của CIA Mỹ về cuộc chiến 1979 đã được bạch hóa. Theo tài liệu này thì VN chiếm khoảng 60km² đất của TQ.
Nhưng ý nghĩa của cuộc “phản công tự vệ chiến” (vì VN chiếm 60km² đất của TQ) là không có căn cứ. Theo nghiên cứu của cá nhân, chuyện VN chiếm 60km² đất của TQ là chuyện “bịa đặt” để TQ “lấy cớ” đánh VN.
Cuộc chiến đã xảy ra đúng như họ Đặng đã nói. Thời gian xung đột chỉ trong một tháng (quân TQ hoàn tất việc rút quân vào ngày 17 tháng 3 năm 1979). Địa bàn chiến tranh chỉ ở các tỉnh biên giới. Về “qui mô”, TQ cũng giới hạn không sử dụng hải quân và không quân.
Không có một dòng nào để ta có thể nghĩ rằng cuộc chiến biên giới 1979 có mối liên quan với vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Cuộc chiến nhìn từ học giả nước ngoài.
Theo cái nhìn của cá nhân tôi, thuyết phục hơn hết là “nguyên nhân chiến lược”, dẫn từ tham luận “Security Issues in Southeast Asia: The Third Indochina War” của học giả Carlyle Thayer, đọc tại Hội Nghị “An Ninh và Kiểm Soát Vũ Khí tại Bắc Thái Bình Dương”, Đại học Quốc gia Úc (Canberra) tháng tám 1987.
Theo học giả Carlyle Thayer, TQ (và cả khối ASEAN) lo ngại sự thành hình của “liên minh chiến lược Đông dương” mà liên minh này thân Liên Xô. Quan niệm của VN “Đông dương là một đơn vị chiến lược duy nhứt, một chiến trường duy nhứt”. Quan niệm này đã thể hiện qua hai cuộc “chiến tranh Đông dương”, lần thứ nhứt giữa Bắc Việt với “thực dân Pháp” và lần hai giữa Bắc Việt với “đế quốc Mỹ”. Cuộc chiến 1979 được gọi là “cuộc chiến Đông dương lần thứ ba”, VN gọi TQ là “bọn bành trướng bá quyền”.
Nếu khảo sát sơ lược các diễn tiến lịch sử đã qua, ta thấy lý thuyết của học giả Carlyle Thayer được chứng minh. Điều này cũng “ăn khớp” với cái nhìn từ TQ.
Khúc quanh làm sụp đổ quan hệ giữa VN và TQ bắt đầu từ năm 1976, khi LX hứa hẹn viện trợ cho VN 3 tỉ đô la. Số tiền này bằng số tiền mà Mỹ hứa sẽ viện trợ, (nếu VN tôn trọng hiệp định Paris). VN trở thành “vệ tinh” của Liên Xô từ lúc này.
Từ năm 1965 đến 1975, LX đã trở thành nhà cung cấp chính yếu các nhu cầu kinh tế và quốc phòng để VN tiếp tục chiến tranh với Mỹ. Mỹ và TQ đã có những thỏa thuận quan trọng từ năm 1972. Năm 1973 Mỹ rút quân khỏi VN. Tất cả những nỗ lực của TQ giúp cho VN, trong 20 năm (từ 1950 đến 1970) là 20 tỉ đô la, nhằm mục đích phòng thủ về phía nam. Sau khi đạt thỏa thuận với Mỹ, TQ hạn chế mọi viện trợ kinh tế và quốc phòng cho VN.
Nhưng sau đó Liên Xô ảnh hưởng lên VN, đồng thời với Afghanistan cũng như Mông cổ và Bắc Hàn. Rốt cục TQ bị bao vây chặt chẽ từ bốn hướng bởi một kẻ thù chiến lược khác, nguy hiểm hơn cả Mỹ, vì LX có tham vọng về lãnh thổ còn Hoa Kỳ thì không.
Cũng năm 1976, những nhân vật thân TQ, như Hoàng Văn Hoan, bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất hết các chức vụ trong đảng.
Tháng bảy năm 1977 VN ký kết “Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác” với Lào có nội dung hỗ tương “tăng cường năng lực phòng thủ… chống lại mọi ý đồ và các hành vi phá hoại của đế quốc chủ nghĩa và các lược lượng phản động ngoại lai…”.
“Đông dương là đơn vị chiến lược duy nhứt” theo quan điểm của VN đang được thành hình. Vấn đề là “đơn vị chiến lược” này thân LX.
Phản ứng của TQ qua Ngoại trưởng Hoàng Hoa là lên án “chủ nghĩa xét lại Xô Viết” đồng thời công khai cảnh cáo trước VN về hậu quả của một cuộc xâm lấn Campuchia.
Tiếp tục theo đuổi sách lược (bài Hoa thân LX) của mình, VN làm đơn xin gia nhập khối COMECON, là khối tương trợ về kinh tế do LX đứng đầu.
Hội nghị đảng tháng hai năm 1978, Hà Nội quyết định phát động chiến dịch “đánh tư sản mại bản” ở miền Nam. Có đến 30.000 doanh nghiệp tư nhân ở miền Nam bị “quốc hữu hóa” mà đa số do người Hoa làm chủ. Chiến dịch thanh lọc mà TQ gọi là “nạn kiều” cũng được phát động cùng thời kỳ. Hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa, phần lớn đã sinh ra và lớn lên ở VN, không biết tiếng Hoa, cũng bị “trục xuất”. Việc này tạo thành một cuộc “vượt biên” vĩ đại, bán chính thức, vì do chính công an VN đứng ra tổ chức. Hàng triệu người VN dùng vàng mua “vé” (trung bình 7 lượng vàng một đầu người) để lên những chiếc tàu đánh cá mong manh với hy vọng thoát thân. Trong khi hàng chục ngàn người Hoa sống ở miền Bắc thì theo đường bộ “vượt biên” trở về lục địa.
Đến thời điểm này nội bộ đảng TQ đã lên kế hoạch “cho VN một bài học”.
Tháng sáu 1978, TQ cho đóng cửa hàng loạt tòa lãnh sự ở VN. Cùng lúc VN chính thức gia nhập khối COMECON. Tháng 11 hai bên VN và LX ký kết hiệp ước an ninh hỗ tương.
Để đối phó, TQ thiết lập những quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Nhật cũng như các nước ASEAN. Hiệp ước “Hòa bình và hữu nghị” giữa TQ và Nhật cũng được ký kết (tháng tám 1978).
Hai bên Nhật và TQ (lục địa cộng sản) không hề tuyên bố chiến tranh trong Thế chiến Thứ II. Không có chiến tranh sao lại ký hiệp định “hòa bình” ? Lợi ích chiến lược có đủ lý lẽ để giải thích. Qua cuộc chiến với VN, TQ lấy được niềm tin với khối tư bản Mỹ, Nhật… Cũng từ lúc này TQ “cất cánh” thành công, qua các kế hoạch “tứ hiện đại”, nhờ vào tư bản và kỹ thuật của Mỹ, Nhật.
Một tháng sau khi ký hiệp ước hỗ tương với LX, ngày 25 tháng chạp 1978 VN xua quân tiến vào lãnh thổ Campuchia.
Tức nước vỡ bờ, cuộc chiến 17 tháng hai 1979 là điều tất yếu phải đến.
Vấn đề là ta không hề thấy yếu tố Hoàng Sa “là nguyên nhân chính đưa đến cuộc chiến” trong bất kỳ lập luận nào của các học giả nước ngoài.

Yếu tố hoàng Sa trong quá trình đàm phán về biên giới.
Lịch sử thành hình đường biên giới hai nước Việt Trung có nhiều uẩn khúc. “Đường biên giới lịch sử” giữa VN và TQ đã thành hình từ thời xa xưa “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Nếu chỉ tính đường biên giới “qui ước”, tức đường biên giới được tập quán quốc tế nhìn nhận, thì biên giới hai nước đã được phân định theo các công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895. Vấn đề là các công ước này đã nhượng nhiều ngàn cây số vuông đất của VN cho TQ.
Theo tài liệu “Sự thật về quan hệ Việt Trung”, NXB Sự Thật, tháng 10-1979, đường hướng giải quyết tranh chấp về biên giới giữa hai nước Việt-Trung của VN được ghi lại khá cụ thể. Tháng 11 năm 1957, lãnh đạo CSVN đề nghị với Trung Quốc : “hai bên giữ nguyên trạng 2 đường biên giới do lịch sử để lại. Các tranh chấp về biên giới, nếu có, sẽ giải quyết bằng thuơng lượng, theo luật pháp quốc tế”.
Cũng theo tài liệu này, tháng 4 năm 1958, phía Trung Quốc trả lời đồng ý đề nghị của Việt Nam.
“Hai đường biên giới do lịch sử để lại” ở đây, dĩ nhiên, một là đường biên giới trên bộ, hai là đường biên giới trên biển (trong Vịnh bắc Việt - Golfe du Tonkin), do Pháp và nhà Thanh phân định năm 1887 (và năm 1895).
Vấn đề Hoàng Sa (và Trường sa) được hai bên đề cập nhân Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 Trung Quốc về hải phận và chủ quyền lãnh thổ của Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc. Nội dung Tuyên bố gồm 4 điểm, tóm lược như sau:
Điểm 1 tuyên bố hải phận 12 hải lý áp dụng trên toàn lãnh thổ, kể cả các quần đảo Tây sa và Nam sa (tức Hoàng sa và Trường sa). Điểm 2 tuyên bố hệ thống đường cơ bản trên đất liền và các quần đảo ngoài khơi. Điểm 3 tuyên bố về vùng cấm không phận và hải phận đối với phi cơ và tàu bè quân sự nước ngoài. Điểm 4 khẳng định nội dung các điều 2 và 3 cũng được áp dụng cho các quần đảo HS và TS…
Ngày 14 tháng 9 năm 1958 Thủ Tướng Phạm văn Đồng ký công hàm tuyên bố VN “ghi nhận” và “tán thành” Tuyên bố đơn phương của TQ.
Công hàm  cam kết : “Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển.”
Tức là, đến thời điểm này VN nhìn nhận chủ quyền của TQ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường của Liên Xô (và khối XHCN) về chủ quyền các quần đảo HS và TS, thể hiện qua Hội nghị San Francisco 1951. Theo đó LX và các nước thuộc khối XHCN ủng hộ lập trường của TQ. Cả hai bên TQ, Mao và Tưởng, đều không tham dự hội nghị. LX là quốc gia “đại diện quyền lợi” cho TQ tại Hội nghị này.
Trong khi đó đại diện của VNCH tại Hội nghị là ông Trần Văn Hữu, nhân dịp này đã lên tiếng khẳng định chủ quyền của VN tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quan điểm của LX không thay đổi, cho đến tháng giêng năm 1974. LX lên án TQ sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa của VNCH. Quân lực Hoa Kỳ không can thiệp vì đã bị các điều ước của Hiệp định Paris 1973 ràng buộc. Trong khi miền Bắc (VNDCCH) thì “im lặng” còn MTGPMN từ khước ký vào bản lên án TQ xâm lăng HS của VNCH.
Cũng theo tài liệu dẫn trên, quan điểm của VN về biên giới trong Vịnh Bắc Việt, cho đến tháng 12 năm 1973 :
“Công ước Pháp-Thanh 1887, điều 2, đã nói rõ kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc bộ. Phía VN sẵn sàng bàn với phía TQ để xác định về cửa vịnh Bắc bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh.”
Yêu sách của phía VN như vậy là hợp lý vì phù hợp với lịch sử và pháp lý.
Nhưng quan niệm của TQ, năm 1974, sau khi xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của VN : “trong vịnh Bắc bộ xưa nay không hề có đường biên giới, nay hai nước phải bàn bạc phân chia.”
Tức là phía TQ, trong chừng mực, đã “bội ước”.  
Hai công ước Pháp-Thanh về biên giới 1887 và 1895 đã nhượng cho TQ các vùng đất quan trọng về kinh tế và chiến lược. Gồm:
Bán đảo Bạch Long, tức khu vực phía đông-bắc Móng Cái, diện tích khoảng 300 cây số vuông. Khu vực này hiện nay vẫn còn có một nhóm “dân tộc Kinh” sinh sống (gọi là Kinh đảo, ngày xưa gồm ba đảo Sơn Tâm, Hà Vĩ và Vu Đầu).
Đất thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Hải Ninh.
Tổng Tụ long, thuộc Vị xuyên (Hà giang hiện nay) diện tích khoảng 700km², là một vùng đất phong phú về quặng mỏ.
Trên lý thuyết VN có thể “đặt lại” hiệu lực các công ước 1887-1895, vì nhà nước bảo hộ Pháp đã “bội ước” (Dol), lấy đất của VN nhượng cho TQ để được lợi ích về kinh tế.
VN đã chấp nhận những thiệt thòi này trên đất liền vì (hy vọng) phía TQ cũng làm tương tự ở biên giới trong Vịnh Bắc Việt.
Nhưng sau khi TQ chiếm được Hoàng Sa, lập tức TQ “phủi sạch” mọi hứa hẹn trước kia (về hai đường biên giới) với VN.
Dĩ nhiên, thái độ của VN, sau 1975, là “lật ngược” lại những cam kết của mình trước kia đối với TQ, như vấn đề Hoàng Sa.
Vì vậy, kết luận của Tiến sĩ Balazs Szalontai, cho rằng “tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa” là “nguyên nhân chính” đưa đến xung đột Việt-Trung năm 1979 là không thuyết phục.
Có thể vấn đề “bội ước” của TQ là “giọt nước làm tràn ly”. Nhưng lý do chính vẫn là TQ từ khuớc giúp miền Bắc “giải phóng miền Nam” (từ năm 1965), mà điều này mới là mấu chốt khiến VN “trở áo” với TQ để “đi” với LX.  
Rốt cục VN chiến thắng trong cuộc chiến 1979. Quân TQ rút khỏi VN mà  quân VN vẫn còn ở Campuchia cho đến mười năm sau.
Còn VN thì “học” được TQ một bài học để đời. Hội nghị Thành đô 1991 nói gì đến nay vẫn chưa ai biết. Kết quả thấy được là sau đó VN chấp nhận tất cả những yêu sách của TQ về biên giới.
VN mất đất trên biên giới (do các công ước Pháp-Thanh). VN ký kết Hiệp định biên giới trên đất liền tháng 12 năm 1999 với TQ, chấp nhận “mất thêm” một số vùng lãnh thổ khác (do cuộc chiến biên giới 1979). Tháng 12 năm 2000 VN ký kết với TQ Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, đường biên giới mới được xác định. VN chịu lép vế không tính hiệu lực các đảo Bạch Long vĩ và Cồn cỏ đồng thời chấp nhận thiệt hại hàng chục ngàn cây số vuông biển (so với biên giới là đường kinh tuyến 108°3’13’’).

Riêng quần đảo Hoàng Sa thì không có gì để nói. TQ không chấp nhận bất kỳ đàm phán nào về quần đảo này. Ngoài ra TQ còn quân sự hóa, biến các đảo “chim ỉa” (nói theo ông Hồ khi nhượng quần đảo này cho TQ) trở thành những địa điểm trọng yếu về kinh tế và chiến lược.

samedi 18 février 2017

Quần thể “lịch sử” Pác Bó sau cuộc chiến biên giới 17 tháng hai năm 1979.


Ngày 17 tháng 2 năm 1979 Trung Quốc xua quân đánh VN, gọi là cuộc chiến “phản công tự vệ”. Trong vòng vài ngày, quân TQ đã đánh chiếm và phá thành bình địa các tỉnh dọc biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai…

Theo các tài liệu của “quân đội” (hai phía VN và TQ) đã công bố “trên internet”, một trong những mũi tiến công của quân đội TQ vào chiếm Cao Bằng là đạo binh thiết giáp, từ TQ qua cột mốc số 108, vào xã Trường Hà để tiến vào Cao Bằng.

Hai hình dưới đây là các họa đồ “chiến sự” mô tả hướng xâm nhập của đạo quân thiết giáp TQ qua ngả cột mốc số 108.

pác bó 4

pác bó 3

Nguồn “internet TQ”.

Theo địa lý VN hang Pắc Bó thuộc bản Bó Bẩm, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Xã này giáp ranh biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Hang Pắc Bó là một địa danh lịch sử của những người cộng sản Việt Nam, từng là nơi trú ẩn của ông Hồ Chí Minh, lúc từ Quảng Tây (Trung Quốc) trở về VN lần đầu (1941). Nơi đây cũng là bản doanh hội họp (chống Pháp) đầu tiên của các lãnh tụ đảng CSVN trên đất VN. Người ta gọi địa danh này là “thánh địa” của những người CSVN.

Bản đồ tỉnh Cao Bằng của VN dưới đây cho thấy vị trí hang Pác bó:

Pác bó - Cao bằng

So sánh các bản đồ, nếu không sai lầm thì đạo quân thiết giáp của TQ từ cột mốc 108 tiến vào Cao Bằng là đường số 203 hiện nay.
Bàii báo của tác giả Trần Đông Đức đăng trên blog của RFA http://www.rfavietnam.com/node/951 cho biết hang Pắc Bó cùng quần thể di tích lịch sử khu vực này đã thuộc về lãnh thổ TQ.

Từ sau chiến tranh VN 54-75, các di tích như hang Pác Bó (gồm có bảo tàng viện Hồ Chí Minh cùng các di tích thiên nhiên như núi Các Mác, suối Lê Nin…) trở thành “di tích lịch sử” ở tầm quốc gia. Quần thể này nằm trên đường tiến quân của quân đội TQ. Ta không ngạc nhiên, trong cuộc chiến biên giới 17 tháng giêng 1979, quần thể này bị phá hủy (và có thể bị chiếm đóng).

Những tấm hình chụp “suối Lê nin”, “bàn đá Bác Hồ”, “núi Các mác”... dưới đây cho thấy quần thể lịch sử này mới xây lại.

Núi Các mác:

Pac bo nuiCacmac

Suối Lê nin:

Pac bo Suoi Lenin

Bàn đá Bác Hồ:

Pac bo ban da Bac Ho

(nguồn: Photos by 214615, Photos by Hung.TD, Photos by Vu Son…)

Bục đá bợ tấm bia, bờ suối Lê Nin, bàn đá… không còn nguyên nét thiên nhiên mà có bàn tay con người thay đổi.

Về “bàn đá của bác Hồ”, có lẽ không ai dùng tảng đá giữa suối để “chông chênh viết sử đảng”. Hợp lý thì ở trong hang Pắc Bó, hoặc ở trên bờ suối, chứ không ở giữa suối như trong hình.

Suối Lê Nin rõ ràng không còn (hay không phải) là suối thiên nhiên. Bờ suối có dấu mới đào, có thể nhằm vào việc khai mương, dẫn nước vào, tạo thành con suối. Suối này có thể là suối nhân tạo.

Những dấu vết tái tạo còn rất mới. Việc này cho phép ta đặt nghi vấn: Hoặc là khu di tích cũ đã nằm trong lãnh thổ Trung Quốc (như kết luận của nhà báo Trần Đông Đức). Hoặc là khu di tích cũ đã bị tàn phá. Quần thể mới (hiện nay) được xây lại trên di tích cũ.

Ta có thể làm sáng tỏ (một phần) vấn đề bằng cách so sánh các bản đồ khu vực : bản đồ biên giới theo công ước Pháp-Thanh 1887 và bản đồ biên giới theo Hiệp ước Phân định biên giới trên đất liền giữa VN và TQ ngày 25 tháng 12 năm 1999. Từ đó ta có kết luận rằng VN có bị mất (khu vực hang Pác bó) cho TQ hay không?

Bản đồ của Sở Địa Dư Đông Dương 1/100.000 dưới đây, địa danh Pắc Bó (ghi trên bản đồ là Pac Bo) ở về phía đông bắc xã Trường Hà (ghi là Trung Ha).

hang pắc bó SGI

Khu vực xã Trường Hà (bản đổ viết là Trung Ha) và Pác bó (bản đồ viết là Pac bo). Các cột mốc số 107, 108, 109… được viết lại màu đỏ. Khoảng cách tương đối Pác Bó cách đều cột mốc 108 và Trường Hà, khoảng 1 hay 2 km.

Bản đồ khu vực xã Trường Hà, hang Pắc Bó dẫn từ bản đồ 1/50.000 của Đại học Texax, Hoa Kỳ.

hang pắc bó 2

Bản đồ này có ghi chú là vẽ lại theo bản đồ của sở Địa dư Đông dương (SGI). Biên giới là “đường nâu đỏ”. Các cột mốc 107, 108, 109… được tác giả viết lại (màu đỏ) và khoanh lại (vòng tròn đỏ). Các địa danh Trung Ha và Pac bo được đóng khung đỏ. So sánh với bản đồ SGI ở trên, ta thấy đường biên giới không có sự khác biệt.

Các cột mốc 107, 108… đánh dấu đường biên giới theo Công ước Pháp Thanh 1887 đã bị thay thế bằng các mốc giới mới.

Pac bo cotmoc107

Hình trên: cột mốc số 107 (nguồn internet TQ).

Pac bo cotmoc108

Hình trên: cột mốc số 108 (nguồn internet TQ).

Trong hình trên, các ghi chú đọc được : bên phải ghi “Trung Quốc Quảng Tây Giới”. Ở giữa ghi “Frontière Sino-annamite”. Bên trái, có dòng chữ khắc lên 德 業卡 (Ðức Nghiệp Kha hay Ca). Số “N° 108” là viết thêm vào mới đây bằng sơn trắng.

Đối chiếu với các biên bản phân giới Pháp-Thanh:

Pac bo bien ban chu Phap

Pac bo bien ban chu Han

Ta thấy 德 業卡 Ðức Nghiệp Kha là tên của cột mốc số 107. Như vậy số “N° 108” (màu trắng) trên cột mốc có thể không đúng.

Trong khi đó hình của cột mốc 107, tên cột mốc khắc trên bia (do mù mờ, có thể) là 凌 傑 山 (Lăng Kiệt Sơn). Đối chiếu với biên bản, tên này tương ứng cột mốc số 108.

Vì thế có điều không rõ rệt ở hai cột mốc 107 và 108 (theo hình chụp). Việc này có thể do bị chuyển dịch, dời đổi và bôi sửa nội dung viết trên các cột mốc. (Sự việc này thường xảy ra trên biên giới, từ thời còn Pháp thuộc).

Theo biên bản, tên và vị trí của hai cột mốc 107 và 108 được mô tả bằng tiếng Pháp như sau :

Borne n° 107, Ta-Nia, Sur le chemin de Linh-Wan (Chine) à Khen-Tac (Tonkin).

Borne n° 108, Lin-Tiao, Sur le chemin venant de Co-Ma (Chine) l’endroit où ce chemin venant du N tourne à l’O. pour suivre la frontière

Đối chiếu với văn bản tiếng Hán, tên cột mốc 107 là 德 業卡 (Ðức Nghiệp Kha hay Ca), được cắm ở vị trí “trên đường từ Linh-Wan (Trung Quốc) đến Khen-Tac (VN).”

Cột mốc 108 là 凌 傑 山 (Lăng Kiệt Sơn), được cắm trên đường đến từ Co-Ma (TQ), tại điểm mà đường này đến từ phía bắc chuyển sang phía tây, rồi đi theo đường biên giới.

Bản đồ sau đây dẫn từ nguồn “ban biên giới” của VN, theo đúng Hiệp định Phân định biên giới trên đất liền 25-12-1999. Bản đồ phân giới tỉ lệ 1/50.000.

Ta thấy các cột mốc cũ 107, 108, 109… (cắm từ đông sang tây) được thay thế bằng các cộng mốc mới từ mốc số 670 đến 679 (cắm từ tây sang đông).

hang pác bó 3

Bản đồ có ghi tên các địa danh “núi Các mác”, “suối Lê Nin” và hang Pác bó.

VN không mất quần thể Pác bó cho TQ.

So sánh bản đồ 1/50.000 của ban biên giới VN với bản đồ SGI hay bản đồ của đại học Texas Hoa kỳ, ta thấy đường biên giới khu vực này không thay đổi (hay thay đổi rất ít).

Hang Pác Bó không bị mất vào lãnh thổ Trung Quốc như ý kiến của nhà báo Trần Đông Đức.

Tuy vậy, nết xét ra chung quanh ta thấy VN bị mất đất cho TQ ở : 1/ mốc 114 tại cửa ải Bình Mãng, phía hữu ngạn sông Bằng (Bằng Giang). 2/ khu vực giữa hai mốc 111-112 và khu vực mốc 113.

Để ý các khu vực đất của VN bị mất cho TQ trong vùng biên giới này, (cũng như ở các địa điểm khác trên đường biên giới), đôi khi rất nhỏ về diện tích (vài trăm mét vuông cho đến vài km²), nhưng luôn là các khu vực có tầm quan trọng về kinh tế (hay chiến lược).

samedi 28 janvier 2017

Vấn đề "thừa kế" và sự "liên tục quốc gia" trên nền tảng hiệp định Paris 1973

Thử xét vấn đề “kế thừa” và sự “liên tục quốc gia” về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa
Trên nền tảng các công ước Vienne 1969, 1978 và Hiệp định Paris 1973.

“Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở Hoàng Sa và Trường Sa” là câu nói mà ta thường nghe nơi cửa miệng của các phát ngôn nhân bộ Ngoại giao VN. Mỗi khi phía TQ có một hành vi nào đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của VN ở Biển Đông, lập tức điệp khúc này lại thấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của nhà nước.
Mặc dầu lời phát biểu trên là cần thiết để phản đối những hành vi của TQ (đồng thời khẳng định chủ quyền của VN ở các vùng lãnh thổ này), nhưng ngày qua ngày nếu chỉ lặp đi lặp lại một lời nói, một luận điệu, thì ý nghĩa của câu nói tự nhiên sẽ giảm đi.
Trong khi trên thực tế, các hành vi mạnh mẽ thể hiện quyền chủ quyền (Droit de souvraineté - Right of sovereignty) của TQ tại biển Đông, toàn bộ khu vực biển chung quanh Hoàng Sa đã trở thành việc “nội bộ” của TQ. Còn thái độ của “quốc tế”, nếu VN không có phản ứng gì khác, thì nó trở thành “việc đã rồi”.
Cái gọi là “thành phố Tam Sa” được thành lập từ  tháng 7 năm 2012, thủ phủ đặt ở đảo Phú Lâm (thuộc HS). Như cái tên gọi, Tam Sa được đặt ra để “quản lý” ba nhóm đảo Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa), Trường Sa (TQ gọi là Nam Sa) và Trung sa (gồm bãi chìm Macclesfield và Scarborough). Trong khoảng thời gian không dài lắm TQ đã hoàn tất việc “quân sự hóa” Hoàng Sa. Đảo Phú Lâm được mở rộng, trở thành một “pháo đài” với độ qui mô không kém các căn cứ của Mỹ ở Guam (Thái Bình dương) hay Diego Garcia (Ấn Độ dương). Đảo Quang Hòa, thuộc nhóm Nguyệt Thiềm, chiếm của VN bằng vũ lực ngày 19-1-1974, cũng được bồi đắp mở rộng. Một phi trường được xây dựng đồng thời các giàn cao xạ, hỏa tiễn phòng không cũng được bố trí trên đảo này.
TQ cũng cho phép tổ chức du lịch các đảo HS, cùng lúc đuổi, bắn các tàu đánh cá của VN không cho phép đến gần khu vực. TQ cũng ra lệnh “cấm đánh cá” trong một vùng biển rộng lớn, từ 12 vĩ độ về phía bắc, tức bao gồm các ngư trường truyền thống của VN, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Vấn đề là TQ không ngừng ở Hoàng Sa. Họ tiếp tục chiến thuật “tằm ăn dâu” ở khu vực Trường Sa.
TQ đã xây dựng trong một thời gian nhanh kỷ lục một hoặc hai năm (2013-2015) các bãi san hô (trong đó 6 bãi chiếm của VN bằng vũ lực 14 tháng 3 năm 1988, gồm các bãi Chữ Thập, Gạc Ma, Huy Gơ, Ga Ven, Rubi và Châu Viên) thành những đảo nhân tạo có bề rộng vượt trội bất kỳ căn cứ quân sự của Mỹ ở ngoài nước Mỹ. TQ cũng hoàn tất việc “quân sự hóa” tại các đảo nhân tạo này với những phi trường, công sự cũng như hệ thống cao xạ, hỏa tiễn phòng không.  
Những phản kháng “chiếu lệ” của VN trong suốt thời gian qua cho thấy hoàn toàn không hiệu quả. Điều này kéo dài, dư luận quốc tế nhìn nhận “sự việc đã rồi” của TQ. Tính hợp pháp các hành vi “effectivité” của Trung Quốc trên vùng biển này sẽ được khẳng định.
VN cần chấm dứt “điệp khúc” nhàm chán của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao.
Mỗi ngày một ít, nếu tính từ năm 2012 đến nay, cái mà quốc tế gọi là “xắt lát xúc xích” (VN gọi là tằm ăn dâu), mỗi ngày TQ “cắn một chút”, kết quả trở thành to lớn kinh khủng. Đe dọa TQ thành lập vùng Nhận dạng phòng không - ADIZ” bao gồm cả vùng biển Trường Sa là có thật.

1/ Vấn đề “quốc tế hóa tranh chấp”.
Để biện hộ cho sự bất lực của mình, bộ Ngoại giao VN thường vịn vào lý lẽ “quốc tế hóa việc tranh chấp” và “tranh đấu với TQ bằng biện pháp ngoại giao” .
Thế nào “quốc tế hóa” một “tranh chấp” về chủ quyền lãnh thổ giữa hai hay nhiều quốc gia ?
Ý nghĩa của việc “quốc tế hóa” một tranh chấp về lãnh thổ thường được hiểu như là việc “giới hạn chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia vì lợi ích của một số nước hay các tổ chức quốc tế”.
Việc “giới hạn chủ quyền lãnh thổ” ở đây có thể hiểu là quyền tài phán của quốc gia ở vùng lãnh thổ liên hệ bị giới hạn, hay bị thay thể bằng quyền tài phán do quốc tế công pháp qui định.
“Quốc tế” ở đây có thể là Liên Hiệp Quốc, là các cơ quan trọng tài hay phán quyết của tòa án quốc tế…
“Lợi ích” này có thể là sự hòa bình, các quyền (của các quốc gia, tổ chức khác…) đã được qui định bởi luật pháp quốc tế v.v...
Nhưng nhân danh “bảo vệ lợi ích” các nước có thể can thiệp vào nội bộ một nước khác.
Mỹ và một số nước đồng minh, vì quyền lợi và an ninh quốc gia, nên đã can thiệp vào nội bộ các nước Afghanistan, Irak... Bây giờ, giả sử quyền lợi của Mỹ (và các nước khác) ở Biển Đông bị đe dọa (như bị giới hạn quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông do vùng ADIZ của TQ), các nước này có thể sẽ “can thiệp” vào khu vực (để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ).
Theo thời gian VN cũng thay đổi lập trường yêu sách về biển đảo, để vừa phù hợp với luật quốc tế, vừa ép mình do hệ quả của việc “quốc tế hóa”, điển hình qua hồ sơ “Thềm lục địa mở rộng” nộp LHQ hay các việc ủng hộ Tòa CPA trong vụ xử Phi-Trung Quốc cũng như hoan nghênh sự có mặt của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực.
Nhưng hiệu quả vẫn là “không có gì”. Việc “quốc tế hóa” không hề ngăn chặn được bước tiến của TQ. Còn việc gọi là “đấu tranh với TQ”, kết cuộc VN ngày càng lệ thuộc vào TQ.
Các bản “Tuyên bố chung” của hai bên luôn nhấn mạnh ở việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo “theo nhận thức chung đạt được của lãnh đạo cấp cao trong quá khứ”. Bản “Tuyên bố chung” năm nay (2017) “lãnh đạo hai nước” khẳng định thêm một điều là VN và TQ “cùng chia sẻ một tương lai chung”. Nếu suy diễn ra Biển Đông, những gì của VN cũng là của TQ.
Theo tôi, lãnh đạo VN phải thấy, và nhìn nhận, sự thất bại ngày càng sâu sắc trong các chính sách của mình. Nếu cứ tiếp tục như vậy, khu vực biển TS không bao lâu sẽ cùng số phận với vùng biển HS.  
Việc Mỹ vừa thay đổi lãnh đạo. Nhận thức về quyền lợi và cách “tiếp cận” để bảo vệ quyền lợi của họ ở Biển Đông có thể sẽ thay đổi. Việc này sẽ tạo cho VN một “thời cơ” để phá vỡ cái “hiện trạng tù mù” hiện nay.
Kỹ niệm 44 năm ngày Hiệp định Paris 27 tháng giêng 1973 được ký kết cũng là cơ hội để nhắc lại một điều cơ bản của Hiệp định này về việc “bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ” của VN của các đại cường. Yếu tố này có thể đem lại cho các học giả trong nước một quan niệm khác về luật học, cũng như cho giàn lãnh đạo mới của VN một cái nhìn khác (hơn lãnh đạo cũ) và một phương cách mới nhằm giải quyết tranh chấp với TQ.  

2/ Sự “liên tục” và “thừa kế” quốc gia về vấn đề lãnh thổ.
“Kế thừa quốc gia” và “liên tục quốc gia” là những khái niệm thuộc Quốc tế công pháp, thể hiện qua các điều ước thuộc các công ước Vienne, điển hình là các công ước 1969 và 1978 về sự kế thừa lãnh thổ và hiệu lực các kết ước quốc tế.
Việc kế thừa quốc gia được (công ước Vienne 1978) đặt ra trong những tình huống : 1/ một vùng lãnh thổ của quốc gia này trở thành lãnh thổ của quốc gia khác. 2/ Quốc gia vừa dành được độc lập (Phần IV, điều 16 đến điều 30 Công ước Vienne) 3/ sự thống nhứt giữa hai quốc gia  và 4/ một quốc gia bị phân rã thành nhiều quốc gia
“Kế thừa” quốc gia được định nghĩa là việc thay thế một quốc gia bởi một quốc gia khác ở các quan hệ quốc tế, về những vấn đề liên quan đến lãnh thổ.
Việc kế thừa quốc gia thể hiện qua các thủ tục pháp lý nhằm tái xác định (hay phủ định), trách nhiệm của quốc gia thừa kế đối với vùng lãnh thổ mới cũng như hiệu lực các kết ước, hay các tuyên bố của nhà nước tiền nhiệm đã thể hiện trước các định chế quốc tế, hay đối với các quốc gia khác.
Trường hợp hai miền VN sau 30-4-1975:
Câu hỏi đặt ra là các sử gia và học giả VN sẽ phải dựa vào trường hợp nào (trong 4 trường hợp dẫn trên) để khẳng định danh nghĩa chủ quyền của VN ở HS và TS ?
Trường hợp nào sẽ chứng minh cho sự “liên tục” của “quốc gia” VN ở HS và TS ? tức chứng minh được tính pháp nhân của “quốc gia” VN luôn tồn tại, cũng như danh nghĩa chủ quyền của VN ở hai quần đảo HS và TS luôn “liên tục”, từ thời xa xưa các vua chúa VN khám phá, khai thác và quản lý (không gián đoạn) đến nay, bất chấp những biến cố đã làm thay đổi về lãnh thổ, dân số, chính trị, hay tên nước…?
Đồng thời trường hợp nào sẽ xóa bỏ hiệu lực các kết ước, như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, các tài liệu lịch sử... phát xuất từ VNDCCH, mà phía TQ sử dụng lâu nay như là những bằng chứng pháp lý ?   

3/ Thế bí về các lập luận chủ quyền của các học giả VN.
a) Về lập luận “có hai quốc gia VN”.
Hầu hết các học giả VN đều quan niệm rằng có hai “quốc gia Việt Nam” độc lập, có chủ quyền trong khoảng thời gian từ 1954 đến 30-4-1975. Quan điểm này có (rất) nhiều điều không ổn, về pháp lý cũng như trên thực tế. Hệ quả là không thuyết phục được dư luận quốc tế.
Quan điểm này cho rằng chủ quyền của VN tại HS và TS được thụ đắc từ sự “kế thừa”: Chủ quyền HS và TS từ VNCH chuyển sang CP CMLT CHMNVN. Sau đó thực thể này thống nhứt với VNDCCH trở thành CHXHCNVN ngày hôm nay.
Về pháp lý, nếu VNCH là một “quốc gia độc lập, có chủ quyền”, thì việc TQ chiếm HS là việc “nội bộ” giữa hai “quốc gia độc lập, có chủ quyền” là VNCH và TQ. VNDCCH là “quốc gia” thứ ba, không có liên can.
Tức là, khi quan niệm có “hai quốc gia” VNCH và VNDCCH thì sẽ không còn tranh cãi nào về chủ quyền HS và TS. TQ chiếm HS là chiếm trên tay VNCH. VNDCCH lấy tư cách gì để phản đối ?
Ngoài ra, Tuyên bố đơn phương của “quốc gia” VNDCCH, còn gọi là công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, nội dung nhìn nhận "quyết định - décision" ngày 4 tháng 9 năm 2058 về lãnh thổ và hải phận của TQ. Mặc dầu một số học giả VN cho rằng đó là “vũ khí tuyên truyền của TQ”, nhưng thực tế cho thấy đây là một bằng chứng quan trọng của TQ nhằm chứng minh chủ quyền của họ ở HS và TS.
Theo tập quán quốc tế, việc im lặng trong trường hợp (bắt buộc một quốc gia phải lên tiếng) đã là sự “đồng thuận ám thị”. Huống chi VNDCCH còn ra tuyên bố công khai “nhìn nhận” yêu sách của TQ.
Tức là, khi quan niệm “có hai quốc gia VN”, thì mọi vận động, mọi chứng cứ về chủ quyền của VN ở HS và TS sẽ là điều vô ích.  
Trong trường hợp này VNCH đơn giản là một “quốc gia” bị “giải thể”, không có thừa kế. Lãnh thổ HS và TS của VNCH được “sáp nhập” đơn thuần vào lãnh thổ một nước khác. Mọi kết ước của VNCH ký kết với các tổ chức quốc tế hay các quốc gia khác, trở thành “vô hiệu lực - caduc”.

b) Về lập luận “quốc gia vừa dành được độc lập”.
Đây (có lẽ) là quan điểm chính thức của VN hiện nay, vì nó thể hiện đúng trên lý thuyết  “trình tự lịch sử khai sinh ra nước VNDCCH”.
Nguyên tắc (pháp lý) áp dụng trong trường hợp này là “table rase”. Có nghĩa là quốc gia (vừa mới độc lập) không bị chi phối bởi các kết ước do quốc gia tiền nhiệm ký kết.
Nhưng điều này không còn thuyết phục.
Trên thực tế, Mỹ không hề có tham vọng về lãnh thổ ở miền Nam. Sự có mặt của Mỹ ở miền Nam không khác với việc quân Mỹ có mặt ở Tây Đức (trước khi thống nhứt với Đông Đức đầu thâp niên 90), hay ở Nam Hàn, Nhật hoặc ở các nước đồng minh hiện nay.
MTGPMN “trương cờ giải phóng” dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm. Vấn đề là không ai trưng ra được bằng chứng cho thấy chính quyền ông Diệm bị chi phối, hay bị khuynh loát bởi bất kỳ thế lực ngoại bang nào, kể cả Mỹ. Ngược lại, ông Diệm bị  chết vì lý do chống Mỹ đổ quân vào VN.
Ngay cả dưới thời chính phủ ông Kỳ, Thiệu… Không có chính phủ nào của VNCH bị lệ thuộc và Mỹ, theo kiểu thực dân hết cả.
VNCH không hề lệ thuộc vào Mỹ như một chính phủ “bù nhìn” với “đế quốc thực dân” là  Mỹ. MTGPMN lấy lý do gì để trương cờ “giải phóng” ?
Đồng thời sự thật lịch sử cho thấy thực thể chính trị MTGPMN chỉ là “cánh tay nối dài” của VNDCCH, do đảng CSVN lập nên, nhân Đại hội đảng toàn quốc  lần thứ ba.
Vì vậy làm gì có thể vịn vào lý do “quốc gia vừa dành được độc lập” để “xù” tất cả những kết ước trong quá khứ ?
Ngay cả khi chấp nhận lập luận này, thì quốc gia gọi là CHXHCNVN hôm nay vịn vào cái gì để chối bỏ di sản của VNDCCH ? Không có lý do nào thuyết phục cả. Đơn giản vì CHXHCNVN là quốc gia “tiếp nối” quốc gia VNDCCH.
Đảng CSVN lãnh đạo VNDCCH, lãnh đạo luôn MTGPMN (do Trung ương cục miền Nam lãnh đạo).
Làm cách nào để hiện hữu hai lập trường đối nghịch, theo kiểu HS và TS thuộc VN (kế thừa MTGPMN) và HS và TS thuộc TQ (tiếp nối VNDCCH với công hàm 1958) ?, Lịch sử đã bạch hóa, không lẽ cứ tiếp tục ngụy biện bằng  “bịa sử” ?  
Trước sự lấn lướt của TQ, trước đây ở HS, bây giờ áp lực mạnh mẽ ở TS, VN hoàn toàn không có phản ứng nào khác, ngoài luận điệu cũ mòn đã nói ở phần dẫn nhập. Các học giả VN đã tự “đào mồ” chôn mình, vì đã đưa trường hợp thống nhứt VN vào dưới ánh sáng của “luật quốc tế”.
Các lập luận sai lầm của các học giả VN cần phải chấm dứt.

4/ Hiệp định Paris 27-1-1973.
Hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973. Trên nhiều phương diện nó giống như một “bản sao” của Hiệp định Genève 27-3-1954. Bởi vì, thứ nhứt, cả hai hiệp định không nhằm giải quyết dứt khoát cuộc “chiến tranh” mà chỉ tạo một “khoảng trống cơ hội” gọi là “đình chiến”. Cơ hội này giúp cho Hoa Kỳ “tháo chạy trong danh dự”. Nhưng phía VNDCCH nhân cơ hội (đồng minh đã tháo chạy) dồn quân đánh bại VNCH, thâu tóm lãnh thổ chỉ hai năm sau.
Thứ hai, Hiệp định Paris 1973 và Hiệp định Genève 1954 cùng khẳng định nguyên tắc “một quốc gia Việt Nam duy nhứt”.
Điều 1, chương I Hiệp định Paris 1973 qui định “Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, như hiệp định Genève 1954 đã xác nhận”.
Cả hai Hiệp định đều được “quốc tế” bảo trợ, bao gồm TQ. Riêng hiệp định Paris 1973, đại diện phía TQ là Bộ trưởng bộ ngoại giao Cơ Bằng Phi (Chi Peng Fei).
Tức là, trong khoản thời gian 1954 đến 1975, hai thực thể chính trị có tên VNDCCH ở miền Bắc và VNCH ở miền Nam, đều thuộc về một “quốc gia Việt Nam duy nhứt”.
Từ điểm này ta thấy quan điểm “hai quốc gia VN” của các học giả VN đã sai. Tư cách pháp nhân của hai thực thể VNDCCH và VNCH trước quốc tế cần phải được xác định. Nhưng dứt khoát VNDCCH và VNCH không phải là “hai quốc gia độc lập, có chủ quyền”.
Trên quan điểm công pháp quốc tế, “quốc gia”, là thực thể pháp nhân duy nhứt, bất khả phân. Tư cách pháp nhân của hai thực thể chính trị VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia chưa hoàn tất” (Etat partiel). Cả hai miền đều thuộc về một quốc gia duy nhứt gọi là Việt Nam. Trường hợp tương tự Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Hàn hay TQ lục địa và Đài Loan cho ta thấy điều này.
Và nếu hai thực thể VNDCCH và VNCH đều thuộc về một “quốc gia duy nhứt là Việt Nam”, thì việc “thống nhứt” hai miền là việc “nội bộ” của quốc gia VN. Việc “thống nhứt đất nước” đã thể hiện theo “cái cách” của Việt Nam.
Vấn đề “liên tục quốc gia” hay “kế thừa quốc gia”, như các công ước Vienne đòi hỏi,  cũng không đặt ra. Đơn giản vì chỉ có một “quốc gia Việt Nam duy nhứt”. Việt Nam trước sau vẫn là Việt Nam, luôn là Việt Nam, thì tự nó đã “liên tục”, tự nó đã “truyền tục” trong nội bộ.  
Trong khi, nếu quan niệm VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia”, vấn đề “thừa kế quốc gia” phải xét theo các qui định của luật quốc tế. Các tuyên bố đơn phương, các tài liệu lịch sử… từ VNDCCH xuất phát cũng được xét dưới ánh sáng của luật quốc tế.

5/ Trở lại Lá thư mở ngày 29-5-2014 gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tháng 5 năm 2014 tôi có viết thư mở gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhằm thuyết phục ông này kiện TQ sau vụ giàn khoan HY 981. Nội dung phản đối quan điểm của quan chức cũng như học giả VN cho rằng “có hai quốc gia VNCH và VNDCCH trước 1975”.
Lá thư viết :
“Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam được xác định theo Hiệp định Paris năm 1973 : “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam đã công nhận.”
Tinh thần hai hiệp định, cũng là một chân lý làm nên chất keo gắn bó nhân dân và đất nước VN : đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại diện của nước Việt Nam duy nhứt. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN duy nhứt. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.
Trên tinh thần tôn trọng “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam” của các hiệp ước quốc tế này (mà các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp… đồng bảo trợ chúng), bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), nếu có làm tổn hại đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị.
Nhà cầm quyền Trung Quốc viện dẫn công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết nhằm ủng hộ tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc tháng 9 năm 1958, cho rằng nhà nước VNDCCH đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa (và Trường Sa).
Điều này hiển nhiên không đúng
Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.”

6/ Vấn đề hòa giải quốc gia.  
Như vậy lối thoát pháp lý của VN hiện nay để khẳng định chủ quyền ở HS và TS là phải dựa vào nội dung các hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 đồng thời tiếp nhận di sản của VNCH.
Nước Việt Nam hôm nay không thể “ôm” mãi mối mâu thuẫn do lịch sử để lại là sự xung đột giữa hai miền. Phe chiến thắng, VNDCCH, đã áp đặt lý lẽ của mình trong toàn xã hội VN từ 1975 đến nay. Vì vậy làm sao thuyết phục được dư luận quốc tế, khi lập luận về chủ quyền của VN tại HS và TS là lập luận của phe chiến bại VNCH ?.
Sau một cuộc nội chiến, một nhà nước bình thường, mong muốn đất nước phát triển lành mạnh, luôn áp dụng một chính sách “hòa giải quốc gia” để hóa giải mọi oán thù gây ra do cuộc chiến. Các bài học như cuộc nội chiến nước Mỹ, hay các xung đột quốc tế như Thế chiến thứ II… cho thấy các nước giàu mạnh nhứt thế giới đều là các nước có chính sách “hòa giải” được áp dụng hữu hiệu.  
Việt Nam hôm nay vẫn luôn đứng sau các nước phát triển Châu Á, mặc dầu VN có dư tiềm năng để qua mặt các nước Thái Lan, Đài Loan, Nam Hàn… Thậm chí VN đang bị Campuchia qua mặt trên một số lãnh vực. Trong khi trên phương diện chủ quyền lãnh thổ, TQ ngày càng lấn tới.
Nguyên nhân là mâu thuẫn nội bộ của VN quá lớn, trở thành một sức trì, VN không nỗ lực tiến tới là sẽ thụt lùi.

Hòa giải quốc gia không phải là vấn đề “sỉ diện” của đảng CSVN mà là mệnh lệnh của tương lai dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ.