dimanche 8 décembre 2013

Về tuyên bố « Vùng nhận diện phòng không trong Biển Hoa Đông » của Trung Quốc.

Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn, Úc và Cộng đồng Châu Âu lần lượt lên tiếng phản đối « Vùng nhận diện phòng không » (Air Defense Identification Zone - ADIZ) của Trung Quốc vừa công bố hôm 23-11-2013.

ADIZ Trung Quốc - nguồn Tân Hoa Xã

Bản đồ vùng « nhận diện phòng không » mà TQ vừa tuyên bố.

Tuyên bố của Trung Quốc mang hình thức một « tuyên bố đơn phương », liên quan đến nội dung của các điều ước cũng như tập quán quốc tế. Các công ước liên quan là Công ước Quốc tế về Hàng không Dân sự (còn gọi là công ước Chicago 1944) và Công ước về Luật Biển 1982.

Điều 1 của Công ước Chicago 1944 qui định vùng bầu trời phía trên lãnh thổ, lãnh hải và vùng tiếp cận lãnh hải của một quốc gia thì thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Tức là trong vòm trời đó, quốc gia có đầy đủ thẩm quyền quốc gia đối với người hay các phương tiện qua lại.

Theo tập quán quốc tế, có từ thời chiến tranh lạnh, các quốc gia ven biển có thể mở rộng vùng trời của nước mình, gọi là « vùng nhận diện phòng không ». Các nước Hoa Kỳ, Nhật, Pháp… đều có vùng nhận diện phòng không mở ra ít nhất là 200 hải lý. Mục tiêu của việc thiết lập vùng nhận diện phòng không là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Luật Biển 1982, quốc gia ven biển có các « quyền thuộc chủ quyền » về kinh tế trong vùng biển rộng đến 200 hải lý (tính từ đường cơ bản). Nhưng trên bầu trời thuộc vùng EEZ thì Quốc tế công pháp không có qui định nào xác định thẩm quyền (hay đặc quyền) cho quốc gia ven biển.

Việc thiết lập vùng « nhận diện phòng không » ngoài phạm vi lãnh thổ của các quốc gia, dầu không được qui định bởi một công ước quốc tế, nhưng được các nước ám thị chấp nhận và tôn trọng, lâu dài thông lệ trở thành « tập quán quốc tế », có giá trị bắt buộc như « luật ».

Vùng nhận diện phòng không của Trung quốc vừa mới tuyên bố thoạt tiên phù hợp với công pháp và tập quán quốc tế, nếu ta so sánh bản đồ vùng ADIZ của các nước đối với vùng ADIZ của TQ vừa công bố.

ADIZ USA-Canada

Hình trên: bản đồ vùng nhận diện phòng không của Hoa Kỳ và Canada.

Vùng chồng lấn ADIZ japan-china-korea

Hình trên: Chồng lấn vùng ADIZ giữa các nước trong khu vực.

Nhưng nội dung điều 3 của Tuyên bố đã đi ngược lại tinh thần Luật cũng như tập quán quốc tế :

« Third, aircraft flying in the East China Sea Air Defense Identification Zone should follow the instructions of the administrative organ of the East China Sea Air Defense Identification Zone or the unit authorized by the organ. China's armed forces will adopt defensive emergency measures to respond to aircraft that do not cooperate in the identification or refuse to follow the instructions.”

Tạm dịch : Thứ ba, phi cơ bay trong Vùng nhận diện phòng không Biển Hoa đông phải tuân theo những chỉ thị của cơ quan hữu trách. Lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp thích ứng đối với phi cơ không hợp tác hoặc từ chối tuân thủ các chỉ thị này.

Theo tập quán quốc tế, trường hợp vùng ADIZ của Hoa Kỳ, nước này cho phép các phi cơ dân sự đi qua vùng ADIZ của mình mà không cần thông báo, nếu chuyến bay không đi vào lãnh thổ nước này. Trong thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ cũng cho phép phi cơ quân sự của Liên Xô bay qua vùng ADIZ của Alaska mà không cần thông báo. Cần nhắc lại, bầu trời phía trên vùng kinh tế độc quyền (EEZ) của quốc gia không thuộc chủ quyền của quốc gia. Trong vùng biển EEZ, quốc gia chỉ được hưởng (độc quyền) một số quyền về kinh tế, chứ không có “chủ quyền” ở vùng không gian này. TQ đã đi ngược lại tập quán quốc tế khi áp đặt một điều “luật quốc gia”, chỉ có thể áp dụng trong lãnh thổ quốc gia, là “áp dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp”, lên trên một vùng không thuộc chủ quyền của TQ.

ADIZ Alaska

Hình trên: vùng nhận diện phòng không Alaska.

Việc “áp dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” cho các phi cơ bay qua vùng này (mà không vào lãnh thổ của TQ) không chỉ xâm phạm quyền tự do thông lưu trên bầu trời, theo qui định của Công ước Chicago 1944, mà còn đe dọa đến an ninh của hành khách trong phi cơ. Tuyên bố của TQ, vùng liên quan đến quần đảo Điếu Ngư, làm thay đổi “hiện trạng”, đi ngược lại nội dung của Hiến chương LHQ ở điều 1.1 và điều 2.3.

Sự phản đối của các nước Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn (kể cả Đài Loan) và Châu Âu vì vậy là hợp lý.

Sau khi ra tuyên bố, Trung Quốc có “bảo vệ” được vùng “nhận diện phòng không trong biển Hoa Đông” hay không là tùy thuộc thái độ của các cường quốc cũng như sự quyết tâm và khả năng quốc phòng của Trung quốc.

Vừa khi TQ Tuyên bố vùng ADIZ của họ, HK phái hai chiếc pháo đài bay B52 vào vùng này để “bắt mạch” thái độ của TQ. Theo đường bay của hai chiếc B52 trên bản đồ…, ta thấy hai chiếc pháo đài bay này quay về trước khi vào không phận của quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Điều này cho thấy lập trường của HQ chưa dứt khoát ở việc nhìn nhận chủ quyền của nước nào ở quần đảo này. Người ta chỉ biết rõ rệt, quyết tâm của TQ cũng như lập trường của HK về Điếu Ngư, nếu những phi cơ quân sự của HK bay vào không phận của quần đảo này.

ADIZ chine-japon-corée du sud

Hình trên : đường bay của hai chiến B52 (AFP).

Dầu vậy, Hoa Kỳ khuyến cáo các hãng hàng không của họ nên tuân thủ qui định về ADIZ của TQ để tránh rủi ro.
Trong khi phía Nhật cương quyết phủ nhận mọi tuyên bố của TQ.

Từ lâu, trên biển, hai bên Trung-Nhật đã có những tranh chấp về chồng lấn thềm lục địa, tranh chấp về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư. Tàu hải giám hai bên thường xuyên “vờn nhau” trong lãnh hải các đảo Điếu Ngư. Nhưng các cọ sát của hai bên vẫn còn giới hạn trong lãnh vực thuộc quyền của cảnh sát, tức ngoài thẩm quyền của quân đội. Nhưng vùng nhận diện phòng không tại quần đảo Điếu Ngư có thể đưa đến nhiều “rủi ro” khó lường, nếu cả hai bên quyết tâm gởi chiến đấu cơ lên để bảo vệ không phận các đảo Điếu Ngư, mà cả hai đều dành chủ quyền.

Khả năng quốc phòng của TQ, hải quân và không quân, có thể ép buộc các nước khác tuân thủ tuyên bố của họ, ngoài Hoa Kỳ và Nhật.

Ba nước HK, TQ và Nhật không chỉ là các cường quốc về quân sự, mà còn là ba đại cường kinh tế dẫn đầu thế giới. Quan hệ kinh tế giữa các bên quá lớn. Một sự đụng chạm quân sự xảy ra giữa hai bên Trung-Nhật, là trò chơi “zero sum game”, hai bên sẽ cùng khánh tận.

Tuyên bố của các lãnh đạo TQ, trước đây là Hồ Cẩm Đào, vừa qua là Tập Cận Bình, cho thấy quyết tâm của lãnh đạo CSTQ sẽ sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Câu hỏi là đã đến lúc hay chưa? Ngân sách quốc phòng của TQ trong năm tới sẽ lên đến là 180 tỉ đô. Tỉ số gia tăng ngân sách quốc phòng, từ hai thập niên, luôn ở khoảng 10%. Sẽ hợp lý để kết luận rằng Tuyên bố của TQ chỉ là một bước nối tiếp tiệm tiến, một logic về lãnh thổ trong sách lược “không gian sinh tồn” của TQ đã có từ rất lâu.

Vấn đề là TQ có khả năng ép buộc các nước tôn trọng tuyên bố của họ hay không ?

Nếu còn một ngoại lệ (như HK và Nhật), mà điều này có nhiều sác xuất xảy ra, TQ không chỉ sẽ mất thể diện trước quốc tế, mà đảng CSTQ sẽ mất đi tính chính thống để lãnh đạo đất nước (đây mới là điều quan trọng).

Những khó khăn nội tại của TQ hiện nay (hơn 80.000 cuộc biểu tình, phản đối trong năm qua), khởi từ sự bất mãn do chênh lệch quá lớn về giàu nghèo và bất công xã hội, hậu quả chính sách phát triển kinh tế “mèo trắng mèo đen” từ hơn ba thập niên, hay do mâu thuẩn chủng tộc, có thể tạo những khủng hoảng nhất thời. Đại hội đảng CSTQ vừa qua đã có cương lĩnh cải cách về kinh tế, xã hội… nhằm giải quyết khủng hoảng này trong lâu dài.

Sự bất mãn của người dân TQ sẽ bùng nổ lớn, lan rộng, mà đảng CSTQ khó giải quyết, nếu TQ bị mất thể diện trước quốc tế.

Cốt lõi vấn đề là “chủ quyền”. Nay thêm vào “thể diện quốc gia”. Cả hai đều là yếu huyệt của những dân tộc có truyền thống “dân tộc chủ nghĩa” lâu đời như Nhật, Trung Quốc.

Đường hướng giải quyết để tránh xung đột Trung-Nhật, như HK vừa khuyến cáo, các bên thiết lập đường dây nóng, để tránh rủi ro. Trong khi phía Nam Hàn cũng tuyên bố mở rộng vùng nhận diện phòng không của mình.

Việc thiết lập “đường dây nóng” sẽ không đủ. Hai bên đều là cường quốc về kinh tế và quân sự. Nhất là cả hai đều nghĩ rằng mình có khả năng chế ngự địch thủ. Trong khi HK còn có ràng buộc quốc phòng với Nhật. Câu hỏi đặt ra là HK (và các chính trị gia bồ câu trong chính trường Nhật) có sẵn sàng cho một cuộc chiến hay không ?

Chiến tranh là một cuộc phiêu lưu bất định. Trong khi khủng hoảng có thể giải tỏa khi mà chủ quyền các đảo Senkaku/Điếu Ngư được giải quyết. Vấn đề là giải quyết thế nào ?

Trong nhất thời, hai bên có thể thỏa thuận về một vùng “cấm bay” trong không phận các đảo Senkaku/Điếu Ngư, để tránh xung đột.

Giải pháp lâu dài, hoặc phải đưa ra trọng tài phân xử nước nào có chủ quyền tại các đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hoặc hai bên cùng nhượng bộ, chấp nhận giải pháp “cộng đồng chủ quyền - condominium” ở các đảo tranh chấp. Việc này sẽ thúc đẩy việc phân định biên giới trên biển cũng như ranh giới thềm lục địa giữa các bên.

Nút chặn từ nhiều thập niên nay cho việc đàm phán hai bên Nhật-Trung về biên giới trên biển là chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Về khu vực Biển Đông, TQ có thể tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” hay không ?

Trong khu vực Biển Đông, từ năm 2008 đến nay phía TQ đã đơn phương ra các bộ Luật, những tuyên bố cũng như biện pháp về Biển Đông, áp đặt các quốc gia trong vùng tuân thủ các quyết định của họ. Như Luật của tỉnh Hải Nam về an ninh và biên giới (cho phép tàu hải giám của tỉnh này khám xét các tàu bè các nước trong khu vực biển của các nước khác (VN và Phi), Luật bảo vệ hải đảo (trong đó có các đảo HS và TS của VN), Luật cấm đánh cá (trong vùng biển của VN và Phi)... Đồng thời họ cho tàu hải giám quấy nhiễu tàu bè nghiên cứu khoa học của VN (vụ cắt cáp tàu Bình Minh II) đang hoạt động ở cách xa Hải Nam hàng ngàn cây số, cho đấu thầu khai thác thềm lục địa ở các khu vực chỉ cách bờ biển VN hơn 100 hải lý, cho tàu hải giám phong tỏa và chiếm bãi Scarborough, cho tàu hải giám phong tỏa bãi Cỏ Rong…

Đây là các động thái gây hấn, có thể gây chiến tranh (nếu VN và Phi có một sức mạnh ngang hàng), vì xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của nước khác.

Các động thái này đều nằm trong khả năng của hải quân (và hải giám) Trung Quốc. Bằng sức mạnh quân sự, TQ áp đặt VN và Phi tuân thủ luật lệ của họ.

Nhưng việc tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” bao trùm lên toàn biển Đông (theo bản đồ hình chữ U), đối với TQ hiện nay, là điều bất khả thi. TQ vừa không có khả năng phát hiện, vừa không có khả năng ngăn chặn các phi cơ đi vào khu vực biển Trường Sa. Hiện nay, TQ không có các dàn ra đa trải rộng để kiểm soát không phận toàn vùng biển theo bản đồ chữ U. Trong khi phi cơ ở các căn cứ không quân đóng tại Hải Nam hay Quảng Đông, chỉ có khả năng phòng vệ đến đá Chữ Thập hay bãi Scarborough mà thôi.Đội tàu chiến cùng chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hiện nay có chuyến du hành xuống Biển Đông, nhưng việc chuyển dịch này mang tính nhất thời, không bảo đảm sự hiện diện thường trực của không quân TQ, như là hạm đội của Hoa Kỳ.

TQ sẽ không dại dột tuyên bố điều gì đó trước quốc tế mà không đảm trách được. Trường hợp của Điếu Ngư, nếu phi cơ của Nhật, hay của HK, bay qua không phận các đảo này mà không quân TQ án binh bất động, sẽ làm mất đi uy tín của TQ trước trường quốc tế. Huống chi đối với các nước nhỏ như VN, Phi, Mã Lai… trong vùng.

Vì vậy, nếu phía TQ có ý định tuyên bố vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông, tuyên bố này sẽ chỉ giới hạn, như giới hạn của vùng cấm đánh cá, ở vĩ tuyến 12° trở về phía bắc mà thôi.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.