dimanche 29 novembre 2015

Quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông có bị ảnh hưởng bởi vụ kiện PCA Phi-Trung Quốc ?

Bài viết trên BBC có tựa đề « Vụ kiện Phi-Trung và quyền lợi của Việt Nam » cho rằng vụ xử ở Tòa PCA sẽ đưa VN vào thế « tiến thoái lưỡng nan » và « mâu thuẩn quyền lợi ».

Theo tôi, trước khi kết luận VN như vậy, một số điều cơ bản cần được minh bạch : Thẩm quyền của Tòa PCA là gì ? Nội dung những yêu cầu của Phi là gì ? Nội dung những bảo lưu của VN trước Tòa là gì ?

Tùy theo nội dung các việc này mà « quyền » và « lợi ích » của VN ở Biển Đông, như vùng biển (lãnh hải, hải phận kinh tế độc quyền EEZ), thềm lục địa, (nếu có) của các đảo (mà Việt Nam có yêu sách hoặc đang chiếm đóng), hay các việc khai thác khoáng sản, ngư sản… của phía VN trong khu vực các đảo này có thể bị ảnh hưởng bới vụ xử hay không.

Bài viết trên BBC, tác giả không nói đến những giới hạn về thẩm quyền của Tòa, cũng không nhắc đến những bảo lưu của VN gởi đến Tòa qua Tuyên bố của Bộ Ngoại giao ngày 5-12-2014. Trong khi tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý của những chủ thể liên quan (đá Tốc Tan, đá Núi Le, đá Tiên nữ) là nguồn sinh ra các « quyền » cũng không được tác giả nhắc đến.

Lập luận của tác giả vì vậy thiếu sót, do đó kết luận không thuyết phục. 

1/ Về thẩm quyền của Tòa PCA, thông cáo báo chí của Tòa PCA ngày 13-7-2015 ghi rõ :

« Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII có thẩm quyền xem xét một tranh chấp giữa các Quốc gia Thành viên Công ước trong phạm vi tranh chấp đó liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước. »

Ngoài ra Tòa PCA còn nhìn nhận những hạn chế thẩm quyền xét xử của Tòa, đến từ việc bảo lưu của Trung Quốc. Gồm các việc : chủ quyền lãnh thổ và phân định ranh giới biển.

Tức là, thẩm quyền của Tòa chỉ giới hạn trong các việc « giải thích và cách áp dụng công ước » với điều kiện việc này không thuộc về, hay không liên quan đến những « tranh chấp chủ quyền » hay quá trình « phân định ranh giới biển ».

Thẩm quyền của Tòa vì vậy rất hạn hẹp, khó có thể có những phán quyết làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của VN ở khu vực.

2/ Bảo lưu của VN trước Tòa sơ lược lại. (Theo nội dung Phán quyết Sơ thẩm của Tòa ngày 29-10-2015, từ đoạn 47 đến đoạn 67).

Ngày 12-4-2014 Bộ Ngoại giao Việt Nam viết công hàm gởi Tòa PCA cho rằng « quyền và lợi ích hợp pháp của VN có thể bị ảnh hưởng » bởi vụ xử, do đó yêu cầu Tòa cho phép VN tham khảo mọi đơn từ và tất cả những hồ sơ, tài liệu đính kèm của các bên liên quan đến vụ án. Ngày 24-4, Phi chấp nhận yêu cầu của VN (trong khi phía TQ thì im lặng). Kể từ đó Tòa cho phép VN tham khảo những hồ sơ liên quan đến vụ án.

Ngày 5-12-2014, Bộ Ngoại giao VN gởi đến Tòa bản Tuyên Bố của Việt Nam. Nội dung gồm một số điều : a) VN chủ trương tôn trọng và áp dụng các thủ tục và qui tắc của công ước. VN nhấn mạnh lập trường cho rằng Tòa có thẩm quyền xét xử. b) bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của VN. c) ghi nhận rằng Phi không có yêu cầu Tòa xét xử những điều không thuộc thẩm quyền của mình (điều 288, liên quan đến chủ quyền và phân định biển). e) kiên quyết phản đối và bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc trên bản đồ 9 đoạn. f) Hỗ trợ thẩm quyền của Tòa để giải thích các điều 60, 80, 194, 206, 293 của Công ước và các công cụ khác liên quan. Việt Nam bảo lưu quyền (đề nghị) được can thiệp nếu thấy thích nghi và phù hợp với các nguyên tắc về luật quốc tế, cũng như các qui định liên quan của Công ước.

Yêu cầu của VN qua bản Tuyên bố được Phi nhìn nhận. Ý kiến của Phi là Tòa có thẩm quyền can thiệp và chấp nhận các tuyên bố của Việt Nam cũng như lấy những quyết định cần thiết về các thông tin mà VN đã yêu cầu.

Như vậy những bảo lưu của VN được Tòa chấp thuận. Điều quan trọng là VN bảo lưu quyền « được can thiệp » khi thấy có liên quan, nếu việc này không trái với luật lệ.

Tức là, giả sử Tòa quyết định một phán quyết có thể làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của mình, Việt Nam có thể xin « được can thiệp » để các quyền và lợi ích đó được các bên tôn trọng.

3/ Tác giả nói lên sự lo ngại nếu Tòa tuyên bố cho Phi thắng ở các yêu cầu 4 và 5 :

« Mặc dù Philippines không kiện Việt Nam và không đề cập đến những thực thể này, nếu chúng đúng là bãi lúc nổi lúc chìm và nếu Philippines thắng Trung Quốc ở điểm 4 và 5, hệ quả lô gíc sẽ là không nước nào được đòi chủ quyền trên những thực thể này, chúng sẽ thuộc về EEZ của họ, và khi đó nếu họ muốn thì Việt Nam sẽ phải bàn giao lại cho họ. Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận hệ quả này không? »

Các « thực thể này », theo ý của tác giả, gồm các đá Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi, đá Tiên Nữ, đá Núi Le và đá Tốc Tan.

Nội dung hai điều yêu cầu 4 và 5 là :

« Điểm 4 của hồ sơ Philippines cho rằng Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi là những bãi lúc nổi lúc chìm, do đó không những không có lãnh hải mà còn không nước nào có thể đòi chủ quyền. Điểm 5 cho rằng Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây là thuộc EEZ và thềm lục địa của Philippines. »

Theo nội dung Phán quyết Sơ thẩm của Tòa ngày 29-10-2015, điểm 4 Tòa tuyên bố có thẩm quyền xét xử, còn điều 5 thì bảo lưu.

Điều 4 gồm hai phần : 1/ Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi là những bãi lúc nổi lúc chìm 2/ không nước nào có thể đòi chủ quyền.

Phần 1 Tòa hoàn toàn có thẩm quyền phân xử, vì nội dung không quan hệ đến « chủ quyền » và « phân định ranh giới biển ».

Nhưng phần 2, theo tôi Tòa không có thẩm quyền xét xử, hay ít nhứt Tòa chỉ có thể tuyên bố « không có ý kiến », vì nội dung yêu cầu có liên quan đến « chủ quyền ».

Cũng thử giả sử Tòa có thẩm quyền xét xử. Thì cũng sẽ không có luật lệ, án lệ hay tập quán quốc tế nào cho phép Tòa tuyên bố rằng các thực thể lúc nổi lúc chìm, được hay không được quyền chiếm hữu.

Một số án lệ, như vụ Tòa CIJ năm 2008 xử Mã Lai- Singapour về tranh chấp chủ quyền các đảo, hay vụ Tòa CIJ năm 2001 xử Qatar và Bahreïn, ý kiến của Tòa :

 « Luật quốc tế im lặng về vấn đề các thực thể lúc chìm lúc nổi có phải là « lãnh thổ » hay không. Tòa cũng nhìn nhận là không hiện hữu một thể thức hành sử quốc gia có tính đại chúng để trở thành một tập quán quốc tế, theo đó cho phép hay loại trừ việc chiếm hữu những thực thể địa lý lúc chìm lúc nổi ». 

Có thể nào Tòa PCA trong vụ xử Phi-Trung Quốc kỳ này lại ra một phán quyết xác định các bãi lúc chìm lúc nổi là (hay không là) « một lãnh thổ » ?

Thẩm quyền của Tòa đã nói trên, rất hạn hẹp. Theo tôi, Tòa chỉ nhắc lại các phán lệ của các phiên Tòa trước, xem đó là ý kiến của mình.

Điểm 5, Phi yêu cầu Tòa phán rằng Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây là thuộc EEZ và thềm lục địa của Philippines.

Theo nội dung Phán quyết sơ thẩm 29-10-2015, Tòa tuyên bố « bảo lưu » ở yêu cầu số 5.

Thử đặt giả thuyết rằng Tòa có thẩm quyền xét xử.

Thì không hề hiện hữu một điều luật nào, hay một án lệ, một phán lệ nào, Tòa có thể qui chiếu vào đó để phán rằng các thực thể địa lý mang tên Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi thuộc về vùng Kinh tế Độc quyền (EEZ) của Phi (tức các cấu trúc này thuộc quyền tài phán của Phi).

Tình trạng pháp lý các thực thể địa lý lúc chìm lúc nổi được qui định ở điều 13 bộ Luật Biển 1982. Theo đó, nếu các thực thể này thuộc lãnh hải của quốc gia thì chúng có thể sử dụng để làm điểm cơ bản để tính bề rộng lãnh hải. Luật Biển 1982 không hề nói đến trường hợp khi các thực thể này nằm trong vùng EEZ.

Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây, Đá Xu Bi, đá Tóc Tan, đá Tiên Nũ, đá Núi Le không nằm trong lãnh hải (12 hải lý) của bất kỳ một vùng lãnh thổ nào của Phi.

Luật quốc tế không cấm, mà cũng không cho phép, việc chiếm hữu các thực thể lúc chìm lúc nổi.
Luật không cấm, VN có thể xây dựng trên các Đá Tốc Tan, Đá Núi Le và Đá Tiên Nữ những công trình như đen pha, trạm thời tiết hay trạm quan sát. Cũng không có luật nào cấm VN yêu sách chủ quyền tại các Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi.

Lo ngại của tác giả, VN phải trả các thực thể như Đá Tốc Tan, Đá Núi Le và Đá Tiên Nữ cho Phi là không có cơ sở.  

4/ Tác giả nêu lo ngại :

« Điểm 9 của hồ sơ Philippines khiếu nại rằng Trung Quốc đã, một cách bất hợp pháp, không ngăn chặn công dân của mình khai thác thủy sản trong EEZ của Philippines. Mặc dù Philippines chỉ kiện Trung Quốc, không kiện Việt Nam, nếu Tòa công nhận rằng một khu vực nào đó là EEZ của Philippines, và việc công dân Trung Quốc khai thác hải sản trong khu vực đó là bất hợp pháp, hệ quả lô gíc của phán quyết đó sẽ là việc Việt Nam đơn phương khai thác hải sản trong khu vực đó cũng sẽ là bất hợp pháp. »

Điểm 9 Tòa tuyên bố bảo lưu, vì lý do có thể có những vùng chồng lấn đến từ hiệu lực của một đảo mà TQ yêu sách chủ quyền.

Tòa chỉ có thể phân xử yêu cầu số 9 của Phi nếu Phi chứng minh được rằng các đảo trong khu vực mà TQ yêu sách không phải là đảo theo nội dung điều 121 của Bộ Luật Biển 1982. Tức là phải chứng minh được điều : các đảo (mà TQ yêu sách) không có đảo nào có thể tạo được một đời sống tự tại.
Mà điều này không dễ.

Trong khi dó VN còn bảo lưu quyền can thiệp nếu thấy lợi ích của mình bị xâm phạm.

Nhưng cũng giả sử rằng Tòa phán các đảo ở TS đều là « đá », không có hiệu lực EEZ.

Trong trường hợp này VN có lý do gì để yêu sách các quyền (khai thác) trong vùng biển kinh tế độc quyền của Phi ?

Không có lý do nào hết cả.

Lo ngại mà tác giả nêu ra rõ ràng là không hợp lý.


jeudi 26 novembre 2015

Bàn về chiến tranh khủng bố


Khủng bố là một hành vi chiến tranh ?

Chiến tranh được định nghĩa (một cách chung chung) là « tình trạng xung đột, bằng vũ lực hay không vũ lực, giữa hai hay nhiều quốc gia, giữa các các tổ chức xã hội, giữa nhiều cá nhân… »

Sau cuộc khủng bố Paris ngày 13-11-2015, nhà nước Pháp triệu tập Đại hội (các đại biểu Quốc hội lưỡng viện) tại điện Versaille ngày 16-11-2015 để tuyên bố về tình hình của nước Pháp.  Diễn văn của Tổng thống Pháp François Hollande mở đầu bằng câu : « La France est en guerre. Les actes commis vendredi soir à Paris et près du Stade de France, sont des actes de guerre…  Nước Pháp (ở trong tình trạng) chiến tranh. Những hành vi gây ra vào đêm thứ sáu ở Paris và gần sân Vận động Pháp là những hành vi chiến tranh… ».

Như vậy, theo François Hollande, khủng bố là một hành vi của « chiến tranh ».

Một số vấn đề (về luật học) được đặt ra. Nước Pháp có thể tuyên bố « chiến tranh » với một « tổ chức khủng bố » ?

Trên phương điểm pháp luật, vấn đề « khủng bố » (trước đây) vốn thuộc phạm vi pháp quyền (juridiction) của cảnh sát. Bởi vì tác nhân của các hành vi khủng bố thường là những tổ chức nội địa, mục tiêu nhằm gây hoang mang và sợ hãi trong quần chúng. Việc truy tầm các đối tượng (đàng sau) vụ khủng bố là công việc của cảnh sát (và tòa án).

Nhưng khi « tuyên bố chiến tranh » với khủng bố thì vấn đề khủng bố trở thành một phạm trù thuộc về « quân sự ». Việc phán xét thuộc thẩm quyền của tòa án quân sự.

Khái niệm « khủng bố quốc tế » được Hoa Kỳ (và Do Thái) đặt ra từ thập niên 80 của thế kỷ trước để chỉ các phong trào giải phóng dân tộc Palestine. Các phong trào này được Liên Xô và hầu hết các nước Hồi giáo trên thế giới bảo trợ, như tổ chức OLP của Arafat. Tổ chức này mở những cuộc tấn công (khủng bố) gây áp lực (gieo sự sợ hãi trong dân chúng) để đạt thắng lợi chính trị. Phong trào này là bước kế tiếp của các phong trào cách mạng « vô sản quốc tế », đã thể hiện thành công tại một vài nước, còn gọi là « thí điểm nóng của chiến tranh lạnh », như chiến tranh Việt Nam. Các cuộc « cách mạng vô sản », không ngoại lệ, đều sử dụng các phương pháp « không qui ước », trong đó bao gồm các hành vi « khủng bố », để đạt được thắng lợi chính trị và quân sự. 

Từ sau biến cố 11-9-2001, tổ chức Al-Qaida của Ben Laden chính thức trở thành một vấn đề của « quốc tế ». Hành vi khủng bố từ đây được xem như là một hành vi thuộc về chiến tranh. Các cuộc chiến tại Afghanistan và Irak là các cuộc chiến quốc tế chống khủng bố.

Biến cố Paris 13-11-2015, mức độ tàn phá cho dầu nhỏ hơn biến cố 11-9-2001 tại New York, nhưng đó hiển nhiên là một hành vi « khủng bố », đứng sau là tổ chức Daech. Tương tự Al-Qaida, Daech trở thành một vấn đề của « quốc tế ». Hành vi khủng bố của Daech là hành vi « chiến tranh ».

Khi tuyên bố rằng biến cố Paris 13-11 là một hành vi chiến tranh, François Hollande dành được quyền tự vệ chính đáng cho nước Pháp.

Trên danh nghĩa, Tổ chức Minh ước Bắc Đại tây dương (OTAN) có trách nhiệm ràng buộc với nước Pháp (khi nước này bị một kẻ thù từ bên ngoài tấn công).

Và cũng trên danh nghĩa, các nước trong Cộng đồng Châu Âu có trách nhiệm ràng buộc với nước Pháp (do các công ước thành lập khối Châu Âu) trong vấn đề chống lại một kẻ thù tấn công nước Pháp từ bên ngoài.

Nhưng trở ngại là tổ chức Daech không được quốc tế nhìn nhận như là một « quốc gia ». Mặc dầu tổ chức này có đầy đủ các yếu tố để trở thành một quốc gia : một lãnh thổ, một dân chúng và một tổ chức lãnh đạo. Lãnh thổ do Daech kiểm soát gồm một phần rộng lớn, trải dài trên hai quốc gia Syrie và Irak.

Daech không phải là một « quốc gia », OTAN và Châu Âu có còn ràng buộc về trách nhiệm với nước Pháp trong việc tự vệ tập thể ? Đây thuộc phạm trù pháp lý mà từ ngữ trong các điều ước lập thành Liên minh Châu Âu và tổ chức OTAN không nói rõ rệt.

Đối với Hiến chương LHQ, sự can thiệp (của Pháp và một liên minh quân sự nào đó) nếu có, nhằm triệt hạ Daech, sẽ đi vào lãnh thổ của hai quốc gia (độc lập có chủ quyền) là Syrie và Irak. Điều này, trên nguyên tắc, sẽ vi phạm đến các tiêu chí nền tảng của LHQ : can thiệp vào nội bộ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Dầu vậy LHQ vừa có nghị quyết cho phép nước Pháp làm bất kỳ biện pháp nào có thể để tự vệ. Điều này có hàm ý cho phép một liên minh quân sự được thành hình hay không ?. 

LHQ (có thể) trên lý thuyết đã đồng ý, vì khủng bố là một vấn đề thuộc về quốc tế, nhưng trên thực tế Pháp sẽ gặp vô cùng khó khăn để thành hình một liên minh quân sự như vậy (vì sự chia rẽ của các nước Châu Âu, vì thiếu phương tiện và các vướng mắc về pháp lý).

Khủng bố trong chiến tranh.

Luật quốc tế về chiến tranh vốn chưa từng được tôn trọng. Hiện tượng « khủng bố quốc tế » sẽ làm cho luật này bị gạt qua một bên.

Công ước La Haye 1907 (và các công ước sau 1945) cho rằng các bên lâm chiến không có quyền sử dụng vô hạn chế các phương tiện để phục vụ cho chiến tranh.

Các bên lâm chiến không được sử dụng các loại vũ khí (như hơi độc), không được (tàn phá) quá mức cần thiết, không được giết hại dân lành... Một số tập quán quốc tế cũng cần nhắc như các bên (lâm chiến) phải tôn trọng đại diện của bên kia, phải có thiện chí trong vấn đề thương thuyết, phải tôn trọng thời gian ngưng chiến…

Trong cuộc chiến tranh VN, HK và CSVN không bên nào tôn trọng luật lệ về chiến tranh. Hành vi bỏ bom miền Bắc, thả chất khai quang... của HK là vi phạm các công ước quốc tế. Cũng như bên CSVN, các việc pháo kích bừa bãi vào các khu vực đông dân cư như trường học, chợ búa, hoặc các việc phục kích xe đò, gài mìn... hay là vụ thảm sát Mậu Thân đều là các hành vi khủng bố, nạn nhân là người dân không liên can. Vì vậy tác nhân có thể truy tội phạm về chiến tranh.

Khủng bố Paris 13-11 (và New York 11-9-2001), nếu xem đó là một hành vi chiến tranh, thì đây là mặt đen tối nhứt, dã man nhứt của con người. Không một cứu cánh nào có thể biện minh cho hành vi này. Nó thuộc về « tội ác chống nhân loại ».

Khi khủng bố nhân danh Thuợng đế.

Người ta thường nghe tin tức báo chí khủng bố ở New York, ở Paris, Luân Đôn, Madrid… Nhưng số khủng bố trên thế giới lên đến hàng trăm vụ mỗi năm, xảy ra ở các nước Châu phi, Cận Đông, Trung đông, Ấn Độ, Pakistan… Không hề kém mức độ dã man cũng như con số người chết. Nạn nhân luôn là dân lành vô tội vạ. 

Hầu hết tác nhân các vụ khủng bố này đều là các tổ chức Hồi giáo.

Nguyên nhân từ đâu ?

Các cuộc chiến tranh lớn đầu tiên trong lịch sử loài người bắt nguồn từ tôn giáo. Hiện nay, những bất ổn trong xã hội Tây phương phần lớn đến từ mâu thuẩn về tôn giáo.

Tôn giáo trở thành một vấn đề « nhạy cảm », tế nhị. Những người làm chính trị khéo léo ít ai dám nói đến việc này.

Nhưng khi những người om bom, những người ria đạn AK vào đám trẻ đang nghe nhạc, đang ngồi bên vỉa hè ăn uống… mà trên miệng họ tụng niệm “Allah akbar – thuợng đế vĩ đại”. Họ đã nhân danh thuợng đế để giết người.

Trong vụ thảm sát Charlie Hebdo, họ nhân danh « trả thù cho Allah ».

Những đứa trẻ đang nghe nhạc ở Bataclan, những đứa đang ngồi ăn uống với bạn bè vào tối thứ sáu ở vỉa hè các quán ăn Paris… đã có tội gì với Allah ?

Chúng ta sẵn sàng tranh luận với tất cả những tín đồ của mọi tôn giáo. Những người này cũng có quyền, y như chúng ta, dùng các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do sáng tạo.... để bảo vệ lý lẽ của các đấng tiên tri, những lời kinh thánh.

Nhưng họ từ chối các quyền đó. Họ sử dụng vũ lực để giải quyết một tín điều của tôn giáo (đã cũ hàng ngàn năm).

Kinh Coran có nói mọi người không được xúc phạm đến Allah. Mọi hình thức xúc phạm đến Allah đều bị trừng phạt. Kinh Coran có khuyên nhủ mọi người phải tuân thủ các điều luật Charia. Nhưng ai có thể « nhân danh » Allah để « trừng phạt » những người xúc phạm ?

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh « thế quyền », chứ không phải trong thời kỳ « thần quyền » đen tối hơn ngàn năm trước của nhân loại.

Luật lệ Charia đã lỗi thời. Những lời của Allah (có thể) đúng, phù hợp với lối sống của xã hội trong thời gian đó.

Con người, trên phương diện vật chất, trong chừng mực có thể bị « cầm tù » trong một không gian nhứt định, đó là quốc gia của mình. Trên phương diện tinh thần, tuân thủ mù quáng vào  những giáo điều đó là tự cầm tù trong chính vũng lầy tư tưởng của mình.

Những ngày qua rộ lên các bài viết nhắc lại thuyết « sự xung đột giữa các nền văn minh » của Samuel Huntington. Không còn vòng vo, người ta cho rằng các tổ chức Hồi giáo vũ trang như Al-Qaida, Daech… là thể hiện nền « văn minh Hồi giáo ».

Điều này không đúng. Ta không thể xem các hành vi khủng bố của Al-Qaida hay Daech là một hành vi thuộc về “văn minh”.

Văn minh là thành quả một quá trình tiến hóa về văn hóa của một chủng tộc trong một vùng lãnh thổ nhứt định.

Những kẻ nhân danh thượng đế đó thực ra là những kẻ đã bị tâm thần, đã bị nhồi nhét những tín điều vô luân.

Đó đơn giản chỉ là hành vi man rợ mà trở lại hàng ngàn năm trong quá khứ may ra ta mới có thể gặp.

Khi tín điều tôn giáo trở thành chủ nghĩa “thánh chiến”.

Không văn hóa nào cổ vũ tội ác, ngoại trừ văn hóa cộng sản. Người ta hô hào chém giết từ trong văn thơ, từ trong toán học. Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ... là câu thơ điển hình mà người Việt nào cũng thuộc.

Văn hóa cộng sản đặc biệt còn có chủ nghĩa thi đua, chủ nghĩa anh hùng. Chính vì những chủ nghĩa này đã khiến một người khi đã bước vào cộng sản thì không thể có đường ra. Khi họ đã phạm tội ác thì họ sẽ tiếp tục phạm tội ác, mà tội sau lớn hơn tội trước. Đến khi “phản tỉnh” họ vô phương trở lại được.

Các tín điều hồi giáo đã được những tên giáo chủ pha trộn với chủ nghĩa Mác, Lênin, Mao Trạch Đông. Cùng với kinh nghiệm và các cách thức khủng bố mà họ học được ở các nước cộng sản, chủ nghĩa thánh chiến được trang bị cho những “thí sinh” tử đạo.

Những tên khủng bố ở Paris 13-11, sau những ngày điều tra, người ta biết họ vốn là những thanh niên có vợ con sinh sống trong một khu bình dân như 90% nhà của bên Pháp. Những người này không hề là những tín đồ Hồi giáo gương mẫu, vì họ hầu hết đều có tiền sử hình sự như trộm cướp, hút sách, nghiện rượu, ma túy...

Nếu cộng sản tìm người trong lớp bất mãn xã hội, nông dân vô sản, thì tổ chức Daech chiêu dụ và tuyển người trong tầng lớp Hồi giáo, hận thù xã hội và thèm khát vật chất, danh vọng. Những nhà thờ (mosquée) là địa điểm để những “giáo chủ” loan truyền tín điều và tuyển người.

Người ta thấy qua truyền hình, những clip video Youtube... các đoạn phim những tên khủng bố được tuyển mộ tại Anh, Pháp, Hoa Kỳ... đang cầm dao cắt cổ đồng hương. Đó là thủ đoạn mà người cộng sản từng sử dụng để người ta trung thành với tổ chức. (Trong dịp tết Mậu thân, những sinh viên hiền lành “tả khuynh” ở Huế bỏ vô bưng theo CS. Những người này trở thành đồ tể trong thảm sát Huế 1968. Phóng lao phải theo lao, cho đến chết họ cũng không dám phản đảng).

Một tên khủng bố người Pháp, tác nhân vụ Paris 13-11, cũng thấy clip video đang lái xe kéo lê lết dưới đất phía sau một số người chết. Ban đầu người ta tưởng hắn là đầu não vụ khủng bố 13-11. Nhưng không, chính cái clip video này đã chặn mọi đường trở về của những kẻ lầm lỡ. Họ trở thành những ứng cử viên tử đạo, chờ ngày ôm bom tự sát.

Chủ nghĩa anh hùng trở thành chủ nghĩa hóa thánh. Chủ nghĩa thi đua đã khiến vụ khủng bố sau tàn ác, dã man hơn vụ khủng bố trước. Tổ chức này thi đua với tổ chức kia thi nhau gây tội ác. Al-Quaida vừa tuyên bố chủ mưu vụ Charlie Hebdo thì Daech thi đua làm vụ Paris 13-11.

Đâu là mục tiêu của Daech ?

Trong chiến tranh người ta sử dụng hình thức “khủng bố” để gieo hoang mang, sợ hãi trong tầng lớp dân chúng của đối phương. Có nhiều tổ chức chính trị sử dụng phương thức này để đạt thắng lợi chính trị: sự nhìn nhận của đối thủ sự hiện diện chính đáng tổ chức của mình như là một đối thủ cạnh tranh chính trị. Mục đích là để chinh phục quyền lực (như MTGPMN ngày trước).

Một số tổ chức sau đây sử dụng phương tiện khủng bố để làm áp lực chính trị.

Tổ chức ETA (Euskadi Ta Askatasuna ) là một tổ chức vũ trang, thành lập tại Tây Ban Nha năm 1959, chủ trương xứ Basque độc lập. Các tổ chức thuộc IRA (Irish Republican Army), chủ trương Bắc Ái Nhĩ Lan tách ra khỏi Anh quốc, sáp nhập với Ái Nhĩ Lan thành một quốc gia duy nhứt và độc lập. Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda (Forces démocratiques de libération du Rwanda (FDLR) là một nhóm vũ trang người Hutu được thành lập tại Cộng hòa Congo năm 2000 với mục tiêu là bảo vệ quyền lợi cho nhóm thiểu số Hutus, tị nạn từ Wranda. Nhóm này bị nghi ngờ dính líu phạm tội ác diệt chủng nhân cuộc chiến tranh về sắc tộc Hutu và Tutsi, tại Wranda năm 1994. Các tổ chức ở Colombie, như Lực lượng Vũ trang Cách mạng, còn gọi là Quân đội Nhân dân (FARC), Lực lượng Giải phóng Dân tộc (ELN), hay Tự vệ Thống nhứt Colombie (AUC) Các tổ chức Somalie ly khai, thành lập các quốc gia (chưa được quốc tế nhìn nhận) như Somaliland và Puntland…

Danh sách các « tổ chức khủng bố » do Hoa Kỳ thiết lập (xem các đường dẫn phía dưới) rất dài, cho thấy khủng bố không đơn thuần là « khủng bố hồi giáo ».

Vấn đề sắc tộc và lãnh thổ hầu như là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến bất ổn tại Châu Phi và các nước Trung Đông. Do di sản thực dân, đường biên giới các quốc gia này được phân định một cách bất kỳ, do sự thỏa thuận giữa hai đại cường Anh và Pháp trong việc phân chia vùng ảnh hưởng. Do đó đường biên giới các nước ở đây luôn bị thách thức bởi các bộ tộc (hay dân tộc) bị bỏ quên.

Một số quốc gia bị tan rã Libye (do cách mạng màu), Irak, Afghanistan (do cuộc chiến quốc tế chống khủng bố), một số bị suy yếu Ai Cập, Tunisie… (do cách mạng màu) đã khiến « địa chính trị » khu vực bị xáo trộn. Các bộ tộc không có quốc gia trước kia (như dân Kurd) thừa dịp thành lập quốc gia (Kurdistan) ở khu vực Irak và Syrie...

Một yếu tố khác, là chất xúc tác mạnh mẽ để các tổ chức khủng bố thành hình, là vấn đề Palestine.

Vấn đề Palestine đã khiến một vấn đề tranh chấp lãnh thổ (giữa dân Palestine với Do Thái) trở thành một tranh chấp quốc tế giữa khối Hồi giáo và Do Thái (và Mỹ).Tức là, vấn đề lãnh thổ bây giờ thêm vào yếu tố tôn giáo.

Ta đã thấy dân tộc VN, lịch sử dân tộc này là lịch sử của các cuộc chiến tranh giữ nước và chống ngoại xâm. Vấn đề lãnh thổ là rất thiêng liêng. Bao nhiêu lớp trai trẻ đã lên đường, đã hy sinh chỉ để bảo vệ lãnh thổ.

Nay lại thêm vào vấn đề xung đột tôn giáo. Mà giữa các đạo Hồi, đạo Do Thái và Thiên chúa đã hiện hữu những hiềm khích, thù hận từ ngàn năm nay. Chiến tranh tôn giáo là chiến tranh hung bạo nhứt. Hận thù về tôn giáo là hận thù dai dẵn sâu đậm nhứt, không bao giờ chấm dứt.

Các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vấn đề Palestine, vấn đề tôn giáo... ba trái nổ gộp chung với nhau, hòa tan vào chất xúc tác Mác-Lênin-Mao Trạch Đông, trở thành chủ nghĩa thánh chiến.

Các yếu tố lãnh thổ, tôn giáo, Palestine (bất công, áp bức)... dễ dàng thu hút mọi tầng lớp trí thức, thanh niên nam nữ các nước Hồi giáo. Họ nghĩ rằng khi dấn thân làm « thánh chiến » là góp phần bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tôn giáo, hay cho một lý tưởng cao đẹp.

Ta thấy họ qua vụ khủng bố 11-9-2001. Những người khủng bố đa số là tốt nghiệp đại học, tình trạng kinh tế và gia đình tương đối tốt.

Giải pháp nào để diệt trừ khủng bố ?

Nếu đã có giải pháp thì khủng bố đã chấm dứt từ lâu. Hoa Kỳ là một đại cường, sau khi đổ quân vào Afghanistan và Irak, đã tốn hàng ngàn tỉ đô la, đã chết hàng chục ngàn quân lính, rốt cục phải tháo lui. Khủng bố ở Afghanistan và Irak không giảm đi mà gia tăng hơn trước.
Nguyên nhân của khủng bố, theo phân tích của tôi, hiện tại là tổng hợp ba phương diện : yêu sách và tranh chấp lãnh thổ, xung độc tôn giáo (Hồi giáo và Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo) và vấn đề Palestine. Trong các chính sách của Mỹ về Trung Đông, chưa bao giờ người ta thấy người Mỹ chú tâm giải quyết xung đột Do Thái - Palestine, là mấu chốt để giải tỏa các vấn đề tôn giáo và lãnh thổ. Tức là, một phần đáp số của vấn đề khủng bố là Palestine.

Một vài bài báo của người Việt, như ở trên BBC, hay ở VOA, các tác giả cho rằng khủng bố là một vấn đề thuộc về nội bộ nước Pháp, có thể giải quyết bằng các biện pháp xã hội (ở nước Pháp).

Có người còn lầm lẫn đến mức cho rằng vụ khủng bố 13-11 tại Paris là đến từ việc Pháp đem 100.000 quân đóng ở Bắc Phi và Trung Đông.

Con số chính thức (năm 2015) quân Pháp ở hải ngoại tổng cộng không quá 20.000 người. Tại Trung Đông, quân Pháp chỉ có mặt tại Emirats Arabes Units là 700 quân. Nếu tính thêm hải quân hiện đang đi tuần trong vịnh Aden thì có thêm 270 quân. Các xứ Bắc Phi không có quân Pháp hiện diện.

Có tác giả cho rằng nguyên nhân khủng bố là do mâu thuẫn xã hội ở Pháp. Thống kê đưa ra cho thấy người mang tên Ả Rập khó tìm việc làm hơn người mang tên Pháp. Điều này đúng, không chỉ ở nước Pháp. Nguyên nhân do đâu người Ả Rập khó tìm việc làm ?

Cùng thống kê đó cho thấy, sau biến cố 11-9-2001, người dân Mỷ (và Châu Âu) « sợ » dân Hồi giáo nhiều hơn hết hơn những nỗi sợ khác.

Tức là, nếu người Ả Rập khó tìm việc làm hơn những người dân khác thì nguyên nhân là do vụ khủng bố 11-9-2001 chớ không phải do kỳ thị chủng tộc.

Có tác giả cho rằng khủng bố đến từ sự cuồng tín và chỉ có giáo dục mới « giải tỏa được sự cuồng tín ».

Cũng không chắc đúng. Trong vụ khủng bố 11-9-2001, một số tên khủng bố là thành phần trí thức, tốt nghiệp đại học.

Những tên khủng bố gốc Pháp trong vụ Paris 13-11, không thể nói rằng chúng cuồng tín. Như đã viết trên, những tên này phần lớn là hút sách, ăn chơi… ít có tên nào là tín đồ gương mẫu.

Giáo dục bên Pháp bắt buộc và miễn phí cho đến hết trung học. Gia đình đứa trẻ đi học còn được trợ cấp xã hội.

Trong khi nội các chính phủ Pháp hiện nay, bộ trưởng bộ giáo dục là người gốc Bắc Phi. Một số bộ khác cũng do người gốc Bắc phi đảm trách. Còn thủ tướng là người gốc Tây Ban Nha (tương tự đô trưởng Paris). Tức là Pháp không phải là một giống dân có truyền thống kỳ thị.

Vấn đề « khủng bố » mang màu sắc tôn giáo hiện nay là một vấn đề « quốc tế », tương tự « quốc tế vô sản » ngày xưa, không dễ diệt trừ. Người dân nghèo nào khi nghe nói lấy ruộng người giàu chia cho người nghèo lại không đi theo ? (Không chừng, nếu ở VN có người phất lại ngọn cờ vô sản sẽ rất ăn khách).

Cốt lõi của khủng bố là tài chánh. Những người được tuyển mộ đều được Daech trả lương hậu hỉ. Vừa có tiền, vừa được mang danh « thánh », những người nhẹ dạ đều dễ tin theo.
Thứ đến là phải chặn hữu hiệu vũ khí nhập vào các xứ Châu Âu từ các nước thuộc Nam Tư cũ. Người ta dễ dàng mua những cây AK, thậm chí hỏa tiễn chống tăng với một giá rẻ mạt, ngay cả trên internet.

Sau đó là biên giới lỏng lẻo. Những người trẻ từ Châu Âu đi qua Syrie để thực tập « thánh chiến » dễ dàng như đi chợ, mà cửa trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự thiếu hợp tác về gián điệp, hay việc không chia sẻ hồ sơ những người tình nghi khủng bố, cũng không được các nước Châu Âu chia sẻ. 4 tên tham gia khủng bố Paris 13-11 đã có tên trong danh sách những kẻ nguy hiểm cần theo dõi của Bỉ. Danh sách này đã không chia sẻ cho Pháp mà Bỉ cũng không làm việc theo dõi.

http://www.state.gov/j/ct/rls/other/des/123086.htm


mercredi 18 novembre 2015

Nghĩ vụn chung quanh "chủ nghĩa anh hùng" và biến cố Paris 13-11

Người đã dán cái nhãn « một dân tộc anh hùng » cho dân tộc VN thực ra mới là người thâm độc. Cái nhãn đó tương tự cái lá bùa dán trên đỉnh ngọn Ngũ Hành Sơn đè Tề Thiên đại thánh nằm chết dí ở dưới. Bây giờ muốn gỡ bùa là không dễ.

Một « dân tộc anh hùng », sống với chuẩn mực đạo đức « anh hùng », ra ngõ là gặp « anh hùng ». Nhưng « anh hùng » là gì ?

Đọc lịch sử VN thì thấy : anh hùng là những người gan dạ, dám đem thân lấp lỗ châu mai, dám ôm bom cho nổ phanh thây chết cùng với « quân thù ». Anh hùng chống Tây, anh hùng diệt Mỹ…

Anh hùng là đồng nghĩa với việc giết chóc, máu đổ đầu rơi. Sẽ không lạ khi lá cờ của cái « dân tộc anh hùng » này có màu đỏ của máu.

Chất « anh hùng » của « dân tộc anh hùng » đó được xuất khẩu (rất thành công) sang các xứ hồi giáo chủ nghĩa ngu dân. Các xứ này thay kinh Mác bằng kinh Coran ở mặt tối tăm nhất.

Bọn khủng bố Taliban trước đây, hay quốc gia Hồi giáo (Daech) mới đây, học chủ nghĩa « dân tộc anh hùng » từ A đến Z. Chỉ khác cái là tên gọi. « Anh hùng » từ nay đổi thành « thánh ». Ra ngõ là gặp thánh nhân (chứ không gặp anh hùng như VN nữa).

Vấn đề là trò ngày nay hơn thày ngày trước. Ngọn lửa căm thù được khơi dậy bằng lòng ái quốc xem ra không bằng ngọn lửa thánh chiến của Allah, ông Chúa của đạo Hồi. Cho dầu « anh hùng » ngày xưa và « thánh nhân » ngày nay cùng được đo lường bằng sự chết chóc của người vô tội. 

Anh hùng ngày xưa, « thánh nhân » ngày nay, bình thản ria đạn AK vào đám đông, cắt đầu nạn nhân vô tội, hay thơi thới ôm bom vào chỗ chết. Muốn làm « anh hùng », làm « thánh », là phải « giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ… » người chết càng nhiều càng tốt, « cho ruộng đồng tươi tốt, lúa thêm xanh… ». Những tấm hình khủng bố ở Sài Gòn ngày xưa mới đây được đăng lại, mức độ man rợ có khác gì Charlie Hebdo hay Paris 13-11 mới hôm qua ?

Chỉ khác nhau ở tên gọi. Họ là « anh hùng », họ là « thánh nhân » ? « Công ơn » của họ được đền đáp.  

« Thánh » được hứa hẹn sống trên « thiên đàng ». Người ta cũng không quên thêu dệt, trên đó có hàng hàng trinh nữ đẹp xinh để ông thánh giải sầu. Còn « anh hùng », lỡ sa chân, thì được phong làm « liệt sĩ ».

Kinh Coran cực siêu, hơn hẵn thuyết « đấu tranh giai cấp » của Mác. (Chuyện gì cũng vậy, không có « gái » là không xong).

Thiên đàng của ông Mác hứa hẹn đi hoài không tới, xây mãi không thành. Thiên đàng ông Mác hứa hẹn là cho người sống. Trong khi « thiên đàng » của Allah là thiên đàng cho người đã chết. Cái siêu là ở đó.

Ai cũng muốn được làm « thánh » làm « anh hùng » ! Càng dốt nát thì càng muốn làm anh hùng. 
Càng liều thì càng dễ làm anh hùng. Khi « không có gì để mất » thì càng dễ thành « anh hùng » hơn.
Đau khổ cho dân tộc Việt Nam anh hùng. Cái « chuẩn mực đạo đức anh hùng » đó đã được hun đúc từ chủ nghĩa ngu dân, áp dụng từ VN từ hơn ½ thế kỷ.

Đất nước được xây dựng trên nền tảng « ý thức hệ ». Điều này quá sức dễ. Lãnh đạo càng dốt thì càng dễ thành công. Giáo dục nhồi nhét kiến thức duy vật, mối giềng đạo đức giở bỏ, bản năng con người ngày càng tiến gần đến bản năng con thú. Chuẩn mực đạo đức trong xã hội là « cách mạng – phản động ». Cái gì có lợi cho cách mạng là « đạo đức ». Mọi quan hệ đều đặt trên căn bản « địch – ta ». Đầu óc phê phán biến tướng trở thành chủ nghĩa tố cáo.

Quan hệ người với người, tiến hóa hàng triệu năm, thành xã hội gọi chung là « nhân loại », được xây dựng, gắn bó chung quanh các giá trị cơ bản gọi là « nhân đạo ». Xã hội vô sản duy vật đã thất bại, nhưng di sản của nó chuyển lại (nguyên con) cho xã hội duy vật kinh tế thị trường. Đồng tiền trở thành qui luật, xã hội tàn độc còn hơn xã hội loài thú.

Cái « bản chất anh hùng » của người Việt bây giờ không còn đất dụng võ. Vì đâu còn dịp để om bom (như kiểu nhà hàng Mỹ Cảnh), đem thân bít lỗ châu mai, hay đem thân làm đuốc sống ? Vì vậy bản chất này được thể hiện qua mọi cách khoe khoang (còn gọi là « nổ »). Nhưng dầu vậy vô hại. Cái hại là quán tính phê phán trên hai bờ « địch - ta », ai không theo ta thì đó là kẻ thù.

Có khác gì bọn Daech, ai không theo đạo Hồi kẻ đó là đáng chết ?

Nhớ ngày xưa, thập niên 60, 70 khi Mỹ dội bom miền Bắc, cả thế giới lên tiếng phản đối chống lại Mỹ. Trí thức Pháp, (và cả Châu Âu) tả cũng như hữu, hướng dẫn dư luận thảy đều xuống đường biểu tình chống Mỹ. Người Mỹ đã sai và phải rút khỏi VN. Người ta nói VN thắng Mỹ trước hết là thắng tại Paris.

Ở đây người ta xây dựng đất nước trên những « giá trị cơ bản » mà con người (cá nhân) là mục đích trung tâm. Vì vậy ưu tiên của các xã hội này là giáo dục và đào tạo. Người dân nào cũng được giáo dục để có kiến thức, có tri thức tối thiểu để nhận diện và phê phán sự việc trên các chuẩn mực của đạo đức (thiện – ác), của khoa học, của chân, thiện, mỹ… Đất nước của người ta ngày càng tiến bộ.

Nhìn lại VN, chỉ xét thái độ của (một số) facebookers VN về biến cố Paris 13-11, ta cũng biết sự tha hóa, không chỉ về đạo đức mà còn về kiến thức, của con người VN đã trầm trọng tới mức nào. Họ bình thản so sánh những cái chết ở Paris với những cái chết (vì xe cộ) ở VN, sau đó phê phán những người biểu lộ tình liên đới, chia sẻ đau thuơng và phẫn nộ đối với người dân Pháp.

Biến cố Charlie Hebdo, thế giới hầu hết lên tiếng nói « je suis Charlie – tôi là Charlie », ý nghĩa sâu xa của thái độ này là bênh vực quyền tự do ngôn luận. « Tự do ngôn luận » là một « giá trị nền tảng » của các xã hội văn minh. Xâm phạm đến nó, tiêu diệt nó, xã hội này sụp đổ. Có người phản đối, vì cho rằng « tự do ngôn luận » cũng có giới hạn. Tự do ngôn luận không có nghĩa là có quyền xúc phạm đến các đấng thiêng liêng. Việc phản đối này dầu sao cũng có căn cứ.

Nhưng khi so sánh những cái chết (lãng nhách vì xe cộ) với những cái chết là nạn nhân của cái ác, vô hình chung họ đã đề cao cái ác. Ở đâu lại không có người chết vì tai nạn xe cộ ? Dĩ nhiên, cái chết nào cũng đem lại đau buồn cho gia quyến, mọi người đều phải tôn trọng và chia sẻ những đau thuơng mất mát này với tang gia.

Cũng có người so sánh những cái chết ở Paris 13-11 với những cái chết ở Syrie. Theo tôi là không nên. Người chết ở Paris là nạn nhân của sự man rợ, còn cái chết ở Syrie là nạn nhân vì chiến tranh.  
Thế giới này người ta phân chia ra thành từng « khối », hay « liên minh », gồm một số quốc gia chia sẻ chung những giá trị cơ bản, nói chung là các giá trị về nhân quyền.

Trong biến cố Paris 13-11, hầu hết các nước đều lên tiếng chia buồn với dân tộc Pháp, đồng thời lên án hành vi khủng bố của Daech (IS). Họ lên tiếng phân ưu vì họ đứng về phía « ánh sáng », phía « thiện », phía « đúng »...

Lại có người so sánh (số nạn nhân) qua hành vi dội bom trả đũa của Pháp. Không thấy đưa ra con số « nạn nhân » bao nhiêu người chết trong cuộc dội bom này. Nhưng vấn đề có nhiều điều cần nói. Những mục tiêu dội bom của Pháp là các căn cứ « quân sự » của Daech. Nếu có chết người, thì đó là « hệ quả của chiến tranh ». Pháp đã tuyên bố chiến tranh, mà đây là quyền tự vệ chính đáng. Trong chiến tranh, theo qui ước, là không giết dân lành (tức những người không cầm súng). Bọn Daech, còn hơn là tội phạm chiến tranh, chúng là những « tội phạm chống nhân loại ».

Nhiều người VN còn nguyên quán tính phê phán sự việc đơn thuần trên tinh thần « địch – ta », chớ không phê phán trên « lẽ phải », trên những giá trị phổ cập của nhân loại. Nếu dựa lên tinh thần « địch – ta », thì dư luận Pháp (và Châu Âu) đã không ủng hộ VN trong thời kỳ chiến tranh, chắc chắn VN đã không bao giờ thắng Mỹ.

Nếu việc phê phán theo lối này không sớm chấm dứt, chắn chắn VN sẽ cô lập trên thế giới. Hiện nay VN đã « cô đơn » ở Biển Đông. VN không chia sẻ bất kỳ tư tưởng, giá trị sống nào với Pháp (và các nước Châu Âu) để các nước này lên tiếng bênh vực. Họ chỉ lên tiếng chung chung, vì quyền lợi của họ, chớ không vì « lẽ phải ».

VN không biết « lẽ phải » thì không có lý do gì các nước này phải lên tiếng bênh vực, cho dầu những hành vi của TQ ở Biển Đông đã không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn mang tính chất « tội phạm chống nhân loại » qua các hành vi đối xử với ngư dân VN.

Chủ nghĩa anh hùng vẫn còn chảy trong huyết quản của đại đa số dân VN, cũng như Ngũ hành sơn đè lên Tề Thiên đại thánh. Càng huênh hoang « anh hùng » thì càng sa vào tối tăm, chậm tiến. Hãy giao « bản sắc anh hùng » đó cho bọn đạo cuồng khát máu Daech, như Tề Thiên vươn vai thành người tự do.


Để trở thành người « tự do », trước hết là tiếp thu những giá trị phổ cập nền tảng của loài người. Người tự do là tự do từ trong tư tưởng. 

dimanche 15 novembre 2015

Học giả Trung Quốc nhập nhằng ngựa với lừa.


Giáo sư Andrew Gou (Đại Học Jilin) có bài đăng trên trang « Opinio Juris », nội dung phê bình Tòa PCA đã sai lầm trong vụ Phi kiện TQ về vấn đề Biển Đông. Ông này đã ví von rằng sai lầm của Tòa là sai lầm của « bạch mã luận » : con ngựa trắng không phải là con ngựa.

« Con ngựa trắng không phải là con ngựa » vốn là nội dung « bạch mã luận » của Công Tôn Long, một biện sĩ người Hán sống vào đời nhà Triệu bên Tàu. Câu chuyện kể rằng, có một hôm Công Tôn Long cởi ngựa muốn đi vào thành thì quân lính đóng ở của thành không cho qua, bảo rằng đường này cấm ngựa. Công Tôn Long chỉ ngựa mình nói rằng « ngựa ta là ngựa trắng. Ngựa trắng không phải ngựa, vì vậy không bị cấm » (Bạch mã phi mã). Sau đó ông cởi ngựa vô thành.

Không biết sự thật vụ này ra sao, nhưng rõ ràng là Công Tôn Long ngụy biện, vì ngựa trắng, ngựa đen… ngựa nào không phải là ngựa ?

Dựa trên câu chuyện này GS Andrew Gou ví von cho rằng phán quyết của Tòa là không đúng, vì Tòa lầm lẫn « ngựa trắng không phải là ngựa ».

Theo GS Gou, các đệ trình của Phi, yêu cầu Tòa phán dưới đây đều thuộc phạm vi « phân định ranh giới biển », vốn được TQ bảo lưu. Do đó Tòa không có thẩm quyền phân xử.:

-  yêu sách đường 9 đoạn của TQ là không phù hợp với tinh thần UNCLOS   

         -  tình trạng pháp lý các cấu trúc địa lý Scarborough (bãi Hoàng Nham), đá Subi, đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây, chúng là những bãi chìm lúc thủy triều lên, theo như điều 13 của UNCLOS.

GS Gou nhấn mạnh ở hai điểm :

1/ « Phân định ranh giới biển » (delimitation) vốn là một « quá trình ». Công việc phân định chủ ở việc giải quyết những yêu sách chồng lấn của các bên. Việc phân định vì vậy là một quá trình nhận diện, đo lường và xác định vùng chồng lấn giữa yêu sách của các bên chớ không đơn thuần là việc xác định đường biên giới.

 2/ Vấn đề ngôn từ, việc phân định bao gồm các vấn đề « relating to »  và  « concerning », tức là những gì « quan hệ » và « ảnh hưởng », tới việc phân định.

Theo GS Gou, các đệ trình của Phi (ở trên) đều thuộc về, hay liên quan đến việc phân định, do đó đáng lẽ phải ngoại trừ (do bảo lưu của TQ).

Tức là, diễn theo ngôn ngữ « bạch mã luận », « liên quan đến việc phân định » là « ngựa » còn « ảnh hưởng đến việc phân định » là « ngựa trắng ».

Tôi cho rằng lập luận so sánh của GS Gou là sai lầm.

Giả sử rằng sau khi khảo sát (bằng các phương pháp đo lường khoa học), Tòa nhận thấy rằng các bãi ở trên thuộc diện « bãi lúc chìm lúc nổi ». 

Đương nhiên các cấu trúc địa lý này không liên quan gì, cũng không ảnh hưởng gì đến việc phân định. Theo điều 13 UNCLOS các cấu trúc địa lý lúc chìm lúc nổi không có lãnh hải và thềm lục địa, ngoại trừ trường hợp cấu trúc này ở trong khu vực lãnh hải 12 hải lý , chúng có thể dùng làm điểm cơ bản để đo lãnh hải.

Không có lãnh hải, cũng không có thềm lục địa, thì liên quan cái gì (hay ảnh hưởng cái gì) với việc phân định ?

Tức là nó không phải ngựa trắng, cũng không phải là ngựa.

Nó là con lừa !

Còn nếu khảo sát khoa học cho thấy chúng là đá (hay đảo), dĩ nhiên Tòa sẽ phán rằng chúng là các "đảo".

Đệ trình của Phi rõ ràng là yêu cầu Tòa xem xét rằng các thực thể địa lý là « ngựa » hay là « lừa ».


Không hề có việc Tòa lẫn lộn ngựa trắng không phải ngựa.




mardi 10 novembre 2015

Thủ tín và thủ đoạn


Tập Cận Bình vừa qua có đọc diễn văn ở Quốc Hội VN. Thông điệp gởi đến đảng CSVN rất rõ ràng : muốn làm bạn (thân) với Trung Quốc thì VN phải « thủ tín ». « Tín giả, giao hữu chi bản » - chữ tín là nền tảng của quan hệ bạn bè.

Nhưng Tập Cận Bình muốn lãnh đạo VN « thủ tín » về chuyện gì ?

Thông thường, ngôn ngữ ngoại giao, muốn hiểu ta phải đọc ở giữa hai hàng chữ. Đàng này Tập Cận Bình nói toạt móng heo. Ông yêu cầu VN tôn trọng « nhận thức chung » đạt được giữa lãnh đạo cao cấp hai bên về các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Dĩ nhiên, điều này bao hàm rất nhiều việc quan trọng đã diễn ra trong quá khứ. Quan điểm của VN thể hiện qua công hàm 1958, mục đích ủng hộ tuyên bố của TQ về chủ quyền, cũng là một hình thức thể hiện việc « nhận thức chung » của lãnh đạo hai bên. (VN « thủ tín » nội dung tuyên bố này là VN nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS). Ông Tập cũng yêu cầu VN phải « khép lại quá khứ » và « hướng tới tương lai ». Ý nghĩa của nó là những chuyện như xây dựng đảo nhân tạo vừa rồi của TQ ở các bãi, đá Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Vành Khăn, Subi, Gaven, Huy Gơ… là chuyện « quá khứ », không được nhắc tới nữa.

Nhưng vấn đề là, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa VN và TQ, từ xưa đến nay, phía Trung Quốc luôn sử dụng « thủ đoạn » để gài VN vào một tình huống tế nhị, buộc phía VN nhìn nhận tình huống đó, cuối cùng ép phía VN phải « thủ tín », không được nói ngược lại.

Một số sự kiện lịch sử về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước VN-TQ nhắc lại sau đây cho thấy một số « thủ đoạn » của TQ đã sử dụng để lấn chiếm đất đai của VN.

1/ Vụ nổi tiếng nhứt có lẽ là vụ đất Tụ Long năm 1724.

Tổng Tụ Long (thuộc châu Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) là một vùng đất có nhiều mỏ kim loại quí. Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn ghi lại tên một số mỏ : mỏ bạc và mỏ đồng ở làng Na Ngọ (các mỏ Phượng Hoàng, Thiên Nguyên, Tụ Bảo, Mậu Hưng), mỏ đồng Bán Gia, mỏ kẽm Kha Thôn, các mỏ bạc Nam Ðương, Long Sinh, Thủy Ðộng, Minh Chiều, Ðà Gia v.v…

Biên giới khu vực tổng Tụ Long, giữa phủ Khai Hóa của TQ với VN là con sông nhỏ mang tên Đổ Chú.

Lê Quí Đôn ghi lại diễn biến trong tập Kiến văn tiểu lục. « Thủ đoạn » của TQ sử dụng ở đây để chiếm đất Tụ Long là nhập nhằng đặt tên các làng xã của khu vực này bằng tên các địa danh của TQ, hay những tên phát âm gần giống như vậy. (Điều nên biết là có nhiều tiếng Hán đồng âm nhưng khác nghĩa). Thí dụ làng Ma Tu 痲須 thì TQ nhập nhằng với trại Mã Đô 馬都; làng Tà Lộ 斜路 với trại Bố Ðô 布都; làng Phù Không 扶空 với trại A Không 阿空; làng Phù Ni 扶尼 với trại Bạch Nê 白泥; làng Nhĩ Hô 爾呼 với trại Ngưu Hô Hắc 牛呼黑…

Điều quan trọng là nhập nhằng con sông Đổ Chú, vốn là đường biên giới, với con suối mang tên Tam Khê 三溪 xa về phía nam. Sau đó phía TQ hô hoán rằng VN chiếm đất của TQ.

Thế là phía TQ (có danh nghĩa) xua quân qua chiếm lại. « Thủ đoạn » này không thành. Bởi vì cha ông chúng ta thời điểm này có những người sáng suốt, biết rành mạch lãnh thổ của mình có từ đâu tới đâu. Họ tranh cãi với quan chức TQ (tại triều đình của TQ), với sử liệu, văn bản địa chí, bản đồ… cụ thể đính kèm. Điều may (cho VN) lúc đó TQ do nhà Mãn Thanh trị vì. Ông vua người Mãn Châu xem ra công chính, biết điều phải trái (hơn ông vua họ Tập bây giờ). Tháng 4 năm 1725 vua nhà Thanh ra chiếu trả lại toàn vùng đất Tụ Long cho Việt Nam.

2/ Vụ thứ hai, cũng là vùng đất Tụ Long. TQ dùng « thủ đoạn » để chiếm đất này nhân cơ hội phân định biên giới Pháp-Thanh 1885-1887. Kỳ này họ đã thành công. Từ đó (1887), vùng đất rộng 750 km² này, với nhiều mỏ kim loại quí giá, đã vĩnh viễn thuộc về TQ. Trên bản đồ hiện nay Tụ Long được đổi tên là Đô Long, gần Mã Bái Quan, phía nam phủ Khai Hóa, Vân Nam.

« Thủ đoạn » mà TQ sử dụng, lợi dụng việc các viên chức Pháp phu trách phân định biên giới không rành thực địa, họ vẽ lại bản đồ đặt tên sông Lô là Đổ Chú. Sông Lô ở rất xa sông Đổ Chú (tức biên giới thật) về hía nam.

Cuối cùng việc này các nhân viên Pháp biết được (nhờ tham khảo tập Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn), vẽ đường biên giới lại và chỉ rõ (cho phía TQ biết) đâu là vị trí con sông Đổ Chú thật.

Bẽ bàng, phía quan chức TQ bèn giỡ « thủ đoạn » nói láo, cho rằng con sông Đổ Chú thật (tức đường biên giới), tên là « Tiểu Đổ chú hà ». Còn sông Đổ Chú thật, tức sông Lô (Pháp gọi là rivière Claire – sông nước trong), là Đại Đổ Chú hà.

Cuối cùng vụ tranh chấp này được giải quyết tại Bắc Kinh. Phía Pháp muốn được lợi lộc kinh tế nên nhượng vùng đất này cho TQ.

3/ Vụ thứ ba là đất ở hai tổng Kiến Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Hải Ninh (Quảng Ninh bây giờ).
Phía TQ cũng dùng « thủ đoạn » để lường gạt các nhân viên phân giới người Pháp để lấy đất của VN.
Theo biên bản phân định biên giới ngày 29-3-1887 thì hai bên nhìn nhận đường biên giới đi qua nói Phân Mao.

Vị trí núi Phân Mao, theo địa chí của TQ thì ở gần Khâm Châu. Núi này nổi tiếng vì (nghe nói) có trụ đồng của Mã Viện cắm trên đó, đánh dấu cương vực hai bên VN và TQ.

Đến khi ra thực địa cắm mốc, phía TQ vẽ bịa ra trên bản đồ một trái núi ở gần Động Trung, cho đó là núi Phân Mao. Họ còn cho dựng một cái am thờ dưới chân núi, gọi đó là đền thờ Phục Ba tướng quân (tức Mã Viện). Việc này không qua mắt được các viên chức Pháp vì địa chí của TQ đã chỉ rõ ngọn núi này ở xa về phía bắc.

Bẽ bàng, các viên chức người Hoa ngụy biện rằng núi ở Động Trung là « Đại Phân mao lĩnh » còn núi ở gần Khâm Châu là « Tiểu Phân mao lĩnh ».

Cuối cùng thì (nhờ thủ đoạn) phía TQ cũng chiếm được vùng đất này. Theo bản báo cáo của viên chức phụ trách phân giới :

« người Hoa đã dành được của An Nam một vùng đất… trên một chiều dài khoảng 40 cây số, người ta đã bỏ biên giới lịch sử của An Nam và Trung Hoa để lấy một đường biên giới khác, ở xa về phía nam, một đường biên giới hoàn toàn qui ước. Việc này đã nhường cho Trung Hoa 7 xã rưỡi thuộc tổng Bát Tràng của An Nam và hai xã khác cũng của An Nam thuộc tổng Kiến Duyên. »

4/ Vụ thứ tư là khu vực đất trước ải Nam Quan.

Biên giới lịch sử giữa hai bên VN và TQ từ lâu đã được xác lập là các ải thông thuơng giữa hai nước, như ải Du, ải Bố Sa, ải Sơn Tử, ải Bình Nhi, ải Ná Chi, ải Khấu Sơn v.v…

Theo lý lẽ đó thì khu vực Nam Quan, đường biên giới phải đi qua ải này.

Trong cuộc phân định biên giới Pháp-Thanh 1887, phía người Hoa cũng lập « thủ đoạn » để lấn đất của VN. Nhiều văn bản của các viên chức người Pháp ghi chép lại cho thấy phía người Hoa, trước ngày phân định biên giới, đã cố gắng dời vị trí các ải về phía nam để dành đất. Điều này thành công ở các ải tạm bợ, nhưng không thành công tại các ải như Nam Quan, Bình Nhi, Thủy Khẩu… vì nơi đây là các công trình xây cất.

Dầu vậy, ở Nam Quan, phía TQ cũng dùng thủ đoạn « chây lì » để lấn đất về phía VN.

Theo biên bản số 4, phân định từ Nam Quan đến Bình Nhi, ký ngày 7 tháng 4 năm 1886, Pháp nhượng bộ đòi hỏi của TQ, đường biên giới phải lui về phía nam 100 mét, tức cách cổng Nam Quan 100 mét.

Người Pháp phải « thí cô hồn » 100 mét đất ở đây cho TQ để khai thông việc phân định.

Nhưng sau đó phía TQ lại dùng « thủ đoạn » gài bẫy cho nghĩa quân (và giặc Cờ Đen) phục kích giết chết một số nhân viên phân định biên giới. Làm việc này phía TQ buộc Pháp phải bỏ việc phân định trên thực địa mà phải phân định trên bản đồ.

Vấn đề là phía TQ dùng « thủ đoạn », vẽ bản đồ sai, hoán đổi các địa phương, đặt tên TQ cho những địa phương VN, nhằm chiếm đất của VN.

5/ Vụ thứ năm gồm tổng Đèo Lương (thuộc tỉnh Cao Bằng), (vụ này có quan hệ đến khu vực thác Bản Giốc và núi Khấu Mai). Phía TQ lợi dụng việc phân giới trên bản đồ, đã hoán đổi địa danh trên bản đồ, đặt tên làng xã của VN bằng tên các làng xã thuộc TQ.

Tổng Đèo Lương ở phía đông bắc tỉnh Cao Bằng, phía nam Thủy Khẩu, phía bắc có sông Qui Xuân chảy vào, diện tích khoảng 300km². Trên bản đồ hiện nay là phần lõm vào ở đông bắc Cao Bằng.

Trường hợp mất được ghi vắn tắt qua nhật ký của Ủy ban Phân giới vùng Quảng Tây, trong chiến dịch phân giới 1893-1894. Theo đó, phía TQ đã lấy tên của một số làng xã của phía TQ để đặt tên cho các làng xã thuộc tổng Đèo Lương

Cuối cùng, Pháp nhượng bộ, Ðèo Lương thuộc TQ, nhưng với điều kiện núi (quan trọng về chiến lược) Khấu Mai (TQ gọi là Khấu Mai Lĩnh, VN gọi là Cao May) thuộc về VN.

Vấn đề thác Bản Giốc. Theo các chi tiết đã ghi trong các biên bản, nhật ký phân giới, sông Qui Xuân (Qui Thuận, Quây Sơn) chảy vào phía bắc của tổng Đèo Lương. Vào lúc phân giới thác Bản Giốc nằm sâu trong lãnh thổ của Việt Nam. Nếu không mất Đèo Lương thì sẽ không bao giờ có tranh chấp chủ quyền tại Bản Giốc vào những năm sau này, vì nó sẽ nằm sâu vào lãnh thổ VN.)

6/ Vùng đất Bạch Long (phía bắc tỉnh Quảng Ninh, bên kia sông Bắc Luân hiện nay). Đất này, theo địa chí của TQ là thuộc về VN. Biên giới hai bên VN và TQ khu vực này mở ra cho tới Phòng Thành. Phía TQ cũng dùng « thủ đoạn » để chiếm đất này năm 1887, bằng cách mua chuộc các viên chức người Pháp.

7/ Sau khi phân định lại biên giới năm 1999, đất thuộc các khu vực Nam Quan, Bản Giốc, Khấu Mai, Trình Tường… cũng như nhiều cao điểm chiến lược của VN bị nhượng cho TQ.

Mọi người có thể tìm hiểu lý do ở Bạch thư năm 1977 của VN (hay ở các viên chức phụ trách việc phân giới).

8/ Về Hoàng Sa và TS, thì cả một quá trình « thủ đoạn » tiếp nối « thủ đoạn » mà TQ đã giàn dựng để chiếm của VN.

Cũng bằng một « thủ đoạn », lặp đi lặp lại xưa nay, là lấy tên một địa danh nào đó của TQ, đặt cho các địa danh của VN, sau đó hô hoán rằng VN lấn đất.

Trường hợp Hoàng Sa, TQ hô hoán VNCH lấn đấn rồi đem quân đánh chiếm.

TQ lấy những tên « mịt mờ » trong sách cổ, như « Thất châu dương », rồi « Cửu nhũ loa châu », rồi « tây sa quần đảo » để đặt cho Hoàng Sa của VN.

Mịt mờ vì những cái tên này hoặc là các địa danh thuộc TQ kế cận đảo Hải Nam, hoặc là những cái tên địa danh của nước khác.

Trường Sa cũng vậy. Đến những năm gần đây, TQ vẫn xem lãnh thổ cực nam của TQ là « Tây Sa quần đảo ». Trước đó, cũng không xa lắm, sử sách của nhà Minh, nhà Thanh… đều khẳng định lãnh thổ cực nam của TQ là đảo Hải Nam.

Kết luận :

Tờ Hoàn Cầu thời báo hôm 18-10 có viết bài lên giọng đe dọa : « vấn đề Biển Đông, TQ sẽ sử dụng mọi thủ đoạn cần thiết để bảo vệ lãnh thổ ».

Hôm kia Tập Cận Bình kêu gọi VN « thủ tín ».

TQ luôn sử dụng trước « thủ đoạn », gài VN vào việc đã rồi, sau đó yêu cầu VN « thủ tín.

Công hàm năm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký kết quả của một « thủ đoạn ».


VN có thể nào « thủ tín » hay không ?

dimanche 8 novembre 2015

Thông điệp của Tập Cận Bình qua chuyến viếng thăm VN ngày 5 và 6 tháng 11 năm 2015.

Tập Cận Bình, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng CSTQ, đã thăm viếng VN trong hai ngày 5 và 6 tháng 11-2015, thể theo lời mời của Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang và TBT Nguyễn Phú Trọng. Sau đó ông Tập đi Singapour vào chiều ngày 6 để hội kiến với Thủ tướng Singapour là Lý Hiển Long. Tại đây Tập Cận Bình có buổi gặp mặt với TT Đài Loan là Mã Anh Cửu.

Trên mặt báo chí, truyền thông phương Tây, người ta đăng tin chuyến đi của ông Tập và phu nhân với cuộc gặp gỡ lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu. Cuộc gặp gỡ này được đánh dấu là « lịch sử ». Ông Tập đại diện cho đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Mã đại diện cho đảng Trung Hoa Quốc dân đảng, là hai phía tử thù « bất cọng đái thiên » tranh giành tư thế lãnh đạo Trung Hoa trong nhiều thập niên. Cuộc chiến chỉ (tạm thời) chấm dứt năm 1949, khi Hồng quân của Mao chiếm được lục địa và phe Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch phải chạy ra (lập quốc ở) Đài Loan. Báo chỉ để ý từng chi tiết, từ cách thức xưng hô cho đến màu cà vạt của Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu. Chuyến viếng thăm VN của ông Tập không (hay ít) thấy báo nào nhắc tới.

Ông Tập Cận Bình và phu nhân được VN tiếp đón trọng thị, với đầy đủ nghi thức dành cho một quốc khách.

Vấn đề là người ta thấy vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng nổi bật. Ông này thuộc về bên đảng, nhưng ông thay mặt nhà nước làm tất cả mọi việc.

Hiến pháp qui định vai trò của Chủ tịch nước « thay mặt nước CHXHCNVN về mặt đối nội và đối ngoại ». Báo chí loan tin (chuyến đi của ông Tập) là chủ tịch nước đứng ra mời. Nhưng người ta không thấy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở đâu trong nghi lễ tiếp đón quốc khách. (Đứng ra mời khách nhưng khi khách tới thì mình không có mặt). Trước Phủ Chủ tịch, người ta thấy ông Trọng sánh vai ông Tập duyệt binh, dưới màn khói mờ của 21 cú đại bác.

Qua cuộc tiếp đón này ta thấy là đảng nhập nhằng với nhà nước. Quốc khách, do chủ tịch nước mời, lý ra phải do chủ tịch nước thủ tọa trong mọi nghi lễ, thì trở thành « đảng khách », do tổng bí thư đảng tiếp đón, lo liệu.

Hiến pháp không được tôn trọng. Hiến pháp không bằng « đảng pháp ».

Dấu hiệu gì ? Ông Sang bị hạ bệ ? Hay ông Tập không muốn gặp ông Sang (vì ông này có tuyên bố trái ý với ông Tập trong vấn đề Biển Đông) ?

Một chi tiết cũng cần nhắc, chiếc Mercedes chở Tập Cận Bình mang số 00079. Không biết phía nào chọn mà thật khéo léo. (Nghe nói là phe công an lựa chọn xe). Số 79 trùng với năm 1979, là năm Đặng Tiểu Bình dạy cho VN “một bài học”.

Ở TQ người ta có nhiều so sánh giữa hai ông lãnh đạo cùng có tên Bình. Điểm chung của cả hai là điều có tham gia cuộc chiến 1979. Chỉ khác với tư cách. Vậy thông điệp của số 79 chắc chắn không phải là một thông điệp “hòa bình” rồi !

Nhưng điều người VN quan tâm hơn cả là diễn văn mà Tập Cận Bình đã đọc trước Quốc Hội.
Thông điệp của ông Tập (qua bài diễn văn) là gì ?

Theo tập quán quốc tế, khi quốc khách có diễn văn đọc trước Quốc hội, ý nghĩa việc này là vị quốc khách có thông điệp muốn gởi đến toàn thể nhân dân của nước đó.

Hiến pháp VN qui định : “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ».

Tức VN không có ngoại lệ về ý nghĩa Quốc hội đối với tập quán quốc tế. Quốc hội là nơi đại diện (quyền lực) của nhân dân. Đọc diễn văn trước quốc hội là muốn gởi thông điệp đến nhân dân.

Ta thấy trên thực tế, ngay từ những dòng mở đầu, thông điệp của họ Tập là gởi cho đảng (và nhà nước) CSVN, chứ không gởi đến nhân dân VN. Diễn văn của họ Tập không được (nhà nước VN) chuyển ngữ ra tiếng Việt.

Ông Tập Cận Bình lạm dụng nhân dân VN và đảng CSVN chấp nhận cho việc này. Quốc hội trở thành “đảng hội”. Cả hội trường 600 người không có một tiếng nói khác.

Nhân dân VN 90 triệu đâu phải ai cũng nghe lời “thiên tử” ? Đại biểu (thiếu điều khúm núm) nghe lời vàng ngọc, theo kiểu “thần tử kiến long nhan”.

Họ Tập nói gì ?

Họ Tập nói nhiều điều, sử dụng nhiều điển tích, mà muốn hiểu phải có trình độ “thâm nho”.

Một số điều bất kỳ ai (không biết nho chùm) cũng hiểu đó là :

1/ Tập Cận Bình nhắc lại việc tháng tư vừa rồi, nhân chuyến thăm Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên cam kết “khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” và “có nhận thức chung”.

Câu “khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” có nội dung giống hệt như nội dung Hội nghị Thành Đô 1990. Lãnh đạo hai nước thời đó cũng “khép lại quá khứ”, những gì xảy ra rồi coi như bỏ, không nhắc tới nữa. TQ chiếm của VN quần đảo HS và một số đảo TS, chiếm của VN một số đất trên vùng biên giới. Tất cả những vùng lãnh thổ này từ nay (1990) trở thành của TQ, VN không nhắc tới nữa.
Quả thật, có bao giờ ta nghe lãnh đạo VN nhắc đến các việc này hay chưa ? Chưa bao giờ !

Tập Cận Bình gần đây, có dịp là tuyên bố các đảo HS và TS là lãnh thổ của TQ từ thời cổ đại. Lãnh đạo VN chưa có người nào chính thức lên tiếng phản đối các tuyên bố này. Mặc dầu cơ hội không phải là không có.

Lãnh đạo CSVN đổ thừa do VNCH làm mất HS do đó khó khăn trong việc thuơng thuyết. Nhưng việc lên tiếng tuyên bố (trước các diễn đàn quốc tế) HS là của VN thì đâu có điều gì khó khăn ? Vậy mà không thấy ai lên tiếng hết cả.

Cam kết “khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” của ông Trọng với lãnh đạo TQ có nghĩa là những gì TQ đã xây ở các bãi đá (đã chiếm của VN bằng vũ lực năm 1988), bắt đầu từ đầu năm 2014, thì không nhắc tới nữa.

VN đã nhìn nhận thực tế (thay đổi hiện trạng) này.

Để ý, từ tháng 4-2015, VN chưa hề có tuyên bố rõ rệt để phản đối các hành động xây dựng đảo nhân tạo của TQ. Ngay cả lúc HK cho tàu chiến đi vào vùng biển 12 hải lý các bãi, VN cũng không lên tiếng (một cách cụ thể để khẳng định chủ quyền).  

Còn cái “nhận thức chung” giữa Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo CSTQ là gì ?

Dĩ nhiên bao hàm nhiều mặt, từ lịch sử lập quốc VNDCCH cho tới việc duy trì thể chế XHCN, nói chung là cái “đại cục” . Nhưng đặc biệt, về Biển Đông, đó là “khép lại quá khứ, nhìn về tương lai”.

Ta thấy CSVN đã sai lầm, vì đã thụ động trước sách lược “cắt xúc xích” của TQ. Ai cũng biết cắt xúc xích là phải cắt từng lắt mỏng. Đây là cách gọi của Tây phương. Còn đông phương, VN gọi là “tầm ăn dâu”. Tức là, cách “gậm nhấm” của TQ rất “tiệm tiến”, với vận tốc cực chậm. Nhưng ăn tới đâu là tiêu hóa tới đó.

2/ Điều quan trọng khác cũng thấy có người nhắc tới, đó là Tập Cận Bình dạy dỗ lãnh đạo CSVN việc thủ tín.

Họ Tập nói là “tín giả, giao hữu chi bản”. Tức chữ tín là nền tảng của quan hệ bạn bè. Bạn bè không hứa thì thôi, đã hứa thì phải giữ lời. Có thể diễn nôm là “bút sa thì gà chết”.

Nhiều người nhận ra rằng Tập Cận Bình muốn ám chỉ đến những cam kết của VNDCCH ngày xưa, như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng về vấn đề chủ quyền HS và TS. Đã nhìn nhận HS và TS là của TQ thì bây giờ đâu thể nói ngược ?  

Bây giờ cũng vậy, đã “khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” thì không thể nhắc lại quá khứ nữa.

Hai bên đã có “Nhận thức chung” thì không thể nói lên ý kiến riêng tư.

Bài học về chữ “tín” này thật là đắt giá. Thủ tín là VN mất đảo, mất biển. Mà không thủ tín thì không được.

Vì vậy, những hành vi của TQ (ở Biển Đông, hay ở những trường hợp khác gây thiệt hại cho VN) là do việc VN không “thủ tín”.

Tức là, cách nào thì TQ cũng có lối biện hộ cho hành vi của họ. Còn VN thì hả miệng mắc quai.

3/ Họ Tập khẳng định VNDCCH là một quốc gia duy nhứt.

Vì có như vậy những cam kết của nhà nước VNDCCH ngày trước (như công hàm 1958) mới có hiệu lực pháp lý.

Nếu nhìn nhận đúng đắn lịch sử VN, thì vấn đề sẽ khác.

Khoảng thời gian 1954-1975 có đến hai thực thể chính trị cùng lúc tranh giành ghế đại diện cho quốc gia Việt Nam, đó là VNCH và VNDCCH. Cả hai đều không được LHQ nhìn nhận (là đại diện cho VN). Hai hiệp ước quốc tế Genève 1954 và Paris 1973 bảo đảm tính “bảo toàn lãnh thổ, duy nhứt” của quốc gia VN gồm ba miền Bắc, Trung, Nam.

Trên quan điểm lịch sử này thì các tuyên bố của một bên (như công hàm 1958) về những vấn đề lãnh thổ là không có giá trị pháp lý.

“Quốc gia duy nhứt” cũng là một phần của “nhận thức chung” giữa hai bên.

Họ Tập nhắc lại “nhận thức chung”, nhắc lại “chữ tín” để yêu cầu đảng CSVN tuân thủ.

Ta thấy Nguyễn Phú Trọng (và những viên chức khác) xum xoe chung quanh Tập Cận Bình như muốn thổ lộ tấm lòng chung thủy, chung “một cục” với thiên triều.

Vì vậy, sớm muộn gì TQ cũng “tầm ăn dâu” nuốt sạch Biển Đông.

Vì vậy, vì chữ tín, đảng CSVN sẽ để cho TQ làm việc này.

Giả sử rằng đảng CSVN “trở mặt” (thí dụ theo Mỹ), tức là “bất tín” với TQ. Nước này có đủ lý do để cho VN bài học thứ hai.

Mà thực ra chính đảng CSVN tự gài mình vào thế lưỡng nan. Từ lâu tôi đã đưa giải pháp “hòa giải dân tộc”, dân chủ hóa chế độ để VN hôm nay có thể kế thừa di sản VNCH một cách danh chánh ngôn thuận. VN có thể lên tiếng đòi HS và TS, có thể đi kiện TQ trước một trọng tài quốc tế mà không sợ bị (estoppel).

Nhưng vì “đại cục”, vì “nhận thức chung” với TQ. Đảng CSVN và TQ có cùng chung quyền lợi, nên họ không thực hiện giải pháp này.


Quyền lợi của tổ quốc, của dân tộc đã bị tập thể lãnh đạo CSVN coi nhẹ hơn quyền lợi của TQ, của đảng CSVN.