Tổng Tụ Long và các vùng chung quanh, theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn, cũng như các nghiên cứu về địa chí của Pháp trong thời kỳ phân định biên giới Pháp-Thanh (1885-1897) cho thấy vùng lãnh thổ này của Việt Nam rất phong phú về quặng mỏ, có tiềm năng kinh tế lớn, thu hút nhiều thế hệ người Hoa sang sinh sống và khai thác. Sự phong phú về quặng mỏ kim loại quí là nguyên nhân khơi lòng tham ở các quan lại thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Hoa. Nhiều lần trong lịch sử, đất Tụ Long bị người Hoa dòm ngó và tìm cách chiếm đoạt.
Nguyên nhân mất dất Tụ Long là do người Pháp, trong dịp ký kết hiệp định phân định biên giới năm 1887, đã nhượng đất này cùng với một số vùng lãnh thổ khác của Việt Nam, để trao đổi quyền lợi về kinh tế. Nhà biên khảo Trung Tá Bonifacy, trong bài “Canton de Tụ-Long et la Frontière Sino-Tonkinoise” đăng trong La Revue Indochine năm 1924, đã viết như sau :
« Chúng ta có quyền hay không, sau khi đã ký kết hiệp ước với An Nam (ltg : tức hòa ước 1884) bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của nước nầy, lại lấy những vùng đất ở đây để nhượng cho Trung Hoa ? Không phải chỉ ở hai tổng Tụ Long và Phương Ðộ mà việc nhượng đất xảy ra trên khắp đường biên giới. Những ủy viên phân giới của ta ở địa phương phản đối, nhưng bộ trưởng (ltg: tức ông Constans, người phụ trách ký các hiệp ước Pháp-Thanh về thuơng mãi và biên giới) của ta ở Bắc Kinh thì luôn đồng ý, ở mọi nơi, tất cả những đòi hỏi của người Hoa mà không đưa ra một giải thích nào ».
Thật vậy, nội dung hòa ước Patenotre tháng 6 năm 1884 Pháp có cam kết việc « bảo toàn lãnh thổ » cho vương quốc Việt Nam. Tại sao điều khoản này đã không được tôn trọng ? Tại sao, với vị thế « tay trên » Trung Hoa về quân sự, Pháp lại nhượng bộ cho Thanh triều về các đòi hỏi về đất đai ? Qua các tài liệu mà tác giả đã tham khảo ở CAOM (Centre des Archives d’Outre-Mer – Trung Tâm Văn Khố Hải Ngoại – tại Aix-En-Provence, Pháp quốc), xin trình bày lại đây một vài chi tiết lịch sử hầu soi sáng lại một phần tối trong quan hệ Trung-Pháp về vấn đề Việt Nam, và nhất là, để mọi người VN, nhớ về các vùng đất của tổ quốc mình, đã từng bị mất, đã từng dành lại được, sau đó lại mất.
Sơ lược địa lý - kinh tế - nhân văn đất Tụ Long (khoảng hậu bán thế kỷ 18):
Tổng Tụ Long xưa thuộc huyện Vĩnh Tuy, châu Vị Xuyên, phủ Nhượng An, tỉnh Tuyên Quang (nay là tỉnh Hà Giang, Bắc Việt). Đây là một địa phương ngày xưa nổi tiếng về phong phú quặng mỏ. Người ta khám phá trong những trái núi tại đây nhiều mỏ khoáng sản và kim loại khác nhau : mỏ vàng, mỏ sắt nhiễm từ tính (nam châm), kẽm, đồng đỏ, than đá... ngoài ra còn có mỏ bạc dưới dạng vảy.
Tụ Long tọa lạc trong một vùng cao, có nhiều núi trọc. Dân chúng trong tổng sinh sống ở các làng, dựng trên sườn các ngọn núi. Loại thực vật mọc nhiều ở vùng nầy là một loại tre nhỏ. Có lẽ vì vậy mà nước ở đây rất trong sạch. Ðất rất tốt, thích hợp cho nhiều loại cây. Người ta cũng thấy trên các khe núi một số nguồn nước. Dân địa phương dùng các nguồn nước suối nầy để dẫn vào ruộng (theo lối bậc thềm - balcon) trên các sườn đồi. Nhờ đất mầu mỡ nên lúa tốt, tuy vậy mỗi năm chỉ làm một mùa, vào mùa thu. Năng suất một mẫu ruộng trung bình 20 tạ lúa. Người ta xay lúa bằng một dụng cụ thủy lực, đến từ sức chảy nước suối, công việc nhờ vậy không tốn công sức. Chợ ở đây chỉ bán loại gạo trắng. “Ống” là đơn vị đo lường khối lượng của địa phương. 8 hay 9 tiền kẽm là giá một ống gạo, tương đương với lượng cần thiết cho một người ăn trong một bữa. 100 ống gạo là một thúng, trị giá 1 đồng 2 phân bạc. Muối cũng được mua tại chợ Tụ Long, với giá 32 quan tiền cho 1.000 cân, tương đương 10 thúng. Ở Hà Giang, giá nầy là 50 quan tiền, đến Tụ Long giá muối lên tới 2 tiền một cân, tức 200 quan tiền 1000 cân. Muối ở bên Trung Hoa thì đắt và có vị đắng, vì thế họ đem các loại cây thuốc sang nước ta, qua ải Bình Di, để đổi lấy muối và lén lút đem về. Dân chúng vùng này không có củi để đốt, họ khai thác 7 đường hầm than đá cách mỏ đồng khoảng một hay hai ngày đường. Bông vải cũng được bán tại chợ, dân địa phương cũng như quân lính ở đây phần lớn mặc y phục dệt bằng bông vải nhuộm củ nâu. Khí hậu ở đây rất lạnh, về mùa đông có hiện tượng băng giá, nước đóng băng. Mùa hạ dân ở đây vẫn mặc quần áo nhồi bông. Xứ nầy cũng có rất nhiều sương mù. Buổi sáng, các làng được bao bọc một màn sương đặc, không nhìn xa hơn 1 thước, và sương chỉ tan khi mặt trời lên cao.
Dầu được nhập từ bên Trung Hoa. Một đoàn người cùng hàng hóa không ngớt di chuyển, cả ngày đêm, cho thấy việc thâu thuế ở chợ Tụ rất lớn.
Ngựa cũng nhập từ phủ Khai Hóa bên Trung Hoa. Đây là loại súc vật rất cần thiết cho dân tại đây. Ngựa tốt trị giá đến 7, 8 dật bạc. Có con lớn như con voi cái, giá tới 40 dật. Trâu và lừa cũng có rất nhiều.
Tổng Tụ Long có tất cả 72 làng, được gọi là 72 điền gia. Dân số trong các làng nầy thì thay đổi, có làng có dân số trên 100 gia đình, có làng chỉ có 70, 80 gia đình hay 50, 60 gia đình. Tính chung thì có vào khoảng một ngàn gia đình tất cả. Mỗi gia đình có 7 hay 8 người. Ở tại mỏ đồng có khoảng 300 gia đình người Hoa đến từ tổng Từ Bích, còn gọi tên Thủy Bi. Trong các thị trấn nhỏ thuộc chợ và trong những nơi nấu quặng mỏ, còn có thêm khoảng một ngàn gia đình.
Toàn tổng có 180 suất quân, trong đó tuyển được 1 chính và 2 đài. Một suất có 3 người được tuyển mộ. Người ta chọn binh theo tỉ lệ với số người trong gia đình. Việc tuyển chọn có thể cung cấp một đoàn quân trên 2.000 người.
Mỗi năm mỗi gia đình đóng thuế 5 lượng bạc. Người ngoại quốc buôn bán đồng trả thuế 1 quan hai tiền cho 100 cân đồng. Số tiền thuế thu được hàng năm không dưới 1000 dật bạc và trong số nầy không tính tiền quá quan và tiền mướn các mỏ.
Các mỏ ở Tổng Tụ Long :
1 Mỏ bạc và đồng ở làng Na Ngọ.
Mỏ nầy tọa lạc phía trước trạm canh Tụ Long được phép khai thác năm đinh tị triều Cảnh Hưng, do chấn quan phụ trách. Nơi hầm mỏ là một vùng cao nguyên không cao lắm, việc khai thác rất dễ dàng. Vào thời điểm đó có 26 đường hầm được khai thác ở trên các núi đá, thuộc các mỏ Phượng Hoàng, Thiên Nguyên, Tụ Bảo, Mậu Hưng v.v..
Các lò nấu quặng thì được đặt ở dưới núi. Ở hai bên núi người ta đào mương để cho nước chảy. Trên đỉnh núi có chùa Thọ Yêu và đền Quan Thánh. Phía dưới núi là các nhà kho, cửa hàng của công, nhà dân và chợ.
Mỏ có năng suất trung bình cho 450.000 cân đồng một năm với giá bình quân 9 lạng bạc 100 cân. Ðồng được chở trên lưng ngựa hay trâu cho đến bến tàu Hà Giang.
2 Mỏ đồng Bán Gia.
Mỏ đồng Bán Gia cũng rất thịnh vượng dưới thời Bảo Thái. Có tới 10.000 phu làm việc ở đó.
3 Mỏ bạc Nam Ðương (Ðang)
Có 71 đường hầm khai thác mỏ đem nhưng do tham nhũng nên triều đình không thu hoạch gì ở mỏ này.
Mất tổng Tụ Long về tay Trung Hoa lần thứ nhứt
Kiến Văn Tiểu Lục chép :
« Năm Bảo Thái thứ 5 (1724) Tổng đốc Vân Nam tên Cao Kỳ Trác, ra khẩu lệnh cho tổng thôi 摠催 Dương Gia Công 楊加功, qua sông để chiếm mỏ đồng của làng Bán Gia và mỏ kẽm của làng Kha Thôn, cả hai thuộc Tụ Long. Họ cho rằng vùng đất này thuộc về Trung Hoa và đã bị các thổ quan của nước ta chiếm đoạt. »
Quan lại nước ta phản biện lên Thanh triều nhằm đòi lại đất, nói rằng ông này đã :
« lầm lẫn làng Ma Tu 痲須 thuộc Tụ Long với trại Mã đô 馬都; làng Tà Lộ 斜路 với trại Bố Ðô 布都; làng Phù Không 扶空 với trại A Không 阿空; làng Phù-Ni 扶尼 với trại Bạch Nê白泥; làng Nhĩ Hô 爾呼 với trại Ngưu Hô Hắc 牛呼黑 và cuối cùng lẫn lộn con nước Tam Khê 三溪 (hay là ba con suối ?) với sông Ðổ Chú 堵呪».
Chấn quan Tuyên Quang có làm một bản tường trình, trong đó kèm theo bản trắc địa của các đường xá nối các làng mạc, thôn, xã... chứng minh đất bị lấn thuộc về Việt Nam. Bản trắc địa rất tỉ mỉ. Vì lợi ích của việc nghiên cứu, toàn bản tường trình được chép lại sau đây :
« Từ điếm canh ở Ninh Biên 寧邊 và Hà Giang 河江, đi về hướng Ðông, qua các làng thuộc Phương Ðộ方度 và Phấn Vũ 奮武, cho tới làng Bán Gia 半加, mất 3 ngày và 4 giờ . Từ làng Bán Gia cho đến núi Mã Yên (An) 馬鞍, đi qua chợ Tụ 聚市 (Tụ Thị, tức chợ Tụ Long, chú thích tác giả), qua ải Bắc Tỉ 北比, qua núi Mang Tá 芒些, suối Tam Thổ三土, qua các ngọn núi Ma Cô 痲孤, Cô Chi 孤支, Ma Thọ 痲壽, Bố Tịnh 布並 và Lô Sơn 櫨山phải mất 1 ngày và 5 giờ. Từ Mã Yên cho đến mỏ kẽm, qua các ngọn núi Ðông Y 東依, Khâu Mô 丘謨, và Cơ Bá 基播 mất 2 giờ. Từ mỏ kẽm tới làng Tà Lộ, đi qua các núi Chi Sơn, Ðông Ký東旣, và Mô La 模羅 mất 3 giờ. Từ làng Tà Lộ đến làng Ma Tu 痲須, đi qua các núi Ma Tê 痲犀, Ma Y 痲依 và Lương Kê 良稽mất 3 giờ.
« Từ làng Ma Tu đến làng Phù Không 扶空, qua các núi Chi Sô 支芻, Tông Chiên 宗氈, Li Chi 籬支, Mê Phủ 謎甫, Na Ngọ 那午 và ải Kim-Sơn 金山 mất 6 giờ.
« Từ làng Phù Không cho đến làng thuộc núi Phù Ni 扶尼, đi qua các núi Nhân Sơn 仁山, Kha Lộ 柯路 và Dã Sơn 野山 mất 4 giờ. Từ làng Phù Ni 扶尼 đến làng Nhĩ Hô爾 呼 đi qua núi Khứ Ðinh 祛丁 mất 2 giờ.
« Từ phía Ðông Bắc, khởi hành từ làng Bán Hòa 半和 thuộc xã Bình Ri, tổng Phú Linh富靈, có sông Tụ thuộc Tụ Long chảy qua, cho đến núi Mã Yên, đi qua chợ Tụ mất hai ngày và 6 giờ. Từ Mã Yên đến làng Nhĩ Hô 爾呼, đi qua mỏ kẽm (Duyên Xưởng), các làng Tà Lộ, Ma Tu, Phù Không và Phù Ni mất hai ngày.
« Từ phía Tây Nam, khởi hành từ làng Niệm Thông 捻通 thuộc xã An Quảng 安廣, tổng Mục Hà 穆河, châu Vị Xuyên, giáp ranh với mỏ bạc Thủy Ðồng 水峒 thuộc đất Tụ Long, cho đến làng Nhĩ Hô và đi tiếp cho đến núi Mã Yên, qua các làng Tỉ Bao 比包 (hay Tử Bao 子包), Niệm Xa 捻車, Vãy Thự, Niệm Liên 捻蓮, Tà Hồng 斜烘, Niệm-Bô 捻晡 và Ðông Kế 東繼 thuộc đất Tụ-Long mất năm ngày và 6 giờ.
« Từ động Sơn Yêu 山腰, châu Thủy Vĩ, Hưng Hóa, giới hạn bằng sông Ðổ Chú ở Tụ Long, cho đến làng Nhĩ Hô và đi tiếp cho đến ngọn núi Mã Yên, qua các núi Thi Bây 葹 (hay Bi 襬), Thiên Mi千眉, và Li Bi 籬襬 mất 3 ngày.
Khoảng cách và ranh giới của các làng tranh chấp được mô tả :
« Từ Mã Yên, đi qua các núi Khâu Mô, Thự Nhữ 署 và Ðổ Chú cho đến sông Ðổ Chú mất 2 giờ. Từ mỏ kẽm Duyên Xưởng, qua núi Khâu Mô cho đến sông Ðổ Chú mất 15 phút. Từ làng Tà Lộ vượt qua núi Kha Sơn, đến Ðổ Chú mất 2 giờ. Từ làng Ma Tu đến sông Ðổ Chú, qua núi U Thụy 幽瑞 mất 15 phút. Từ làng Phủ Không đến sông Ðổ Chú , đi qua các núi Kim-Sơn và Thác Ư 托於 mất nửa ngày. Từ làng Phù Ni đến Ðổ Chú, đi qua những núi thuộc làng Lư mất 2 giờ.
« Từ làng Nhĩ Hô đến Ðổ Chú, đi qua những ngọn núi Ðổ Chú thì mất khoảng 7 phút rưỡi. »
Sau khi chiếm Tổng Trấn phủ Khai Hóa cho người đến giữ đất. Phía ta, Chúa Trịnh Cương sai quân cản lại. Thấy bên ta binh mã hùng mạnh và dân chúng theo qui phục, Tổng Trấn họ Phùng phải lui quân, nhưng còn ngoái lại nói với Phụ Ðạo Hoàng Văn Mai rằng : theo địa chí, từ phủ Khai Hóa, theo hướng Nam, cho đến sông Ðổ Chú là 240 dặm, vì vậy lãnh thổ Trung Hoa không phải ngừng ở chỗ mà quân An Nam chiếm đóng mà phải kéo dài cho tới sông Ninh Biên. »
Hành động biểu dương sức mạnh của Trịnh Cương ghi trên cho thấy đây là một quyết định hay. Chưa bao giờ chúng ta đòi lại được đất đã bị Tàu chiếm qua đường lối ngoại giao. Ðất Tụ Long được trả lại là một việc hi hữu. Ðó là nhờ sức mạnh quân sự kết hợp với nghệ thuật ngoại giao mà ta sẽ thấy sau đây.
« Sau khi điều quân mã, Chúa Trịnh làm một bản tường trình giao cho Cao Kỳ Trác đồng thời một bản khác gởi lên hoàng đế Trung Hoa qua trung gian của tổng đốc Lưỡng Quảng là Khổng Dực Tuân để làm sáng tỏ vấn đề đất đai. »
Năm 1725, thấy không thể chiếm đất dễ-dàng, « Cao Kỳ Trác tìm cách giữ lại phần đất có mỏ đồng. Ông viết thư gởi triều đình An Nam nói rằng vì đạo quân Trịnh Kinh có những lời lẽ vô lễ nên phải cảnh cáo ».
Nhưng sau đó một thư thứ hai nói rằng : « dòng sông chảy qua núi Duyên Xưởng không phải là sông Ðổ Chú; cách Ðô Long都龍 khoảng trên 100 dặm có một dòng sông lớn tên là Ninh Biên 寧邊 , sông này được các địa dư chí gọi dưới tên Ðổ Chú; và đường biên giới phải định ở tại nơi đây. Tất cả các việc sau đây : Về việc quan hệ đến 240 dặm đất đai bị mất từ cuối thời nhà Minh thì không được xét lại nữa, còn về vấn đề 120 dặm đất bị mất dưới triều Thanh hiện nay thì ông vừa được chỉ dụ của hoàng đế xác định biên giới ở dưới chân núi Duyên Xưởng và đình chỉ việc xem xét tất cả những khiếu nại khác. »
240 dặm đất mà Cao Kỳ Trác đề cập là đất thuộc 3 động Ngưu Dương, Hồ Ðiệp và Phổ Viên. Ðất này xem như thuộc về Trung Hoa vì Thanh triều không giải quyết nữa. Riêng đất Tụ Long thì chỉ trả tới núi Duyên Xưởng (mỏ kẽm), tức có 80 dặm. 40 dặm còn lại, vùng mỏ đồng thì không trả. Chúa Trịnh không đồng ý với quyết định trên và tiếp tục đòi lại đất.
« Năm thứ 7 (1726), mùa thu, nước ta có nhận một lá thư của hoàng đế Trung Hoa cho phép xác định biên giới ở dưới chân núi Duyên Xưởng. Thời đó Kỳ Chác đã được phong tổng đốc Triết Giang và Phúc Kiến (Mân-Triết). Viên Tổng đốc mới ở Vân Nam và Quí Châu là Ngạc Nhĩ Thái 萼爾泰, là một người hợp lý và quyết định. »
Thanh Nhứt thống chí 清一統志 viết lại vụ này như sau : « Năm Ung Chính thứ 6 (1728), tiếp theo một bản báo cáo của tổng đốc Vân Nam về vấn đề biên giới với nước An Nam, một chiếu lệnh nhường cho nước nầy 40 dặm lãnh thổ được giới hạn bằng sông Ðổ Chú 堵呪 ở Bạch Mã白馬. »
Theo Ðông Hoa Lục 東花綠 của Tưởng Lương Kỳ 蔣良騏 : « Tháng 4 năm Ung Chính thứ 3 (1725), Cao Kì Trác高其倬, tổng đốc Vân Nam, trình lên vua một bản tường trình, trong đó có ghi rằng trên vùng biên giới với An Nam, có 120 dặm đất trước kia thuộc về Trung Hoa, ngày nay nước An Nam có lập một bản lý giải cho là của họ. Người kế vị Cao Kì Trác là tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái 鄂爾采 được giao trách nhiệm điều tra, biết được chính xác việc đòi hỏi của người An Nam và có trả lại 80 dặm đất và giới hạn biên giới định lại là trái núi có mỏ kẽm. Vua An Nam lại gởi nhiều thư khác khiếu nại, đến tháng 9 của năm thứ 5, hai quan đại thần là Nhậm Lan Chi 任闌枝 (Grand secrétaire du Conseil privé) và Hàng Dịch Lộc 杭杭祿 (Conseiller de gauche, Tả Thị Lang) được giao trách nhiệm sang triều đình An Nam mang lời trấn an, nhưng vua An Nam có gởi một lá thư xin lỗi và thư này đến vua Trung Hoa trước khi sứ bộ đến nơi. Nước An-Nam được trả lại 40 dặm trong lúc việc này đang được Nhĩ Thái điều tra. Hàng Dịch Lộc và bạn của ông ta được giao trách nhiệm sang triều đình An Nam thông báo lá thư của vua Trung Hoa. Chiếu chỉ trả đất đại ý:
« Quyền lực của ta trải khắp thiên hạ, không một tất đất của các phiên bang mà không thuộc về ta. Có cần hay không trong điều kiện như vậy mà mãi tranh chấp về một mảnh đất nghèo nàn 40 dặm ?
Gần đây, Ngạc Nhĩ Thái đã chuyển lại cho ta lá thư mà quí vị đã gởi, ta không thể vui sướng hơn về hình thức trân trọng của lá thư này và quí vị nhận nơi đây tất cả sự hài lòng của ta. Thật dễ dàng cho ta để làm thỏa lòng quí vị, rằng ta không phân biệt lãnh thổ của Vân Nam với lãnh thổ của An Nam, vì chúng thuộc về ta cả hai. Vân Nam là đất của đế quốc còn An Nam là đất của một nước chư hầu. Vì vậy, ta cho quí vị vùng đất đó vĩnh viễn, không hồi chuyển. »
Sau khi có quyết định được trả lại đất, Chúa Trịnh ra lệnh cho các quan Hồ Phi Tích và Võ Công Tể đến nơi với tri phủ Khai Hóa là Phiên Doãn Mẫn để thành lập ủy ban. Nhưng Doãn Mẫn vẫn ngoan cố muốn chiếm đoạt mỏ đồng nên thiết lập biên giới dưới chân núi Duyên Xưởng.
Thổ ti Khai Hóa gian dối chỉ định một con sông khác và cho đó là sông Ðổ Chú nhằm mục đích giữ lại những làng xã thuộc vùng Bảo Sơn. Việc này Nguyễn Công Thể biết được, liền lặn lội đi vào núi rừng, cực kỳ khổ-sở, đi thăm tất cả các mỏ bạc và mỏ đồng và cuối cùng tìm được vị trí thực sự của con sông Ðổ Chú. Người ta dựng lên các bia đá ngay tại địa điểm giới hạn biên giới giữa hai nước. Vấn đề tranh chấp biên giới chính thức được kết thúc.
Theo phân giới thì biên giới xác định tại sông Ðổ Chú, vùng phía Ðông của dòng sông là đất Tụ Long thuộc nước ta. Trên bờ này có một bia đá, có dựng một chòi lá để che, chung quanh là chỗ rừng rậm, đầy cỏ dại và cây cối. Phần về phía Tây thuộc phủ Khai Hóa. Trên bờ sông phía đó có một bia đá dựng trên một cồn đất, có xây một nhà nhỏ, mái lợp ngói. Một trại quân xây kế bên để canh phòng.
« Chúng ta lấy lại được được tất cả mười bẩy làng sau đây: Nhĩ Hô爾呼, Mạnh Ðinh孟釘, Phù Ni 扶尼, Phù Li 扶籬, Phù Chu 扶周, Chĩ Giang, Phù Không 扶空, Ma Hô 痲呼, Bố Ma 布痲, Hô Khâm 呼襟, Mã Khao 馬犒, Tà Lộ 斜路, Yên Mã 鞍馬, Mã Thọ 馬夀, Tụ Kha 聚, Thông Sự 通事, và Mã Ðề馬蹄. »
Xác định vị trí sông Ðổ Chú.
Vị trí của Tụ Long thì dễ thấy. Tên nầy có ghi trên các bản đồ phổ thông 1/500.000, ở trong một lổ trũng của phần biên giới phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, ở giữa Lào Cay và Hà Giang. Ðịa danh này được ghi là Đô Long 都龍.
Nhưng sông Ðổ Chú thì khó nhận diện. Theo ông Deloustal, lúc nghiên cứu về Tụ Long, các bản đồ Việt-Nam thời đó mà ông tham khảo, thì huyện Vĩnh Tuy hay vùng Tuyên Quang bao gồm Tụ Long. Người ta thấy ở phía trên và phía trái của bản đồ một đoạn của dòng sông chảy hướng Tây Nam Ðông Bắc có tên Ðổ Chú, nhưng người ta sẽ không tìm thấy trên những tấm bản đồ thuộc vùng lân cận một điểm nào nối tiếp đoạn sông nầy với một con sông khác. Ðây là một con sông không có nguồn ở trên và cũng không có dòng chảy phía dưới (bản đồ 1)! Sông Ðổ Chú cũng được vẽ trên các bản đồ tỉnh Vân Nam. Các bản đồ năm 1736 vẽ sông Ðổ Chú như là một dòng sông độc lập, xuất hiện bất thình lình và mất tích trên đất Trung Hoa trước khi đến biên giới Việt Nam. Trên những bản đồ có tỉ lệ lớn của phủ Khai Hoá năm 1836 thì người ta thấy một dòng sông được chỉ định dưới tên Ðổ Chú, được xem là biên-giới An Nam trong một đoạn, sông chảy về hướng Bắc, sau đó... đổ vào một con sông lớn và sông nầy chỉ là thượng nguồn của sông Claire (sông Lô).
Bản đồ 1: Sông Đổ Chú được vẽ như một con sông không có nguồn ở trên và cũng không có dòng chảy phía dưới.
Bản đồ 2: sông Ðổ Chú, được xem là biên giới An Nam trong một đoạn, chảy về hướng Bắc, sau đó... đổ vào một con sông lớn, đó là thượng nguồn của sông Claire (sông Lô).
Cụ Lê Quí Ðôn qua quyển Kiến Văn Lục, mô tả sông Ðổ Chú như sau :
« Sông Ðổ Chú chảy ở phía Tây của sông Lô 瀘, nó đến từ lý Phùng Xuân 逢春 thuộc phủ Khai Hóa, chảy về hướng Tây, xuyên qua huyện Vĩnh Tuy 永綏 ở làng Tụ Hòa 聚和 và đổ vào (sông?) châu Thủy Vĩ, Hưng Hóa. Trên hai bờ phía Bắc và Nam của sông này mỗi bên có một bia đá ở dưới một mái che để xác định biên giới giữa hai nước.
Sông Lôi hà雷河, còn gọi là sông Chảy, chảy ở phía trái của Thao hà 洮河 (sông Hồng), bắt nguồn từ phía trong của phủ Khai Hóa (tại đây có tên là Ðổ Chú); khi nó chảy đến, phần hạ lưu, vùng Hưng Hóa, bờ tả ngạn sông này làm thành châu Vị Xuyên và hữu ngạn làm châu Thủy Vĩ. Nó chảy qua làng Na Cang, Tâm Phú 心富, Bắc Hà 北河, Thập Ðô 十都 và đến điếm canh Bảo Nghĩa 保義. »
Vị trí của châu Vị Xuyên được mô tả : « phía Ðông có làng Phấn Võ 奮武 thuộc tổng có cùng tên; phía Tây là đất thuộc phủ Khai Hóa; phía Nam có châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa và phía Bắc có động Ngưu Dương của Trung-Hoa. Giới hạn ở phía Tây là sông Ðổ Chú. »
Sông Ðổ Chú và Tụ Long được mô tả thêm : « Trên thượng nguồn và ở phía đông ngạn sông Ðổ Chú, từ điểm mà sông này mang tên như vậy cho đến làng Thác Ư 托於 (làng này tiếp giáp châu Thủy Vĩ), thì thuộc về lãnh địa của Tụ-Long. Bờ Tây ngạn bắt đầu từ làng Mã Bạch cho đến làng Ma-Cơ-Po tiếp giáp châu Thủy Vĩ thì thuộc về phủ Khai Hóa. Các trái núi Mã Yên trong làng Mã Yên thuộc Tụ Long, ngăn cách vùng đất nầy với Trung Hoa.
Sông Ðổ Chú chảy qua trại Mã Bá 馬伯, chảy thẳng cho đến núi Mi Sơn 眉山, tại đây nhận một sông nhỏ bắt nguồn từ Hưng Hóa và chảy vào châu Thủy Vĩ. Có thêm một dòng suối bắt nguồn từ ngọn Mã Gia Sơn 馬茄山 và chảy tới thôn Thác Ư rồi nhập vào sông Tạ Mộng 謝夢. Con suối này nhận nước từ hai con suối Hoàng Khê 黄谿 và Thổ Khê 土谿 ở đất Tụ Long. Từ suối này cho đến (cực điểm thượng nguồn của ?) sông Ðổ Chú là 150 dặm. »
Ðại Nam Nhứt Thống Chí, vùng Tuyên Quang, có ghi rằng: dưới triều Minh Mạng thứ 13 (1833), vua ra lệnh cho quan trấn thủ vùng nầy sửa chữa ghi chú ghi trên bia đá của Trung Hoa và lấy dấu in. Ðồng Khánh Sắc Chế Ngự Lãm (1886) nhân dịp mô tả sông Ðổ Chú nói rằng: Trên hai bờ sông có lều để che các bia đá. Bia của nước ta hiện nay bị đổ nát.
Cũng trong bộ sách trên đây, phần ghi nhận đoạn đường từ Tuyên Quang đến điếm canh Tụ Long, qua ngả điếm canh Hương Mang, thì khoảng cách từ Tụ Long đến các bia đá là một ngày rưỡi đi đường. Trong một đoạn khác, mô tả lộ trình từ Tuyên Quang đến Tụ Long, qua ngả Hà Giang, ghi rằng khoảng cách từ Tụ Long cho đến biên giới Trung Hoa là một ngày đường, nhưng không ghi chú gì thêm về điểm đến (có thể là đến sông Đổ Chú).
Ðịa dư chí của Tự Ðức thì viết rằng sông Ðổ Chú dài 172 lý. Có thể chiều dài này chỉ tính cho phần của dòng sông mà người Việt có quan tâm.
Về các tài liệu của Trung Hoa, Vân Nam Thống Chí (ấn bản thứ hai) có mô tả sông Ðổ Chú như sau :
“Sau khi hợp lưu, hai con sông Ðồng Xa hà 同車河 và Mã Trát Xung hà 馬札衝河 trở thành Ðồng Xa hà. Sông nầy chảy từ hướng Tây đến Nam, đổ vào sông Bàn Long hà 盤龍河(5). Sau khi chảy được vài mươi lý, sông Bàn Long nhận từ bên phải của nó, tại cầu Thiên Sinh 天生橋, sông Ðổ Chú.
“Sông Ðổ Chú : Sông Ðổ Chú bắt nguồn khoảng một trăm vài mươi lý ở phía Tây Nam phủ đường Khai Hóa. Sau khi chảy vài mươi lý theo hướng Ðông Nam, dưới chân những ngọn núi, sông nầy mất tích. Nó chỉ hiện ra lại cách đó khoảng vài mươi lý, chảy theo hướng Ðông, và đổ vào sông Bàn Long 盤龍河.
“Sau khi chảy ngầm dưới đất vài lý, sông nầy hiện ra ở phía Nam, chảy theo hướng Ðông Nam, tạo thành khúc quanh Ðằng Kiều hà 籐橋河. Khúc quanh nầy dài 180 lý và đi về hướng Nam để vào Việt Nam. Nó đổ vào ở phía Nam sông Thanh Thủy.”
Bản đồ 3: Sông Đổ Chú, theo đại chí Vân Nam, là một chi nhánh thuợng nguồn sông Lô (Thanh Thủy, tức rivière Claire. Rivière Claire có nghĩa là “sông nước trong”, tức thanh thủy).
Mâu thuẩn ở đây khá quan trọng: phía Việt Nam, cụ Lê Quí Đôn, thì cho rằng sông Đổ Chú là một nhánh thượng nguồn của sông Chảy trong khi địa chí của Trung Hoa, trong Vân Nam thống chí thì lại cho rằng sông Đổ Chú là một nhánh ở thuợng lưu sông Lô. Một số địa chí của VN, khi thì chép lại địa chí của Trung Hoa, khi thì chép của cụ Lê Quí Đôn, do đó có nhiều mâu thuẩn.
Vị trí thực của sông Đổ Chú được ghi dấu trong các bản đồ ở phần dưới: nó là một nhánh ở thợng nguồn sông Chảy.
Đất Tụ Long được trả lại Việt Nam và ranh giới được xác định bằng sông Đổ Chú. Biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa trong khu vực này, theo Đại Thanh Nhứt Thống Chí, còn được xác định bởi các ngọn núi, cửa ải thuộc địa phận phủ Khai Hóa. Địa danh này được mô tả như sau :
Khai Hóa phủ chỉ mới trở thành một phủ của Tàu từ năm 1667. Trước đó gọi là Vương Lộng 王弄 thuộc các dân tộc thiểu số. Vòng thành phủ Khai Hóa được xây năm 1667 bằng đất, có 1.600m chu vi, đến năm 1745 thì được xây lại bằng gạch. Từ Khai Hóa đến biên giới Việt Nam, theo hướng Nam, cách 240 dặm ; hướng Ðông-Nam cách 230 dặm ; hướng Tây-Nam cách 410 dặm .
Có núi Tùng Thúy Sơn cách Khai Hóa phủ 150 dặm. Núi này cùng với núi Lão Quân của Việt Nam, làm ranh giới phân chia hai nước Việt-Trung.
Cửa biên giới có Mã Bạch Quan 馬白關 ở trên sông Ðổ Chú 賭咒.
Phía nam Khai Hóa phủ có vùng đất mang tên Khô Mộc Tiêu枯木簫. Phía Nam đất này có ba cửa ải là Ðẩu Chủy Tam Quan 斗嘴三關 và cửa ải Ngưu Dương 牛羊, các cửa này thông thương với Việt Nam.
Có sông Mãnh Bôn 猛奔河, cách phủ đường 350 dặm về phía Ðông, đến từ Na Lâu 那樓,bên sông Mạn Giang 漫江, chảy vào Việt Nam dưới tên Phổ Lao Hà 普牢河.
Sông Ô-Kỳ 烏期 đến từ rặng núi phía Tây Bắc phủ Khai Hóa, chảy về hướng Tây Nam. Ô Kỳ còn là tên của sông Bàn Long 盤龍 ở thượng nguồn.
Sông Ðổ Chú 賭咒 bắt nguồn ở phía Tây Nam phủ Khai Hóa, chảy về hướng Ðông, sau đó theo hướng Nam để qua biên giới Việt Nam. Sông Ðổ Chú cách phủ Khai Hóa 240 dặm về phía Nam và là biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa. Sông Đổ Chú mang tên (đổ : cờ bạc ; chú : thề thốt) như thế vì ngày xưa dân Mán thề thốt trên sông không làm hại lẫn nhau.
Về vị trí thật sự của các bia đá và sông Đổ Chú, theo ghi chú của các viên chức người Pháp, qua lời kể của viên cựu lý trưởng ở Tụ Long, sau thời phân giới :
Hỏi : Biên giới vùng Tụ Long là từ đâu đến đâu ?
Trả lời : Từ con sông phía Tây Ma Pai (tức Mã Bái Quan), còn có tên Kosoho (vùng Lào Cay) và Ðổ Chú (vùng Ma-Pai), cho đến một bia bằng đá đẻo, ở cách Ma-Pai 4 Km. Bia có kích thước trong bình 2m X 1m. Bia đá nầy có ghi nhiều chú giải, như đánh dấu biên giới và ghi các cam kết của quan lại hai nước để hai bên cùng tôn trọng. Bia đá này đã bị nhổ đi từ 15 năm nay và chuyển về trong một ngôi chùa ở Ma-Pai. Các ghi chú ở trên bia bị xóa và thay vào đó bằng những ghi chú khác.
Hỏi : Sông chảy ở Ma-Pai tên gì ?
Trả lời : Sông nầy có nhiều tên, tùy theo vùng mà nó chảy qua. Ðoạn thượng nguồn (vùng Ma-Pai) thì được biết nhiều dưới tên Ðổ Chú Hà. Ðoạn hạ nguồn (vùng Lào-Kay) thì có tên là Kos-so-ho.
Sông Kos-so-ho, theo các biên bản phân giới, tương ứng với sông Qua Sách (戈索河).
Vấn đề khai thác các mỏ ở Tụ Long :
Dưới thời Bảo Thái (1720-1729) triều đình An Nam mới bắt đầu lưu tâm một cách tích cực đến nguồn tài nguyên phong phú ở Tụ Long. Để việc kiểm soát có hiệu quả, triều đình quyết định giao cho các quan trong triều hay các chấn quan việc điều hành một hoặc hai hầm mỏ. Các vị quan này lại giao việc khai thác cho các vị thổ ti hay thổ mục (tức các tù trưởng lãnh đạo các bộ tộc ở địa phương). Những người nầy tự lo liệu về phí tổn cho việc khai thác. Để kích thích việc tăng gia sản xuất, triều đình hứa nhượng vĩnh viễn cho những ai đã làm cho hầm mỏ có giá trị.
Nhưng một số vấn đề như dị đoan và việc kiểm soát đã làm ảnh hưởng đến các đầu tư của triều đình. Ngô Thời Sĩ, một sử gia nổi tiếng của Việt Nam, lúc đó là đốc đồng vùng Thái Nguyên, đã tâu lên nhà vua một bản tường trình của một người mang tên Bùi Sĩ Tiêm, liên quan đến “các bất lợi của việc khai thác”. Các trở ngại đó được ghi như sau: “việc khai thác đã không thu vào cho công quĩ được 1/10 số thuế mà những người khai thác đáng lẽ phải đóng. Với một kết quả ít oi như vậy, các mạch nước, núi non, đường xá qua lại vùng biên giới, các đèo trên núi cao, các thung lũng và hang sâu thẳm... đã bị người ngoài dẫm lên. Ðây là bất lợi thứ nhất. Sinh khí gân cốt của nước ta bắt nguồn từ xứ Thái Nguyên. Những người khai thác đó đã đào xới đất để đi tìm vàng, đắp nên vô số đồi đất và những hầm sâu có thể chứa hàng trăm người. Chưa có một việc làm nào làm tổn hại đến sinh khí đất đai bằng việc làm nầy. Ðây là bất lợi thứ hai. Người Hoa thì giữ búi tóc và y phục truyền thống của họ. Họ đem về xứ họ tiền bạc kiếm được và số tiền nầy khi qua biên giới là chúng ta mất vĩnh viễn. Ðó là bất lợi thứ ba.” Cùng lúc với bản tường trình, Ngô Thời Sĩ yêu cầu triều đình viết một lá thư gởi chính quyền Lưỡng Quảng để phản đối việc một số lớn người Hoa đã tự động sang nước ta mà không có một giấy phép nào. Việc nầy ắt có mục đích là để chuẫn bị một âm mưu nào đó.
Chúa Minh Vương chấp nhận và viết thư như ý kiến của Ngô Thời Sĩ. Đến năm 1767, vì chính quyền Lưỡng Quảng không trả lời thư, Ngô Thời Sĩ và Nguyễn Ðình Huân được phái đến mỏ Tống Tinh với sứ mạng : “xác định qui chế tốt nhất cho người Hoa”. Có nghĩa là, bằng một cách nói khác, tìm cách trục xuất tất cả những người Hoa mà chúng ta cảm thấy không cần thiết. Nhưng Chúa Minh Vương qua đời trong lúc việc này đang được thực hiện. Thời Sĩ và Ðình Huân chỉ giới hạn công việc thiết lập phần nào trật tự trong đám thợ người Hoa, xác định lại thuế má và sau đó trở về. Và việc khai thác các hầm mỏ do những biến động chính trị lại trở về tình trạng cũ.
Các vị vua đầu tiên của triều Nguyễn sau này không thua kém chúa Trịnh về việc kinh bang tế thế, nhưng phong kiến hơn Chúa Trịnh về văn hóa Trung Hoa. Các vị vua nầy còn dị đoan hơn trong một số phong tục.
Năm 1833, qua việc nổi dậy của tù trưởng người Nùng là Nông Văn Vân ở bốn tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn hay năm 1862, các bộ lạc người Mèo nổi dậy ở Tuyên Quang… các việc này đã tàn phá vùng hầm mỏ Tụ Long. Các mỏ này bị bỏ hoang (triều đình mất kiểm soát, dĩ nhiên người Hoa ở Khai Hóa tiếp tục khai thác). Các vua nhà Nguyễn, do dị đoan, đã không khuyến khích việc khai thác. Đáng lẽ việc khai thác các mỏ đồng trong thời điểm đó đã có thể giúp cho Việt Nam nguyên liệu cần thiết để đóng thuyền bè hiện đại theo lối Tây phương mà việc này có thể sẽ bảo vệ được bờ cõi trước sự xâm lấn của các đế quốc Phương Tây.
Các mỏ ở Tụ Long lần hồi bị quên trong ký ức của người Việt. Đến khi Việt Nam bị Pháp chiếm làm thuộc địa, vùng đất Tụ Long chỉ được biết qua các sử liệu về địa lý mà bỏ qua hoàn toàn các chi tiết về kinh tế. Trong khi đó, vào thời kỳ phân định, ông Tôn Thất Thuyết và tùy tùng lẩn quẩn ở vùng biên giới tỉnh Tuyên Quang. Ông này hô hào dân chúng trong vùng, như xúi giục dòng họ Đèo ở Hưng Hóa ngày xưa – tức vùng hữu ngạn sông Đà ngày nay, đốt bỏ làng mạc theo lối tiêu thổ, sau đó theo ông sang Long Châu, Trung Quốc. Các việc này càng làm cho Việt Nam bất lợi trong phân định biên giới. Vì việc phân định biên giới chủ ở việc xác định « quốc tịch » người dân trong các làng mạc. Dân thuộc quốc tịch nào thì làng đó thuộc về nước đó. Tụ Long mất vào tay Trung Hoa sau này, do Pháp trao đổi kinh tế với Trung Hoa, nhưng một phần cũng do đầu óc bài Tây đến mức không còn phân biệt được các việc lợi hại cho đất nước của các quan chức phong kiến VN thời đó.
III. Đất Tụ Long bị Pháp nhượng cho Trung Hoa theo công ước 1887.
Buổi họp đầu tiên giữa hai phái đoàn Pháp-Thanh phân định biên giới vùng Vân Nam diễn ra vào ngày 23 tháng 7 năm 1886. Ủy ban Pháp do ông Dillon cầm đầu, thay thế ông St Chaffray bị bệnh. Phái đoàn Trung Hoa do ông Tcheou To-Joun cầm đầu. Lúc này quân Trung Hoa vẫn còn chiếm đóng vùng nay gọi là Hà Giang, trên sông Thanh Thủy.
Vùng biên giới Vân Nam được phân định trên bản đồ, chia làm 5 tiểu đoạn. Ðoạn thứ 1 bắt đầu từ hợp lưu sông Lũng Pô với sông Hồng cho đến Mường Khương. Ðoạn thứ 2 từ Mường Khương đến Cao Mã Bạch. Ðoạn thứ 3 từ Cao Mã Bạch cho đến Pou Mei Ho (ltg: tức sông Nho Quế). Ðoạn thứ 4 từ sông Nho Quế đến giao giới tỉnh Quảng Tây. Ðoạn thứ năm từ hợp lưu sông Lũng Pô (Long-Bác 龍賻) với sông Hồng cho đến biên giới Lào.
Đất Tụ Long và Phương Độ thuộc đoạn 2, từ Mường Khương đến Cao Mã Bạch. Hồ sơ của ủy ban Pháp, phần liên quan đất Tụ Long, đã thành lập rất đầy đủ, một phần đã được tác giả trình bày ở phần trên. Tấm bản đồ 3 dưới đây, dựa lên địa chí hai nước, cho thấy phía người Pháp, mặc dầu không ra thực địa để khảo sát, cũng đã xác định một cách hết sức chính xác đường biên giới hai nước Việt-Trung trong vùng Tụ Long. Tức vùng biên giới giữa phủ Khai Hóa thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Hoa với biên giới tỉnh Tuyên Quang (ngày xưa chưa lập tỉnh Hà Giang), Việt Nam.
Bản đồ 3: đính kèm theo hồ sơ Tụ Long của phái đoàn phân định Pháp (Tụ Long annex 4).
Bản đồ 4 : bản đồ 4, phóng ra từ bản đồ 3, ta nhận thấy có ghi nhiều chi tiết quan trọng xác định biên giới cũ, tức biên giới năm 1728. Vùng đất giới hạn giữa hai con sông: sông Hồng (fleuve Rouge trên bản đồ) và sông Lô (rivière Claire trên bản đồ). Đất Tụ Long, tiếp cận với phủ Khai Hóa, được xác định bằng hai bia đá cắm bên bờ sông Đổ Chú.
Như thế, phía bên Pháp đã lập hồ sơ hoàn toàn phù hợp với các địa chí Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng như phần phân định biên giới ở đoạn 1, đã được trình bày qua bài viết nói về biên giới tỉnh Quảng Ninh ở đây:
cho dầu với những bằng chứng không thể chối cãi về vị trí của đường biên giới, phía Trung Hoa muốn chiếm đất Tụ Long của Việt Nam, bèn dựa vào một ghi chú sơ sót của một bộ địa chí Việt Nam, về vị trí con sông Ninh Biên cũng như sự lẫn lộn giữa sông Ninh Biên và sông Đổ Chú.
Sông Ninh Biên, là tên gọi của sông Chảy ở hạ lưu, phần thuộc Việt Nam. Khu vực Lào Cai sông này gọi là Qua Sách (戈索河). Phần thượng nguồn, ở phủ Khai Hóa, có tên là Đổ Chú.
Sông này đã được mô tả phần trên: Sông Lôi hà雷河, còn gọi là sông Chảy, chảy ở phía trái của Thao hà 洮河 (sông Hồng), bắt nguồn từ phía trong của phủ Khai Hóa (tại đây có tên là Ðổ Chú); khi nó chảy đến, phần hạ lưu, vùng Hưng Hóa, bờ tả ngạn sông này làm thành châu Vị Xuyên và hữu ngạn làm châu Thủy Vĩ. Nó chảy qua làng Na Cang, Tâm Phú 心富, Bắc Hà 北河, Thập Ðô 十都 và đến điếm canh Bảo Nghĩa 保義.
Địa chí Việt Nam, không phân biệt sông Chảy ở thuợng nguồn hay hạ nguồn, gọi chung là sông Ninh Biên, đồng thời xem đó là biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa. Chi tiết sai này đến nay vẫn còn thấy trong bộ Đông Khánh Sắc Chế Ngự Lãm (tức bộ Đồng Khánh Địa Dư Chí vừa xuất bản), trong phần tỉnh Tuyên Quang.
Dựa vào chi tiết này, phía người Hoa nhất quyết cho rằng biên giới lịch sử hai nước Việt-Trung là sông Ninh Biên (mà họ gọi là Hắc Hà). Sau khi phía phái đoàn Pháp đưa những bằng chứng, dẫn từ địa chí Trung Hoa, đất Tụ Long đã trả lại cho VN theo chiếu chỉ của vua Thanh năm 1728. Biên giới tại đây xác định bằng hai bia đá, cắm ở Mã Bái Quan, bên hai bờ sông Đổ Chú, theo như bản đồ trên. Nhưng phía người Hoa vẫn không nhượng bộ, cho rằng sông Ninh Biên mới là Đổ Chú Hà. Còn sông Đổ Chú thật thì họ gọi là « tiểu Đổ Chú hà ». Vấn đề phân định vì vậy bế tắt. Quan điểm của phái đoàn người Hoa được ghi lại qua biên bản ký ngày 6 tháng 10 năm 1886, đoạn liên hệ như sau :
« … Du point marqué sur le Niou-yang-ho, près du confluent de cette rivière avec le grande rivière (rivière Claire)(point où s’arrête le ligne frontière venant de l’Ouest) jusqu’à Pei-pao et Tchouan-kou, les Commissaires Impériaux Chinois trouvent que la ligne médiane de la grande rivière (riv. Claire) forme la frontière. Ils trouvent aussi qu’à l’Est de la petite rivière coulant près de Nan-tong-ka (Nam-dong-Kha), les endroits de Liou-choui-tong et de Lao-ai-kau forment la frontière (la moitié de chacun d’eux appartenant au Yunnan et la moitié au Tonkin) et, qu’après les avoir coupés, la frontière va dans la direction du Nord jusqu’au près de Cao-ma-bach (Cao-ma-pai), au-delà de la rive orientale du Lou-choui-ho.
Les commissaires français trouvent qu’il en est tout autrement et que, sur cette portion, la frontière court au Nord de la rivière Claire. »
Tạm dịch :
« … Từ điểm được ghi dấu trên Nam Lượng Hà, gần hợp lưu sông này với sông Lô (sông Claire, điểm chấm dứt đường biên giới đến từ phía Tây) cho đến Bắc Bảo và Thuyền Ðầu, ủy ban Trung-Hoa cho rằng đường trung tuyến của sông Lô là đường biên giới. Ủy ban này cũng cho rằng phía Ðông của con sông nhỏ gần Nam Ðôn Kha, các địa danh Lưu Thủy Ðộng và Lão Ải Khảm ở trên đường biên giới (phân nửa mỗi địa phương thuộc về mỗi bên), sau khi chia cắt hai địa phương này, đường biên giới theo hướng Bắc cho đến gần Cao Mã Bạch, ở phía bên kia bờ phía Ðông sông Lưu Thủy.
Các ủy viên Pháp thì có ý kiến khác, theo họ trong đoạn này đường biên giới ở về phía Bắc của sông Lô. »
Bản đồ 5 dưới đây là bản đồ của ủy ban Pháp thành lập, theo bản đồ « annex 4 », tức vùng đất giữa sông Hồng (fleuve Rouge) và sông Lô (rivière Claire) :
Bản đồ 5.
Bản đồ 6 dưới đây là bản đồ vẽ đồ tuyến biên giới theo đòi hỏi của hai phái đoàn. Phía Pháp, đòi hỏi đường biên giới là đường biên giới lịch sử năm 1728, tức là sông Đổ Chú ở Mã Bái Quan. Trên bản đồ được ghi là Tiểu Đổ Chú Hà. Phía người Hoa, đòi hỏi biên giới là “Đổ Chú Hà”, trong dấu ngoặc ghi Hắc Hà, tức sông Chảy.
Bản đồ 6 : Đường vẽ đỏ phía bắc là đường biên giới lịch sử 1728, là đồ tuyến do phái đoàn Pháp đề nghị. Đường vẽ đỏ phía nam là đồ tuyến của phái đoàn Trung Hoa đòi hỏi.
Vấn đề tranh chấp đất Tụ Long (đoạn 2) và đất hữu ngạn sông Hồng (đoạn 5) vùng biên giới Vân Nam, cũng như tranh chấp tại Quảng Ðông, đã được đưa về Bắc Kinh, Tổng Lý Nha Môn và Ðặc Sứ Toàn Quyền Pháp (ông Constans) cùng giải quyết.
Kết quả tranh chấp biên giới được ghi lại trong biên bản bế mạc công trình phân giới 26 tháng 6 năm 1887. Kết quả này đã không chỉ làm cho người Việt thất vọng mà nhiều viên chức người Pháp cũng đã phẫn nộ lên tiếng phản đối.
Bản tường trình của dân biểu Dureau de Vaulcompte, phát ngôn viên của ủy ban nghiên cứu Công Ước về thương mãi ký ngày 25 tháng 6 năm 1887, đã phát biểu về việc này như sau:
« Các ủy ban Trung Hoa - chỉ gắn bó với điều khoản sửa đổi các chi tiết có thể có trên biên giới Bắc Kỳ - có ý muốn thiết lập một đường biên giới mới. »
Sau đây là nguyên văn đoạn công ước làm tại Bắc Kinh về biên giới liên quan đoạn 2, vùng Tụ Long.
Phần chữ Việt và Hán do tác giả theo bản đồ phân giới ghi thêm vào :
« De Kéou-téou-tchaï (Cao-dao-traï 拘頭寨 Câu-Đầu Trại) sur la rive gauche du Siao-tou-tchéou-hô (Tieu-do-chu-ha 小賭呪河 Tiểu Đổ-Chú Hà), point M de la carte de la 2e section, elle se dirige pendant 50 lis (20 km) directement de l’ouest vers l’est, en laissant à la Chine les endroits de Tsiu-Kiang-cho ou Tsiu-y-chô (Tu-nghia-xa 聚義社 Tụ-Nghĩa Xã), Tsiu-mei-chô (Tu-mi-xa 聚美社 Tụ-Mỹ Xã), Kiang-feï-chô ou y-fei-chô (nghia-phi-xa 義肥社 Nghĩa-Phì Xã), qui sont au nord de cette ligne, et à l’Annam celui de Yéou-p’oug-chô (Hu-bang-xa 有朋社 Hữu-Bằng Xã), qui est au sud, jusqu’aux points marqués P et Q sur la carte annexe où elle coupe les deux branches du second affluent de droite du Heï-Ho (Hac-Ha 黑河Hắc-Hà) ou Tou-tchéou-ho (Do-chu-ha 賭呪河 Đổ Chú Hà).
A partir du point Q, elle s’infléchit vers le sud-est d’environ quinze lis (6 kilomètres) jusqu’au point A, laissant à la Chine le territoire de Nan-tan (Nam don 南丹 Nam Đơn) au nord de ce point R ; puis, à partir de ce point, remonte vers le nord-est jusqu’au point S, en suivant la direction tracée sur la carte par la ligne RS, le cours du Nan-teng-hô (Nam dang ha 南燈河 Nam-Đăng Hà) et les territoires de Mam-meï (Man mi 縵美 Mán-Mỹ) de Meng-toung-tchoung-ts’oun (Mãnh-Cang Trung Thôn 猛 崗 中村) restant à l’Annam.
A partir du point S (Meng-toung-chia-ts’oun ou Mãnh-Cang Hạ Thôn猛 崗下村), le milieu du Ts’ing-choueï-hô (Thanh-Thủy Hà) indique, jusqu’à son confluent en T avec la rivière claire, la frontière adoptée.
Du point T, son tracé est marqué par le milieu de la rivière claire, jusqu’au point X à hauteur de Tch’ouan-téou (Thuyan-dou 船頭 Thuyền-Ðầu).
Du point X, elle remonte vers le nord jusqu’au point Y, en passant par Paï-ché-Yai (Bach-Thach-qiaï Bạch Thạch Nhai) et Lao-aï-k’an (Lao-aï-kan Lão Ải Khảm), la moitié de chacun de ces deux endroits appartenant à la Chine et à l’Annam. Ce qui est à l’est appartient à l’Annam, ce qui est à l’ouest, à la Chine.
A parti du point Y, elle longe dans la direction du nord la rive droite du petit affluent de gauche de la rivière Claire qui le reçoit entre Pien-pao-Kia (Bien-bao-kha Thiên Bảo Kha) et Peï-pao (Bac-bao Bắc-Bảo) et gagne ensuite Kao-ma-paï (Cao-ma-bach Cao Mã Bạch), point Z, où elle se raccorde avec le tracé de la 3e section. »
Tạm dịch :
« Từ Cẩu Ðầu Trại ở phía tả ngạn sông Tiểu Ðổ Chú Hà, đường biên giới đi trực tiếp từ Tây sang Ðông khoảng 50 dặm (20 km) - để lại phía Trung Hoa các vùng Tụ Nghĩa Xã, Tụ Mỹ Xã, Nghĩa Phi Xã, các địa danh nầy ở về phía Bắc của đường biên giới và để cho An Nam Hữu Bằng Xã, ở về phía Nam đường biên giới - cho đến các điểm ghi P và Q trên bản đồ đính kèm, là nơi đường biên giới cắt hai nhánh của phụ lưu hữu ngạn thứ hai của sông Hắc Hà hay sông Ðổ Chú.
Từ điểm Q, đường biên giới nghiêng về hướng Ðông Nam, khoảng 15 lý (6 km), cho đến điểm R, để lại phía Trung Hoa vùng đất Nam Ðơn (chú-thích tg : là vùng mỏ chì pha bạc) ở về phía Bắc điểm này. Sau đó, từ điểm R nói trên, đường biên giới hướng về phía Ðông-Bắc, cho đến điểm S theo như hướng đã vẽ trên bản đồ (nối hai điểm) R-S, sông Nam Ðăng cũng như các địa danh Mạn Mỹ, Mường Tung trung thôn và Mường Tung hạ thôn thì thuộc về An Nam.
Từ điểm S (Mường Tung hạ thôn), đường biên giới là trung tuyến sông Thanh Thủy, cho tới hợp lưu của nó là điểm T với sông Rivière Claire (sông Lô).
Từ điểm T, đường biên giới là đường trung tuyến của sông Claire (Lô) cho tới điểm X, ở khoảng Tch’ouan-teou (Thuyền Ðầu hay Ðẩu).
Từ điểm X, đường biên đi về hướng Bắc, cho đến điểm Y, sau khi xuyên qua Bạch Thạch Nhai và Lão Ải Khảm. Phân nửa của hai vùng đất trên đây thuộc về Trung Hoa và An Nam. Phần ở phía Ðông thì thuộc An Nam, phần ở về hướng Tây thì thuộc về Trung Hoa. (3)
Bắt đầu từ điểm Y, đường biên giới đi về hướng Bắc, chạy dọc theo nhánh hữu ngạn của phụ lưu nhỏ, phía tả ngạn của sông Lô, mà nhánh sông nầy chảy ở khoảng giữa Thiên Bảo Kha và Bắc Bảo, và đi đến sau đó Cao Mã Bạch là điểm Z, tại đây đường biên sẽ nối với đồ-tuyến của đoạn thứ 3. »
Bản đồ đính kèm công ước là bản đồ 6 dưới đây :
Bản đồ 5: theo đó ta thấy đường biên giới được hoạch định là đường thẳng nối các điểm M,N,P,Q,R,S,T,X,Y, và Z.
Như thế vùng đất tranh chấp được các quan chức ở Bắc Kinh chia làm hai: mỗi bên được một nửa. Vùng đất Tụ Long bị mất về tay Trung Hoa là như thế.
Tuy nhiên, việc phân chia các vùng đất tranh chấp theo công ước 1887 đã không đơn giản. Lý do là các bản đồ phân định đều sai hoàn toàn, không có điểm nào phù hợp trên thực địa. Mặt khác, việc hoạch định biên giới theo đường thẳng, bất kể sông suối, núi đồi, làng mạc… là việc không thể. Do đó vùng đất này được phân định lại năm 1895. Riêng đoạn thứ 5, tức vùng đất tranh chấp tên gọi Hưng Hóa, công ước 1887 đã nhượng hoàn toàn vùng hữu ngạn sông Đà cho Trung Hoa. Phần đất này chỉ lấy lại được theo công ước bổ túc 1895, do việc trao đổi đất đai thuộc tổng Phương Độ (thuộc đoạn 2). Người viết sẽ trở lại qua bài viết khác. Phần tiếp theo sẽ là tìm hiểu việc ký lại công ước 1895, việc cắm mốc đoạn 2, tức vùng Tụ Long, việc mất đất tổng Phương Độ, theo như nội dung của bài viết này.
Bản đồ 6: xác định vị trí của sông Đổ Chú là một nhánh thuợng nguồn sông Chảy (cụ Lê Quí Đôn đã viết đúng), vị trí Mã Bái và hai bia đá đánh dấu biên giới hai nước phân định năm 1728. Vùng gạch đỏ là đất Tụ Long nhượng cho Pháp (bao gồm hệ quả của công ước bổ túc 1895).