mardi 15 septembre 2020

Nhật ký Đồng Tâm.

15-9 

Facebook bây giờ cũng đứng về phía công an, “bụm miệng” những người dân muốn nói về Đồng Tâm. Bài tôi đăng hôm qua tựa đề “Nhật ký Đồng Tâm”, vốn tổng hợp các bài tôi đã đăng từ tháng giêng, nhân biến cố Lê Đình Kình ngày 9 tháng giêng 2020. Những bài viết này đăng lại không thay đổi một chữ. Trước đó facebook không có ý kiến gì về các bài viết này. Sau phiên tòa “kangourou” tuyên án hôm qua thì facebook lại cảnh cáo rằng bài viết này “không tôn trọng tiêu chuẩn cộng đồng, liên quan các điều “gây rối” và “dọa nạt”. Nguyên văn “Votre publication ne respectait pas nos Standards de la communauté concernant le harcèlement et l’intimidation”. 

Nội dung bài viết, ghi lại dưới đây, có khả năng “quấy rối” và “dọa nạt” hai nhánh quyền lực tư pháp (tòa án) và hành pháp (công an) của VN ? Hay dọa nạt và quấy rối Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm, Nguyễn Xuân Phúc ?... 

Facebook chọn đứng về phía bạo lực, đồng lõa với những kẻ gây tội ác, hay facebook thẩm định rằng hai nhánh quyền lực tư pháp và hành pháp, cũng như các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước của VN là “con nít”, dễ bị người ta “gây rối” và “bắt nạt” ?

Quá khứ nhiều tin tức báo chí cho thấy Zuckerberg đã có những thỏa thuận với các chế độ độc tài, cam kết cộng tác với các chế độ này để hạn chế tiếng nói của phía đối lập. Nhưng người ta không tìm thấy những bằng chứng cho thấy facebook vi phạm nhân quyền. 

Thì nay, qua việc cấm đoán tôi đăng các bài viết liên quan vụ án Đồng Tâm, Facebook của Zuckerberg đã đồng lõa với chế độ độc tài công an trị của VN, tiếp tay với chế độ này giết người cướp đất đồng thời che đậy các tội ác mà chế độ đã gây ra cho người nông dân của họ. 

Tôi cho rằng Zuckerberg thiếu đạo đức nghề nghiệp, trọng lợi ích vật chất, xem nhẹ sinh mạng của những con người đang bị chế độ cộng sản tàn độc VN bức hại. Zuckerberg trọng tiền tài, bất chấp các giá trị nền tảng của nhân quyền là “quyền tự do thông tin sự thật” và “quyền tự do ngôn luận” của facebookers. 

Trở lại vụ án Đồng Tâm, nhiều luật sư, trí thức trong ngoài nước đã lên tiếng. Tôi đồng ý ở điểm phiên tòa này đã cho thấy chế độ CSVN hiện nay tàn độc nhiều lần hơn chế độ thực dân. 

Tòa của thực dân xử vụ án Nọc Nạn, tương tự vụ án Đồng Tâm, kẻ có thế lực và người hiểu biết luật lệ toa rập với nhau lừa gạt nhằm chiếm đoạt đất đai của nông dân. 

Người nông dân lâm vào thế cùng, chính quyền đứng về phía cường hào ác bá. Người nông dân phải sử dụng vũ lực để tự vệ đồng thời bảo vệ tài sản của họ. Việc này gây chết người, nhứt là làm chết một sĩ quan người Pháp. 

Dầu vậy tòa án của thực dân vẫn xử theo “pháp luật”, không binh ai bỏ ai. Rốt cục “công lý” được thiết lập. Trước tòa, ông sĩ quan người Pháp có cùng “tư cách pháp nhân” đối với người nông dân. Pháp luật xử ông sĩ quan cũng là pháp luật xử người nông dân. Pháp luật xử người nông dân vô tội vì lý do “tự vệ chính đáng”. Người nông dân bảo vệ được tài sản của mình. 

Vụ án Đồng Tâm 9 tháng giêng đến 14 tháng giêng thực chất là một vụ “trả thù”. 

Phe công an cay cú do thất bại 15 tháng tư năm 2017. Trên 39 người vũ trang tận răng hùng hổ vô thôn Hoành dự định “bắt hết, hốt hết” đám người dám chống lại “chủ trương lớn của đảng” ở đất Đồng Sênh. Không biết 39 ông công an bản chất bất tài vô tướng, hay do cấp chỉ huy tệ hại không huấn luyện binh sĩ. 39 ông công an bị dân Đồng Tâm “tóm gọn”, nhốt ở “nhà nghỉ” của thôn. 

Vụ nhục nhã này khiến Nguyễn Đức Chung, nhân danh CTUBND thành phố Hà nội, cùng với một số đại biểu QH, xuống Đồng Tâm để “chuộc người”. Nhân vụ này hai bên, UBNDHN và dân thôn Hoành, trước hồ sơ gồm giấy tờ đất và bản đồ, cùng đồng ý với nhau là đất Đồng Sênh là đất đã được dân ở đây khai thác liên tục và ổn định từ những năm 60 thế ký trước. Đất này không thuộc diện đất quốc phòng.  

Sự đồng thuận được cụ thể bằng một văn bản có chữ ký và dấu lăn tay của hai bên. Một bên gồm Nguyễn Đức Chung và các đại biển QH như Dương Trung Quốc. Bên kia gồm đại diên dân thôn Hoành.

Vấn đề là phía Nguyễn Đức Chung và các đại biểu QH đã “lật lọng”. Hai tháng sau họ đã sổ toẹt vào chữ ký và dấu lăn tay của họ, phủ nhận hiệu lực tờ giấy kia, làm thủ tục truy tố dân Đồng Tâm ra tòa.

Hai bên dằn co cho đến ngày 9 tháng giêng 2020. 

Rạng sáng ngày 9, khoảng 3.000 công an cơ động trang bị vũ khí đầy đủ, đổ vô thôn Hoành. Nhà ông Lê Đình Kình bị tấn công vào lúc 4 giờ sáng. Ông Kình bị giết tại chỗ, bên giường ngủ, ở cự ly gần khoảng 1 mét, với hai viên đạn bắn vô ngực, một viên vô đầu và một viên vô đầu gối chân trái. 

Tất cả những người trong tổ “đồng thuận” đều bị bắt, trong đó gồm có các con và cháu của ông Kình.

Hiển nhiên vụ tấn công này là một vụ “trả thù”. Công an “hớ miệng” để lộ ra lịnh vô nhà ông Kình “không có mục tiêu bắt người”. Rõ ràng công an muốn tiêu diệt Lê Đình Kình và các con để “rửa mặt” cho vụ thất bại 15 tháng tư 2017. 

Như lần trước, bất tài vô tướng là nguyên nhân thất bại của công an. Lần này ba ông sĩ quan công an, một ông (vinh thăng) đại tá, một ông thiếu tá một ông đại úy chết thê thảm vì “té giếng trời” sâu 4 mét. 

Nguyên nhân cái chết của ba ông này đến nay vẫn là “điểm mờ” trong vụ án. Không ai biết ba ông có “chết thật” hay chết giả ? Nếu chết thì chết ở đâu ? Lúc thì công an nói 3 ông chết tại “hiện trường”, tức nơi bức tường đang xây cách nhà ông Kình 2 cây số. Lúc thì nói chết do Lê Đình Chức dùng tuýp sắt đẩy xuống giếng rồi đổ xăng châm lửa đốt.    

Chết vì cách gì chưa biết. Điều nổi cộm là sự bất tài vô tướng của công an. Cả ba ông té một lượt vô một cái giếng miệng lớn bằng “lỗ chân trâu” là điều tồi tàn trong nghề nghiệp không thể biện minh. 

Do đó phiên tòa sơ thẩm ngày 7 tháng chín xử vụ Đồng Tâm cũng là một vụ “trả thù”. Công an muốn nhờ tay “công lý” để “tru di tam tộc” giòng họ Lê Đình. 

Nếu trở về thời thực dân cai trị, vụ Đồng Tâm có nội dung không khác vụ Nọc Nạn. Các bị cáo Lê Đình Chức, Lê Đình Công, Lê Đình doanh và những nông dân khác đều vô tội. Cái tội duy nhứt của họ là dám thách thức quyền lực của công an. Không phải một lần mà nhiều lần. Tội càng nặng hơn, sự phản kháng của Lê Đình Kình và các con cho thấy công an là một tập thể ăn hại đái nát, vô tích sự. Để ý ngoài đời ông công an nào cũng bụng bự. Ngay cả một ông công an quèn kiểm soát giao thông. Họ “ăn của dân không từ một thứ gì” do đó ông nào cũng bụng bự. 

Bề ngang cái giếng chỉ hơn một thước, ba ông công an nhảy không qua. Thua cả ông già 70 tuổi.

Bên công an muốn tòa xử một bản án nặng nề để che đậy cái “ăn hại đái nát” của ngành. 

Công an lại được facebook của Zuckerberg tiếp tay. Thử coi vụ này đi tới đâu ?

 

Đăng lại bài “Nhật ký Đồng Tâm”. 

 

Tư pháp, vốn là một nhánh "quyền lực", cùng với hành pháp và lập pháp, cấu thành hệ thống quyền lực nhà nước.

Ở VN, ngay cả khi tư pháp được độc lập và có quyền lực ngang hàng với hành pháp và lập pháp, thì công lý vẫn không thể thực thi.

Cốt lõi vấn đề, để công lý có cơ hội được bừng sáng ở đất nước tăm tối này, là tư pháp phải độc lập với đảng.

Khi mà tư pháp có quyền truy tố bất kỳ đảng viên nào phạm luật, khi mà tư pháp có quyền trừng phạt, đến mức giải tán đảng, nếu đảng này có những hành vi, chính sách gây tang thương và đổ vỡ cho đất nước và dân tộc. Thì khi đó Tư pháp mới xứng danh là bên cầm cán cân "Công lý".

Trong một quốc gia "tư pháp" bị chính trị hóa, luật pháp tiếp tay với hệ thống ông an trở thành "công cụ trấn áp", như trường hợp VN hiện nay. Thì mọi hy vọng về một "đất nước tốt đẹp" đều chỉ là "ảo tưởng".


Biến cố Đồng Tâm.

 

(Ngày 9 tháng giêng).

Vụ Đồng Tâm, thật là đáng tiếc, lãnh đạo Hà nội đã lựa chọ giải pháp cưỡng bức bạo lực thay vì thương lượng ôn hòa với người dân.

Mục tiêu của việc giải tỏa đất là gì ? Lợi ích của người dân bị mất đất được đền bồi bằng cái gì ? Khi mà mục tiêu việc giải tỏa đất với lợi ích của người dân chưa được quân bình, tranh chấp vẫn kéo dài.

Ai có trách nhiệm về cái chết của 4 người trong vu này ?

Theo tôi nguyên nhân từ đầu là ông Nguyễn Đức Chung, cùng với một số đại biểu quốc hội, tháng sáu năm 2017 đã có những hứa hẹn với dân Đồng Tâm, sau đó lại "bội ước" với những người dân ở đây.

Lãnh đạo Hà nội đã áp dụng bạo lực đúng mức ý nghĩa của “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" theo Marx và Angels: "nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp đang thống trị về kinh tế, nhằm bảo vệ trật tự đang có và đàn áp sự phản kháng của giai cấp khác."

Giai cấp “thống trị về kinh tế” ở VN hiện nay là giai cấp “tài phiệt đỏ” cùng với tư bản nước ngoài. Người nông dân trở thành "giai cấp khác", là đối tượng "đàn áp" của nhà nước.

Nhà nước trở thành "nhà nước lật lọng" và phản bội.

Bài viết của tôi dưới đây, viết tháng 6 năm 2017, chỉ ra cái sai của những lãnh đạo Hà nội. Những sai sai này đã không được điều chỉnh. Dĩ nhiên chuyện đáng tiếc phải xảy ra.

 

Ông Dương Trung Quốc đã sai rồi.

Đại biểu Dương Trung Quốc là một trong hai đại biểu Quốc hội tháp tùng ông chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào Đồng Tâm tiếp xúc với dân ở đây, mục đích là "tháo ngòi nổ" (dùng đúng ngôn từ của ông Quốc), nhằm "giải cứu" một số cảnh cơ động đã được dân ở đây "mời ở lại".

Ông Quốc nói vầy trên báo Dân trí: "cam kết đó là giải pháp tình huống... theo cách nói đơn giản là để tháo ngòi nổ làm sự việc dịu đi”.

Xin thưa cùng ông Quốc,

Giấy cam kết ghi rõ nội dung trên giấy trắng mực đen. Ông Quốc (cùng ông Chung và nhiều người khác) ký tên (và lăn dấu tay).

Khi đã gọi là "giấy cam kết" thì phải thực hiện. Ông Quốc (và ông Chung) có thể nại ra những lý do về thẩm quyền, để biện hộ rằng giấy cam kết đó không có giá trị pháp lý ràng buộc. Vì vậy không thể thực hiện các cam kết đã ghi trong giấy.

Ông Quốc, ông Chung... không thấy ai đưa ra được những lý cớ để chứng minh ông Chung không có thẩm quyền giải quyết vấn đề Đồng Tâm.

Và khi chưa chứng minh được (ông Chung không có thẩm quyền ký cam kết) việc lên tiếng trước báo chí của ông Quốc, với nội dung như vậy, cho thấy ông (và ông Chung) đã "bội ước".

Ông Quốc nói vầy (trên báo Dân Trí) :

“Sự việc đã xảy ra rồi, chúng ta không thể bỏ qua được. Việc bà con bắt giữ một số người làm công vụ, kể cả hiện tượng đập phá tài sản bà con đã nhận lỗi. Còn lỗi ở mức độ nào thì đó là công việc của cơ quan điều tra”

Xin thưa,

Ông đã sai rồi ông đại biểu Dương Trung quốc.

Theo luật về tổ chức chính quyền địa phương điều 11 khoản (b) , ông Nguyễn Đức Chung, với tư cách chủ tịch UBND Hà Nội, ông này có đủ thẩm quyền để giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến Hà Nội.

Trong trường hợp này giấy cam kết (mà ông Chung cùng ông Quốc đã ký với một số người khác) có giá trị pháp luật, phải THI HÀNH.

Tôi cũng thử đặt giả thuyết rằng ông Chung không có thẩm quyền ký một giấy cam kết có nội dung như vậy.

Thì thái độ "im lặng" của các cơ quan nhà nước (cấp có thẩm quyền) trước hành vi của ông Chung, được tập quán quốc tế diễn giải là sự đồng thuận ám thị (acquiescement implicite).

Có nghĩa là các cơ quan nhà nước (có thẩm quyền) đã chấp nhận việc làm của ông Chung. Vì vậy tờ "giấy cam kết" có giá trị pháp lý.

Sau khi báo chí đăng tải sự việc ông Chung đã giải quyết xong vụ Đông Tâm. Tờ giấy cam kết cũng được đưa lên mặt báo. Đáng lẽ các cơ quan nhà nước (có thẩm quyền) phải lên tiếng "bảo lưu" ý kiến của mình.

Các cơ quan nhà nước (có thẩm quyền) đã "im lặng" trước một hoàn cảnh bắt buộc, đòi hỏi (các cơ quan này) phải lên tiếng. Các cơ quan cũng không "bảo lưu" lý lẽ của mình (sau khi thấy có tờ giấy cam kết).

Tức là các cơ quan nhà nước (có thẩm quyền) đã mặc nhiên nhìn nhận tờ giấy cam kết này có giá trị pháp lý.

Bây giờ các cơ quan (CA và QD) truy tố dân Đồng Tâm.

Theo tôi, thưa ông Quốc,

Các cơ quan CA và QD đã mất "tố quyền" rồi. Tức đã bị "estoppel" rồi (par acquiescement).

Những lời của ông Quốc mà báo chí ghi lại. Theo tôi, ông Quốc đã "sai" rồi.

14-6-2017

 

 

Ngày 9 tháng giêng.

Vụ Đồng tâm, ban đêm nhà nước cho công an, bộ đội bao nhà dân, phá nhà dân, bắn hơi cay vào nhà dân... mục đích rõ ràng không phải cưỡng chế đất mà để bắt người và giết người.

Người dân tội gì ? Tòa nào tuyên án ?

Nhà nước sai càng thêm sai...

 

Ngày 10 tháng giêng.

Sử dụng bạo lực chưa bao giờ là một giải pháp tốt, nhứt là để giải quyết một tranh chấp thuộc phạm vi "dân sự".

Nhà nước này là nhà nước của ai ?

 

Ngày 11 tháng giêng.

Vụ "cưỡng chế" Đồng Tâm không chỉ để lộ ra sự "vô năng" của ông Nguyễn Đức Chung trong vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai lưu cữu từ năm 2017 đến nay, mà còn thể hiện sự lạm dụng quyền lực đến mức "sổ sàng" của công an Hà nội.

Công an là người "thi hành luật" vì vậy làm gì cũng phải "chiếu theo luật mà làm".

Vụ "tấn công" nhà cụ Kình vào lúc 4 giờ sáng không phải là việc "thi hành công vụ" trong nội dung "cưỡng chế" nhằm thi hành "quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm".

Công vụ là những việc "công", khi "thi hành" sẽ đem lại lợi ích cho nhân quần, xã hội.

Việc đánh vào nhà cụ Kình, lý do còn chờ công an Hà nội giải thích, nhưng việc này không hề đem lại lợi ích cho nhân quần xã hội. Vụ "đánh úp" vào xã Đồng Tâm vì vậy không thể gọi là việc "thi hành công vụ".

Công an Hà nội đã "vi phạm luật" khi họ nại lý do "thi hành công vụ cưỡng chế đất". Đất và nhà cụ Kình không phải là đối tượng cưỡng chế.

Công an cũng vi phạm luật về cưỡng chế. Luật chỉ cho phép "thi hành cưỡng chế" từ 6 giờ sáng.

Với một lực lượng nhân viên công lực đông đảo, với sống ống, dùi cui, hơi cay... đánh vào nhà dân lúc 4 giờ sáng, công an Hà nội đã lạm dụng quyền lực một cách tệ hại.

Kiến pháp 2003 ghi: " Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."

Đại khái được hiểu là "đất đại thuộc sở hữu toàn dân" do nhà nước quản lý".

Khái niệm này đã sai từ bản chất.

Luật của CHXHCNVN ngày hôm nay đi ngược lại nội dung toàn diện các bộ luật khác của các nhà nước tiền nhiệm, từ các triều đại phong kiến cho tới nhà nước bảo hộ Pháp.

Không có bộ luật nào của VN, từ bất cứ thời kỳ nào trước đây, qui định rằng "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" hay thuộc sở hữu của một triều đại, một vị vua chúa nào. Thời kỳ nào, chế độ nào cũng nhìn nhận và phân biệt sở hữu tư nhân và sở hữu "công" (tư điền với công điền).

Luật pháp VN hôm nay chỉ là "cái dấu ngoặc ngoại lệ" của luật VN trong suốt thời gian lập nước và mở nước của tổ tiên người Việt. Luật này phủ nhận công lao mở nước và khai khẩn đất đai của người dân, đi ngược lại tập quán của dân tộc, và nhân dân cả thế giới. Vì vậy luật này đã sai từ bản chất.

Luật này lại qui định "Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". "Nhà nước" là ai ?

Nhà nước CHXHCNVN nói là "của dân do dân và vì dân" nhưng thực tế những vụ cưỡng chế đất đai cho thấy "nhà nước" này là nhà nước của "công an, quân đội", của "tài phiệt đỏ", của quan chức lộng quyền.

Nhà nước VN nhân danh đủ thứ, đại diện đủ thứ, làm đủ thứ việc. Điều mâu thuẩn trọng đại là "nhà nước" không có trách nhiệm nào, trước pháp luật, về những chuyện "nhà nước" làm sai.

Vì vậy các quan tham, các tài phiệt đỏ... núp sau lưng "nhà nước" làm những việc sai phạm, trái luật mà không có cách chi trừng phạt.

 

 

 

Ngày 11 tháng giêng:

Tôi cực lực phản đối thủ tướng Phúc trong việc vinh danh những công an đã chết trong vụ cưỡng chế Đồng Tâm. Tôi ủng hộ việc làm rõ trách nhiệm, ai là cấp có thẩm quyền ra lệnh cho cuộc đàn áp này. Rõ ràng việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu chuẩn bị trong công tác đã làm cho 3 công an tử nạn.

Những người công an này, có thể chết vì "tài phiệt đỏ", hay chết oan ức vì bị cấp có thẩm quyền đánh tráo mục tiêu. Không bao giờ những người này chết vì "bảo vệ đất nước".

So sánh như vậy công lao của hàng trăm ngàn, hàng triệu người Việt đã đổ máu xuống bảo vệ đất nước, như ở biên giới phía Bắc, hay ở Gạc ma... trở thành vô nghĩa.

 

Ngày 12 tháng giêng:

Xô viết Đồng Tâm.

Vậy ông Trọng mới là người chỉ huy tối cao đứng sau vụ đàn áp đẫm máu Đồng Tâm. Ba người công an, cảnh sát cơ động bị thiệt mạng trong biến cố được ông Trọng ban huy chương "chiến công hạng nhứt".

Thì ra vụ "quân đội nhân dân" và "công an nhân dân" đánh úp "nhân dân" Đồng Tâm lúc 4 giờ sáng là một "cuộc chiến tranh". Bởi vì, theo qui định của pháp luật, chỉ có những chiến sĩ hy sinh trong một cuộc chiến vệ quốc mới được vinh danh, được truy tặng "huân chương chiến công hạng nhứt".

Công an, quân đội từ nhân dân mà ra, từ nhân dân mà có. Vụ Đồng Tâm, quân đội và công an theo lời của ai mà mở cuộc hành quân "đánh" (cho chết mẹ) nhân dân ?

Hôm qua tôi có viết ý kiến phản đối thủ tướng Phúc về việc vinh danh những người tử nạn trong vụ đàn áp Đồng Tâm. Tôi tưởng rằng đây là chủ trương của ông Phúc. Tôi cho rằng những người tử nạn này có thể chết vì phục vụ cho tài phiệt đỏ hay chết do thiếu chuyên nghiệp. Họ có thể chết vì cấp lãnh đạo đã đánh tráo mục tiêu. Thay vì bảo vệ và thi hành luật họ trở thành những người "ngồi xổm" lên luật. Những người này không hề có công lao gì trong công cuộc "bảo vệ đất nước". Vinh danh họ như vậy là phỉ báng vong linh của hàng triệu anh hùng liệt sĩ vì nước quên thân.

Thực tế thì tôi viết chưa đủ. Chủ trương vụ này là ông Trọng. Ông Phúc và ông Tô Lâm, là người "đồng lõa", thừa hành.

Ông Trọng là một người cộng sản hiếm hoi có bộ mã nho nhã thư sinh, có tác phong giản dị bình dân, như một kiểu mẫu "thiên tả" của giới trí thức Tây phương thập niên 60-70.

Nhìn rồi phê phán theo bề ngoài là "lầm chết"!

Ông Trọng mới là người có đầu óc cực đoan khuynh tả, chủ trương sử dụng bạo lực để giải quyết những tranh chấp thuộc phạm vi dân sự.

Theo tôi ông Trọng đã phạm sai lầm. Tranh chấp đất đi Đồng Tâm lưu cửu từ nhiều năm. Dân chúng ở đây đã mõi mệt với lối giải quyết "cù nhây", lập lờ cả vú lấp miệng em của Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND Hà nội, đại diện cho lợi ích của "nhà nước".

Bên "nhà nước" nói đất tranh chấp là đất "quốc phòng". Vấn đề là "nhà nước" không đưa ra được bằng chứng nào. Không có văn bản, cũng không có bản đồ.

Chính ông Chung đã ký cam kết với dân Đồng Tâm, nhìn nhận rõ "đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp".

Dân Đồng Tâm không ngờ là sau đó ông Chung "lật lọng".

Đại biểu QH Dương Trung Quốc, người có ký tên vào giấy cam kết, nhìn nhận là điểm yếu của nhà nước là không đưa ra được văn bản, bản đồ hợp lệ chứng minh đất tranh chấp là "đất quốc phòng".

"Nhà nước" không đưa ra được giấy tờ thuyết phục, vậy giấy tờ của phía Lê Đình Kình là hợp lệ.

"Nhà nước" trở mặt, "đánh" với dân không lại trên mặt giấy tờ, "nhà nước" đánh dân bằng "luật rừng". Nhà nước của ông Trọng, ông Phúc, ông Tô Lâm, ông Chung... là nhà nước phản bội và lật lọng.

Hiện tượng dân Đồng Tâm không tin vào nhà nước trung ương, tự đứng ra tổ chức "chính quyền địa phương" để chống lại áp bức, bất công rõ ràng là mô hình "Xô viết".

Ta có thể gọi là Xô viết Đồng Tâm. Thập niên 30 thế kỷ trước, dân Nghệ An và Hà Tĩnh sau những cuộc biểu tình chống áp bức của thực dân, tự động tụ hợp lại thành lập chính quyền. Lịch sử gọi đó là "phong trào xô viết Nghệ Tĩnh".

Đảng cộng sản sống, và lớn lên nhờ bú mớn ở những bầu sữa "Xô viết". Đảng này lấy sức mạnh từ nơi người dân nổi dậy chống áp bức.

Qua vụ "Xô viết Đồng Tâm", đảng cộng sản bây giờ đã trở thành một lực lượng "nội xâm". Lực lượng này đã phản bội lại nguồn gốc của chính họ.

 

Ngày 12 tháng giêng:

Xử tử ông Kình chưa xong, lại còn thủ tục truy tố ông về tội giết người; chống người thi hành công vụ; tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép"

Ở đất Đồng tâm miệt Hà nội có ông già 84 tuổi đời, 60 tuổi đảng, tên Lê Đình Kình. Một hôm xấu trời, ông trở thành kẻ thù của chế độ. Ông Kình bị các "đồng chí" của ông, những đứa công an có ông nội của chúng tuổi đời còn thua cả tuổi đảng của ông Kình. Những "đồng chí" bé này đã "hành hình" ông với bốn viên đạn, ngay tại nhà của ông, vào lúc 3 giờ sáng, rạng ngày 9 tháng giêng năm 2020.

Nhân chứng là vợ ông Kình. Bà Kình nói là hai viên đạn vô đầu. Một viên vô tim. Viên còn lại bắn nát cái chân trái. Chân phải của ông Kình không bị bắn vì chân này bị què. Chân này bị què cũng là do các đồng chí đánh gẫy. Họ lường gạt ông bằng cách mời ông ra đồng coi lại các cột mốc phân định đất đai. Họ bao vây ông rồi đánh ông cho đến gẫy chân. vụ việc xảy ra hồi tháng tư năm 2017. Cũng theo lời bà Kình thì các đồng chí bé đã khiêng 3 xác ra khỏi nhà của bà. Tức là gia đình ông Kình có thể bị các đồng chí "tử hình" đến 3 người.

Chuyện khác cũng nên nói, khi công an kêu người nhà ông Kình lên nhân xác thì có yêu cầu ký giấy, nội dung ghi rằng ông Kình chết ở tường rào đang xây của sân bay Miếu môn (chớ không phải chết tại nhà).

Vì đâu ra nông nỗi ?

Ngay cả khi ông Kình, gia đình ông Kình, cùng với một số dân Đồng Tâm, đã "sai" trong vấn đề tranh chấp đất. Tức là đất tranh chấp hoàn toàn là đất "quốc phòng" chớ không phải như ý của ông Kình nói. Theo ông Kình, đất đó thuộc quyền sử dụng của dân Đồng Tâm vì dân Đồng Tâm đã khai thác một cách liên tục và hòa bình, không gặp tranh chấp hay phản đối từ bất kỳ đối tượng (tư nhân hay nhà nước), từ những năm 60 thế kỷ trước. Thì cũng không thể điều động hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, lúc 3 giờ sáng, vào đập phá nhà ông Kình, bắn hơi cay, sau đó giết ông Kình (và có thể thêm 2 người khác trong nhà của ông Kình).

Ông Kình đã vi phạm vào tội gì ?

Báo công an Hà nội cho biết công an đã ra quyết định "khởi tố vụ án hình sự về tội giết người; chống người thi hành công vụ; tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép"...

Ông Kình chết tại nhà ông. Hiển nhiên hành vi của công an dùng vũ khí xâm nhập nhà ông Kình lúc 3 giờ sáng không phải nhằm "thi hành công vụ" trong nội dung "cưỡng chế đất".

Ông Kình chưa bị liệt vào thành phần "phản động", chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh ông Kình có hành vi "chống phá nhà nước cách mạng", hay có bằng chứng về việc "lạm dụng quyền tự do dân chủ" để làm "thiệt hại đến quyền và lợi ích" của nhà nước.

Ông Kình cũng chưa bị tòa tuyên án là "có tội".

Công an đột nhập vào nhà ông Kình như vậy không phải nhằm "thi hành công vụ". Hành vi của ông Kình ngăn cản việc công an xông vô nhà ông làm càn không phải là hành vi "chống người thi hành công vụ".

Việc đột nhập vô nhà ông Kình, vũ trang tận răng, công an đã phạm đủ thứ luật.

Những "bằng chứng" mà công an trưng ra, nói là thu được ở nhà ông Kình, gồm 8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng và nhiều hung khí...

Khi công an đột nhập vào nhà ông Kình bằng một phương pháp "trái luật", các "bằng chứng" do công an thu thập ở hiện trường trở thành "vô ý nghĩa". Chúng không còn là "bằng chứng" nữa.

Người ta cũng đặt vấn đê, tại sao cônn an ép người nhà ông Kình ký vào giấy nhận xác, nói là ông Kình chết ở bức tường đang xây của sân bay ? Phải chăng công an Hà nội muốn "gài" người nhà ông Kình để giữ được thế mạnh của người "thi hành công vụ" ?

Việc đột nhập vào nhà dân không có lý do, người dân có quyền tự vệ. Nhưng theo tin tức từ báo công an Hà nội, 3 ông công an bị chết vì rớt vào cái giếng (?), sâu khoảng 2 đến 3 mét, ở khoảng giữa nhà ông Kình và hàng xóm.

Tức là 3 ông công an này chết vì "tai nạn", chớ không do các "hung khí" của ông Kình mà công an đã "phát hiện" trong nhà ông này.

Tức là 3 ông công an này chết vì bất cẩn, vì thiếu chuyên môn, vì lòng "căm thù giai cấp" làm cho mờ mắt.

Tính mạng 3 ông công an này không quan hệ gì tới ông Kình (và người nhà ông Kình). Cũng không nghe nói có ông công an nào bị thương vì dao, hay vì lựu đạn.

Báo công an Hà nội cũng đưa tin "giật gân" rằng lúc đưa xã ông Kình vào giảo nghiệm, ngườ ita còn thấy ông Kình còn nắm trái lựu đạn trong tay (sic!). Thiệt tình nhà báo công an coi độc giả là con nít, muốn đặt điều sao thì đặt. Ông Kình bị hai viên đạn vô đầu, một viên vô tim và một viên bán đứt lìa chân trái. Bị bắn kiểu đó, ông Trọng, ông Phúc hay ôngTô Lâm... đều chết xoải tay (như ông Kình).

Vậy mà ba ông công an tử nạn lại được ông thủ tướng Phúc "Cấp bằng Tổ quốc ghi công" và phong lên làm "liệt sĩ".

Không biết tổ quốc nào ghi công ba ông công an này ? Cái danh từ "liệt sĩ" bỗng trở thành rẻ rúng.

Tổ quốc và nhân dân Việt Nam chắc chắn rất đỗi thương tâm cho cái chết đau thương và oan ức của công dân Lê Đình Kình.

 

Ngày 13 tháng giêng.

"Công vụ" hay "gian vụ" ?

Báo chí quốc tế có bài khen tổng thống Indonesia khi ông này "cứng cựa" trước những đe dọa của TQ.

Tổng thống Joko Widodo của Indonesia ngoài việc gởi máy bay chiến đấu F16 cùng tàu bè ra quần đảo Natuna để "nghênh chiến" với các tàu hải cảnh của TQ đang quần trong vùng biển của Indonesia. Ông còn thân chinh ra đảo Natuna để ủy lạo tinh thần chiến sĩ của quốc gia Indonesia. Nhân dịp này tổng thống Widodo lên tiếng thách thức TQ: "không có tranh chấp gì ở đảo Natuna. Thực tế và pháp lý chỉ ra rằng đây là lãnh thổ của Indonesia". Tàu hải cảnh của TQ tẽn tò rút lui.

...

Tổng thống Widodo của Indonesia đã làm tròn bổn phận người "đứng đầu nước".

Ông Trọng, vì bịnh hoạn, ta có thể du di. Còn ông Phúc, bà Ngân, ông Tô Lâm ?

Cảnh sát biển VN thuộc quyền ông Tô Lâm phải không ?

Cả bộ chính trị đảng CSVN, từ ông Trọng, ông Phúc, bà Kim Ngân, ông Tô Lâm... chỉ dám hung hăng, bức hiếp với người dân hèn nhược của mình.

Trong vụ Đồng Tâm, họ bất chấp luật nước, bất chấp dư luận quốc tế, ra lệnh cho công an cưỡng chế đất. Họ còn vượt quá quyền hạn (của công an) trong việc ra lệnh giết công dân Lê Đình Kình.

Cái "tư lợi" quá lớn, quá hấp dẫn khiến cả giàn lãnh đạo VN đồng loạt "ngồi xổm lên luật" và phạm tội sát nhân để cướp của.

Hiện nay đại diện VN ở LHQ đang giữ ghế "Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ", nhiệm vụ thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ. VN cũng đang làm chủ tịch luân phiên của ASEAN. Các nước liên quan hy vọng VN sử dụng các kinh nghiệm đối phó với TQ của mình để giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng pháp luật quốc tế.

Tư cách của những người đứng đầu quốc gia như vậy, ta có hy vọng gì ?

Mấy ông "ngồi xổm lên luật" thì tư cách gì để hy vọng TQ tôn trọng luật ?

Vụ Đồng Tâm, việc “Thi hành công vụ”, theo lập luận của Bộ Công an, đã trở thành việc "thi hành gian vụ”.

Nguyên nhân do đâu ba ông công an bị tử nạn ?

Theo tin chính thức từ bộ Công an, đăng trên Vietnam+ sáng ngày 13 tháng giêng, ba ông công an bị chết vì “lựu đạn, bom xăng, dao phóng” tại khu vực “bức tường bảo vệ sân bay Miếu Môn”.

Dẫn lại nguyên văn như sau:

“Theo thông báo của Bộ Công an, từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.

Trong quá trình xây dựng, sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sỹ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.”

Trên thực tế, qua lời kể của các nhân chứng, những người trong cuộc, và ngay từ các "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa", ba ông công an chết tại nhà ông Lê Đình Kình, chớ không phải chết tại hàng rào sân bay Miếu Môn (như lập luận của bộ Công an).

Bộ Công An đã "đổi trắng thay đen". Từ nhà ông Kình ra "hiện trường" là sân bay Miếu môn khoảng cách rất xa.

Bộ Công an "dấu đầu lòi đuôi", khi ra lệnh điều tra hành vi "tàng trữ vũ khí" của ông Kình. Rõ ràng các "vũ khí" như bom xăng, lựu đạn, dao... "tàng trữ" trong nhà ông Kình chớ không ở sân bay Miếu môn..

Các "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa" than khóc rùm beng, cho rằng ông Kình ra tay ác độc, nào là đào hầm chông, nào là đốt chết chiến sĩ công an bằng bom xăng... Chính những người này đã tố cáo Bộ Công an đã nói láo.

Ba công an chết ở nhà ông Kình, không hề có việc chiến sĩ công an hy sinh vì "thi hành công vụ" bảo vệ ở hàng rào sân bay Miếu môn.

Qua vụ truy tặng danh nghĩa "liệt sĩ", "tổ quốc ghi công", "huân chương chiến công"... Ông Trọng, ông Phúc... đã khoát vòng nguyệt quế lên sự dối trá.

"Công vụ" trở thành "gian vụ".

 

Ngày 14 tháng giêng.

Vụ Đồng Tâm có vẻ Bộ Công an lúng túng trong việc "dựng kịch bản".

Bộ công an muốn một kịch bản "hay", vừa để biện hộ cho việc "tử hình" ông Lê Đình Kình, vừa để lấy cớ để phong "liệt sĩ" và truy tặng cấp bằng "tổ quốc ghi công" cho ba chiến sĩ công an tử nạn.

Tin tức "chính thức" từ báo chí, truyền hình của nhà nước hôm 13 tháng giêng 2020 thì ba ông công an "hy sinh" trong lúc "bảo vệ an ninh trật tự" cho việc xây dựng bức tường sân bay Miếu môn. Tin tức cũng cho biết 22 người thuộc thôn Hoành bị truy tố. 20 người về tội "giết người" và 2 người về tội "chống người thi hành công vụ".

Nếu vậy ba ông công an tử nạn ở Đồng sênh, đang lúc thi hành công vụ bảo vệ công nhân xây dựng bức tường.

Nếu vậy ta có thể chấp nhận rằng ba ông công an tử nạn trong lúc "thi hành công vụ". Việc truy tặng "huân chương" hay truy phong "liệt sĩ" là điều có thể chấp nhận.

Kịch bản trong trường hợp này là dân Đồng tâm phạm tội chống "người thi hành công vụ" và "giết nhân viên công lực đang lúc thi hành nhiệm vụ".

Tội giết người trong trường hợp này là "nặng lắm", người chủ mưu 99% nếu ra tòa sẽ bị tòa phán tử hình.

Nhưng sáng nay 14 tháng giêng, "kịch bản" đã thay đổi. Không biết do thứ trưởng Lương Tam Quang "thành thực khai báo" hay do "trên bảo dưới không nghe".

Theo tướng Lương Tam Quang, nguyên nhân khiến ông Kình và ba ông công an tử nạn là do "va chạm" trong lúc lực lượng công an "bảo vệ công trình từ xa".

Tức là "version" ba công an tử nạn trong khu vực nhà ông Kình do "nhà báo lề trái" loan tin mấy hôm trước là chính xác.

Ông Quang cho biết "3 công an thiệt mạng là do ngã xuống giếng trời giữa hai nhà, và rằng "các đối tượng" sau đó đã phóng hỏa".

Chuyện "giật gân", ông Quang xác nhận "hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ", và "không có lệnh bắt giữ".

Hiểu một cách "tinh tế" thì công an được lệnh "giết".

Từ việc "bảo vệ tổ quốc từ xa" đến "bảo vệ công trình từ xa" đã là một câu hỏi đặt ra cho bộ công an.

Công trình "xây tường" để lấy đất này quan trọng cho ai ? công trình đem lại lợi ích cho ai ? Rõ ràng đây không phải là lơi ích của nhân dân và đất nước.

Tranh chấp đất giữa dân Đồng tâm (mà Lê Đình Kình là đại diện) lưu cửu từ mấy năm nay, chủ tịch Hà nội chỉ hứa hẹn cù nhây, không thấy giải quyết thỏa đáng.

Vấn đề đặt ra là tại sao phía "nhà nước", đại diện là UBND Hà Nội, lại không đơn phương đưa ra tòa phân giải, nếu thấy rằng phe ông Kình không chịu giải quyết tranh chấp bằng pháp luật ?

Việc "bảo vệ công trình từ xa" như vậy là không chính đáng, "tối hậu", vì còn có những giải pháp "sử dụng pháp lý" và các phương pháp hòa bình để giải quyết.

Việc "bảo vệ công trình từ xa", bằng cách tấn công vô nhà ông Kình và giết ông này, không phải là việc "thi hành công vụ". Đây là một vụ "thảm sát" mà những viên chức có lương tâm phải điều tra cho kỹ càng.

Ông Lê Đình Kình là một lão thành cách mạng, có gần 60 tuổi đảng. Những đảng viên trung kiên và có lòng, cần phải lên tiếng cho trường hợp đảng viên Lê Đình Kình.

Ba ông công an tử nạn được truy phong "liệt sĩ" và được cấp bằng "tổ quốc ghi công".

Tổ quốc được bộ công an "kéo" xuống đứng ngang hàng với "công trình xây tường sân bay Miếu môn"

 

Ngày 15 tháng giêng:

Tình hình là bộ công an khó có thể trưng bằng chứng để khởi tố 20 người dân Đồng Tâm vào tội "giết người".

Người chết ở đây là ba ông công an.

Theo lời thứ trưởng bộ công an Lương Tam Quang thì ba ông này "thiệt mạng là do ngã xuống giếng trời giữa hai nhà, và rằng "các đối tượng" sau đó đã phóng hỏa bằng cách ném chai xăng từ tầng hai, tầng ba xuống."

Theo tôi thì có nhiều điều cần làm rõ. Cái "giếng trời" có độ sâu khoảng 4 mét (dài 2m X rộng 1m). Người ta có thể chết vì bể đầu, gảy xương sống khi bị rớt từ độ cao như vậy. Điều chắc chắn là lửa không thể "thiêu xác" ba ông công an như hình ảnh loan truyền trên mạng. Với một thể tích nhỏ như vậy, oxygen trong giếng không đủ để xăng bùng cháy quá 5 giây.

Một cuộc "dựng lại hiện trường" là cần thiết để khẳng định hay kiểm chứng lại lời khai của các bên.

Việc truy tố những người khác về tội "chống người thi hành công vụ" cũng không dễ.

Bộ công an sẽ khó khăn khi chứng minh rằng việc sử dụng bạo lực trong việc "bảo vệ công trình từ xa" là điều cấp bách và cần thiết.

Công trình xây dựng hàng rào sân bay Miếu môn không nhằm củng cố cho "an ninh quốc gia". Tranh chấp đất đai thuộc khu vực sân bay Miếu môn giữa dân xã Đồng Tâm và UBND Hà nội đã lưu cửu từ nhiều năm nay và tranh chấp này là một tranh chấp thuần túy "dân sự".

Hàng ngàn công an tấn công vào nhà ông Lê Đình Kình vào lúc 3 giờ sáng. Lý do ban đầu thấy nại ra là ông Kình là "khủng bố", là "tàng trữ vũ khí", là chứa chấp giang hồ xì ke ma túy, HIV...

Lý do "khủng bố" xem ra không vững để đặt cho ông già 84 tuổi đời gần 60 tuổi đảng (ngoại trừ đảng cộng sản bị xếp vào loại khủng bố). Sau vụ "càn quét" nhà ông Kình, không thấy giang hồ xì ke ma túy đâu hết cả.

Không hề có việc "thi hành công vụ". Đây là hành vi công an lạm dụng quyền lực, "xâm nhập gia cư bất hợp pháp". Vũ khí mà công an nói là tịch thu ở nhà ông Kình, không thể xem là "bằng chứng" cho việc "tàng trữ vũ khí". Điều này cũng giống như lời của ông tướng công an, lúc chết ông Kình còn nắm trái lựu đạn trên tay.

Người nhà ông Kình đều có thể nại quyền "tự vệ chính đáng" hay quyền "sử dụng vũ lực" để "bảo vệ an toàn thân thể" trước sự tấn công của phi pháp của công an.

Rõ ràng công an đã lạm dụng quyền lực, sử dụng quyền lực để để phục vụ cho lợi ích phe nhóm. Cốt lõi của vấn đề là "người ta" muốn giết ông Kình để lấy đất Đồng Sênh một cách êm thắm.

"Người ta" ở đây là ai mà có thể điều khiển được cả bộ công an để dàn dựng âm mưu giết nguời cướp đất ?

 

 

Ngày 16 tháng giêng:

Một trong những lý do VTV thường đưa ra để "đánh" ông Lê Đình Kình là ông Kình không có quyền và lợi ích chi cả ở đất Đồng Sênh.

Hôm trước tôi có nói về "xô viết Đồng Tâm". Người dân nếu thấy chính quyền tham tàn, không xứng đáng, thì họ có thể đứng ra "làm cách mạng" để thành lập "chính quyền nhân dân". Xô viết Nghệ tĩnh là thí dụ.

Lập luận kiểu VTV, nếu ông Kình không có tư cách đại diện người dân bị áp bức ở Đồng Tâm, thì đảng CSVN cũng không có tư cách đại diện công nhân và nhân dân vô sản để lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Giàn lãnh đạo VTV cần học lại nguyên tắc về "đại diện", theo tiêu chuẩn của cộng sản và chủ nghĩa xã hội.

 

 

Ngày 17 tháng giêng:

Đất Đồng sênh: từ tình trạng "không có tranh chấp" đến tình trạng "có tranh chấp".

Phía công an biện hộ cho hành vi "bảo vệ công trình từ xa" của họ bằng cái clip video đăng trên BBC hôm qua. Nội dung Clip cho thấy ông Lê Đình Kình có lời lẽ cứng rắn là sẽ sử dụng bạo lực để bảo vệ đất đai của họ, ngay cả khi thịt rơi máu chảy.

Ông Kình có đe dọa an ninh quốc gia, làm rối loạn trật tự xã hội hay không ?

Ông Kình 84 tuổi, chân tàn phế phải ngồi xe lăn, dĩ nhiên lời nói của ông chỉ nhằm "cổ võ tinh thần chiến sĩ", chớ không nhằm thực hiện điều đó.

Nếu ta có đọc lịch sử VN, mỗi lần bị ngoại xâm, thì ta sẽ nghe những lời hiệu triệu có nội dung tương tự nhằm thúc đẩy dân chúng hy sinh để giữ gìn bờ cõi. Nếu không có những lời hiệu triệu như vậy VN từ lâu đã là một tỉnh của TQ.

Vấn đề đặt ra là lời hiệu triệu giữ đất của ông Kình có hợp tình hợp lý hay không ?

Câu hỏi đặt ra cho ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm, ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Kim Ngân... Nếu "người ta" lập âm mưu để cướp nhà cướp đất của quí vị. Quí vị có hô hào cháu con, giòng họ, lối xóm "liều chết" để giữ gìn đất đai, tài sản hay không ?

Bộ công an lấy lời hiệu triệu của ông Kình làm thực, huy động hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động đổ vào thôn Hoành lúc 3 giờ sáng rạng ngày 9 tháng giêng, mục đích duy nhứt để giết ông Lê Đình Kình và bắt những nhân vật trong nhóm "đồng thuận".

...

Đất Đồng sênh, khu vực phía tây, là đất "không tranh chấp". Sự việc lùm xùm từ ngày Nguyễn Đức Chung về nắm chủ tịch Hà nội. Với những lý lẽ "cả vú lấp miệng em", đất này bỗng trở thành "có tranh chấp".

Nếu ở hoàng Sa, Gạc ma... quân lính VN đổ máu xuống để bảo vệ lãnh thổ. Đây là quyền tự vệ chính đáng. Thì ở Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình có đủ lý do để đe dọa sử dụng bạo lực nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Sự việc Đồng Tâm cũng y chang như ở Gạc ma. Công an sử dụng vũ lực, hàng ngàn người ban đêm đổ quân vô đánh nhà ông Kình và giết ông này.

 

Ngày 17 tháng giêng:

Bộ công an đã sử dụng "quyền lực nặc danh", phương cách khác để che đậy việc lạm dụng quyền lực, để giải quyết tranh chấp đất Đồng sênh. Bộ công an đã "thủ tiêu" một bên tranh chấp, bằng phương tiện vũ lực, để triệt mọi chứng cứ, mọi yêu sách sau này của những người liên hệ.

 

Ngày 18 tháng giêng.

Vụ phong tỏa tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh.

Bộ Công an, sau ba lần thay đổi "kịch bản" để biện hộ cho việc can thiệp bằng vũ lực vào tranh chấp đất đai Đồng Sênh, (mà kịch bản nào cũng lố bịch, dấu đầu hở đuôi), cuối cùng thì bộ núp dưới hai lý do "khủng bố" và "an ninh quốc gia".

Chỉ có lý do "khủng bố" mới có thể biện hộ cho hành vi bất cập của lãnh đạo trong việc truy tặng huy chương cùng với bằng cấp "tổ quốc ghi công" và truy phong liệt sĩ cho 3 ông công an tử nạn trong biến cố.

Nhưng việc này lại để lộ sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu luyện tập của tập thể công an K20 (?).

Điều quan trọng của biến cố Đồng tâm là cho lãnh đạo đảng, quan chức nhà nước thấy rõ sự bất tài, thiếu chuyên môn, làm việc tùy hứng của các cấp chỉ huy.

Dẫn một trung đoàn công an vũ trang tận răng, tấn công vô nhà công dân đảng viên Lê Đình Kình vào lúc 3 giờ sáng. Công an nắm đủ các yếu tố "không thể thất bại". Vậy mà kết quả tang thương với ba chiến sĩ công an tử nạn (lảng nhách).

Nếu không phải Đồng Tâm mà là một vụ "khủng bố" đúng nghĩa. Với một lãnh đạo tầm thường như vậy có lẽ cả trung đoàn công an không còn mấy ai thoát thân.

Trách nhiệm cái chết của ba chiến sĩ công an vì vậy thuộc về lãnh đạo công an K20 (?).

Nếu lãnh đạo đảng và nhà nước VN có đầu óc sáng suốt và có tinh thần trách nhiệm đối với người dân, họ phải đặt câu hỏi: tại sao phải sử dụng vũ lực để giải quyết một tranh chấp đất đai ?

Việc giải quyết bằng vụ lực đã không chỉ đem lại hệ quả tồi tệ cho tâm lý xã hội, mà còn gậy thiệt hại nhân mạng cho cả hai bên, lực lượng công an và cá nhân ông Lê Đình Kình, một đảng viên trung kiên, một công dân gương mẫu.

Ở một quốc gia bình thường, các vị lãnh đạo công an chỉ huy vụ thảm sát Đồng Tâm, chắc chắn phải ra đứng trước vành móng ngựa.

Nhưng việc giàn dựng kịch bản "khủng bố" coi bộ không thuận lý. Nếu hiểu rõ ý nghĩa từ "khủng bố" thì người ta không thể ghép tội này cho ông Kình, một ông già 84 tuổi, có 58 tuổi đảng, tàn phế phải ngồi xe lăn ?

Ngay cả con ông Kình, Lê Đình Công, hay những công dân ở Đồng Tâm. Hôm trước công an Hà nội truy tố họ về tội "giết người". Vụ này khó có thể chứng minh vì ba ông công an chết vì té giếng. Thì làm gì có đủ yếu tố để buộc tội "khủng bố" cho những người này.

Từ tội "giết người" đi đến vấn đề "khủng bố" là xa thăm thẳm. Vũ khí mà công an nói là "tịch thu" ở nhà ông Kình (?), rõ ràng không phải là thứ để "khủng bố". Nhiều xác suất cho thấy các thứ vũ khí này lấy từ "kho" của công an Hà nội, tịch thu của "giang hồ Bắc hà", thuận tay đưa vào mà thôi. (Chỉ thiếu vài ký bạch phiến).

Vụ phong tỏa tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh, nói là để kiểm soát dòng tiên giúp khủng bố, lại càng để lộ sự lố bịch kệch cởm của bộ công an. Thực tế họ phóng lao thì phải theo lao.

Nghĩa tử là nghĩa tân. Tiền bà con, đồng bào khắp nơi gởi về phúng điếu cho ông Kình là một nghĩa cử, một nét đẹp về văn hóa "bầu ơi thương lấy bí cùng" của người Việt. Phong tỏa số tiền này không bao giờ làm rõ được yếu tố khủng bố trong vụ Đồng Tâm. Bởi vì nó không có. Nó chỉ cho thấy sự vô nhân đạo và đê tiện của lãnh đạo công an mà thôi.

 

Ngày 20 tháng giêng:

Nghe đồn ông Trọng đột quị là do vụ Đồng Tâm. Nghĩ cũng đúng. Làm việc chung với những người vừa "vượt quyền", vừa ngồi xổm lên luật, làm đổ ra đủ thứ nợ rồi trút lên đầu mình! Thiệt tình tức ói máu. Đột quị là phải thôi.

Tôi nghĩ, ông Trọng chủ trương "đức trị", muốn làm đảng trong sạch, nhưng lại lực bất tòng tâm. Trong khi toàn bộ nhân sự đảng tất cả là một "nồi sâu", tìm đâu người "trong sạch" như mình. Vì vậy ông Trọng nên nghĩ lại. Sau ông rồi đất nước ra sao ?

Theo tôi, đất nước cần phải tổ chức theo mô hình "quốc gia pháp trị" (Etat de Droit - Rule of Law), vì đây là mô hình tổ chức quốc gia duy nhứt bảo đảm được sự phát triển bền vững và giữ được sự công bằng trong xã hội về quyền. Tất cả các quốc gia giàu nhứt hành tinh hiện nay đều được tổ chức theo mô hình "quốc gia (hay nhà nước) pháp trị".

Sử vàng ghi tên hay ngàn đời bia miệng trong thời phút cuối đời của ông Trọng chẳng qua chỉ là một sự chọn lựa.

 

Ngày 23 tháng giêng.

Một lãnh đạo "bình thường" ở một đất nước "bình thường", tức một người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hệ quả những quyết định của mình. Nếu để xảy ra một vụ như Đồng Tâm, người này nếu không bị truy tố phải ra trả lời trước vành móng ngựa thì cũng phải từ chức. Người trọng danh dự có thể họ phải tự vận để chuộc lấy lỗi lầm.

Nghe đồn tưởng thật là ông Trọng bị "đột quị". Suy bụng ta ra bụng người. Nghĩ rằng nếu là một người có lương tâm, có đạo đức, sau khi ra một quyết định sai lầm cho phép việc sử dụng vũ lực trong cưỡng chế đất đai. Hệ quả gây tang thương đỗ vỡ cho hàng trăm gia đình, xã hội xào xáo mất niềm tin. Ngay cả khi được luật pháp và "đảng" bảo vệ, "bất khả xâm phạm", thì cái đạo đức, cái lương tâm không thể để cho người đó sống an nhiên như không có gì xảy ra.

Ông Trọng đọc diễn văn chúc tết như không có chuyện gì xảy ra. Chuyện giết chết một "đồng chí", một "đảng viên kỳ cựu", lý ra là một chuyện trọng đại, nếu chiếu theo nguyên tắc của đảng CSVN. Chuyện ba ông công an chết phi lý vì té giếng lý ra là việc cấp bách mà người làm pháp luật phải có trách nhiệm làm cho minh bạch.

Rốt cục ông Trọng cũng là một đảng viên cộng sản tham tiền như bất cứ đảng viên nào. Miếng đất ở Đồng Tâm có giá trị quá lớn. Hàng tỉ đô la. Ông Kình và dân Đồng Tâm là cái đếch gì mà "ngậm" cái bánh lớn như vậy ?

 

9-9

Vụ án Đồng Tâm đối với bộ công an rõ ràng là "càng xử lâu càng khó". Tòa đã định thời gian 10 ngày để xét xử nhưng mới hai ngày viện kiểm sát đã đề nghị án tử đối với hai người giòng họ Lê Đình. Xử theo lối "chạy tang", bất chấp thủ tục tố tụng, lần nữa cho thấy công an đã lạm dụng quyền lực đến mức không thể chấp nhận được.

Ba ông công an té xuống giếng trời, chết bằng cách nào, do xăng đốt cháy, do té bể đầu, hay do vũ khí (lựu đạn lân tinh) cháy... thì nguyên nhân trực tiếp của 3 cái chết là do "thiếu luyện tập", thiếu chuyên nghiệp... mà các việc này người có trách nhiệm trực tiếp là Tô Lâm. Ngân sách bộ công an chiếm tới 11% ngân sách quốc gia, cao hơn cả ngân sách bộ giáo dục. Bộ công an và ông Tô Lâm "đã làm cái gì" mà bản lĩnh sĩ quan công an tệ hại, thua cả một tên trộm không lành nghề.

Bộ công an muốn xử theo lối "chạy tang" vì càng xử lâu, cho phép luật sư biện hộ và bị cáo có ý kiến, thì sư thật sẽ được phơi bày. Ba ông công an chết vì tai nạn, hay chết cháy do trái sáng (lựu đạn lân tinh) thì không thể ghép người ta vô tội "giết người". Càng để cho luật sư và các bị cáo mở miệng thì vụ "chống người thi hành công vụ" cũng không thuyết phục. Luật không cho phép sử dụng vũ lực tấn công nhà dân vào ban đêm, nhứt là mục đích để "ăn cướp" đất của nông dân Đồng tâm.

Bộ công an muốn "trả thù" giòng họ Lê Đình Kình. 3 ông công an chết thì ba người họ Lê Đình phải đền mạng. Vụ án Đồng Tâm trở thành vụ công an lạm dụng quyền lực, dùng tòa án và pháp luật trước để trả thù, sau để "dằn mặt" tất cả những ai dám thách thức quyền lực của bộ công an, tức thách thức ông Tô Lâm.

Ông Lê Đình Kình có hơn 50 tuổi đảng. Cái ghế ngồi của ông Trọng, ông Tô Lâm đang ngồi là có công lao đóng góp xương máu của các đảng viên như Lê Đình Kình. Ông Kình là "một bộ phận" của đảng.

Đứng về phía tài phiệt địa ốc bộ công an của Tô Lâm đã giết ông Kình, giết thêm con trai và cháu trai ông Kình.

Bộ công an đã "tru di tam tộc" đảng viên. Lạm dụng quyền lực đến mức này thì không ai có thể tha thứ.

8-9

ụ án Đông Tâm và "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Luật pháp VN nào giờ không nhằm mục tiêu "bảo vệ và thiết lập công lý" mà chỉ nhằm triệt tiêu mọi mầm mống chống đối trong xã hội để bảo vệ sự "độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội" của đảng.

Theo Hiến pháp, "Nhà nước Việt Nam" được xây dựng theo mô hình "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Đây là một khái niệm (xây dựng quốc gia) trên nền tảng pháp luật hoàn toàn mới, xa lạ với mọi khái niệm luật học của Tây phương.

Từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước, trước nhu cầu thay đổi pháp luật để gia nhập kinh tế toàn cầu, TQ đưa ra khái niệm "quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa". Đây là mô hình nhà nước kiểu mới, đưa pháp chế xã hội chủ nghĩa vào mô hình nhà nước Tây phương "l'Etat de Droit".

"L'Etat" có nghĩa là "quốc gia", hay theo VN hiện thời là "nhà nước". "Droit" có hai nghĩa : 1/"luật pháp" và 2/"quyền". Ý nghĩa của "Droit" trong "Etat de Droit" là "pháp luật". "L'Etat de Droit" là quốc gia (hay nhà nước) được xây dựng trên các hệ thống pháp luật.

CSVN không thể "rời" quĩ đạo CSTQ, nhứt là về các vấn đề thuộc về "ý thức hệ" và lý luận chính trị. Đỗ Mười "bưng nguyên con" tư tưởng của lãnh đạo cộng sản TQ, "quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa" của TQ được "đỉnh cao trí tuệ" VN thay đổi một chút, trở thành "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Trí thức VN, trong và ngoài nước, cùng thời kỳ, người thì "vẽ rắn thêm chân", người thì đóng vai phù thủy hà hơi vào lỗ mũi pho tượng đất sét "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Rốt cục cái gọi là "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" cũng trở thành một "khái niệm luật học" về "mô hình xây dựng quốc gia".

Vấn đề là học giả VN "mỗi người mỗi ý". Khái niệm "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" được diễn giải "lung tung".

Không biết từ khi nào cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" bị rụng mất để trở thành "nhà nước pháp quyền". Không mấy ai còn nhớ nội hàm "pháp chế xã hội chủ nghĩa" gắn liền với "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Cái đuôi thằn lằn rụng đi thì mọi người cần nhớ là con thằn lằn vẫn là con thằn lằn.

Nhưng "bi kịch" về "luật học" của VN vẫn chưa chấm dứt lúc con thằn lằn đứt đuôi. Nó chỉ mới bắt đầu.

Một số học giả VN, trong ngoài nước, lại "chặt chân" con thằn lằn đứt đuôi kia. Cái râu ria "nhà nước" đơn thuần bị "cắt" đi. Từ "pháp quyền" được khai sinh thay thế "nhà nước pháp quyền" mà mỗi người "diễn giải" ý nghĩa theo cái cách của mình.

Mới đây GS Phạm Quí Thọ trên BBC có nói đại khái rằng vụ Đồng Tâm nhà nước CSVN sử dụng "pháp trị", thay vì "pháp quyền" để xét xử vụ án.

Pháp trị là một "mô hình xây dựng quốc gia", được VNCH (và các quốc gia văn minh Hán học) sử dụng để chỉ cho "the Rule of Law", mô hình luật học xây dựng quốc gia kiểu Anh (và Mỹ).

Không chỉ GS Phạm Quí Thọ mà rất nhiều học giả hải ngoại cũng diễn giải theo cách "thằn lằn đứt đuôi".

Con thằn lằn đứt đuôi, "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" trở thành "nhà nước pháp quyền" là cả một vấn đề "cá chốt" (không phải cá chép) muốn "hóa rồng".

Từ "nhà nước pháp quyền" trở thành "pháp quyền", các học giả VN muốn "nhào nặn" ngôn từ tới đâu ?

Pháp quyền là gì ? Đố học giả VN nào đinh nghĩa được chữ "quyền" trong cụm từ "nhà nước pháp quyền".

Một số học giả VN trước đây khẳng định "pháp quyền" nguyên thủy lấy từ câu vè (nói là) của Hồ chí Minh: "bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Pháp quyền trong câu vè này là "quyền được xét xử - juridiction". Quyền ở đây là "right, droit" chớ không phải là "power, pouvoir".

Tự điển VN không có từ "pháp quyền", theo ý nghĩa "mô hình xây dựng nhà nước trên luật pháp". Không ai định nghĩa được, chính xác là không ai có thể xác định được. Vì chữ "quyền" có rất nhiều nghĩa (vô định): thuộc về quyền lực, thuộc về pháp luật, quyền biến....

Tây phương không ai tách chữ "Droit" ra khỏi "Etat de Droit" như học giả VN. "Etat de Droit", cũng như "nhà nước pháp quyền" là từ "khái niệm", một tập hợp chữ không thể tách rời. Tách ra "Etat" có nghĩa là "quốc gia hay nhà nước", "droit" trở thành "pháp luật". Hai chữ tách rời không có chút ý nghĩa nào liên quan đến "Etat de Droit".

Con thằn lằn rụng đuôi thì vẫn là con thằn lằn. Tách "pháp quyền" ra khỏi "nhà nước", "pháp quyền" đơn giản có ý nghĩa là "pháp luật".

Vụ án Đồng tâm, bản chất vốn là một cuộc "tranh chấp đất đai" giữa nông dân và cái gọi là "đất quốc phòng" được giao cho tài phiệt khai thác.

Công an đứng sau lưng tài phiệt, ban đêm xông vào nhà dân giết người, triệt tiêu tiếng nói đại diện cho tầng lớp bị cướp đất.

Công an lập bản "cáo trạng", 29 người Đồng Tâm bị xử vào tội danh "giết người" và "chống người thi hành công vụ".

Báo chí, truyền hình VN... đồng loạt loan tin như thể 29 người đã là tội phạm.

Ban đêm cả ngàn cảnh sát xông vào nhà dân nổ súng giết người. Đây là một "gian vụ", không phải là một "công vụ". Vì vậy không hề có tội danh "chống người thi hành công vụ".

Vào nhà dân giết người. Đây mới là tội danh "giết người" thực sự.

Cái gọi là "nhà nước pháp quyền XHCN" của VN rõ ràng là nhà nước của công an, bạo quyền.

Ngay cả khi áp dụng "pháp trị" theo mô hình luật học phong kiến của Pháp gia, vua sử dụng luật pháp để trị dân. Thì công lý cũng có đôi lần "sống sót". Vụ án Đồng Tâm công an "cả vú lấp miệng em", dùng súng ống thay cho pháp luật. Làm gì có "pháp trị" ở đây ? "Công lý" là một anh kịch sĩ đóng vai hề. Công lý là trò hề.

Vụ án Đồng Tâm, về mọi phương diện, thể hiện tính "quyền biến" trong việc sử dụng "quyền lực" của bộ máy công an.

Công an làm cái gì cũng đúng. Bởi vì bản chất của công an là bảo vệ lợi ích của đảng.

 

9-9

Vấn đề lạm dụng quyền lực của bộ công an đã thể hiện một cách lộ liễu trong vụ án Đồng Tâm.

Qui tội 29 công dân Đồng Tâm vào tội "giết người" và "chống người thi hành công vụ", người "đạo diễn" bộ công an nếu có chút ít tinh thần trọng luật thì phải chứng minh rằng 3 ông công an chết dưới "giếng trời" là do "bị giết" và đồng thời vụ tấn công vào nhà dân lúc đêm hôm là một "công vụ".

Đạo diễn Bộ công an cho chiếu tại tòa những "bản kịch" dàn dựng như là "bằng chứng" buộc tội "giết người".

Điều cần thiết phải làm lý ra là "dựng lại hiện trường", ngay nơi "giếng trời" để chứng minh cụ thể.

Hình chụp xác chết cháy đen, nói là do xăng đốt, hiển nhiên không thuyết phục. Nhiên liệu như xăng, dầu không thể cháy trong môi trường thiếu dưỡng khí của giếng trời. Những người chết cháy có nhiều xác suất chết vì vũ khí như lựu đạn "lân tinh" hay "trái sáng" mang theo trong người. Chỉ có các loại vũ khí hóa học (như phosphore hay các loại hóa chất cháy không cần dưỡng khí) mới có thể cháy dữ dội (nhiệt độ cao) và lâu dài, cháy thiêu cả xác người như đã thấy trong môi trường thiếu dưỡng khí (Oxygen) của giếng trời.

Cũng cần kiểm chứng rằng một người khi té xuống giếng trời người này có thoát chết hay không ?

Chết vì tai nạn, hay chết do vũ khí (hóa học) mang theo bùng cháy thì không thể qui tội "giết người" cho dân Đồng Tâm.

Còn nói là "thi hành công vụ", thời điểm "tấn công" khẳng định rằng bộ công an đã "làm càn", không theo trình tự và thủ tục qui định của pháp luật.

"Làm càn" trái thủ tục pháp lý, ngay cả khi người làm càn là ông Trọng hay ông Tô Lâm, những người này cũng bị "xử" trước pháp luật.

Luật về "sở hữu đất đai" qui định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý". Đây là một thứ "luật nền" của các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản (hay XHCN của Mác Lenin). Luật về đất đai của VN có nội dung tương tự.

Luật đất đai của VN qui định thẩm quyền "truất quyền sử dụng đất đai" cho cán bộ các cấp quận, huyện... mà lý ra quyền này phải thuộc về người nắm "quyền lực tối cao" trong nhà nước, đó là Quốc hội. Bởi vì "chủ quyền quốc gia", tức quyền lực tối cao và tuyệt đối trong quốc gia thuộc về "toàn dân" mà Quốc hội là nơi tập trung quyền lực tối cao đó.

Luật VN qui định "quyền sử dụng đất đai" cũng là một "quyền sở hữu". Do đó không cá nhân nào ở VN có thẩm quyền "truất hữu quyền sở hữu của người khác", ngoại trừ Quốc hội.

Mọi thủ tục "truất hữu" không thông qua Quốc hội là "phạm luật".

Tức là trong vụ Đồng Tâm bộ công an toa rập với tài phiệt tư nhân dàn dựng âm mưu cướp đất của dân. Tất cả những người có dính líu trong vụ này đều là "tội phạm". Tội lạm dụng quyền lực để ăn cướp và giết người.

 

 

10-9

Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách đại diện cho "ba gia đình bị hại" thì 3 ông công an bị chết là do "đổ xăng thiêu chết".

Nguyên nhân vì sao ba ông công an rớt xuống "giếng trời" vẫn chưa được xác định mặc dầu Viện kiểm sát đã đề nghị mức án. Viện kiểm sát coi bộ "nóng lòng" còn hơn cả bên công an. Hai bên đều muốn chấm dứt phiên tòa "trét cứt vô mặt đảng" này cái cho rồi.

Hôm qua tôi có viết là ba ông công an bản lĩnh thua cả tên ăn trộm thiếu chuyên nghiệp. Tên ăn trộm trước khi "ra tay" cũng phải đảo đi đảo lại đôi ba lần qua địa điểm để tìm hiểu "địa hình" - địa vật".

Chỉ là nhà của "nông dân" mà công an "té giếng" một lượt 3 người. Cái "giếng trời" diện tích chỉ bằng "lỗ chân trâu". Giả sử "đi sông đi biển" thì cả đoàn công an này chắc không còn ai về nhà.

Vì vậy, nếu nguyên nhân vì sao 3 ông té giếng không được xác định, vì bất kỳ lý do nào. Thì nguyên nhân đưa tới vụ "chết lỗ chân trâu" này là do "tai nạn", do sự thiếu huấn luyện của nhân sự bộ công an. Trách nhiệm vụ này là ai, hôm qua tôi có nói rõ ràng là ông Tô Lâm.

Bộ Công an "lên kế hoạch" đưa cả ngàn quân ba giờ sáng "tấn công" vào thôn Hoành. Kế hoạch đã lên, bộ công an đã duyệt. Kế hoạch đã thi hành nhưng luật sư Hồng Bách ngăn cản không cho công bố vì lý do "bí mật nhà nước".

Ông Luật sư này coi bộ không rành luật. "Bí mật nhà nước" là gì ?

Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

"Kế hoạch" đánh đẹp vào thôn Hoành, giết Lê Đình Kình, lục soát lấy giấy tờ đất đã "rõ như ban ngày". Kế hoạch đã thực hiện , không còn là "bí mật nhà nước". Còn "lợi ích quốc gia dân tộc" là gì ? Dân thôn Hoành không phải là "dân tộc" của "quốc gia" này hay sao ? Không công bố kế hoạch là tiếp tay cho việc dấu diếm âm mưu thâm độc của tập đoàn "công an - tài phiệt", mới là việc làm "gây nguy hại đến lợi ích" của "dân tộc".

Việc không công bố "kế hoạch" tấn công thôn Hoành khiến dư luận hoài nghi: công an đã làm cái gì thúi tha mà phải dấu diếm như vậy ?

Hiển nhiên, khi kế hoạch không công bố, khi nguyên nhân 3 ông công an vì sao té giếng không được làm rõ... thì mọi phán quyết của tòa đều là cứt trét vô mặt đảng. Ông Kình là đảng viên 56 tuổi đảng.

 

 

11-9

Bên công an cương quyết không công khai Kế hoạch 419A nhưng tòa vẫn "tỉnh bơ" chấp nhận bản cáo trạng của Viện kiểm sát. 29 người dân Đồng Tâm kẻ thì bị kết vào tội "giết người", viện kiểm sát đề nghị tử hình cho hai người (đều là con của Lê Đình Kình), kẻ thì bị kết vào tội "chống người thi hành công vụ".

Tòa không cần biết mục đích của kế hoạch 419A là gì. Đối với dư luận thì đó là kế hoạch (do công an dàn dựng) nhằm mục tiêu đánh vô nhà Lê Đình Kình, giết ông này để chiếm đoạt giấy tờ, bản đồ... có liên quan đến đất Đồng Sênh.

Kế hoạch 419A không công bố, màn tối phủ trùm lên phiên tòa.

Vậy Tòa dựa vào đâu để khẳng định vụ "đánh đẹp" vào nhà ông Kình là một "công vụ" ?

"Công vụ" là gì ? Nếu xét dưới ánh sáng của "ngôn từ" thì "công vụ - fonction publique" là "hoạt động do cán bộ, viên chức... nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội".

Kế hoạch 419A có thực hiện đúng theo pháp luật hay chưa ?

Nhà nước nào (và đạo lý nào) cho phép cả ngàn công an trang bị vũ khí tận răng, ban đêm 3 giờ sáng đánh vào nhà dân, nguyên là một ông già 84 tuổi đời (58 tuổi đảng) ?

Hành vi giết Lê Đình Kình và cướp lấy giấy tờ, bản đồ... của ông này liên quan đất Đồng Sênh là hành vi "phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội" ?

Không có qui định nào của pháp luật VN "bảo kê" cho vụ cố ý giết người và cũng không có luật nào của VN bảo vệ hành vi giết người tự tiện của công an.

Ba ông công an vì sao mà chết ? Cáo trạng viết là do "xăng đốt". Chuyện này không ai tin. "Giếng trời" sâu và hẹp, thể tích dưỡng khí dưới đáy giếng không đủ để xăng cháy liên tục đến 10 giây đồng hồ. Bên bị cáo yêu cầu "thực nghiệm hiện trường" thì tòa bác.

"Chết vì xăng đốt" hiện trường không được chứng minh. Không có bất kỳ một tờ giấy giảo nghiệm của một cơ quan y tế chứng minh 3 ông công an "chết vì xăng đốt".

Nguyên nhân "do xăng đốt" làm chết 3 ông công an vậy chỉ là "ý kiến" của Viện kiểm sát ghi trong cáo trạng.

Nếu có coi một clip video chiếu trên net từ hôm 9 tháng giêng thì ta thấy "trận đánh" vô nhà ông Kình mở đầu bằng các đợt "pháo kích" bằng trái sáng và lựu đạn chấn động. Sau đó mới là những loạt súng bắn tứ tung.

Người ta có thể đột nhập vô nhà ông Kình dễ dàng, bằng cửa chính, cửa sổ hay từ sân thượng. Hà cớ chi 3 ông công an leo vào nhà "hàng xóm" để bị rớt vào giếng ?

Điều này vô lý. 3 giờ sáng cha con ông Kình ngủ yên ở nhà mình, không ở nhà hàng xóm để "đổ xăng" vô giếng để thiêu sống ba ông công an. Cáo trạng của VKS đoạn này phải bác bỏ. Vì nó "thậm phi lý".

Vì vậy, tôi có nói từ đầu, ba ông công an chỉ có thể chết vì "phe ta bắn phe mình". Đạn trái sáng đeo trong người 3 ông bùng cháy, do đạn lạc hay do kỹ thuật, khiến ba ông cháy thành than, chết thảm.

Ta cũng không thể loại bỏ giả thuyết cho rằng không có ông nào chết hết cả. Công an "dựng" được kịch bản "công vụ" thì công an cũng có thể dựng kịch bản "liệt sĩ" cho ba cái hình nộm.

Lý ra phải có một vụ án giết Lê Đình Kình cũng như vụ án công an lạm dụng quyền lực. Phe công an dựng kịch bản "3 ông công an chết cháy do xăng đốt" nhưng công chúng không phải ai cũng đui mù.

Vấn đề đặt ra là ông Kình nguyên đảng viên 58 tuổi đảng. Tranh chấp đất Đồng Sênh trở thành tranh chấp giữa các thế hệ đảng viên.

Thế hệ đảng viên trẻ tham nhũng tới xương muốn diệt trừ đảng viên lớp già, nghèo vì vừa trong sạch, vừa can trường muốn giữ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và dân làng. Lớp đảng viên trẻ hủ bại phê phán thế hệ già "cậy công". Thế hệ già dĩ nhiên người ta có công lao. Lớp trẻ không đổ một giọt máu, đoạt hết công lao lớp già không nói làm chi. Giết người ta cướp của lại đổ thừa lớp già "cậy công" là điều quá đáng.

Tranh chấp giữa lớp đảng viên trẻ nắm quyền lực với lớp dảng viên già đã về hưu. Lớp trẻ hiện có quyền lực đa số thối nát tới xương. Nhìn Tô Ân Xô viên thiếu tướng công an. Chỉ môt dây nịt lưng của hắn (trị giá lên tới 5000 đô) diện trước công chúng lúc hắn ta bôi nhọ ông Kình "cường hào địa chủ mới" đủ cho ta thấy cái đểu giả của lớp trẻ vô ơn. Một hột cơm trong miệng của Tô Ân Xô hiện nay có được là do công lao xương máu của lớp đảng viên già, kiểu ông Kình đổ ra giành lấy.

Tô Ân Xô đại diện phe công an ăn cháo đái bát, cướp của giết người lại còn qui tội cho nạn nhân.

Vụ Đồng Tâm lịch sử sau này sẽ rữa tội cho ông Kình và 29 nạn nhân bằng máu và nước mắt.

Chó không ăn thịt chó nhưng đảng viên bây giờ vô ơn bội nghĩa, vì lợi sẵn sàng giết đồng chí tiền bối của mình.

 

 13-9

Viện kiểm sát kêu hai án tử hình cho Lê Đình Chức và Lê Đình Công.

Tội trạng của Lê Đình Chức theo điều tra của VKS: "Chức thừa nhận chọc tuýp sắt tấn công, sau đó 3 chiến sỹ bị rơi xuống hố đã đổ xăng thiêu chết một cách dã man. Hành vi của bị cáo đúng với chứng cứ đã được công khai tại tòa" (Vietnamnet 10-9).

3 giờ sáng cúp điện trời đất tối thui. Lê Đình Chức dùng tuýp sắt tấn công 3 ông công an khiến 3 ông té giếng xem ra "hư cấu" không kém truyện Tam quốc chí của Tàu lúc Quan công qua 5 ải chém đầu 6 tướng. Một mình Chức "múa thương" tả xung hữu đột trên sân thượng, ấn tượng kém chi cảnh Triệu Tử Long phò ấu chúa...

Vụ té giếng đổ xăng đốt, trở lại truyện "ta", kịch bản của VKS xem ra cóp pi truyện bó đuốc Lê Văn Tám...

Công an cả ngàn người vũ trang tận răng, từ súng ám sát bắn từ xa có gắn hãm thanh và ống nhắm hồng ngoại tuyến cho tới súng ngắn, súng dài, lựu đạn cay, lựu đạn khói, trái sáng v.v... Tất cả chỉa tua tủa hướng vô "kẻ địch" là nhà ông đảng viên Lê Đình Kình, cha Chức.

Ông Chức có thể "trụ" bao lâu cầm ống tuýp "chọc" làm té giếng một lúc 3 ông công an ?

Trời tối đen, không lẽ chỉ có ông Chức là "sáng mắt", cả ngàn ông công an còn lại đều mù ? Vũ khí hiện đại nhìn thấu màn đêm (ống nhắm hồng ngoại tuyến) của công an đâu ?

VKS cho là "hành vi của bị cáo đúng với chứng cứ đã được công khai tại tòa... lời khai của nhiều người chứng kiến sự hy sinh của 3 chiến sỹ, đã đủ căn cứ buộc tội các bị cáo, không cần phải thực nghiệm điều tra"...

Các bên công an và viện kiểm sát... bộ binh bộ hộ bộ hình, ba bộ đồng tình bóp vú con tôi... Các bên đã phạm lỗi nặng nhứt trong ngành tư pháp. Đó là "nói láo - parjure".

Ba ông công an có chết hay không, chết bằng cách gì vẫn còn là nghi vấn. Nhưng kết luận rằng ba ông công an chết cho Lê Đình Chức "chọc ống tuýp" (làm cho té giếng) và đổ xăng đốt là chuyện tào lao trên trời dưới đất.

Còn Lê Đình Công bị án tử đơn thuần vì dám thách thức quyền lực của công an. Con ếch chết vì lớn miệng.

Gia đình Lê Đình Kình ở Đồng Tâm khá tương đồng với gia đình Biện Toại, Mười Chức trong vụ án Nọc Nạn. Nếu đem Youtube trở về thời xưa ta không thể loại trừ khả năng phe Biện Toại làm "Vlog" khoe "thế lực" để răn đe, như Lê Đình Công "tuyên bố" giết từ "300 tới 500 thằng".

Lời nói phóng đại "cho sướng miệng" của Công có thể xem là "khủng bố" như lời kết tội của VKS hay không ?

Xem ra phe công an và VKS đã sử dụng từ "khủng bố" một cách tự tiện. Bất ký ai chống đối nhà nước, ngay cả bằng lời nói, cũng đều có thể ghép vào tội "khủng bố".

Khủng bố là gì ?

Pháp luật VN qui định: "Khủng bố là (Hành vi) cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể hoặc uy hiếp tỉnh thần người khác nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân".

Tức là, khi VKS kết tội Lê Đình Công là khủng bố, VKS phải chứng minh hai điều: 1/ có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể hoặc uy hiếp tỉnh thần người khác và 2/ hành vi đó nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân.

Chuyện ông Công "nổ" trên Youtube rõ ràng là "trớt quớt", không ăn nhập gì tới "khủng bố".

Kiểu "tao đánh chết mẹ tụi bây, tao đốt cả nhà tụi bây, tao giết 300 thằng tụi bây..." cần phải xét đến "bối cảnh" lúc phát biểu.

Và điều cốt lõi (để kết tội khủng bố) là Lê Đình Công có mục đích "chống chính quyền nhân dân" hay không ?

Không hề có! Ngay vào lúc công an mở trận "đánh đẹp" thì tấm biểu ngữ ghi hàng chữ "Dân Đồng Tâm tin tưởng vào chính sách của đảng và nhà nước" vãn còn treo trước cổng làng.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.