mercredi 24 décembre 2014

Hiệp định Phân định vịnh Bắc Việt 25-12-2000 : đàm phán trên một căn bản bất bình đẳng.


Kết quả phân định Vịnh Bắc Việt (do Hiệp ước phân định Vịnh Bắc Bộ 25-12-2000) đã được nhà nước công bố từ lâu. Xét trên bản đồ và bản tọa độ các giới điểm đính kèm hiệp ước, Vịnh được phân chia bằng 21 giới điểm. Theo các giới chức hữu trách thì Vịnh được phân định bằng đường « trung tuyến có điều chỉnh ». Tuy nhiên, nếu tính toán lại các tọa độ, ta thấy rằng các giới điểm đều lấn sang phía VN một cách « vô trật tự », không theo một tỉ lệ nhất định nào. Có chỗ lấn nhiều (50km), có chỗ lấn ít (5km) như dưới đây. Việc phân định vì vậy không theo đường « trung tuyến », mà theo yêu sách (hay nhượng bộ) của bên này đối với bên kia. Ông Lê Công Phụng (nguyên thứ trưởng bộ Ngoại giao) có trả lời phỏng vấn Văn Hóa Magazine của ông Lý Kiến Trúc (23-9-2008), cho biết « phhía TQ đề nghị nhượng VN 3.000km² biển ở một nơi để đổi lấy 150km² biển ở nơi khác ». Điều này cho thấy việc phân định trong vịnh Bắc Việt không đặt căn bản trên các nguyên tắc luật lệ, hay các qui ước của quốc tế, mà do thuơng lượng giữa hai bên.

Vấn đề là, TQ đã « nhượng » cho (lãnh đạo) VN cái gì để đền bù những khoản VN bị thiệt hại ? Câu trả lời phải hỏi lãnh đạo (hay xét túi các lãnh đạo) mới biết. Đất nước VN không được cái gì !

Cận bờ VN có khoảng 3.000 đảo, tất cả đều không tính hiệu lực. Trong khi các đảo phía TQ, bất kể lớn, nhỏ, cận bờ hay xa bờ, đều được hiệu lực 100%.

Các giới điểm từ 1 đến 8, thuộc khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân. Việc phân định khu vực này không công bằng vì VN thiệt hại tại các bãi Dậu Gót, Tục Lãm, Tài Xẹc…

ban do phan dinh 2000
Bản đồ đính kèm hiệp định phân định Vịnh Bắc Việt.

Giới điểm 9 lấn sang VN khoảng 10km.

Giới điểm 10 lấn sang VN (đảo Bạch Long Vĩ) khoảng 24km (đối với đảo Vị Châu và Tà Dương).

Giới điểm 11, hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ không đáng kể (lấn sang VN 75%, so với đảo Hải Nam).

Giới điểm 12, vừa không tính hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ, lại vừa lấn qua phía VN khoảng 6 km.

Giới điểm 13, lấn sang VN khoảng 18km.

Giới điểm 14, lấn sang VN đến 36km.

Các giới điểm 15, 16 lấn sang VN trên 20km.

Giới điểm 17 lấn sang VN gần 50km.

Giới điểm 18 lấn sang VN 5 km.

Các giới điểm 19, 20, 21, đáng lẽ phải lấn sang phía TQ vì phía bờ VN có đảo Cồn Cỏ, thì được phân chia 50-50.

Điều tệ hại nhất, là chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ. Nội dung Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ 25-12-2000 không nói chủ quyền Bạch Long Vĩ thuộc về nước nào.

Thời gian gần đây báo chí TQ đăng các bài viết của học giả TQ, theo đó họ lý luận rằng đảo Bạch Long Vĩ, theo lịch sử, thuộc về TQ.
Các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông cũng nhìn nhận thực tế này. Họ cho rằng « trên nguyên tắc », TQ có thể đặt lại vấn đề chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ.

Vì vậy, việc phân định Vịnh Bắc Việt năm 2000 là một thất bại lớn lao cho phía VN. Trong khi trên thực tế, với lợi điểm địa lý (đường bờ biển dài hơn, có nhiều đảo hơn…) nếu phân định theo các nguyên tắc của quốc tế, VN không bị thiệt hại đến hơn 4.000km². Ngoài ra, với lợi điểm lịch sử và pháp lý, đảo Bạch Long Vĩ thuộc chủ quyền VN không thể tranh cãi. VN cũng có thể giữ lập trường của mình theo đường phân định năm 1887, lợi hơn TQ đến 11.000km².

Những thiệt hại này cho thấy sự thất bại nặng nề của VN trong vấn đề đàm phán. VN đã có những nhượng bộ vô nguyên tắc, từ việc phân định biên giới biển cho tới việc thiếu sót sự khẳng định chủ quyền của VN tại đảo Bạch Long Vĩ.

Thời gian gần đây các lãnh đạo VN thường xuyên ra đảo Bạch Long Vĩ để ủy lạo các chiến sĩ đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vấn đề « tranh chấp » này đáng lẽ không xảy ra. Nguyên nhân là do phía VN bất cẩn hay do có « tính toán » trước ?

Nhìn lại một vài sự kiện lịch sử về tranh chấp hai bên VN và TQ trong Vịnh Bắc Việt là cần thiết.

************
Diển biến tranh chấp về biên giới giữa hai nước Việt-Trung của VN được ghi lại khá rõ trong tài liệu « Sự thật về quan hệ Việt Trung », NXB Sự Thật, tháng 10-1979, còn gọi là « Bị Vong Lục ».

Tháng 11 năm 1957, lãnh đạo CSVN đề nghị với Trung Quốc : « hai bên giữ nguyên trạng 2 đường biên giới do lịch sử để lại. Các tranh chấp về biên giới, nếu có, sẽ giải quyết bằng thuơng lượng, theo luật pháp quốc tế ». Tháng 4 năm 1958, phía Trung Quốc trả lời đồng ý đề nghị của Việt Nam.

« Hai đường biên giới do lịch sử để lại » ở đây dĩ nhiên một là đường biên giới trên bộ, hai là đường biên giới trên biển, do Pháp và nhà Thanh phân định, theo nội dung của hai công ước về biên giới 1887 và 1895.

Quan điểm của hai bên về biên giới trong Vịnh Bắc Việt, được VN nhắc lại vào tháng 12 năm 1973 :

« Công ước Pháp-Thanh 1887, điều 2, đã nói rõ kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc bộ. Phía VN sẵn sàng bàn với phía TQ để xác định về cửa vịnh Bắc bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh. »

Tuyên bố này có lẽ xảy ra giữa lúc lãnh đạo Hà Nội và Bắc Kinh bất đồng về vấn đề chiến tranh VN, mà nguyên nhân sâu xa là VNDCCH nghiêng về phía Liên Xô (hơn TQ).

Sau khi xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của VN tháng giêng 1974, lập trường của TQ về biên giới trong Vịnh Bắc Việt thay đổi. Họ cho rằng : « trong vịnh Bắc bộ xưa nay không hề có đường biên giới, nay hai nước phải bàn bạc phân chia. »

Về việc có « đường biên giới trong vịnh Bắc bộ » hay không, ta sẽ xét nội dung điều 2 công ước 1887 sau đây.

Điều nên biết, công ước phân định biên giới Pháp-Thanh 26 tháng 6 năm 1887 thực tế là biên bản bế mạc (1, 2, 3, 4… ) của công trình phân định biên giới trên đất liền. Buổi họp mặt diễn ra tại Bắc Kinh, giữa ông Constans và Lý Hồng Chương, nhằm giải quyết những bế tắc mà hai phái đoàn Pháp-Thanh phân định biên giới đã không thể giải quyết trên thực địa. Nguyên văn khoản 2 của công ước :

2° Les points sur lesquels l’accord n’avait pu se faire entre les deux Commissions et les rectifications visées par le 2e paragraphe de l’article 3 du Traité du 9 juin 1885 sont réglés ainsi qu’il suit :
Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de la délimitation, sont attribués à la Chine. Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105° 43’ de longitude est, c’est-à dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-Kou ou Ouan-chan (Tra-Co) et formant la frontière, sont également attribués à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam.
Les Chinois coupables ou inculpés de crimes ou délits qui chercheraient un refuge dans ces iles seront, conformément aux stipulations de l’article 17 du Traité du 25 Avril 1886, recherchés arrêtés et extradés par les autorités françaises.

Tạm dịch:

2° Các điểm mà hai Ủy Ban đã không thể giải quyết đồng thời những sửa đổi (về biên giới) chiếu theo phần 2, điều 3, của Công-Ước 9 tháng 6 năm 1885, được giải quyết như sau :
Tại Quảng Ðông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Ðông và phía Ðông Bắc Móng Cái, những điểm nầy ở phía bên kia của đường biên giới đã được ủy ban phân định xác định, chúng được giao cho Trung-Hoa. Những hòn đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ kinh độ Ðông, có nghĩa là đường thẳng Bắc-Nam đi qua đông điểm của đảo Tch’a-Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Go-Tho và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh tuyến nầy thì giao cho An-Nam.
Những người Hoa phạm tội hay bị buộc tội muốn tìm nơi ẩn trốn tại các đảo này sẽ bị nhà cầm quyền Pháp truy nã, bắt giữ và trục xuất, đúng theo qui định điều 17 của Hiệp ước 25-4-1886.

Nội dung điều 2 trên đây có đề cập đến một « đường biên giới », trong cụm từ « formant la frontière ».

Để rõ rệt hơn, xét bản đồ đính kèm Công ước. (Bản đồ này do tác giả tìm ra ở CAOM vào đầu thập niên 2000) :

Bản đồ phân định vịnh Bác Việt

Ghi chú trên bản đồ :

góc trái : signé : Constans – Cachet de la Légation de France à Pékin. Tạm dịch : Ký tên Constans – Con dấu của Phái Ðoàn Pháp tại Bắc Kinh.

ở giữa : Le méridien de Paris 105° 43’ qui passe par la pointe orientale de l’ile Tra-Co, forme la frontière à partir du point où s’est arrêté le traité de la convention. Tạm dịch : Ðường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ, làm thành đường biên giới bắt đầu tại điểm mà điều ước của Công Ước chấm dứt.

góc phải : Carte à l’extrémité orientale de la frontière Sino-annamite telle qu’elle est figurée sur la carte qui accompagne à Procès-verbal signé à Péking, le 26 Juin 1887 – (voir l’extrait ci-joint de ce procès-verbal) – Signature et cachet du Plénipotentiaire Chinois. Tạm dịch : Bản đồ phần cực đông của biên giới Việt-Trung sao y bản đồ đính kèm biên bản được ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 - Chữ ký và con dấu của Tổng Lý Nha Môn Trung Hoa.

Như thế, văn bản cũng như bản đồ đính kèm, công ước 1887 có xác định có một đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.

Vấn đề là ý nghĩa của đường biên giới này phân chia cái gì ?

Từ nội dung điều 2, khoản nói về các tội phạm (Les Chinois coupables ou inculpés de crimes ou délits…), trước hết, đường biên giới này là đường phân chia thẩm quyền quốc gia trong vịnh Bắc Việt (quyền tài phán - juridiction).

Theo tinh thần quốc tế công pháp thời đó (và bây giờ), thẩm quyền quốc gia chỉ có thể thực hiện trong khuôn khổ lãnh thổ quốc gia.
Mặt khác, trong thuật ngữ công pháp quốc tế, đường « biên giới - frontière » luôn có ý nghĩa về việc phân chia lãnh thổ. Nếu để « phân chia đảo » người ta không cần sử dụng đến cụm từ « formant la frontière » !

Tức là đường kinh tuyến Paris 105° 43’ là đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.

Lập luận của VN (trong thời kỳ 1957-1973) là hợp lý, có qua, có lại.

Tức là, nếu phía VN nhìn nhận đường biên giới trên bộ do công ước 1887 và 1895 xác định, tức chấp nhận những thiệt hại đất đai do Pháp đã nhượng cho TQ một cách không bình thường (trên 3.000km²), thì ít nhất phía TQ phải nhìn nhận tương ứng về đường biên giới trong Vịnh Bắc Việt.

Đây là điều thường thấy trong bất kỳ cuộc mua bán, đàm phán nào. Trong thương thuyết về biên giới, có phe được chỗ này, nhượng chỗ kia. Việc được mất phải được đặt trên một căn bản chấp nhận được.

Điều làm cho mọi người VN phẫn nộ là lãnh đạo VN đã nhượng bộ phía TQ về cả hai mặt : lãnh thổ và hải phận.

Về lãnh thổ, Hiệp định phân định biên giới trên đất liền 25-12-2009 nhìn nhận chủ quyền của TQ trên các vùng lãnh thổ của VN bị Pháp nhượng cho TQ theo công ước 1887, (Công ước 1887 không có hiệu lực bó buộc, như qui định của Công ước Vienne 1969, vì nó bị « dol »), đồng thời nhìn nhận chủ quyền của TQ trên các vùng lãnh thổ của VN bị TQ chiếm trong cuộc chiến 1979.

Về hải phận, như đã trình bày, việc phân định đã xảy ra một cách bất bình đẳng, không theo bất kỳ một căn bản hay qui tắc phân chia nào. Ngoài ra, lổ hổng lớn của Hiệp định Phân định Vinh Bắc bộ là không nói đến chủa quyền đảo Bạch Long Vĩ thuộc về nước nào.

Vừa qua lãnh đạo CSVN ký kết một loạt các hiệp ước với TQ, trong đó có kết ước mở rộng thêm vùng khai thác chung trong vịnh Bắc Việt đồng thời trao đổi dữ kiện địa tầng holocenne ở bể trầm tích châu thổ sông Hồng với châu thổ sông Trường giang bên TQ. VN có gì cần thiết nghiên cứu địa tầng holocenne ở tận sông Trường giang ? Trong khi TQ rất muốn biết trữ lượng bể than vùng châu thổ sông Hồng để tìm cách khai thác.

Nguyên nhân do đâu ? Do lãnh đạo CSVN nhượng bộ để được TQ bảo đảm cho quyền lực, hay do thành phần phụ trách việc thương thuyết phân định biên giới thiếu bản lĩnh và kiến thức ?

Dầu thế nào, việc làm mất đất mất biển của tổ tiên là một trọng tội, lịch sử sẽ ghi nhận.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.