mardi 29 décembre 2015

Cuối năm nhìn lại : vấn đề văn hóa.

(từ Nhật ký facebook)

5-2

Điều tôi sợ nhất trên đời này là sự « thất bại ». Mấy đứa em tôi cũng vậy. Có lần tôi hỏi tụi nó vì sao ? Đứa nào cũng trả lời : tại tụi em sợ nghèo anh ba. Tụi em đã từng nghèo, rất nghèo. Tụi em biết thế nào là « nghèo ». Vì vậy tụi em không thể chấp nhận sự « thất bại ». Ở VN thất bại là trắng tay anh ba.

Tôi mới nói tụi nó rằng anh bên Tây cũng vậy mấy đứa. Anh cũng rất sợ cái « nghèo ». Cũng như tụi em, anh hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp. Không có bà con, giòng họ có thế lực để « chống lưng ». Thất bại một lần là gục luôn, không bao giờ gượng dậy nổi. Anh cũng rất sợ sự « thất bại ». Những người « thất bại » ở đây họ gọi là « loser ». Ít có người chủ nào tuyển dụng người « loser », cho dầu người này bằng cấp đầy mình. Trót mang tiếng « loser », tương lai cuộc đời mình chỉ là « ngõ hẹp ». Bởi vì tài năng thể hiện qua sự thành công, không phải là thất bại.

Vì vậy anh em tụi tôi có điểm chung là hay « tính toán ». Làm điều gì cũng tính trước ngó sau. Mà ngó lại phía sau nhiều hơn là nhìn về phía trước. Câu hỏi đầu tiên đặt ra trước khi làm bất cứ việc gì đều là : nếu thất bại thì sẽ ra sao ? Còn nhìn về phía trước thì rất dễ, đôi khi chỉ là một « thủ tục »…

Nói vậy không phải là mình không dám « phiêu lưu », không dám làm « việc lớn ». Vấn đề là làm thế nào để không « thất bại ».

Có người nói đến sự « thất bại » dễ dàng như là chuyện « may rủi ». Có lẽ do văn hóa (đặc thù VN) « thất bại là mẹ thành công ». Thua, xóa bài làm lại. Đâu có gì mà lo ?

Nói « thất bại là mẹ thành công » nhưng « được làm vua, thua làm giặc ». Không có « giặc » nào làm « mẹ » của « vua » hết cả.

Thất bại dĩ nhiên phải lo. Thua là đứng dậy rời xòng, không có việc « thua keo này bày keo khác ». Vốn ở đâu mà bày ? (Ngoại trừ những đứa con nhà giàu, thua là thua vốn của ông bà già).

Bởi vậy tôi rất kinh ngạc khi một bài diễn văn của một người (khoe là đã có nhiều lần thất bại) lại được đăng đi, đăng lại trên các báo, trên các trang mạng.

Hãy bỏ đi ý nghĩ « thất bại là mẹ thành công ». Nghĩ vậy là mình xem thường việc thất bại. Mà trong đời, đôi khi chỉ thất bại một lần là mình không bao giờ gượng lại được.

Cuộc đời mình chỉ có một lần.

6-2

Để biện hộ cho việc « chém heo » hay thói « ăn thịt chó » người ta thường núp mình dưới tấm khiêng « văn hóa » dân tộc, kể cả lúc cái gọi là « văn hóa » đó làm tổn thuơng đến danh dự của cả dân tộc cũng như ảnh hưởng xấu đến (nền kinh tế) của đất nước.

Lễ hội « chém heo » là một hủ tục của địa phương (làng Ném Thuợng, xã khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch. « Truyền thuyết » nói rằng cuối thời nhà Lý, một viên tướng đánh trận khi đến vùng này chém heo rừng để nuôi quân. Từ đó dân làng hàng năm mở tục chém heo để tưởng nhớ công ơn của người đã có công khai hoang vùng đất này.

Chưa thấy nghiên cứu (khoa học) nào nói về « lễ hội » này để xác định các giá trị (về văn hóa, tâm linh, hay lịch sử). Nhưng từ cái « truyền thuyết » này ta có thể thấy nhiều điều vô lý (theo lối Âu Cơ đẻ trăm trứng). Từ việc đi đánh giặc « chém heo rừng để nuôi quân » trở thành việc « khai hoang vùng đất » là xa hàng vạn dặm. Cũng như ông tướng đang đánh giặc (giặc nào ? kéo dài bao lâu ?). Thời khắc chiến tranh là dầu sôi lửa bỏng, trong khi việc khai hoang chỉ có thể diễn ra trong lúc thái bình, thời gian phải cần năm, mười năm.

Lễ hội này chỉ phổ biến ở địa phương (làng Ném Thuợng) và không (hay chưa) thấy lan ra các nơi khác. Nó bắt đầu từ khi nào ? Từ sau khi nhà Lý diệt vong ? hay chỉ mới đây, lúc « văn hóa xã hội chủ nghĩa » suy tàn ?

Văn hóa (của một dân tộc) là sản phẩm (vật chất và tinh thần) của con người thuộc dân tộc đó, tồn tại theo thời gian (mang tính kế thừa), phục vụ cho các nhu cầu (về tinh thần và vật chất) của dân tộc đó trong đời sống thường ngày.

Người ta gọi là « truyền thống văn hóa » khi nó được đa số người dân trong cộng đồng chấp nhận (và thể hiện).

Hủ tục « chém heo » khó có thể núp bóng « văn hóa » truyền thống Việt Nam để đòi « tồn tại ».

Tệ nạn ăn thịt chó (và hành hạ súc vậy) cũng vậy. Đây không thuộc về văn hóa (ẩm thực) đặc thù của Việt Nam. Đến những năm thập niên 40, 50 thế kỷ trước, ở Châu Âu nhiều nơi cũng ăn thịt chó. Việc ăn thịt chó chỉ là thói quen của một nhóm nhỏ, ở VN cũng như ở các nước khác. Người ta không cấm việc « ăn thịt chó ». Khi con người « văn minh » hơn, không còn ai ăn thịt chó. Chó, mèo… là những con vật được xếp vào loại thú vật « có tình cảm ». Luật lệ các xứ Châu Âu hiện nay cấm giết hại thú vật « có tình cảm ».

Đại đa số dân VN (nhất là những người theo đạo Phật), từ xưa đến nay có truyền thống không ăn thịt chó.

Nói « ăn thịt chó » là văn hóa truyền thống của VN là xuyên tạc văn hóa, là ngồi xổm lên lịch sử, lên truyền thống của dân tộc.

Lý lẽ thuyết phục nhất của phía chủ trương « ăn thịt chó » và (chém heo) là phê bình « những người đứng ngoài » ảnh hưởng văn hóa « ngoại lai ». Người ta không thể đứng trên nền tảng « ngoại lai », suy tôn ngoại lai, để phê bình những gì thuộc về bản sắc dân tộc.

Tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận này. Không thể chấp nhận « văn hóa ngoại lai » áp đảo (đến mức tận diệt) văn hóa dân tộc được. Văn hóa « xã hội chủ nghĩa » (cũng như lý thuyết của Mác, Lê Nin) hiển nhiên là văn hóa ngoại lai. Những người Việt nhân danh văn hóa này đã từng lên án và đạp đổ cái gọi là « văn hóa đồi trụy, phản động » ở miền Nam. Biết bao nhiêu sách vở, tài liệu, văn hóa phẩm… bị đem tiêu hủy. Biết bao nhiêu trí thức (người làm văn hóa) bị tù đày, giết chóc… Mà thực ra những thứ gọi là « phản động, đồi trụy » đó mới là tinh túy của văn hóa VN.

Trong khi việc « chém heo » và « ăn thịt chó » không thuộc về « văn hóa ». Văn là vẻ đẹp. Cái đẹp nào thấy được ở việc « chém heo » và ăn thịt chó ngoài việc làm cho người ngoài phẫn nộ và ghê tởm (về mức độ dã man của người Việt) ?

Trong khi các thói quen, các bại tục này ảnh hưởng lớn đến thể diện dân tộc và kinh tế quốc gia.
VN mình có câu « con sâu làm rầu nồi canh ».

Một số (rất) nhỏ dân VN nằng nặc giữ tục « chém heo », phê bình rằng những người chỉ trích tục lệ này là « những người đứng ngoài ». Một số (cũng rất nhỏ) khác cương quyết bảo vệ việc « ăn thịt chó », thịt mèo… cũng cho rằng lý lẽ của những người chống việc « ăn thịt chó » là lý lẽ của kẻ đứng ngoài.

Trên bình diện quốc gia, dân tộc thì chúng ta cùng nằm chung trong một « nồi canh ». Chúng ta có cùng một sỉ diện dân tộc.

Việc phát triển quốc gia, tức là việc « dân giàu nước mạnh », ngày nay dựa trên « kinh tế » chứ không phải dựa trên súng ống, sức mạnh (để đi chinh phục các nước khác). Mà nói đến kinh tế là nói đến cạnh tranh.

Nói thật, bọn Tàu, bọn Thái, Mã, Kam, Lào… vì cạnh tranh kinh tế với VN, họ sẵn sàng biếu không cho mỗi người VN một con heo để làm lễ « chém heo ». Họ cũng (không nhân đạo gì) sẵn sàng xuất cảng sang VN mỗi năm ba (chục) triệu con chó để phục vụ đám bợm nhậu VN. Họ sẵn sàng làm cho nồi canh VN nhung nhúc sâu bọ.

Nhớ lại, bên Châu Âu (và Mỹ) có một thời rất chuộng những chiếc áo lông thú. Giá cả một chiếc áo lạnh có thể bằng giá của một chiếc xe (hạng du lịch). Tức là rất đắt tiền. Việc chuộng áo lông đã làm giàu cho kỹ nghệ may mặt hưng thịnh. Nhưng phong trào « bảo vệ thú vật » nổi lên, được sự cộng tác của nhiều minh tinh, tài tử, những gương mặt công chúng… Một thời gian ngắn, không còn chiếc áo lông nào được bày bán (ở các nước Âu, Mỹ).

Bọn Hàn quốc cũng có (một số) người ăn thịt chó. Nhưng lo ngại hàng hóa của họ bị tẩy chay (theo lối áo lông thú), chính phủ của họ ra những đạo luật để việc « giết chó » không dã man cũng như việc « ăn thịt chó » được kín đáo hơn.

Đất nước còn nghèo. Dân tình phần lớn còn trong vòng u u, minh minh, chưa phân biệt cái lợi, cái hại, cái tốt, cái xấu. Các vấn đề này đáng lẽ thuộc trách nhiệm của nhà nước.

Mà than ôi, nhắc tới nhà nước thì nhà nước này đã từ nhiệm từ lâu.

Còn lại trách nhiệm người trí thức. Mà trí thức VN không rượu như cờ không gió.

Thôi, chịu thua.

7-2

Một số người VN, do thiếu kinh nghiệm tiếp xúc với người nước ngoài (trong các lãnh vực thuơng mãi), hoặc do « phát cuồng vì thịt chó », nên thường có những lời lẽ bênh vực thói ăn thịt chó. Họ cho rằng việc dã man với súc vật (như ăn thịt chó, chém heo…) không ảnh hưởng gì đến hình ảnh của VN trên thế giới.

Điều này hết sức là sai lầm. Những người (Việt) có công việc làm ăn thường xuyên giao tiếp với khách hàng (quốc tế) là những nhân chứng cụ thể.

Tôi kể trường hợp cô em gái tôi, cô em thứ năm. Tôi đã từng kể đây là cô em mà tôi phục nhứt. Với hoàn cảnh gái góa con côi, hai bàn tay trắng, đất người làm nên sự nghiệp như cô quả là hiếm có.

Cô Năm có một thuơng hiệu may mặc (khá nổi danh trên trường quốc tế). Cô có mặt ở hầu hết các « hội chợ quốc tế » về thời trang, từ Anh, Pháp, Đức, Ý… cho đến TQ, VN, Ấn Độ… Cô là khách VIP của các cuộc trình diễn kiểu mẫu, ở Milan hay Paris. Các mặt hàng do cô vẽ kiểu và sản xuất có bán tại các cửa hàng lớn ở Paris, Milan, New York… Cô là khách hàng « sộp » của các tổ hợp may ở các nước VN, Kampuchia, TQ, Ấn Độ…

Những lần (hiếm hoi) gặp mặt anh em chuyện trò với nhau, cô luôn than phiền rằng thái độ của khách hàng đối với « gương mặt Châu Á » của cô, cũng như nguồn gốc mặt hàng, luôn là cái « nhức nhối », gây trở ngại cho cô trong buôn bán. Hàng hóa có lúc không giới thiệu được (ở hội chợ) do nạn kỳ thị, họ tưởng cô là người Hoa và hàng của cô là may tại TQ.

Những bài báo, clip video… xuất hiện trên báo chí thế giới nói về “sinh hoạt thường ngày” của người Hoa, trong nước cũng như lúc đi ra ngoài, đã gây ấn tượng xấu trong các nước Tây Âu. Thái độ của (một thiểu số người Hoa), nạn khạc nhổ, nạn ăn cắp, nạn buôn lậu, nạn nhập cư lậu, tỉ lệ phạm tội… đã đem lại cho người Hoa một hình ảnh ghê tởm. Nạn nhân trước hết dĩ nhiên là « Made in China ». « Made in China” là một « tật nguyền ». Tất cả những gì sản xuất ở đây đều không thể trở thành những món hàng « de luxe ».

Vì vậy cô hướng về VN, Kampuchia và Ấn Độ. Từ đó, mỗi lần gặp khách hàng kỳ thị là cô có thể ngước mặt cao lên nói rằng: Tao là người Việt Nam, hàng hóa của tao làm tại VN. Tao không phải Chinese.

Đây chỉ là một thí dụ nhỏ, rất cá nhân. Nhưng ở VN có hàng triệu “thuơng hiệu” tương tự như cô Năm.

Thử tưởng tượng một ngày (có thể là nay mai vì VN mới chôn sống 3 ngàn con mèo). Do việc “dã man với thú vật”, các tổ chức bảo vệ súc vật trên thế giới làm “lobby” tẩy chay hàng hóa VN. Lúa gạo, tôm cá, trái cây… sản xuất ở VN bị đình chỉ. Khách hàng thay vì mua gạo ở VN, vì rẻ hơn một chút, thì qua ra mua của Kampuchia hay Thái Lan. Tôm cá, trái cây… cũng vậy. Hàng hóa của VN đâu có tươi và ngon bằng Indo, Mã Lai, Pakistan…?

Trong khi lượng du khách giảm xuống. VN có gì để cứu vãn nền kinh tế ?

VN không phải là Nhật. Các nước (tiên tiến) phần lớn phụ thuộc vào hàng hóa của Nhật. Với sức mạnh (và trọng lượng kinh tế), Nhật không sợ bất kỳ một trừng phạt kinh tế nào.

Nếu có một phong trào (tương tự phong trào áo lông thú các đây khá lâu) tẩy chay VN vì « dã man với thú vật », thì VN sẽ không gượng nổi. Hoặc là gộp chung VN với Chinnois vào một giỏ, VN sẽ « chết ».

Vì vậy, thể diện quốc gia, sỉ diện dân tộc là « cái chung », cần phải giữ vì nó ảnh hưởng đến mọi người. Trong khi việc « ăn thịt chó », việc « chém heo »… chỉ là thói quen (đáng xấu hổ) của một thiểu số.

Bỏ ăn thịt chó, bỏ việc chém heo, dân VN không chết. Nhưng nếu tiếp tục hay cổ súy (một cách ngu xuẩn) các việc này thì kinh tế VN sẽ chết. Tức là có hàng chục triệu người chết (đứng) vì mất công ăn việc làm.

9-3

« Bạo lực » đã « bàng bạc » thể hiện trong các vụ lễ hội được tổ chức trong dịp tết vừa qua. Mọi người, dĩ nhiên, đều lên án. Tôi đã đọc nhiều bài viết về vấn nạn này trong những ngày qua trên báo chí trong nước. Có điều tôi không chia sẻ được ý kiến của ai.

Bạo lực, cướp bóc, giành giật, ấu đả, chém giết… đã đến từ đâu ? Như là một nhân chứng, tôi khẳng định trước đây những thứ đó không hề có trong các lễ hội mang tính truyền thống của VN.

Nguyên nhân thực ra sờ sờ trước mắt. Có điều mọi người không ai muốn nhắc tới mà thôi.

Trong một thời gian dài, ít ra là bốn thập niên, người ta đã cố gắng xóa bỏ những gì thuộc về văn hóa truyền thống ra khỏi ký ức dân tộc. Người ta đã cố gắng nhồi nhét, thế vào đó một nền « văn hóa mới » xã hội chủ nghĩa. Đến nay người ta vẫn không hình dung được cái « bản sắc » của cái gọi là văn hóa XHCN đó nó ra sao. Vấn đề là người ta đã thành công xóa bỏ những gì tinh túy nhứt trong văn hóa truyền thống dân tộc.

Xây dựng, về văn hóa, quá trình kéo dài hàng ngàn năm. Nhưng phá bỏ, chỉ cần vài mươi năm. Từ vượn lên người phải mất hàng triệu năm. Nhưng từ người xuốn vượn đôi khi chỉ cần vài năm mà thôi.

Cái phương cách mà người ta áp dụng để xóa bỏ nền văn hóa dân tộc của những thập niên trước, nếu so sánh với hiện nay, ta sẽ thấy giống y chang với phương cách của bọn Taliban, bọn IS (Nhà nước Hồi giáo) đang làm. Cũng dã man, tàn bạo, máu me… Các vụ đập phá chùa chiềng, đình miểu, mồ mả… trong thời kỳ « cách mạng văn hóa » ở miền Bắc (và các vùng nông thôn miền Nam) có khác gì việc bọn Taliban đã giật sập các bức tượng Phật (đẻo trong vách đá hàng ngàn năm), tại vùng núi non của Afghanistan ?. Có khác gì hành vi của bọn IS hiện đang đập phá những di tích cổ xưa trong các viện bảo tàng ở Iraq ?

Không khác. Có điều VN không có những di tích « văn hóa » quan trọng (như Iraq) để (thời đó) người ta lên tiếng.

Để (làm tốt) các việc (đập phá) đó, những người thừa hành đã đập đầu, chôn sống, đấu tố, làm nhục… không biết bao nhiêu người. Điều đáng nói nạn nhân hầu hết là thành phần tinh hoa, những bậc trí giả am tường về văn hóa giống nòi. Nói chung bản thân các nạn nhân đã là « văn hóa » của dân tộc.

Những người thừa hành, tức những thanh niên, thanh nữ tay cầm búa, tay cầm súng, ngày xưa đập phá chùa chiềng, miếu mạo đó… là thành phần đang lãnh đạo đất nước hiện nay.

Cũng chính những người đó bây giờ đang muốn khôi phục lại bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó có các lễ hội cổ truyền. Đó là một hành vi hòa giải với lịch sử, lý ra là cần khuyến khích. Có điều ta thấy họ không có thực tâm hòa giải. Họ làm như vậy là nhằm vào mục tiêu « kinh tế » chứ không phải để khôi phục lại một nền văn hóa đã mai một. Họ hy vọng rằng các lễ hội như vậy sẽ thâu hút được một lượng lớn du khách nhằm lấy tiền. Vậy thôi.

Ta thấy rõ rệt các lễ hội được tổ chức, đầu voi đuôi chuột, không ra cái thể thống gì. Bởi vì những người chủ trương làm sống lại các lễ hội có biết gì về các lễ hội đó ? Lý ra, nếu họ có thiện chí, thì họ phải lập ra một hội đồng « nghiên cứu văn hóa cổ truyền », thu thập các tài liệu, dữ kiện văn hóa hiện còn đang tồn trữ (một cách đầy đủ) trong các tập địa phương chí, trong các trung tâm văn khố nước ngoài… để dàn dựng lại một cách (có lớp lang) các lễ hội truyền thống.

Họ là những kẻ ăn sổi ở thì. Là kẻ đã phá hoại quá khứ, không có trách nhiệm đối với hiện tại, nói chi trách nhiệm đến tương lai ?.

Thử nhắc lại một lễ hội (mà tuổi ấu thơ của anh em tụi tôi) đã từng trải qua, là lễ hội « giật giàn » ở các địa phương miền Nam.

Thập niên sáu mươi, tôi khoảng năm bảy tuổi chi đó, đất nước chia đôi, nhưng miền Nam cuộc sống khá thanh bình. Nhà tôi thời kỳ đó « cực kỳ nghèo ». Ba má tôi, những nông dân không có đất, sống trong một « ấp » nhỏ, tên là An Trạch Đông, thuộc huyện Vĩnh Châu, Bạc Liêu ngày nay. Nhà nghèo dĩ nhiên anh em tụi tôi thất học. Anh hai của tôi đi chăn trâu cho đến năm 12 tuổi mới bắt đầu cắp sách đến trường, khi ba tôi bỏ nơi này đi lên vùng cao nguyên lập nghiệp. (Nếu ba tôi không can đảm bỏ quê hương này thì chắc là anh em tụi tôi hoàn toàn vô học rồi !.)

Hàng năm, đình làng có tổ chức lễ hội « giật giàn ». Khác với lễ hội ngày nay, là lễ hội ngày xưa chỉ dành cho trẻ em mà thôi. Không có vụ « người lớn » trèo lên cây, giành giật ấu đả một cách đáng xấu hổ như đã thấy trong các clip video.

Tôi còn nhớ như in trong đầu, lễ « giật giàn » thật ra là nghi thức « bế mạc » của việc cúng đình. Các vị « trưởng lão », cũng như toàn thể dân làng đều có phần trong buổi tiệc cúng. Còn trẻ nhỏ thì sao ? Có lẽ vì không thể cho ngồi chung mâm với người lớn, nên tổ tiên mình mới tổ chức vụ « giật giàn », sao cho mọi người (lớn nhỏ) cũng đều có phần.

Không biết các địa phương khác tổ chức ra sao, tôi nhớ làng tôi, sân đình trong buổi giật giàng, những cái mâm bằng nhôm được sắp san sát với nhau. Trên mâm là nhưng khúc mía, khoai lang, củ sắn, bánh dừa, bánh ít, kẹo, tiền xu (năm cắc hồi đo cũng lớn lắm)… Đặc biệt là nhang được cắm đầy trên các mâm, đầu nhang các đóm lửa lấp lánh, khói hương nghi ngút. Tôi lúc đó vừa còn nhỏ, lại vừa nhát gan (sợ nhang làm phỏng), nên chỉ có anh tôi là tham gia. Những đứa trẻ trong làng đều tụ tập, hầu như không thiếu đứa nào, được sắp xếp vòng quanh mâm cúng, theo thứ tự nhỏ ở vòng trong, lớn ở vòng ngoài. Tuyệt nhiên không có một « người lớn » nào được phép tham dự.

Chỉ sau khi « trống lệnh » ba hồi của vị hương chủ chấm dứt, cờ phất lên, cuộc « giật giàn » mới bắt đầu.

Tôi tìm hiểu không ra, từ đâu có tên gọi là « giật giàn » ? Nhưng tôi biết nguyên nhân vì sao nhang đốt được cắm đầy trên các mâm cúng. Lý do là làm cho những đứa trẻ bạo dạn lên. Việc « giành giật » thể hiện ra sức mạnh và bản lãnh của đứa trẻ, là mầm mống của « lãnh đạo » sau này.

Văn hóa truyền thống VN cũng « có nét » đó chớ ?

Một buổi lễ dành riêng cho con nít ngày xưa, bây giờ dành cho thanh niên, trai tráng. Buổi lễ ngày xưa, từ người già lụm cụm cho đến những đứa trẻ, tất cả đều hỉ hả vui vẻ vì ai cũng hưởng được ơn sủng của thánh thần. Bây giờ là giành giật, đè đầu đè cổ, ấu đả lẫn nhau. Nhưng đó là chuyện của người lớn. Còn con nít ở đâu trong các buổi lễ đó ?

Trẻ em là tương lai. Người ta (người lớn) bây giờ bất cần tương lai nên bỏ quên con nít. Người ta cần xả hơi để cho bớt đi những áp lực đời thường.

Bạo lực đến từ thói quen của giai cấp lãnh đạo. Bạo lực từ văn hóa lãnh đạo đi xuống hàng dân giả.
Người ta tổ chức lễ hội để « thu tiền » du lịch mà không biết rằng đó là cách hiệu quả nhứt để giết nền du lịch.

Nói đi nói lại chi cho xa xôi, không bằng cụ thể nói lên con số.

Du lịch VN hiện nay đóng góp khoảng dưới 5% GDP. Trước đó, đầu thập niên 2000 là khoảng 10%. So sánh thử với Thái Lan, cùng thời, từ 5% lên 10%. Nên nhớ GDP của Thái hơn VN gấp mấy lần. Tức là khác biệt về du lịch giữa hai bên rất lớn.

Vì sao ? Vì du khách khi đến Thái Lan là nghĩ đến chuyện trở lại lần thứ hai, thứ ba, thậm chí nghĩ cách sống luôn ở đây khi về hưu. Còn du khách khi đến VN một lần là tỡn tới già. Những « Việt kiều », như tôi đây, khoảng vài năm nữa về hưu, cũng tính chuyện về VN sinh sống. Tính tới tính lui, rõ ràng tính lui « sáng nước » hơn tính tới. Không còn mấy ai có ý muốn về VN sinh sống trong tuổi già. Họ sẽ qua Mã Lai, Thái Lan, thậm chí Kampuchia để sống.

Đó là câu trả lời mang tính "nhân văn", cụ thể cho nền văn hóa được tái tại lại bằng những tay đồ tể văn hóa.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.