mercredi 13 novembre 2013

Bài học nào cho VN trong tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear ?


Tòa án Công lý quốc tế (CIJ - Cour International de Jutice) vừa mới ra phán quyết hôm nay (11-11-2013) về việc giải thích lại kết quả vụ phân xử ngày 15-6-1962 « chủ quyền ngôi đền Preah Vihear » theo yêu cầu của Cambodge. Phía Cambodge chính thức đệ đơn ngày 28-4-2011 yêu cầu Tòa giải thích lại nội dung của phán quyết 1962. Nguyên nhân phía Thái Lan cho rằng phán quyết 1962 chỉ nói đến chủ quyền của ngôi đền mà không nói đến chủ quyền vùng đất chung quanh (diện tích khoảng 4,5 km²).

Phán quyết ngày 11-11-2013 của CIJ không gây ngạc nhiên : mỏm đồi mà ngôi đền Préah Vihear tọa lạc thuộc chủ quyền của Cambodge và phía Thái phải rút hết mọi lực lượng vũ trang ra khỏi khu vực. Đúng như nội dung của phán quyết tháng 6 năm 1962 : « đường biên giới là đường xác định trên bản đồ và sẽ không cần thiết để tìm hiểu là đường biên giới này có phù hợp với đường phân thủy hay không… Tòa phán thắng kiện cho bên Cambodge về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear. »

Bài học trễ tràng cho phía Việt Nam : áp dụng cho trường hợp thác Bản Giốc.

Ngôi đền Préah Vihear, theo nội dung văn bản, tọa lạc trên đường biên giới, trong khi trên bản đồ thì ngôi đền này thuộc Cambodge. Tương tự, thác Bản Giốc, theo văn bản, tọa trên đường biên giới, nhưng theo bản đồ thì nó thuộc VN. Yếu tố quyết định trong phán quyết CIJ 1962, Tòa phán rằng ngôi đền thuộc chủ quyền của Cambodge, vì nước này đã thể hiện các hành vi thuộc thẩm quyền quốc gia (effectivité), liên tục trong một thời gian dài tại ngôi đền này không có sự phản đối của Thái Lan. Trong khi thác Bản Giốc, chính quyền bảo hộ Pháp đã thực thi nhiều hành vi thể hiện chủ quyền tại thác này, một cách liên tục và hòa bình trong một thời gian rất dài, không gặp sự phản đối nào từ phía TQ. Các hành vi tiêu biểu : cho quân đội đi tuần chung quanh thác (bên này và bên kia thác), làm các cuộc nghiên cứu địa chất, các dự án về du lịch… Sau khi VNDCCH được thành hình, nhà cầm quyền này cũng tiếp nối quản lý thác này cũng không gặp sự phản đối nào của TQ.

Quyết định chia thác Bản Giốc và cồn Pò Thong với TQ theo HUBG 1999, phía VN được phần ít, là một thiệt thòi lớn cho phía VN. Trong bất kỳ tranh chấp biên giới nào, các yếu tố tương quan sức mạnh, công pháp quốc tế, lịch sử và chính trị luôn là các yếu tố quyết định. Phe yếu thế luôn tìm cách giải quyết tranh chấp bằng phương tiện pháp lý và ngoại giao trong khi phe mạnh thì muốn dùng vũ lực. Phía Thái Lan đã nhiều lần dùng vũ lực với Cambodge để hy vọng giải quyết tranh chấp biên giới, trong khi phía Cambodge lại khôn khéo khai thác các mặt ngoại giao và pháp lý để giải quyết. Bài viết dưới đây cho thấy điều đó.

Việc phân định lại biên giới Việt-Trung, đối với quần chúng VN, là một vấn đề « bí mật ». Nhân dân VN không hề biết việc thuơng lượng xảy ra như thế nào, ai chịu trách nhiệm ? Kết quả hiển nhiên, yếu tố chính trị và áp lực phía TQ đã là các yếu tố quyết định cho vấn đề phân định. Nếu việc này áp dụng tương tự cho việc phân định Biển Đông, ta có thể đoán trước kết quả.

Bài viết này nhằm kể lại lịch sử các diễn biến tranh chấp hai nước Thái Lan và Cambodge về ngôi đền Préah Vihear đồng thời nội dung phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế 15-6-1962. Hy vọng phía VN, nhà cầm quyền cũng như giới học giả, lấy ra kinh nghiệm về ngoại giao và pháp lý của Cambodge để áp dụng trong tương lai cho việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời phân định Biển Đông.


Lược sử tranh chấp :

Tranh chấp giữa hai nước Thái Lan và Cambodge về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear bắt đầu từ sau Thế chiến thứ II. Đây là một tranh chấp mang nhiều « kịch tính », bắt nguồn từ văn hóa, lịch sử của hai nước. Thời gian gần đây, tranh chấp yếu tố « dân tộc chủ nghĩa » các đảng phái hai bên lợi dụng, tình hình chính trị tại Thái Lan.

Sau khi độc lập năm 1953, nhận thấy phía Thái Lan vẫn còn chiếm đóng khu vực ngôi đền Preah Vihear, mặc dầu theo các cuộc phân định Pháp-Thái trong quá khứ đã để khu vực ngôi đền thuộc về Kampuchia, ông hoàng Sihanouk lên tiếng qua các văn kiện ngoại giao yêu cầu Thái trả lại chủ quyền ngôi đền cho Cambodge. Trước đó, năm 1949, nước Pháp nhân danh là nước bảo hộ, cũng đã hai lần lên tiếng yêu cầu Thái trả lại ngôi đền nhưng không có kết quả. Do đó Sihanouk đưa vấn đề tranh chấp, trước hết ra ONU, nhưng tại đây tuyên bố không nhận phân giải những tranh chấp về chủ quyền, biên giới ; do đó phải đưa qua Tòa Án Quốc Tế CIJ (Cour Internationale de Justice – La Haye). Nội vụ tranh chấp được phân xử, theo phán quyết CIJ ngày 15-6-1962, ngôi đền thuộc về Kampuchia, đúng theo đường biên giới vẽ trên bản đồ đính kèm các công ước về biên giới Pháp-Thái 23-3-1907. Tuy nhiên, phía Thái Lan, quần chúng vẫn không « tiêu hóa » được quyết định này. Chủ quyền ngôi đền, cũng như chủ quyền các tỉnh phía hữu ngạn sông Cửu Long như Battambang, Sisophon, Siemreap…, thỉnh thoảng được các đảng phái chính trị hay các nhân vật thuộc công chúng khơi dậy, cho rằng theo lịch sử, chúng thuộc về Thái Lan.

Tranh chấp khu vực ngôi đền Preah Vihear đến từ nhiều lý do : văn hóa, lịch sử, tâm lý quần chúng và tình hình chính trị tại Thái Lan. Việc tranh chấp hiện nay đã vượt lên mức độ báo động vì hai bên Thái-Kampuchia đã sử dụng vũ lực. Việc này đe dọa an ninh trong vùng. Cuộc tranh chấp hôm nay được các nước trong Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), mà Kampuchia cũng như Thái Lan là thành viên, hiện đang nhóm họp Hội nghị thuợng đỉnh tại Djakarta (Nam Dương), hứa hẹn sẽ giải quyết trong « nội bộ ».

Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào sẽ thỏa mãn cho cả đôi bên ? Phía Thái Lan cho rằng phán quyết của CIJ chỉ nói đến chủ quyền của ngôi đền mà không nói đến chủ quyền vùng đất chung quanh (diện tích 4,5 km²). (Xem hình 6)
Bài viết này sẽ thử tìm hiểu các nguyên nhân của tranh chấp, qua những mối tương quan về lịch sử, pháp lý, chính trị và văn hóa giữa hai nước Thái và Miên, để có một nhận định tổng quát về hình hình, sau đó thử đưa ra một phương hướng giải quyết. Dĩ nhiên, các yếu tố về địa lý chính trị, hoặc sức mạnh về kinh tế và quân sự của Thái Lan hiện nay, có thể có ảnh hưởng quan trọng đến việc đi tìm giải pháp chung cuộc.

1. Ngôi đền Preah Vihear :

Ngôi đền Preah Vihear tọa lạc trên mỏm núi cao 625 mét, nhìn xuống bình nguyên Kampuchia, thuộc rặng núi Dang Rek (là biên giới giữa hai nước Thái-Miên đã được phân định theo các hiệp ước Pháp-Thái 1904 và 1907 về phân định biên giới, sẽ nói bên dưới), tọa độ kinh độ 14°23’ 18° đông, vĩ độ 104°41’ 02° bắc, cách Nam Vang khoảng 400 km về hướng bắc và cách đền Angkor Vat khoảng 140 km về hướng đông-bắc. Khu vực đền Preah Vihear tập hợp nhiều kiến trúc, có diện tích khoảng 20 héc-ta, xây dựng theo chiều dài như hình 1a và 1b. Theo các nhà khảo cổ, ngôi đền được xây dựng, sau đó được tu bổ và sửa chữa, khoảng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 12. Những ghi chú (bằng chữ Phạn và chữ Khmer) trên các tấm bia ở trong đền cho thấy các triều đại có đóng góp vào việc xây dựng và trùng tu là các triều đại Yacovaraman (889-910), Suryavarman I (1002-1049) và Suryavarman II (1112-1162). Đây là một di dản văn hóa lớn của nhân loại, được UNESCO công nhận từ năm 2008. Ngôi đền có kiến trúc đặc sắc văn minh Ấn Độ, thờ thần Shiva (Ấn Độ Giáo) sau trở thành chùa Phật giáo. Kiểu mẫu kiến trúc đền này được xem như là tiền thân của các kiến trúc được xây dựng hàng thế kỷ sau như ở Angkor Vat, là những thể hiện sự huy hoàng của nền văn minh Khmer. Hiện nay đền được gọi qua hai tên : tên Khmer là Preah Vihear, tên Thái là Khao Phra Viharn, cùng có nghĩa là « đền thờ thánh ». Đền thuộc tỉnh Preah Vihear (Kampuchia), tiếp giáp với tỉnh Sisaket (Thái Lan) phía đông bắc.

Từ phía Kampuchia, địa hình mỏm núi rất cheo leo, vách đá hình thẳng đứng, từ đây lên đền thiêng rất khó khăn, vì đường đi là một con đường hẹp, chênh vênh đẻo vào núi đá thành từng bậc thang, rất nguy hiểm. Về phía Thái Lan thì địa hình thoai thoải theo dốc lài, do đó từ phía Thái Lan lên đền thiêng rất dễ dàng. Từ 2008, sau khi ngôi đền được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và lịch sử của nhân loại thì từ phía Kampuchia, một con đường làm bằng những bậc thang gỗ từ đồng bằng lên đến đền. Xem hình 2.

Preah Vihear 1

Hình 1a : Quần thể đền Preah Vihear.

Preah Vihear 1c

Hình 1b : quần thể Preah Vihear nhìn từ một góc khác.

Preah Vihear 1d

Hình 2 : đường dẫn bằng cầu thang gỗ, mới làm sau năm 2008, từ phía Kampuchia lên đền.

2. Sơ lược lịch sử :

2 .1 Sự suy vi của đế quốc Khmer.

Trước thế kỷ thứ 14, đế quốc Khmer là một đế quốc hùng mạnh, có một nền văn minh sáng chói. So với các kiến trúc đã được xây dựng tại Châu Âu cùng thời, thì kiến trúc Angkor Vat được các nhà khảo cổ đồng ý xem là vượt trội so với các kiến trúc phương Tây. Đế quốc Khmer chỉ bắt đầu suy sụp từ khi Vương quốc Xiêm Ayuthia thành lập, vào thế kỷ 14. Dưới sự bành trướng thường trực của Xiêm (lần lượt qua ba đế quốc Sukhôthaï, Ayuthia và Bangkok), qua nhiều thế kỷ, lãnh thổ của đế quốc Khmer bị mất vào nước Xiêm rất lớn (khoảng 2/3 diện tích Thái Lan hiện nay). Angkor, tượng trưng cho trung tâm văn hóa và sức mạnh của đế quốc Khmer, bị Xiêm chiếm và cướp sạch vào năm 1350. Mặc dầu quân Khmer chiếm lại được Angkor năm 1357 nhưng vào năm 1431 thì Angkor bị bỏ phế do sự suy yếu của triều đại Khmer cũng như sự uy hiếp thường trực của quân Xiêm. Các trung tâm quyền lực của Khmer sau này được xây dựng như Ba-san, Phnom Penh và Longvek. Đến năm 1594, Longvek, trung tâm quyền lực cuối cùng của đế quốc Khmer sụp đổ. Từ đó vương quốc Khmer trở thành chư hầu của đế quốc Xiêm.

Có thể cho rằng nền văn minh Khmer tàn lụn từ khi bỏ Angkor. Biến cố sụp đổ của Longvek thế kỷ sau đó đánh dấu sự chấm dứt nền văn minh Khmer. Dân tộc Khmer đã bị quân Xiêm giết chóc, đồng hóa, bắt làm nô lệ, truy nã suốt nhiều thế kỷ. Dân tộc này phải tản mát, trốn vào rừng sâu núi thẳm để tồn tại, đến đổi dấu tích văn hóa và ký ức về nguồn cội của họ đã bị xóa sạch. Những gì của tổ tiên họ xây dựng, như đền Angkor Vat, họ hoàn toàn không biết. Các phế tích này chỉ mới được phát hiện vào giữa thế kỷ 19, nhờ sự khám phá tình cờ của các nhà thám hiểm người Pháp.

Dân tộc Khmer chịu sự bành trướng và đồng hóa của Xiêm, từ phía bắc xuống và từ phía tây sang, cho đến thế kỷ 17 thì đụng độ một thế lực khác, với một nền văn minh đối chọi khác, đó là đế quốc Đại Việt, hiện hữu ở phía đông, chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.

Đến cuối thế kỷ 18, đế quốc Khmer chỉ còn là một nước nhược tiểu. Để hiện hữu, các vua Khmer phải chịu thần phục cả hai đế quốc Xiêm và Đại Việt. Người Pháp đặt chân đến Đông Dương vào giữa thế kỷ 19, trở thành cứu tinh của dân tộc Khmer. Vua nước Pháp chấp nhận thỉnh nguyện của vua Khmer xin được sự bảo hộ của Pháp. Nhờ sự can thiệp của Pháp mà việc bành trướng của Xiêm mới ngưng lại (nhưng sự suy vi của Khmer chỉ mới chấm dứt sau chế độ Khmer đỏ sụp đổ).

2.2 Khmer dưới thời bảo hộ của Pháp.

Năm 1856 vua Ang Duong thỉnh cầu được sự bảo hộ của Pháp. Từ đó Pháp đại diện cho vương quốc Khmer trong các lãnh vực đối ngoại và đối nội.

Pháp đại diện Khmer ký kết hiệp ước đầu tiên với Xiêm vào ngày 15 tháng 6 năm 1867, buộc Xiêm phải từ bỏ quyền « thuợng quốc » của Xiêm đối với Khmer (tương tự Hòa ước Thiên Tân giữa Pháp và nhà Thanh về Việt Nam năm 1885). Nhưng do thế lực của Pháp còn yếu, ảnh hưởng của Xiêm còn sâu sắc trong nội bộ ở các tỉnh thuộc Khmer ở hữu ngạn sông Cửu Long, do đó Pháp nhượng cho Xiêm các tỉnh Battambang, Sisophon và Siemreap.

Sau khi đặt được nền hành chánh thực dân tại Nam Kỳ và bảo hộ tại Bắc Kỳ, đến năm 1893, trong lúc việc phân định biên giới giữa miền bắc Việt Nam và các tỉnh Hoa Nam tiến hành theo các kết ước 1885 và 1887, Pháp nhận ra rằng quân Xiêm đã tiến chiếm các vùng thuộc Lào (Vientiane và Luang Brabang), phía tả ngạn sông Cửu Long, (có nơi gần sát Việt Nam, gần đèo Ai Lao thuộc Bình Định, cũng như các nơi có dân tộc Thái sinh sống), mà các vùng này trước đây thần phục Việt Nam. Điều nên biết là Thái Lan nằm giữa hai thế lực đế quốc Anh tại Miến Điện và Pháp tại Việt Nam (và Kampuchia). Vì thế Pháp đưa chiến thuyền uy hiếp Bangkok. Thời điểm này hải quân của Pháp có thể trội hơn hải quân Anh, do đó phía Anh Quốc ngồi yên để Pháp uy hiếp Xiêm. Quân Xiêm phải bỏ Lào và rút về bên kia sông Cửu Long. Việc này đưa đến hòa ước Pháp-Xiêm ngày 3 tháng 10 năm 1893. Theo đó, ở phía Lào, Xiêm phải từ bỏ mọi tham vọng về lãnh thổ ở phía tả ngạn sông Cửu Long; ở phía Cambodge thì trả lại cho Khmer các tỉnh hữu ngạn sông Cửu Long, tức vùng lãnh thổ đã nhượng cho Thái Lan từ năm 1867. Hòa ước này cũng dự trù một công trình phân định biên giới giữa Thái và Đông Dương.

Hai thỏa ước về biên giới ngày 7 tháng 10 năm 1902 và ngày 13 tháng giêng 1904, tiếp nối hệ quả của hòa ước 1893, buộc Xiêm phải trả lại cho Khmer các tỉnh Battambang, Sisophon và Siemreap. Việc cắm mốc được thực hiện trên thực địa năm 1907 qua một công ước phân định biên giới.

Việc phân định biên giới cũng như việc trả lại 3 tỉnh cho Cambodge, được tái khẳng định qua các hiệp ước Pháp-Xiêm ngày 14 tháng 2 năm 1925, hiệp ước Pháp-Xiêm về Đông Dương ngày 25 tháng 8 năm 1926 và hiệp ước hữu nghị Pháp-Xiêm ngày 7 tháng 12 năm 1937. Hiệp ước hữu nghị Pháp-Xiêm 1937 xác định các thể lệ về thuơng mãi và lưu thông (trên sông Cửu Long) nhưng cũng đính kèm một qui ước (charte) về biên giới giữa Thái và Pháp liên quan đến hai nước Lào và Miên mà Pháp là nước bảo hộ. Điều 22 kết ước này khẳng định hiệu lực của các hiệp ước về biên giới ký năm 1904 và 1907.

3. Đường biên giới qui ước :

3.1 Đường biên giới Thái-Miên theo hiệp ước 13-2-1904 và công ước 23-3-1907.

Theo Hiệp ước 13-2-1904 :
Article 1er
La frontière entre le Siam et le Cambodge part, sur la rive gauche du Grand Lac, de l'embouchure de la rivière Stung Roluos, elle suit le parallèle de ce point dans la direction de l'est jusqu'à la rencontre de la rivière Prék Kompong Tiam, puis, remontant vers le nord, elle se confond avec le méridien de ce point de rencontre jusqu'à la chaîne de montagnes Pnom Dang Rek. De là elle suit la ligne de partage des eaux entre les bassins du Nam Sen et du Mékong, d'une part, et du Nam Moun, d'autre part, et rejoint la chaîne Pnom Paclang dont elle suit la crête vers l'est jusqu'au Mékong. En amont de ce point, le Mékong reste la frontière du royaume de Siam, conformément à l'article I du traité du 3 octobre 1893.
Article 3e
Il sera procédé à la délimitation des frontières entre le royaume de Siam et les territoires formant 1'Indo-Chine française. Cette délimitation sera effectuée par des commissions mixtes composées d'officiers nommés par les deux pays contractants. Le travail portera sur la frontière déterminée par les articles 1 et 2, ainsi que sur la région comprise entre le Grand Lac et la mer.

Theo Công ước 23 tháng 3 năm 1907 :

Clause I :
La frontière entre l'Indochine Française et le Siam part de la mer en un point situé en face du plus haut sommet de l'île de Koh Kut. Elle suit à partir de ce point une direction Nord-Est jusqu'à la crête de Phnom Kravanh. Il est formellement convenu que, dans tous les cas, les versants Est de ces montagnes, y compris la totalité du bassin Klong Kopo, doivent rester à l'Indochine Française.
La frontière suit la crête des Phnom Kravanh dans la direction du Nord jusqu'au Phnom Thom qui se trouve sur la ligne principale de partage des eaux, entre les rivières qui coulent vers le Golfe de Siam et celles qui coulent vers le Grand Lac. Du Phnom Thom la frontière suit d'abord dans la direction du Nord-Oest, puis la direction du Nord, la limite actuelle entre la province de Battambang d'une part, et celle de Chantaboun et Krat d'autre part, jusqu'au point où cette frontière coupe la rivière appelée Nam-Sai. Elle suit alors le cours de cette rivière jusqu'à son confluent avec la rivière de Sisophon et cette dernière jusqu'à un point situé à 10 kilomètres en aval de la ville d'Aranh. De ce dernier point enfin, elle se continue en droite ligne jusqu'à un point situé sur les Dang-Rèk à mi-chemin entre les passes appelées Chong-Ta-Koh et Chong-Sa-Met. Il est entendu que cette dernière ligne doit laisser en territoire siamois la route directe entre Aranh et Chong-Ta-Koh.
A partir du point ci-dessus mentionné, situé sur la crête de Dang-Rek, la frontière suit la ligne de partage des eaux entre le bassin du Grand-Lac et du Mékong d'une part, et le bassin du Nam-Meun d'autre part et aboutit au Mékong en aval de Pak-Moun, à l'embouchure du Huei-Done, conformément au tracé adopté par la précédente commission de délimitation le 16 Janvier 1907.
Un croquis schématique de la frontière décrite ci-dessus est annexé au présent protocole.

Điều 1 của Hiệp ước 1904, phản ảnh từ điều 1 của Hiệp ước 3-10-1893, sau đó được xác định bằng văn bản (khoản 1) « Nguyên tắc về phân định biên giới đính kèm hiệp ước 23 tháng 3 năm 1907 » và bản đồ đính kèm.

Khoản 1 của « Nguyên tắc về phân định biên giới đính kèm hiệp ước 23 tháng 3 năm 1907 » như đã thấy bao hàm nội dung Hiệp ước 3-10-1893 và Điều 1 Hiệp ước 13-2-1904, do đó đầy đủ và chính xác (vì có bản đồ đính kèm). Nội dung được tạm dịch như sau :

Khoản 1 : Biên giới giữa Đông Dương thuộc Pháp và Xiêm bắt đầu từ một điểm ngoài biển, đối diện với điểm cao nhất của đảo Koh Kut. Từ điểm này (đường biên giới) theo hướng đông bắc đến đỉnh Phnom Kravanh. (Hai bên) xác quyết rằng trong mọi trường hợp, triền phía đông của những ngọn núi, bao gồm toàn bộ lưu vực Klong Kopo, thuộc về Đông Dương thuộc Pháp.
Đường biên giới qua các đỉnh của rặng núi Phnom Kravanh theo hướng bắc đến Phnom Thom, (là điểm) nằm trên đường phân thủy chính của các con sông chảy vào vịnh Thái Lan và những con sông chảy Biển Hồ. Từ Phnom Thom đường biên giới thoạt tiên theo hướng đông bắc, sau đó chuyển qua phía bắc, ranh giới hiện tại giữa các tỉnh Battambang một bên, và của tỉnh Chantaboun và tỉnh Krat một bên, cho đến điểm mà tại đó đường biên giới này cắt dòng sông mang tên là Nam Sai. Sau đó đường biên giới theo con sông này cho đến hợp lưu của nó với sông Sisophon, theo sông này cho đến điểm cách tỉnh Aranh 10 km về phía hạ lưu. Cuối cùng từ điểm chót này, đường biên giới theo một đường thẳng đến một điểm trên rặng Dang-Rek, khoảng giữa hai cửa ải gọi là Chong-Ta- Koh và Chong-Sa-Met. Việc này được hiểu là đường (biên giới theo đường) thẳng vừa nói để lại con đường trực tiếp nối Aranh và Chong-Koh-Ta thuộc về đất Xiêm.

Từ điểm ghi trên, ở trên đỉnh của rặng núi Dang Rek, đường biên giới theo đường phân thủy giữa lưu vực Biển Hồ và sông Mekong một mặt, với lưu vực sông Nam Meun mặt khác, và dẫn đến sông Mekong ở hạ lưu của Pak-Moun, ở cửa sông Huei-Done, theo đúng như đồ tuyến đã được chấp nhận của ủy ban phân định ngày 16 tháng giêng năm 1907.

Một sơ đồ đường biên giới được mô tả ở trên được đính kèm theo đây (hình 3 và hình 3a).

Preah Vihear 3

Hình 3 : Bản đồ phân định đính kèm hiệp ước 16 tháng giêng năm 1907 do hai ủy ban « Bernard » và « Monguers » thực hiện từ 1903 đến 1907.

Preah Vihear 3a

Hình 3a : Khu vực ngôi đền Preah Vihear và đường biên giới trong khu vực được họa theo bản đồ đính kèm công ước.
Như thế phần lớn đường biên giới Thái-Miên, kể cả vùng cận đền Preah Vihear, được xác định bằng rặng núi Dang Rek, theo đoạn có gạch dưới của văn bản phân định biên giới : đường biên giới theo đường phân thủy, tức đường sống núi, chạy qua các đỉnh cao nhất của rặng núi Dang Rek.

3.2 Tranh chấp đền Preah Vihear

Phía Thái Lan bắt buộc phải trả lại đất các tỉnh đã chiếm năm 1941 cho Khmer, theo như các thỏa ước đã ký với Pháp tại Washington tháng 12 năm 1946, nhưng tại khu vực ngôi đền Preah Vihear thì quân Thái, đóng tại đây từ năm 1941, vẫn không chịu rút đi. Phía ngoại giao Pháp có can thiệp hai lần vào năm 1949 nhưng không có hiệu quả. Khmer được Pháp trả độc lập ngày 3 tháng 12 năm 1953. Đầu năm 1954, bộ ngoại giao Khmer bắt đầu gởi công văn chính thức phản đối Thái Lan về vấn đề ngôi đền. Việc tranh chấp hai bên Thái-Miên về chủ quyền ngôi đền trở nên gay gắt hơn vào năm 1955 khi phía Khmer tuyên bố trung lập. Phía Thái cho rằng quyết định của Khmer đã trở thành một đe dọa an ninh của Thái. Việc này có thể hiểu vì chính giới Thái Lan lo ngại, quân Thái cộng, xuyên qua đất Khmer, sẽ tìm được hậu phương để quấy phá trong lâu dài. Vì mọi người ai cũng biết bề trong của Sihanouk đã bắt tay với Bắc Kinh. Biên giới Thái vì thế được quân sự hóa. Ngôi đền nhân dịp này cũng được phía Thái Lan trùng tu. Việc hành hương lên ngôi đền dĩ nhiên do cảnh sát Thái kiểm soát. Dầu vậy phía Thái cũng dễ dàng cho dân Khmer lên đền hành hương. Phía lãnh đạo Khmer thì nhất quyết Preah Vihear phải trả lại cho Khmer. Kể từ lúc này, dầu không cụ thể như Nam và Bắc Việt Nam, nhưng tranh chấp ngôi đền đã có âm hưởng mâu thuẫn về thức hệ chính trị (hai phe đối nghịch trong chiến tranh lạnh), Thái Lan bắt đầu giúp cho phe chống đối với Sihanouk.

Tháng 3 năm 1956, Sihanouk đề nghị đưa việc tranh chấp ngôi đền trước một trọng tài quốc tế. Tháng 12 cùng năm, phía Khmer cho biết sẽ đưa nội vụ ra trước Liên Hiệp Quốc nếu quân Thái không chịu rút.

3.3 Lý lẽ của Thái Lan :

Thái Lan viện lý lẽ ở việc không phù hợp giữa nội dung văn bản mô tả đường biên giới với bản đồ đính kèm.

Thật vậy, theo văn bản phân định ngày 23 tháng 3 năm 1907 ở trên, đường biên giới là đường phân thủy của rặng Dang Rek. Theo hình thể địa lý khu vực đền Preah Vihear, ta thấy quần thể này được xây dựng trên mỏm đá cao nhất so với các chóp núi chung quanh. Hợp lý thì đường biên giới phải đi qua khu quần thể này (xem hình 4). (Để xác định đường phân thủy trong các cuộc phân chia biên giới, nhân viên cắm mốc thường lấy nước đổ lên mặt đất, sau đó xem nước chảy về hướng nào. Giả sử trong trường hợp biên giới Thái-Miên, nếu nước chảy về phía sông Cửu Long hay lưu vực Biển Hồ thì vùng đất đó thuộc Khmer. Ngược lại, nếu nước đó chảy vào sông Nam Meun thì đất đó thuộc Thái Lan.)

Nhưng trên bản đồ thì toàn khu quần thể Preah Vihear thuộc về lãnh thổ Khmer. Theo các biên bản phân giới, đường bên giới cách quần thể Preah Vihear 500 m. (Công việc cắm mốc kéo dài từ năm 1904 đến năm1904, do hai ủy ban phụ trách.)

Preah Vihear 2

Hình 4 : Góc bản đồ khu vực Preah Vihear, có ghi độ cao các chỏm núi. Khu đền được xây dựng ở đỉnh cao nhất.

Như vậy có sự mâu thuẫn giữa văn bản phân định biên giới và bản đồ đính kèm văn bản.

(Trường hợp này không phải là hiếm hoi, nếu so sánh biên giới Thái-Miên với việc phân định và phân giới giữa Pháp và nhà Thanh về biên giới giữa các tỉnh Hoa Nam và Bắc Kỳ. Tại đây, hầu hết các biên bản phân định cũng như các bản đồ đính kèm đều hoàn toàn sai với địa hình trên thực địa. Việc này đã gây khó khăn và làm mất nhiều thì giờ cho các ủy ban phân giới cắm mốc. Đường biên giới do đó không rõ rệt. Đó là hậu quả của các viên công chức làm việc trên bàn giấy, phân định một cách mù quáng trên bản đồ, bằng những đường thẳng, không cần biết tấm bản đồ đó có đúng hay không và đường biên giới (theo đường thẳng) qua đồi núi, sông suối, chia cắt làng mạc ra sao ? Ở các trường hợp khác, tại các nước Châu Phi hay Trung Đông, việc phân định biên giới trên bản đồ, hoạch định đường biên giới theo đường thẳng, kinh tuyến hay vĩ tuyến, bất kỳ đường này đi qua sông suối, đồi núi như thế nào. Tệ hơn, các đường này phân chia làng mạc ra làm hai. Nhiều bộ tộc cùng một giống nòi mà bị chia ra làm hai, làm ba nước. Có nhiều dân tộc lớn bị phân chia rải rác, không có quốc gia. Đôi khi nhiều bộ tộc, hay dân tộc, có thù hận với nhau lại cho ở chung vào một nước. Hệ quả của các việc này gây ra nhiều cuộc chiến tranh đòi tự trị, các cuộc thanh lọc chủng tộc, diệt chủng… mà đến hôm nay vẫn chưa chấm dứt.)

Phía Thái Lan cho rằng trong trường hợp này giá trị văn bản sẽ cao hơn giá trị của bản đồ. Họ cũng cho rằng tại khu vực này nhân viên phân định đã phân định không đúng qui tắc được xác định trong văn bản đồng thời lúc phân định tại khu vực ngôi đền thì không có mặt của nhân viên phân định phía Thái Lan. Tuy nhiên, việc này, kiểm chứng lại biên bản ngày 18 tháng giêng năm 1907 thì thấy không đúng. Nhân viên Thái có mặt trong lúc phân định khu vực đền Preah Vihear. Đề nghị của Thái Lan hai bên mở cuộc thảo luận để làm sáng tỏ đường biên giới.

Tháng 5 năm 1957, Thái đề nghị một « ủy ban địa lý hỗn hợp » để xét lại đường biên giới. Theo họ, ngôi đền thuộc về lãnh thổ Thái. Phía Thái cũng cho rằng, cho dầu ngôi đền này thuộc về bất kỳ nước nào, hai nước cần phải dành sự dễ dàng cho việc đi hành hương của dân chúng hai bên hoặc du khách nước ngoài. Một văn kiện ngoại giao của Thái, tuyên bố năm 1958, đề nghị hai nước đều có chủ quyền chung tại ngôi đền. Nếu trường hợp bên Khmer không đồng ý, Thái sẽ đặt lại vấn đề toàn bộ hồ sơ phân định biên giới. Bởi vì, lý luận của Thái, Thái ký hiệp ước biên giới là ký với Đông Dương thuộc Pháp chức không phải ký với Khmer. Khmer và Đông Dương thuộc Pháp là hai nước khác nhau. Thái cũng cho biết là sẵn sàng xuất ngân quĩ để trùng tu lại ngôi đền đồng thời cũng biện hộ cho việc dàn quân ở khu vực đền Preah Vihear là chỉ nhằm mục đích bảo vệ ngôi đền mà thôi.

Đề nghị thuơng thảo của Thái Lan được phía Khmer chấp thuận. Phía Thái đề nghị một ủy ban hỗn hợp để nghiên cứu hồ sơ Preah Vihear nhưng phía Khmer chỉ đồng ý thuơng thuyết trên căn bản các kết ước về biên giới đã ký trong quá khứ giữa Pháp và Thái.

3.4 Trọng tài quốc tế :

Rốt cục vấn đề tranh chấp được phía Cambodge đưa đưa ra Tòa án Quốc tế ngày 6 tháng 10 năm 1959. Mặc dầu phía Thái Lan khiếu nại, yêu cầu CIJ bác đơn, nhưng qua phiên tòa sơ thẩm ngày 26 tháng 5 năm 1961, CIJ tuyên bố có thẩm quyền phân xử vì hai bên Thái và Cambodge đều có phê chuẩn chấp nhận hiệu lực các phán quyết của CIJ. Hồ sơ có mã số CIJ 65.
Nguyên văn vụ xử ngôi đền Preah Vihear ngày 15 tháng 6 năm 1962 được ghi lại, những đoạn quan trọng, như sau (nguồn : CIJ) :

a) Với 9 phiếu trên 3, Tòa phán rằng ngôi đền Preah Vihear tọa lạc trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của Cambodge. Vì vậy Thái Lan phải cho rút đi các lực lượng quân sự hay cảnh sát, hay những người canh gác đã được bố trí tại ngôi đền, hay ở các khu vực chung quanh, thuộc lãnh thổ Cambodge.

b) Với 7 phiếu trên 5, Tòa phán rằng Thái Lan phải trả lại cho Cambodge những bức tượng, các bia đá, những bộ phận rời thuộc về ngôi đền, những kiểu mẫu bằng sa thạch và đồ gốm cổ, đã có thể bị phía nhà chức trách Thái lấy ra khỏi đền, hay khu vực đền, trong lúc ngôi đền bị Thái chiếm đóng từ năm 1954.

CIJ đã lý luận như sau :

Ngôi đền cổ Preah Vihear ở trong tình trạng hoang phế, tọa lạc trên một mỏm núi thuộc rặng Dangrek mà rặng núi này là biên giới giữa hai nước Thái Lan và Cambodge. Mối tranh chấp có nguyên nhân từ việc phân định biên giới bắt đầu từ năm 1904 đến năm 1908 giữa nước Pháp, đại diện Đông Dương, và nước Xiêm. Việc phân định này chiếu theo công ước ngày 13 tháng 2 năm 1904. Công ước này đã thiết lập một cách tổng quát một đường biên giới, đường này sẽ được xác định chính xác bởi một ủy ban phân định hỗn hợp Pháp-Thái.

Ở khu vực có ngôi đền Preah Vihear, đường biên giới phải theo đường phân thủy. Theo thỏa thuận từ buổi họp ngày 2 tháng 12 năm 1906, để xác định đường phân thủy, ủy ban hỗn hợp phải tìm hiểu trên thực địa, qua một cuộc hành trình đi dọc theo đường sống núi của rặng Dangrek. Một trắc địa viên người Pháp cùng tháp tùng để ghi nhận địa hình toàn vùng phía đông của rặng núi. Điều không nghi ngờ là các vị chủ tịch của các ủy ban Pháp và Xiêm đã thực hiện cuộc hành trình này và những người này cũng đã có thể thăm viếng ngôi đền. Vào các tháng giêng – tháng hai năm 1907, ủy ban Pháp đã báo cáo lên chính phủ của họ rằng đường biên giới đã hoàn toàn được phân định. Như thế đường biên giới đã được xác định, cho dầu không tìm thấy dấu vết nào về một quyết định, hay một ghi nhận bất kỳ liên quan rặng núi Dangrek trong các biên bản được thành lập sau ngày 2 tháng 12 năm 1906. Lúc ủy ban nhóm họp để kết thúc công trình phân giới, mọi người đã chỉ tập trung vào kết luận về một hiệp ước khác, liên quan biên giới Pháp-Xiêm, tức hiệp ước ngày 23 tháng 3 năm 1907.

Công tác cuối cùng của công trình phân định là làm bản đồ. Nhà nước Xiêm, vì không có phương tiện kỷ thuật, đã yêu cầu nhân sự phía Pháp để thành lập các bản đồ vùng biên giới. Các bản đồ đã được một nhóm người Pháp hoàn tất vào xuân năm 1907, trong đó có sự tham gia của nhiều người thuộc ủy ban hỗn hợp. Nhóm người này đã thường xuyên quan hệ với nhà nước Xiêm trong năm 1908. Một tấm bản đồ của ê kíp (sau khi thiết lập) đã giao cho nhà nước Xiêm, theo đó đền Preah Vihear nằm trên lãnh thổ Khmer. Tấm bản đồ này cũng tài liệu I (hình 3 và hình 3a) đính kèm hồ sơ, đã được phía Cambodge làm căn bản để đòi hỏi chủ quyền ngôi đền.

Phía Thái phản biện : 1/ bản đồ không do ủy ban hỗn hợp thiết lập, do đó nó không có giá trị bắt buộc ; 2/ tấm bản đồ vẽ đường biên giới không phù hợp với đường phân thủy, mà đáng lẽ đường (phân thủy) này để dành ngôi đền về phía Thái ; 3/ tấm bản đồ này cũng chưa hề được phía Thái công nhận, hoặc giả nếu có, là do phía Thái Lan tưởng rằng đường biên giới đã vẽ đúng theo đường phân thủy.

Lý lẽ của Tòa trước phản biện của Thái : Tấm bản đồ I kèm theo chưa bao giờ được công nhận bởi ủy ban hỗn hợp. Ủy ban này đã ngừng hoạt động từ nhiều tháng trước khi tấm bản đồ I được thiết lập. Người ta có thể hoài nghi việc tấm bản đồ này đã được những trắc địa viên sử dụng làm căn bản trong khu vực núi Dangrek và Tòa cho rằng, nguyên thủy, tấm bản đồ này không có tính bắt buộc. Nhưng mọi người đã thấy, trong hồ sơ phân định, bộ bản đồ đã chuyển lên chính phủ Thái như là kết quả của công trình phân định biên giới. Nhà cầm quyền Thái đã không có phản ứng nào (về các tấm bản đồ này) từ thời kỳ đó, cũng không có phản ứng nào trong nhiều năm sau. Người ta phải kết luận rằng nó đã được sự chấp nhận chính phủ Thái. Nếu phía Thái đã chấp nhận tấm bản đồ đính kèm I mà không làm các cuộc nghiên cứu, thì bây giờ họ không thể vịn vào lỗi lầm này để làm vô hiệu điều mà họ đã chấp thuận.

Nhà nước Xiêm, sau đó là Thái Lan, đã chưa bao giờ đặt vấn đề về bản đồ đính kèm I trước năm 1958, là lúc hai bên Thái và Cambodge đã mở những cuộc thuơng thảo về chủ quyền ngôi đền. Trong khi đó, vào các năm 1934-1934, một cuộc trắc địa đã cho thấy có sự khác biệt giữa đường phân thủy trên thực tế và đồ tuyến biên giới trên bản đồ I. Một số bản đồ khác đã được thiết lập, trong đó đặt ngôi đền thuộc lãnh thổ Thái Lan. Nhưng phía Thái Lan vẫn tiếp tục sử dụng, thậm chí in ra, những tấm bản đồ theo đó ngôi đền Preah Vihear thuộc về phía Cambodge. Mặt khác, trong khoảng thời gian thuơng thuyết về hiệp ước Pháp-Xiêm 1925 và 1937, mà các hiệp ước này khẳng định hiệu lực của đường biên giới, hoặc là vào năm 1947, trước ủy ban hòa giải Pháp-Xiêm tại Washington, đáng lẽ phía Thái đã đặt lại vấn đề này, thì họ đã không làm gì cả. Tóm lại, như thế Thái Lan đã chấp nhận đường biên giới như đã vẽ trong bản đồ I, cho dầu nó có phù hợp hay không phù hợp với đường phân thủy của rặng Dangrek.

Phía Thái Lan đã tuyên bố rằng, trong mọi thời kỳ tranh chấp, vì đã chiếm hữu trên thực tế ngôi đền, do đó Thái không cần phải đặt lại vấn đề này. Việc chiếm hữu và hành sử chủ quyền trên thực tế là những bằng chứng rằng phía Thái Lan chưa bao giờ chấp nhận đường biên giới theo như bản đồ I.

Tòa bác lý lẽ này như sau : sẽ khó chấp thuận các hành động này, đến từ các chính quyền địa phương, vì nó phủ nhận thái độ của chính quyền trung ương. Hơn nữa, vào năm 1930, lúc hoàng thân Damrong (bộ trưởng bộ Nội Vụ Thái), lúc thăm viếng ngôi đền, đã được sự tiếp đón chính thức của giới chức Pháp phụ trách địa phương của Cambodge, dịp này Thái Lan đã không có thái độ nào.

Vì vậy Tòa cho rằng phía Thái Lan đã thực sự nhìn nhận tấm bản đồ I. Cho dầu còn hiện hữu một hoài nghi về việc này, nhưng bây giờ Thái Lan không thể phủ nhận cái mà họ đã ký nhận trước đó, bởi vì Pháp và Cambodge đã tin cậy vào nó, cũng như phía Thái Lan đã hưởng được những lợi ích mà công ước 1904 dành cho nước này trong vòng 50 năm. Mặc khác, sự ký nhận này bao hàm luôn tấm bản đồ I, như những điều ước khác. Vào thời kỳ đó hai bên có thỏa thuận về cách diễn đạt ý nghĩa của các điều ước, theo đó đường biên giới vẽ trên bản đồ sẽ mạnh hơn ý nghĩa diễn tả trong công ước. Trong khi đó, không có gì cho thấy rằng hai bên ký kết có sự chú ý đặc biệt đến đường phân thủy, cho dầu bản thân đường này thể hiện một sự quan trọng cực kỳ cho hai bên trong việc xác định đường biên giới. Tòa cho rằng ý nghĩa của nó hôm nay vẫn không thể khác.

Vì vậy, Tòa cho rằng, trong vùng tranh chấp, đường biên giới là đường xác định trên bản đồ I và sẽ không cần thiết để tìm hiểu là đường biên giới này có phù hợp với đường phân thủy hay không.

Vì những lý lẽ này Tòa phán quyết thắng kiện cho bên Cambodge về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear.

4. Vấn đề tranh chấp Preah Vihear từ sau vụ phân xử đến nay.

Quần chúng Thái Lan thời đó đón nhận tin CIJ xử Cambogde thắng kiện với sự phẫn nộ. Theo họ, nguyên nhân việc thua kiện là do những người có trách nhiệm đã không coi là quan trọng việc đưa ra tòa CIJ của phía Cambodge. Nhưng việc này, nếu theo dõi kỹ hồ sơ của Cambodge, phía Thái Lan khó có thể thắng, cho dầu Thái Lan có lập hồ sơ vững chắc đến mức nào. Bởi vì phía Cambodge đã áp đặt thẩm quyền quốc gia (effectivité) một cách liên tục và hòa bình tại ngôn đền trong một thời gian dài. Dĩ nhiên phản ứng của nhà nước Thái, trước áp lực của dư luận, tìm cách xoa dịu tình hình. Nhiều tướng lãnh lên tiếng cho biết sẽ « không bao giờ trả ngôi đền lại cho Cambodge » hay « mỗi tất đất của Thái Lan sẽ được bảo vệ bằng mọi giá, kể cả bằng xương máu của chúng ta… ». Chính phủ Thái Lan cho rằng nguyên nhân thất bại của Thái Lan là do sự hiện diện của cộng sản (sic !) và thành phần thực dân (ý nói các thẩm phán người Pháp) trong bồi thẩm đoàn. Chính phủ Thái cũng tìm cách trả đũa những nước đã tham gia vào phán quyết chống lại Thái Lan, cũng như đặt lại vấn đề phán quyết của CIJ đồng thời bác bỏ mọi nhượng bộ về lãnh thổ. Thái Lan cho triệu hồi đại sứ tại Pháp về nước để phản đối Pháp vì các học giả hay các luật gia của nước này đã giúp cho Cambodge trong việc soạn thảo và chuẩn bị tài liệu cũng như tư vấn về luật. Thái Lan cũng trả đũa Hoa Kỳ, mặc dầu nước này là đồng minh của họ, qua việc bộ Ngoại giao Thái tuyên bố sẽ không tham gia các buổi họp tại Hội nghị Genève về sự trung lập của Lào hoặc đại diện của Thái trong tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (OTASE) được nhận chỉ thị không nhóm họp cho đến khi có lệnh mới. Thái trả đũa Hoa Kỳ vì tại phiên xử của CIJ về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear, phía Cambodge được ông Dean Acheson, nguyên là thẩm phán Tối Cao Pháp Viện của Hoa Kỳ, giúp đỡ. Dân chúng Thái Lan cũng xuống đường phản đối dữ dội, trong suốt hai tháng, tháng sáu và tháng bảy năm 1962, với sự tham dự đông đảo của sinh viên từ các trường đại học trong nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ cần sự ủng hộ không chỉ Thái Lan, (Nam VN) mà còn cả Lào và Cambodge trong chiến lược « be bờ - containment » chống lại khối cộng sản. Nhưng Thái Lan cũng cần Hoa Kỳ nhiều mặt, ít ra về các khoản viện trợ. Vì thế, Hoa Kỳ áp lực với chính phủ Thái để chấp nhận, hay ít ra không phản đối, phán quyết của CIJ đồng thời yêu cầu nước này tiếp tục trách nhiệm tại OTASE và ký thỏa ước về trung lập cho nước Lào. Thái âm thầm rút khỏi Preah Vihear từ ngày 15 tháng 7 năm 1962 nhưng phải đến đầu năm 1963 quân đội Cambodge mới bắt đầu tiếp quản ngôi đền này.

Nhà nước Thái giải thích cho dân chúng việc phải rút bỏ Preah Vihear vì các lý do từ điều 94 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc : 1/ Tất cả các nước thành viên của LHQ cam kết tuân thủ các phán quyết của CIJ trong mọi tranh chấp mà nước thành viên này có can dự. 2/ Nếu một bên của vụ tranh chấp không thực thi những khoản bắt buộc do phán quyết của CIJ, thì bên kia có thể yêu cầu Hội Đồng Bảo An và cơ quan này, nếu thấy cần thiết, có thể khuyến cáo hay quyết định những phương cách cần thiết để thực hiện phán quyết đó.

Dầu vậy, phía Thái Lan cũng bảo lưu việc sẽ trở lại bằng mọi phương tiện hợp pháp, khi thời điểm cho phép, để dành lại chủ quyền ở ngôi đền. Một Ủy ban được thành lập gồm các nhà luật học, chuyên gia nhằm nghiên cứu về vấn đề Preah Vihear cũng như về chủ quyền của bốn tỉnh (hữu ngạn sông Cửu Long) hiện thuộc về Cambodge.

Nhưng vấn đề Preah Vihear vẫn không được giải quyết ổn thỏa, vì quân Thái chỉ rút đi các đơn vị đóng trong đền nhưng dưới chân ngọn đồi thì họ cho rào kẽm gai. Quân đội được lệnh khai hỏa vào bất kỳ ai vượt qua hàng rào này. Như đã thấy trong hình, ngôi đền Preah Vihear tọa lạc trên chỏm núi cao, ngăn cách với bình nguyên Cambodge bằng một bức tường đá thẳng đứng. Nếu dưới chân ngọn đồi hoàn toàn rào lại thì từ phía Cambodge không có cách nào lên đền. Phía Thái Lan viện lý do phán quyết của CJI chỉ liên quan đến chủ quyền ngôi đền mà không nói đến chủ quyền vùng đất chung quanh ngôi đền.
Chỉ hai tháng sau, súng đã nổ tại ngôi đền từ khi có phán quyết của CIJ. Ngày 24 tháng 8, quân đội Cambodge tổ chức một cuộc hành quân nhằm mục tiêu lập trong ngôi đền một đồn binh. Việc này không thành công vì quân Thái nổ súng. Chỉ đến năm 1963, nhân dịp đầu năm, ông hoàng Sihanouk tổ chức một cuộc hành hương lên ngôi đền, với sự tham gia của nhiều phái đoàn ngoại giao nước ngoài. Cuối cùng, ngày 5 tháng giêng năm 1963 cuộc hành hương được thực hiện hoàn hảo mà không xảy ra vấn đề nào. Cuộc hành hương được biến thành buổi lễ thâu nhận ngôi đền vào nước Cambodge.

Đến tháng 12 năm 1963, tình hình chính trị trong khu vực thay đổi. Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp sâu hơn vào nội tình Nam VN. Trong khi đó, ông hoàng Sihanouk công khai liên minh với Trung Cộng. Việc này gây tức tối cho Hoa Kỳ, vì Cambodge đã phá vỡ thế trung lập. Trong chừng mực, Cambodge trở thành hậu cần quan trọng của quân cộng sản. Nhân dịp này phía Thái Lan chuẩn bị kế hoạch để chiếm lại ngôi đền. Các cuộc chạm súng ở các vùng biên giới Thái-Miên trở nên thường trực. Nhà nước Thái cũng chuẩn bị dư luận trong nước, qua các tuyên bố của tướng Praphat trước một diễn đàn sinh viên : « Cho đến khi tôi chết, tôi vẫn ước mơ lấy lại ngôi đền Preah Vihear ».

Hoa Kỳ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Cambodge tháng năm năm 1965. Trước đó một tháng, quân Thái đã thình lình tấn công và chiếm được ngôi đền, nhưng vài hôm sau thì bị quân Cambodge lấy lại. Các cuộc đụng độ kéo dài cho đến tháng 6 năm 1966. Ông hoàng Sihanouk vận động đưa vấn đề ra Hội Đồng Bảo An LHQ nhưng việc này không thành vì không thể thuyết phục để có đa số phiếu. Phía Thái Lan thì cho rằng nguyên nhân việc đụng độ giữa quân đội hai bên là do từ phía Cambodge nổ súng trước, quân đội Thái chỉ nổ súng tự vệ và trả đũa. Cho đến khi Cambodge và Hoa Kỳ nối lại quan hệ ngoại giao, tháng sáu năm 1966, thì tình hình biên giới Thái-Miên mới ổn định. Cuối tháng 6 năm 1966, một phái đoàn quân sự thuộc ONU đến quan sát khu vực và nhận thấy rằng mọi sự đều bình thường.

Hai bên Thái-Cambodge, qua trung gian của một ủy ban thuộc LHQ, từ tháng 9 năm 1966, bắt đầu đối thoại về vấn đề biên giới. Tháng 3 năm 1970 ông hoàng Sihanouk bị lật đổ. Tướng Lon Nol, thân Mỹ, lên lãnh đạo Kampuchia. Tình hình khu vực lúc đó bất ổn do thế lực của phe cộng sản tăng cao. Khmer đỏ được sự trợ giúp trực tiếp từ Trung Cộng nên phát triển mạnh. Do nhận định đúng tình hình, Thái Lan lựa chọn thái độ « không can thiệp » vào các vấn đề nội bộ của Kampuchia, vì lo ngại quân Thái cộng phát triển do bắt tay được với Khmer đỏ và Việt Cộng. Tướng Lon Nol đề nghị với Thái Lan hai nước « cộng đồng quản lý – condominium » về ngôi đền Preah Vihear để hy vọng liên kết với Thái Lan chống lại Khmer đỏ và Việt Cộng nhưng bị Thái từ chối. Thái viện lý do tình hình không thuận tiện để thuơng thảo về vấn đề biên giới. Vấn đề tranh chấp Preah Vihear vì vậy chìm vào quên lãng.

Một thời gian dài với gần ba thập niên Kampuchia liên tục chịu đựng chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, họa diệt chủng, và bất ổn thường trực (1970-2000). Quân Khmer đỏ thua trận 1979, tàn quân rút vào các chiến khu vùng tây và tây bắc Kampuchia, giáp ranh với Thái Lan, tức khu vực thuộc các tỉnh Preah Vihear, Siem Reap, Battambang. Ở đây quân Khmer đỏ lại được các tài phiệt và quân phiệt Thái Lan bảo vệ, một mặt dùng Khmer đỏ bảo vệ biên giới, ngăn chận bước tiến của Việt Nam, một mặt mua bán đá quí. Khu vực ngôi đền bỏ hoang phế. Chỉ vài khoảng cuối thập niên 90, khi khối cộng sản sụp đổ và VN rút khỏi Kampuchia, hòa bình mới bắt đầu lập lại trên đất này.

Năm 2000, hai nước Thái và Kampuchia ký kết một bản ghi nhớ (MOU - memorandum of understanding) về việc hợp tác giữa hai bên trong một Ủy Ban hỗn hợp về biên giới JBC (Commission Mixte des Frontières) để kiểm soát và cắm mốc biên giới chung dựa trên các bản đồ đã được hai bên công nhận. Trong thời chiến tranh, một số mốc giới bị mất mát hay bị dời đi.
Hai bên chỉ căng thẳng trở lại từ tháng 7 năm 2008. Nguyên nhân bắt nguồn từ tháng 7 năm 2008, sau buổi họp tại Canada, UNESCO đã công nhận ngôi đền Preah Vihear của Kampuchia là một di sản văn hóa của nhân loại.

Preah Vihear 6

Hình 5 : Bản đồ khu vực Preah Vihear được UNESCO ghi vào « di sản văn hóa của nhân loại ». Vùng màu vàng thuộc về khu vực đền. Vùng màu xanh là vùng mở rộng.

Việc này gây làn sóng bất bình trong dân chúng cũng như chính giới Thái Lan. Họ cho rằng mặc dù ngôi đền Preah Vihear thuộc về Kampuchia nhưng khu vực này vẫn chưa được phân định rõ rệt. Nạn nhân đầu tiên là ông Noppadon Pattama, Bộ trưởng bộ Ngoại Giao Thái Lan. Ông này đã phải từ chức, vì đã ký với Kampuchia trước đó một thỏa ước hữu nghị liên quan đến việc ủng hộ đề nghị (lên UNESCO) của Kampuchia về ngôi đền Preah Vihear (là « di sản văn hóa nhân loại »). Văn bản ký kết, nếu có hiệu lực, không những hàm ý công nhận chủ quyền của Kampuchia tại ngôi đền mà còn công nhận toàn bộ khu vực chung quanh Preah Vihear (khoảng 4,5 km²) thuộc về Kampuchia. Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Thái Lan thì thỏa ước hữu nghị mà ông Noppadon Pattama ký kết với Kampuchia thì không có hiệu lực, vì nó vi hiến.

Từ tháng 4 năm 2011, tranh chấp ngôi đền đột ngột căng thẳng trở lại, với vài cuộc chạm súng nhỏ giữa quân đội hai bên Thái-Khmer, làm cho một số lính của hai bên tử thuơng. Việc căng thẳng này làm cho dân chúng sinh sống các vùng phụ cận, gồm trên 10.000 người, phải di tản sang các vùng chung quanh. Cũng cần nhắc lại, năm 1992, Thái Lan đã chống lại việc UNESCO nhìn nhận Angkor Vat là di sản văn hóa của nhân loại.

Thực ra, nguyên nhân vụ căng thẳng bắt nguồn từ chính trị. Từ năm 2006, sinh hoạt chính trị Thái Lan có nhiều bất ổn. Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thường xuyên được các đảng phái chính trị khai thác để kích động quần chúng. Thủ tướng Thaksin bị quân đội đảo chánh năm 2006, mặc dầu ông này đã được đắc cử qua một cuộc bầu cử dân chủ. Việc loại ông Thaksin ra khỏi chính trường bằng một phương pháp « phi dân chủ » đã làm cho dân chúng, phe ủng hộ Thaksin, phẫn nộ. Phe quân đội đảo chánh được sự đồng thuận của nhà vua. Hiện nay chính quyền do phe dân sự đối lập với Thaksin nắm quyền lãnh đạo qua các cuộc bầu cử dân chủ sau này, nhưng sinh hoạt chính trị tại Thái Lan vẫn không ổn định. Tính chính thống của phe đối lập đã bị đặt vấn đề. Phe này trưng ra những bằng chứng cho thấy Thaksin tham nhũng, hàm ý biện hộ cho việc đảo chánh. Nhưng phương cách giải quyết « phi dân chủ », không thông qua pháp luật, được xem là vi hiến. Đây là mầm mống cho các bất ổn chính trị.

Preah Vihear 4

Hình 6 : Bản đồ khu vực ngôi đền Preah Vihear cho Thái Lan đưa lên UNESCO nhân đại hội tại Christchurch, Tân Tây Lan năm 2007. Theo đó Thái Lan cho rằng vùng màu vàng thuộc về Thái Lan.

5. Kết luận:

Xét đòi hỏi của Thái Lan quan tấm bản đồ (hình 6) năm 2007, ta thấy phía Thái nhìn nhận chủ quyền của Kampuchia ở ngôi đền nhưng không chấp nhận chủ quyền nước này khu vực đất chung quanh. Lý lẽ của Thái Lan do đó vẫn đặt trên việc đường biên giới là “đường phân thủy” thay vì là đồ tuyến trên bản đồ I.

Về pháp lý, nếu xét nội dung của phán quyết CIJ ghi ở phần trên, ta thấy CIJ nhìn nhận đường vẽ trên bản đồ I là đường biên giới hai nước. Việc Thái Lan phản đối bản đồ này hôm nay, cũng như lý lẽ của Thái trước tòa CIJ năm 1962, thì không thuyết phục. Thái Lan không đưa ra được yếu tố mới nào khác, ngoài việc nhắc đặt lại vấn đề đường biên giới vẽ trên bản đồ I. Việc này họ đã đặt ra từ năm 1962 qua vụ án nhưng không được CIJ chấp nhận. CIJ đã cho rằng, Thái Lan vì không phản đối tấm bản đồ này trong một thời gian dài, việc này hàm ý phía Thái đã đồng ý. Phán quyết : đường biên giới là đường xác định trên bản đồ I và sẽ không cần thiết để tìm hiểu là đường biên giới này có phù hợp với đường phân thủy hay không.

Về chính trị, rõ ràng sự việc tranh chấp hôm nay giữa hai nước Thái-Kampuchia về ngôi đền là do động lực chính trị từ các đảng phái ở Thái Lan. Nhớ lại lúc ông Lon Nol vừa lật đổ Sihanouk, ông này đề nghị với Thái Lan việc “cộng đồng quản lý – condominium”, tức hai bên đều có chủ quyền tại ngôi đền, nhưng Thái từ chối. Riêng ông Sihanouk, sau khi thắng kiện, có tuyên bố sẵn sàng để ngôi đền cho hai bên “quản lý”, dân chúng hai bên có quyền tự do hành hương và thăm viếng, nhưng chủ quyền thì thuộc về Cambodge. Phía Thái cũng không đồng ý.

Do những động lực chính trị giai đoạn của các tổ chức chính trị, quyền lợi đảng phái lớn hơn quyền lợi đất nước. Phía Thái Lan đã bỏ nhiều cơ hội có lợi cho mình, do phía Cambodge đề nghị, nhằm giải quyết tranh chấp ngôi đền. Tranh chấp tiếp tục đã đưa phía Thái Lan vào ngõ cụt.

Phán quyết của CIJ năm 1962 đã quá rõ rệt để có thể giải thích lại. Tòa đã khẳng định, cho dầu đường biên giới vẽ trên bản đồ có phù hợp với văn bản hay không, nó vẫn là đường biên giới chính thức giữa hai nước Thái và Cambodge.

Phán quyết ngày 11 tháng 11 năm 2013 của CIJ không thể khác : Cambodge có chủ quyền tại ngôi đền và vùng đất chung quanh, với sự đồng thuận của đa số tuyệt đối của bồi thẩm đoàn.

Hiệu lực của CIJ mang tính bắt buộc, được sự bảo kê của Hội đồng Bảo an LHQ. Phía Thái Lan từ nay khó lòng tìm được một lý do nào để đặt lại vấn đề chủ quyền tại ngôi đền này.


Tài liệu tham khảo :

Luciano Garavaglia, Le litige du temple de "Preah Vihear" dans le cadre des relations entre le Cambodge et la Thaïlande en pleine guerre froide (1950-1970), ISSN 1575-0698, Nº. 12, 2009. Pages. 73-112.

Hồ sơ « THE TEMPLE OF PREAH VIHEAR INSCRIBED ON THE WORLD HERITAGE LIST (UNESCO) SINCE 2008 » ; Bộ Ngoại Giao Vương quốc Cambodge.

http://www.thaiwhic.go.th/download/ICJ_15June1962.pdf

http://www.icj-cij.org/docket/index.php?sum=284&code=ct&p1=3&p2=3&case=45&k=46&p3=5&lang=fr&PHPSESSID=d97c62d76b31ec71c5d880754f52e040
http://www.icj-cij.org/docket/files/151/17705.pdf

dimanche 10 novembre 2013

Cuộc chiến 1979 không có xóa địa danh lịch sử Pắc Bó.


Tin vui cho những người cộng sản Việt Nam : Thánh địa của những người cộng sản Việt, hang Bắc Bó, không bị sát nhập vào lãnh thổ Trung Quốc như các lời đồn đại trước đây. Bản đồ đính kèm Hiệp ước Biên giới 1999 cho thấy đường biên giới khu vực không thay đổi (khu vực các mốc cũ 107-108-108). Khu vực này đã viết trước đây, nay dẫn lại ở bên dưới.

Tuy vậy, trong vùng này phía TQ đã lấy được đất thuộc khu vực mốc 114, tại cửa ải Bình Mãng, phía hữu ngạn sông Bằng (Bằng Giang), cũng như đất khu vực giữa hai mốc 111-112 và khu vực mốc 113.

Để ý các khu vực đất của VN bị mất cho TQ trong vùng biên giới này, (cũng như ở các địa điểm khác trên đường biên giới), đôi khi rất nhỏ về diện tích (vài trăm mét vuông cho đến vài km²), nhưng luôn là các khu vực có tầm quan trọng về kinh tế (hay chiến lược).

Nhắc lại để biết, Công ước Pháp-Thanh bổ sung về biên giới năm 1895 nhượng lại cho VN vùng đất hữu ngạn sông Đà (gồm Lai Châu, Điện Biên và Sơn La giao cho TQ theo công ước 1887), diện tích hàng ngàn cây số vuông, để lấy một góc nhỏ đất thuộc Mường Khuơng và Phương Độ (thuộc Hà Giang), diện tích vài chục cây số vuông. So sánh giá trị việc trao đổi này, phía VN được cái « tiếng » còn phía TQ được cái « miếng ». Là vì khu vực đất giao cho TQ là vùng đất có rất nhiều quặng mỏ quan trọng. Trong khi khu vực đất giao cho VN là… trái bom nổ chậm. Khu vực Lai Châu, ngày xưa, vốn thuộc quyền của đầu lĩnh người Thái tên là Đèo Văn Trị, xưa nay sống tự trị, không thần phục TQ cũng không thần phục VN. Vui thì không nói chi, khi buồn họ nổi dậy quấy phá. Ngoài ra, các vụ loạn lạc (của người Hồi và Thái Bình Thiên Quốc) vào thế kỷ 18 đã làm chết khoảng 50 triệu người TQ, gây ra một làn sóng di cư vĩ đại xuống khu vực biên giới Việt-Trung, trải dài từ Lai Châu, Sơn La, Điện Biên… xuống tới các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An giáp ranh với Lào. Ngoài các sắc dân người thiểu số, di cư từ các tỉnh Vân Nam, Quí Châu, còn có các băng đảng cướp (Cờ Đen, Cờ Vàng…). Triều nhà Nguyễn suy sụp nhanh cũng do thành phần bất hảo này. Nói là « trái bom nổ chậm » là thích hợp.

VN từ xưa đến nay, là thùng rác chứa đồ phế thải, hay các thứ không thể tiêu hóa về kinh tế hay an ninh của TQ.

Xét mảnh bản đồ sau đây :

Bản đồ số 21 của bộ bản đồ đính kèm Hiệp ước biên giới 1999.

Hang Pác Bó

Các khu vực khoanh vòng xanh trên bản đồ là các địa điểm đường biên giới có thay đổi, lấn sang Việt Nam.

Khu vực khoanh vòng đỏ, các địa danh sông núi của VN được đổi tên, đặt sang tên nước ngoài, gồm suối Lê Nin và núi Các Mác.

Lãnh đạo CSVN đặt tên « nước ngoài » cho đất đai VN thế cũng hay, nếu không nói là thâm thúy lắm !. Những phế phẩm của của chủ nghĩa Mác-Lê, như tượng Lê Nin, tượng Các Mác hay sách vở lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội… của các nước trên thế giới vứt bỏ, từ nay không còn lo ngại việc ô nhiễm. Hang Pắc Bó nên đổi tên thành « thùng rác lịch sử của thế giới » cho hợp tình hợp cảnh. Không phải xưa nay VN đã là thùng rác của TQ hay sao ? Thêm chút rác rưởi nữa thì không hề gì.

Theo Công ước Pháp Thanh 1887, các cột mốc trong khu vực được định nghĩa như sau :

111, Lộng Canh Sơn弄…山, A un col entre les cirques de Lung-Kem (Chine) à Loc-Son (Tonkin) derrière une maison isolée qui appartient à l’Annam. Tạm dịch : Cắm trên một cái đèo, khoảng giữa các thung lũng nhỏ từ Lung-Kem (thuộc Trung Hoa) đến Lộc Sơn (VN), phía sau một ngôi nhà biệt lập thuộc VN.

112, Lộng Bình Lĩnh 弄平嶺, Au S et à l’environ 15m du sentier allant de Lung-Bin (Chine) à Lung-Heun adossée à un rocher isolé au milieu des champs. Cắm ở phía nam, cách khoảng 15m con đường mòn đi từ Lung-Bin (Trung Hoa) đến Lung-Heun ( ?), dựa vào một khối đá đơn độc ở giữa đồng.

113, Hạo Long Sơn 後龍山, Au bas de l’escalier descendant du fort chinois au N et près du chemin allant de Na-Sat à Bing-Mang. Cắm ở phía dưới chân cầu thang của công sự (Trung Hoa), phía bắc và kế cận con đường nối từ Na-Sat đến Bình Mãng.

114, Bình Mãng Ải Khẩu 平孟隘口, Près de la porte de Chine. A la patte d’oie formé par les chemins allant de Na-Sat à Soc-Giang (Soc-Hung) et Soc-Lung. Cắm gần của ải Bình Mãng. Tại ngả ba của hai con đường từ Na Sat đi Sóc Giang và Soc Lung.

Về địa danh Pắc Bó, chép lại bài viết đã đăng trước đây, nội dung như sau :

Cuộc chiến 1979 đã xóa địa danh lịch sử Pắc Bó ?

Tháng 2 năm 1979 Trung Quốc xua quân đánh VN, gọi là cuộc chiến « phản công tự vệ ». Trong vòng vài ngày, quân Q đã đánh chiếm và phá thành bình địa các tỉnh dọc biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… Một trong những mũi tiến công của quân đội TQ vào chiếm Cao Bằng là đạo binh thiết giáp tiến vào cửa ngỏ cột mốc 108, đi qua Pác Bó, Trường Hà để tiến vào Cao Bằng. Từ thời Pháp thuộc, khu vực này có nhiều đường mòn nối từ phía TQ qua các bản làng bên VN. Theo các dữ kiện từ phía TQ, đạo quân thiết giáp đi vào ngả mốc 108 đã gặp rất nhiều khó khăn vì các đường mòn đã bị bỏ hoang từ lâu. Việc chiếm Cao Bằng do đó chậm trễ so với dự liệu. Theo các tài liệu của TQ về cuộc chiến biên giới 1979, mục tiêu của quân TQ đánh VN là « dạy cho VN bài học ». Vì thế cuộc chiến trước hết là giết chóc và « phá hoại ».

Các di tích lịch sử của CSVN như hang Pắc Bó (gồm có bảo tàng viện Hồ Chí Minh cùng các di tích thiên nhiên như núi Các Mác, suối Lê Nin…), nằm trên đường từ cột mốc 108 đến xã Trường Hà, tức nằm trên đường tiến quân của quân đội TQ.
Hang Pắc Bó thuộc bản Bó Bẩm, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bản Bó Bẩm, cũng như các bản (làng) Khuổi Nậm, Nà Kéo, Nà Mạ, Nậm Lìn và Nà Lẹn là các bản (làng) thuộc xã Trường Hà có giáp ranh biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trên bản đồ của Sở Địa Dư Đông Dương 1948, địa danh Pắc Bó (ghi trên bản đồ là Pac Bo) ở về phía đông bắc xã Trường Hà (ghi là Trung Ha). Khoảng cách tương đối Pắc Bó cách đều cột mốc 108 và Trường Hà, khoảng 1 hay 2 km.

Hang Pắc Bó là một địa danh lịch sử của những người cộng sản Việt Nam, từng là nơi trú ẩn của ông Hồ Chí Minh, lúc từ Quảng Tây (Trung Quốc) trở về VN lần đầu, năm 1941, sau nhiều năm bôn ba hải ngoại. Nơi đây cũng là bản doanh đầu tiên của các lãnh tụ đảng CSVN trên đất VN. Người ta gọi địa danh này là « thánh địa » của những người CSVN.

Pac bo SGI 1948

Hình : một góc bản đồ tỉnh Cao Bằng SGI 1/100.100 năm 1948. Khu vực hang Pắc Bó kế cận các cột mốc 107, 108 …
Theo nhà báo Trần Đông Đức đã viết ở đây : http://www.rfavietnam.com/node/951 , thì hang Pắc Bó cùng quần thể di tích lịch sử này đã thuộc về lãnh thổ TQ.

Thực hư việc này ra sao ?

Một số chi tiết về các cột mốc biên giới được cắm theo công ước Pháp Thanh 1885-1897, dẫn từ bài trên :

Cột mốc 108 :

Pac bo cotmoc108

Trong hình ở trên, các ghi chú đọc được : bên phải ghi « Trung Quốc Quảng Tây Giới ». Ở giữa ghi « Frontière Sino-annamite ». Bên trái, có dòng chữ khắc lên 德 業卡 (Ðức Nghiệp Kha hay Ca). Số « N° 108 » là viết thêm vào mới đây bằng sơn trắng. Đối chiếu hình chụp hai trang biên bản (tiếng Pháp và tiếng Hán) :

Pac bo bien ban chu Han

Hình : Biên bản tiếng Hán.

Pac bo bien ban chu Phap

Hình : Biên bản tiếng Pháp.

Ta thấy德 業卡 Ðức Nghiệp Kha là tên của cột mốc số 107. Như vậy số « N° 108 » mới viết có thể không đúng.
Trong khi đó hình của cột mốc « gọi là » 107 :

Pac bo cotmoc107

Thì tên cột mốc khắc trên bia (do mù mờ, có thể) là 凌 傑 山 (Lăng Kiệt Sơn). Đối chiếu với biên bản, tên này tương ứng cột mốc số 108.

Số 107 thấy trên bia, cũng như số 108 ở hình trên, có thể mới khắc vào sau này.

Vì thế có điều không rõ rệt ở hai cột mốc 107 và 108. Việc này có thể do bị chuyển dịch, dời đổi các cột mốc. Sự việc mài xóa số nguyên thủy và viết lại số mới (như trường hợp mốc 53 tại thác Bản Giốc), có thể do những người dời cột mốc viết lại cho phù hợp vị trí.

Tên và vị trí của hai cột mốc 107 và 108 được mô tả bằng tiếng Pháp như sau :

Borne n° 107, Ta-Nia, Sur le chemin de Linh-Wan (Chine) à Khen-Tac (Tonkin).

Borne n° 108, Lin-Tiao, Sur le chemin venant de Co-Ma (Chine) l’endroit où ce chemin venant du N tourne à l’O. pour suivre la frontière

Đối chiếu với văn bản tiếng Hán, tên cột mốc 107 là 德 業卡 (Ðức Nghiệp Kha hay Ca), được cắm ở vị trí « trên đường từ Linh-Wan (Trung Quốc) đến Khen-Tac (VN).

Tên cột mốc 108 là 凌 傑 山 (Lăng Kiệt Sơn), được cắm trên đường đến từ Co-Ma (TQ), tại điểm mà đường này đến từ phía bắc chuyển sang phía tây, rồi đi theo đường biên giới.

Về quần thể Pắc Bó hiện nay, theo các hình ảnh lấy trên Google Earth của các bạn Photos by 214615, Photos by Hung.TD, Photos by Vu Son… gởi lên, ta thấy rõ ràng là mới xây lại.


Pac bo tuccanhPacbo

Pac bo Suoi Lenin

Pac bo ban da Bac Ho

Bục đá bợ tấm bia, bờ suối Lê Nin, bàn đá… không còn nguyên nét thiên nhiên mà có bàn tay con người thay đổi.
Về « bàn đá của bác Hồ », có lẽ không ai dùng tảng đá giữa suối để « chông chênh viết sử đảng ». Hợp lý thì ở trong hang Pắc Bó, hoặc ở trên bờ suối, chứ không ở giữa suối như trong hình.

Con suối Lê Nin thì rõ ràng không còn (hay không phải) là suối thiên nhiên. Bờ suối có dấu mới đẻo, có thể nhằm vào việc khai mươn, dẫn nước vào, tạo thành con suối. Con suối do đó có thể là suối nhân tạo.

Cảnh trí ở Pắc Bó với suối Lê Nin và núi Các Mác hoàn toàn đánh mất tính lịch sử do việc tạo dựng lại. Lịch sử chú trọng ở « sự thật ». Nó cũng mất hoàn toàn mỹ tính của thiên nhiên, là điểm quan trọng để thẩm định giá trị thực sự một thắng cảnh, một di tích lịch sử, văn hóa.

Thực ra, di tích Pắc Bó với núi Các Mác và suối Lê Nin là một vết tích xấu hổ cho lịch sử của dân tộc VN. Vì đất đai, sơn thủy của tổ tiên lại bị đặt những cái tên người nước ngoài, những tên đồ tể nhân loại, đã bị thế giới lên án. Xét sâu xa, các nhân vật Các Mác, Lê Nin, (kể cả ông Hồ) đều đã không đem lại điều gì tốt đẹp cho đất nước và dân tộc VN, ngoài chiến tranh và sự nghèo đói. Sự việc quân TQ xóa bỏ di tích này cũng là một điều tốt cho dân VN, nếu nó không được xây dựng lại (một cách dối trá và vụng về).

Nhưng lịch sử luôn được viết bởi phía chiến thắng. Bi hài là chỗ đó.

mercredi 6 novembre 2013

Việt Nam có mất đất, mất biển qua hai hiệp định phân định biên giới 1999 và 2000 hay không ?


« VN có nhượng bộ TQ về biên giới không ? » là tựa đề một bài phỏng vấn trên BBC, có hình thức « hỏi đáp », giữa ông Dương Danh Huy (thuộc quĩ Nghiên cứu biển Đông) và ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của chính phủ VN, nội dung nói về hai hiệp định biên giới, trên bộ và trong vịnh Bắc Việt, ký kết giữa Việt Nam và Trung quốc vào 25-12-1999 và 30-12-2000.

Bài phỏng vấn này, người ta có cảm tưởng rằng các tác giả tự đặt câu hỏi và tự trả lời, nhưng chỉ ở những điều mà mọi người đều biết, hoặc có thể đoán trước kết quả. Những điều cần biết khác về lãnh thổ, hải phận thì hầu hết như đám mây mù, hoặc là không thuyết phục.

Bài viết này trước hết « vén mây mù », cho mọi người thấy toàn cảnh của vấn đề biên giới giữa VN và Trung Quốc. Sau là chứng minh cho mọi người thấy các điều không thuyết phục trong bài nói trên. Kết quả hai hiệp định phân định biên giới trên bộ và phân định biên giới trong vịnh Bắc Việt đã không như nội dung bài phỏng vấn này. Phía VN bị thiệt hại, không chỉ về lãnh thổ, hải phận, mà còn tổn hại dài lâu về kinh tế và chiến lược.

Do sự liên tục của dữ kiện và tính logic của lập luận, tác giả đặt phần phần định vịnh Bắc Việt lên trước phần phân định biên giới trên bộ.

1/ Từ một căn bản bất bình đẳng : Đường biên giới do lịch sử để lại.

Đường hướng giải quyết tranh chấp về biên giới giữa hai nước Việt-Trung của VN được ghi lại khá cụ thể trong tài liệu « Sự thật về quan hệ Việt Trung », NXB Sự Thật, tháng 10-1979, còn gọi là « Bị Vong Lục ». Tháng 11 năm 1957, lãnh đạo CSVN đề nghị với Trung Quốc : « hai bên giữ nguyên trạng 2 đường biên giới do lịch sử để lại. Các tranh chấp về biên giới, nếu có, sẽ giải quyết bằng thuơng lượng, theo luật pháp quốc tế ».

« Hai đường biên giới do lịch sử để lại » ở đây dĩ nhiên một là đường biên giới trên bộ, hai là đường biên giới trên biển, do Pháp và nhà Thanh phân định, theo nội dung của hai công ước về biên giới 1887 và 1895.

Cũng theo Bị Vong Lục, tháng 4 năm 1958, phía Trung Quốc trả lời đồng ý đề nghị của Việt Nam.
Theo trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Hồng Thao trên trang VietNamNet ngày 30-12-2010 :

« Việt Nam là quốc gia duy nhất mà đối tác Trung Quốc đồng ý áp dụng Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895, các Công ước ký trong thời thực dân-phong kiến, làm cơ sở giải quyết biên giới. Còn với 13 nước khác có chung đường biên với Trung Quốc, nước này đều yêu cầu phải đàm phán lại từ đầu, vì cho rằng những Hiệp ước kí kết dưới chế độ thực dân trước đây nhà Thanh đều bị lép vế, không bình đẳng dẫn đến bất lợi cho họ. »

Ý kiến của TS NH Thao qua phát biểu, nhiều người không am tường lịch sử sẽ hiểu lầm, cho rằng việc phân định lại biên giới dựa trên căn bản công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 là có lợi cho VN.
Điều này hoàn toàn không đúng.

Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và thương mại « traité de paix, d’amitié et de commerce », được ký kết tại Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 giữa Lý Hồng Chương và ông Patenôtre (còn gọi là Hiệp ước Thiên Tân 1885), được quốc hội Pháp thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1885. Ðiều 3 của Hiệp Ước dự trù việc xác định lại đường biên giới Việt Trung. Các điều 5 và 6 dự trù một công ước về thương mãi giữa Pháp và Trung Hoa.

Kết quả hiệp ước này là một thất bại lớn cho nước Pháp. Điều nên biết ý đồ của Pháp trong việc chinh phục Bắc Kỳ, từ thời Françis Garnier (1874) đến Henri Rivière (1883) cho đến chiến tranh Pháp-Trung 1884-1885, là xây dựng địa bàn ở Bắc Kỳ sau đó mở đường thông thương với các tỉnh phía Nam Trung Hoa. Tất cả nhắm vào việc buôn bán với vùng đất này mà giới thuơng gia, tài phiệt ở Pháp có ảo tưởng rằng rất giàu có. Những gì người Pháp mong muốn chỉ được một nửa: xóa bỏ cái bánh vẽ « thượng quốc – chư hầu » giữa Việt Nam và Trung Hoa. Còn việc buôn bán chỉ có một chiều : mở cửa cho Trung Hoa vào Việt Nam nhưng đóng mọi cửa không cho Pháp vào Hoa Nam.

Hiệp ước 1885 như vậy đánh dấu « chiến thắng » đầu tiên, và cũng là duy nhất, của Trung Hoa trước một cường quốc Tây Phương vào thời kỳ đó. Trong tất cả các hiệp ước mà Trung Hoa đã ký kết với các cường quốc cùng thời, chỉ có hiệp ước 1885 đem lại lợi lộc cho Trung Hoa. Trong khi công ước thương mãi mà Pháp mong muốn ký kết với Thanh triều, chính giới Pháp cho đó là một « sỉ nhục » cho nước Pháp.

Công ước Thuơng mãi được ký ngày 25 tháng 4 năm 1886. Kết ước này bị các chính trị gia Pháp đánh giá :

« Hiệp ước này, người ta nói rằng nó rất khó khăn, không phải khó do việc thương thuyết, mà khó vì phải ký tên vào đó. Thực tế không hề có việc thương thuyết… » (Ce traité a été, dit-on, très difficile, non pas à négocier, mais à signer. De fait, il n’y a pas eu de négociations….) « Chúng tôi rất tiếc phải nói rằng hiệp ước soạn thảo quá tệ, thậm tệ, và đây là một việc không tránh được vì người thương thuyết hiệp ước biết rất ít về vấn đề mà ông ta sẽ phải thương lượng » (Nous avons le regret de dire que le traité a été mal fait, extraordinairement mal fait ; et nous devons ajouter qu’il ne pouvait pas en être autrement, parce que le négociateur connaissait peu les questions qu’il allait traiter…)

Nguyên văn kết ước là toàn bộ những gì mà Trung Hoa đòi hỏi trước đó, còn các yêu cầu của Pháp đều bị gạt bỏ. Điều cần ghi nhận là ông Cogordan, người đứng ra ký kết ước này với Lý Hồng Chương, đáng lẽ không có thẩm quyền để ký. Để kết ước này có hiệu lực, ông Cogordan đã được phong hàm Bộ trưởng (ministre plénipotentiaire) cùng ngày, 25-4-1886. (Ông François Georges Cogordan là rể của ông Duclerc (cựu Thủ Tướng).

Ðể sửa chữa, ông Constans được cử làm Bộ trưởng sang Thiên Tân, nói là để thương thuyết về việc phân định biên giới giữa An Nam và các tỉnh Hoa Nam theo điều 3 của Hiệu ước 1885, nhưng mục tiêu chính là thương lượng lại kết ước về thương mãi đã ký. Ông Constans được biết như một tay « cáo già » chính trị trong chính trường nước Pháp. (Cũng như ông Lý Hồng Chương, người Hán, là con cáo già về chính trị trong triều đình Mãn Thanh).

Dân biểu Dureau de Vaulcomte, người phụ trách theo dõi việc thi hành Hiệp ước 1885, có viết một tường trình cho Quốc hội Pháp, nội dung tố cáo nhà nước Pháp trao đổi đất đai của VN để có quyền lợi về kinh tế :

« Và vì thế vấn đề biên giới được gắn liền với vấn đề thương mãi (Et ainsi la question de frontière se trouva liée à la question commerciale.)». « Chính phủ đã nghĩ rằng những nhượng bộ đất đai cho Trung Hoa có thể được đền bồi bằng những ưu đãi (về kinh tế) do Công Ước thương mãi bổ sung Hiệp Ước 25 tháng 4 năm 1886. (Le gouvernement a pensé que les concessions faites à la Chine, en ce qui concerne les territoires, peuvent être compensées par les avantages qui résultent de la Convention commerciale additionnelle au Traité du 25 Avril 1886). »

Như vậy, « vấn đề biên giới được gắn liền với vấn đề thuơng mãi ». Người ta vì vậy không ngạc nhiên khi các công trình nghiên cứu để xác lập một cách đúng đắn và khoa học đường biên giới lịch sử, cũng như kết quả các chiến dịch khảo sát trên thực địa để xác lập đường biên giới hai bên Việt-Trung của các phái đoàn phân định biên giới Pháp, từ năm 1885 cho đến trước khi ký kết công ước tháng 6-1887, đều bị ông Constans gạt bỏ. Đường biên giới lịch sử của hai bên Việt-Trung, hiện hữu từ ngàn năm trước, đã phải thay đổi thành một đường biên giới theo ý muốn của Lý Hồng Chương.

Đường biên giới này gọi là đường biên giới « qui ước ».

Các vùng đất của VN mà Pháp đã nhượng cho Trung Hoa là :

- Huyện  Giang Bình và mũi Bạch Long (đáng lẽ biên giới hai bên Việt-Trung vùng Quảng Ninh là kế cận huyện Phòng Thành, chứ không phải là Đông Hưng như hiện tại). Vùng đất này có tầm quan trọng lớn lao về kinh tế và chiến lược (vì nó sẽ mở rộng diện tích trong vịnh Bắc Việt cho VN).

- Các xã thuộc tổng Kiến Duyên và Bát Tràng (Hải Ninh).

- Tổng Đèo Lương (khoảng 300km²) thuộc Cao Bằng. Vùng đất này có tranh chấp từ trước, nhưng các quân nhân phụ trách về biên giới của Pháp do dự vì muốn có được « một đường biên giới tốt ». Quyết định nhượng đất này cho Trung Hoa trong dịp phân giới 1893, đổi lại, phía VN có được con đường đi tuần trên biên giới cùng với các cao điểm chiến lược, trong đó có ngọn núi Khấu Mai (Cao May). Núi này đã nhượng cho TQ sau khi phân định lại năm 1999.

Tổng Tụ Long (khoảng 750km²) thuộc Hà Giang. Đây là một vùng đất nhiều hầm mỏ nhất tại Bắc Kỳ, đã từng bị các thổ quan địa phương Vân Nam tìm cách chiếm đoạt nhiều lần nhưng tổ tiên ta lấy lại được.

- Nhượng cho TQ toàn bộ lãnh thổ vùng hữu ngạn sông Đà. Vùng đất này thuộc thẩm quyền các đầu lĩnh người Thái, có lúc thần phục triều đình An Nam, có lúc thần phục triều đình Mãn Thanh.
(Công ước bổ túc 1895 trả lại cho VN vùng đất hữu ngạn sông Đà, tức vùng Tây Bắc hiện thời, nhưng VN phải nhượng lại thêm cho TQ tổng Phương Độ, thuộc phần còn lại tổng Tụ Long, tỉnh Hà Giang).

Nhưng làm như vậy nước Pháp đã bội ước. Nước này nhượng lãnh thổ của VN cho TQ để đổi lấy quyền lợi kinh tế cho đế quốc. Bội ước vì nước Pháp ràng buộc với An Nam bởi Hiệp ước 1884, trong đó có mục phải « bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của vương quốc An Nam ». Đối với người VN, nó không phải là một đường biên giới « qui ước » mà là một đường biên giới « bội ước ».

Trên phương diện quốc tế công pháp, đường biên giới này có thể không có giá trị pháp lý, vì hai phía ký kết Pháp và nhà Thanh thông đồng với nhau để làm thiệt hại quyền lợi của phía thứ ba, là một quốc gia chịu sự bảo hộ của Pháp là An Nam, không có khả năng nói lên tiếng nói của mình.

Theo tài liệu Bị Vong Lục, Việt Nam nhìn nhận « 2 đường biên giới do lịch sử để lại ». Hai đường biên giới chứ không phải một đường. Dĩ nhiên hai đường này, một là đường biên giới trên bộ, hai là đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.

Việc nhìn nhận đường biên giới trên bộ là một nhượng bộ lớn lao của phía Việt Nam cho TQ. Việc nhìn nhận này chỉ hợp lý (và công bằng) nếu phía TQ cũng có cùng quan điểm với VN về đường biên giới trong Vịnh Bắc Việt.

Theo lời TS Nguyễn Hồng Thao dẫn trên, phía TQ đã hủy bỏ các « hiệp ước bất bình đẳng » và phân định lại biên giới với 13 đối tác khác. Nếu việc làm này có thật thì nó không phù hợp với tinh thần quốc tế công pháp, theo nội dung Công ước Vienne 1969 về hiệu lực của các công ước. Theo đó, một kết ước bất bình đẳng có thể bị một bên đơn phương xóa bỏ, ngoại trừ các điều ước liên quan đến biên giới.

Vậy mà phía TQ làm được tất cả, kể cả những điều ngược lại các nguyên tắc của quốc tế.

Theo TS Trần Công Trục trong bài đã dẫn :

« Từ năm 1992, đàm phán lần thứ 4 diễn ra ngày 19-10-1993 ký thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa 2 nước... Hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Pháp và Trung Quốc ngày 26-6-1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới 20-6-1895, cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định, cắm mốc kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định; đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa VN và TQ… »

Như vậy, VN bắt đầu nhượng bộ TQ từ đầu thập niên 90. Cái thỏa thuận gọi là « những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa 2 nước » cho thấy phía VN đã nhượng bộ từ những điều cơ bản không thể nhượng bộ được : nhìn nhận đường biên giới trên bộ do lịch sử để lại nhưng phủ nhận đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.

Vấn đề càng tồi tệ hơn, việc phân định lại hai đường biên giới (xem phía dưới) cho thấy : 1/ đường biên giới trên đất liền không hoàn toàn trùng hợp với đường biên giới « do lịch sử để lại » 1887. Vấn đề không như nội dung của bài viết trên BBC của quí ông Dương Danh Huy và Trần Công Trục. VN bị mất nhiều vùng đất, nhiều cao điểm chiến lược rải rác dọc trên đường biên giới. 2/ Đường biên giới trong vịnh Bắc Việt được phân định bằng một phương pháp bất bình đẳng, phía thiệt hại là VN.

Hệ quả do đâu ? Do từ cuộc họp Thành Đô đầu thập niên 90, phải chấp nhận các điều kiện của phía TQ để nước này cho thiết lập lại bang giao, hay là do sự yếu kém của những người làm ngoại giao VN phụ trách vấn đề đàm phán biên giới ?

Cho dầu do lý do nào, phía chịu tổn thất là đất nước và dân tộc Việt Nam.

2/ Phân định vịnh Bắc Việt : đàm phán trên một căn bản bất bình đẳng.

Trong bất kỳ cuộc mua bán, đàm phán nào, tầm mức tư nhân hay tầm mức tập đoàn, tầm mức quốc gia hay quốc tế... Người bán đưa giá, người mua trả giá, thuận mua vừa bán. Thương thuyết về biên giới cũng vậy, có phe được chỗ này, nhượng chỗ kia. Việc được mất phải được đặt trên một căn bản chấp nhận được.

Trường hợp phân định lại vịnh Bắc Việt, do việc đã lựa chọn từ năm 1958, yếu tố căn bản có thể chấp nhận cho VN là : nếu phía VN nhìn nhận đường biên giới trên bộ do công ước 1887 và 1895 xác định, tức chấp nhận những thiệt hại đất đai do Pháp đã nhượng cho TQ một cách không bình thường, thì ít nhất phía TQ phải có nhượng bộ tương ứng ở đường biên giới trong Vịnh Bắc Việt.

Đó là nguyên tắc của công bằng, có qua có lại, là nền tảng của mọi cuộc thuơng thuyết. Ta gọi đây là giải pháp « thượng sách ».

Theo Bị Vong Lục, quan điểm của VN về biên giới trong Vịnh Bắc Việt, cho đến tháng 12 năm 1973 :
« Công ước Pháp-Thanh 1887, điều 2, đã nói rõ kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc bộ. Phía VN sẵn sàng bàn với phía TQ để xác định về cửa vịnh Bắc bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh. »

Nhưng quan niệm của TQ, năm 1974, sau khi xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của VN : « trong vịnh Bắc bộ xưa nay không hề có đường biên giới, nay hai nước phải bàn bạc phân chia. »

Trong khi, TQ đã đồng ý về « hai đường biên giới do lịch sử để lại » vào tháng 4 năm 1958 (theo Bị Vong Lục).

Ta thấy ở đây sự việc đã xảy ra tương tự một cuộc mua bán. VN ra giá, TQ trả giá. Giá của VN ra là có 2 đường biên giới. Giá của TQ trả là chỉ có một đường biên giới. Đường biên giới trong vịnh Bắc Việt phải phân định lại. Khi giải pháp thượng sách không thực thi được, những người đàm phán của VN lý ra phải có một giải pháp trung dung khác, là làm thế nào để VN không bị thiệt hai trong việc phân định lại hai đường biên giới.

Về việc có « đường biên giới trong vịnh Bắc bộ » hay không, ta sẽ xét nội dung điều 2 công ước 1887 sau đây.
Điều nên biết, công ước phân định biên giới Pháp-Thanh 26 tháng 6 năm 1887 thực tế là biên bản bế mạc (1, 2, 3, 4… )  của công trình phân định biên giới trên đất liền. Buổi họp mặt diễn ra tại Bắc Kinh, giữa ông Constans và Lý Hồng Chương, nhằm giải quyết những bế tắc mà hai phái đoàn Pháp-Thanh phân định biên giới đã không thể giải quyết trên thực địa. Nguyên văn khoản 2 của công ước :

2° Les points sur lesquels l’accord n’avait pu se faire entre les deux Commissions et les rectifications visées par le 2e paragraphe de l’article 3 du Traité du 9 juin 1885 sont réglés ainsi qu’il suit :
Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de la délimitation, sont attribués à la Chine. Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105° 43’ de longitude est, c’est-à dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-Kou ou Ouan-chan (Tra-Co) et formant la frontière, sont également attribués à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam.
Les Chinois coupables ou inculpés de crimes ou délits qui chercheraient un refuge dans ces iles seront, conformément aux stipulations de l’article 17 du Traité du 25 Avril 1886, recherchés arrêtés et extradés par les autorités françaises.

Tạm dịch:

2° Các điểm mà hai Ủy Ban đã không thể giải quyết đồng thời những sửa đổi (về biên giới) chiếu theo phần 2, điều 3, của Công-Ước 9 tháng 6 năm 1885, được giải quyết như sau :

Tại Quảng Ðông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Ðông và phía Ðông Bắc Móng Cái, những điểm nầy ở phía bên kia của đường biên giới đã được ủy ban phân định xác định, chúng được giao cho Trung-Hoa. Những hòn đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ kinh độ Ðông, có nghĩa là đường thẳng Bắc-Nam đi qua đông điểm của đảo Tch’a-Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Go-Tho và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh tuyến nầy thì giao cho An-Nam.

Những người Hoa phạm tội hay bị buộc tội muốn tìm nơi ẩn trốn tại các đảo này sẽ bị nhà cầm quyền Pháp truy nã, bắt giữ và trục xuất, đúng theo qui định điều 17 của Hiệp ước 25-4-1886.

Nội dung điều 2 trên đây có đề cập đến một « đường biên giới », trong cụm từ « formant la frontière ».

Để rõ rệt hơn, xét bản đồ đính kèm Công ước. (Bản đồ này do tác giả tìm ra ở CAOM vào đầu thập niên 2000) :

Bản đồ phân định vịnh Bác Việt

Ghi chú trên bản đồ :

góc trái : signé : Constans – Cachet de la Légation de France à Pékin. Tạm dịch : Ký tên Constans – Con dấu của Phái Ðoàn Pháp tại Bắc Kinh.

ở giữa : Le méridien de Paris 105° 43’ qui passe par la pointe orientale de l’ile Tra-Co, forme la frontière à partir du point où s’est arrêté le traité de la convention. Tạm dịch : Ðường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ, làm thành đường biên giới bắt đầu tại điểm mà điều ước của Công Ước chấm dứt.

góc phải : Carte à l’extrémité orientale de la frontière Sino-annamite telle qu’elle est figurée sur la carte qui accompagne à Procès-verbal signé à Péking, le 26 Juin 1887 – (voir l’extrait ci-joint de ce procès-verbal) – Signature et cachet du Plénipotentiaire Chinois. Tạm dịch : Bản đồ phần cực đông của biên giới Việt-Trung sao y bản đồ đính kèm biên bản được ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 - Chữ ký và con dấu của Tổng Lý Nha Môn Trung Hoa.

Như thế, văn bản cũng như bản đồ đính kèm, công ước 1887 có xác định có một đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.

Vấn đề là ý nghĩa của đường biên giới này phân chia cái gì ?

Từ nội dung điều 2, khoản nói về các tội phạm, ta đã thấy, trước hết, đường biên giới này là đường phân chia thẩm quyền quốc gia trong vịnh Bắc Việt (quyền tài phán). Mà theo tinh thần quốc tế công pháp hiện thời, thẩm quyền quốc gia chỉ có thể thực hiện trong khuôn khổ lãnh thổ quốc gia.

Mặt khác, trong thuật ngữ công pháp quốc tế, đường « biên giới - frontière » luôn có ý nghĩa về việc phân chia lãnh thổ. Nếu để « phân chia đảo » người ta không cần sử dụng đến cụm từ « formant la frontière » !

Lập luận của VN trong thời kỳ đó là hợp lý.

Để hỗ trợ cho lý lẽ này, các học giả VN và quốc tế, đã có nhiều bài nghiên cứu về đường biên giới lịch sử của VN.

Thập niên 80 xuất hiện tập tài liệu « Les Frontières du Vietnam », do Pierre-Bernard Lafont chủ trương, nxb Harmattan, Paris 1989. Trong đó quần tụ nhiều học giả nổi tiếng : GS. Charles Fourniau, Pierre-Bernard Lafont, GS Philippe Langlet, Antoine Dauphin, GS Nguyễn Thế Anh, GS Quách Thanh Tâm…

Quan điểm của học giả Charles Fourniau, trong sách đã dẫn :

« La convention de la délimitation de la frontière signée le 26 juin 1887... déterminait la fixation de la frontière maritime, et l’appartenance des iles côtières : « Les iles qui sont à l’Est du méridien de Paris à 105° 43’ de longitude Est, c’est-à-dire la ligne Nord-Sud passant par la pointe orientale de l’Ile de Tcha Kou (Trà-Cổ) et formant la frontière sont attribuées à la Chine... ». Dès lors aucun autre accord ne devait être conclu au sujet de la frontière maritime entre la Chine et la France. »

Tạm dịch : « Công Ước phân định biên giới ký kết ngày 26 tháng 6 năm 1887... xác định đường biên giới trên biển cũng như chủ quyền của các đảo ven bờ : « Các đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Ðông 105° 43’ Paris, có nghĩa là đường thẳng Bắc Nam đi ngang qua đông điểm của đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên giới thì chúng thuộc về Trung Hoa... ». Từ đó không một thỏa ước nào khác phải ký kết về vấn đề biên giới trên biển giữa Trung Hoa và Pháp. »

Quan điểm của ông Pierre-Bernard Lafont :

« Dès leur implantation au Viet-Nam, les Français eurent le souci de délimiter la frontière maritime entre leur nouveau domaine et la Chine. Car le Golfe du Tonkin, parsemé de multiples iles, servait de refuge à des pirates, qui non seulement attaquaient et pillaient les navires de commerce en haute mer, mais qui menaient aussi des incursions dévastatrices sur le littoral. Aussi, désireuse d’éloigner des côtes de son nouveau territoire ces hors-la-loi dont le pullulement était favorisé par les désordres qui, à l’époque, ébranlaient la Chine, la France voulut que soit rapidement précisée la limite des eaux vietnamiennes et chinoise dans ce golfe. Cette question fut donc incluse dans les négociations frontalières franco-chinoises qui aboutirent le 26 juin 1887 à la signature d’une convention, connue sous le nom de convention Constans, qui précise dans son article 2, que le méridien 105° 45’ de longitude Est par rapport au méridien de Paris – c’est-à-dire le méridien 108° 03’ 18’’ de longitude Est par rapport à celui de Greenwich – constitue la frontière entre des deux pays dans le Golf du Tonkin. »

Tạm dịch : « Vừa khi chiếm được Việt Nam thì người Pháp đã lo đến việc phân định ranh giới trên biển giữa vùng đất mới nầy của họ với nước Trung Hoa. Bởi vì ở trong Vịnh Bắc Việt rãi rác có nhiều đảo làm sào huyệt cho quân cướp, bọn nầy không những tấn công cướp bóc các thương thuyền ở ngoài biển khơi, mà còn mở ra những cuộc càn quét, tàn phá vùng đất ở cận biển. Nước Pháp mong muốn vùng đất mới của họ tránh xa bọn cướp nầy mà sự đông đảo của chúng đến từ sự hỗn loạn, thời đó đã làm điên đảo nước Trung Hoa ; cho nên họ muốn rằng đường giới hạn lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Hoa trong vùng vịnh nầy nhanh chóng được xác định. Vấn đề nầy đã được nhập vào với việc thương thuyết về biên giới giữa Pháp và Trung Hoa, đưa đến việc ký kết vào ngày 26 tháng 6 năm 1887 một Công-Ước, được biết dưới tên Công Ước Constans mà điều 2 của Công Ước nầy ghi rằng đường kinh tuyến Ðông 105 độ 45 phút Paris, tương ứng với đường kinh tuyến Ðông 108 độ 03 phút 18 giây Greenwich, là đường biên giới giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. »

Ý kiến của ông Charles Fourniau phù hợp với thực tế việc phân định lại biên giới và nội dung công ước 1887. (Luận án Tiến sĩ của GS Charles Fourniau là biên giới Việt-Trung, phần Quảng Đông và Quảng Tây). Ý kiến của ông Pierre-Bernard Lafont phản ảnh lập trường của Pháp, phù hợp nội dung công ước 1887 : áp đặt quyền tài phán của đế quốc trong Vịnh Bắc Việt, trên các đảo ở phía tây đường biên giới (kinh tuyến đông Paris 105°45’).

Về lập trường của Trung Hoa, vì ra mặt tranh dành với Pháp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, ngày 29-9-1932 công hàm của Đại sứ toàn quyền Trung Hoa tại Paris gởi bộ Ngoại giao Pháp, theo đó Tây Sa Quần đảo (tức Hoàng Sa của VN) là phần lãnh thổ cực nam của nước Trung Hoa. Lý do : quần đảo này ở phía đông đường kinh tuyến đông Paris 105°45’. Một số học giả TQ sau này cũng còn sử dụng lý lẽ trên để dành hai quần đảo HS và TS của VN. Các lý lẽ này không vững vì công ước 1887 chỉ phân định biên giới giữa « Tonkin », tức Bắc Kỳ, và các tỉnh Hoa Nam. Nó chỉ có giá trị ở miền Bắc VN (tức trong vịnh Bắc Việt) mà thôi.

Tuy nhiên, vấn đề trở nên khó khăn cho VN sau khi TQ đánh chiếm một số đảo TS năm 1988 dưới sự « ngó lơ » của đồng minh Liên Xô.

Về chính trị quốc tế, VN bị cô lập từ năm 1975 do bàn cờ chiến lược khu vực thay đổi. TQ và Hoa Kỳ đứng cùng chiến tuyến để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô qua tên xung kích vô sản sừng sỏ là Việt Nam. Các cuộc chiến với Campuchia (1978) hay với Trung Quốc (1979), đều nằm trong dự tính của các thế lực quốc tế để kềm chế ảnh hưởng của Liên Xô tại VN. Các việc này càng làm cho VN suy yếu, bị cô lập toàn diện, do đó hoàn toàn lệ thuộc vào Liên Xô. Đến khi Liên Xô sụp đổ, trong các năm đầu của thập niên 90, VN bị đe dọa sụp đổ theo. Nguy cơ TQ sẽ đánh chiếm các đảo TS còn lại trở thành ám ảnh.

Lãnh đạo CSVN, do ông Phạm Văn Đồng cầm đầu, quyết định sang Thành Đô để cầu hòa với lãnh đạo CS Trung Quốc. Không ai biết nội dung thảo luận giữa các chóp bu VN và TQ thế nào, chỉ thấy rằng sau đó phía VN nhượng bộ TQ mọi điều về vấn đề biên giới.

« Vấn đề biên giới để càng lâu càng khó », một lãnh đạo CSVN có tuyên bố như vậy. Dĩ nhiên việc « khó » này đến từ đường lối ngoại giao thù nghịch một cách ngu xuẩn của VN đối với TQ trong một thời gian dài (75-91), chứ không phải khó vì VN không có lý lẽ.

Công trình nghiên cứu của bà Monique Chemillier-Gendreau, công bố qua tác phẩm La Souveraineté Sur Les Archipels Paracels et Spratleys, (NXB Harmattan, 1996), trở thành một cái phao cho lãnh đạo CSVN bám vào. Theo học giả này, công ước 1887 không nhằm phân định hải phận trong vịnh Bắc Việt. Thời đó người ta chỉ có khái niệm về lãnh hải 3 hải lý, sau đó mở ra 12 hải lý, chứ không hề có khái niệm nào khác như về vùng tiếp cận, vùng « kinh tế độc quyền »…. Ý kiến của học giả Monique Chemillier-Gendreau có nội dung như sau :

« Mục tiêu của Công Ước 1887 nhằm phân định biên giới giữa Trung Hoa và Tonkin, như tên của công ước, nó chỉ liên quan đến biên giới trên đất liền. Nếu những định nghĩa về một đường vạch ở trên biển đã được các công ước ngày xưa sử dụng, như là Công Ước Pháp Trung 1887 hay Công Ước Pháp Bồ (Portugal) 1886, thì những định nghĩa nầy chỉ có thể được đưa vào những cuộc thương lượng hiện thời để phân định lãnh hải như là những yếu tố hướng dẫn, chúng phải được xét lại tùy theo luật lệ về phân định lãnh hải hiện hành. Chiều rộng thông thường của lãnh hải là 3 hải lý. Ở một số quốc gia lãnh hải nầy lên tới 6 hải lý. Những khái niệm về vùng tiếp cận (zone contigue), vùng đánh cá, thềm lục địa... chỉ mới hiện hữu sau Thế chiến II. »

Ngoài ra, nhiều học giả quốc tế khác cũng có lập luận tương tự về « đường biên giới trong vịnh Bắc Việt ». Việc này giúp cho VN thay đổi lập trường về đường biên giới trong vịnh Bắc Việt một cách êm thắm.

Tuy vậy, việc này không làm cho ý kiến của các học giả đã ủng hộ VN về « một đường biên giới trong Vịnh Bắc Việt » là sai. Đâu phải người ta không biết các điều sơ đẳng về Luật Biển, mà vấn đề là tìm những lý lẽ nào có thể giúp một VN đang bị cô lập, có được một tư thế thoải mái khả dĩ « ra giá » được với TQ.

Vì thế, hết sức phiền khi TS Trần Công Trục tán dương ý kiến về đường biên giới trong vịnh Bắc Việt của ông Dương Danh Huy trong bài viết đề cập ở trên. Thực ra ông Dương Danh Huy không có ý kiến nào cả. Ý kiến này là của nhiều học giả, bà Monique Chemillier-Gendreau là một, như vừa dẫn, có từ thập niên 90. Nhưng việc khen ngợi « áo thụng vái nhau » như thế, không chỉ lố bịch, TS Trần Công Trục đã xâm phạm đến danh dự của những học giả ân nhân của VN. Những học giả bênh vực lập trường của VN là bênh vực cho quyền lợi của VN, họ là ân nhân của đất nước và dân tộc VN. Quí vị có thể làm mọi cách để bào chữa, che đậy việc nhượng đất, nhượng biển cho TQ của lãnh đạo CSVN. Quí vị có thể có công với đảng CSVN nhưng việc này không tương đồng với quyền lợi của đất nước và dân tộc VN.

Trở lại trích dẫn ý kiến của bà Monique Chemillier-Gendreau, điều cần chú ý là yếu tố « hướng dẫn » của đường kinh tuyến đông Paris 105°45’ cho các cuộc thuơng lượng hiện thời.

Yếu tố này đồng thời bị bác bỏ với « đường biên giới do lịch sử để lại » trong vịnh Bắc Việt.
Điều càng làm cho người ta phẫn nộ những người đứng ra đàm phán là việc phân định vịnh Bắc Việt tháng 12 năm 2000 không hề dựa theo một qui tắc nào về phân định biển của Luật Quốc tế về Biển.
Theo TS Trần Công Trục thì vịnh Bắc Việt « đã được phân định phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, hợp tình hợp lý vì nó đảm bảo được sự công bằng mà hai bên chấp nhận được. »

Không có một điều nào đúng sự thật.

Trong vịnh Bắc Việt, phía VN có các đảo Bạch Long Vĩ (ở khoảng gần giữa vịnh) và đảo Cồn Cỏ (gần bờ biển VN). Đảo Hải Nam cũng là một đảo.

Theo điều 121 của Luật quốc tế về Biển 1982, đảo lớn hay nhỏ chỉ là một điều rất phụ. Nếu các đảo có khả năng cho con người sinh sống hoặc có một nền kinh tế riêng, chúng đều có hiệu lực như nhau. Điều cần chú ý khác, tình trạng địa lý gần bờ hay xa bờ của các đảo áp dụng điều 121 như nhau.

Các đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cồn Cỏ của VN đều hội đủ các điều kiện về « đảo » của Luật Biển, như là đảo Hải Nam.

Theo TS Trần Công Trục, « Đảo Cồn Cỏ được 50% hiệu lực, đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực ».

Đây là điều không công bằng. TQ dành đảo Điếu Ngư với Nhật, vừa rồi công bố hồ sơ thềm lục địa của nước này lên LHQ. Theo đó ta thấy nước này lấy đảo Điếu Ngư làm điểm cơ bản để tính lãnh hải, thềm lục địa và ZEE. TS Trục cũng có nói trong bài về việc phân định vịnh Maine giữa Canada và Mỹ. TS Trục lại quên nói đến đảo Seal trong vịnh này, diện tích chưa tới 1km² được hai bên nhìn nhận có hiệu lực 50%. Còn các đảo ngoài cửa vũng Fundy, có hiệu lực 100%, đường biên giới đi theo đường trung tuyến đảo này và bờ biển.

Theo ông Vũ Hữu San, cận bờ biển VN trong vịnh Bắc Việt có đến 3.000 đảo lớn nhỏ. Điều kỳ dị là các đảo này không hề được tính hiệu lực. Nội dung hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 không hề nhắc đến các đảo này. Trong khi các đảo cận bờ của TQ thì được tính 100% hiệu lực (các đảo Vị Châu, Tà Dương...)

Hơn nữa, hiệu lực 25% hay 50% của hai đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ thì không kiểm chứng được trên bản đồ.

Một số điểm bất thường khác trong việc phân định thấy được như sau :

Giới điểm số 10, lý ra phải cách đều giữa đảo Bạch Long Vĩ và đảo Tà Dương của TQ, lại lấn sang VN.

Giới điểm 11, cách đều hai bờ VN (tính từ đảo cận bờ) và đảo Hải Nam. Tức là giới điểm này được phân định theo trung tuyến, đúng như qui định của Luật Biển. Nhưng lại bỏ qua sự hiện diện của đảo Bạch Long Vĩ. Hiệu lực 25% của đảo này đi đâu ?

Giới điểm số 12, không được xác định theo nguyên tắc trung tuyến, vì nó lấn sang phía VN một cách không bình thường. Giới điểm này cũng không tính hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ.

Theo TS Trần Công Trục, đó là « đường trung tuyến có điều chỉnh ». Vấn đề là vì sao phải điều chỉnh ?

Các giới điểm số 13, 14, 15, 16, 17 lấn sang VN một cách không bình thường. Các điểm 14, 15, 16 lấn sang VN gần 35km, trong khi đó hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ thì không tính tới. Hướng đi của các giới điểm 13, 14, 15, 16 không phù hợp với hướng của hai bờ biển. Giới điểm 17 còn lấn sang VN nhiều hơn.

Các giới điểm này không hề được phân chia « theo đường trung tuyến » để mà có thể « điều chỉnh », nói như TS Trần Công Trục. Trước đây, ông Lê Công Phụng có trả lời phỏng vấn báo Văn Hóa của ông Lý Kiến Trúc (23-9-2008), cho biết. Phía TQ đề nghị nhượng VN 3.000km² biển ở một nơi để đổi lấy 150km² biển ở nơi khác.

Không thấy 3.000km² của TQ ở nơi nào, chỉ thấy VN mất chung quanh các giới điểm 13, 14, 15, 16, 17 trên 4.500km².

Việc phân chia rõ ràng không theo một nguyên tắc luật lệ nào mà là một sự dàn xếp về chính trị.
Vừa qua lãnh đạo CSVN ký kết một loạt các hiệp ước với TQ, trong đó có kết ước mở rộng thêm vùng khai thác chung trong vịnh Bắc Việt đồng thời trao đổi dữ kiện địa tầng holocenne ở bể trầm tích châu thổ sông Hồng với châu thổ sông Trường giang bên TQ. VN có gì cần thiết nghiên cứu địa tầng holocenne ở tận sông Trường giang ? Trong khi TQ rất muốn biết trữ lượng bể than vùng châu thổ sông Hồng để tìm cách khai thác.

Đây cũng là các kết ước mà lợi ích chỉ có một chiều, nặng tính chính trị, mà phía thiệt hại là nhân dân và đất nước Việt Nam.

Tóm lại, việc phân định biên giới trong vịnh Bắc Việt, phía VN thiệt thòi nhiều, không hề được đền bù khi chấp nhận những mất mát về lãnh thổ do đường biên giới lịch sử trên đất liền để lại.
Nguyên nhân do đâu ? Do lãnh đạo CSVN nhượng bộ để được TQ bảo đảm cho quyền lực, hay do thành phần phụ trách việc thương thuyết phân định biên giới thiếu bản lĩnh và kiến thức ? Dầu thế nào, việc làm mất đất mất biển của tổ tiên là một trọng tội, lịch sử sẽ ghi nhận.

3/ Hiệp ước Phân định biên giới trên bộ 1999 :

Hiệp định biên giới trên đất liền được hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký kết ngày 25-12-1999. Kết quả của nó, các bản đồ và vị trí các cột mốc được cắm, chỉ mới được công bố mới đây qua một thông tin không chính thức.

Thấy gì ?

Người ta thấy trước hết VN đã nhìn nhận “đường đường biên giới do lịch sử để lại”, tức chấp nhận những mất mát về lãnh thổ do việc Pháp nhượng cho Trung Hoa để được quyền lợi kinh tế.

TS Trần Công Trục mới đây có  trả lời phỏng vấn tên báo Giáo Dục về giá trị của các chứng từ pháp lý và lịch sử, nhân dịp phê bình bài viết về chủ quyền thác Bản Giốc của ông Mai Thái Lĩnh. Theo đó ta biết nhà nước CSVN đã nhìn nhận các công ước Pháp-Thanh 1887, 1895 về biên giới làm nền tảng cho việc phân định lại biên giới.

Như thế, nhà nước CSVN đã nhượng bộ lớn lao cho TQ. Nhìn nhận ở đây là nhìn nhận một đường biên giới bội ước, chứ không phải là đường biên giới qui ước – conventionnelle. Tức theo quốc tế công pháp, nó có thể không được công nhận. TS Trục nói trong bài phỏng vấn này, việc nhìn nhận đường biên giới lịch sử như là một “chiến thắng” của VN. Trong khi phía TQ đã thành công hủy bỏ các kết ước bất bình đẳng, hoạch định lại biên giới với 13 đối tượng khác.

Khi nhìn nhận đường biên giới bội ước do lịch sử để lại, cũng như trong vịnh Bắc Việt, VN bước vào việc phân định lại đường biên giới với TQ bằng một căn bản “bất bình đẳng”. Với căn bản “bất bình đẳng” này, VN có giữ được nguyên trạng đường biên giới hay không ?

Câu trả lời là không !

Bộ bản đồ đính kèm của HUBG 1999 mà nhà nước CSVN tìm cách dấu diếm từ bấy lâu nay vừa được công bố bằng một nguồn tin không chính thức. Kết quả sơ lược cho thấy VN bị mất đất rất nhiều nơi trên đường biên giới :

-      Bãi Tục Lãm.

-      Làng Trình Tường.

-      Núi Khấu Mai.

-      Giải Âm SơnLão Sơn.

-      Mất đất khu vực sông Bắc Vong.

-      Mất đất khu vực Nam Quan.

-      Mất đất khu vực ải Chí Mã.

-      Mất đất tại ải Nam Quan.


-      Thiệt hại tại thác Bản Giốc.

Kết quả trên đây chỉ là sơ lược. Nhà nước CSVN đã phân định biên giới từ năm 1999, đến năm 2013, tức gần 15 năm sau mới công bố bộ bản đồ đính kèm. Điều tệ hại là bộ bản đồ này lem nhem, mờ mờ ảo ảo, không dễ gì mà giải mã nó. Vì vậy, việc nghiên cứu và so sánh bộ bản đồ này với bộ bản đồ gốc (hiện đang tồn trữ tại Văn Khố hải ngoại Pháp) cần nhiều thời giờ hơn.

Bài phỏng vấn TS Trần Công Trục trên BBC chỉ bàn chung quanh địa danh gọi là núi Lão Sơn. Trong khi đó một vùng đất khác của VN (Giải Âm Sơn, xem bài viết theo link ở trên), diện tích lớn hơn nhiều lần, kề cận núi Lão Sơn nhưng không thấy ai đề cập tới. Theo TS Trần Công Trục, VN nhượng TQ một phần núi Lão Sơn vì TQ đã xây nghĩa trang trên đó. Việc nhượng bộ này, cũng theo ông Trục, « là nhân nhượng tự nguyên, thỏa đáng, hợp tình hợp lý. Bởi vì đây là nhân nhượng vừa mang tính nhân văn, nhân đạo, vừa phù hợp với nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận ».

Như vậy thì hành động cách đây vài năm, nhà nước CSVN cho xe ủi phá bỏ những di tích chiến đấu của quân lính VN trong cuộc chiến 1979, cào phá những mồ mả của những người lính đã chết để bảo vệ tổ quốc trong khu vực, là việc làm thế nào ? Là vô nhân đạo phải không ? Là táng tận lương tâm để cho người VN quên đi mọi dấu vết của cuộc chiến 1979 phải không ?.

Nhà văn Phạm Viết Đào, người đã công bố nhiều tài liệu về các cuộc chiến trong khu vực Lão Sơn. Ông bị bắt hơn 4 tháng nay, không ai biết tin tức. Ông Đào bị bắt vì lý do nào ? Vì đã nói sự thật về các cuộc chiến, làm cho phía Trung quốc bực mình, vừa làm cho chóp bu CSVN nhột nhạt phải không ? Bắt ông này là hành vi nhân đạo hay vô nhân đạo ?

Lời của TQ Trần Công Trục mang đầy tính đạo đức giả.

Ngoài Lão Sơn, toàn bài viết không nhắc đến một địa điểm cụ thể nào khác trên đường biên giới.
Riêng ông Dương Danh Huy thì đưa ra một số tin tức, ngoài vấn đề Lão Sơn :

« Một thí dụ là khu vực Núi Đất, mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn và đánh chiếm vào tháng 4 năm 1984. Vào tháng 7 năm 1984 Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch kéo dài nhiều năm, chiến đấu quyết liệt để giành lại những vùng bị Trung Quốc chiếm đóng. Với xương máu của rất nhiều người lính, Việt Nam đã giành lại được nhiều phần.

Trên bàn đàm phán, Việt Nam cũng đã giành lại được một số mỏm núi. Theo thông tin không chính thức từ phía Trung Quốc và phía Việt Nam thì có một mỏm có vẻ như cả hai bên không chối cãi là của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã xây nghĩa trang quân đội trên đó và họ chủ trương là khu vực nghĩa trang là bất khả xâm phạm. »

Không thấy TS Trần Công Trục nói rõ thêm để mọi người biết rõ các chi tiết mà ông Huy đưa ra.
Khu vực Lão Sơn (núi Đất ?) bao nhiêu lớn và được chia thành bao nhiêu vùng để mà “Quân đội Nhân dân Việt Nam... chiến đấu quyết liệt để giành lại những vùng bị Trung Quốc chiếm đóng ».

Những vùng bị TQ chiếm đóng này là những vùng nào ?

Lại còn : « Với xương máu của rất nhiều người lính, Việt Nam đã giành lại được nhiều phần ».
Giành lại nhiều phần là các phần nào ? và còn mất phần nào ? Bao nhiêu xương máu người lính đổ xuống ? kéo dài nhiều năm là bao lâu ? tài liệu nào nói vậy ?

« Trên bàn đàm phán, Việt Nam cũng đã giành lại được một số mỏm núi ». « Một số mõm núi » dành lại được là những núi nào ? Còn những mõm núi nào thì không dành lại được ?

Hỏi thì để hỏi, vì người đã viết những dòng đó chưa chắc đã biết được những vấn đề gì để trả lời !

Như để cho tiếng nói của các tác giả thêm sức thuyết phục, ông Dương Danh Huy (cùng một số nhân vật khác), đã công bố công trình so sánh bản đồ  với kết quả gây nhiều kinh ngạc.

Xét bản đồ tiêu biểu dưới đây :

Hình 3

Hình trên là bản đồ khu vực phía bắc tỉnh Hà Giang. Đường biên giới ở đây, theo công ước 1887, một phần đi theo các con sông. Theo văn bản của HUBG 1999, đường biên giới theo sông khu vực này không thay đổi. Nếu biết vẽ và so sánh bản đồ thì hai đường biên giới phải trùng nhau. Dầu vậy, bản đồ trên cho thấy đường biên giới mới (1999) vượt qua các con sông hàng chục km, đem lại cho VN hàng trăm km².

Chỉ có phép thần thông của Tề Thiên đại thánh, có khả năng dời sông đảo hải, mới có thể đem lại kết quả như vậy.

Khu vực trên bản đồ này cũng có địa danh tên gọi Lão Sơn. Núi này, theo ông Trần Công Trục, VN nhượng cho TQ.

Nếu đặt câu hỏi cho các học giả kia : núi Lão Sơn ở đâu trên bản đồ đó ? Tề thiên Đại thánh cũng không trả lời được, phải không ?.

Việc này chỉ có thể giải thích, như thói quen của một học giả, là do “sai số ngoại cảm” (sic) mà thôi.

Theo tôi, vấn đề biên giới, chủ quyền lãnh thổ, hải đảo... là vấn đề thiêng liêng đối với quốc gia, dân tộc. Người ta không thể dàn cảnh phỏng vấn theo lối « chuyền banh » trên sân nhà BBC để tâng bốc lẫn nhau. Sau đó còn công bố « công trình so sánh bản đồ » để đưa ra kết luận « VN không có nhượng bộ TQ về biên giới » để lập công với đảng CSVN

Quí vị có nhiều cách để làm hài lòng nhà cầm quyền CSVN. Nhưng cách làm này của quí vị là che đậy một sự thật, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và đất nước Việt Nam.

Với kết quả sơ lược ở trên, ta có thể kết luận rằng HUBG 1999 là nhằm để công nhận chủ quyền của TQ tại các địa điểm mà họ đã chiếm được năm 1999. Bài phỏng vấn trên BBC cũng như “công trình so sánh bản đồ” chỉ là “hỏa mù” nhằm che đậy sự thật nhượng đất, nhượng biển của lãnh đạo CSVN.


Lời kết ngoài đề : Điều cần nói thêm trong bài này, phải nhìn nhận rằng các học giả GS. Charles Fourniau, Pierre-Bernard Lafont, GS Philippe Langlet, Antoine Dauphin, GS Nguyễn Thế Anh, GS Quách Thanh Tâm..., qua các bài nghiên cứu, là những người mà chúng ta không thể quên ơn. Họ nghiên cứu với mục đích cho lợi ích của đất nước VN chứ không nhằm một lợi ích kinh tế, mục tiêu chính trị, hay một động lực phe đảng nào. Trong chiều hướng đó, ta cũng không thể không nhắc những học giả VN, cũng nghiên cứu vì quyền lợi của đất nước và dân tộc VN, nhưng vì lý do chính trị đã không được người dân biết tới rộng rãi, như quí học giả Lãng Hồ, Hà Mai Phương, Phạm Cao Dương, Từ Mai (Trần Huy Bích), Vũ Hữu San, Trần Gia Phụng, Vũ Ngự Chiêu, Mai Thái Lĩnh... và nhiều quí vị khác. Trong nhất thời không nhớ hết, xin thứ lỗi.)