"Chiến lược phòng thủ" trong hồ sơ VN kiện TQ ra sao ? Đến nay "trời biết".
Việc “leo thang” lý lẽ mấy hôm rày trong nội dung các công hàm giữa VN và TQ gởi Tổng thư ký LHQ làm “căng thẳng” khu vực Biển Đông. “Tiếng súng” có thể thay “tiếng nói” bất cứ lúc nào. “Leo thang” trong ngôn từ sẽ đưa “bàn cờ Biển Đông” vào thế “triệt buộc”.
Việc này làm "nóng" lại công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng. TQ gởi công hàm ngày 17 tháng 4 năm 2020, vịn nội dung công hàm 1958 để khẳng định chủ quyền của TQ ở HS và TS.
Công hàm 1958 có giá trị pháp lý như lập luận lâu nay của TQ hay không ? Nếu có thì làm thế nào để "hóa giải" hiệu lực ?
Giữa VN và TQ không đơn thuần chỉ có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ HS và TS mà còn có những yêu sách đối nghịch như về "quyền lịch sử" của TQ ở biển Đông. VN còn gặp nhiều khó khăn, một mặt đối thủ là "đại cường", có thể sử dụng vũ lực để "cả vú lấp miệng em". Còn có việc yêu sách vùng biển và thềm lục địa sinh ra từ các đảo. Việc này cũng đặt VN vào tư thế bất lợi.
Các đảo HS và TS hiển nhiên thuộc VN. Nhưng nếu VN yêu sách vùng biển và thềm lục địa phát sinh từ các đảo này rộng 200 hải lý như đất liền, thì VN có thể bị "gậy ông đập lưng ông". Nếu công hàm 1958 có hiệu lực, VN có thể mất cả chì lẫn chài, mất chủ quyền HS và TS là một. Mất vùng biển và thềm lục địa phát sinh chung quanh các đảo là hai.
VN cũng kẹt nếu hủy bỏ yêu sách “vùng biển phát sinh từ đảo”. Bởi vì, nếu đảo đó của mình, thì rõ ràng là phi lý, chuyện này không ai làm.
Ta thấy rõ sự lúng túng của VN trong các tuyên bố của VN về chủ quyền lãnh thổ và yêu sách hải phận.
Thí dụ năm 1977 VN ra bản đồ (gọi là bản đồ bụng chữa). VN yêu sách vùng nước và thềm lục địa chung quanh HS và TS, theo đó các đảo HS và TS có đầy đủ hiệu lực “đảo”, theo điều 121 Luật biển 1982.
So sánh ta thấy “bản đồ bụng chữa” của VN không khác mấy bản đồ chữ U chín đoạn của TQ.
Tuyên bố của VN ở các năm sau thông thường là "thả nổi", hiểu sao cũng được, kiểu "Luật Quốc tế về Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhứt, toàn diện và triệt để, về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa VN và TQ".
Theo tôi lựa chọn này là "thông minh". Bởi vì VN có thể bị vướng nguyên tắc "estoppel", nguyên tắc "không được nói ngược". VN không thế phản bác yêu sách đường chữ U của TQ trong khi VN cũng có yêu sách “bản đồ bụng chữa” tương tự. Ngay cả khi VN tuyên bố hủy bỏ yêu sách vùng biển 1977 thì việc bài bác yêu sách "đường chữ U" của TQ, trước một tòa quốc tế, cũng có thể làm VN phạm nguyên tắc "estoppel".
Anh không thể cấm người khác có quan điểm y chang như anh.
VN còn có tranh chấp do chồng lấn vùng biển kinh tế độc quyền và thềm lục địa, bề rộng 200 hải lý phát sinh từ đường cơ bản ven bờ.
Ngoài ra, làm như chưa đủ phức tạp, lại có vụ “thềm lục địa mở rộng”, theo điều 76 của Luật quốc tế về Biển. Quốc gia nào có thềm lục địa “có thể mở rộng được”, thì có thể mở ra đến 350 hải lý. Việc chống lấn vì vậy, ngoài vùng biển và thềm lục địa 200 hải lý, còn có chồng lần “thềm lục địa mở rộng”.
Hiển nhiên câu hỏi cần phải đặt (mà không thấy ai đặt) là VN "phác họa" chiến lược tranh tụng với TQ ra sao ?
Nếu kiện TQ thì kiện về cái gì ? Kiện ở đâu ?
Ải đầu tiên nếu VN muốn đi kiện TQ, là phải chắc chắn tòa “có thẩm quyền phân xử”. Việc này có hai cái khó. Thứ nhứt, hai bên phải ký nhận thẩm quyền của tòa. Thứ hai, nội dung phân xử không bị “loại trừ” do việc “bảo lưu” của một bên.
Vụ Phi đơn phương kiện TQ ra Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hòa lan). Tòa tuyên bố có thẩm quyền và ra phán quyết ra ngày 14 tháng 7 năm 2016. Theo nội dung “giải thích và cách áp dụng Luật Biển khu vực nam Biển Đông”, Phi thắng kiện. Vấn đề là TQ không tham gia, vì cho rằng Tòa không có thẩm quyền. TQ không nhìn nhận và dĩ nhiên không tuân thủ phán quyết.
Hoc giả VN luôn “lên gân” muốn VN “kiện” TQ. Nếu có ai đó hỏi “sách lược kiện tụng của VN ra sao, kiện ở đâu, kiện cái gì” ? Câu trả lời coi bộ khó!
Tuy nhiên, nói vậy là “hạ thấp” trình độ của học giả VN. Lâu nay học giả VN cũng rất siêng năng, rất chuyên chú ở việc tìm kiếm bản đồ.
Làm như khi ra tòa, VN ôm một chồng bản đồ TQ trong đó không có vẽ HS và TS là đủ chứng minh TQ không có chủ quyền ở HS và TS vậy.
Vụ “hiệu lực các bản đồ” từ 10 năm trước tôi đã có bài nghiên cứu, cho thấy là trước tòa, bản đồ không hề là một “bằng chứng”. Bản đồ chỉ có giá trị “thông tin”, giúp tòa làm rõ một vấn đề (còn mù mờ) nào đó.
Ngay cả việc bất nhất trong lập luận, về tư cách pháp nhân các thực thể VNDCCH, VNCH, CPLTMTGPMN... các học giả vẫn lọng cọng. Trong khi việc lựa chọn “tư cách pháp nhân” của VNCH và VNDCCH mới là điều quan trọng nhứt, là “yếu tố nền tảng”, quyết định VN “thắng” hay “thua” trong vụ kiện.
Chưa nói tới nội dung các “sách lược” phòng thủ và tấn công (vì đâu ai biết nó hình dáng ra sao?). Các học giả VN hiện nay hầu hết có quan niệm VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia, độc lập có chủ quyền”.
Việc này tôi có nói (vô số lần) là “nguy hiểm”. Làm vậy là toàn bộ lịch sử VN, kể cả giai đoạn 1954-1975, đều được xét dưới ánh sáng của luật quốc tế.
Tôi có viết nhiều bài cảnh báo, trong đó có bài “Công hàm 1958 : một vấn đề thuộc phạm vi công pháp quốc tế” và bài “Nếu công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không hiện hữu”. Rõ ràng ý kiến của tôi trong hai bài này khó lòng phản biện. Vì những gì tôi viết chỉ phản ảnh luật lệ, hay giải thích luật lệ.
Tức là khi đặt nền tảng hồ sơ kiện, với VNDCCH và VNCH là “hai quốc gia”. Bất kể lập luận ra sao, bằng chứng “chắc như bê tông”, tôi nghĩ rằng VN thua kiện 99%, ở bất kỳ một mục đích nào ghi ở trên.
Hồ sơ do tôi đề nghị từ nhiều năm nay, theo đó VNCH và VNDCCH là hai thực thể chính trị thuộc về một quốc gia “duy nhứt”, theo định nghĩa của hiệp định Genève 1954, khẳng định lại qua hiệp định Paris 1973. Tức là VN có tư cách pháp nhân là “quốc gia bị phân chia - divided state”. VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia chưa hoàn tất”. Đây là cách nói khác của pháp nhân “quốc gia hai chế độ”.
Nếu ta xét thực tế lịch sử, từ 1954 tới 1975, VNDCCH chưa bao giờ là thành viên của bất cứ một định chế, một tổ chức nào thuộc LHQ. VNDCCH không có ghế đại diện LHQ đã đành. VNDCCH cũng không phải là thành viên của bất kỳ một công ước quốc tế nào hết cả. Không phải là VNDCCH “không muốn” gia nhập. Mà bởi vì VNDCCH không có “tư cách pháp nhân” để gia nhập.
Thực tế lịch sử nó là như vậy. VNDCCH không phải là đối tượng của công pháp quốc tế. Điều này không thể phản bác.
Tức là tất cả những hành vi, thái độ bất kỳ của VNDCCH, trước một vấn đề “quốc tế” thể hiện từ 1954 đến 1975, hiển nhiên không thể soi sáng bằng luật pháp quốc tế.
Cũng nên nhắc lại chi tiết, sau khi TQ xâm lăng Hoàng Sa của VN tháng giêng 1974, VNCH vận động Hội đồng bảo an LHQ can thiệp cũng như lập hồ sơ “sách trắng” tung ta Đại hội đồng LHQ để kiện TQ lên tòa Công lý Quốc tế. Ngay cả có hay không có sự “chống lưng” của Mỹ, VNCH bất lực, thất bại trong tất cả các cuộc vận động.
Không quốc gia nào can thiệp, hay tỏ thái độ với VNCH, ngoại trừ các tuyên bố phản đối của LX và các quốc gia khác lên án việc sử dụng vũ lực của TQ.
Đơn giản vì VNCH không có tư cách pháp nhân của “Quốc gia”. VNCH cũng như VNDCCH không phải là đối tượng của luật quốc tế.
Cả hai bên, VNCH và VNDCCH, đều không phải (hay chưa phải) là “quốc gia độc lập có chủ quyền”.
Nhưng trước một tòa án, các học giả VN vẫn có thể khẳng định rằng VNDCCH là “quốc gia”, như ý muốn. Vì từ khi “lập quốc” lãnh đạo VNDCCH đã nói như vậy rồi. Hệ quả ra sao ? Thì thử làm rồi sẽ biết.
Khi các học giả VN không phản biện được hai bài viết tôi dẫn trên, ý kiến của một “tay mơ” về luật, thì các học giả đỉnh cao vô phương “cãi” lại lập luận các học giả TQ.
“Chiến lược” phòng thủ của tôi hết sức đơn giản. Biết mình biết người.
Biết mình đuối lý, không thể cãi với TQ bằng luật quốc tế. Thì mình kéo địch thủ qua một “mặt trận” pháp lý khác, mà trong đó luật quốc tế không thể áp dụng được, trong khoảng thời gian 1954-1975. Đâu ai có thể cấm mình được ? Thực tế lịch sử nó là như vậy mà!
Tức là, chỉ cần “điều chỉnh” lại lập trường một chút, học giả đỉnh cao và đảng viên CSVN bớt “lên gân một chút”, khiêm nhượng một chút, can đảm một chút để nhìn thực tế lịch sử. Thì công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không có hiệu lực trước công pháp quốc tế.
Đơn giản chỉ có vậy.
Nhưng sau khi tôi đăng lại hai bài viết về “giá trị pháp lý” của công hàm 1958, khối người phản biện bằng những lý do hết sức buồn cười. Có người hỏi rằng khi TQ ra công hàm 1958 khẳng định chủ quyền và hải phận 12 hải lý thì VNCH phản ứng ra sao ? Điều tương tự cũng thường thấy, đặc biệt trên BBC. Khi không thể phản biện được các lập luận của TQ bèn đỗ thừa trách nhiệm VNCH làm mất HS.
Cũng có người không thấy rằng các bài viết của tôi, các bài nói về hiệu lực pháp lý của công hàm 1958, có thể xem như là một hai miếng “puzzle” trên một tấm hình to lớn là “hồ sơ” chủ quyền lãnh thổ, hải phận và vùng biển của VN ở Biển Đông. Họ dẫn một vài đoạn trong bài viết đó rồi cho rằng đó là lập trường của tôi. Hiển nhiên là lấy chữ bỏ miệng người!
Trong khi chờ đợi công hàm của VN sẽ gởi tổng thư ký LHQ để phản biện các yêu sách của TQ hôm 17 tháng tư 2020. Tôi viết tóm lược ý kiến của tôi trong bài này. Hy vọng bộ ngoại giao VN tiếp nôi lập luận phản biện như đã thấy trong nội dung các công hàm năm 2016. Các học giả đỉnh cao cũng làm ơn bớt “lên gân”. Quí vị nói sướng cái miệng nhưng hệ quả có thể làm cho TQ có lý do trả lời bằng súng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.