mercredi 12 janvier 2022

Bàn lại với tác giả Vũ Đức Liêm về biên giới VN-Campuchia

 Bài viết của tác giả Vũ Đức Liêm tựa đề “Sự hình thành đường biên giới VN-Campuchia thời nhà Nguyễn” thấy đăng ở trang “Nghiên cứu quốc tế” và được “chuyển qua chuyển lại” (rất) nhiều lần trên các trang mạng. Tác giả mở đầu: 

“Bài viết này phản bác lại luận điểm rằng đường biên giới Việt Nam-Campuchia là sáng tạo của người Pháp. Trái lại, nó là sản phẩm của các nỗ lực của nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ XIX trong việc hoạch định biên giới, tổ chức lãnh thổ, và xác lập các hệ thống phòng thủ, cũng như bố trí dân cư dọc theo đường ranh giới mà theo đó sẽ định hình nên đường biên hiện đại giữa hai quốc gia”.

Theo tác giả:  

Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới này được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên xác lập bởi nhà Nguyễn và các vương triều Campuchia từ 1755 đến 1847, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ.”

Tác giả viết: “thực tế cho thấy Huế, Bangkok, và Phnom Penh đã đi đến công nhận hiện trạng của đường biên này, ít nhất như chúng ta có thể phác thảo: từ Hà Tiên dọc theo kênh Vĩnh Tế, qua Châu Đốc và kéo dài lên Tây Ninh. Một trong những biểu hiện của sự ghi nhận này chính là việc các tập bản đồ của triều Nguyễn giữa thế kỷ XIX đã bắt đầu đề cập đến đường biên này (xem bản đồ minh họa)”. 

Ý kiến của tôi, công trình nghiên cứu về biên giới VN-Campuchia của tác giả Vũ Đức Liêm có quá nhiều sơ hở (mà có quá ít dữ kiện lịch sử chứng minh cho lập luận của mình). 

Sơ hở thứ nhứt. Các tấm bản đồ “lịch sử” mà tác giả đưa ra để “chứng minh”. Thực tế đó chỉ là những “sơ đồ”, những bức họa không hoàn chỉnh. Hiển nhiên nó không có giá trị pháp lý. Ngoài kinh Vĩnh tế, có thể kiểm chứng trên thực tế, người ta không thấy hình dạng nào của đường biên giới từ kinh Vĩnh tế cho tới Tây ninh.

Xác định một đường biên giới trước hết là xác định được hướng đi cũng như tọa độ của đường biên giới, xác định qua các mốc giói, được tất cả các bên nhìn nhận.

Một bản đồ khác, khá hoàn chỉnh, trong bài của tác giả nhưng không thấy ghi nguồn. Theo tôi, nhiều xác suất cho thấy là bản đồ đó do sở Địa dư Đông dương của Pháp vẽ, trong thời Pháp thuộc.  

Sơ hở thứ hai. Tài liệu từ Ban biên giới VN đã công bố từ các năm 2000 nói về biên giới VN-Campuchia như sau: 

“Việt Nam - Campuchia có chung đường biên giới đất liền dài khoảng 1.137 km, đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang), tiếp giáp với 10 tỉnh của Campuchia (Ratanakiri, Moldulkiri, Cratie, Kong Pong Cham, Tbaung Khmum, Prey Veng, Svey Rieng, Kandal, Ta Keo và Kam Pot)”. 

Tạm nhìn nhận rằng “biên giới hiện trạng” từ kinh Vĩnh tế đến Tây ninh là “đường biên giới” được các bên Việt-Miên-Thái nhìn nhận (mà điều này tác giả không có sử liệu nào chứng minh). 

Ta thấy là “đường biên giới” Việt-Campuchia, do tác giả hình dung, chỉ là một đoạn, khoảng ⅓ chiều dài đường biên giới Việt-Miên mà thôi. 

Điều khó thông cảm là tác giả viết về “đường biên giới” mà không chỉ ra được đường biên giới này dài bao nhiêu ? được cắm bao nhiêu mốc giới ?

Không có “mốc giới” xác định thì không thể gọi đó là “đường biên giới”.  

Sơ hở thứ ba, kinh Vĩnh tế chưa bao giờ là “đường biên giới” giữa hai nước  VN và Campuchia hết cả. Vì nhiều lý do ghi lại tuần tự bên dưới.

Sơ hở thứ tư. Tác giả nghiên cứu về biên giới nhưng lại không trình bày “quan điểm” của đế quốc Khmer về “đường biên giới” là như thế nào ? Ngay cả quan điểm của VN về “biên giới” tác giả cũng không nhắc tới. 

Theo nghiên cứu riêng của tôi, văn hóa Khmer không có quan niệm về “đường biên giới”. Toàn bộ sử sách của dân tộc Khmer không hề thấy sự hiện hữu bất kỳ một tấm bản đồ (hay sơ đồ) nào để xác định “lãnh thổ” của đế quốc Khmer mở ra từ đâu và giới hạn từ đâu. 

Quan niệm Khmer về lãnh thổ là “dân Khmer ở đâu, lãnh thổ của họ là ở đó”. 

Còn quan niệm của VN về “biên giới” ra sao ?

Phần này viết dông dài một chút. 

Người VN, cũng như người Hoa, không có một khái niệm cụ thể về “đường biên giới”. Trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Hán Việt, ta chỉ có các từ nói về “vùng biên giới” như các từ biên cương, biên dịch, biên thùy, biên cảnh, biên giới, biên viễn, biên bỉ, biên duệ, biên ngung v.v… 

Ngôn ngữ VN không có từ “biên tuyến”, với ý nghĩa rạch ròi “đường ranh giới” phân chia lãnh thổ. 

Thuật từ “đường biên giới - la frontière - the border” theo định nghĩa của Quốc Tế Công Pháp chỉ mới có từ hồi đầu thế-kỷ 20. Thuật ngữ “đường biên giới - la frontière” được hiểu như là “enveloppe continue d’un ensemble spacial, d’un Etat - lớp vỏ bao bọc liên tục của một tập hợp không gian, một quốc gia” ; “le point où expire la compétence territoriale - điểm chấm dứt thẩm quyền thuộc về lãnh thổ”. 

Quan niệm về “đường biên giới - la frontière” của VN được ghi lại trong bộ Hồng Ðức Bản Ðồ, thực hiện dưới triều Lê Thánh Tôn (1460-1497), dẫn lại như sau:

An Nam Ðồ Thuyết (Những gì ghi trên bản đồ An Nam) ; 

An Nam Chi Ðịa (đất đai An Nam); 

Tây Khóa Ai Lao (phía Tây chận ngang xứ Ai Lao); 

Ðông Chí Hải Tân (phía Ðông chạm đến tận biển) ; 

Bắc Du Lưỡng Quảng (phía Bắc vượt qua hai xứ Quảng);  

Nam Khống Chiêm Thành (phía Nam kềm chế Chiêm Thành).

 

Bốn phía lãnh thổ VN đều được xác định bằng các động từ. 

Biên giới phía Bắc của nước ta được xác định bằng động từ  “du”, tức là đi vượt qua: Bắc Du Lưỡng Quảng. Có nghĩa là lãnh thổ VN (ngày trước) vượt qua khỏi Quảng Ðông và Quảng Tây.

Văn minh Trung hoa có chủ trương “bành trướng lãnh thổ”. Khi người Hoa đã vượt qua một ngọn núi thì họ sẽ tìm cách chinh phục đến ngọn núi kế tiếp. Khi họ qua được một con sông thì họ tìm cách đi đến con sông kế tiếp. Lãnh thổ của VN, từ vùng rộng lớn, xa hơn và bao trùm Quảng Đông và Quảng Tây, lùi dần về phương Nam. Biên giới Việt-Hoa chỉ ổn định khi tộc Hán không thể vượt qua những ngọn núi hiểm trở cũng như thể chất người Hoa không thể chống chõi được “sơn lam chướng khí” độc địa ở VN.

VN ảnh hưởng sâu đậm văn minh Trung hoa, vì vậy cũng có chủ trương “mở mang bờ cõi”. 

Phía tây VN là Ai lao. Rặng Trường sơn đã không chỉ “khóa” Ai lao, mà còn “khóa” luôn chân của người Việt. Với kỹ thuật quốc phòng thời đó quân VN không thể vượt qua Trường sơn để mở qua hướng tây. Phía đông cũng vậy, chạm biển. Dân VN, cũng như dân Hoa, không có thói quen “chinh phục biển”. 

Nếu VN luôn lui về phía nam, bỏ lãnh thổ cho Trung hoa vì áp lực của người Hoa, thì VN cũng liên tục “nam tiến”. Năm 1471 “ranh giới” giữa VN và Chiêm thành là đèo Cù mông. Đến năm 1611 biên giới dời tới đèo Đại lãnh. Năm 1653 biên giới dời về Cam ranh. Tiếp tục như vậy cha ông ta “mang gươm mở cõi” cho đến mũi Cà mau. 

Quan điểm về “đường biên giới” của VN vì vậy là “biên giới sống - frontière vivante”. Tức là đường biên có thể dời đổi, tùy theo “tương quan lực lượng” giữa các quốc gia kế bên. 

Trở lại nội dung bài viết của Vũ Đức Liêm. Về sơ hở thứ tư. 

Đã viết dân Khmer không có quan niệm cụ thể về “đường biên giới”. Còn VN thì “đường biên giới” chỉ là một cái gì đó tạm thời. VN đã bỏ biên giới phía Bắc (phía bên kia Lưỡng Quảng) lùi dần về phía Nam rồi lấy địa bàn đồng bằng Sông Hồng làm “cái nôi văn minh” của dân tộc. Quan niệm của VN là “biên giới sống”, biên giói co giãn. Tức biên giới sẽ thay đổi, tùy theo tương quan lực lượng. 

Tức là khi đào kinh Vĩnh tế, phía VN chưa bao giờ xem đó là “đường biên giới vĩnh viễn” hết cả.   

Vì vậy tôi rất hoài nghi về “đường biên giới hiện trạng” của tác giả, khi cho rằng đường biên giới này đã được sự đồng thuận của ba bên Việt-Thái và Miên.

Sơ hở thứ năm. Người Pháp không hề dựa lên “đường biên giới hiện trạng”, tức là đướng biên giới bắt đầu từ Hà tiên, qua kinh Vĩnh tế rồi đến Tây ninh để phân định đường biên giới VN-Khmer. Đơn giản vì đường biên giới này “không hiện hữu” trên giấy tờ.

Lập trường của người Pháp, trên “giấy tờ chính thức”, vào Cambodge (thời đó Campuchia mang tên Cambodge) dưới danh nghĩa “thay thế” VN để “bảo hộ” nước Cambodge (chớ không phải do yêu cầu của vua Khmer). Đây là điều may mắn. Nếu không, khi Pháp rút, đất Nam kỳ sẽ phải trả lại cho Cambodge.

Pháp thay thế VN và cả Cambodge, vì Pháp là xứ bảo hộ của cả hai nước, phân định biên giới VN và Campuchia (cũng như biên giới VN-Lào, Lào-Thái và Cambodge-Thái lan).

Theo các hiệp ước phân định biên giới, đường biên giới từ Hà Tiên không đi qua kinh Vĩnh tế mà đường song song với con kinh này, cách con kinh 200m. Kinh Vĩnh tế 100% thuộc chủ quyền của VN.

Ngoài ra trong bài viết về biên giới Thái-Miên, không phải là chủ đề để nói trong bài này, tác giả Vũ Đức Liêm cũng viết sơ hở nhiều điều. 

Sau khi “bảo hộ” Cambodge, Pháp không hề “nhượng” hai vùng Battambang và Siemraep (và Sisophon, tác giả viết thiếu) của Cambodge cho Thái lan, như ý kiến của tác giả. Từ năm 1893 Pháp không chỉ đã lấy lại toàn bộ lãnh thổ mà Thái lan đã chiếm của Cambodge (trước khi Pháp vào) mà còn áp đặt quyền “cộng đồng bảo hộ - condominium” cùng với đế quốc Anh trên đất Thái.  

Lịch sử phân định biên giới VN-Cambodge là cả một “trường thiên lịch sử” mà phía Cambodge không tiếc lời nguyền rủa “thực dân Pháp”. 

Biên giới Việt-Miên được phân định qua hai thời kỳ : năm 1870 và năm 1873. Cuộc phân định năm 1870 có sự hiện diện của quan chức Khmer, cắm được 60 mốc, toàn bộ vùng “mỏ vẹt” thuộc về VN. Nhưng sau đó người Miên. Họ đòi lại vùng “mỏ vẹt”, và người Pháp đồng ý vạch lại biên giới, trả lại vùng này cho Cambodge. Cuộc phân định năm 1873 gồm 64 mốc.

Năm 1887 khối Đông dương được thành lập, Cambodge trở thành một thành phần của khối này, cùng với Cochinchine (Nam Kỳ), An Nam (Trung Kỳ) và Tonkin (Bắc Kỳ). Lào chỉ được thành lập sau này, do yêu cầu của ông August Pavie, vào năm 1893.

Đường biên giới giữa Cochinchine (miền nam) và Cambodge trở thành đường biên giới hành chánh, nội bộ của Đông dương, thuộc thẩm quyền của quan Toàn Quyền người Pháp.

Vùng Darlac được sáp nhập và VN năm 1895. Điều này xảy ra do việc trao đổi đất đai : VN nhượng đất Trấn Ninh cho Lào, đồng thời Lào nhường vùng đất phía nam nước này cho Cambodge. Nhưng sau đó, năm 1899 vùng này lại trả về Lào, đến năm 1904 mới chính thức sáp nhập vô VN. Năm 1923 vùng Kontum cũng được nhập vào Darlac, đồng thời với vùng đất đỏ phía nam là Buôn Mê Thuộc. 

Dân VN chưa bao giờ vượt qua bên phía tây dãy Trường sơn. Nếu không có Pháp thì các vùng đất Tây nguyên này chưa chắc đã thuộc về VN. 

Ngay cả tại tỉnh Tây ninh, một vùng đất rộng lớn thuộc Cambodge cũng đã được sáp nhập thêm vào quận Trảng bàng.

Về lãnh thổ trên biển thì được xác định năm 1939, do nghị quyết của Toàn quyền Brévié. Đó là một đường thẳng 140°, thẳng góc so với bờ biển, theo đó các đảo phía bắc đường này thuộc Cambodge và các đảo phía nam thuộc VN, trong đó bao gồm đảo Phú Quốc.

Vùng Khmer Krom (Trà vinh, Soc Trăng, Vĩnh châu…), thuộc Cochinchine, tức thuộc Pháp. Trước kia hoàn toàn do người Khmer sinh sống. Sau này đất này trở thành đất của VN.

Vùng đất giữa hai sông Vàm cỏ (Mỏ vẹt) thực tế là đất Khmer, mở ra tới biển (Bà rịa). Đất này được Pháp phân định lại (nói ở trên), ½ thuộc Miên, ½ thuộc VN. 


Khi Pháp rút đi, VN lại được “quốc tế công pháp” giúp đỡ. Nguyên tắc “Uti possidetis” được áp dụng. Uti possidetis có nghĩa là trước khi độc lập đất đó do VN quản lý thì sau khi độc lập VN được quyền giữ những vùng đất đó. 


Tóm lại tôi tôn trọng tinh thần “bài Pháp” của tác giả. Nhưng sự thật là sự thật. Đường biên giới Việt Nam - Campuchia 100% do Pháp xác lập.


Người học giả không thể để tinh thần bài ngoại chế ngự lương tâm và lý trí của một người làm công tác khoa học.

 

Tham khảo thêm các bài: https://docs.google.com/document/d/1y6Kkak1jw0DbDKaAK9PZacOMDmALLJv3LA630IvC7oI/edit?usp=sharing


https://docs.google.com/document/d/0B1VpyrsXE_OuRi0weDFHYTYzRTA/edit?usp=sharing&ouid=109500652293285319122&resourcekey=0-1yryTT8Qmlf348LsDP37sA&rtpof=true&sd=true

http://nhantuantruong.blogspot.com/2015/07/tranh-chap-lanh-tho-vn-kampuchia-khu.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.