Trong số các câu hỏi mà phóng viên báo Pháp luật đặt ra cho các học giả trong loạt bài 5 kỳ báo đã đăng. Theo tôi câu sau đây là “hay” nhứt, đặt ra cho PGS/TS Vũ Thanh Ca. Nguyên văn như sau:
“Dù CHPVĐ không thừa nhận chủ quyền của TQ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng lại không phản đối tuyên bố chủ quyền của TQ. Điều này có gây khó khăn cho việc khẳng định quá trình thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không?”
Bài viết hôm qua tôi có đề cập đến hiệu lực Công hàm 1958 của PVĐ. Nhắc lại trong bài này để bổ túc vào câu hỏi dành cho TS Vũ Thanh Ca.
Công hàm 14 tháng chín năm 1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng không đơn thuần là một “văn kiện ngoại giao đơn phương” thuần túy “chính trị” mà chính phủ VNDCCH công bố nhằm thể hiện tình “đoàn kết” với TQ như PGS/TS Vũ Thanh Ca đã trả lời trong bài phỏng vấn.
Nhắc lại là Tuyên bố của TQ ngày 4 tháng 9 năm 1958, nói theo ngôn từ “pháp lý”, là văn kiện ngoại giao có hình thức một “Quyết định - Décision”, nội dung liên quan đến hải phận 12 hải lý trên các vùng lãnh thổ của TQ. Quyết định này phát sinh sau khi các Hội nghị Quốc tế về biển năm 1956 và các Công ước về Luật Biển được các quốc gia ký kết năm 1958. Nội dung Tuyên bố ghi rõ, một cách “minh bạch”, các yêu sách của TQ.
Trong trường hợp các yêu sách của TQ không vi phạm các nguyên tắc luật lệ, Tuyên bố có thể có hiệu lực ràng buộc. Tập quán quốc tế đòi hỏi các quốc gia (hay vùng lãnh thổ) phải tỏ “thái độ” cụ thể, “đồng ý ủng hộ” hay “không đồng ý phản đối” trước “quyết định” của TQ.
Quyết định về lãnh thổ và hải phận 12 hải lý của TQ có liên quan đến VN. Hai quần đảo Tây sa và Nam sa ghi trong bản Tuyên bố của TQ vốn là Hoàng Sa và Trường sa của VN.
Lần đầu tiên TQ lên tiếng tranh chấp với nhà nước bảo hộ Pháp, tại Hoàng sa là năm 1909. Ở Trường sa TQ lên tiếng tranh chấp sau khi Pháp tuyên bố chủ quyền và sáp nhập vào VN đầu thập niên 30. Nhà nước bảo hộ Pháp hai lần đề nghị TQ giải quyết tranh chấp HS và TS bằng một trọng tài quốc tế, TQ từ khước cả hai lần.
Công hàm 14 tháng chín 1958 của ông PVĐ là một văn kiện “cụ thể”, thể hiện “thái độ” của chính phủ VNDCCH, trả lời TQ về “quyết định về lãnh thổ và hải phận” của nước này ngày 4 tháng chín năm 1958.
(Các học giả, sử gia, luật gia VN vì vậy không thể vịn vào lý do “không biết” lịch sử, không biêt luật lệ… để biện hộ cho một thái độ làm tổn hại cho sự “toàn vẹn lãnh thổ” của đất nước.)
Công hàm của TQ ngày 17 tháng tư năm 2020 gởi TTK LHQ để phản biện các ý kiến của VN qua các công hàm gởi TTK LHQ hôm 30 tháng ba và 17 tháng tư 2020. TQ cho rằng, qua công hàm 1958 của PVĐ, VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Tây sa và Nam Sa. Bây giờ VN không thể “nói ngược”, là chỉ nhìn nhận “hải phận 12 hải lý” và không nhìn nhận chủ quyền Tây sa và Nam sa. TQ cho rằng VN đã bị “estopped”, tức bị “mất tố quyền”, theo nguyên tắc “không được nói ngược - Estoppel”.
Kỳ trước tôi có nói về nguyên tắc “đồng thuận - acquiescement”.
Theo tập quán quốc tế, trước một vấn đề đòi hỏi quốc gia phải có thái độ, ở đây là tuyên bố chủ quyền của TQ ở chủ quyền HS và TS. Sự “im lặng” của VNDCCH đồng nghĩa với hành vi “đồng thuận ám thị - acquescement implicite”. Hành vi “đồng thuận” trở nên rõ rệt theo thời gian, qua các ấn phẩm mà VNDCCH xuất bản như bản đồ, sách vở, báo chí… nội dung ghi nhận HS và TS thuộc TQ. Sự “đồng thuận” trở nên cụ thể, có hiệu lực pháp lý ràng buộc.
Giả sử VN và TQ “đụng độ” trước một tòa án bất kỳ, để giải quyết chồng lấn hải phận và thềm lục địa, hay để giải quyết tranh chấp chủ quyền. Nếu Tòa ghi nhận thái độ “đồng thuận - acquiescement” của VN về chủ quyền của TQ ở HS và TS. Phiên tòa có thể tiếp tục và Tòa có thể xét tới các “trường hợp giảm khinh”. Tư cách pháp nhân quốc tế (quốc gia) của VNDCCH chưa rõ rệt. Vì vậy nội dung tuyên bố 14 tháng chín 1958 của PVĐ không thể diễn giải theo công pháp quốc tế. Điều này tôi đã viết trong bài ở đây.
Nhưng nếu Tòa ghi nhận ý kiến của TQ là VN đã bị “Estopped - mất tố quyền”. Điều này có thể xảy ra, vì TQ có đủ bằng chứng cho thấy cuộc hai cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 và chống Mỹ 1954-1975, TQ đã giúp cho VNDCCH về mọi mặt, vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng, xe cộ máy móc, tài chánh… tương đương 20 tỉ đô la (trị giá năm 1980 thì phải) và 300 ngàn quân.
Tức là TQ đã “tin tưởng” vào thái độ VNDCCH “tán thành tuyên bố chủ quyền của TQ tại HS và TS” qua công hàm PVĐ. VNDCCH nhờ đó đã “hưởng lợi” lớn lao, chiếm được VNCH, nhờ sự trợ giúp từ TQ. Các yếu đã tố cấu thành “Estoppel”. Nếu VN “nói ngược”, gây thiệt hại (về lãnh thổ, hải phận) cho TQ. VN sẽ bị “mất tố quyền”. Nếu tòa bị thuyết phục bởi các bằng chứng của TQ. Tức khắc phiên tòa có thể “chấm dứt”, đơn kiện của VN sẽ bị bác, với sự bẽ bàng cho VN.
Trở lại câu hỏi của phóng viên dẫn trên. Cái “hay” trong câu hỏi, và theo tôi là quan trọng hơn cả, là việc “thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam tại HS và TS”.
Đúng vậy, chính phủ VNDCCH đã thể hiện “thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ” ở HS và TS hồi nào ? qua các hành vi nào ?
PGS/TS Vũ Thanh Ca trả lời nguyên văn như sau:
Dẫn (tôi đánh số vô từng đoạn cho dễ theo dõi):
(1)“ Ngày 2-9-1945, nước VNDCCH được thành lập, là một nhà nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tuyên bố chủ quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam (bao gồm Trường Sa, Hoàng Sa).
(2) Ngày 6-3-1946, Chính phủ VNDCCH ký với Pháp Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946. Theo đó, VNDCCH là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương, nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Tuy nhiên, sau đó Pháp chủ trương không thực hiện một số thỏa thuận trong Hiệp định sơ bộ và Tạm ước Việt Pháp, trái lại còn cố ý gây chiến để tái xác lập chế độ thực dân trên lãnh thổ Việt Nam. Chiến tranh giữa hai bên xảy ra vào cuối năm 1946 và kéo dài tới giữa năm 1954.
(3) Căn cứ vào Hiệp định sơ bộ, vì VNDCCH nằm trong khối Liên hiệp Pháp, trong thời gian từ cuối năm 1946 tới đầu 1947, Pháp đã thực thi quyền đại diện để bảo vệ chủ quyền của VNDCCH tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(4) Từ cuối năm 1946, Pháp đã chủ trương thành lập một chính phủ khác trên đất Việt Nam để đối trọng VNDCCH. Ngày 5-6-1948, Hiệp ước vịnh Hạ Long được ký kết và ngày 8-3-1949, với sự ký kết Hiệp định Élysée, Quốc gia Việt Nam (QGVN), một quốc gia độc lập thuộc Liên hiệp Pháp, được thành lập. Đến đầu năm 1950 đã có 35 quốc gia công nhận QGVN.
(5) Pháp đã chính thức trao quyền quản lý toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho QGVN. Tháng 4-1949, hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ QGVN, tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 10-1950, việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa được Pháp chính thức bàn giao cho QGVN.
(6) Năm 1949, Pháp đã gửi đơn xin đăng ký các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Tổ chức Khí tượng Thế giới và đã được chấp nhận. Các trạm khí tượng này là trạm Phú Lâm với số hiệu 48859; trạm Hoàng Sa với số hiệu 48860; trạm Ba Bình với số hiệu 48419.”
Hết dẫn.
TS Vũ Thanh Ca đã không trả lời được câu hỏi, tuy đơn giản: Chính phủ VNDCCH đã “thực thi chủ quyền liên tục tại HS và TS” như thế nào ?
Không thể trả lời vì chuyện này không hiện hữu.
Trong suốt lịch sử thành hình VNDCCH ngày 2 tháng chín năm 1945, cho đến năm 1976 thống nhứt đất nước dưới tên CHXHCNVN, chưa bao giờ chính phủ VNDCCH thể hiện một hành vi, một thái độ bất kỳ thể hiện sự quan tâm của “nhà nước” này đối với hai vùng lãnh thổ HS và TS.
Các bản Bạch thư của VN gởi LHQ về chủ quyền lãnh thổ HS và TS, qua nhiều lần hiệu đính, nội dung hoàn toàn “cắt dán” nguyên văn bản bạch thư về chủ quyền HS và TS của VNCH công bố sau biến cố hoàng sa tháng giêng năm 1974.
Ngoài công hàm 14 tháng chín năm 1958 của Phạm Văn Đồng “nhìn nhận” các yêu sách của TQ, trong đó có chủ quyền của TQ ở HS và TS. VNDCCH cũng giữ thái độ “im lặng” (là đồng thuận) trước việc TQ sử dụng vũ lực xâm lăng HS của VN ngày 17/19 tháng giêng 1974.
Tức là VNDCCH không hề có động thái nào nhằm giúp “khẳng định” chủ quyền của VN trên hai vùng lãnh thổ HS và TS. Ngược lại, chính phủ VNDCCH đã nhiều lần, thể hiện bằng các văn từ ngoại giao, hay bằng các tài liệu sách giáo khoa, bản đồ, báo chí… nhìn nhận chủ quyền của TQ ở HS và TS.
TS Vũ Thanh Ca cố gắng giải thích việc VNDCCH “thực thi chủ quyền liên tục tại HS và TS” bằng cách nại Hiệp định sơ bộ 1946 ký kết giữa ông Hồ và Pháp.
Thật là tai hại chồng lên tai hại. Nội dung Hiệp định sơ bộ nói gì ?
Nói là “VNDCCH là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương, nằm trong khối Liên hiệp Pháp”.
Cụm từ “quốc gia tự do” nguyên văn tiếng Pháp trong Hiệp định sơ bộ 1946 là “Etat libre”.
“Etat” ở đây phải hiểu là “tiểu bang” chớ không phải là “quốc gia”.
VNDCCH chỉ là một “tiểu bang” thuộc “liên bang Đông dương” thuộc Pháp. Lãnh thổ “tiểu bang” VNDCCH chỉ bao gồm Bắc kỳ và quyền ngoại giao tùy thuộc vào Pháp. Nam kỳ (Cochinchine vẫn còn là nhượng địa của VN cho Pháp). Thẩm quyền của ông Hồ trong chính phủ VNDCCH thực chất còn thấp hơn cả viên Toàn quyền Pháp. Bài viết của tôi nhiều năm trước đã đăng ở đây, nói khá rõ về việc này.
Pháp trở lại Đông dương, thâu hồi chủ quyền các vùng lãnh thổ ở đây, thông qua các thỏa thuận với Anh (miền Nam dưới vĩ tuyến 16) và với tưởng Giới Thạch qua các thỏa ước Trùng khánh tháng hai 1946, trao đổi quyền lợi kinh tế ở hoa Nam lấy lãnh thổ Bắc kỳ, quân Pháp thay thế quân Trung hoa (miền Bắc vĩ tuyến 16).
Dĩ nhiên Pháp cũng thâu hồi HS và TS, vào các năm sau 1946, tuyên bố trước cộng đồng thế giới việc cắm mốc dựng bia chủ quyền, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ VN.
Hành vi này của Pháp thể hiện việc tái khẳng định chủ quyền HS và TS. Các vùng lãnh thổ này bị Nhật tước đoạt năm 1939 và sáp nhập vào lãnh thổ Đài loan. Sau khi thua trận tháng 8 năm 1945, Nhật phải trao lại cho Đồng minh quyền quyết định về chủ quyền tương lai của tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm trước Thế chiến. Dĩ nhiên trong đó có VN và các đảo HS và TS.
Điều này không hề chứng minh hành vi VNDCCH “thực thi chủ quyền liên tục tại HS và TS”.
Trong khi đó, cho đến trước khi thắng trận Điện Biên Phủ tháng năm 1954, thực thể VNDCCH không hề được xem như là một “quốc gia”, trên phương diện “thực tế”, cũng như được nhìn nhận có một “tư cách pháp nhân quốc tế”.
VNDCCH không phải là “quốc gia độc lập, có chủ quyền” như ý kiến của TS Vũ Thanh Ca.
Theo sử liệu chính thức, cuộc “cách mạng tháng tám” được khởi động từ 14-8-1945, sau quyết định của đảng CS Đông Dương tại cuộc họp Tân Trào. Cuộc “cách mạng” chấm dứt ngày 30 tháng 8 sau khi vua Bảo Đại thoái vị giao ấn kiếm cho đại diện CS. Cũng theo sử liệu “chính thống”, cuộc cách mạng xảy ra “dưới sự lãnh đạo của đảng, 20 triệu nhân dân ta đã nhất tề vùng dậy khởi nghĩa dành lại chính quyền…”.
Trong vòng có mấy ngày, từ sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, cho đến ngày 2 tháng chín, mà “cách mạng tháng tám” đã “bài phong, đả thực” giành chính quyền từ tay Nhật, kiểu “xoá bỏ chính quyền Nhà nước của thực dân và phong kiến, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là Nhà nước độc lập, dân chủ thật sự của nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của nước ta… »
Các điều này hiển nhiên là “sử phịa”.
Thế chiến thứ II tại Châu Á kết thúc sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng ngày 15 tháng tám năm 1945. Chủ quyền của VN trong tay Nhật từ nay giao lại cho phe chiến thắng là Đồng minh. Việc giải giới quân Nhật tại VN được qui định : Quân đội Anh quốc phụ trách vùng phía nam vĩ tuyến 16 và quân đội Trung Hoa phụ trách phía bắc vĩ tuyến 16.
Ngày 9 tháng chín năm 1945 quân của Trung Hoa do Tiêu Văn và Lư Hán dẫn đầu có mặt tại Hà Nội. Tương tự, liên quân Anh-Pháp cũng có mặt ở miền Nam.
Làm gì có vụ lực lượng cách mạng chạy đua giành chính quyền với quân đội Đồng Minh hay việc 20 triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy giành lại chính quyền như các sử gia đã viết ?
Làm gì có vụ, như sử liệu chính thống đã viết, “lực lượng cách mạng” đã “đánh” Nhật “giành chính quyền” ở một số tỉnh thành (ngoài Bắc).
Trên thực tế không có “đánh đấm” gì hết.
Ngày 15 tháng tám quân Nhật đã bỏ súng đầu hàng. Thẩm quyền của Nhật tại VN đã chuyển sang lực lượng Đồng minh. Trong tay quân Nhật (ở VN) đâu còn cái (chính quyền) nào để “cách mạng” cướp (hay giành) ?
Mặt khác, khi Tiêu Văn và Lư Hán dẫn quân qua VN theo như qui định của phe thắng trận, dọc đường lực lượng này tước “quyền hành” của “chính quyền cách mạng” và trao lại cho phe thân Trung Hoa.
Cũng không hề có vụ “bài phong” qua việc việc “lực lượng cách mạng” cướp chính quyền từ tay Bảo Đại (ngày 30-8).
Quốc gia mang tên là “Đế Quốc Việt Nam” do Bảo Đại lãnh đạo ra đời ngay sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 10 tháng 3 năm 1945. Vấn đề là, theo qui định của phía thắng trận, tất cả những chính quyền do Nhật dựng lên (ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng) đều không được nhìn nhận.
Đế quốc VN của Bảo Đại (cũng như Đế quốc Mãn Châu của Phổ Nghi) quyền hành của chính quyền Bảo Đại là không có thật. Quân đội không có. Ngân sách không có. Ngoại giao cũng không. Tất cả đều phải thông qua Nhật.
Vậy thì “lực lượng cách mạng” có thể “cướp” cái gì ở “quốc gia” của ông Bảo Đại ? Người ta đâu thể cướp cái mà người khác không có ?
Còn việc “20 triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy” cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Miền Bắc vừa thoát nạn đói vào tháng 5, với 2 triệu người chết. Ba tháng sau người dân có thể nổi dậy để giành cái ăn. Nói 20 triệu người “nhất tề vùng dậy” giành chính quyền trên tay Nhật là điều hoang đường, không thuyết phục được ai hết.
Vậy mà phịa sử kiểu lê văn tám đến nay vẫn còn truyền tục, nhồi nhét vô đầu những thế hệ học sinh VN.
Vì vậy cái gọi là “nước VNDCCH được thành lập, là một nhà nước độc lập, có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...”, không hề suôn sẻ như ý kiến của TS Vũ Thanh Ca.
Riêng các đoạn (4), (5) và (6) nói về sự khai sinh của Quốc Gia Việt Nam theo Hiệp ước Elysée 1948.
Có rất nhiều điều để nói về Quốc Gia Việt Nam, như việc Quốc gia này tham dự Hội nghị San Francisco. Điều đầu tiên là quốc gia này không có bất kỳ một liên quan nào đến “quốc gia” VNDCCH.
Quốc gia gọi là VNDCCH thành lập ngày 2 tháng chín năm 1945 là một “nhà nước mới”, mở ra “kỷ nguyên mới”, đoạn tuyệt với các chế độ phong kiến và thực dân, đúng như nội dung bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nội dung Tuyên ngôn có đoạn:
Chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Lê Duẩn :
« Cách mạng tháng Tám nǎm 1945 là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân… Nó đã xoá bỏ chính quyền Nhà nước của thực dân và phong kiến, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là Nhà nước độc lập, dân chủ thật sự của nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của nước ta… »
Khi đã “đoạn tuyệt” với “phong kiến” và “thoát ly hẵn” với thực dân để thành lập “nhà nước mới”, thì làm gì có “kế thừa”, làm gì có “liên tục quốc gia” ?
Chỉ có Quốc gia Việt Nam và VNCH kế thừa nhà nước bảo hộ Pháp, được Pháp “trả độc lập” và chủ quyền ở Nam Kỳ, mới là phía VN “liên tục quản lý về hành chánh, thực thi quyền tài phán, tổ chức phòng thủ quốc phòng cũng như khai thác kinh tế” hai quần đảo HS và TS.
Tức là các ý kiến của TS Vũ Thanh Ca thay vì chứng minh “quá trình thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” lại chứng minh ngược lại, VNDCCH “đoạn tuyệt” với HS và TS.
Trong khi đó nhà nước CHXHCNVN hôm nay là nhà nước “tiếp nối” VNDCCH.
Các học giả VN nếu vẫn giữ quan điểm “lịch sử lê văn tám”, tiếp tục nhặp nhằng sử dụng VNCH như là một “thứ đồ chơi”, lúc cần thì ve vuốt để lấy bằng chứng đối chất với TQ về chủ quyền ở HS và TS. Lúc không cần thì hạ bệ, sỉ nhục VNCH, xem thực thể này là “ngụy”, là “tay sai”, là “giặc”...
Thái độ đó là thái độ “bất lương”. Nếu sau này VN mất thêm đảo, mất biển… dĩ nhiên trách nhiệm là của đảng CSVN. Nhưng học giả VN còn có trách nhiệm nhiều hơn.
“Thằng” lịch sử không ai biết mặt nó là ai. Nhưng đích thị nó là thằng “ngàn năm bia miệng”, không bỏ sót tên “học giả đỉnh cao” nào hết.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.