Đường lối chính trị
của Việt Nam hiện nay, hơn bao giờ hết, thể hiện ý chí “tự lực, tự cường”. Mặc dầu
thông điệp “Xây dựng lòng tin chiến lược” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mở lộ ý
muốn có sự hiện diện các cường quốc tại khu vực, nhất là Hoa Kỳ, để cân bằng thế
lực ngày một áp đảo và đe dọa của Trung Quốc trong khu vực. Chính sách “tự lực
tự cường” của Việt Nam cho thấy đang có vấn đề. Những dấu hiệu từ những sụp đổ
của các đại tập đoàn nhà nước, hay việc tham nhũng và xa xỉ của các quan chức làm ta cảm nhận điều này.
Việt Nam có thể điều
chỉnh chính sách được hay không ? Nhiều bài học lịch sử của các quốc gia lân
bang trong quá khứ cho ta thấy có thể được mà cũng có thể không. Một đế quốc
Trung Hoa khổng lồ lần hồi bị phân hủy trước các cường quốc Tây phương, mặc dầu
họ khởi sự chính sách “tự lực tự cường” sớm hơn hết. Nhật đã thành công ngoạn mục
chính sách này, từ học hỏi phương Tây, trở thành ngang hàng với phương Tây, sau
đó đánh bại phương Tây… là một bài học nên nghiền ngẫm. Lại còn Đài Loan, sau
khi bị đồng minh Hoa Kỳ hất chân khỏi ghế đại diện Liên Hiệp Quốc, tình thế nước
này chông chênh nhưng trứng để đầu đá. Chính sách “tự lực tự cường” của họ cũng
đã thành công, từ phát triển kinh tế, hiện đại hóa quân đội… Đảo quốc này hiện
nay có thể sản xuất các loại vũ khí khả dĩ tự vệ chống lại lục địa, như phi cơ
tiêm kích, hỏa tiễn tầm trung (phóng tới Bắc Kinh), mới đây lại sáng chế thành
công hỏa tiễn tự dò mục tiêu (tầm bắn tới Thuợng Hải, Bắc Kinh…). Tự lực tự cường
là như vậy. VN hôm nay chưa sản xuất được bất kỳ loại vũ khí nào để chống một
cuộc tập kích của một đạo hải quân (hiện đại) nước ngoài. Vũ khí để tự bảo vệ của
VN đều mua nước ngoài. Nước ngoài không bán thì VN chết mà kinh tế không lên nổi
VN cũng chết. Nếu dự tính theo đà phát triển kinh tế hiện nay, VN sẽ không còn
khả năng mua khí tài nước ngoài trong vài năm tới.
Tình hình quả nhiên
là dầu sôi lửa bỏng.
1/ Người Trung Quốc
có các phương châm « phú quốc cường binh » hay « tự lực, tự cường ». Mỗi
khi đất nước gặp đe dọa từ bên ngoài là họ thường nhắc câu phương châm này để lấy
lại tự tin, củng cố nội lực và lựa thời cơ trỗi dậy.
Sau chiến tranh nha phiến (1840-1842), Thanh triều phải
chịu khuất phục nhục nhã trước các cường quốc Tây phương, một đường hướng chính
trị « tự lực, tự cường » được áp dụng nhằm hiện đại hóa quân đội. Do
kẻ địch đến từ ngoài biển, mục tiêu hiện đại hóa là lực lượng hải quân.
Nhưng dân tộc Hán là một dân tộc hướng vô lục địa, không
có truyền thống « đại dương » (như dân tộc Nhật). Trung quốc có đến
3.492 hải lý bờ biển, đứng hàng thứ 10 trên thế giới, với nhiều hải cảng tốt
như Ninh Ba, Phúc Châu, Quảng Châu, Hạ Môn... nhưng dân tộc này luôn quay lưng
ra biển, ít nhất cho đến giữa thế kỷ 20. Phía Bắc, Tây Bắc, Tây… của Trung Hoa
là những vùng sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, như Tây Bá Lợi Á, Mông Cổ, Tân Cương,
Tây Tạng… không thích hợp để sinh sống, nhưng người Hán vẫn ra sức chinh phục
và bỏ nhiều công lao để giữ, trong khi mặt biển luôn bỏ trống. Công trình Vạn
lý Trường Thành vĩ đại xây lên cũng để nhằm ngăn chặn kẻ địch đến từ phương Bắc.
Những nhà chiến lược nổi danh nhất Trung Hoa như Tôn Tử, Ngô Tử, Tư Mã Pháp, Lục
Thao, Úy Liễu Tử sống dưới thời Xuân Thu hay Chiến Quốc, tư tưởng của họ được để
lại qua các bộ binh thư, nổi tiếng nhất là Tôn Tử và Ngô Tử, gọi tắt là Tôn Ngô.
Cho đến thời kỳ cận đại, nghệ thuật chiến tranh của Trung Hoa không ra ngoài tư
tưởng Tôn Ngô. Ta thấy binh thư không có ghi trận đánh nào giữa hai hạm đội
trên biển.
Người Hán chỉ tiếp xúc với đại dương vào hậu bán thế kỷ
19 dưới sự cưỡng ép của các cường quốc. Các hải cảng lớn của Trung Hoa được mở
ra hầu hết là do ép buộc của Tây Phương, từ năm 1840.
Chính sách « tự lực, tự cường » được một số
nho sĩ thức thời phụ họa. Những người này thành lập phong trào « Dương Vụ Vận Ðộng
», nhằm vận động người phương Tây để mua vũ khí và học hỏi kỹ thuật. Ta thấy
các nho sĩ này ảnh hưởng sâu đậm thái độ của trí thức Nhật cùng thời. Do sức
trì của nền văn hóa, thế lực « bài Tây » vẫn áp đảo trong triều đình,
việc học hỏi khoa học kỹ thuật của Tây Phương nhằm hiện đại hóa quân đội không
được phổ cập. Chỉ một số địa phương giáp biển áp dụng việc này để củng cố khí
tài cho hải quân phòng vệ.
Sau bài học Chiến tranh Nha phiến lần 2 (1856), « Dương
vụ Vận động » bắt đầu có kết quả. Năm 1861, Thanh triều chấp nhận mở cơ quan
tương đương bộ Ngoại Giao, có tên Tổng Lý Nha Môn nhằm giao thiệp với nước
ngoài. Có 2 khuynh hướng phát triển hải quân: 1/ mua chiến hạm ở nước ngoài, 2/
chế tạo chiến hạm ở nội địa. Nhưng khuynh hướng có chủ trương quay lưng ra biển,
lấy lục địa làm địa bàn chống giặc ngoại xâm vẫn còn rất mạnh.
Khuynh hướng thứ hai được xúc tiến qua việc thành lập một
số « hải quân công xưởng » và « Hải quân Học hiệu » tại các
tỉnh Thuợng Hải, Giang Nam, Tô Châu, Nam
Kinh... Một số cơ xưởng đóng tàu được sự giúp đỡ của các khoa học gia, kỹ thuật
gia người nước ngoài cũng được thành lập. Xưởng đóng tàu Phúc Châu có sự cộng tác của các kỹ sư người Pháp. Những
trung tâm đào tạo (Hải quân Học hiệu) chuyên dạy các ngành nghề khoa học tự nhiên,
kỹ thuật, sinh ngữ, triết học v.v… Từ năm 1868 đến 1879 có đến cả trăm tác phẩm
về khoa học và kỹ thuật được xuất bản. Cơ xưởng đóng tàu cũng đào tạo sĩ quan,
thuyền trưởng cho đội ngũ hải quân tương lai của Trung Hoa.
Năm 1874, cùng lúc cuộc nổi loạn đạo Hồi ở phía Tây thì ở
phía Ðông, hạm đội Nhật Bản lăm le tấn công Ðài Loan. Quân đội Trung Hoa cùng một
lúc đối phó với hai mặt trận. Các quan lại trong đình thảo luận các ưu tiên :
dùng ngân sách quốc gia để dẹp loạn và trấn giữ mặt Tây hay để bảo vệ Ðài Loan
(tức phát triển hải quân) ?
Từ năm 1875 đến 1878, mặt trận phía Tây tốn 26 triệu lạng
bạc. Từ 1878 đến 1881 tốn thêm 25 triệu lạng bạc. Trong lúc đó chi phí cho hải quân
tổng cộng chỉ có 4 triệu lạng bạc. Hao tốn do chiến phí trên bộ thật là ghê gớm.
Trị giá một chiếc thiết giáp hạm do cơ xưởng Giang Nam đóng và hạ thủy vào năm
1885 chỉ có 223.800 lạng bạc.
Cho đến những năm sau 1880, hải quân Trung Hoa vẫn còn lệ
thuộc rất nhiều vào nước ngoài. Số chiến hạm đóng tại nội địa vẫn không hơn số
chiến hạm mua ở nước ngoài. Trong khi việc đào tạo vẫn không cung ứng đủ chuyên
gia, số cố vấn nước ngoài vẫn còn đông đảo.
Mặt khác, những chiến hạm mua được của nước ngoài có rất
nhiều yếu điểm (dĩ nhiên !). Có những trường hợp, 2 chiến hạm vừa đóng
xong tại công xưởng của Anh, chạy chưa tới Trung Hoa phải cập bến Ấn Độ sửa chữa
vài tháng. Cũng có trường hợp mua súng đạn của Nhật, mua xong mới biết đó là
súng đạn loại cũ của quân Nhật phế thải.
Nhưng những chiến hạm đóng tại cơ xưởng nội địa, có
chuyên gia nước ngoài cố vấn, như công xưởng Phúc Châu, sản xuất ra những chiến
hạm có giá trị thực sự.
Nhưng chiến tranh Trung-Pháp về vấn đề Việt Nam đã làm sụp
đổ những công trình xây dựng của Trung Hoa.
Hai nước Pháp và Trung Hoa đã ký kết công ước Fournier để
ngưng chiến (11-5-1884), nhưng biến cố Bắc Lệ, quân Trung Hoa phục kích làm chết
một số lính Pháp. Pháp lên án Trung Hoa vi phạm công ước đã ký kết, đòi bồi thường,
nhưng phía Thanh triều không đồng ý.
Hải quân viễn chinh Pháp do Ðô Ðốc Courbet cầm đầu, gồm
khoảng 40 chiếc thuyền, trong đó có 4 thiết giáp hạm và 14 tuần dương hạm. Ông
dẫn một hạm đội gồm 8 chiếc ngược sông Mân để tiến vào Phúc Châu (thuộc tỉnh
Phúc Kiến) vào ngày 17 tháng 7 năm 1884.
Hải quân Trung Hoa lúc đó gồm có 11 chiến hạm hạ thủy được
9 năm nhưng võ trang không đồng đều. Những chiếc hạm nầy được các chuyên gia
đánh giá là « tốt ». Bốn chiếc hạm do những sĩ quan đào tạo tại hải quân
học hiệu Phúc Châu điều khiển.
Ðô Ðốc Courbet khai hoả vào ngày 24 tháng 8, lúc hai bên
chưa tuyến bố chiến tranh. Cơ xưởng đóng tàu Phúc Châu bị pháo kích nát tan, 22
chiến hạm Trung Hoa bị phá hủy. Từ ngày 25 đến ngày 29, hạm đội Pháp xuôi sông Mân
trở ra biển.
Trái với sự tiên đoán của các chuyên gia thời đó cho rằng
hạm đội Pháp sẽ không còn manh giáp khi ra biển, thực tế phía Pháp chỉ thiệt mạng
vài người. Toàn thể hạm đội vô sự.
Hải quân Pháp thắng dễ dàng do yếu tố bất ngờ, đánh trước
lúc hai bên chưa tuyên chiến. Nhưng « binh bất yếm trá ! », hải quân Trung Hoa
không thuộc binh pháp Tôn-Ngô !
Sau trận này, quan lại Trung Hoa rút kinh nghiệm thất bại.
Các đề nghị : củng cố lại các cơ xưởng đóng tàu, xưởng chế vũ khí và đặt
ra Bộ Hải quân. Cải tổ đội ngũ hải quân, thống nhất toàn bộ chiến hạm địa phương
và phân ra làm 3 hạm đội Bắc Dương, Đông Dương và Nam Dương. Ngày 12 tháng 10
năm 1885 Hải Quân Nha Môn, tương đương bộ Hải Quân được thành lập. Hạm đội biển
Bắc hùng mạnh hơn hết, do việc phải đương đầu với Nhật, gồm 25 chiến hạm, gồm
thiết giáp hạm và tuần dương hạm tối tân, trong đó có 4 chiến hạm được đóng tại
các cơ xưởng Anh và Ðức.
Khuyết điểm của Trung Hoa thời kỳ này là nạn phe phái.
Việc này làm cho nỗ lực phát triển và hiện đại hóa hải quân đã không được hiệu quả
tối ưu. Quyền lợi và an ninh của địa phương cao hơn quyền lợi và an ninh quốc gia.
Nạn tham nhũng và thói xa xỉ cũng tác hại không kém. Bà Từ Hi Thái Hậu cho làm
lại Viên Minh Viên, đã bị liên quân Anh-Pháp đốt phá vào cuộc chiến nha phiến lần
2, có xây một chiếc thuyền làm bằng đá bằng ngân sách Hải Quân vào những năm
1889-1894, ước lượng là 12 triệu đô-la thời đó.
Do vậy mà Trung Hoa phải học thêm bài học, tương tự bài
học với Pháp qua trận Phúc Châu, là thua Nhật Bản một cách nhục nhã tại trận Áp
Lục.
2/ Người Nhật cũng có một phương châm có ý nghĩa tương tự
« fuguo qiangbing » của Trung Hoa, là « fukoku kyohei ». Ta có thể so sánh hai
triều đại Tongzhi (1862-1874) ở Trung Hoa với triều đại Minh Trị (Meiji) bắt đầu
từ 1868. Cả hai đều lấy phương châm « nước giàu binh mạnh » làm kim chỉ nam. Nếu
ở Trung Hoa có hải quân công xưởng Phúc Châu do người Pháp phụ trách kỹ thuật
thì ở Nhật cũng có công xưởng Yokosuda, cũng do người Pháp giúp kỹ thuật và điều
hành. Cả hai công xưởng, ngoài việc đóng tàu còn có huấn luyện học thuật Tây Phương
và sinh ngữ.
Những võ sĩ cũ (samourai) được tuyển vào để đào tạo
thành chuyên gia hàng hải. Triều đình Minh Trị phụ trách việc mở mang các cơ xưởng
chiến lược (dưới thời shogun Tokugawa) và tìm cách tập trung việc điều khiển về
trung ương. Sự khác biệt giữa Nhật và Trung Hoa là triều đình nhà Thanh giao việc
xây dựng cơ xưởng cho chính quyền địa phương, trong khi Nhật Hoàng định chế hóa
việc phát triển hải quân. Từ năm 1869 Nhật đã có bộ Hải Quân, những công xưởng
nhà nước được xây dựng từ 1880. Trước đó, nhà nước đã khuyến khích tư nhân đầu tư
vài kỹ nghệ hàng hải bằng những món tiền thưởng lớn lao. Những lãnh chúa bị truất
quyền từ năm 1868, được sự trợ giúp nhà nước, đầu tư vào công, kỹ nghệ. Năm
1880 là thời điểm Nhật chấm dứt giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Việc hiện đại
hóa càng nhanh chóng vì kinh tế tăng trưởng nhờ có sự hợp tác của tư nhân. Nhiều
công xưởng hải quân được bán cho tư nhân như ở Nagasaki, bán cho Iwakari Yataro
vào năm 1884, ông nầy dựng lên hảng Mitsu. Tuy vậy nhà nước vẫn giữ được vị trí
điều khiển một cách khéo léo và bí mật vì những người mua đều là thân tộc với
những người trong chính quyền.
Chính sách « dương vụ vận động », « tự lực
tự cường » để « phú quốc cường binh » đã xảy ra tương tự ở Nhật
và Trung Hoa. Ở Nhật thành công hơn do sự can thiệp (và tổ chức đồng bộ) từ
trên xuống dưới. Xã hội Nhật, mọi người cùng có cơ hội đóng góp trong khi quan
lại Thanh triều chia rẽ, mạnh ai nấy sống.
Kết cục ra sao có thể đoán được.
3/ Áp Lục là tên của con sông hiện nay là biên giới giữa
Trung Hoa và Triều Tiên. Trận chiến mang tên nầy vì đã xảy ra ở vùng biển ngoài
cửa sông giữa hải quân Nhật và hải quân Trung Hoa. Trận chiến xảy ra vào tháng
9 năm 1894. Người Hoa gọi đó là chiến tranh Giáp Ngọ.
Nguyên nhân xung đột giữa Trung Hoa và Nhật Bản là tranh
chấp quyền bảo hộ xứ Triều Tiên. Nhân một biến cố nhỏ, Nhật tuyên bố chiến tranh
và từ chối mọi đề nghị hòa giải từ phía Trung Hoa.
Lực lượng hải quân Nhật gồm có 32 chiến hạm còn khá mới
và 24 thủy lôi hạm (torpilleur), do một đoàn thủy quân dạn dày kinh nghiệm điều
khiển.
Phía Trung Hoa có 65 chiến hạm tối tân và 43 thủy lôi hạm,
chia làm ba hạm đội, nhưng việc phân bổ không đồng đều. Gồm các hạm đội Bắc Dương,
Ðông Dương và Nam Dương.
Trong trận Áp Lục, mỗi bên tung ra trận 12 chiến chạm.
Chiến hạm phe Trung Hoa có ưu điểm được trang bị súng lớn
nhưng tàu vận hành chậm, súng bắn không nhanh. Hai chiếc thiết giáp hạm
Dingyuan và Zhengyuan được chuyên gia nước ngoài là các ông W. Tyler (người
Anh) và Philo N. MacGiffin (người Mỹ) hợp tác chỉ huy. Hai chiếc hạm nầy mua của
Ðức. Trong trận hải chiến người ta nhận thấy vỏ hai chiếc tàu nầy chịu đựng được
đạn đại bác bằng gang do thủy lôi hạm của Nhật bắn. Như vậy phe Trung Hoa còn
có thêm ưu điểm về sức chịu đựng của thiết giáp hạm.
Hạm đội Trung Hoa do
Ðề Ðốc Ding Ruchang chỉ huy. Ông nầy quê quán ở An Huy (Anhui), là vị
tướng có cấp bậc cao nhất trong hải quân Trung Hoa. Tuy vậy ông này chỉ có
thành tích ở các trận địa chiến và không phải là sĩ quan hải quân. Hạm trưởng
soái hạm Dingyuan (thiết giáp hạm) là ông Liu Buchan. Ông nầy là cựu sinh viên
hải quân công xưởng Phúc Châu, có thực tập trên tàu của trường (mua của Ðức)
năm 1869. Nhưng kiến thức của ông Liu Buchan đã lỗi thời, không phù hợp với kỹ thuật
của hơn 20 năm sau. Trong số 12 hạm trưởng tham dự trận Áp Lục có 9 vị tốt nghiệp
hải quân công xưởng Phúc Châu. Những người nầy không có kinh nghiệm chiến đấu,
kể cả kinh nghiệm thực tập.
Theo các quan sát viên nước ngoài, trận Áp Lục hoàn toàn
sử dụng vũ khí và tàu bè có kỹ thuật tiên tiến nhất vào thời đó. Lực lượng hai
bên tương đối ngang ngữa.
Kết quả trận hải chiến, như mọi người đều biết, hải quân
Trung Hoa thua thê thảm.
Diễn biến trận đánh, lúc ra trận, thủy thủ đoàn của chiến
hạm Nhật thiện chiến, có kỹ luật, nhất nhất tuân lệnh chỉ huy. Hạm đội Trung Hoa
ra trận cứng nhắc, không biết biến đổi đội hình, cứ dàng hàng ngang tiến tới. Trong
khi hạm đội Nhật không có đội hình nhất định và thay đổi vị trí chiến hạm tùy
theo tình thế.
Không có kinh nghiệm chiến đấu, quân đội không được huấn
luyện, mặc dầu có phương tiện tối tân nhưng hải quân Trung Hoa không thắng được
hải quân Nhật. Chỉ trong vài tuần hạm đội Trung Hoa bị đánh đắm gần hết.
Trung Hoa phải ký hòa ước Shimonoseki với Nhật, bồi thường
chiến tranh 300 triệu lạng bạc, nhượng một số đất đai và quyền lợi cho Nhật.
Sau khi thắng
trận 1894 và được bồi thường 300 triệu lạng bạc, chính quyền Nhật sử dụng khoản
tiền nầy để khuếch trương hàng hải. Một đạo luật ban bố năm 1896 nhằm khuyến khích
việc đóng tàu, sẽ thưởng cho những người đóng tàu hay những người đi biển.
Nhờ đạo luật nầy hàng hải Nhật tiến bộ rất nhanh. Những
hãng tư nhân như Mitsubitshi ở Nagasaki hay hãng Kawasaki ở Osaka phát triển
không kém những công xưởng nhà nước.
Cuộc thủy chiến với Nga 1904-1905 đã xác định được vị trí
đại cường của Nhật. Chiến thắng đạt được là nhờ ở những người lãnh đạo có định hướng
chính trị đúng nhu cầu chiến lược của đất nước, đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa
và công nghệ hóa nước Nhật nói chung và hải quân nói riêng. Liên tiếp 4 thập
niên, Nhật làm bá chủ Châu Á. Năm 1945 Nhật Bản thua trận và đất nước bị tàn phá
khốc liệt. Nhưng chỉ vài thập niên người Nhật lại đẩy vị trí nước Nhật lên hàng
đầu trên trường quốc tế. Trong giai đoạn nầy tư nhân là thành phần chủ đạo
trong việc phát triển.
4/ Kết luận :
Bài học cho Trung Hoa
:
Trở lại tình trạng của
Trung Hoa hiện thời, ta nhận thấy tư tưởng của Ðặng Tiểu Bình về công nghiệp
hóa và hiện đại hóa đất nước, trong đó có quân đội, bắt đầu có ảnh hưởng lên
lãnh đạo Trung Hoa từ 1972. Tư tưởng nầy chấp nhận cả hai khuynh hướng « tự cường
» và học hỏi kỹ thuật của nước ngoài, nhưng trong đó tư nhân người Hoa đóng vai
trò quan trọng. Tổng hợp hai khuynh hướng đó, ta có thể thấy hiện nay Trung Hoa
đã có những thành công đáng kể.
Thành công của Trung
Hoa trong việc phát triển kinh tế từ năm 1979 đến nay, (sự phát triển nầy ra
ngoài dự đoán của hầu hết chuyên gia kinh tế trên thế giới), đã cho phép nước nầy
từng bước một hiện đại hóa quân đội của họ. Hai mũi nhọn ưu tiên không quân và
hải quân đã được trang bị bằng những loại vũ khí tối tân, mua của nước ngoài
hay tự sản xuất, bằng những kỹ thuật hiện đại nhất.
Bài học cho Việt Nam
: Tình trạng Việt Nam, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… tất cả đều suy
thoái (hay suy đồi). Việt Nam có nhiều bài học lịch sử đau thương nhưng chưa có
bài học nào được rút kinh nghiệm.
Người Hoa đã rút tỉa
được các bài học cay đắng, từ năm 1979 đến nay. Việt Nam thì không. Sau gần 4
thập niên thắng được miền Nam, trên thực tế Việt Nam hôm nay đang đi lại từng
bước con đường của triều đình nhà Thanh vào thời kỳ đang ngắc ngoải. Nội bộ
cũng tranh chấp quyền chức, cũng phe đảng, cũng đầu óc địa phương, cũng tham ô,
cũng chuyên quyền, xã hội xáo trộn, dân tình lớp thì thờ ơ với đất nước, lớp
thì thù hận và bất mãn chống chính quyền.
Việt Nam có tới
2.500 cây số đường bờ biển, có diện tích hải phận có thể gấp 3 lần diện tích
lãnh thổ. Vậy mà hải quân Việt Nam hầu như chỉ còn đang trong thời kỳ phôi thai,
mặc đầu bị đe dọa nặng nề từ TQ. Việt Nam cũng chưa có đội hàng hải ngư thuyền
hay thương thuyền nào đáng kể. Biển Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ.
Đảng CSVN không sử dụng
người ngoài đảng hay người thuộc chế độ cũ (còn tệ hơn nhà Thanh ngày xưa) và nặng
đầu óc địa phương. Không nhìn thấy thời thế đã thay đổi; chính trị rập khuôn
theo Trung Quốc cho thấy lãnh đạo Việt Nam vừa không có sáng kiến, vừa mù tịt ở
việc định hướng chiến lược phát triển quốc gia.
Dựa vào Trung Quốc, đảng
CSVN giữ được quyền bính nhưng sẽ không giữ được nước. Khi mà lãnh đạo CS Việt Nam
còn xem quyền bính phe đảng quan trọng hơn là đất nước, khi mà nỗ lực quốc gia
về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… chỉ nhằm tuyên truyền, khi lực lượng
công an, quân đội chỉ dùng vào mục tiêu giữ quyền bính cho đảng lãnh đạo, thì đất
nước lâm nguy.
Không nhanh chóng
thay đổi thể chế, dân chủ hóa đất nước, thanh lọc lại hàng ngũ lãnh đạo… VN có
nguy cơ sụp đổ, như nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.