lundi 10 janvier 2022

Bao giờ "tới" Hoàng Sa ?

 

Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, luật quốc tế dành quyền cho một quốc gia khả năng đòi lại những vùng lãnh thổ bị "cướp" mất. Nhưng luật cũng qui định, một quốc gia không thể yêu sách (về quyền) ở một vùng lãnh thổ mà quốc gia này đã nhìn nhận nó thuộc chủ quyền của quốc gia khác.

Chuyện Tưởng Giới Thạch ngồi vào bàn hội nghị Cairo tháng 11 năm 1943 với lãnh đạo hai đại cường Mỹ và Anh, Theodore Roosevelt và Winston L.S. Churchill, về các điều kiện để lãnh tụ phe Quốc dân đảng tuyên bố chiến tranh với Nhật. Nội dung Tuyên bố Cairo công bố chính thức ngày 1 tháng 12 năm 1945. Tưởng Giới Thạch cho rằng Mãn châu, Đài loan, Bành hồ là những lãnh thổ của Trung hoa đã bị Nhật "cướp" đi. Điều kiện để họ Tưởng "tuyên bố chiến tranh" là các vùng đất này phải trả lại cho Trung hoa.

Thực tế là nhà Thanh thua Nhật trong chiến tranh (cuộc hải chiến ngoài cửa sông Áp lục) do đó phải ký hiệp ước Shimoniseki 1895 "nhượng vĩnh viễn" chủ quyền Đài loan và Bành hồ cho Nhật.

Hai hành vi : 1/ "Trung hoa nhượng Đài loan và Bành hồ cho Nhật"  và 2/ "Nhật "cướp" Đài loan và Bành hồ của Trung hoa" hoàn toàn đối nghịch với nhau. Hiệp ước Shimonoseki có thể là một hiệp ước "bất bình đẳng" nhưng nói rằng Nhật đã "cướp" Đài loan và Bành hồ của Trung hoa là không đúng với thực tế.

Nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn khẳng định "Mãn Châu, Đài loan, Bành hồ..." là những vùng lãnh thổ của Trung hoa đã bị Nhật "ăn cướp".

Nguyên văn Tuyên bố Cairo, phần liên quan: "...all the territories Japan has stolen from the Chinese, such as Manchuria, Formosa, and the Pescadores, shall be restored to the Republic of China."

Bản tuyên bố sử dụng nguyên văn chữ của Tưởng Giới Thạch: "stolen", tức ăn cướp (cắp).

Vì sao họ Tưởng nói như vậy ?

Đơn giản là vì họ Tưởng "làm theo luật". Người ta chỉ có thể đòi lại tài sản của mình chỉ khi tài sản này bị kẻ khác "cướp" mất.

Còn nếu nói rằng Đài loan, Bành hồ là "nhượng địa" theo hiệp ước Shimonoseki thì các đại cường này không có lý do nào để tước bỏ chủ quyền từ Nhật.

Trở lại vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa trên thực tế có hai  cách nhìn.

Cách thứ nhứt, ý kiến của thiểu số (và thiểu số này sắp suy tàn) là HS của VN bị TQ "ăn cướp" vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974. 

Cách thứ hai , lập trường của đa số và chính thống. Hoàng Sa và Trường sa là các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của TQ. VNDCCH đã nhìn nhận thực tế này qua "văn kiện ngoại giao", còn gọi là "công hàm Phạm văn Đồng 1958".

Trên quan điểm thứ nhứt, của VNCH, tức của phe thiểu số và đang suy tàn. Việt Nam vẫn còn giữ được "quyền" đòi lại các vùng lãnh thổ đã bị TQ "ăn cướp" vào năm 1974.

Quan điểm chính thống hiện nay, CHXHCNVN là pháp nhân "tiếp nối" VNDCCH, VN không còn bất cứ một "quyền" nào để yêu sách các vấn đề liên quan đến chủ quyền (hay hải phận, thềm lục địa...) Hoàng Sa (và Trường sa).

Nhiều lần TQ cho rằng VN đã bị mất tố quyền (estoppel), tức VN không còn bất cứ quyền nào để lên tiếng yêu sách, hay kiện tụng TQ trước một tòa án quốc tế. Lần cuối cùng là công hàm ngày 17 tháng tư năm 2020 của TQ gởi Ủy ban ranh giới Thềm lục địa (thuộc LHQ).

Nội dung công hàm TQ cho rằng "VN đã phạm Estoppel vào thập niên 70". TQ dẫn công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng cho thấy VN đã nhìn nhận và ủng hộ các tuyên bố của TQ về chủ quyền lãnh thổ và hải phận của họ.

Sự "im lặng" của VN từ đó đến nay cho thấy VN đã bị estopped.  VN đã không còn lý lẽ phản biện lại.

Nhưng luật quốc tế còn có khoản về "kế thừa quốc gia". Tức là CHXHCNVN hiện nay vẫn còn có thể "kế thừa" VNCH đồng thời đứng trên lập trường của VNCH để yêu sách chủ quyền HS (và TS).

Quyền thừa kế của CHXHCNVN có thể sẽ bị mất đi, vì yếu tố "thời gian - ratio temporis".

Vì vậy từ nay, thay vì lặp đi lặp lại câu vô nghĩa "sang năm tới Hoàng Sa". Mọi người nên làm áp lực để nhà nước CHXHCNVN "thừa kế" di sản của VNCH.

Người ta ăn cướp của mình thì mình còn (hy vọng) "sang năm tới Hoàng Sa". Nhưng khi mình "công nhận rằng cái lãnh thổ đó thuộc chủ quyền của người khác" thì sẽ không bao giờ có ngày "tới Hoàng sa" hết cả


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.