dimanche 24 juillet 2016

Chiến trường Vị Xuyên: giải mã một cuộc chiến bị bỏ quên.

"Mặt trận Vị Xuyên", tên do phía VN đặt, TQ khởi động từ tháng 4 năm 1984, chấm dứt vào tháng 4 năm 1989, kéo dài đúng 5 năm. Địa bàn chiến dịch tổng cộng không quá 20 cây số chiều dài đường biên giới và độ sâu không quá 2,5 cây số vào trong lãnh thổ VN, tương ứng với chiều dài suối Thanh Thủy (vẽ màu xanh trên bản đồ 1) với đường biên giới (là đường phân thủy, màu nâu đen trên bản đồ, hai đường cách nhau khoảng 2,5km, xem bản đồ 1), theo các bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Sở Địa Dư Đông dương (Pháp) ấn hành cũng như các bản đồ 1/50.000 của Mỹ. TQ đã huy động tổng cộng khoảng nửa triệu quân lính thuộc tám đại quân khu để thực hiện chiến dịch này. Phía VN đã có 9 sư đoàn chủ lực thuộc QĐND tham chiến. Trận chiến khốc liệt mở đầu này 12-7-1984. Theo tài liệu từ phía VN vừa công bố, trận chiến này có bí số MB 84. Đụng trận ngày đầu tiên, Sư đoàn 356 đã bị thiệt hại đến 600 người.

Thanh thúy hà

Bản đồ 1 (cắt ra từ bản đồ 1/50.000 của Mỹ, hiện đang tồn trữ ở Đại học Texas, đã được một số "học giả" sử dụng trước đây nhằm chứng minh VN không có mất đất cho TQ).

Mục đích của TQ trong chiến dịch này là gì ?

Các sử gia thế giới gộp chung cuộc chiến này với cuộc chiến tháng hai năm 1979 làm một, gọi chung là "cuộc chiến biên giới". Bởi vì địa bàn cuộc chiến đã được "qui ước" trước, "khoanh vùng" trước trên biên giới. Phía TQ, Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của cuộc chiến, gọi cuộc chiến tháng hai năm 1979 là "cuộc chiến dạy cho VN một bài học", địa bàn giới hạn ở các tỉnh biên giới. Còn cuộc chiến 1984-1989 là cuộc chiến "phản công tự vệ", mục đích lấy lại khoảng 50km² đất mà TQ cho là VN đã chiếm trước kia. Nhìn trên (bản đồ 1), ta thấy vùng đó tương ứng với phần gạch chéo màu đỏ.

Lập luận của TQ, đường biên giới khu vực này là con suối Thanh Thủy (đường màu xanh). Phía TQ cho rằng yêu sách này phù hợp với nội dung Biên bản bế mạc Công trình Phân định Biên giới (còn gọi là Công ước Pháp-Thanh 1887) cũng như nội dung Công ước Bổ túc về Biên giới 1895.

Vấn đề là các bản đồ do Sở Địa dư Đông dương (SGI) xuất bản sau này thì vẽ đường biên giới (đường màu nâu đen) cách suối Thanh thủy khoảng 2,5 đến 3 km về phía bắc.

Một số tài liệu nước ngoài về cuộc chiến biên giới Việt-Trung có dẫn tài liệu của CIA, cho rằng VN chiếm của TQ khoảng 50km² đất. Diện tích đất này khá phù hợp với "địa bàn" của chiến dịch Vị Xuyên, vùng gạch chéo màu đỏ trong bản đồ.

VN hay TQ, phía nào đúng, phía nào sai trong cuộc chiến này ? Dữ kiện của CIA đưa ra, VN chiếm khoảng 50km đất của TQ (có lẽ nhằm ủng hộ chiến dịch của TQ) có thật sự đúng hay không ?
Điều quan trọng hơn cả là ngày nay lịch sử VN đã xóa trắng, không có dòng nào nhắc đến cuộc chiến này. Các vết tích chiến tranh như nghĩa trang bộ đội, bia ghi dấu tích chiến tranh... thảy đều phá bỏ.

Bài viết này, với những dữ kiện góp nhặt được từ Trung tâm Văn khố Hải ngoại của Pháp (CAOM, Aix-en-Provence), hy vọng thiết lập lại một sự thật lịch sử.

Đó là: đối với VN, cuộc chiến biên giới Hà Giang là cuộc chiến vệ quốc. Không hề có việc VN chiếm 50km² đất của TQ. Cuộc chiến gọi là "phản công tự vệ" của TQ nhằm lấy lại 50km² đất và thiết lập lại đường biên giới thực sự là một "âm mưu chính trị" của Đặng Tiểu Bình. Máu xương của hàng trăm ngàn chiến binh TQ đổ xuống trong cuộc chiến này thật là phi nghĩa. Đặng Tiểu Bình ngụy tạo những bằng chứng về biên giới để phát động chiến tranh với VN, mục đích củng cố quyền hành của cá nhân trong chính trường Bắc Kinh.

1/ Đường biên giới theo các công ước 1887 và 1895:

Công ước Pháp-Thanh về phân định biên giới 1887 phân chia đường biên giới hai nước Việt-Trung thành 3 vùng biên giới: Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Vị Xuyên, nơi phát xuất chiến dịch của TQ, thuộc về khu vực tỉnh Vân Nam.

Theo Công ước phân định biên giới 1887, vùng biên giới liên quan (với Vị Xuyên) thuộc về đoạn S-T, theo như bản đồ số 2. Nội dung Công ước 1887 (dẫn phần có liên quan):

"A partir du point S (Meng-toung-chia-ts’oun ou Mãnh Cang Hạ Thôn猛 崗下村), le milieu du Ts’ing-choueï-hô (Thanh Thủy Hà) indique, jusqu’à son confluent en T avec la rivière claire, la frontière adoptée."

Tạm dịch: Từ điểm S (Mường Tung hạ thôn hay Mãnh Cang hạ thôn), đường biên-giới là trung tuyến sông Thanh Thủy cho tới hợp lưu của nó là điểm T với sông Rivière Claire (sông Lô).

Đường biên giới ở đây (theo công ước 1887) là trung tuyến sông Thanh Thủy.

bandobiengioi 014

Bản đồ 2 (nguồn CAOM)

Công ước 1895, nội dung lấy lại vùng đất hữu ngạn sông Đà (vùng đất thuộc gia đình đầu lĩnh người Thái tên Đèo Văn Trị) về cho VN, đồng thời nhượng cho TQ một phần đất thuộc tổng Phương Độ. Đoạn biên giới thay đổi là R-S. Sông Thanh thủy vẫn là đường biên giới:

bandobiengioi 008

Bản đồ 3 (Nguồn CAOM)

Như vậy, nếu chiếu theo các công ước phân định biên giới 1887 và 1895, sông Thanh thủy là đường biên giới.

Dầu vậy, việc phân định biên giới không kết thúc đúng như nội dung hai công ước 1887 và 1895. Công trình phân giới và cắm mốc các năm 1895-1897 đã làm thay đổi nội dung của công ước. Vấn đề là phía TQ đã không nghiên cứu trọn vẹn công trình phân định biên giới. Họ chỉ ngừng ở hai công ước 1887 và 1895, bất chấp những ký kết khác giữa Pháp và nhà Thanh đã làm thay đổi nội dung hai công ước này.

2/ Đường biên giới theo công trình phân giới 1895-1897.

Công trình phân giới và cắm mốc (vùng biên giới Vân Nam), liên quan đến địa bàn Vị Xuyên, tùy thuộc vào Biên bản phân giới số 3 ký ngày 13 tháng 6 năm 1897 : "Từ Qua Sách Hà (戈索河) đến Cao Mã Bạch (膏 馬 白) thuộc Bắc Kỳ và Tân Nhai (新崖) thuộc Vân Nam". Cao Mã Bạch nay gọi là Cao Mã Pờ trên bản đồ do VN xuất bản. Nguyên văn biên bản được ghi lại như sau:

"Pour cette partie de la frontière les deux Commissions ont reconnu qu’il était impossible de suivre sur le terrain le tracé de la frontière tel qu’il avait été défini par les Commissions de délimitation. Elles ont été d’avis de rechercher un nouveau tracé correspondant autant que possible aux mouvements de terrain formant frontière naturelle ainsi qu’aux divisions administratives du pays, tout en tenant compte des dispositions du procès-verbal 2e section, signé à Lao-Kay le 19 octobre 1886 (22e jour du 9e mois de la 12e année de Kouang-Siu), ainsi que du procès-verbal de clôture signé à Pékin le 26 juin 1887 et de la convention supplémentaire en date du 20 juin 1895.

Cela décidé, il a été reconnu d’un commun d’accord que le tracé de la 2e section de la frontière qui ferait foi désormais dans les relations entre la France et la Chine, serait celui porté sur les cartes joints au présent procès-verbal, lequel tracé est figuré sur le terrain de la manière suivante :"

Tạm dịch: "Ðoạn biên giới này hai ủy ban công nhận rằng không thể áp dụng theo đồ tuyến đường biên giới của Ủy Ban Phân Ðịnh (1885-1887) trên thực địa. Hai bên đồng ý lập một đồ tuyến mới, phản ảnh đúng nhất có thể được, để phù hợp với địa lý làm thành biên giới tự nhiên cũng như sự toàn vẹn các đơn vị hành chánh của địa phương, đồng thời để ý đến nội dung biên bản phân định biên giới đoạn thứ 2 ; ký tại Lào Kay ngày 19 tháng 10 năm 1886 (ngày 22 tháng 9 năm Quang Tự thứ 12) cũng như biên bản bế mạc ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 và công ước bổ túc ngày 20 tháng 6 năm 1895.

Hai bên quyết định công nhận một thoả ước chung, rằng đồ tuyến của đoạn biên giới thứ 2 từ nay về sau trong những liên hệ giữa hai nước Pháp-Trung, sẽ là đồ tuyến vẽ trên địa đồ kèm theo biên bản này, theo đó đường biên giới sẽ định trên thực địa như mô tả sau đây :"

Vì vậy, khi phát động chiến tranh 4 năm "phản công tự vệ", phía TQ đã bỏ qua văn bản quan trọng này. Nội dung văn bản ghi rõ rệt đường biên giới từ rày về sau sẽ là đường biên giới do văn bản này qui định.

Đoạn biên giới liên quan được văn bản này mô tả lại như sau:

"Delà la ligne frontière monte sur le massif montagneux appelle Ban-Tze-Chan (板 子 山 ) se dirige au Nord-Est en suivant la ligne de partage des eaux placée entre celles allant à Muong-Tong (猛 崗 ) à la Chine , et celles allant au Tsing-Tchouei-Ho (清 水 河 ) (rivière de Thanh-Thuy) à l’Annam."

Tạm dịch : Từ đây đường biên giới bắt vào núi tên là Bản Cử Sơn (板子山), đi theo hướng Ðông-Bắc, theo đường phân thủy ở giữa hai đường đi từ Muong-Tung (Mãnh Cang 猛崗) đến Trung Hoa và đường đi từ Thanh Thủy (Thanh Thủy Hà清水河) đến Việt-Nam.

Như vậy đường biên giới đã thay đổi.

Thay vì là con sông (suối) Thanh Thủy (như các công ước 1887 và 1895 đã qui định), đường biên giới lấy "đường phân thủy" của hai khu vực Mường Tung và Thanh Thủy. Tức là vùng nước chảy về phía sông Thanh Thủy thuộc VN, vùng nước chảy về phía Mường Tung thuộc về TQ.

Điều này đã được thể hiện trên các tập bản đồ tỉ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông dương xuất bản, thập niên 30, 40, 50... hay các bản đồ 1/50.000 của Mỹ phát hành sau này.

Nguyên nhân thay đổi biên giới, đã ghi rõ trong biên bản, là không thế áp dụng đúng trên thực địa tinh thần hai công ước 1887 và 1895. Đơn giản vì công ước đặt căn bản trên những tấm bản đồ (do TQ cung cấp) hoàn toàn sai. Lý do thứ hai là trao lãnh thổ để giữ nguyên các đơn vị hành chánh. Người ta không thể áp dụng một cách máy móc tinh thần công ước, hệ quả sẽ chia một làng, một xã... biên giới ra làm hai, nên này là VN bên kia là TQ. Và ngay ở việc trao đổi lãnh thổ này phía TQ cũng được phần lợi. Các bài nghiên cứu của các học giả Pháp, sau này đã tố cáo các viên chức phân định biên giới Pháp đã bị TQ mua chuộc, làm cho đường biên giới có lợi về phía TQ.

Kết luận:

Phía TQ đã gây sự chiến tranh bằng những bằng chứng sai, hay ít nhứt, là không đủ. Tức là lãnh đạo TQ là lừa gạt máu xương của các tầng lớp thanh niên TQ. Cuộc chiến "phản công tự vệ" của họ là cuộc chiến phi nghĩa.

(Bài viết này cũng nhằm cảnh báo việc sắp tới, lãnh đạo TQ có thể bị mù quáng lặp lại sai lầm cũ, là đem máu xương của thanh niên TQ để "phản công tự vệ", thiết lập lại "chủ quyền lịch sử" các đảo của TQ theo đường 9 đoạn ở Biển Đông. Tập Cận Bình cũng có thể vịn cớ "vì quyền lợi dân tộc", phát động một chiến dịch điên cuồng, mà thực chất là để củng cố ngôi vị của ông ta đang bị lung lay ở Bắc Kinh.)

Mà cho dầu phía TQ có đưa ra bằng chứng nào, thì toàn thể khu vực này trước đây thuộc tổng Phương Độ, thuộc về VN.

Giáp ranh phía bắc của hai tổng Vị Xuyên và Phương Độ là tổng Tụ Long của VN, rộng khoảng 700 km². Đây là một khu vực phong phú về hầm mỏ (vàng, bạc, đồng, thiếc...) đã bị Pháp nhượng cho nhà Thanh để được lợi ích kinh tế.

mine-tulong 064

Bản đồ vùng đất Tụ Long của VN bị Pháp nhượng cho TQ (vùng gạch đỏ).

Bạn đọc có thể đọc bài viết sau đây để biết thêm các chi tiết:

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2013/03/tim-hieu-nguyen-nhan-mat-at-tu-long-vao.html

Vì vậy cuộc chiến Vị Xuyên đối với VN là cuộc chiến tự vệ, có chính nghĩa.

Trên bản đồ 1 hai ngôi sao chỉ cho hai trận địa kinh hồn: Lão Sơn và Giải Âm sơn. quân đội VN không thua nhưng hai vùng đất này đã bị nhượng cho TQ theo Hiệp ước Phân định Biên giới trên đất liền tháng 12-1999. Ngọn Lão sơn nhượng vì lý do "có nghĩa trang của lính TQ trên đó". Còn Giải Âm sơn, tức ngọn đồi phía bắc, kế cận hợp lưu sông Thanh Thủy và sông Lô, thì nhượng không rõ lý do.

Vấn đề là những chiến binh hy sinh trong chiến dịch Vị Xuyên đã bị nhà cầm quyền bỏ quên. Tương tự như những chiến binh bị thảm sát ở Gạc Ma năm 1988.

Vài năm trở lại đây, biến cố Gạc Ma đã được nhắc tới, những chiến sĩ hy sinh đã được đồng đội và những nhân sĩ yêu nước mỗi năm làm lễ truy điệu. Lịch sử đã được thiết lập lại: họ là những chiến sĩ hy sinh để bảo vệ tổ quốc (chớ không phải bảo vệ hòa bình cho khu vực như nhà nước CSVN đã khắc trên mộ bia của họ).

Những chiến binh ngã xuống ở chiến trường Vị Xuyên cũng vậy. Xương máu của hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn, chiến binh VN đổ xuống là để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tổ quốc. Những người lính này đã chết trận vinh quang với cây súng trên tay. Họ phải được tổ quốc ghi nhớ công ơn.

Gần đây những đồng đội cũ đã lập nghĩa trang (tư nhân), gom góp hài cốt về chôn cất tử tế. Việc này dĩ nhiên không thể gọi là đủ. Và lịch sử cũng vậy, như bài viết này, việc thiết lập lại sự thật cũng mới chỉ là một công việc của lương tâm.

Còn lãnh đạo VN, những người ngất ngưỡng trên bệ vàng kê bằng núi xương, sông máu của chiến binh. Nhìn lại ngày hôm nay, quí vị nghĩ gì ?