Trong video clip hôm qua 10 tháng tư 2019 của BBC, TS Trần Công Trục và PGS TS Hoàng Ngọc Giao có bàn luận chung quanh “nội dung” và “tầm quan trọng” của công hàm ngày 30 tháng 3 năm 2019 VN gởi lên Tổng thư ký LHQ nhằm phản biện các yêu sách của TQ về chủ quyền lãnh thổ và hải phận ở biển Đông.
Nhân dịp này phóng viên BBC Ngô Quốc Phương đặt câu hỏi đến hai diễn giả về ý kiến của tôi trong bài viết trên BBC hôm 9 tháng tư. Các bạn có thể tham khảo Clip video ở đây vào phút thứ 7.
Theo tôi hai diễn giả đã ngộ nhận nhiều điều:
Thứ nhứt, vai trò của Tổng Thư ký LHQ được xác định theo Chương 15, từ điều 97 đến 101. Tổng thư ký (và văn phòng thư ký) bao gồm nhiều việc, quan trọng như chủ trì các phiên họp Đại hội đồng, tham dự các buổi họp của Hội đồng bảo an LHQ hay các ban khác thuộc LHQ như về kinh tế, xã hội v.v…
Ủy ban ranh giới Thềm lục địa trực thuộc LHQ. Vì vậy tất cả những công hàm của các quốc gia gởi Ủy ban này phải gởi thông qua Tổng thư ký LHQ.
Thứ hai, Thềm lục địa của các quốc gia giáp biển được xác định theo điều 76 của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều 76 khoản 8 của UNCLOS dự trù trường hợp thềm lục địa của quốc gia có bề rộng nhiều hơn 200 hải lý.
Trường hợp thềm lục địa rộng hơn 200 hải lý quốc gia có quyền mở rộng thềm lục địa của quốc gia mình, với điều kiện đáp ứng một số tiêu chuẩn “kỹ thuật”.
Cũng ở điều 76 khoản 8, UNCLOS dự trù một Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. Vai trò Ủy ban này được xác định theo Phụ lục II của UNCLOS.
Dĩ nhiên “vùng mở rộng thềm lục địa”, ngoài 200 hải lý, chỉ là phần “ngoại lệ”, không quan trọng như “thềm lục địa pháp lý” 200 hải lý.
Thứ ba, bằng chứng. So sánh công hàm ngày 8 tháng 5 năm 2009 của VN ở đây và công hàm ngày 30 tháng ba năm 2019 ở đây. Cả hai công hàm có cùng mục đích phản biện các yêu sách của TQ. Cách nhau đúng 10 năm nhưng về khuôn mẫu, hai bản văn không thay đổi.
Nếu ta xét các công hàm của các quốc gia khác gởi tổng thư ký LHQ, trong hộ sơ nộp Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, tất cả đều có hình thức giống nhau.
Theo tôi, cả hai diễn giả đều mắc những sai lầm như 1/ “ngộ nhận” về tầm quan trọng của Tổng thư ký LHQ, 2/ “phóng đại” về nội dung (và hình thức) của công hàm 30-3-2019 và 3/ quá đề cao tầm quan trọng của Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ.
Nói thêm: Học giả Carlyle Thayer mới đây trả lời phỏng vấn trên RFA có phát biểu : “Uỷ ban thềm lục địa kéo dài không thể chấp thuận hay chối bỏ bất cứ những hồ sơ hay công hàm nộp lên của bất cứ quốc gia nào nếu họ nhận được phản đối từ một quốc gia khác.”
Điều này hoàn toàn đúng, không có điều gì phải nói thêm.
Ý kiến này có lẽ nhằm phủ nhận ý kiến của tôi về việc sử dụng Phán quyết của tòa Trọng tài thường trực (PCA) 14-7-2016 và Hồ sơ thềm lục địa mở rộng của VN nộp Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ để “hóa giải” các yêu sách của TQ mà không thông qua một quá trình kiện tụng lôi thôi.
Dĩ nhiên, ai cũng có thể thấy rằng cả hai “dụng cụ” mà tôi đề nghị đều có “vấn đề”.
Thứ nhứt, Phán quyết 14-7-2016 của PCA là kết quả phân xử vụ Phi kiện TQ về các mâu thuẩn giữa hai bên về cách “diễn giải và cách áp dụng Luật Biển”. Tức là phán quyết chỉ liên quan đến Phi và TQ.
TQ không nhìn nhận phán quyết trong khi Phi không yêu cầu TQ áp dụng. VN lấy “tư cách” gì để đòi áp dụng phán quyết ?
Thứ hai, “thềm lục địa mở rộng” chỉ là một “ngoại lệ” của “thềm lục địa pháp lý”. Mỗi quốc gia cận biển có bề rộng “thềm lục địa” như nhau, được qui định (theo pháp lý) là 200 hải lý (tính từ đường cơ bản). Phần “mở rộng” chỉ là phần “ngoại lệ” cho những quốc gia ven biển mà thềm lục địa có thể mở rộng được.
Ranh giới vùng “mở rộng” được xác định theo điều 76(8) và được chuẩn nhận bởi Ủy ban ranh giới thềm lục địa, thành lập theo Phụ lục II của UNCLOS.
Tức là, đề nghị của tôi, “sử dụng” hai “dụng cụ” mà cả hai đều chưa hội đủ điều kiện để trở thành một chuẩn mực pháp lý.
Nếu mục đích nhằm để khẳng định, hay phủ định một vấn đề thuộc về “luật”. Rõ ràng là “có vấn đề”.
Nhưng nếu mục đích để hóa giải các yêu sách của TQ, mà tất cả các yêu sách này đều “ngoài luật”, nếu không nói là “ngang ngược”. Thì vũ khí nào cũng hữu dụng.
Nhưng điều cốt lõi trong đề nghị của tôi, nhiều lần tôi đã nói qua, là Phán quyết của Tòa PCA 14-7-2016 là “luật”.
Nội dung phán quyết là “giải thích và cách áp dụng Luật Biển” trong khu vực Trường Sa thuộc Biển Đông.
Có học giả cho rằng VN có thể trích dẫn nội dung phán quyết (jurisprudence) để củng cố hồ sơ kiện. Hay trước Tòa, VN có thể vịn vào những phán quyết này để củng cố lập luận của mình.
Nhưng theo tôi, nội dung phán quyết là “diễn giải luật Biển” và cách “áp dụng Luật Biển”. Có thể, trong một vụ kiện, mỗi Tòa án, mỗi thẩm phán có thể ra một phán quyết khác nhau. Nhưng trong một bộ luật, như “luật lái xe”, những điều nền tảng của luật lệ không thể có nhiều cách diễn giải.
Về thẩm quyền của Ủy ban ranh giới Thềm lục địa. Nếu ta qui chiếu vào Hiến chương của LHQ, chương XIV, điều 96 khoản 2. Ủy ban này có thể thông qua Đại hội đồng LHQ để hỏi “ý kiến tham vấn” của Tòa Công lý quóc tế về những vấn đề “pháp lý” liên quan đến các hồ sơ Thềm lục địa mở rộng.
Vì vậy cả hai “dụng cụ” 1/ Phán quyết của tòa Trọng tài thường trực (PCA) 14-7-2016 và 2/ Hồ sơ thềm lục địa mở rộng của VN nộp Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ. Cái nào là “diện”, cái nào là “điểm” ? Tùy theo “trình độ ngoại giao” của VN, cả hai có thể là “diện”, mà cả hai đều có thể là “điểm”.
Bởi vì mục đích tối hậu trong các ý kiến của tôi là làm thế nào để bác bỏ các yêu sách phi lý của TQ mà không thông qua kiện tụng lôi thôi.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.