mardi 17 décembre 2013

Những vấn đề Việt Nam trong năm 2013: Vấn đề "xây dựng niềm tin chiến lược"

II.  Về vấn đề xây dựng niềm tin chiến lược.

« Xây dựng niềm tin chiến lược » là nội dung bài diễn văn của TT Nguyễn Tấn Dũng đọc tại buổi khai mạc « Đối thoại Shangri-La 2013 », được tổ chức tại Singapour ngày 31 tháng 5 năm 2013. Báo chí trong, ngoài nước đã có nhiều bài phân tích, nhận định, phê bình nội dung bài diễn văn này, người viết không tiện nhắc lại. Đại khái TT Nguyễn Tấn Dũng cho rằng : « Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược… ». Theo TT Nguyễn Tấn Dũng, ba yếu tố nền tảng để  « xây dựng niềm tin chiến lược » là : 1/ hòa bình, 2/ tuân thủ luật pháp quốc tế và trách nhiệm của các quốc gia và 3/ ASEAN đoàn kết và có vai trò trung tâm (trong các hợp tác đa phương).

Sáu tháng đã trôi qua. Biến chuyển trong khu vực có chiều hướng thay đổi không theo mong muốn của TT Nguyễn Tấn Dũng. Các động thái từ phía Trung Quốc, đối với Biển Đông và biển Hoa Đông, cho thấy nước này không chỉ bất chấp luật pháp quốc tế, mà còn coi nhẹ trách nhiệm quốc gia trước những vấn đề an ninh hàng hải, hàng không dân sự như qui định của các công ước quốc tế. Các động thái của TQ tại Hoa Đông, nhất là tại biển Đông, đe dọa hòa bình cả khu vực.

Nếu xét lại một số thực tế lịch sử quan hệ quốc tế, các yếu tố « nền tảng » mà TT Dũng đặt lên đó làm căn bản lý luận, có thể không thuyết phục. Các yếu tố « hòa bình », « tuân thủ luật pháp quốc tế », « trách nhiệm của các quốc gia » chưa bao giờ được sử dụng để xây dựng « niềm tin chiến lược » trong quan hệ quốc tế. Trên thực tế chỉ có « quyền lợi » về kinh tế, về chính trị hay về an ninh mới tạo được nối kết chiến lược giữa các quốc gia.

Thông điệp « xây dựng niềm tin chiến lược » trong bài diễn văn của TT Nguyễn Tấn Dũng không dễ giải mã.

VN muốn xây dựng « niềm tin chiến lược » với ai, vì mục đích gì ? để tiến đến « quan hệ chiến lược » với nước nào ?

Vài thí dụ dưới đây cho ta hiểu các phương cách « xây dựng niềm tin chiến lược ». Ta cũng sẽ thấy từ « niềm tin chiến lược » đi đến quan hệ « chiến lược » là xa thăm thẳm.

1/ Quan hệ Mỹ-Nhật sau Thế chiến II : Sau khi Nhật đầu hàng tháng 8-1945, Mỹ đã xây dựng niềm tin chiến lược đối với Nhật như thế nào để dân chúng nước này không nghiêng về phía Nga ? Bởi vì trên thực tế, lực lượng Mỹ có mặt tại Nhật như là là một lực lượng bảo hộ (thực dân) và một phần lãnh thổ của Nhật phải cắt cho Mỹ.

Thật vậy, sau khi Nhật đầu hàng tháng 8 năm 1945, một vùng lãnh thổ của Nhật là quần đảo Lưu Cầu được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ. Việc này do nội dung của Nghị quyết năm 1947 của Liên Hiệp Quốc : nếu Hoa Kỳ xét thấy vùng đất nào (của Nhật hay của Nhật từ bỏ) có quan trọng về chiến lược, thì được phép quản lý. Quần đảo Nansei (Nam Tây) được xếp vào trong trường hợp này. Nghị quyết ONU 1947 được khẳng định qua điều 3 của Hòa Ước San Francisco 1951 (ký kết giữa Nhật và các nước có tuyên bố chiến tranh với Nhật). Theo đó quần đảo Nansei (Nam Tây), bắt đầu từ phía nam vĩ tuyến 29, thuộc quyền quản lý của Hoa Kỳ. Tức toàn bộ quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu), bao gồm luôn các đảo Senkaku (Điếu Ngư). Vùng lãnh thổ này thường được các nước gọi dưới tên chung chung : quần đảo Okinawa.

Điều ghi nhận là mặc dầu được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ, nhưng phần lãnh thổ này Nhật vẫn giữ được chủ quyền trên pháp lý (souveraineté résiduelle). Dân chúng sống tại các đảo này vẫn giữ quốc tịch Nhật mà không có quốc tịch Hoa Kỳ.

Trong khi Hoa Kỳ « quản lý » vùng lãnh thổ các đảo Nam Tây và kiểm soát hầu như toàn bộ bộ máy quốc gia, thì mặt phía bắc, vùng lãnh thổ mà Nhật gọi là « Vùng lãnh thổ phía Bắc » gồm các đảo Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan (tức một phần quần đảo Kuriles), thì bị Nga xâm chiếm. Xem thêm bài viết tại đây.

(Vì lý do này, hai nước Nhật và Nga, đến hôm nay vẫn chưa ký « hiệp ước hòa bình ». Trên lý thuyết, hai nước Nga và Nhật hiện thời vẫn còn trong tình trạng chiến tranh).

Sự can thiệp của Hoa Kỳ vào nội tình nước Nhật rất sâu đậm. Hiến pháp dân chủ năm 1946, lấy hứng từ hiến pháp của Anh, là do Mac Arthur áp đặt cho dân Nhật. Trong đó có các điều khoản « khó nuốt » như :

« Dân tộc Nhật từ bỏ vĩnh viễn việc chiến tranh như là một quyền chủ quyền của quốc gia cũng như việc sử dụng vũ lực như là một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế ».

Tức HK xóa bỏ nền « quốc phòng » của Nhật. Trong chừng mực người ta có thể cho rằng Nhật là một « thuộc địa » của Hoa Kỳ. (Bởi vì, chỉ trong xứ bảo hộ mới không có quân đội riêng của quốc gia).
Hội nghị San Francisco 1951 được tổ chức trong khung cảnh chiến tranh Triều Tiên. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, Liên Xô và TQ đã ký kết hiệp ước Liên minh (14-2-1950). Hoa Kỳ cùng lúc đối đầu khối cộng sản trên hai mặt trận : Châu Âu (khối OTAN vs khối Varsovie) và Châu Á. Nhật (và Đài Loan) trở nên quan trọng đối với HK trong sách lược be bờ chống thế giới cộng sản.

Hoa Kỳ nhanh chóng ký kết với Nhật hiệp ước Hòa Bình năm 1951, đồng thời tuyên bố chấm dứt việc chiếm đóng Nhật. Quan hệ Nhật-Mỹ được nâng lên hàng « đồng minh ». Một Kết ước về « an ninh hỗ tương » cũng được hai bên ký vào năm 1951, có giá trị 10 năm. Tức cuối mỗi thập niên (60, 70, 80, 90, 10…) đều phải được ký lại.

Ở đây ta thấy Hoa Kỳ đã « xây dựng niềm tin » với dân chúng Nhật khi tuyên bố chấm dứt giai đoạn « quân quản », chiếm đóng Nhật. Điều cần nhắc là hai bên Mỹ-Nhật chỉ 6 năm trước là hai nước thù nghịch nhau, có tuyên bố chiến tranh. Cuộc chiến đã làm cho nước Mỹ thiệt hại nặng về nhân lực cũng như vật chất. Nhất là dân Mỹ không bao giờ quên trận đánh bom tại Trân Châu Cảng của không quân Nhật. Hoa Kỳ là bên chiến thắng, có đầy đủ lý do để chiếm đóng nước Nhật một cách lâu dài (như Liên Xô tại các vùng Đông Âu, Baltique, Trung Á…).

Quan hệ Nhật-Mỹ, từ kẻ thù bắn giết lẫn nhau, trở thành bè bạn đồng minh sống chết có nhau, chỉ trong 6 năm. Đó là do hai bên chia sẻ và ràng buộc lẫn nhau về quyền lợi kinh tế, chính trị (ý thức hệ tương đồng) và cách nhìn chiến lược về an ninh khu vực.

Nhưng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại các đảo Okinawa, trong thời chiến tranh lạnh, luôn là cái cớ để phía cộng sản quốc tế xách động. Có nhiều lúc, các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng ảnh hưởng đến tình hình an ninh nước Nhật cũng như đặt lại tính chính đáng của sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật.

Chính quyền Hoa Kỳ lấy một quyết định lớn lao, nhằm tạo « niềm tin chiến lược » mới trong chính giới và quần chúng Nhật. Tháng 12 năm 1969 Hoa Kỳ tuyên bố sẽ trả lại cho Nhật quần đảo Lưu Cầu năm 1972.

Nhờ đó quan hệ « đồng minh » giữa hai bên Nhật-Mỹ khắn khít hơn bao giờ. Trong khi Nga đến nay vẫn còn chiếm giữ vùng « Lãnh thổ phía Bắc » của Nhật.

Như thế, muốn tạo « niềm tin chiến lược » không phải là chuyện đầu môi chót lưỡi, mà là những hành động cụ thể.

Điều cũng nên nói, thời gian Hoa Kỳ can thiệp vào nội tình Nhật, vỏn vẹn có 6 năm, nhưng trong khoảng thời gian này tướng Mac Arthur được dân chúng Nhật xem như là một vị « cứu tinh », chấn chỉnh lại hành chánh và bộ máy kinh tế nước Nhật, chứ không phải là một lực lượng chiếm đóng.
Điều đáng nói khác nữa, là việc HK quyết định giữ chế độ Thiên Hoàng cũng như tính mạng của Hirohito, đi ngược lại ý kiến các nước đồng minh khác, cũng là một hành vi tạo « niềm tin chiến lược » đối với người Nhật.

Việc trả lại quần đảo Okinawa là một « niềm tin chiến lược » sâu sắc, trong lúc Hoa Kỳ có thể có các quyết định khác. Như số phận các nước « chư hầu » của Nga, một số nước bị sát nhập hẵn vào Liên Bang Sô Viết, một số bị kềm tỏa trong vòng ý thức hệ.

Điều này cho ta thấy những toan tính chiến lược của Hoa Kỳ, vừa sâu xa, vừa mang tính đạo đức và nhân bản. Quan hệ « chiến lược » là quan hệ hai bên cùng có lợi.  Hoa Kỳ cần Nhật, cũng như Nhật cần Hoa Kỳ. Hai bên cùng chia sẻ lợi ích kinh tế, tương đồng về ý thức hệ chính trị, có cùng mối lo về an ninh, chiến lược.

Về ý kiến « xây dựng niềm tin chiến lược » của TT Nguyễn Tấn Dũng, nếu đối tượng là Hoa Kỳ, trong quan hệ này bên nào cần bên nào ?

VN không hề có vai trò trung tâm trong chiến lược « xoay trục » sang Châu Á của Mỹ. Nền kinh tế VN quá nhỏ, không đáng kể, đối với các nước trong vùng. VN cũng không có tài nguyên « dồi dào ». Vị trí địa lý của VN cũng không quá quan trọng.

Mọi người VN nên hiểu rằng, nếu VN « quan trọng », người Mỹ đã có thái độ khác.

Trong khi VN cần Mỹ hơn bao giờ hết để « đối trọng » với sức ép của TQ, cũng như để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ.

Việt Nam hiện nay có thể làm gì để tạo « niềm tin chiến lược » đối với Hoa Kỳ ?

Chắc chắn không phải là « hòa bình », « tuân thủ luật pháp quốc tế », « trách nhiệm của các quốc gia »… như TT Dũng đã trình bày trong diễn văn.

Thử xét vài quan hệ « chiến lược » sau đây :

Quan hệ giữa Tây Âu và Mỹ trong thời chiến tranh lạnh là quan hệ chiến lược (đồng minh), trên căn bản quyền lợi kinh tế (hai bên cùng có lợi) và chính trị (ý thức hệ tương đồng). Tính « đồng minh » thể hiện qua chiếc dù an ninh hỗ tương OTAN.

Quan hệ giữa các xứ dầu hỏa Trung Đông và Mỹ là quan hệ chiến lược dựa trên quyền lợi kinh tế (đưa đến từ nguồn năng lượng chiến lược là dầu hỏa).

Quan hệ giữa Mỹ và Do Thái là quan hệ chiến lược (đồng minh), dựa trên vị trí địa lý quan trọng của Do Thái trong khu vực. Quan trọng vì nếu không có Do Thái, Hoa Kỳ khó có thể bảo vệ được quyền lợi của mình ở các xứ dầu hỏa Trung Đông.

Trong khi quan hệ chiến lược giữa các nước trong khối cộng sản ngày trước thường được nối kết do ý thức hệ chính trị tương đồng.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tuyên bố có quan hệ « chiến lược » với các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Nga… nhưng ý nghĩa của quan hệ này không hề mang ý nghĩa « chiến lược » như các thí dụ ở trên. Thực chất nó chỉ là bang giao bình thường giữa hai nước có trao đổi về kinh tế và văn hóa. Quan hệ giữa VN với TQ và Nga, gọi là « quan hệ chiến lược toàn diện ». Mức quan hệ này cũng không thể hiểu theo ý nghĩa « quan hệ chiến lược », được nối kết bằng một kết ước an ninh hỗ tương như cách nghĩ thông thường.

Như vậy, quan hệ giữa VN và Mỹ, ý thức hệ chính trị bất tương đồng, quyền lợi kinh tế không đáng kể, vị trí địa chiến lược VN không quan trọng đối với Mỹ.

Hai bên chỉ tương đồng ở điểm có chung đối thủ là TQ. (Cũng nên tương đối hóa, vì TQ đối với HK vẫn là đối tác kinh tế trọng tâm. TQ chỉ mới bị HK xếp vào hàng đối thủ « cạnh tranh chiến lược » mà thôi).

Do đó VN cần Mỹ hơn Mỹ cần VN.

Nếu đối tượng của VN là Mỹ, VN sẽ không có hành động nào có thể xây dựng "niềm tin chiến lược" đối với Hoa Kỳ. Ngoài việc: dân chủ hóa chế độ.

2/ Quan hệ Trung-Mỹ : Quan hệ chiến lược giai đoạn. Hoa Kỳ đã tạo “niềm tin chiến lược” nào để TQ ngả về phía Hoa Kỳ để chống lại Liên Xô ? Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình đã xây dựng « niềm tin chiến lược » nào đối với Mỹ như thế nào để nước này tận lực giúp vốn liếng và khoa học kỹ thuật để TQ hiện đại hóa đất nước ?

Quan hệ Trung-Mỹ từ khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa lập nước (1949) đến nay trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Lúc thì hai bên là địch thủ đối đầu « bất cộng đái thiên », lúc thì là đồng minh giai đoạn, lúc thì là đối tác kinh tế chiến lược, lúc lại trở thành đối thủ « cạnh tranh chiến lược ». Nói chung, quan hệ hai bên Trung-Mỹ là quan hệ giai đoạn. Lúc quyền lợi (kinh tế, an ninh) hai bên tương đồng, hai bên đi chung với nhau. Bằng không hai bên quay lưng lại chống nhau. Đó là điều dĩ nhiên vì hai bên bất đồng về ý thức hệ chính trị (cho dầu chiến tranh lạnh, tức chiến tranh ý thức hệ đã chấm dứt). Điểm chung của hai bên (để tiến đến quan hệ chiến lược giai đoạn) là đều xem Liên Xô là đối thủ (có chung quan điểm an ninh chiến lược). Còn không là quyền lợi kinh tế tương đồng.

Từ năm 1949 cho đến 1954, quan hệ Trung-Mỹ là quan hệ « bất cộng đái thiên ». TQ và LX ký kết hiệp ước an ninh hỗ tương, cùng đối đầu với HK trong chiến tranh Triều Tiên. Từ năm 1954 đến năm 1965, TQ đảm nhận phần lớn trọng trách « chống Mỹ » ở Châu Á, thông qua chiến tranh VN. Mặc dầu trong khảng thời gian này quan hệ hai bên LX và TQ đã có nhiều sức mẻ quan trọng. Từ 1965 đến 1972, vai trò LX quan trọng hơn trong khu vực Châu Á vì nước này phụ trách phần lớn khí tài trong chiến tranh VN.

Quan hệ Mỹ-Trung lúc này bước vào khúc rẽ quan trọng. Phía HK nhận thức được vai trò của TQ, thấy rằng không thể thực hiện kế hoạch « Việt Nam hóa chiến tranh » nếu không có sự đồng thuận của TQ. Vì thế con đường « Việt Nam hóa chiến tranh » bắt buộc phải đi qua Bắc Kinh.

Sau các cuộc đi đêm và ngoại giao « bóng bàn », HK và TQ lập lại bang giao. TQ hứa để HK rút khỏi VN bình an. Đổi lại, HK nhìn nhận Bắc Kinh là đại diện chính thức của TQ tại LHQ, thay nhà nước Quốc Dân đảng ở Đài Bắc. HK cũng hứa giúp TQ phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Ở đây Hoa Kỳ tạo « niềm tin chiến lược » đối với TQ qua việc « hy sinh » đồng minh Đài Loan, nhìn nhận chính quyền Bắc Kinh là đại diện chính thống và duy nhất TQ. HK rút khỏi VN, rảnh tay thi hành các kế hoạch « tài giảm vũ khí chiến lược » và củng cố hậu phương nhằm giảm đối phó với sự bành trướng của Liên Xô ở khắp các châu lục.

Từ năm 1972 đến 1979, có thể nói quan hệ Mỹ-Trung « ấm » lên. TQ không tham dự vào các kế hoạch (xuất khẩu cách mạng) khuynh đảo ở các nước đồng minh của Mỹ.

Năm 1979 là khúc quanh quan trọng khác trong quan hệ Trung-Mỹ. Do nhu cầu hiện đại hóa đất nước, Đặng Tiểu Bình nhận thức rằng nếu không có sự đồng thuận của Mỹ, TQ sẽ không bao giờ thực hiện được việc này. Họ Đặng xây dựng « niềm tin chiến lược » với Mỹ bằng cách « cho VN một bài học ». Hành động chiến tranh này là một khẳng định của TQ đối với liên minh Việt-Sô, là một bằng chứng cho Mỹ thấy từ nay TQ đứng hẵn về phía Mỹ.

Đặng Tiểu Bình thành công. Từ 1979 cho đến ít nhất đầu thập niên 90, quan hệ Trung-Mỹ hầu như là quan hệ đồng minh. Nhờ quan hệ này mà kinh tế TQ được vực dậy, đến hôm nay đứng hàng thứ hai thế giới, đồng thời là « chủ nợ » của HK. Nên nhắc lại, TQ chiếm các đảo TS của VN dưới sự « ngó lơ » của HK. Trong lúc các công ty khai thác dầu của HK được phép TQ khai thác trên thềm lục địa của VN (vùng bãi Tư Chính, tức Vạn An Bắc theo TQ) dưới sự đồng thuận ám thị của chính quyền HK.

Đó là sơ lược về quan hệ « chiến lược giai đoạn » giữa hai bên Trung và Mỹ. Việc « xây dựng niềm tin chiến lược » không hề là đầu môi chót lưỡi mà là những hy sinh lớn lao.

Phải chăng TT Nguyễn Tấn Dũng muốn lặp lại bài học về quan hệ giữa hai bên Trung-Mỹ để đi tìm một đồng minh chiến lược giai đoạn ?

VN có thể làm được điều gì để tạo dựng niềm tin ?

Không có gì, ngoài thay đổi chế độ chính trị để có ý thức hệ tương đồng.

3/ Quan hệ chiến lược bên lề : trường hợp Đài Loan.

Có thể xem lại bài viết ở đây.

Sau khi bị HK bỏ rơi, Đài Loan bị mất ghế đại diện tại LHQ. Mối lo ngại bị Lục địa « thống nhất đất nước » ám ảnh chính giới Dân Quốc. Việc này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào mà HK sẽ không can thiệp. Kiều dân Hoa sinh sống tại HK, rất đông đảo và giàu có, tụ họp với nhau lại bàn bạc tìm phương cách cứu vãn tình thế. Những người này làm « lobby » trong chính giới HK. Nhờ đó Thuợng viện HK thông qua một dự luật gọi là « Taiwan Relations Act », trong đó cho phép HK bán vũ khí sát thuơng để đảo quốc này có thể tự vệ.

Nhưng việc này không phải không có điều kiện. Chính quyền Dân quốc (Quốc dân đảng) phải hy sinh quyền lợi, dân chủ hóa chế độ, để tạo « niềm tin chiến lược » đối với HK.

VN hôm nay cũng muốn mua vũ khí sát thuơng của HK để tự vệ trước những gây hấn của TQ nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Nhưng VN có thể làm gì để HK chấp nhận việc này ?

Ta thấy, quan hệ Đài Loan và HK, nếu đảo quốc này trở về lục địa, eo biển Đài Loan sẽ trở thành « nội hải » của TQ. Đường thông thuơng từ Biển Đông lên Nhật, Đài Hàn bị cắt đứt. TQ có đường thông ra « biển lớn ». Chiến lũy be bờ của HK bị sụp đổ. Như thế Đài Loan có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với HK.

VN có gì đem lại lợi ích cho HK, như là Đài Loan ?

Không có gì cả !

Nhưng dầu vậy, HK vẫn thích một VN tương đồng về chính trị, chống TQ, hơn là một VN ngả về TQ.
Do đó VN có thể tạo dựng « niềm tin chiến lược » với HK bằng phương cách mà Đài Loan đã làm : dân chủ hóa chế độ.

Ngoài ra không thấy phương cách nào khác.


Hay là thông điệp của TT Nguễn Tấn Dũng có hàm ý gì khác mà tác giả không giải mã được ?

lundi 16 décembre 2013

Những vấn đề Việt Nam trong năm 2013: Vấn đề góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013.


Những vấn đề nổi cộm của Việt Nam, hay của khu vực có quan hệ đến Việt Nam, đáng nhắc trong năm 2013 gồm các vấn đề sau :

1/ Vấn đề góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013.

2/ Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam qua Đối thoại Sangri-La 31-5-2013 : vấn đề xây dựng niềm tin chiến lược.

3/ Vấn đề sở hữu đất đai qua vụ án Đoàn Văn Vươn 1-1-2013.

3/ Tranh chấp đá Scarborough : Ngày 22-1-2013 Philippine kiện Trung quốc ra Tòa Trọng tài theo qui định phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật biển 1982.

4/ Vùng nhận diện phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ) của Trung Quốc 23-11-2013. Giải pháp Cộng đồng Nhật-Trung chủ quyền (condominium) tại quần đảo Điếu ngư ? Là bước nối tiếp của hộ chiếu có in hình chữ U, của Luật cấm đánh cá ở Biển Đông…

5/ Tổng hợp các vấn đề về kinh tế và giáo dục.

6/ Mandela và Võ Nguyên Giáp. Vì sao nền văn minh Khổng giáo, chiếm 1/5 dân số thế giới, lại không đào tạo được một « vĩ nhân » ?

7/ Vấn đề lãnh thổ và hải phận Vịnh Bắc Việt qua hai hiệp ước biên giới 25-12-1999 và 30-12-2000 (nhân ngày tròn 15 và 14 năm).



1/ Vấn đề sửa đổi Hiến pháp.

Phong trào góp ý sửa đổi Hiến Pháp đã dấy lên những sôi nổi trong thời gian qua. Biết bao nhiêu công sức, thì giờ, trí tuệ của nhiều tầng lớp dân dã và trí thức đã đầu tư vào công cuộc góp ý này. Thiện chí và tâm huyết thì có thừa.  Vấn đề là ở VN người ta không cần thiện chí (và tâm huyết), mà người ta chỉ cần một hình thức sôi nổi bàn luận cho ra vẻ dân chủ. Từ đầu tôi đã cho rằng những đóng góp này chỉ là vô ích. Và sự việc đã xảy ra đúng như vậy. Việc « góp ý » là một sự phung phí thì giờ và trí tuệ vô cùng lớn.

Từ khi lập nước, từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cho đến Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN hôm nay, các bản Hiến pháp của VN chưa bao giờ được thể hiện như một bộ « luật mẹ », tức một bộ luật « cơ bản » làm nền cho những bộ luật khác của quốc gia. Các bản Hiến pháp của nhà nước này chỉ luôn phản ảnh « cương lĩnh xây dựng đất nước » của đảng CS trong một thời kỳ nào đó. Nội dung Hiến Pháp 2013  là nội dung « cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN » năm 2011 của đảng CSVN. (Cũng như « cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN » năm 1991 là nền tảng của Hiến pháp 1992. Ta cũng sẽ tìm thấy tương tự ở các bản Hiến pháp 1982, 1959…)

Hiến pháp của VN như thế chỉ là một « chương trình hành động », một « dự án » của một nhóm người, chứ không phải là một « giao kèo », một « khế ước »… đã được sự đồng thuận của đa số người dân trong nước về quyền công dân và các thể thức phân định quyền hành nhà nước, như đã thấy ở những đất nước « bình thường » khác. 

Một « chương trình hành động », một dự án… dầu to lớn đến mấy, thì cũng chỉ mang tính cách riêng tư, tạm thời, chứ không mang tính phổ quát và vĩnh cữu như bộ « luật nền tảng » đòi hỏi.

Nếu đóng góp trí tuệ để góp ý sửa đổi « hiến pháp » (mà tự nó chỉ là « cẩm nang » ghi rõ những điều đảng viên lãnh đạo cần phải thực hiện trong thời gian tới) trước hết là nhìn nhận không điều kiện vai trò lãnh đạo đất nước của đảng CSVN. Thảo luận, góp ý chung quanh những điều (nhỏ nhặt) ghi trong « hiến pháp », là thảo luận các đảng viên CSVN sẽ thực hiện « dự án » đó như thế nào ?

Việc góp ý sửa đổi hiến pháp như vậy chỉ nói về « phần ngọn » chứ không nói về phần gốc. Vấn đề của mọi vấn đề là « quyền lực nhà nước » được phân bổ như thế nào và các « quyền công dân » được xác định ra sao.

Góp ý như vậy thì góp làm chi cho mất thì giờ ?

Một số điều cần phải nói là VN hiện nay là một chế độ tân phong kiến, con vua thì lại làm vua.
Sự khác biệt giữa thể chế « cộng hòa » và « quân chủ » là chủ quyền lãnh thổ thuộc về ai ? Chủ quyền lãnh thổ thuộc về toàn dân là chế độ cộng hòa. Lãnh thổ thuộc sở hữu của vị chủ tể (vua) là chế độ phong kiến quân quyền.

Hiến pháp của VN không qui định một cách trắng trợn chủ quyền lãnh thổ thuộc về đảng, nhưng thực chất là chỉ có đảng mới có quyền ban bố cho người (hay tổ chức, tập đoàn kinh tế) nào đó có quyền sử dụng đất. Cũng như vua chúa ngày xưa ở các xứ Châu Âu, đất đai đều thuộc về họ. Chế độ này kiểm soát người dân, và người dân phải trung thành với họ, vì họ ban bố ân sủng cho phép sử dụng đất để canh tác. Ở Việt Nam, chủ quyền đất đai thuộc về toàn dân nhưng nhà nước có thẩm quyền tối cao ban bố cho ai đó quyền sử dụng đất đai. Mà nhà nước là ai nếu không phải là đảng ? Như vậy chế độ hiện nay không phải là « phong kiến » thì là gì ? Mà chế độ này còn tệ hơn xã hội phong kiến VN ngày xưa. Chế độ phong kiến VN ngày xưa nhìn nhận sở hữu đất đai của người dân (tư điền). Các phần đất gọi là « hương hỏa » (lợi tức dùng vào việc nhang đèn thờ cúng tổ tiên) hay « bản bức tư điền » (tức đất hoang tự khai khẩn) thì không được truất hữu. Nhà nước CSVN hôm nay có thể truất quyền sử dụng đất của bất kỳ người dân nào, bất kỳ ở đâu và lúc nào. Tức là chế độ này còn khắc khe hơn so với chế độ phong kiến ngày xưa.

Điều cần thiết khác cần phải nói là ý nghĩa ngôn từ của « hệ thống chính trị ».

Người ta hay nói về « nhà nước », về « dân chủ » để tranh luận với các lý thuyến gia CSVN. Điều này sẽ hoài công nếu ta không nói cùng một « ngôn ngữ » với họ.

Nói « ngôn ngữ » không phải là điều phóng đại.

Thử đưa một thí dụ, hai hệ thống số « thập phân – décimal » và « thập lục phân – hexadécimal », để so sánh với hai hệ thống chính trị « dân chủ tự do » và « dân chủ mác xít ».

Trong hệ thống thập phân, ta có 9+9=18 nhưng trong hệ thập lục phân 9+9=12. Thí dụ khác, thập phân 10+10=20 ; thập lục phân A+A=14, trong đó A tương ứng với 10.

Như thế, khi ta nói về « dân chủ », điều cần thiết là phải biết dân chủ đó thuộc hệ thống chính trị nào. Nếu không phân biệt, cãi nhau đến chết cũng không đi đến đâu.

Tương tự khi ta nói đến “nhà nước”.

Engel nói : « nhà nước chỉ mà một nhóm người có vũ trang. »

Mác quan niệm : « nhà nước là một cơ quan đặc biệt được sinh ra trong một thời gian nhất định của lịch sử phát triển nhân loại và sẽ bị đào thải trong quá trình phát triển này. Nó được khai sinh do sự phân chia giai cấp trong xã hội và sẽ biến mất trong sự phân chia này. Nó được khai sinh như là một công cụ của giai cấp nhằm duy trì sự thống trị xã hội của giai cấp và nó sẽ mất đi cùng với giai cấp đó. » Mục đích cuối cùng của chủ nghĩa CS là thủ tiêu mọi hình thức « nhà nước ».

Nhà nước này hoàn toàn khác với “nhà nước” ở các quốc gia “bình thường” khác trên thế giới, phải không ?


Vì thế, Hiến pháp này không thể sửa mà phải thay thế.  

mercredi 11 décembre 2013

Nhân việc sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị đuổi học.

Chủ nghĩa « phân biệt chủng tộc – apartheid »  ở Nam Phi áp dụng trên thực tế xem ra không khác nhiều với chính sách phân biệt thành phần chính trị, tức « chủ nghĩa lý lịch », được áp dụng tại VN từ 1954 cho đến nay.

Apartheid -  bắt nguồn từ chữ « à part », có nghĩa là « riêng ra, riêng biệt ». Nền chính trị « apartheid » chủ vào việc phát triển từng phần dựa trên yếu tố dân tộc. Nếu ta thay đổi yếu tố « chủng tộc » bằng yếu tố « giai cấp » hay « lý lịch », nguồn gốc chính trị, VN quả nhiên là một nước áp dụng chế độ « lý lịch », phân biệt con người theo tiêu chuẩn nguồn gốc chính trị.

Nếu ở Nam Phi, một nhúm nhỏ dân da trắng nắm toàn quyền về kinh tế và chính trị,  ở VN, một nhúm nhỏ người, chưa tới 4 triệu, cũng nắm toàn bộ không chia sẻ bộ máy quyền lực quốc gia cũng như mạng lưới kinh tế. Mọi tư tưởng « khác », ý kiến khác… đều bị trù dập không nương tay.

Để ý, miền Nam sau 1975, không được đầu tư đúng mức về kinh tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng cơ sở… như ở miền Bắc. Mặc dầu miền Nam cung ứng trên 70% ngân sách quốc gia. (Trên 30% ngân sách quốc gia là dầu khí lấy từ các mỏ miền Nam. Hàng năm kiều hối trên 10 tỉ đô la cũng do dân miền Nam gởi về. Ngoài ra vựa lúa miền Nam vẫn là xương sống kinh tế cho cả nước…). Trong chừng mực, nó thể hiện sự trả thù tập thể, xét « lý lịch » tập thể.  

Chính sách giáo dục ở VN và Nam Phi (trong thời kỳ apartheid) cũng có cùng mục đích : ưu tiên đào tạo hạt giống được « tuyển chọn » để lớp người này trở thành « công chức » nắm mọi guồng máy của chế độ. Thành phần còn lại, hoặc bị bỏ rơi bên lề, hoặc trở nên thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Điểm chung về giáo dục của hai chế độ này là sự bất bao dung đối với thành phần khác chính kiến. Trong khi ở các nước tiên tiến, mọi đứa trẻ đều có cơ hội như nhau trong học đường.

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên, cũng như hàng chục triệu tranh thiếu niên VN khác, là nạn nhân của chính sách « lý lịch ». Nhưng Nguyễn Phương Uyên lại là một nạn nhân tiêu biểu. Không ai biết đến những nạn nhân khác, vì hình thức « phân biệt » về chính trị cực kỳ tinh vi, không « sổ sàng » như phân biệt về « chủng tộc », cho đến chính nạn nhân cũng không biết mình là nạn nhân.

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên là nạn nhân của sự trả thù trực tiếp của những người lãnh đạo nhà trường, nơi mà sinh viên này đi học. Chỉ vì sinh viên này bày tỏ chính kiến khác với luồng tư tưởng chính trị chủ đạo.

Đạo đức của một người làm mô phạm là tạo mọi điều kiện để những đứa học trò thành công trong việc học. Mà mục tiêu của việc « dạy học » là nhằm đào tạo con người. Trong cái « học » có bao hàm chính trị. Dạy chính trị là dạy cho học trò có tư duy, có nhận thức về đời sống và tư tưởng chính trị chứ không phải bóp chết chính kiến của học trò. Dạy như thế thì bao giờ VN có được một nhà tư tưởng lớn để soi mặt với thế giới ?  

Một đưa học trò bị đuổi học, là một người « chưa thành người », sẽ là một gánh nặng, nếu không nói là một đe dọa cho xã hội. Dĩ nhiên nó cản trở cho sự tiến bộ, sự phát triển của đất nước. Tội của người có trách nhiệm về giáo dục vì vậy sẽ rất là lớn.

Nhưng nếu xét chi li trên từng mặt, những thanh niên nam nữ được « dạy dỗ » đầy đủ, thành công trong học đường, là do cố gắng của bản thân, do sự giúp đỡ hết mức của gia đình, của những thày cô có lương tâm dạy dỗ. Sự thành công trong học đường của họ không hề đến từ chính sách, từ guồng máy giáo dục và đào tạo của nhà nước.

Nhưng từ thành công trong học đường đến thành công trong xã hội là một hố sâu thăm thẳm.

Có bao nhiêu người tốt nghiệp đại học tìm được việc làm tương xứng ? Không thấy có thống kê nào làm việc này. Con số thực tế chắc là chẳng bao nhiêu. Sự phát triển kinh tế của VN cho thấy việc đó. Những người có được việc làm, nếu không « bôi trơn », thì là thành phần con ông cháu cha, thành phần « lý lịch » trong sáng. Những công việc này phần lớn là « công chức », cán bộ trong các cơ quan nhà nước hay trong các xí nghiệp quốc doanh, chứ không phải là việc làm phù hợp với kết quả sự học. Các xí nghiệp có vốn nước ngoài, chuyên gia phần lớn được đem đến từ các nước khác.

Mô thức phát triển quốc gia thể hiện qua việc giáo dục. VN phát triển theo mô thức nào ?

Theo Ấn Độ ? Sinh viên nước này luôn được thế giới đánh giá cao. Khi tốt nghiệp, một số được các xí nghiệp nước ngoài tuyển chọn. Kinh tế Ấn Độ phát triển xem ra bền vững hơn nhiều nước đang mở mang khác, vì sự giáo dục cung ứng đủ nhân sự cho các mặt về khoa học, kỹ nghệ, thuơng mại… làm đầu tàu phát triển đất nước.

Hay theo Phi ? Người ta ca ngợi đức tính chịu khó công nhân Phi qua các công việc phục vụ khách sạn, công nhân phục dịch trên các tàu thủy, làm con ở v.v… Số kiều hối của Phi còn lớn hơn VN. Nhưng Phi vẫn chật vật hàng trăm năm nay trên đường phát triển, mặc dầu đất nước tương đối hòa bình.

VN không theo mô hình nào. VN đào tạo con người theo mô hình XHCN. Nhưng ở các nước XHCN đích thực, người ta đào tạo “công chức” nhằm giải quyết công ăn việc làm. Nhưng nó là gánh nặng ngàn cân cho ngân sách quốc gia. Còn công chức VN là cán bộ đảng viên, đào tạo nhằm bảo vệ chế độ. Sinh viên VN ra trường, thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Các xí nghiệp lớn nước ngoài người ta không tuyển sinh viên VN mà tuyển sinh viên Ấn Độ. Các nước người ta lấy nhân công VN là vì nhân công này rẻ mạt và sẵn sàng làm những việc mà dân bản xứ ghê tởm, không làm.

Vì vậy sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị « đuổi học » cũng như chuyện « tái ông thất mã ». Nan truy họa phúc phải không ? Nếu ta nhận thức rằng chính trị VN không khác chính trị của Nam Phi thời apartheid. « Cái học ngày nay đã hỏng rồi ! ». Việc đuổi học sinh viên Nguyễn Phương Uyên chỉ làm nổi bật chủ nghĩa « trả thù » mà thôi. Chiến tranh đã qua bao nhiêu năm mà tư tưởng « địch-ta » vẫn chưa xóa được, thì làm sao mà tiến bộ ?.

Những người còn ưu tư đến tiền đồ đất nước, phải làm gì để thay đổi chế độ « phân biệt lý lịch » nhằm phát triển đồng bộ con người và đất nước Việt Nam ?

Hãy xem tấm gương Mendela : Phải « bao dung », phải « hòa giải » thường trực với tội ác. Phải thiết lập công lý cho mọi thành phần trong xã hội.

Nói thì dễ nhưng làm không dễ, nhất là một nước như VN, một nước âm hưởng nặng nề văn minh khổng giáo và giáo điều cộng sản.

Nền văn minh khổng giáo đề cao sự « trả thù ». « Quân tử ba năm báo thù không muộn ». Quân tử, con người mẫu mực trong xã hội khổng giáo, phải biết « trả thù ». Thử đọc các truyện kiếm hiệp Tàu, ta thấy hầu hết các nhân vật chánh cuối cùng học được võ công cao cường, để « báo thù » cho cha mẹ, cho sư phụ… Trả thù là mục tiêu cuối cùng. Trả thù trở thành « tiêu chuẩn », một giá trị của nền văn minh này.

Tương tự, chủ nghĩa cộng sản cũng đề cao những máu me, chém giết, tiêu diệt, như « tiêu diệt giai cấp », « thủ tiêu giai cấp »… Ai giết nhiều, làm đổ máu nhiều « giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ », là trở thành « anh hùng ».

Việt Nam tiếp nhận cùng lúc, một cách sâu sắc, hai luồng văn hóa này. Thù chồng chất lên oán thù. Máu xương chồng chất lên máu xương. Không một công trình quốc gia nào được bảo tồn, hay tiếp nối xây dựng, từ chế độ này chuyển qua chế độ khác. Đập phá là để « trả thù ». (VN chê « thằng » khờ-me là « mọi », nhưng xét lại thằng mọi này nó hơn VN 1000 lần. Đền đài của nó xây dựng từ đời này qua đời khác, liên tục trong 600 năm, mới có cái Ankor Vat hiện nay. VN đập phá hết, không có cái cóc khô gì !)

Các ngôn từ « bao dung », « hòa giải » chỉ nghe ở đâu môi chót lưỡi.

Làm sao có thể « hòa giải » và « bao dung » với kẻ đã gây tang tóc, đổ vỡ cho gia đình, cho đời sống của mình ?

Nhưng tấm gương sáng chói của Mandela đã cho ta thấy con đường.

Bao dung và hòa giải là một vấn đề chính trị chứ không phải là tôn giáo.

Lớp trẻ Việt Nam, những sinh viên như Nguyễn Phương Uyên, hãy thử dấn thân theo con đường của Mandela đã đi. Đông phương khổng giáo chưa đào tạo được một vĩ nhân nào của thế giới. Ta đã thấy Gandhi ở Ấn Độ, Mandela ở Châu phi... Chưa thấy người nào có tầm vóc ở vùng văn hóa chiếm 1/5 dân số nhân loại, trong đó có Việt Nam.


Hãy thử đi. Đó là con đường cứu nước.

dimanche 8 décembre 2013

Về tuyên bố « Vùng nhận diện phòng không trong Biển Hoa Đông » của Trung Quốc.

Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn, Úc và Cộng đồng Châu Âu lần lượt lên tiếng phản đối « Vùng nhận diện phòng không » (Air Defense Identification Zone - ADIZ) của Trung Quốc vừa công bố hôm 23-11-2013.

ADIZ Trung Quốc - nguồn Tân Hoa Xã

Bản đồ vùng « nhận diện phòng không » mà TQ vừa tuyên bố.

Tuyên bố của Trung Quốc mang hình thức một « tuyên bố đơn phương », liên quan đến nội dung của các điều ước cũng như tập quán quốc tế. Các công ước liên quan là Công ước Quốc tế về Hàng không Dân sự (còn gọi là công ước Chicago 1944) và Công ước về Luật Biển 1982.

Điều 1 của Công ước Chicago 1944 qui định vùng bầu trời phía trên lãnh thổ, lãnh hải và vùng tiếp cận lãnh hải của một quốc gia thì thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Tức là trong vòm trời đó, quốc gia có đầy đủ thẩm quyền quốc gia đối với người hay các phương tiện qua lại.

Theo tập quán quốc tế, có từ thời chiến tranh lạnh, các quốc gia ven biển có thể mở rộng vùng trời của nước mình, gọi là « vùng nhận diện phòng không ». Các nước Hoa Kỳ, Nhật, Pháp… đều có vùng nhận diện phòng không mở ra ít nhất là 200 hải lý. Mục tiêu của việc thiết lập vùng nhận diện phòng không là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Luật Biển 1982, quốc gia ven biển có các « quyền thuộc chủ quyền » về kinh tế trong vùng biển rộng đến 200 hải lý (tính từ đường cơ bản). Nhưng trên bầu trời thuộc vùng EEZ thì Quốc tế công pháp không có qui định nào xác định thẩm quyền (hay đặc quyền) cho quốc gia ven biển.

Việc thiết lập vùng « nhận diện phòng không » ngoài phạm vi lãnh thổ của các quốc gia, dầu không được qui định bởi một công ước quốc tế, nhưng được các nước ám thị chấp nhận và tôn trọng, lâu dài thông lệ trở thành « tập quán quốc tế », có giá trị bắt buộc như « luật ».

Vùng nhận diện phòng không của Trung quốc vừa mới tuyên bố thoạt tiên phù hợp với công pháp và tập quán quốc tế, nếu ta so sánh bản đồ vùng ADIZ của các nước đối với vùng ADIZ của TQ vừa công bố.

ADIZ USA-Canada

Hình trên: bản đồ vùng nhận diện phòng không của Hoa Kỳ và Canada.

Vùng chồng lấn ADIZ japan-china-korea

Hình trên: Chồng lấn vùng ADIZ giữa các nước trong khu vực.

Nhưng nội dung điều 3 của Tuyên bố đã đi ngược lại tinh thần Luật cũng như tập quán quốc tế :

« Third, aircraft flying in the East China Sea Air Defense Identification Zone should follow the instructions of the administrative organ of the East China Sea Air Defense Identification Zone or the unit authorized by the organ. China's armed forces will adopt defensive emergency measures to respond to aircraft that do not cooperate in the identification or refuse to follow the instructions.”

Tạm dịch : Thứ ba, phi cơ bay trong Vùng nhận diện phòng không Biển Hoa đông phải tuân theo những chỉ thị của cơ quan hữu trách. Lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp thích ứng đối với phi cơ không hợp tác hoặc từ chối tuân thủ các chỉ thị này.

Theo tập quán quốc tế, trường hợp vùng ADIZ của Hoa Kỳ, nước này cho phép các phi cơ dân sự đi qua vùng ADIZ của mình mà không cần thông báo, nếu chuyến bay không đi vào lãnh thổ nước này. Trong thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ cũng cho phép phi cơ quân sự của Liên Xô bay qua vùng ADIZ của Alaska mà không cần thông báo. Cần nhắc lại, bầu trời phía trên vùng kinh tế độc quyền (EEZ) của quốc gia không thuộc chủ quyền của quốc gia. Trong vùng biển EEZ, quốc gia chỉ được hưởng (độc quyền) một số quyền về kinh tế, chứ không có “chủ quyền” ở vùng không gian này. TQ đã đi ngược lại tập quán quốc tế khi áp đặt một điều “luật quốc gia”, chỉ có thể áp dụng trong lãnh thổ quốc gia, là “áp dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp”, lên trên một vùng không thuộc chủ quyền của TQ.

ADIZ Alaska

Hình trên: vùng nhận diện phòng không Alaska.

Việc “áp dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” cho các phi cơ bay qua vùng này (mà không vào lãnh thổ của TQ) không chỉ xâm phạm quyền tự do thông lưu trên bầu trời, theo qui định của Công ước Chicago 1944, mà còn đe dọa đến an ninh của hành khách trong phi cơ. Tuyên bố của TQ, vùng liên quan đến quần đảo Điếu Ngư, làm thay đổi “hiện trạng”, đi ngược lại nội dung của Hiến chương LHQ ở điều 1.1 và điều 2.3.

Sự phản đối của các nước Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn (kể cả Đài Loan) và Châu Âu vì vậy là hợp lý.

Sau khi ra tuyên bố, Trung Quốc có “bảo vệ” được vùng “nhận diện phòng không trong biển Hoa Đông” hay không là tùy thuộc thái độ của các cường quốc cũng như sự quyết tâm và khả năng quốc phòng của Trung quốc.

Vừa khi TQ Tuyên bố vùng ADIZ của họ, HK phái hai chiếc pháo đài bay B52 vào vùng này để “bắt mạch” thái độ của TQ. Theo đường bay của hai chiếc B52 trên bản đồ…, ta thấy hai chiếc pháo đài bay này quay về trước khi vào không phận của quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Điều này cho thấy lập trường của HQ chưa dứt khoát ở việc nhìn nhận chủ quyền của nước nào ở quần đảo này. Người ta chỉ biết rõ rệt, quyết tâm của TQ cũng như lập trường của HK về Điếu Ngư, nếu những phi cơ quân sự của HK bay vào không phận của quần đảo này.

ADIZ chine-japon-corée du sud

Hình trên : đường bay của hai chiến B52 (AFP).

Dầu vậy, Hoa Kỳ khuyến cáo các hãng hàng không của họ nên tuân thủ qui định về ADIZ của TQ để tránh rủi ro.
Trong khi phía Nhật cương quyết phủ nhận mọi tuyên bố của TQ.

Từ lâu, trên biển, hai bên Trung-Nhật đã có những tranh chấp về chồng lấn thềm lục địa, tranh chấp về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư. Tàu hải giám hai bên thường xuyên “vờn nhau” trong lãnh hải các đảo Điếu Ngư. Nhưng các cọ sát của hai bên vẫn còn giới hạn trong lãnh vực thuộc quyền của cảnh sát, tức ngoài thẩm quyền của quân đội. Nhưng vùng nhận diện phòng không tại quần đảo Điếu Ngư có thể đưa đến nhiều “rủi ro” khó lường, nếu cả hai bên quyết tâm gởi chiến đấu cơ lên để bảo vệ không phận các đảo Điếu Ngư, mà cả hai đều dành chủ quyền.

Khả năng quốc phòng của TQ, hải quân và không quân, có thể ép buộc các nước khác tuân thủ tuyên bố của họ, ngoài Hoa Kỳ và Nhật.

Ba nước HK, TQ và Nhật không chỉ là các cường quốc về quân sự, mà còn là ba đại cường kinh tế dẫn đầu thế giới. Quan hệ kinh tế giữa các bên quá lớn. Một sự đụng chạm quân sự xảy ra giữa hai bên Trung-Nhật, là trò chơi “zero sum game”, hai bên sẽ cùng khánh tận.

Tuyên bố của các lãnh đạo TQ, trước đây là Hồ Cẩm Đào, vừa qua là Tập Cận Bình, cho thấy quyết tâm của lãnh đạo CSTQ sẽ sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Câu hỏi là đã đến lúc hay chưa? Ngân sách quốc phòng của TQ trong năm tới sẽ lên đến là 180 tỉ đô. Tỉ số gia tăng ngân sách quốc phòng, từ hai thập niên, luôn ở khoảng 10%. Sẽ hợp lý để kết luận rằng Tuyên bố của TQ chỉ là một bước nối tiếp tiệm tiến, một logic về lãnh thổ trong sách lược “không gian sinh tồn” của TQ đã có từ rất lâu.

Vấn đề là TQ có khả năng ép buộc các nước tôn trọng tuyên bố của họ hay không ?

Nếu còn một ngoại lệ (như HK và Nhật), mà điều này có nhiều sác xuất xảy ra, TQ không chỉ sẽ mất thể diện trước quốc tế, mà đảng CSTQ sẽ mất đi tính chính thống để lãnh đạo đất nước (đây mới là điều quan trọng).

Những khó khăn nội tại của TQ hiện nay (hơn 80.000 cuộc biểu tình, phản đối trong năm qua), khởi từ sự bất mãn do chênh lệch quá lớn về giàu nghèo và bất công xã hội, hậu quả chính sách phát triển kinh tế “mèo trắng mèo đen” từ hơn ba thập niên, hay do mâu thuẩn chủng tộc, có thể tạo những khủng hoảng nhất thời. Đại hội đảng CSTQ vừa qua đã có cương lĩnh cải cách về kinh tế, xã hội… nhằm giải quyết khủng hoảng này trong lâu dài.

Sự bất mãn của người dân TQ sẽ bùng nổ lớn, lan rộng, mà đảng CSTQ khó giải quyết, nếu TQ bị mất thể diện trước quốc tế.

Cốt lõi vấn đề là “chủ quyền”. Nay thêm vào “thể diện quốc gia”. Cả hai đều là yếu huyệt của những dân tộc có truyền thống “dân tộc chủ nghĩa” lâu đời như Nhật, Trung Quốc.

Đường hướng giải quyết để tránh xung đột Trung-Nhật, như HK vừa khuyến cáo, các bên thiết lập đường dây nóng, để tránh rủi ro. Trong khi phía Nam Hàn cũng tuyên bố mở rộng vùng nhận diện phòng không của mình.

Việc thiết lập “đường dây nóng” sẽ không đủ. Hai bên đều là cường quốc về kinh tế và quân sự. Nhất là cả hai đều nghĩ rằng mình có khả năng chế ngự địch thủ. Trong khi HK còn có ràng buộc quốc phòng với Nhật. Câu hỏi đặt ra là HK (và các chính trị gia bồ câu trong chính trường Nhật) có sẵn sàng cho một cuộc chiến hay không ?

Chiến tranh là một cuộc phiêu lưu bất định. Trong khi khủng hoảng có thể giải tỏa khi mà chủ quyền các đảo Senkaku/Điếu Ngư được giải quyết. Vấn đề là giải quyết thế nào ?

Trong nhất thời, hai bên có thể thỏa thuận về một vùng “cấm bay” trong không phận các đảo Senkaku/Điếu Ngư, để tránh xung đột.

Giải pháp lâu dài, hoặc phải đưa ra trọng tài phân xử nước nào có chủ quyền tại các đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hoặc hai bên cùng nhượng bộ, chấp nhận giải pháp “cộng đồng chủ quyền - condominium” ở các đảo tranh chấp. Việc này sẽ thúc đẩy việc phân định biên giới trên biển cũng như ranh giới thềm lục địa giữa các bên.

Nút chặn từ nhiều thập niên nay cho việc đàm phán hai bên Nhật-Trung về biên giới trên biển là chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Về khu vực Biển Đông, TQ có thể tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” hay không ?

Trong khu vực Biển Đông, từ năm 2008 đến nay phía TQ đã đơn phương ra các bộ Luật, những tuyên bố cũng như biện pháp về Biển Đông, áp đặt các quốc gia trong vùng tuân thủ các quyết định của họ. Như Luật của tỉnh Hải Nam về an ninh và biên giới (cho phép tàu hải giám của tỉnh này khám xét các tàu bè các nước trong khu vực biển của các nước khác (VN và Phi), Luật bảo vệ hải đảo (trong đó có các đảo HS và TS của VN), Luật cấm đánh cá (trong vùng biển của VN và Phi)... Đồng thời họ cho tàu hải giám quấy nhiễu tàu bè nghiên cứu khoa học của VN (vụ cắt cáp tàu Bình Minh II) đang hoạt động ở cách xa Hải Nam hàng ngàn cây số, cho đấu thầu khai thác thềm lục địa ở các khu vực chỉ cách bờ biển VN hơn 100 hải lý, cho tàu hải giám phong tỏa và chiếm bãi Scarborough, cho tàu hải giám phong tỏa bãi Cỏ Rong…

Đây là các động thái gây hấn, có thể gây chiến tranh (nếu VN và Phi có một sức mạnh ngang hàng), vì xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của nước khác.

Các động thái này đều nằm trong khả năng của hải quân (và hải giám) Trung Quốc. Bằng sức mạnh quân sự, TQ áp đặt VN và Phi tuân thủ luật lệ của họ.

Nhưng việc tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” bao trùm lên toàn biển Đông (theo bản đồ hình chữ U), đối với TQ hiện nay, là điều bất khả thi. TQ vừa không có khả năng phát hiện, vừa không có khả năng ngăn chặn các phi cơ đi vào khu vực biển Trường Sa. Hiện nay, TQ không có các dàn ra đa trải rộng để kiểm soát không phận toàn vùng biển theo bản đồ chữ U. Trong khi phi cơ ở các căn cứ không quân đóng tại Hải Nam hay Quảng Đông, chỉ có khả năng phòng vệ đến đá Chữ Thập hay bãi Scarborough mà thôi.Đội tàu chiến cùng chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hiện nay có chuyến du hành xuống Biển Đông, nhưng việc chuyển dịch này mang tính nhất thời, không bảo đảm sự hiện diện thường trực của không quân TQ, như là hạm đội của Hoa Kỳ.

TQ sẽ không dại dột tuyên bố điều gì đó trước quốc tế mà không đảm trách được. Trường hợp của Điếu Ngư, nếu phi cơ của Nhật, hay của HK, bay qua không phận các đảo này mà không quân TQ án binh bất động, sẽ làm mất đi uy tín của TQ trước trường quốc tế. Huống chi đối với các nước nhỏ như VN, Phi, Mã Lai… trong vùng.

Vì vậy, nếu phía TQ có ý định tuyên bố vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông, tuyên bố này sẽ chỉ giới hạn, như giới hạn của vùng cấm đánh cá, ở vĩ tuyến 12° trở về phía bắc mà thôi.